Đọc truyện Kính Vạn Hoa – Tập 18 -Cuộc so tài vất vả – Chương 5
Chương 5
Phần thưởng cho phe chiến thắng trong trò chơi cướp cờ là một quả bóng mới toanh. Thằng Thái đại diện phe nó lên nhận giải, sau khi hớn hở đưa quả bóng vào sát mặt hôn một cái rõ kêu, hai tay giơ cao phần thưởng lên khỏi đầu quay vòng vòng tứ phía giữa tiếng hò reo vang dội của đồng bọn, y như Pelé lên nhận Cúp thế giới..
Đến lúc đó, bọn Quý ròm mới nhìn thấy chiếc bàn nhỏ đặt phần thưởng sau lưng anh Việt. Ngoài quả bóng vừa rồi, bọn trẻ còn nhìn thấy sắp hàng những nón, áo thể thao, những hộp kẹo, tập vở, cặp sách và đặt biệt là một quả cầu màu bạc lấp lánh.
Nhỏ Hạnh chả rõ quả cầu xinh xắn kia làm bằng chất liệu gì, nhưng thoạt nhìn nó đã rất thích, nhất là phía dưới quả cầu có những tua làm bằng kim loại mỏng nom rất đẹp mắt. Ban tổ chức treo quả cầu trên một cái giá đỡ, mỗi lần gió thổi qua, những thanh kim loại chạm vào nhau phát ra những âm thanh leng keng nghe thật vui tai.
Nhỏ Hạnh khều Quý ròm:
– Quý xem kìa! Quả cầu xinh quá!
– Ừ.
Thấy Quý ròm đáp bằng giọng hờ hững, nhỏ Hạnh nhăn mặt:
– Quý không thấy gì sao?
– Nghe thấy gì?
– Nhữếng leng keng phát ra từ quả cầu.
Quý ròm nghiêng tai một lát rồi gật gù:
– Ờ há! Nghe giống hệt tiếng reo của chiếc phong linh.
Nhỏ Hạnh chớp mắt:
– Hạnh thích lắm!
Lần này Quý ròm không thờ ơ nữa. Nó gật đầu:
– Ừ, tôi cũng thích!
Lúc này phe thằng Thái và phe Tô Hâm, à quên, phe Tâm hô đang bắt đầu thi tài trong một trò chơi mới.
Không cử dăm ba “đấu sĩ” ra đại diện như khi nãy, lần này toàn bộ gần hai chục đứa phe thằng Thái đều đồng thanh ngoác miệng hô, vừa hô vừa gục gặc đầu đánh nhịp:
– Con cua con cắn con cua cái
Con cua cái cạp con còng con.
Bọn Quý ròm chưa hiểu tụi này định làm gì mà “cắn” với “cạp” loạn cả lên thì phe Tâm hô đọc nối theo ngay:
– Con còng con cõng con còng cái
Con còng cái kẹp con cá con
Phe thằng Thái nhanh nhẩu tiếp:
– Con cá con kéo con cá cái
Con cá cái cấu con cóc con.
Lần này đối phương vừa đọc xong, phe Tâm hô liền nhao nhao phản đối:
– Không được! Con cá làm sao cấu con cóc được!
– Sao không được? – Phe thằng Thái cãi lại.
– Cá làm gì có tay mà cấu! Con cóc cấu con cá thì có!
– Nhưng con cóc cũng đâu có tay!
– Nhưng nó có chân!
– Chân đâu phải là tay!
Thấy cuộc tranh cãi giữa hai phe càng lúc càng trở nên loạn xị, anh Việt vội vàng can thiệp:
– “Cấu” hay “cào” gì cũng được! Trò chơi này chủ yếu tìm ra những từ có âm “cờ” chứ không cần chú trọng đến ý nghĩa thực tế!
Phe Tâm hô nghe vậy không cãi nữa, lấy hơi đọc:
– Con cóc con cào con cóc cái…
Lần này đến lượt phe thằng Thái khiếu nại:
– Không được! Chữ “cào” không được!
– Sao không được? Cũng âm “cờ” kia mà!
– Nhưng chữ đó không do nghĩ ra. Chữ “cào” này anh Việt nói trước, tụi mày học lỏm theo!
Phe Tâm hô liền đưa mắt về phía anh Việt, ý nhờ anh phân xử.
Anh Việt gãi đầu cười gượng:
– Thôi phe kia đã nói vậy, các em tìm chữ khác quách!
– Chữ khác thì chữ khác!
Tâm hô nói, và sau khi chụm đầu hội ý, tụi nó hí hửng oang oang:
– Con cóc con cỡi con cóc cái
Con cóc cái cưa con cọp con.
Thấy đối phương “dám” sáng tác ra hình ảnh con cóc cưa con cọp, phe thằng Thái ngứa tai không thể tả. Bọn nó tính ngoác mồm trả đũa nhưng sực nhờ lời giải thích vừa rồi của anh Việt, cả bọn đành bấm bụng làm thinh.
Chỉ có tụi Quý ròm là cười rúc rích. Bây giờ tụi nó dã biết đám trẻ trước mặt đang chơi trò gì, vì vậy đứa nào đứa nấy cố dỏng tai tò mò nghe thử hai phe sẽ còn “sáng tạo” ra những mẩu câu kỳ cục gì nữa.
Và trò chơi càng kéo dài, bọn Quý ròm càng ngạc nhiên trước vốn từ phong phú của đám trẻ xa lạ này.
Hết cọp tới cáo, hết cú tới công, kiến, két, cò…, hai phe lôi ra hầu như không thiếu một con vật có âm “cờ” nào. Động từ cũng vậy, nào là cốc, cù, cắt, cà, cán, cãi, cầm, cạo… lại thêm một lô những ếng lóng lạ tai như cuỗm, kênh, cum… nghe một hồi Tiểu Long và thằng Mạnh đã muốn quay mòng mòng.
Nhưng dù sao những từ âm “cờ” không phải là nhiều vô thiên lủng. Đối qua đáp lại một hồi, vốn từ cạn dần, hai phe bắt đầu ngắc ngứ, mỗi lần hội ý kéo dài cả nửa phút, có khi một phút.
Đến khi phe Tâm hô đọc xong câu:
– Con kén con cáu con kén cái
Con kén cái cọ con cút con.
Thì phe thằng Thái xem chừng bí rị. Cả bọn châu đầu vào bàn bạc trao đổi lâu thật lâu vẫn chẳng nghĩ ra được con vật nào.
Tụi nó chỉ hô được mỗi một câu “Con cút con kỳ con cút cái” rồi tắc tị luôn. Mà ngay cả câu đó cũng bị phản ứng tơi tả:
Phe Tâm hô la om sòm:
– “Kỳ” là cái cóc khô gì! Làm gì có chữ “kỳ”?
– Sao lại không có! – Phe thằng Thái gân cổ phản kích – Bộ phe mày tự nhận là chúa ở dơ hả?
– Nè, nè! – Phe Tâm hô nhảy chồm chồm – Không phải chơi thua rồi tìm cách bôi nhọ danh dự đối phương à nghen!
– Tụi tao chẳng thèm bôi nhọ! Thế tụi mày có bao giờ tắm rửa không?
– Sao lại không! – Phe Tâm hô đỏ mặt tía tai.
– Thế khi tắm tụi mày có kỳ cho sạch đất không?
– Sao lại không?
Sợ bị chê là ở dơ, phe Tâm hô nhanh nhẩu đáp. Nhưng đáp xong, như sực nhớ ra, giọng tụi nó bỗng xụi lơ như quả bóng vừa bị gai đâm mười tám lỗ.
– Thôi được rồi! Như vậy là xem như có chữ “kỳ”!
– Xem như sao được mà xem như! Có đứt đuôi đi chứ lị!
– Có đứt đuôi cũng được! Nhưng còn câu thứ hai thì sao? Tụi mày nghĩ không ra phải không?
– Sao lại nghĩ không ra!
– Thế đọc đi!
– Chờ một chút đã!
– Chờ từ nãy đến giờ rồi!
– Thì chờ thêm chút nữa! Khi nãy tụi mày nghĩ ngợi lâu lắc, bên tao có giục đâu!
Nghe đối phương nói vậy, phe Tâm hô không giục nữa. Nhưng dù không bị hối thúc, phe thằng Thái cũng chẳng đỡ bối rối hơn chút nào.
Tụi nó nhăn mày nhíu trán cả buổi rồi ngập ngừng đọc:
– Con cút con kỳ con cút cái
Con cút cái kỵ con ki con.
– Hết “kỳ” lại tới “kỵ”! – Phe Tâm hô lại la toáng – “Kỵ” là cái quái quỷ gì?
– Sao tụi mày ngốc thế! – Phe thằng Thái giở giọng cà khịa – “Kỵ” là “kỵ” chứ là gì! Giống như chuột kỵ mèo hoặc phe mày kỵ phe tao vậy!
– Kỵ cái mốc xì! Nhưng thôi, chữ “kỵ” cũng có thể xem là hợp lệ! Nhưng còn con ki? Con ki là con cóc khô gì thế?
Phe thằng Thái cười hô hố:
– Lại ngốc nữa! Con ki không phải là con cóc khô, mà là con chó!
– Tụi mày đừng có ăn gian! Con chó là con chó, ai gọi là con ki!
– Tụi mày chẳng biết cóc gì mà cũng nói! Con chó tao nuôi tên là con Ki đấy!
– Mặc xác con Ki nhà mày! Đâu phải con chó nào cũng mang tên Ki!
– Nhưng con chó của tao lại mang tên Ki thì tao biết làm thế nào!
Phe thằng Thái tiếp tục cãi bướng, Tâm hô lại quay nhìn anh Việt cầu cứu:
Anh Việt mỉm cười nhìn Thái:
– Các em không được cãi bừa! Ki là tên riêng, không được dùng trong trường hợp này!
– Không được thì thôi!
Thái khụt khịt mũi và rầu rĩ quay sang đồng bọn:
– Thế nào hở tụi mày? Đã nghĩ ra được con vật nào chưa?
Thái hỏi khẽ nhưng bọn Quý ròm nghe rõ mồn một. Lúc mới đến, bọn Quý ròm đứng ở đằng sau kiễng chân quan sát. Nhưng bị các trò chơi của đám trẻ cuốn hút, bọn chúng nhích lần ra phía trước lúc nào chẳng hay. Hiện giờ Tiểu Long, Quý ròm, nhỏ Hạnh và Mạnh đang đứng lẫn trong phe thằng Thái và những lời bàn tán của tụi này đều lọt hết vào tai chúng.
Vẻ thất vọng trên mặt tụi thằng Thái khiến Tiểu Long động lòng. Nó quay sang nhỏ Hạnh:
– Sao đây Hạnh?
– Sao chuyện gì?
Tiểu Long mỉm cười:
– Hạnh ra tay bồ tát đi!
Tất nhiên nhỏ Hạnh thừa hiểu bạn mình muốn gì. Nó khẽ lắc đầu:
– Không được! Làm như vậy là phạm luật. Phe bên kia biết được thì chết!
– Tụi kia không biết đâu! – Tiểu Long nằn nì – Hạnh nhắc khẽ thôi!
Thấy nhỏ Hạnh lộ vẻ phân vân, Tiểu Long dấn tới:
– Nãy giờ mình đứng ngay đây, xem như mình thuộc phe bên này rồi! Phải đóng góp ý kiến chứ.
Lý do Tiểu Long đưa ra tuy gượng ép nhưng không phải không có tác dụng. Trong thâm tâm, nhỏ Hạnh cũng không muốn phe thằng Thái thua cuộc. Vì vậy, không đợi Tiểu Long van nài thêm, nó quay về phía những gương mặt đang nhăn nhó khổ sở kia, khẽ nhắc:
– Con cừu! Con cừu…
Tụi thằng Thái giật mình ngoảnh lại và sửng sốt khi phát hiện người vừa lên tiếng là một con nhỏ lạ hoắc lạ huơ. Nhưng tụi nó chưa kịp hỏi thì phe Tâm hô đã giục:
– Không nghĩ ra thì chịu thua quách để còn chơi trò khác! Tụi mày định “câu giờ” đến Tết Công-gô chắc?
– Có đây! Có ngay đây! – Thái nghinh mặt – Tụi mày đừng có tưởng bở!
Nói xong Thái hất đầu một cái. Cả bọn lập tức đồng thanh:
– Con cút con kỳ con cút cái
Con cút cái kỵ con cừu con.
Phe Tâm hô có vẻ ngạc nhiên trước sự “thoát nạn” vào giờ chót của đối phương. Tới lượt tụi nó lúng túng. Cả chục đứa xúm xít, vò đầu bứt tai loạn xị.
Phe thằng Thái được dịp chọc tức lại:
– Tụi mày không nghĩ ra thì chịu thua quách để còn chơi trò khác chứ!
– Còn lâu! Nghe đây nè!
Tâm ho đáp và nó vênh mặt lĩnh xướng, đồng bọn hô theo rập ràng:
– Con cừu con cắp con cừu cái
Con cừu cái cứu con cắt con.
– Cắt là con gì? – Phe thằng Thái nhao nhao – Làm gì có con cắt?
– Sao lại không có! Cắt là con chim cắt, cũng như công là con chim công, cú là con chim cú vậy!
Anh Việt gật đầu:
– Phải rồi! Có chim cắt!
Sự xác nhận của anh Việt khiên phe thằng Thái ỉu xìu. Nếu phe Tâm hô chưa thua, có nghĩa tụi nó phải tìm cho bằng được tên một con vật mới. Lúc nãy tụi nó nghĩ muốn nát óc còn moi chẳng ra, may lại thêm con cừu, con cắt xuất hiện, số con vật có âm “cờ” e rằng chẳng còn sót lại mống nào.
Trong khi Thái đang bứt muốn trụi hết tóc thì thằng nhóc mũi hếch đứng bên cạnh huých tay vào hông nó.
– Gì thế? Mày nghĩ ra rồi hả? – Thái ngẩng lên, giọng vui mừng.
Thằng nhóc mũi hếch láu lỉnh chỉ tay về phía nhỏ Hạnh:
– Tao nghĩ không ra nhưng con nhỏ kia chắc chắn nghĩ ra!
Ngay lúc đó, nhỏ Hạnh cũng bắt gặp Thái và thằng nhóc mũi hếch đang đưa mắt nhìn mình. Nó liền nhoẻn miệng cười:
– Con cáy.
– Con gì? – Hai đứa kia tưởng mình nghe lộn.
– Con cáy.
Thái vẫn bán tín bán nghi:
– Có con cáy thật không?
– Thật! Bạn cứ yên tâm đi.
Đến tình thế này không tin cũng không được, phe thằng Thái liền hồi hộp ngoác miệng:
– Con cắt con kiệu con cắt cái
Con cắt cái kê con cáy con.
Quả như sự lo lắng của Thái, phe nó vừa đọc xong, phe Tâm hô liền cực lực phản đối:
– Không được ăn gian! Tụi mày bịa ra chứ làm gì có con cáy!
– Có!
– Không có!
– Dứt khoát có!
– Dứt khoát không có!
Thái chột dạ quay sang nhỏ Hạnh, hỏi lại cái câu nó vừa hỏi:
– Có con cáy thật không?
– Thật.
– Sao tụi kia bảo không có?
– Tại các bạn đó không biết! Cáy là một loại cua sống ở nước lợ, nhỏ hơn cua đồng, chân có lông. Người ta hay bắt cáy làm mắm, gọi là mắm cáy, còn trứng cáy thường được đóng thành bánh tròn phơi khô dùng để nấu canh! – Rồi nhỏ Hạnh đưa tay đẩy gọng kính trên sống mũi, mỉm cười nói thêm – Nếu không có con cáy thì làm sao có thành ngữ “nhát như cáy”?
Thái vểnh tai nghe, mừng khấp khởi. Nhỏ Hạnh vừa nói xong, nó quay phắt lại phía bọn Tâm hô, ưỡn ngực hùng hồn:
– Con cáy mà tụi mày cũng không biết thì sống trên đời làm cái quái gì! Nghe đây nè! Cáy là một loại cua sống ở nước lợ, nhỏ hơn cua đồng, chân có lông. Người ta bắt cáy làm mắm…
Thái tuôn một tràng, lặp lại không sót một chữ của nhỏ Hạnh.
Tụi Tâm hô mắt mở thao láo, không hiểu bữa nay thằng Thái này mắc chứng gì mà ăn nói hệt “giáo sư đại học” vậy không biết. Ngay cả các anh chị trong nhóm hải Âu cũng không khỏi sững sờ, tưởng cái đứa đang thao thao bất tuyệt đằng kia là đứa nào chứ không phải là thằng Thái mọi bữa.
Nhưng rồi mọi người nhanh chóng nhận ra nó chính là thằng Thái chứ không ai khác. Bởi trong khi đang ăn nói lưu loát khiến ai nấy phục lăn, thằng Thái bỗng quên phứt vừa rồi nhỏ Hạnh dùng chữ gì để trỏ ba từ “nhát như cáy”. Nó nhớ mang máng mấy từ “tục ngữ”, “thành ngữ”, “chủ ngữ”, “vị ngữ” gì gì đó nhưng không nhớ chính xác nhỏ Hạnh đã dùng từ nào.
Vì vậy, đang “diễn thuyết” trơn tru, Thái bỗng khựng ngang và quay sang dòm nhỏ Hạnh:
– Cái gì “ngữ”?
– Thành ngữ!
Thái quay lại phía đối phương:
– À, à, nếu không có con cáy thì làm sao có …
Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, cứ tới chỗ này Thái lại quên béng. Thế là nó lại phải quay đầu sang nhỏ Hạnh:
– Cái gì “ngữ” quên mất rồi!
Khổ cho thằng Thái, nó quay đầu một lần thì không sao, nhưng đến khi nó quay sang nhỏ Hạnh hỏi lần thứ hai thì phe Tâm hô liền phát giác ra kẻ “nhắc tuồng” phía sau. Điều đặc biệt nghiêm trọng là kẻ “nhắc tuồng’ đó không phải thành viên phe thằng Thái mà là một con nhỏ hoàn toàn xa lạ.
Thế là phe Tâm hô liền ngoác miệng la toáng:
– Ăn gian! Phe mày ăn gian!
Thái sửng cồ:
– Đừng ỷ thua rồi đặt điều nói bậy! Tụi tao ăn gian hồi nào?
– Lêu lêu! Nhờ người ngoài mách nước mà không biết mắc cỡ!
– Người ngoài nào? Làm gì có người ngoài ở đây!
Thấy phe đối phương cố cãi chày cãi cối, Tâm hô bước xoẹt lại nắm tay nhỏ Hạnh giơ lên, giọng đắc thắng, như vừa bắt được trộm:
– A ha! Ai đây? Từ trước đến giờ tao đâu nhìn thấy con nhỏ này!
Bị Tâm hô “bắt quả tang”, phe thằng Thái cứng họng.
Trong khi bọn chúng loay hoay chưa biết chống chế như thế nào, anh Việt bỗng kinh ngạc kêu lên:
– Ủa, Hạnh hả? Em đến từ lúc nào thế?
Anh Thức và một số anh chị quen mặt trong nhóm Hải Âu ngồi ở chiếc bàn kế chiếc bàn đặt phần thưởng cũngc nhỏm dậy:
– A, Hạnh! Kìa Tiểu Long, Quý và cả Mạnh nữa! Hay quá! Các em bước vào tham gia sinh hoạt với các bạn đi!