Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 15 – Thi sĩ hạng ruồi – Chương 1
Chương 1
Tiểu Long, Quý ròm và nhỏ Hạnh vừa đặt chân qua ngưỡng cửa đã thấy không khí lớp học có vẻ khác lạ.
Cả chục đứa đang xúm đen xúm đỏ chỗ nhỏ Lan Kiều ngồi. Một cô gái lạ hoắc lạ huơ đang hỏi chuyện nó.
– Chuyện gì thế, Vành Khuyên? – Quý ròm hỏi Vành Khuyên ngồi bàn đầu lúc này đang quay người nhìn xuống.
Vành Khuyên ngoảnh mặt lại, giọng quan trọng:
– Nhà báo đang phỏng vấn nhỏ Lan Kiều lớp mình!
– Chị đó là nhà báo sao?
Quý ròm ngẩn ngơ hỏi lại. Cô gái đang hỏi chuyện Lan Kiều quả có “tác phong” nhà báo thật: túi dết trên vai, tóc cắt ngắn, mắt đeo kính tròn, trên tay lăm lăm quyển sổ và cây viết, miệng hỏi tay chép lia lịa. Nhưng nhà báo gì mà trẻ quá! Ba nhỏ Hạnh cũng là nhà báo nhưng ba nhỏ Hạnh đâu có trẻ măng như thế! Chính vì vậy Quý ròm mới ngờ ngợ.
Nhưng nhỏ Vành Khuyên đã nhanh chóng đánh tan những ngờ vực trong lòng Quý ròm:
– Không thật chẳng lẽ là giả! Chính thầy Khải dẫn chỉ xuống lớp mình mà!
À, nếu đích thân thầy Khải tổng phụ trách đội dẫn xuống thì không thể giả được! Quý ròm liếm môi:
– Thế chỉ làm ở báo nào thế?
– Báo Khăn Quàng Đỏ!
Thảo nào! – Quý ròm thở dài – Báo thiếu nhi hèn gì phóng viên nom bé xíu xìu xiu. Nó tò mò hỏi tiếp:
– Sao chỉ lại phỏng vấn nhỏ Lan Kiều?
– Chỉ đến trường ta để viết về phong trào sáng tác văn nghệ trong học đường. Và sau khi vào thư viện rảo một vòng, chỉ chép lại một số bài trên báo tường, nói là sẽ đem về đăng trên tờ Khăn Quàng Đỏ!
– Tôi chẳng hiểu gì cả! – Quý ròm nhún vai – Chuyện đó thì có liên quan gì đến nhỏ Lan Kiều!
– Liên quan nhiều lắm chứ! – Nhỏ Hạnh vọt miệng trả lời thay nhỏ Vành Khuyên – Tờ báo tường của trường tháng vừa rồi có đăng một bài thơ của Lan Kiều!
Tới đây thì Quý ròm hiểu ra. Nó gục gặc đầu:
– À, tôi hiểu rồi! Có nghĩa là chị phóng viên báo Khăn Quàng Đỏ đã chọn bài thơ đó của nhỏ Lan Kiều và bây giờ đang phỏng vấn tác giả?
– Thì vậy!
Vành Khuyên đáp gọn và lại quay cổ nhìn xuống chỗ Lan Kiều ngồi. Lúc này, cuộc phỏng vấn dường như đã kết thúc. Cô gái bỏ cuốn sổ vào túi dết, mỉm cười nói gì đó với nhỏ Lan Kiều, có lẽ là cảm ơn, và vui vẻ chào tạm biệt lũ học trò hiếu kỳ đang bu quanh rồi thong dong bước ra khỏi lớp.
Tụi bạn đứng chôn chân nhìn theo. Đến khi cô nhà báo khuất sau cánh cửa, tụi nó quay lại chỗ Lan Kiều, nhao nhao:
– Tuyệt quá hén! Bạn sắp sửa được lên báo rồi đấy!
– Lại còn được phỏng vấn và in hình nữa! Hệt diễn viên điện ảnh!
Nhỏ Tú Anh xuýt xoa:
– Lại được lãnh nhuận bút nữa! Thích thật!
– Nhuận bút là cái gì thế? – Nhỏ Bội Linh ngơ ngác.
Tú Anh ra vẻ hiểu biết:
– Nhuận bút là tiền chứ là gì? Khi nãy chị nhà báo bảo hễ bài được in lên báo là được phát tiền! Mấy chục ngàn cơ đấy!
– Ừ, nếu thế thì thích thật! – Nhỏ Bội Linh hít hà – Mỗi tháng nhỏ Lan Kiều ráng đăng lên báo chừng hai, ba chục bài là tha hồ mua sách vở, quần áo…
Hải quắn ngồi gần đó ngứa miệng “xì” một tiếng:
– Bạn tưởng đăng báo dễ lắm sao mà đòi mỗi tháng đăng hai, ba chục bài? Đúng là đồ tham lam!
Bị tấn công bất ngờ, nhỏ Bội Linh đỏ mặt phản kích:
– Với bạn tất nhiên là không dễ! Bạn có gửi cả ngàn bài cũng chẳng báo nào thèm đăng!
– Hừ! – Hải quắn cười khảy – Tôi chả thèm gửi! Tôi đâu có ham mua sắm như bạn, gửi cả ngàn bài làm chi!
Nhỏ Lan Kiều nãy giờ vẫn ngồi im. Niềm vui sáng nay đến quá bất ngờ khiến lòng nó không khỏi rộn ràng. Vừa hãnh diện vừa mắc cỡ, mặt nó đỏ như gấc. Tiếng bạn bè trầm trồ bên tai về việc nó sắp được in bài lên báo càng làm nó thêm lúng túng. Nhưng nghe ngóng một hồi, nó thấy sao lạ quá. Lời qua tiếng lại giữa Hải quắn và nhỏ Bội Linh càng lúc càng xa đề tài “văn chương” và cỏ vẻ muốn chuyển qua lĩnh vực “võ thuật”. Nguy to rồi! Lan Kiều khẽ kêu thầm và vội lên tiếng giải hòa:
– Thôi, hai bạn đừng cãi nhau nữa! Bạn Hải nói đúng đó! Chẳng dễ gì đăng lên báo mấy chục bài mỗi tháng đâu!
– Mà có muốn đăng cũng chẳng đăng được! – Quý ròm vừa chen lời vừa cười hì hì tiến lại – Báo Khăn Quàng Đỏ mỗi tuần chỉ ra một số, giả dụ bạn Lan Kiều được tòa soạn ưu ái đăng cho mỗi số một bài thì cả tháng cũng chỉ in được tối đa là bốn bài, lấy đâu ra mà hai ba chục!
“Thần đồng toán học” quả có khác! Những dẫn chứng cụ thể của Quý ròm khiến nhỏ Bội Linh “tắt đài” ngay tắp lự.
Chuyện tưởng đến đó là xong. Nhưng Hải quắn là đứa được đằng chân lên đằng đầu. Thấy Bội Linh chịu lép, nó càng lấn tới:
– Nhưng giả dụ báo Khăn Quàng Đỏ chịu đăng liền tù tì, Lan Kiều cũng chẳng thể làm mỗi tháng bốn bài nổi!
– Nổi! – Bội Linh đã tính nhịn, nghe vậy liền nghinh mặt cãi lại.
– Không nổi!
– Có học dở như bạn làm không nổi thì có!
Hải quắn nghiếng răng:
– Học dở học giỏi gì cũng làm không nổi!
Bội Linh không chịu thua:
– Cả lớp này có thể không ai làm nổi, nhưng Lan Kiều chắn chắc làm nổi!
Tiểu Long và nhỏ Hạnh đón nhận lời nhận xét của Bội Linh một cách bình thường, nhưng câu nói đó lọt vào tai Quý ròm bỗng trở nên nhột nhạt quá xá. Con nhỏ Bội Linh uống mật gấu kia bảo “cả lớp này không ai làm nổi” có khác nào bảo thẳng vào mặt Quý ròm rằng nhà ngươi cũng là đồ vô tích sự nốt! Chà chà, chẳng lẽ mình lại không sánh ngang với con nhỏ Lan Kiều học hành làng nhàng kia? Ở trong lớp, Lan Kiều chỉ là một học sinh trung bình, toán tiếc cũng chẳng giỏi, mà văn vẻ cũng chẳng lấy gì làm xuất sắc. Một đứa lình bình như vậy còn được làm thơ đăng báo chẳng lẽ mình làm không được? Quý ròm lầm bầm một cách tức tối.
Không chỉ Quý ròm, ngay cả nhỏ Lan Kiều cũng cảm thấy áy náy và ngượng ngập trước lời đề cao quá trớn của bạn mình. Nó liền vội vã thanh minh:
– Bạn Bội Linh nói đùa cho vui thôi! Lan Kiều không tài nào làm được mỗi tháng bốn bài đâu! Làm thơ chứ đâu phải làm toán mà muốn làm lúc nào thì làm!
Thấy Lan Kiều khiêm tốn tự nhận mình “tài hèn sức mọn”, mỗi tháng không thể làm được bốn bài thơ như nhỏ Bội Linh tâng bốc, Quý ròm gật gù vẻ hài lòng. Nhưng nghe đến câu so sánh cuối cùng thì Quý ròm suýt chút nữa té lăn quay ra giữa lớp! Trời đất, toán học là môn ruột của mình mà con nhỏ “mầm non thi sĩ” mới ti toe làm được một, hai bài thơ con cóc này dám nói là đồ vứt đi, “muốn làm lúc nào thì làm”!
Quý ròm điên tiết định mở miệng cự nự nhỏ Lan Kiều về cái tội nó ỷ nó dốt toán rồi bày đặt lên giọng coi thường môn toán nhưng chưa kịp thực hiện ý định thì nhỏ Hạnh đứng bên đã buộc miệng:
– Hạnh cũng nghĩ vậy! Làm thơ phải có cảm hứng, đâu phải muốn làm lúc nào thì làm!
Nhỏ Hạnh làm Quý ròm cứng họng. Nó chưa kịp công kích nhỏ Lan Kiều ăn nói ẩu tả kia, nhỏ Hạnh đã láu táu bảo “Hạnh cũng nghĩ vậy” khiến nó cụt hứng ngay tút xuỵt.
Quý ròm làm thinh nhưng bụng đã tức lắm. Trên thế giới bao nhiêu người xúm vào ngợi ca môn toán. Isocrate bảo “Toán học là môn thể thao tinh thần và chuẩn bị cho triết học”. Colton nói “Nghiên cứu toán học cũng như sông Nil, bắt đầu khiêm tốn mà kết thúc huy hoàng”. Môn toán danh giá trùm đời như vậy mà con nhỏ Lan Kiều ếch ngồi đáy giếng kia nỡ mở miệng khinh thường, bảo đệ tử cưng của thầy Hiếu không ấm ức sao được!
Nỗi tức tối đeo đẳng Quý ròm suốt. Khi bắt đầu vào học, ngồi chưa nóng chỗ, nó đã mím môi huých vào tay nhỏ Hạnh:
– Hạnh cho rằng làm thơ khó hơn làm toán thật hả?
– Ừ!
Nhỏ Hạnh cặm cụi viết viết vẽ vẽ gì đó, nghe Quý ròm hỏi, nó chỉ “ừ” cho có lệ.
Quý ròm càng điên tiết:
– Ai bảo Hạnh vậy? Làm toán khó hơn làm thơ gấp tỉ lần ấy chứ!
Giọng điệu như muốn gây gổ của Quý ròm khiến nhỏ Hạnh ngạc nhiên ngẩn đầu lên. Nó nhìn bộ mặt đỏ gay của bạn và sực hiểu. À, thì ra “nhà toán học” bị chạm tự ái! Đang định gật đầu “Làm thơ khó lắm!” nhưng hiểu ra “tâm sự” của ông bạn ròm, nhỏ Hạnh cười cười hạ giọng:
– Làm thơ thật ra… không dễ như Quý tưởng đâu! – Thấy Quý ròm mấp máy môi định phản đối, nhỏ Hạnh vội vàng nói tiếp – Như Hạnh đây nè! Từ trước tới giờ, Hạnh làm cả ngàn bài toán nhưng đã làm bài thơ nào đâu!
Nhưng dù nhỏ Hạnh đã cố thay chữ “khó lắm” bằng chữ “không dễ” và lấy cả chính mình ra để chứng minh, Quý ròm vẫn lộ vẻ bất phục. Nó ương bướng:
– Đó là tại Hạnh không muốn làm thôi! Hạnh làm, báo sẽ đăng ngay!
– Không hẳn đâu! Thiếu gì người làm cả trăm bài thơ, gửi đi hết báo này đến báo khác mà đâu có báo nào chịu đăng!
Quý ròm cau mày “hừ” một tiếng rõ to. Nhưng chưa kịp vặn vẹo, nó đột nhiên im bặt. Trong giây phút đó, không hiểu sao Quý ròm chợt nhớ đến anh Vũ. Đích mắt nó trông thấy anh Vũ sáng tác từng tập, từng tập thơ, và đúng như nhỏ Hạnh mô tả, ảnh đã “gửi đi hết báo này đến báo khác mà đâu có báo nào chịu đăng”. Rốt cuộc phải nhờ quen với chị Ngần, ảnh mới tìm được cho mình một độc giả duy nhất. Nếu không có bạn gái, hẳn ảnh sẽ trở thành người thi sĩ cô đơn nhất thế giới!
Nghĩ đến con đường chông gai trắc trở mà anh Vũ đang đi, Quý ròm bất giác rùng mình, chẳng còn muốn tranh cãi “làm thơ khó” hay “làm toán khó” nữa. Nó nhìn nhỏ Hạnh, chớp mắt nói:
– Nếu đăng thơ lên báo khó như vậy thì bài thơ của nhỏ Lan Kiều chắc gì được đăng!
– Cái đó thì Hạnh không biết!
Quý ròm ngẩm nghĩ một hồi rồi trước cặp mắt sửng sốt của nhỏ Hạnh, nó nghiêm trang kết luận:
– Nếu báo Khăn Quàng Đỏ không đăng thơ của nhỏ Lan Kiều, chứng tỏ làm thơ không phải là chuyện dễ! Còn nếu cuối cùng bài thơ của nó được đăng chứng tỏ làm thơ chẳng có gì khó, tôi làm cũng được!