Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 15 – Thi sĩ hạng ruồi – Chương 2
Chương 2
Khi tuyên bố cứng cỏi như vậy, Quý ròm thực ra cũng đang lo ngay ngáy. Cũng như nhỏ Hạnh, trước nay nó chưa từng làm thơ bao giờ. Mai mốt chẳng may báo Khăn Quàng Đỏ đăng bài thơ của Lan Kiều lên, nhỏ Hạnh bắt nó thực hiện câu “tôi làm cũng được”, chắc nó xỉu!
Nhưng to thời gian, nỗi lo của Quý ròm dần dần lắng xuống. Hai, ba tuần liên tiếp, hễ canh báo Khăn Quàng Đỏ vừa phát hành là nó ba chân bốn cẳng chạy vù ra sạp báo gần nhà mua ngay một tờ.
Cầm tờ báo trên tay, nó lại phóng phù về nhà, chui tọt vào phòng, đóng cửa lại. Nếu nhìn thấy bộ tịch kỳ quặc của nó trong lúc đó, những người đa nghi hẳn sẽ tưởng cái nó đang cầm trên tay không phải là tờ báo thiếu nhi mà là một thứ hàng quốc cấm nào đó.
Nhưng dò tìm hai, ba số báo liền, vẫn chẳng thấy bài thơ của nhỏ Lan Kiều đâu, Quý ròm dần dần trấn tĩnh. Nó thở phào lẩm bẩm: Hừ, làm thơ đâu phải dễ! Cỡ như nhỏ Lan Kiều làm sao đăng thơ lên báo nổi! Đang hí hửng, Quý ròm quên khuất rằng nó đang lặp lại “luận điệu” của Lan Kiều và nhỏ Hạnh. Nó không biết nó đang mâu thuẩn với chính mình. Nhưng lúc này Quý ròm cần gì biết điều đó. Hễ báo Khăn Quàng Đỏ không đăng thơ của nhỏ Lan Kiều là Quý ròm cảm thấy khoan khoái lắm rồi. Khoái nhất là nó khỏi phải è cổ ra làm thơ để chứng minh với nhỏ Hạnh “tôi làm cũng được” như nó đã từng hung hăng phát biểu.
Khổ nỗi, nhỏ Hạnh không phải là đứa dễ dàng “buông tha” cho bạn bè. Đúng vào lúc Quý ròm đinh ninh mình đã thoát nạn thì nhỏ Hạnh lò dò đến nhà nó.
– Thấy chưa! Tôi đã nói mà! – Vừa thấy mặt nhỏ Hạnh, Quý ròm đã bô bô.
– Thấy chuyện gì? – Ng Quý ròm thốt một câu không đầu không đuôi, nhỏ Hạnh ngơ ngác hỏi lại.
Quý ròm tươi tỉnh:
– Thì chuyện bài thơ của nhỏ Lan Kiều chứ chuyện gì!
– Bài thơ đó sao?
– Còn sao nữa! Rốt cuộc báo Khăn Quàng Đỏ có đăng đâu!
– Ai bảo Quý thế?
Quý ròm cười tít mắt:
– Cần gì ai bảo! Bao tuần nay, có tuần nào mà tôi chẳng xem báo!
Nhỏ Hạnh mỉm cười:
– Nhưng còn số báo ra sáng nay, Quý đã xem chưa?
Nụ cười của nhỏ Hạnh nom “gian ác” không thể tả. Quý ròm nhìn nụ cười của bạn, chột dạ đáp:
– Số này thì chưa!
– Nếu vậy thì Quý xem đi!
Vừa nói nhỏ Hạnh vừa ung dung đặt tờ báo nãy giờ đang cuộn tròn trên tay lên bàn.
Quý ròm liếc thoáng qua hình bìa đã biết ngay đây là số báo mới nhất. Nhưng Quý ròm không giở ra ngay. Nó cứ đứng ngây như phỗng, cặp mắt dáo dác hết nhìn tờ báo lại nhìn nhỏ Hạnh, ngờ vực hỏi:
– Có gì trong đó vậy?
Nhỏ Hạnh lắc mái tóc:
– Thì Quý cứ xem đi!
Nhưng nhỏ Hạnh càng giục thì Quý ròm càng trù trừ. Nó liếm môi:
– Có bài thơ của Lan Kiều trong đó phải không?
Vẻ ngập ngừng của ông bạn ròm khiến nhỏ Hạnh phì cười:
– Phải hay không phải, Quý cứ giở ra xem thì biết! Làm gì Quý sợ dữ vậy!
Câu nói khích của nhỏ Hạnh làm Quý ròm đỏ mặt. Nó hậm hực cầm tờ báo lên và bặm môi lật từng trang.
Quả như sự lo lắng của nó, ở trang 24 bài thơ “Trường em” của nhỏ Lan Kiều nằm chễm chệ ngay trong mục “Mái trường thân yêu”, nom oai phong không thể tả. Oai nhất là bên cạnh bài thơ có in cả hình tác giả đang cười toe toét và lời giới thiệu thật trân trọng của tòa soạn: “Em Ngô Ngọc Lan Kiều, học sinh lớp 8A4 trường Tự Do, là một cây bút đầy triển vọng…”
Quý ròm nhẩm đọc bài thơ:
Anh gạch
Đo đỏ
Nho nhỏ
Dễ thương
Sắp hàng
Trên tường
Dựng nên
Trường mới
Và những
Chị ngói
Mảnh dẻ
Đáng yêu
Gối đầu
Thật đều
Làm thành
Mái lớp
…
Tới đây, Quý ròm không buồn đọc tiếp. Nó gấp tờ báo lại và ngẩng đầu lên nhìn nhỏ Hạnh:
– Thơ gì mà mỗi câu chỉ có hai chữ như thế này, ai làm chả được!
– Không đơn giản như Quý tưởng đâu! – Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi – Ba Hạnh bảo muốn làm thơ hay phải có năng khiếu cơ đấy!
Quý ròm không tin:
– Thế chẳng lẽ nhỏ Lan Kiều có năng khiếu hơn tụi mình?
– Chứ gì nữa! – Nhỏ Hạnh nhún vai – Không có năng khiếu trời cho, làm sao nó làm được bài thơ “Trường em”?
Quý ròm “xì” một tiếng:
– Tôi chẳng thấy bài thơ đó có gì hay! Làm thơ nhiều chữ có thể là khó, chứ nếu cứ viết hai chữ rồi xuống hàng thì tôi thừa sức làm cả khối!
– Thôi đi, đừng có dóc! Hạnh có thấy Quý làm thơ bao giờ đâu!
Quý ròm chống chế:
– Đó là tại tôi chưa muốn làm thôi!
Nhỏ Hạnh hấp háy mắt:
– Thế bây giờ Quý đã muốn làm thơ rồi ư?
Câu nói của nhỏ Hạnh rõ là có ý giễu cợt. Quý ròm tức khí buông một câu gọn lỏn:
– Để rồi Hạnh xem!
Nói là làm, nhỏ Hạnh vừa bước ra khỏi cửa, Quý ròm liền tức tốc chuồn vào phòng lôi giấy bút ra ngồi… làm thơ. Hừ, tưởng làm thơ khó như thế nào chứ làm như nhỏ Lan Kiều làm thì thằng này đâu có ngán! Không năng khiếu ông cũng sáng tác được khối bài cho mà xem! Quý ròm vừa lầm bầm vừa đưa ngòi bút chạy nhoáng nhoàng trên giấy.
Nhỏ Lan Kiều viết bài “Trường em” thì Quý ròm viết bài “Lớp em”:
Lớp em
Mát mẻ
Vui vẻ
Làm sao
Người ra
Kẻ vào
Thật là
Tấp nập
Lớp em
Học tập
Thật là
Hăng say
Lớp em
Làm bài
Thật là
Chính xác
Lớp em
Ca hát
Thật là
Hay ho
…
Quý ròm viết một mạch đến bốn trang giấy. Bài thơ dài thoòng như lá sớ Táo quân.Vậy mà Quý ròm chẳng thấy mệt mỏi tí ti ông cụ nào. Nhỏ Lan Kiều làm thơ hai chữ, Quý ròm cũng làm thơ hai chữ, lại còn làm dài gấp gần chục lần bài thơ của con nhỏ “cây bút đầy triển vọng” này. Bài thơ của Quý ròm còn tuyệt hơn bài thơ của nhỏ Lan Kiều ở chỗ liệt kê đầy đủ mọi mặt học tập, vui chơi, sinh hoạt của học trò, không sót một chi tiết cỏn con nào.
Đọc đi đọc lại sáng tác đầu tay của mình cả chục lần, Quý ròm đắc ý quá xá. Hừ, tưởng gian nan vất vả thế nào, hóa ra làm thơ dễ còn hơn hút ốc! Vậy mà nhỏ Hạnh dọa mình muốn phát sốt! Con nhỏ “thông thái” này đúng là chẳng có một chút “chí khí nam nhi” nào, đụng việc gì cũng la khó! Nhưng rồi sực nhớ ra nhỏ Hạnh không phải là “nam nhi”, Quý ròm không buồn làu bàu nữa. Nó lại cuối xuống nhẩm đọc bài thơ trong tay và sau khi tự gật gù tán thưởng tài năng của mình thêm một lần nữa, nó thận trọng chép bài thơ ra một tờ giấy sạch. Sau đó Quý ròm gấp đôi tờ giấy bỏ vào phong bì, bên ngoài nắn nót ghi: Kính gửi tòa soạn báo Khăn Quàng Đỏ…
Tất cả những việc đó, Quý ròm tiến hành một cách bí mật. Mặc dù hùng hổ dọa dẫm nhỏ Hạnh “Để rồi Hạnh xem!”, Quý ròm vẫn không muốn bất cứ ai hay biết chuyện nó lén lút đặt chân vào con đường thi ca gai góc của anh Vũ.
Quý ròm lẳng lặng làm mọi chuyện. Sau đó, nó lẳng lặng chờ đợi. Nó tủm tỉm cười khi hình dung ra cảnh Tiểu Long và nhỏ Hạnh miệng mồm há hốc khi một ngày đẹp trời nọ bất chợt bắt gặp bài thơ “Lớp em” của thi sĩ Quý ròm được in trang trọng trên tờ báo quen thuộc của tuổi học trò.
À, không phải là thi sĩ Quý ròm. Dưới bài thơ “Lớp em” dài dằng dặc kia, Quý ròm không đề tên thật. Đề tên thật như con nhỏ Lan Kiều “mầm non văn nghệ” kia thì quá xoàng! Để cho giống những nhà văn nhà thơ lừng danh khác, Quý ròm nạn óc cả buổi trời để nghĩ ra cho mình một bút hiệu đầy ấn tượng: Bình Minh.
Ý nghĩa của bút hiệu Bình Minh dĩ nhiên cực kỳ thâm thúy. Đó là thời khắc bắt đầu một ngày mới, không gian trong trẻo, màu sắc huy hoàng. Bút hiệu Bình Minh báo hiệu một tương lai xán lạn đang hân hoan chào đón thần đồng toán học “giá lâm”!
Trong khi chờ ngày nhà thơ Bình Minh xuất hiện trên thi đàn và gây chấn động thế giới… 8A4, Quý ròm vẫn ôm cặp đến lớp bình thường, mặt mày không để lộ một tí gì cho bạn bè biết ta đây sắp sửa trở thành một nhà thơ lớn.
Tuy nhiên, vẻ bồn chồn khác thường của Quý ròm không qua mắt được Tiểu Long và nhỏ Hạnh.
– Mấy hôm nay trông mày cứ là lạ thế nào! – Tiểu Long nhìn Quý rỏm vẻ dò xét.
Quý ròm cười cười:
– Có chuyện gì đâu!
Tiểu Long không tin. Nó thu nắm tay quẹt mũi:
– Nhất định là có chuyện gì!
Quý ròm lấp lửng:
– Nếu mày nhất định thế thì cứ đợi đấy!
Tiểu Long thô lố mắt:
– Đợi chuyện gì?
Quý ròm tiếp tục ỡm ờ:
– Đợi chuyện gì mà mày “nhất định” ấy!
Tiểu Long tưởng như mình đang đi giữa đêm ba mươi. Những câu trả lời của Quý ròm càng lúc càng tối mò mò.
– Nhưng thực ra thì đó là chuyện gì? – Cuối cùng không nhịn được, Tiểu Long cau mày gắt.
Lần này Quý ròm chưa kịp đáp thì nhỏ Hạnh đã cười khúc khích:
– Long không cần phải hỏi nữa! Nếu Quý ròm không trả lời thì Hạnh trả lời giùm cho!
– Hạnh biết? – Tiểu Long giương mắt ếch.
– Tất nhiên.
– Thế Quý ròm bảo tôi đợi chuyện gì?
Nhỏ Hạnh tủm tỉm:
– Quý bảo Long đợi xem những sáng tác của Quý!
Tiểu Long vẫn chưa hiểu:
– Sáng tác gì?
– Thơ đấy! – Nhỏ Hạnh nháy mắt, láu lỉnh – Dạo này Quý đang muốn trở thành thi sĩ!
– Tầm bậy!
Quý ròm đỏ mặt chối phắt. Nó cũng không hiểu sao bỗng dưng nó lại không dám nhìn nhận sự thật. Nó cảm thấy ngượng nghịu như bị phát hiện đang làm điều gì vụng trộm. Mà điều đó thực ra có gì xấu đâu! Chỉ làm thơ thôi mà!