Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 11 – Theo dấu Chim Ưng – Chương 1: Tập 11 – Theo Dấu Chim Ưng –
Chương 1
Mạnh đi chuyến xe trưa, về tới thành phố luc ba giờ chiều.
Quý ròm đang làm “thí nghiệm khoa học” trong phòng, nghe tiếng ồn ào vội tông cửa chạy ra.
Thấy thằng em cô câu đang ngồi giữa nhà, bà một bên nhỏ Diệp một bên đang tíu ta tíu tít, nó mừng rỡ hét lên:
– Mạnh!
Thằng Mạnh cũng mừng rỡ không thua gì Quý ròm. Nó đứng bật dậy, mặt tươi như hoa:
– A! Anh Quý!
Quý ròm cười toe toét:
– Mày ngồi xuống đi! Tao chứ có phải thủ tướng đâu mà mày nghêng đón long trọng thế!
Mạnh cũng toét miệng cười:
– Bữa nay anh không đi học hả?
– Tao đi học buổi sáng! – Quý ròm nheo mắt. – Buổi chiều tao phải ở nhà đón mày!
– Anh chỉ trêu em! – Mạnh lón lén.
Quý ròm khụt khịt mu!i và đảo mắt dòm quanh:
– Mày lên đây một mình hả?
– Dạ.
-Thế cô Tư đâu?
– Mẹ em phải ở trông nhà.
– A! – Quý ròm bỗng kêu – Mày trốn học đi chơi phải không?
– Ðâu có! – Mạnh gãi tai – Tụi em được nghỉ!
– Xạo đi mày! Hôm nay đã đến hè đâu!
Thấy Mạnh bị ông anh mình “tra hỏi” tới tấp, nhỏ Diệp bèn đỡ lời:
– Trường anh Mạnh đang cho người ta mượn làm địa điểm tổ chức gì đấy!
Lời giải thích của nhỏ Diệp làm Quý ròm tròn mắt:
– Trời đất! Sao mày kêu thằng Mạnh bằng anh? Nó là em mày mà!
– Nhưng ảnh… lớn tuổi hơn em! – Nhỏ Diệp bối rối đáp.
Quý ròm nhún vai:
– Nó lớn tuổi hơn thì nó ráng chịu chứ! Mày là vai chị, mày phải kêu nó bằng em!
Mạnh chớp mắt:
– Em cũng bảo chỉ như vậy mà chỉ không chịu!
– Mai mốt lớn lên em sẽ đổi lại! – Nhỏ Diệp chun mũi – Còn bây giờ em vẫn thích gọi như vậy hơn!
Từ lúc Quý ròm đâm bổ ra, bà không nói một tiếng nào. Bà ngồi im lặng bên cạnh, nhường lời cho bọn trẻ và âu yếm nhìn chúng chuyện trò vui vẻ với nhau. Nhưng lúc này thì bà đứng dậy:
– Thôi đừng cãi nhau nữa! – Bà hắng giọng.
– Mạnh đi đường xa bụi bặm, Quý dẫn em ra đằng sau đi tắm đi!
– Cháu tự đi được mà!
Mạnh nói. Nó có vẻ phật ý vì bà xem nó như trẻ con.
Quý ròm chẳng buồn để ý đến thái độ của Mạnh. Nó đưa tay ngoắt:
– Theo tao!
Chẳng biết làm sao, Mạnh đành lẽo đẽo đi theo ông anh. Nhưng Quý ròm không dẫn Mạnh ra nhà sau mà lôi tuốt vào phòng mình.
Mạnh phát hiện ra ngay sự bất thường:
– Anh dẫn em đi đâu vậy?
Quý ròm cười khì:
– Vô phòng tao chơi!
– Bà bảo em đi tắm kia mà!
– Ối dào! Tưởng gì chứ tắm thì lúc nào tắm chả được! – Quý ròm nói, rồi nó đập đập tay lên lưng ông em – Mày vào đây, tao cho mày xem cái này hay lắm.
Bốn chữ “cái này hay lắm” như có phép màu. Mạnh quên ngay lời bà dặn, háo hức đi theo Quý ròm.
Vừa đặt chân qua cửa phòng, nó nhìn thấy ngay mớ chai lọ lỉnh kỉnh Quý ròm bày trên bàn.
– Gì vậy? Nước ngọt hả? – Mạnh liếm môi.
– Mày thích nướt ngọt thì lát nữa tao mua nước ngọt đãi mày! Còn thứ này không phải!
Quý ròm cười cười, vừa nói nó vừa cầm lên một lọ thủy tinh trên bàn. Nó giơ chiếc lọ về phía Mạnh:
– Mày xem đây nè!
Nói xong, Quý ròm khẽ lắc cổ tay một cái. Lọ nước không màu lập tức biến thành màu xanh đậm. Còn thằng Mạnh thì lập tức biến thành thằng người gỗ Pinocchio. Mặt nó ngây ra:
– Ôi, hay quá!
– Chưa hay lắm đâu!
Quý ròm đặt lọ thủy tinh xuống bàn, giọng huênh hoang. Thằng Mạnh chưa kịp hiểu tại sao một trò “độc chiêu” như thế ông anh mình lại cho là chưa hay, mắt nó đã trố lên. Trước mặt nó, chiếc lọ vừa chạm xuống mặt bàn, chất lỏng màu xanh kia đã biến thành màu hồng và trong khi nó chớp mắt định thần cố nhìn cho kỹ thì cái màu hồng nọ đột ngột biến mất. Chất lỏng trong lọ trở thành không màu sắc như cũ.
Trò ảo thuật của Quý ròm khiến Mạnh mê tới. Nó hít hà luôn miệng:
– Hay quá! Hay quá! Anh cho em làm thử một cái coi nào!
Quý ròm nhún vai:
– Mày làm không được đâu!
– Sao lại không được! – Mạnh ngạc nhiên – Thì cầm chiếc lọ lên lắc lắc như anh chứ khó gì đâu!
– Ðâu phải ai cũng lắc được! – Quý ròm nheo mắt – Mày không biết cách lắc, lọ sẽ nổ!
– Nổ?
– Ừ! – Quý ròm gật đầu – Nó nổ y như tạc đạn vậy! Và trần nhà sẽ sập xuống đè tao với mày… bẹp dúm!
Mạnh cười, bán tín bán nghi:
– Anh chỉ dọa em!
– Mày không tin thì cứ làm thử đi! Tao đi tìm chỗ nấp đây!
Quý ròm vừa nói vừa bỏ đi về phía góc nhà.
Sự hăm he của Quý ròm khiến Mạnh lưỡng lự. Nó đứng đực giữa nhà và đưa mắt nhìn chiếc lọ trên bàn với vẻ cảnh giác. Cuối cùng không nén nổi tính hiếu kỳ, nó rụt rè đưa tay cầm lấy chiếc lọ.
Thoạt đầu Mạnh còn sợ sệt giữ chiếc lọ xa xa. Nhưng rồi thấy nó chẳng có vẻ gì muốn phát nổ như ông anh mình “quảng cáo”, Mạnh thận trọng kéo chiếc lọ lại gần, ngoẹo đầu ngắm nghía. Chẳng lẽ lọ nước này lại có thể phát nổ? Và nếu nó thực sự nguy hiểm như thế ông anh mình dại gì để trong nhà? Mạnh vừa quan sát vừa nghĩ ngợi và đến khi tin chắc những lời dọa dẫm của Quý ròm chỉ là những lời nói đùa, nó bắt đầu lắc nhẹ chiếc lọ trên tay.
Mạnh lắc chừng hai, ba cái, nước trong lọ đã biến thành màu xanh, hệt như cuộc “biểu diễn” của Quý ròm lúc nãy.
– Thấy chưa! Nước đổi màu rồi đây nè!- Mạnh hớn hở reo lên – Vậy mà anh bảo là sẽ nổ sập nhà! Anh chỉ…
Một tiếng “bùm” phát ra dữ dội cắt đứt ngang lời Mạnh. Kèm theo tiếng nổ điếc tai là những tiếng lắc cắc, leng keng, loảng xoảng thi nhau dội xuống từ trên trần nhà.
Mạnh hồn vía lên mây. Nó ôm lấy đầu, rú lên:
– Ối, chết em!
Thấy thằng em bướng bỉnh của mình mặt cắt không còn hột máu, Quý ròm khoái chí:
– Nằm xuống! Cái trần nhà sắp rơi trúng đầu mày rồi kìa!
Chợt nhác thấy chiếc lọ thủy tinh vẫn còn khư khư trong tay Mạnh, Quý ròm biến sắc, hốt hoảng kêu:
– Coi chừng vỡ lọ!
Nhưng đã muộn, Quý ròm vừa hù một phát, Mạnh đã cuống quít nằm nhoài ra đất, chiếc lọ trên tay đập “bốp” xuống nền nhà vỡ tan, nước chảy lênh láng khắp nơi.
Cùng lúc đó, chiếc nắp thiếc hình tròn từ trên không rơi xuống kêu xủng xoẻng và lăn quanh bốn, năm vòng trước khi lảo đảo lủi vào nằm bẹp trong góc phòng khiến Mạnh càng thêm hãi.
Quý ròm nhăn như bị:
– Rõ là đồ ngốc tử! Có mỗi chiếc lọ trên tay mà cũng không biết giữ cho chắc!
Quý ròm có nói cũng chỉ để mình nghe.
Lúc này, thằng Mạnh chẳng còn tâm trí đâu để nghe những lời càu nhàu của ông anh. Ba hồn chín vía còn ở tận đâu đâu, nó dán chặt người xuống đất, mặt úp len nền gạch bông mát lạnh, nín thở chờ tai họa giáng xuống đầu.
Nhưng rồi chờ hoài, chờ hoài mà thấy trên lưng vẫn nhẹ hẫng, những tiếng động đinh tai nhức óc vừa rồi cũng im bặt, Mạnh dần dần hoàn hồn và thận trọng nghiêng đầu qua một bên.
Ðập vào mắt nó là hai cái chân gầy khẳng gầy kheo của Quý ròm. Một trong hai cái que tăm đó gại gại vào vai nó:
– Còn nghiêng nghiêng ngó ngó gì nữa ! Ngồi lên đi !
Mạnh yên tâm lồm cồm ngồi dậy, và việc đầu tiên của nó là ngước nhìn lên trần nhà. Ðến khi thấy cái trần nhà vẫn còn nằm yên trên cao, không hề sứt mẻ một tí ti, mạnh mới thở phào và đưa tay xoa ngực:
– Thế ra nó không sập !
Quý ròm tủm tỉm:
– Mày bảo cái gì sập?
– Thì cái trần nhà ấy ! – Mạnh gãi đầu – Anh chã bảo khi chiếc lọ phát nổ thì cái trần nhà sẽ sập xuống và đè mình bẹp dúm là gì !
– Nhưng chiếc lọ trên tay mày có phát nổ đâu ! – Quý ròm nheo nheo mắt – Chỉ khi mày cuống cuồng bò toài ra đất, mày mới làm vỡ chiếc lọ thôi !
Câu nói của Quý ròm rõ ràng ngụ ý chế diễu. Nhưng Mạnh chả có thì giờ để xấu hổ. Nó vùng lên ngơ ngác:
– Ôi,đúng rồi ! Như vậy tiếng nổ vừa rồi không phải do chiếc lọ ! Nhưng nếu thế thì…
– Mày lại đây !
Quý ròm vẫy tay, không để Mạnh nói hết câu. Nó dẫn ông em lại chỗ góc phòng và chỉ tay vào chiếc thùng thiếc đặt trên ghế:
– Mày thấy cái gì đây không?
Mạnh tò mò nhìn chiếc thùng mất nắp, liếm môi nói:
– Thây ! Chiếc thùng thiếc !
Quý ròm hất đầu:
– Vừa rồi chính nó phát nổ đấy !
Mạnh lộ vẻ nghi hoặc. Nó lại cúi đầu ngắm nghía chiếc thùng. Ðây là chiếc thùng loại năm lít, bốn bên có xoi thành nhiều lỗ nhỏ. Bên trong chẳng có gì đặc biệt ngoài một cây đèn cầy và một chiếc phễu nhỏ gắn sát đáy thùng.
Săm soi một hồi, Mạnh quay sang Quý ròm ngập ngừng hỏi:
– Chiếc thùng nhỏ xíu này mà có thể phát ra tiếng nổ kinh thiên động địa như vừa ro6ì được sao?
– Mày đừng có coi thường nó ! – Quý ròm chỉ tay vào chiếc phễu – Chỉ cần bỏ một nhúm bột lycopodium hoặ bột mì hay bột bắp khô vào đây là nó đủ sức thổi tung mọi thứ lên trời !
Rồi liếc bộ mặt đang thuỗn ra của ông em, Quý ròm tặc lưỡi nói tiếp:
– Nêu tao dùng chiếc thùng loại 20 lít và đừng xoi các lỗ nhỏ chung quanh thùng để giảm sức ép, nó có thể làm nổ sập cả thành phố ấy chứ !
Chỗ này Quý ròm ba hoa hơi quá trớn. Thành Mạnh dù không rành về “khoa học kỹ thuật” như ông anh của mình nhưng nó cũng thừa biết sức ép của vụ nổ chỉ đủ sức tung chiếc nắp lên trần nhà như nó vừa chứng kiến. Nếu chiếc thùng có nắp lớn gấp mười lần hơn như thế cũng không tài nào làm sập được một tòa nhà, huống chi là cả một thành phố mênh mông. Nhưng Mạnh không buồn cãi lại Quý ròm. Ðầu óc nó đang thắc mắc chuyện khác:
– Nhưng tại sao khi nãy chiếc thùng lại thình lình phát nổ? Chẳng lẽ nó muốn nổ lúc nào thì nổ hay sao?
– Thình lình sao được mà thình lình ! – Quý ròm nhếch mép, và khom người moi lên chiếc ống cao su đính lủng lẳng dưới đáy thùng, nó hấp háy mắt giải thích – Ðoạn cao su này được gắn với chiếc phễu. Lúc nãy, khi mày bắt đầu lắc chiếc lọ thì tao ngồi thụp xuống và len lén thổi vào chiếc ống này. Thế là “bùm” và lập tức có đứa són ra quần…
Quý ròm chưa nói dứt câu đã la lên oai oái. Thằng Mạnh nhảy xổ vào và vừa thu nắm tay đấm thùm thụp lên tấm lưng còm nhom của ông anh, nó vừa ngoác miệng hét tướng:
– Anh này nè! Anh “chơi ác” làm em sém tí nữa đứng tim nè!
Quý ròm loi choi nhảy tránh và nhe răng cười:
– Mày mới là đứa “chơi ác”! Tao giỡn với mày có chút xíu mà mà lại đi đập vỡ mất chiếc lọ bảo bối của tao!
– Tại anh chứ bộ!
Quý ròm đang định trêu ông em thêm mấy câu nữa thì bà và nhỏ Diệp đã hiện ra ở cửa phòng.
– Cái gì đùng đoàng trong này thế? – Bà nghiêm giọng hỏi.
– Dạ có gì đâu ạ! – Quý ròm gãi gáy – Chắc là ai đốt pháo ở ngoài đường!
Bà chưa kịp lên tiếng thì nhỏ Diệp đã láu linh quệt hai ngón tay lên má:
– Lêu lêu! Nói dối mà cũng không biết cách! Chẳng lẽ anh quên là Nhà nước đã cấm đốt pháo mấy năm nay rồi hay sao?
Bộ tịch nhơn nhơn của nhỏ Diệp làm Quý ròm muốn lộn ruột. Nhưng biết mình bị hớ, Quý ròm đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Nó cười lấp liếm:
– Ờ há! Thế mà tự dưng tao lại quên bẵng đi mất!
– Cháu còn quên nhiều thứ lắm! – Bà hừ mũi, lúc nãy bà đã nhìn thấy những mảnh chai vỡ đang tung tóe trên nền nhà, vì vậy giọng bà đã nghiêm lại càng nghiêm – Cháu hứa là sẽ không bày những trò gây ra tiếng nổ, thế mà hôm nay suýt chút nữa cháu đã làm sập nhà! Cứ kiểu này thì bà phải méc lại với ba cháu thôi!
Câu nói cuối cùng của bà rõ là có ý hăm dọa. Quý ròm xanh mặt:
– Ðừng, bà ơi! Bà đừng méc với ba cháu! Cháu có cố ý gây ra tiếng nổ đâu!
Nhỏ Diệp vọt miệng:
– Không cố ý nhưng mà cố tình!
Cái trò “thọc gậy bánh xe” của nhỏ em tinh quái khiến Quý ròm tức muốn nổ đom đóm mắt. Nó nghiến răng ken két, nếu không có bà dám nó đã nhảy xổ lại “nhai xương” nhỏ Diệp rau ráu rồi. Nhưng tội cũ chưa gỡ được, Quý ròm chả dại gì gây thêm tội mới. Cố bấm bụng phớt lờ sự khiêu khích của nhỏ Diệp, nó nhìn bà phân bua:
– Cháu nói thật đấy! Cháu chẳng cố tình đâu! Tại thằng Mạnh nó bất cẩn nó làm vỡ chiếc lọ hóa chất của cháu, thế là bà nghe “bùm” một tiếng nho nhỏ thế thôi!
Quả như Quý ròm nghĩ, bà chưa nhìn thấy chiếc thùng thiếc ở góc phòng và nếu thấy có lẽ bà cũng không nghĩ tiếng nổ vừa rồi phát ra từ đó. Vì vậy, nghe Quý ròm giải thích, vẻ mặt nghiêm nghị của bà liền dãn ra mặc dù cái tiếng nổ khủng khiếp mà bà nghe thấy dứt khoát chẳng phải là tiếng “bùm” “nho nhỏ” như thằng cháu của bà mô tả. Bà chậm rãi quay sang Mạnh đang đứng khép nép kế bên:
– Anh Quý nói có đúng không hở cháu?
Biết ông anh ranh mãnh đang tìm cách đố riệt tội trạng lên đầu mình nhưng Mạnh chẳng còn cách nào khác hơn là nhăn nhó gật đầu:
– Dạ, đúng ạ!
Thấy thằng Mạnh xuất sắc trong vai “Lê Lai cứu chúa” không thua gì nghệ sĩ cải lương hạng nhất, Quý ròm mừng rơn. Do đó khi bà hăm he trước lúc bước ra cửa:
– Nhưng bà chỉ tha cháu lần này thôi nhé! Lần sau dù là vô tình hay cố ý, bà cũng nhất định không bỏ qua đâu đấy!
Nó toét miệng cười và hớn hở đáp ngay:
– Bà cứ yên tâm! Sẽ không có lần nào nữa đâu ạ!
Chương 2
Bà và nhỏ Diệp vừa bước ra thì tiểu Long thò đầu vào.
– A, Mạnh! Mày lên đây bao giờ thế? – Nhác thây Mạnh, Tiểu Long ngạc nhiên reo lên.
– Ôi, anh Tiểu Long! – Mạnh cũng không ngăn được nỗi hân hoan – Em mới lên! Anh khỏe không?
– Khỏe! – Tiểu Long cười hỏi – Mày lên đây với ai thế?
– Em đi một mình!
– Xạo đi mày!
– Thật! Mẹ em phải ở nhà trông nhà!
Tiểu Long nheo mắt tủm tỉm:
– Thế đi một mình mày không sợ người ta bắt cóc đế tống tiền bán qua các nước khác làm nô lệ sao?
Thấy Tiểu Long lôi chuyện cũ ra trêu mình, Mạnh nhăn mặt:
– Anh học cái tật cà khịa của anh Quý từ bao giờ thế?
– Cần quái gì học! – Tiểu Long ngó Quý ròm – Tao chơi với anh Quý của mày riết đằng nào mà chả lây! Người ta bảo “gần mực thì đen” mà!
Ðang nói, Tiểu Long bỗng kêu “oái” một tiếng và cúi đầu dòm xuống đất:
– Cái gì thế này?
Ðến lúc đó Tiểu Long mới phát hiện ra những mảnh vỡ đang vương vãi dưới nền nhà.
Quý ròm cười hích hích:
– Người ta bảo “gần mực thì đen, gần mảnh thủy tinh thì tránh”, ai bảo mày chỉ thuộc mỗi vế đầu!
Nhưng “đòn phản kích” của Quý ròm như gió vào nhà trống. Nó mới nói được nửa câu, Tiểu Long đã biến mất.
Mạnh ngạc nhiên đưa mắt sang ông anh:
– Anh Tiểu Long chạy đi đâu thế?
– Nó ra sau bếp.
– Ảnh ra sau bếp làm gì?
Quý ròm chưa kịp trả lời thì Tiểu Long đã vụt hiện ra. Nó bước vào phòng với cây chổi và chiếc ki nhựa trên tay. Từ hồi chơi thân với “nhà ảo thuật” Quý ròm, nó đã quá quen với chuyện dọn dẹp, thu gom những mảnh lọ vỡ.
Mạnh đưa tay về phía Tiểu Long:
– Anh đưa chiếc ki đây em cầm giùm cho!
– Khỏi! – Quý ròm phẩy tay – Tốt nhất là mày cũng nên chạy ra sau bếp đi!
Mạnh giương mắt ếch:
– Chi vậy?
– Thì đi tắm chứ chi! Khi nãy bà chẳng bảo tao dẫn mày đi tắm là gì!
Tiểu Long cũng hùa vào:
– Ðúng rồi đó! Mày tắm rửa sạch sẽ đi rồi tụi tao dẫn mày qua nhà chị Hạnh chơi!
Nghe nói đi thăm nhỏ Hạnh, Mạnh hăng hái ngay. Nó phóng vù ra khỏi phòng, miệng rối rít:
– Chờ em chút xíu nghe! Em tắm nhoáng một cái là xong ngay đây!
Ðến khi thằng Mạnh đầu cổ gọn gàng sạch sẽ, quần áo tinh tươm bước ra thì Tiểu Long và Quý ròm đã ngồi sẵn ở phòng khách.
– Ði! – Tiểu Long đứng dậy.
– Ði bộ hả? – Mạnh hỏi.
– Ừ. Tiện thể tụi tao dẫn mày đi dạo phố luôn!
Từ nhà Quý ròm tới nhà nhỏ Hạnh chẳng gần mà cũng chẳng xa. Ba đứa thả bộ tà tà khoảng nửa tiếng đã tới cầu thang dẫn lên nhà cô bạn gái.
Cũng như Quý ròm và Tiểu Long, đôi mắt nhỏ Hạnh trố lên khi bất ngờ gặp lại Mạnh :
– Ôi, ngọn gió nào thổi em đến đây thế ?
Quý ròm cười hì hì :
– Tất nhiên là gió biển Vũng Tàu rồi !
Nhỏ Hạnh chun mũi :
– Ai hỏi Quý ! Vô duyên !
Vừa dẫn ba bạn vào nhà, nhỏ Hạnh vừa quay sang Mạnh :
– Mẹ em lúc này khỏe không ?
– Dạ khỏe.
– Các căn phòng hôm trước bọn chị ở đã có khách nào tới thuê chưa ?
– Có rồi. Nhưng thỉnh thoảng thôi. Chỉ những ngày cuối tuần.
Tiểu Long thình lình vọt miệng :
– Mày có gặp lại mấy anh trong nhóm Hải Âu không ?
Mạnh gật đầu :
– Có. Em đến chơi với mấy ảnh hoài.
Nhỏ Hạnh cười :
– Em tới “lâu đài ma” trong rừng thông đó ư ?
Mắt thằng Mạnh vụt long lanh :
– Bây giờ ngôi nhà đó chả có vẻ gì là “lâu đài ma” cả ! Mấy ảnh sửa sang lại đẹp lắm ! Hôm nào mấy anh chị có dịp xuống chơi thì biết !
Quý ròm khịt mũi :
– Ừ hôm nào tụi tao sẽ xuống !
Mạnh khoe :
– Mấy ảnh hỏi thăm mấy anh chị hoài ! Mấy ảnh còn bảo khi nào mấy anh chị xuống Vũng Tàu, mấy ảnh sẽ dành cho anh chị một trò chơi vô cùng hấp dẫn. Hấp dẫn hơn nhiều so với trò truy lùng chiếc cúp bạc kỳ trước !
Nhỏ Hạnh lắc mái tóc, nó vô tình nhắc lại lời nói của Quý ròm :
– Câu chuyện bị cắt đứt với những bóng người lố nhố trước cửa. Ðó là thằng Tùng đi học thêm lớp buổi chiều về. Nó dẫn theo cả thằng Ðạt và thằng Nghị. Sau “sự kiện” Tai To, ba đứa này tự dưng đâm ra chơi thân với nhau.
Nhỏ Hạnh chạy ra mở cửa cho bọn nhóc. Rồi nó chỉ từng đứa đang lần lượt đi vào, giới thiệu với Mạnh :
– Ðây là Tùng, đây là Nghị, đây là Ðạt ! Tùng là em chị. Còn Ðạt và Nghị là bạn cùng lớp với Tùng !
Ba ông nhóc lễ phép cúi chào các ông anh bà chị. Mạnh gật đầu đáp lễ lại từng đứa nhưng mắt nó lại nhìn chằm chặp vào những chiếc cặp sách trên tay bọn nhóc. Bọn học trò ở thành phố lớn đi học có khác ! – Mạnh thầm nhủ – Cặp sách của đứa nào trông cũng thật “oách” ! Nhưng cái khiến Mạnh mê tơi là cặp sách nào cũng có hình một con chim ưng xòe cánh thêu ở góc, trông vô cùng sống động. Ngày mai mình sẽ kêu anh Quý chở đi mua một chiếc cặp giống hệt như vầy mới được. Tụi bạn trong lớp thấy mình ôm chiếc cặp này cứ gọi là lé mắt ! Từ lúc đó, ý nghĩ về chiếc cặp sách có thêu hình chim ưng cứ bám riết lấy đầu Mạnh khiến nó chẳng còn tâm trí đâu để ý đến câu chuyện của bọn Quý ròm nữa.
Sáng hôm sau, mọi người đi làm đi học cả, chỉ có Mạnh và bà ở nhà.
Ngồi trò chuyện với bà một lát, Mạnh chui vào phòng Quý ròm. Nhìn đống chai lọ đủ kiểu đủ cỡ của ông anh xếp hàng trên giá, Mạnh cảm thấy ngứa ngáy quá chừng. Ðã mấy lần nó định lấy lại một món xuống săm soi chơi nhưng nhớ đến “vụ nổ” kinh hồn hôm qua, nó đâm ngần ngừ và cuối cùng đành từ bỏ ý định mạo hiểm cua mình.
Chẳng biết làm gì cho hết giờ, Mạnh lôi sách ra đọc. Nhưng ngăn sách của Quý ròm chỉ toàn sách khoa học, chả có cuốn trinh thám nào nên Mạnh chỉ rút ra vài cuốn, lật lật vài trang rồi lại nhét trở vô.
Rốt cuộc, suốt buổi sáng Mạnh chả có gì giải trí, cứ loay hoay đi tới đi lui trong nhà để đợi Quý ròm về. Vì vậy, vừa thấy ông anh bước chân qua khỏi cổng, nó đã mững rỡ chạy vù ra đón.
Quý ròm vỗ lên lưng Mạnh:
– Hồi sáng đến giờ mày làm gì?
Mặt Mạnh xịu xuống:
– Em chả làm gì cả! Buồn thấy mồ!
– Thôi, được rồi! – Quý ròm an ủi – Ðể chiều nay tao chở mày đi chơi!
– Ði đâu? – Mạnh tò mò.
– Mày muốn đi đâu tao chở đi đó!
Mạnh gãi cổ:
– Nhưng em co biết chỗ nào đâu mà đi?
– Thiếu gì chỗ! – Quý ròm nhún vai, rồi nó xòe tay ra bấm từng ngón – Sở thú nè, hồ Kỳ Hòa nè, Ðầm Sen nè, công viên Văn Thánh nè, khu du lịch Thanh Ða nè…
Mạnh đột ngột hỏi:
– Trong mấy chỗ anh kể, có chỗ nào bán cặp sách không?
Câu hỏi đâm ngang của ông em làm Quý ròm cụt hứng. Nó thở dài ngán ngẩm:
– Tao nói chuyện đi chơi, mày lại nói chuyện đi mua đồ!
Mạnh chớp mắt :
– Thì đi mua đồ xong mình đi chơi !
Không nỡ làm phật lòng ông em từ Vũng Tàu lặn lội lên đây thăm mình, Quý ròm đành nở một nụ cười méo xẹo :
– Thôi được, lát chiều tao chở mày đi mua cặp sách trước ! Sau đó mình đi chơi !
Khi tuyên bố như vậy, Quý ròm không ngờ rằng cái khoản “đi chơi” hấp dẫn kia chẳng bao giờ xảy ra.
Cái cặp sách mà thằng Mạnh định mua rốt cuộc chẳng có nơi nào bán. Suốt buổi chiều hai anh em lếch thếch đèo nhau đi hết cửa hàng này đến cửa hàng khác, xộc vào cả các siêu thị đồ sộ, vẫn chẳng tìm thấy chiếc cặp sách nào có thêu hình chim ưng. Những người bán hàng khẳng định rằng họ chưa từng bán chiếc cặp nào như vậy.
Mệt đứ đừ vì cuộc tìm kiếm vô vọng, Quý ròm nghi ngờ ngó Mạnh :
– Hay là mày nhầm !
– Nhầm gì cơ ?
– Chiếc cặp chim ưng ấy ! Trên đời này làm gì có chiếc cặp như vậy !
– Có mà ! Chính mắt em thấy rõ ràng !
Quý ròm trợn mắt :
– Mày nhìn thấy ở đâu ?
– Ở nhà chị Hạnh ấy – Mạnh liếm môi – Thằng Tùng và đám bạn nó đứa nào mà chả có một chiếc cặp chim ưng.
Tiết lộ của Mạnh làm Quý ròm bật ngửa. Nó đưa hai tay lên trời, thảng thốt kêu :
– Trời ơi là trời ! Ðất ơi là đất !
Thái độ của ông anh làm Mạnh chột dạ, nó nuốt nước bọt :
– Em nhìn thấy thật mà !
– Thì tao có bảo là mày không nhìn thấy đâu ! – Giọng Quý ròm đau khổ – Nhưng nếu mày nói điều đó ngay từ đầu thì tụi mình đâu có phải chạy lòng vòng đến rã cẳng suốt cả buổi chiều như thế ! Chỉ việc tới gặp thằng Tùng hỏi nó mua chiếc cặp sách ở đâu rồi nhờ nó chỉ đường cho mình tới đó là xong !
– Em đâu có ngờ chiếc cặp đó lại hiếm đến thế ! – Mạnh ấp úng phân trần.
Quý ròm cười mũi :
– Chiếc cặp hiếm mà người như mày cũng hiếm ! Hay ho gì chiếc cặp đó mà phải lùng sục cho mệt xác !
Miệng tuy nói vậy Quý ròm vẫn mím môi lọc cọc đạp xe chở Mạnh đi kiếm thằng Tùng.