Kính vạn hoa - Tập 20 - Anh và em

Chương 1


Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 20 – Anh và em – Chương 1


Chương 1
Nhỏ Diệp mở mắt ra, giật mình thấy bên ngoài cửa sổ, trời đã sáng bạch. Những tia nắng sớm nhấp nháy trên cành mận sau vườn như đang cười trêu nó. Đánh mắt sang hai chiếc giường bên cạnh, chẳng thấy anh Vũ và anh Quý đâu, nó càng hoảng:
– Chết rồi! Kiểu này thì trễ học mất!
Nhỏ Diệp nhìn lên đầu giường nhưng chẳng thấy chiếc đồng hồ báo thức mọi hôm. Nó luống cuống ngồi dậy, thò chân xuống đất sờ soạng tìm dép. Nhưng khi xỏ dép vào chân rồi nó lại uể oải ngồi thừ ra. Bây giờ nó mới phát hiện ra có điều gì bất ổn đang xảy ra với nó. Tay chân nó bỗng chốc nặng chịch như đeo đá, còn đầu thì nhức như búa bổ.
– Sao thế nhỉ? – Nhỏ Diệp hoang mang đưa tay bóp trán – Hay là mình đã ốm?
Đang bần thần nghĩ ngợi, sực nhớ đến lớp học, nhỏ Diệp lại quýnh lên. Như có một sức mạnh vô hình tiếp sức, nó bật dậy khỏi mép giường và lần ra cửa.
Buổi sáng, nhà vắng tanh vắng ngắt. Ba đi dạy, mẹ đi làm. Anh Vũ và anh Quý đi học. Chỉ còn mỗi bà ở nhà. Nhưng nhỏ Diệp chả thấy bà đâu. Có lẽ bà đi chợ, cũng có thể bà đang loay hoay đằng sau bếp.
Nhỏ Diệp lo lắng lần ra phòng khách và thấp thỏm nhìn lên chiếc đồng hồ quả lắc trên tường. Và nó bỗng méo xệch miệng: Kim đồng hồ đang chỉ chín giờ. Điều đó có nghĩa là nó chẳng còn hy vọng gì đến trường nữa. Đến trễ mươi, mười lăm phút, họa may thầy Nhãn còn cho vào học, chứ lò dò đến lớp sau hai tiếng đồng hồ thế này chỉ có nước lên Văn phòng Ban Giám hiệu ngồi chờ thầy giám thị hỏi tội.
Đang lo ngay ngáy, nhỏ Diệp bỗng nghe tiếng bà dịu dàng vang lên bên tai:
– Cháu đã dậy rồi đấy à?
Nó quay lại, thấy bà tay bưng ly sữa đang từ nhà bếp đi lên, mắt nhìn nó âu yếm.
Tấm tức nãy giờ chưa biết trút vào đâu, vừa trông thấy bà, đôi mắt nhỏ Diệp liền ngân ngấn nước:
– Bà ơi! Sáng nay bà chẳng chịu gọi cháu dậy gì hết!
Nghe giọng giận dỗi của cô cháu gái, bà mỉm cười hiền lành:
– Bà có gọi đấy chứ! Nhưng cháu có chịu dậy đâu!
Nhỏ Diệp phụng phịu:
– Cháu không chịu dậy thì bà phải nắm chân cháu kéo thật mạnh vào chứ! Bà không chịu kéo chân, sáng nay cháu phải nghỉ học mất một buổi rồi đấy!

Bà gật đầu:
– Có! Bà có định kéo chân cháu, nhưng mẹ cháu ngăn lại. Mẹ cháu bảo cứ để cho cháu ngủ!
– Thật thế hở bà? -Nhỏ Diệp ngạc nhiên – Sao mẹ cháu lại làm thế nhỉ?
– Chả có gì khó hiểu đâu! Bà giải thích – Tại vì hôm nay cháu ốm! Cháu đưa tay sờ trán thử xem, có phải là trán cháu đang hâm hấp không?
Nhỏ Diệp đưa tay sờ trán, môi mím lại:
– Cháu chả thấy hâm hấp gì cả, chỉ thấy nhức đầu thôi!
– Ừ, nhức đầu tức là ốm nặng lắm đấy! Bà nói, rồi đưa ly sữa trên tay cho cháu, miệng giục:
– Này, cháu uống ly sữa này đi!
– Cháu không uống đâu! -Nhỏ Diệp nhăn mặt – Trước nay bà chẳng biết cháu ghét uống sữa nhất hạng là gì!
– Nhưng đó là lúc cháu khỏe mạnh. Còn bây giờ cháu đang ốm. Đã ốm thì phải uống sữa. Ai cũng thế cả!
Nhỏ Diệp vẫn không chịu cầm ly sữa. Đã thế, lại cãi:
– Đó là bà nói thôi! Cháu học ở trường, thấy tục ngữ nói “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Uống thuốc chứ không phải uống sữa bà ạ!
– Này, này! – Bà cung tay – Cháu lại bắt chước thằng anh ròm bướng bỉnh của cháu giở chữ nghĩa ra với bà hả? Cháu phải biết là ngay cả ba cháu lúc còn bé, mỗi lần ốm cũng phải uống sữa một phép với bà đấy!
Thấy bà đem ba ra làm bằng chứng, nhỏ Diệp thôi vùng vằng. Nó đưa tay cầm lấy ly sữa nhưng mắt lại nhìn bà:
– Chỉ uống một ly này thôi hở bà?
– Ừ, chỉ một ly này thôi!
Sau đó là uống thuốc!

Nhỏ Diệp chỉ ngán uống sữa thôi, còn thuốc thì nó không sợ. Ngay từ bé, nó đã tự mình uống thuốc, mẹ không phải khô giọng dỗ dành hoặc nhét viên thuốc vào giữa quả chuối để đánh lừa nó uống như từng làm với anh Quý nó.
Nhỏ Diệp kê ly sữa vào miệng nhắp từng ngụm nhỏ, mặt mày nhăn nhó. Vẻ đau khổ của nó khiến bà tức cười nhưng cố nén, miệng không ngớt động viên:
– Cố lên cháu! Chỉ còn nửa ly nữa thôi!
Nếu có ai tình cờ nhìn thấy cảnh này ắt sẽ tưởng cái ly mà nhỏ Diệp đang sợ hãi đưa lên môi kia không phải là ly sữa ngọt mà một ly cà phê không đường vậy.
Lâu thật lâu, nhỏ Diệp mới uống xong. Nó thở phào đặt chiếc ly rỗng xuống bàn, mặt rạng rỡ:
– Cháu đã uống hết rồi đấy nhé !
– Ừ, cháu bà giỏi lắm! – Bà vui vẻ khen – Để bà đi lấy thuốc cho cháu uống!
– Chết rồi, bà ơi!
Nhỏ Diệp đột nhiên la hoảng khiến bà vừa dợm bước đã phải dừng phắt lại:
– Gì thế cháu?
Nhỏ Diệp nhìn bà bằng ánh mắt bồn chồn:
– Sáng nay cháu nghỉ học nhưng không xin phép!
– Cháu làm sao thế? – Bà nheo mắt – Cháu quên ba cháu là thầy giáo của trường Họa Mi rồi sao?
Câu nói của bà khiến nhỏ Diệp sực tỉnh. Mải lo lắng, lại vừ khổ sở vì ly sữa, nó quên bẵng ba nó là giáo viên của trường nó học. Nó ốm, dĩ nhiên ba nó sẽ xin phép cho nó. Vậy mà nãy giờ nó cứ lo vớ lo vẩn.
Nhỏ Diệp cười lỏn lẻn:
– Ừ nhỉ! Tự dưng cháu quên béng đi mất!

Nhưng nhỏ Diệp không chỉ quên có mỗi chuyện đó. Nó còn “quên béng” nhiều chuyện khác nữa.
Trưa, Quý ròm đi học về rút từ trong túi áo đưa cho nó một cây bút chì màu, nói:
– Trả cho mày nè!
Nó thô lố mắt:
– Anh mượn của em hồi nào mà trả?
– Lâu rồi!
– Lâu rồi là hồi nào?
Quý ròm khụt khịt mũi:
– Khoảng sáu tháng trước, tao có lén lấy cây bút chì này của mày nhưng sau đó lại đánh mất!
Rồi nhìn vẻ mặt ngơ ngác của nhỏ em, Quý ròm nói tiếp:
– Có thể mày đã quên, nhưng tao thì tao vẫn nhớ!
Nói xong, Quý ròm lại lúi húi lục cặp lôi ra một thanh sô-cô-la. Nó đặt thanh kẹo vào tay nhỏ Diệp:
– Cả cái này nữa, tao cũng trả cho mày!
Nhỏ Diệp nhìn sững thanh kẹo trong tay, ngẩn ngơ:
– Thanh sô-cô-la này, anh cũng lấy của em hồi sáu tháng trước hả?
– Không! – Quý ròm gãi cổ – Thanh kẹo này, tao đánh cắp của mày từ…năm ngoái lận!
Sự tử tế đột xuất của ông anh làm nhỏ Diệp tròn xoe mắt. Nó nghi hoặc hỏi:
– Thế sao trước nay anh chẳng nói gì, bây giờ lại tự động mua trả?
– Trước giờ tao quên khuấy đi mất, bây giờ mới…nhớ ra!
Quý ròm ngập ngừng giải thích. Nó định thú thật là sáng nay thấy nhỏ Diệp sốt nắm mê man, nó thấy tội tội, rồi nhớ đến những “tội lỗi” trước nay đã từng gây ra, nó thấy lương tâm cắn rức quá xá, bèn nghĩ ra cách để chuộc tội. Nhưng cuối cùng Quý ròm đã nói trớ đi.

Từ xưa đến giờ Quý ròm không quen phơi bày tình cảm ra trước mặt người khác. Thứ tình cảm “yếu đuối” như lúc này, nó càng giấu biến. Chỉ nghĩ đến thôi, nó đã thấy ngường ngượng, huống hồ nói ra miệng.
Quý ròm biết là mình rất thương em, cũng như nhỏ Hạnh thương thằng Tùng và Tiểu Long thương nhỏ Oanh em nó. Nhưng thương là một chuyện, còn thể hiện tình thương đó như thế nào thì Quý ròm không biết cách. À quên, Quý ròm có biết một cách! Đó là chỉ cho nhỏ Diệp làm toán và luôn miệng quát mắng “Mày là đồ ngốc”! Tất nhiên cái cách thể hiện tình thương đầy bão táp này của nó thường làm nhỏ Diệp nếu không khóc thét thì cũng sì sà sì sụt hằng buổi.
Nhưng đó là nói trước đây kia, còn bây giờ Quý ròm đã “tiến bộ” hơn nhiều. Nó đã biết bày tỏ tình thương bằng cách mua đền cho nhỏ Diệp những thứ nó đã đánh thó của cô em từ thời xa xửa xa xưa, xa đến mức khi nó lần lượt hăm hở đưa trả, nhỏ Diệp có bóp móp cả trán cũng không tài nào nhớ nổi.
Đến khi Quý ròm móc túi lấy ra con hươu cao cổ bé cỡ cục gôm, tết bằng chỉ màu, thì nhỏ Diệp xua tay:
– Thôi, anh đưa em làm gì mà lắm thế!
Quý ròm khụt khịt mũi:
– Con hươu cao cổ này năm xưa tao giật của mày mà!
Nhỏ Diệp cười khì:
– Nhưng đó là đồ chơi hồi
– Thôi, anh đưa em làm gì em còn bé, bây giờ em không thích nữa!
– Mày không thích nữa thì thôi!
Vừa nói Quý ròm vừa sung sướng cất con hươu vào lại trong túi áo. Rồi nó nhìn nhỏ Diệp:
– Mày đã hết sốt chưa?
– Em đã hết sốt. Nhưng đầu vẫn còn nhưng nhức.
Quý ròm thận trong áp tay lên trán em, giọng ái ngại:
– Hết sốt đâu mà hết sốt! Tao vẫn thấy đầu mày nong nóng đây nè!
Nhỏ Diệp chép miệng:
– Bà bảo uống hai lượt thuốc nữa đến chiều em sẽ khỏe.
– Ờ! Bà nói đúng đấy! – Quý ròm gật đầu, ngạc nhiên nhận thấy giọng mình dịu dàng một cách khác thường – Thế nào đến chiều mày cũng sẽ khỏe lại!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.