Kính vạn hoa - Tập 26 - Tiết mục bất ngờ

Chương 8


Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 26 – Tiết mục bất ngờ – Chương 8


Chương 8
Xuyến Chi không nhó lơ còn đỡ, nó vừa quay mặt sang bên trái, đã gặp ngay thằng Dưỡng.
Dưỡng cười hề hề:
– Xuyến Chi con! Bây giờ tới tiết mục gì nữa vậy? Xuyến Chi nghiêm mặt:
– Tôi không giỡn với bạn à nghen!
Dưỡng nhăn nhở:
– Cha cũng đâu có giỡn! Cha hỏi thật chớ bộ! Xuyến Chi nghiến răng:
– Bạn muốn gì đây?
Cuộc chiến tranh đang có nguy cơ bùng nổ giữa Dưỡng và Xuyến Chi thì may làm sao, nhỏ Hạnh đã kịp thời can thiệp:
– Thưa các thầy cô, thưa các bạn! Sau đây bạn Quý sẽ đọc cho chúng ta nghe một bài thơ
về lớp 8A4 thân thương…
Lời giới thiệu của nhỏ Hạnh khiến cả lớp đang ồn ào chợt im phắt. Đã hơn mười ngày nay, tụi bạn nghe “thi sĩ Bình Minh” tuyên bố sẽ viết một bài thơ về lớp 8A4 nhưng chẳng ai biết nó viết gì. Ngay cả tụi bạn cùng tổ, thậm chí thân thiết như Tiểu Long và nhỏ Hạnh, dò hỏi đến khản cổ, thi sĩ nhà ta vẫn không chịu hé răng.
Quý ròm khoan thai tiến lên bục, tay cầm tờ giấy, trịnh trọng hắng giọng:
– Kính thưa các thầy các cô, thưa các bạn, nhân dịp kết thúc năm học, em xin đọc một bài
thơ viết về lớp học của chúng ta…
Hải quắn vọt miệng:
– Bài “Lớp em ca hát thật là hay ho…” chứ gì?
– Đây là bài khác! – Quý ròm vẫn điềm tĩnh – Bài thơ này có thể không hay, nhưng dù sao cũng ghi dấu một kỷ niệm…
Tiểu Long quay sang nhỏ Hạnh:
– Này, thằng ròm mắc cái tật dài dòng tự bao giờ thế nhỉ?

Đỗ Lễ nói lớn:
– Thôi, giới thiệu thế đủ rồi! Đề nghị thi sĩ Bình Minh đọc thơ đi!
Nhiều cái miệng nhao nhao hùa theo:
– Đúng rồi đó! Đọc thơ đi!
Quý ròm đưa tờ giấy lên sát mắt, từ tốn:
– Bài thơ này có tên là Chị Hằng.
– A ha! – Quới Lương bô bô – Thi sĩ Bình Minh làm thơ tặng người đẹp Lệ Hằng mà dám bảo là viết về lớp mình hả!
Lệ Hằng đỏ mặt quay ra sau:
– Bạn Quới Lương có biết giữ mồm giữ miệng là gì không vậy?
Lời bình luận của Quới Lương khiến Quý ròm thoáng lúng túng. Nó khẽ hắng giọng hai ba cái rồi không dám kéo dài thời gian, sợ tụi “tứ quậy” ăn nói vung vít, nó lập tức lấy hơi đọc:
– Anh Em Khuyên Hạnh Quý Long Vương – Dung Ngọc Như Hoa Lâm Mỹ Lương…
Quý ròm mới đọc có hai câu, tụi bạn đã nghệt mặt. Quỳnh Như liếc Lan Kiều:
– Thơ gì kỳ vậy hở Lan Kiều? Lan Kiều khẽ lắc đầu:
– Mình cũng không rõ! Đợi Quý đọc hết cả bài xem sao!
Nhưng ngay cả khi “thi sĩ Bình Minh” đọc nốt hai câu cuối:
– Bá Đạo Linh Hà Cung Lễ Hải – Tần Kiều Ân Dưỡng Phước Hòa Quang
Nhỏ Lan Kiều vẫn ngơ ngác lẩm bẩm:
– Thơ của Quý khó hiểu ghê!
Đỗ Lễ không lẩm bẩm như Lan Kiều. Nó đứng bật dậy, oang oang chất vấn:
– Thơ gì mà “dung ngọc như hoa”, “bá đạo linh hà”, tụi này chả hiểu gì cả! Lại có gì gì “Lâm Mỹ Lương” nữa! Nếu là “Lê Mã Lương”, tụi này còn biết là ai, chứ “Lâm Mỹ Lương” thì chịu!

Nhỏ Vành Khuyên chớp mắt hỏi:
– Hình như bạn Quý làm thơ bằng chữ Hán phải không? Nếu vậy thì bạn phải dịch sang tiếng Việt cho bạn bè hiểu chứ!
– Đây không phải là thơ chữ Hán! – Quý ròm chưa kịp đáp, tiếng thằng Lâm đã vang lên – Nếu là thơ chữ Hán chắc chắn sẽ không có câu “Anh em khuyên Hạnh quý Long Vương”. Chỉ có điều câu thơ này hình như không chính xác!
Nhỏ Vành Khuyên nhíu mày:
– Không chính xác là sao?
– Nếu câu thơ viết “Anh em khuyên Hạnh quý Minh Vương” thì còn có ý nghĩa, vì Minh Vương ở ngay đây, chứ khuyên Hạnh quý Long Vương thì Hạnh biết Long Vương ở đâu mà tìm!
Nói xong, Lâm nhe răng ra cười hì hì. Trong lớp, ba bốn đứa lập tức cười theo. Quới Lương còn khoái chí đến mức thò tay vào ngăn bàn gõ thùng thùng.
Minh Vương là tổ trưởng của Lâm, nhưng trước lối đùa cợt bặm trợn của thằng này, nó chỉ biết quay mặt nhìn đi chỗ khác, ra vẻ ta đây vừa rồi chả nghe thấy gì cả.
Ở trên sân khấu, nhỏ Hạnh vẫn thản nhiên. Nó đưa mắt nhìn khắp lớp và thủng thỉnh nói:
– Bài thơ của Quý chẳng phải là thơ chữ Hán, và thực ra cũng chẳng có một ý nghĩa nào cả…
Nhỏ Hạnh mới nói đến đó, Quốc Ân đã vọt miệng cắt ngang:
– Thơ chẳng có ý nghĩa thì đọc lên làm gì! Nhỏ Hạnh điềm tĩnh giải thích:
– Tuy chẳng câu thơ nào có ý nghĩa nhưng toàn bài thơ lại có một ý nghĩa rất lớn.
Dưỡng nhấp nhổm trên ghé:
– Đề nghị bạn nói rõ một tí đi! Nói thế có thánh họa may mới hiểu!
– Tôi sẽ nói rõ ngay đây!
Nhỏ Hạnh gật đầu và lại gần Quý ròm, cầm lấy tờ giấy trên tay bạn, rồi quay xuống dưới:
– Mỗi chữ trong bài thơ này là một tên người. Và toàn bộ bài thơ được ghép bằng tên của tất cả các bạn trong lớp…
Nhỏ Hạnh quả thông minh siêu đẳng. Mặc dù Quý ròm giữ bí mật đến phút chót, nhưng chỉ nghe thoáng qua là nó đã khám phá ngay ra ẩn ý của bài thơ.

Cả lớp lập tức “ồ” lên.
Nhỏ Tú Anh thích thú:
– À, thế ra chữ “Anh” trong câu thơ đầu tiên tức là Tú Anh đấy! Nhỏ Kim Em cũng tươi hơn hớn:
– Còn “Em” đích thị là tên mình rồi!
Đỗ Lễ oang oang:
– Bây giờ tôi mới hiểu tại sao “Anh em khuyên Hạnh quý Long Vương”. Thì ra đó là Quý ròm, Tiểu Long và Minh Vương! Hà hà!
Thấy tụi bạn nhao nhao tìm têm mình trong bài thơ, lại còn hăng hái giải thích giùm tác giả, Quý ròm cười tít mắt. Nhưng Quý ròm sung sướng nhất là khi nhìn xuống những dãy bàn đầu, nó thấy các thầy cô ai nấy đều gật gù vẻ tán thưởng.
Nhưng Quý ròm chưa rời sân khấu ngay được. Nó vừa dợm chân, ba bốn cái miệng đã tranh nhau đề nghị:
– “Thi sĩ Bình Minh” đọc lại bài thơ lần nữa đi!
– Ừ, đọc lại đi! – Hải quắn nhăn nhó – Tao chẳng thấy tên tao đâu cả!
Quý ròm đanh phải đọc lại bài thơ một lần nữa.
Hải quắn dỏng tai nghe. Khi Quý ròm đọc đến câu “Bá Đạo Linh Hà Cung Lễ Hải” thì nó toét miệng cười:
– Ờ, ờ, bây giờ thì thấy rồi!
Mấy đứa khi nãy chưa kịp nhận ra tên mình bây giờ cũng lần lượt reo lên:
– Ờ, tao cũng thấy rồi!
– Tao cũng thế! Tên tao ở tuốt sau đuôi nên lúc nãy tao nghe không ra!
Chỉ có Lệ Hằng và Xuyến Chi là ngơ ngác:
– Ơ, tên của Lệ Hằng đâu?
– Ừ, trong bài thơ cũng chẳng hề có tên Chi
Bài thơ của Quý ròm là loại thơ bốn câu, mỗi câu bảy chữ, tổng cộng hai mươi tám chữ, do đó chỉ ghép được hai mươi tám tên người. Nhưng khổ nỗi, lớp 8A4 của nó lại có tới ba mươi học sinh. Túng thế, thi sĩ nhà ta bèn giải quyết nạn “dư thừa dân số” bằng cách đưa tên Lệ Hằng và Xuyến Chi lên “tạm trú” ở nhan đề bài thơ.
Lệ Hằng không nhớ điều đó nhưng Quới Lương nhớ. Nó cười hề hề:
– Tên của bạn Lệ Hằng nằm chình ình trên đề bài, lại còn được tác giả kêu bằng chị, tụi này không khiếu nại thì thôi, bạn còn khiếu nại lôi thôi gì nữa!
Lệ Hằng lỏn lẻn:
– Ờ há! Thế mà Lệ Hằng quên mất!

– Nhưng còn tôi! – Thấy Lệ Hằng tìm được danh tính, còn mình thì chưa, nhỏ Xuyến Chi sốt ruột – Quý giấu tên tôi ở đâu thế?
Quý ròm gãi đầu:
– Tên bạn hở? Tên bạn thì… thì…
Xuyến Chi xịu mặt:
– Khi làm bài thơ này, bạn quên mất tôi chứ gì?
– Không phải! – Quý ròm rối rít thanh minh – Tên bạn vẫn có trong bài thơ đó chứ!
– Chỗ nào đâu? – Nhỏ Xuyến Chi ngẩn tò te – Sao tôi không thấy?
– Ở ngay trong đề bài ấy!
– Làm gì có! Đề bài chỉ có mỗi mội “chị Hằng” kia mà?
– “Chị” tức là “Chi” đấy! – Quý ròm lúng túng giải thích.
– “Chị” sao lại là “Chi” được! – Xuyến Chi vùng vằng – Tên bạn nào Quý cũng ghi đúng, riêng tên tôi Quý tự dưng thêm vào dấu nặng, tôi không chịu đâu! Quý ròm nhăn nhó.
– Nhưng nếu đặt tên bài thơ là “Chi Hằng” thì không có nghĩa gì cả! – Rồi thấy Xuyến Chi vẫn chưa nguôi giận dỗi, Quý ròm hạ giọng năn nỉ – Thôi, bạn chịu khó một chút đi mà! Bạn là lớp trưởng phải biết… hy sinh cho tập thể chứ!
Điệu bộ cầu khẩn của thi si nom đến tội, nếu không có các thầy cô ngồi trước mặt, chắc nó đã chắp tay lạy Xuyến Chi rồi.
– Thôi, bạn Xuyến Chi đừng thắc mắc làm gì cho mệt! – Giọng thằng Lâm đột ngột vang lên – Phong cách của “thi sĩ Bình Minh” xưa nay vậy! Lúc làm bài thơ về cách tìm tỉ số lượng giác của góc nhọn, thi sĩ dám viết “chia đối” thành “chia đôi”, rồi giảng “đôi” tức là “đối”, thì nay thi sĩ viết “Chi ” thành “Chị” rồi bắt người đọc phải hiểu “Chị” là “Chi”, điều đó có gì lạ đâu!
“Thi sĩ Hoàng Hôn” khuyên giải Xuyến Chi nhưng rõ ràng là nhằm chế giễu “tài năng thơ” của “thi sĩ Bình Minh”. Quý ròm biết thừa điều đó nên mặc dù cuối cùng Xuyến Chi đã chịu rút lại lời khiếu nại và hậm hực ngồi xuống, nó vẫn chẳng thấy khoái trá tẹo nào. May mà cô Trinh đã kịp đứng lên. Cô đứng lên, đưa mắt nhìn khắp lớp và chậm rãi nói:
– Theo cô thì bài thơ vừa rồi của Quý rất có ý nghĩa. Đó là một bài thơ độc đáo. Cô nghĩ các em nên chép bài thơ này vào tập và học thuộc. Mai này lớn lên, dù mỗi người tản mác một phương, khi đọc bài thơ này lên, các em sẽ hình dung ra được từng khuôn mặt bạn bè của lớp 8A4 thân thương…
Lúc khám phá ra sự đặc biệt trong bài thơ của Quý ròm, tụi bạn chỉ thấy là lạ, và khoai khoái vì thấy có tên mình trong đó. Bây giờ nghe cô chủ nhiệm giảng giải, tụi nó mới cảm nhận hết giá trị của bài thơ. Vì vậy, cô vừa nói xong, cả lớp liền vỗ tay rần rần:
– Đúng rồi đó! Quý đọc lại lần nữa cho bọn mình chép đi!
– Đọc đi, “thi sĩ Bình Minh”!
– Đọc chầm chậm thôi nhé!
Quý ròm sướng rơn. Nó không ngờ cô Trinh đánh giá bài thơ của nó cao vòi vọi như thế. Cái tầm cao đó, thú thật là nó cũng không hề nghĩ tới khi sáng tác bài thơ “lắp ghép” này.
Mặt mày hí hửng, Quý ròm định làm theo yêu cầu của tụi bạn. Nhưng nhỏ Hạnh đã kịp cắt ngang:
– Bài thơ này, lát nữa Quý sẽ đọc cho các bạn chép. Bây giờ để chương trình văn nghệ không bị ngắt quãng quá lâu, đề nghị các bạn giữ trật tự để thưởng thức một hoạt cảnh vô cùng vui nhộn do tổ 2 và tổ 5 biểu diễn…


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.