Kính vạn hoa - Tập 17 - Lọ thuốc tàng hình

Chương 1


Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 17 – Lọ thuốc tàng hình – Chương 1


Chương 1
Sóng mỗi lúc một lớn. Từng đợt sóng từ ngoài khơi xa thi nhau ùa vào, đợt sau cao hơn đợt trước, xô đẩy nhau tràn lên bãi cát làm tung những đám bọt trắng xoá, rồi thong thả rút trở ra biển sau khi đã nô đùa thoả thích với những con còng gió lủi nhanh như chớp.
Đó là buổi chiều. Thuỷ triều lên nhanh và gió càng lúc càng trở nên mạnh hơn.
Những người đi tắm biển lần lượt trở về nhà. Những kẻ nán lại cũng không còn bơi ra xa mà rút dần lên bãi cát.
Nó không nhìn thấy tất cả những điều đó. Đúng hơn, nó nhìn thấy nhưng không mảy may chú tâm. Bởi vì nó đang ở rất xa mọi người. Nó đang ở rất xa dì nó.
Chiều nào cũng vậy, hễ dì nó dắt nó ra biển là sớm muộn gì nó cũng tìm cách trốn thoát tầm mắt của dì để một mình tha thẩn dọc theo bờ biển lần mò đến đây.
Chỗ nó đang ngồi là một cù lao nhỏ. Cù lao nằm cách bờ biển không xa lắm, khoảng chừng hai mươi thước. Cù lao nhỏ, không có người ở, chỉ trơ trọi một ngôi miếu cổ nằm nép mình dưới dăm tán lá xanh.
Cây cối thưa thớt nhưng lại có chim về ở. Chiều nào nó cũng nghe tiếng chim ríu rít trên tầng không trước khi đáp xuống. Có lẽ đó là một loại nhạn biển, nó nghĩ vậy và nghiêng tai nghe ngóng. Tiếng chim gọi nhau hoà lẫn với tiếng sóng tạo nên một âm thanh du dương và khắc khoải kỳ lạ. Bao giờ nghe thấy âm thanh lạ lùng đó, nó cũng đều cảm thấy bồi hồi. Những lúc như vậy nó luôn nhớ tới ba nó.
Quê nó thuộc một làng ven biển miền Trung. Như những người đàn ông làng chài khác, ba nó làm nghề đi biển. Ba nó thường ra khơi vào buổi chiều và bao giờ cũng trở về vào tờ mờ sáng hôm sau. Thường, nó chưa ngủ dậy thì ba nó đã cất lưới và về tới nhà. Đang nằm ngủ, hễ thấy giấc mơ của mình bỗng hăng nồng mùi cá tươi, mở mắt ra thể nào nó cũng trông thấy ba nó.
Nhưng rồi một hôm ba nó không về nữa. Một ngày, hai ngày rồi cả tuần lễ trôi qua, ba nó vẫn biệt tăm. Những người bạn của ba đều trở về, riêng ba thì không. Người ta bảo ba nó đi như thế là xa lắm. Mẹ nó cũng bảo thế. Mẹ bảo ba đi xa, rất xa, xa đến mức không bao giờ quay về với mẹ con nó nữa.
Mẹ bảo ở tít ngoài xa, giữa biển khơi, giữa muôn trùng sóng nước có một hòn đảo tên là đảo Thần Tiên. Đảo Thần Tiên đầy kỳ hoa dị thảo, suối làm bằng sữa, cây bằng bánh và những ngọn núi toàn là kem. Và những người tốt bụng sớm muộn gì cũng được thần tiên trên đảo rước về ở chung với họ. Ba nó là người tốt, vì vậy ba nó được đón về đảo Thần Tiên.
Dĩ nhiên khi nghe mẹ nói vậy, nó không khóc nữa. Nhưng nó vẫn thấy buồn buồn. Vắng khuôn mặt rắn rỏi và nâu bóng, vắng tiếng nói và giọng cười khoẻ khoắn của ba nó, vắng những ngón tay thỉnh thoảng cù nhông nhột vào lòng bàn chân nó, nó cảm như thấy thiếu một điều gì – một điều gì không ai bù đắp nổi.
Dĩ nhiên nó không muốn ba nó ra đảo Thần Tiên. Nó muốn ba nó ở nhà với mẹ con nó hơn. Nhưng ba nó đã quyết ra đảo Thần Tiên rồi thì một ngày nào đó nó phải ra đấy tìm ba nó. Muốn vậy, nó phải là người tốt.
Một người tốt là một người không bao giờ cãi lời mẹ. Vì vậy dù không muốn, nó vẫn vâng lời mẹ vào Vũng Tàu ở chơi với dì nó một thời gian. Mẹ nó không muốn nhìn thấy nó chiều nào cũng ra bãi biển ngồi bệt trên bãi cát ướt ngóng về phía khơi xa. Mẹ không muốn nhìn nó ủ dột vì nhớ ba.
Vũng Tàu cũng là vùng biển. Nhưng biển miền Nam khác với biển miền Trung quê nó. Biển miền Nam hiền hoà. Biển miền Nam không có những con sóng thần lớn như ngôi đình bất thần đổ ập xuống làng chài ven bờ và hung dữ cuốn phăng tất, người ta, nhà cửa, trâu bò, cây trái, đi biệt tăm biệt tích không chừa một thứ gì.

Dì nó làm nghề cho thuê dù và ghế bố ở bãi biển. Mỗi chiều, nó vẫn thường đi theo dì ra Bãi Sau. Ngày nào nó cũng nhìn thấy biển. Nhưng nó không háo hức tung tăng trong sóng nước như những đứa trẻ khác. Là dân làng chài nhưng nó bơi lội rất kém. Nó là con gái, lại còn quá nhỏ. Mỗi khi ra biển, nó thích trốn dì lần ra cù lao này ngồi lắng tai nghe tiếng sóng và tiếng chim xôn xao ríu rít trên đầu hơn.Nó ngồi ở đó một mình và nghĩ đến ba nó. Nó nghĩ đến một ngày sẽ ra đảo Thần Tiên để gặp lại ba.
Cù lao được nối liền với bãi biển bằng những hòn đá trơn và mướt rêu. Đó là đường ra miếu cổ. Chẳng biết ai đã kê những tảng đá đó nhưng từ khi phát hiện ra cù lao này nó đã thấy những tảng đá xếp hàng tại đó rồi.
Thường ngày, nó nhảy từ tảng đá qua tảng đá khác để xuống cù lao. Khi mặt trời xuống thấp và nước biển dâng lên lấp xấp mặt đá, nó lại nhảy qua những tảng đá để trở lại chỗ dì nó ngồi. Có khi nó không đến chỗ dì mà đi thẳng về nhà, lúi húi vo gạo thổi cơm.
Những lần như vậy, dì nó sợ đến thót tim, tưởng nó chết đuối ở đâu dưới biển. Đến khi hớt hải về nhà, thấy nó đang loay hoay trong bếp, dì nó mới hoàn hồn và la nó một trận nên thân. Nhưng rồi dì nó quen dần. Dì chẳng còn cuống quít mỗi khi không tìm thấy nó ngoài bãi biển nữa.
Chiều nay khốn nỗi lại không giống như những buổi chiều trước đó. Mải bâng khuâng chìm đắm trong tiếng biển xôn xao, mải ngây ngất trong tiếng chim gọi nhau xao xác trong gió, mải mơ mộng đến ngày gặp lại ba, nó không để ý mực nước biển mỗi lúc một dâng cao.
Đến khi nó bừng tỉnh, định trở về nhà thì những tảng đá nối liền cù lao vào bãi cát đã chìm khuất dưới mặt nước từ bao giờ.Nó muốn khóc thét lên khi không nhìn thấy lối đi quen thuộc. Không có những tảng đá, khoảng cách từ chỗ nó ngồi và đất liền dường như rộng ra và trở nên xa xôi diệu vợi vô kể.
Nó đứng bật dậy nhớn nhác nhìn quanh, thấy tứ bề đâu cũng sóng nước mênh mông. Tiếng sóng ì oạp vỗ bờ bây giờ không còn hiền hoà, gợi nhớ nữa mà bỗng dưng trở nên hãi hùng, đầy đe doạ.
Nó đưa cặp mắt bấn loạn nhìn về phía xa, chỗ bãi tắm nơi dì nó vẫn ngồi, hốt hoảng khi không còn thấy những chiếc dù màu quen thuộc. Dì nó chắc cũng đã trở về nhà. Những người tắm biển lúc nãy còn đông đúc dường kia cũng đã đi đâu mất, chỉ còn lèo tèo dăm bóng người đang rút dần lên bãi.
Mà nếu bãi tắm đông người cũng chẳng ai trông thấy nó. Chỗ nó đang đứng cách khá xa bãi tắm. Nó nhìn thấy người ta đi lại bé tẹo như con kiến thì ắt người ta cũng tưởng nó là một con kiến thôi, huống chi nó là một đứa bé, có nghĩa là một con kiến bé.
Có lúc nó đánh liều thò chân xuống nước, quờ quạng xem có đạp nhằm tảng đá nào không nhưng nó chẳng thấy gì ngoài sự sợ hãi đang đàn thấm dần lên người lên ngực nó theo hơi nước lạnh buốt.
Như vậy mình sắp chết rồi. Một lát nữa thôi, thuỷ triều sẽ lên cao, sẽ nhấn chìm mình dưới lòng biển sâu hút này. Từ trước đến nay nó chưa bao giờ sợ chết, nhưng lúc này thì nó sợ. Nó muốn được sống để làm một người tốt. Nó muốn một ngày nào đó nó được rước ra đảo Thần Tiên. Nó muốn gặp lại ba nó xiết bao.
Nhưng mọi hy vọng của mình thế là tiêu tan! – Nó sợ hãi và buồn rầu nghĩ – Mình sẽ không thể nào gặp lại ba. Mẹ mình, và cả dì mình nữa, mình cũng sẽ không bao giờ gặp lại!
Viễn ảnh kinh hoàng đó khiến nó thót bụng lại và oà khóc.
– Ê! Mày làm gì mà khóc lóc om sòm ngoài đó thế?
Một giọng nói thình lình vọng tới tai nó.
Nó lập tức nín khóc và quay đầu nhìn lên bờ. Một thằng bé trạc tuổi nó đang đứng chỗ bãi cát nhìn ra.

Một nỗi mừng rỡ vô hạn ập đến làm nó choáng ngợp. Nó mừng rỡ đến mức chẳng còn biết ngạc nhiên là gì. Nó chẳng buồn thằng bé vừa gọi là ai và từ đâu đến. Nó chỉ cuống quít:
– Anh ơi, cứu em với! Em sắp chết rồi!
Thằng bé dường như không tin lời nó, cứ cười khì:
– Xạo đi mày! Mày sống nhăn mà bảo là sắp chết!
– Nhưng chốc nữa em sẽ chết! – Nó nói, giọng mếu máo và giận dỗi.
– Tao không tin! – Thằng bé vẫn lắc đầu, khăng khăng – Con người ta chẳng ai lại tự nhiên lăn đùng ra chết được cả!
– Không phải em lăn đùng ra chết! – Nó đưa cặp mắt ngân ngấn nước nhìn xuống biển – Em sắp chết vì em không vào bờ được!
Tới đây thì thằng bé hiểu ra. Nhưng thằng bé vẫn đứng yên, nghi hoặc hỏi:
– Tại sao mày lại không vào bờ được?
– Còn tại sao nữa! – Nó bực tức dậm chân và chỉ tay xuống nước – Anh không thấy các tảng đá đã chìm xuống đáy biển rồi sao!
Thằng bé lại nhe răng cười:
– Ối dào! Chúng chìm xuống dưới nước thì kệ xác chúng chứ! Mày cứ bước đi đại, đâu có chết chóc gì!
Miệng nó méo xệch:
– Em không thể bước đi đuợc! Em không biết những tảng đá nằm ở chỗ nào!
Thằng bé thu nụ cười lại và đưa mắt quan sát con nhóc đang đứng sụt sịt trên cù lao trước mặt. Ừ, có thể con bé này mới từ thành phố Hồ Chí Minh ra, nó chả biết cóc gì địa hình nơi đây! Nghĩ vậy, thằng bé bắt chước người lớn “e hèm” một tiếng rõ to, rồi trịnh trọng nói:
– Thôi được! Mày cứ đứng yên đó, để tao dắt mày vào!

Thằng bé miệng nói chân bước. Trước vẻ mặt sững sờ của nó, thằng bé nhảy phóc xuống mặt nước, nhẹ nhàng như một con nhái nhảy xuống ao.
– Uý, coi chừng!
Nghe nó hốt hoảng kêu lên, thằng bé đứng co chân trên tảng đá, cười kiêu hãnh:
– Đường ra cù lao này, tao nhắm mắt cũng đi được, dễ gì té!
Tưởng thằng bé nói chơi, ai ngờ lại làm thật. Nhắm tịt hai mắt, thằng bé bước chân thoăn thoắt hệt như đang đi trên đất liền.
Thằng bé làm nó phục lăn:
– Ôi, anh giỏi ghê!
– Tao còn chạy được nữa cơ! – Thẳng bé phổng mũi khoe và đột ngột tăng tốc – Ca nô cũng chưa chắc đã đuổi kịp…
Thằng bé ba hoa chưa hết câu, bỗng trượt chân rơi đánh “tõm” một cái khiến nó vội đưa tay bụm mặt:
– Ối! Anh làm sao thế?
Thằng bé lóp ngóp ngoi đầu khỏi mặt nước, tay quàng qua tảng đá đang cố leo lên, miệng nói:
– Tao có làm sao đâu! Chỉ là sảy chân một tẹo thôi mà!
Dù thằng bé nói cứng, nó vẫn chưa hết sợ:
– Anh không làm sao chứ?
Mặt thằng bé lộ vẻ giận, lúc này thằng bé đã lại đứng trên tảng đá:
– Tao bảo không sao là không sao mà! Sao mày cứ hỏi tới hỏi lui mãi thế?
Rồi không đợi nó mở miệng, thằng bé hầm hầm khoa chân bước tới. Lần này hơi ngán, thằng bé không dám nhảy lóc phóc như lần trước nữa mà dọ dẫm từng bước một, từ từ tiến lại chỗ nó đứng.
Nhưng thằng bé không đặt chân lên cù lao. Tới tảng đá cuối cùng, thằng bé đứng lại, hất đầu hỏi:

– Mày nhìn kĩ chưa?
– Nhìn kĩ gì cơ?
– Nhìn kỹ chỗ tao đứng ấy!
Nó vẫn không hiểu:
Nhìn kỹ chỗ anh đứng để làm gì?
Câu hỏi của nó làm thằng bé nhăn mặt:
– Sao mày ngốc thế? Mày phải nhìn kỹ chỗ tao đặt chân để biết vị trí của tảng đá! Có vậy mới bước theo được chứ!
– Thì ra thế! – Nó mới gật đầu vẻ biết lỗi và nhìn chăm chăm xuống mặt nước – Em đã nhìn kỹ rồi!
Thằng bé khịt mũi:
– Thế bây giờ tao bắt đầu bước đi nhé! Mày ở phía sau cố nhìn cho kỹ, hễ tao đặt chân chỗ nào mày phải đặt chân ngay chỗ đó, nhớ chưa?
Nói xong, thằng bé xoay người hướng vào bờ, chuẩn bị bước. Nhưng rồi không hiểu nghĩ sao, thằng bé vẫn giữ nguyên tư thế đó, không chịu nhúc nhích.
– Sao anh còn chưa đi? – Nó ngạc nhiên hỏi.
– Đi sao được mà đi! – Thằng bé vẫn quay lưng về phía cù lao, giọng hờn giận – Tao hỏi mày “nhớ chưa”, mày đã trả lời tao đâu!
Nó hơi khựng lại một thoáng rồi mỉm cười gật đầu:
– Em nhớ rồi!
Tất nhiên thằng bé không nhìn thấy nụ cười của nó, nếu thấy thằng bé sẽ lại tiếp tục vặn vẹo chứ không chịu đi ngay.
Rất may là thằng bé tuyệt không ngoảnh đầu lại. Vì vậy khi nghe nó nhỏ nhẹ đáp lời, thằng bé liền hài lòng cất bước.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.