Kính Vạn Hoa - Tập 18 -Cuộc so tài vất vả

Chương 9


Đọc truyện Kính Vạn Hoa – Tập 18 -Cuộc so tài vất vả – Chương 9


Chương 9
Keo thứ ba, phe Quý ròm cố “gỡ một bàn danh dự”. Bốn đứa xúm lại bàn tính sôi nổi, quyết nghĩ cho được một cái nghề thật hóc hiểm, nếu không hơn thì cũng ngang ngửa với những cái nghề đối phương vừa đưa ra.
Nhưng nghĩ mãi, nghĩ mãi, bọn Quý ròm vẫn chỉ nhớ được những nghề nghiệp quen thuộc như giáo viên, tài xế, phi công, thợ hồ, thợ mộc, ca sĩ, kịĩ, v.v… Mà những thứ nghề ai cũng biết này chắc chắn chả gây khó dễ cho tụi thằng Thái nổi.
Mạnh hiến kế:
– Hay mình nêu ra nghề thợ lặn!
Quý ròm lắc đầu:
– Không ăn thua gì đâu!
– Sao lại không ăn thua! – Mạnh liếm môi – Biết đâu tụi nó chả nhầm thợ lặn với vận động viên bơi lội!
– Nói như mày! – Quý ròm “xì” một tiếng – Thằng Thái phe tụi nó đâu phải là đứa khù khờ như mày! Nó chỉ cần làm động tác mang chân vịt và đeo bình dưỡng khí trước khi nhào xuống nước là lộ ngay tắp lự!
– Hay bảo tụi nó làm nghề giáo viên! – Tới phiên Tiểu Long “sáng kiến”.
– Mày đừng có điên! – Quý ròm nạt ngang – Dạy học là nghề dễ bắt chước nhất trên đời!
– Tao đã nói hết đâu! – Tiểu Long vẫn bình tĩnh – Tao nói là nói giáo viên dạy cấp một chứ bộ!
Quý ròm ngẩn người:
– Giáo viên dạy cấp một là sao?
Tiểu Long thu nắm tay quẹt mũi:
– Giáo viên dạy cấp một nghĩa là không phải giáo viên dạy cấp hai hay cấp ba! Nếu tụi nó đoán ra nghề giáo viên, mình bắt tụi nó phải nói rõ là giáo viên dạy cấp mấy, nếu tụi nó đáp đúngạy cấp một mới gọi là thắng!
Mưu kế của Tiểu Long không có gì ghê gớm lắm. Nhưng chả nghĩ được nghề nào hóc hiểm cỡ “nghề đẩy phụ” hay “nghề bán chỗ đứng”, Quý ròm và nhỏ Hạnh đành chấp nhận đề nghị của Tiểu Long. Quý ròm gục gặc đầu:
– Ừ, may ra lần này có thể khiến tụi nó lúng túng!

Nhỏ Hạnh băn khoăn đẩy gọng kính trên sống mũi:
– Nhỡ tụi nó không đồng ý thì sao?
– Không đồng ý chuyện gì?
– Thì chuyện dạy cấp một hay cấp hai đó! Nhỡ tụi nó bảo chỉ cần nói đúng nghề dạy học là thắng thì sao?
Nhưng băn khoăn của nhỏ Hạnh không kéo dài lâu. Khi Quý ròm nêu lên yêu cầu ngặt nghèo đó, thằng Thái gật đầu ngay:
– Được thôi! Muốn cấp một thì cấp một!
Thấy đối phương ung dung, chả tỏ vẻ gì lo lắng, bọn Quý ròm không khỏi chột dạ. Bốn cặp mắt trố lên hồi hộp xem thằng Thái tinh ranh này định xử trí “đề thi” hóc búa của tụi nó ra sao.
Thái xử trí rất đơn giản, nhẹ nhàng. Nó cúi nhặt một thanh củi nhỏ giả làm thước. Rồi nó nhịp nhịp “cây thước” lên gốc cây, hệt như thầy giáo nhịp thước lên bảng.
Bọn Tâm hô dán mắt vào Thái. Đếnhằng này sau một hồi nhịp tới nhịp lui “cây thước”, bất thình lình gõ đánh “cốp” vào một điểm trên “bảng” và hất hàm một cái, cả đám đồng loạt ngoác miệng đọc to:
– A!
Bọn Quý ròm chưa hết sửng sốt, Thái đã chỉ “cây thước” sang điểm khác. Và đám trẻ lại đồng thanh:
– Bê!
Cảnh tượng trước mắt khiến bọn Quý ròm đứa nào đứa nấy ngẩn tò te. Chúng như không tin vào mắt mình. Thằng Thái ma mãnh diễn tả vai thầy giáo lớp một xuất sắc đã đành, còn tụi nhóc kia sao cũng đóng vai học trò lớp một xuất sắc và phối hợp với “thầy giáo” nhịp nhàng thế không biết!
Khi lớp học trước mặt đọc đến chữ “dê” thì Quý ròm khoát tay, giọng xìu như bún:
– Thôi đủ rồi!
Nó chẳng buồn làm theo kế hoạch đã định nữa. Căn cứ vào diễn biến trước mắt, bắt đối phương xác định thằng Thái đang dạy cấp mấy là thừa, không khéo còn bị tụi nó cười vào mũi nữa không chừng!
Quý ròm quay sang Tiểu Long:
– Mày qua bên đó đi!

Mệnh lệnh bất ngờ của Quý ròm khiến Tiểu Long giật mình bước lui một bước, mặt nhăn như bị:
– Sao mày không đi?
Quý ròm nhún vai:
– Tao “dạy nghề” hai lần đều hỏng bét! Với những cái nghề kỳ cục của tụi nó, biết đâu mày diễn tả lại dễ hiểu hơn tao!
Mặt Tiểu Long thoáng vẻ phân vân. Quý ròm nói không phải không có lý. Chả phải Quý ròm thất bại liên tiếp hai keo rồi còn gì! Nhưng “siêu thông minh” như Quý ròm còn không hoàn thành nhiệm vụ, chậm chạp như mình làm sao kham nổi! Nghĩ vậy, Tiểu Long cứ chôn chân tại chỗ, mắt chớp lia chớp lịa.
Như đọc được lo lắng trong lòng bạn, nhỏ Hạnh động viên:
– Long cứ đi đi! Biết đâu Long chẳng làm nên chuyện!
Tiểu Long vẫn chẳng nhích chân. Nó chỉ nhích tay. Tay nó quẹt lia quẹt lịa muốn rớt cả mũi.
– Anh Long không đi thì để em đi cho! – Mạnh đột ngột lên tiếng.
Quý ròm quay phắt sang ông em:
– Mày đi?
Câu hỏi nhuốm vẻ nghi ngờ của ông anh làm Mạnh tự ái quá xá. Nó mím môi:
– Vâng, em đi! Và em sẽ cố diễn tả sao cho bất cứ ai cũng hiểu được!
Mạnh tuyên bố với vẻ long trọng. Nhưng mặc dù ông em nói chắc như bắt cua trong giỏ, cặp lông mày của Quý ròm vẫn nhăn tít:
– Mày nói khoác là tài!
Mặt Mạnh đỏ phừng:
– Thì anh cứ để em đi một lần đi!
Thấy thằng oắt bắt đầu giận dỗi, nhỏ Hạnh liền nhoẻn miệng cười:

– Quý cứ để cho Mạnh đi đi! Đằng nào phe mình cũng thua hai keo rồi, keo này có thua nữa cũng không sao!
– Thua sao được mà thua!
Mạnh hừ mũi, và như sợ các ông anh bà chị bất thần đổi ý, nó hối hả rảo bước về phía bọn Tâm hô đang đứng. Ở phía sau, Tiểu Long, Quý ròm và nhỏ Hạnh phấp phỏng đưa mắt nhìn theo.
Lần này chính Tâm hô “ra đề”. Đứng từ xa, bọn Quý ròm chả nghe được gì, chỉ hồi hộp quan sán phản ứng của Mạnh để đoán xem “đề thi” dễ hay khó mà thôi.
Và tụi nó bỗng thót bụng lại khi thấy Tâm hô vừa rỉ tai xong, thằng Mạnh lập tức đứng thộn mặt ra. Và sau khi choàng tỉnh, Mạnh bắt đầu tranh cãi. Quý ròm từng trải qua cảnh này nên nhìn thằng Mạnh hùng hổ vung tay vung chân và lắc đầu quầy quậy, nó đoán cái nghề Tâm hô bắt Mạnh diễn tả chắc “khó xơi” còn hơn xương… khủng long.
Và cũng như Quý ròm lúc nãy, sau một hồi hung hăng cãi cọ, phản đối, cuối cùng mạnh đành chịu khuất phục trước lời giải thích bao giờ cũng kèm theo những dẫn chứng từ thực tế của đối phương.
Quý ròm nhìn chòng chọc vào mặt Mạnh, lúc này đã lững thững quay lại phía đội nhà.
Cách các ông anh bà chị chừng ba thước, Mạnh đứng lại và nhìn mọi người bằng ánh mắt lo âu và nụ cười méo xẹo như báo điềm chẳng lành.
Và sau một thoáng đắn đo, Mạnh bắt đầu diễn tả cái nghề Tâm hô yêu cầu bằng cách xoè tay ra làm động tác như nhận tiền, sau đó nó từ từ oằn vai xuống rồi chậm chạp đứng thẳng người lên.
Tiểu Long dán mắt vào từng cử động của Mạnh, miệng reo khẽ:
– A, nghề khuân vác!
Quý ròm và nhỏ Hạnh cũng cảm nhận như Tiểu Long nên hai đứa đều nhanh chóng đồng tình:
– Ừ, rất giống nghề khuân vác!
Được hai bộ óc thông minh như Quý ròm và nhỏ Hạnh cùng lúc phụ hoạ không phải là chuyện ngày nào cũng xảy ra, vì vậy Tiểu Long như nở từng khúc ruột. Nó hăng hái giục:
– Thế mình nói ra cho tụi nó biết đi!
Nhưng nhỏ Hạnh đã làm Tiểu Long cụt hứng ngay tút xuỵt. Nó vỗ vỗ trán, giọng trầm ngâm:
– Giống nghề khuân vác thì quả có giống thật! Nhưng chẳng lẽ đối phương lại đưa ra một nghề đơn giản như thế?
sực nhớ ra:
– Ờ nhỉ! Nếu là nghề khuân vác thì mặt mày thằng Mạnh chẳng đến nỗi khó coi đến thế!
Sự hào hứng trong lòng Tiểu Long lập tức xẹp lép. Nó khụt khịt mũi, giọng buồn xo:
– Thế nếu không phải là khuân vác thì là nghề gì?

Nhỏ Hạnh tư lự:
– Có thể là nghề gánh nước mướn!
Quý ròm bổ xung:
– Cũng có thể đây là phu khiêng kiệu! Hệt như trong các bộ phim lịch sử ấy!
– Phim lịch sử là nói về chuyện thời xưa! – Tiểu Long ngoác miệng cãi – Thời bây giờ làm gì có kiệu mà khiêng?
– Nói vậy mà cũng nói! – Quý ròm hừ giọng – Lúc bắt đầu chơi, có bên nào giao hẹn chỉ giới hạn trong những nghề của thời nay đâu!
Nhưng cuộc tranh cãi giữa Tiểu Long và Quý ròm chẳng giải quyết được gì. “Nghề thời nay” hay “nghề thời xưa” mà bọn Quý ròm lần lượt nêu lên trước sự đồng ý dễ dãi của đối phương đều chung một số phận: chỉ nhận được những cái lắc đầu khoái trá của Tâm hô.
Đến khi nêu tất tần tật những nghề có thể nghĩ ra vẫn không trúng “đáp án”, bọn Quý ròm hết ham đoán tới đoán lui. Trong khi đó, Mạnh đứng đực giữa vòng tròn người, nhìn những nỗ lực vô vọng của các ông anh bà chi một cặp mắt cũng vô vọng không kém.
Và như không thể khác, cuối cùng Quý ròm nhìn thẳng vào mặt Tâm hô, thở hắt ra chán nản:
– Tụi tao chịu thua! Đó là nghề gì vậy?
Tâm hô cười khì:
– Nghề này tụi mày không biết đâu! Nghề cho thuê vai!
Câu trả lời của Tâm hô khiến Tiểu Long, Quý ròm và nhỏ Hạnh nghệt mặt. Nghề “bán chỗ đứng” đã kỳ cục, nhưng còn có thể hiểu được, còn nghề “cho thuê vai” thì không đứa nào có thể hình dung.
Tiểu Long nuốt nước bọt:
– Cho thuê vai là sao? Cho ai thuê?
Tâm hô tươi tỉnh:
– Cho những người mê bóng đá thuê!
Rồi thấy bọn Quý ròm vẫn giương mắt ếch lên nhìn, Tâm hô “e hèm” một tiếng rồi thong thả tiếp:
– Nghề này chỉ hoạt động ở các sân bóng đá, nhất là khi diễn ra những trận đấu đỉnh cao…
Theo lời Tâm hô thì trước những trận đấu nóng bỏng đó, rất nhiều người không mua được vé. Và những khán giả kém may mắn thường tìm cách lọt vào sân bằng cách trèo qua những bức tường bao quanh sân vận động. Nhưng tường vách do con người xây dựng nên thì cao, còn chân cẳng con người ta do trời sinh ra thì ngắn, do đó muốn leo quướng ngại vật này, những vị khán giả nhiệt tình một cách phi pháp kia chỉ có cách đứng trên vai người khác để lấy đà. Chín vì nhu cầu bất ngờ này mà rất nhiều ông nhóc đã nghĩ ra cái nghề độc đáo là nghề “cho thuê vai” để vừa giúp đỡ những người hâm mộ nền bóng đá nước nhà vừa kiếm tí tiền còm…
Tâm hô thuyết minh một tràng, vừa nói nó vừa minh hoạ bằng các động tác sinh động, kể cả cái động tác không được thanh nhã lắm là giơ tay “chưởng vào”… mông các vị khán giả to béo một cách quá đáng để giúp “thân chủ” có thể ì ạch nâng mình lên đầu tường, khiến bọn Quý ròm dù đang nẫu ruột vì nỗi buồn thua cuộc cũng phải phì cười.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.