Kiêu –> Xiêu và…Yêu

Chương 5: Axon - Chương 05


Bạn đang đọc Kiêu –> Xiêu và…Yêu – Chương 5: Axon – Chương 05

Chương 5: Quán Café Hạ Nhớ
Chật vật lau chùi rồi sắp xếp những sản phẩm của Công ty vào đúng chỗ theo quy định, tôi thấy mỏi nhừ chân. Nóng quá! Mùa thu của tôi sao mà đỏng đảnh thế? Tôi gỡ chiếc mũ ra phe phẩy cố xua đuổi cái nóng đang hừng hực lên trong người. Cổ họng tôi khô rát. Khát.
Tôi quay ra chỗ quầy bán hàng nói với chị chủ cửa hàng:
– Chị ơi, cho em một cốc nước cam như mọi khi nhé. Mọi khi của tôi đó là nước cam pha với đường, nhiều đá và nhất định phải bỏ thêm một chút muối. (Nếu không quen với vị lờ lợ thì bạn chớ dại dột thử nhá!^^)
– Ừ, ra bàn ngồi nghỉ đi em. Chị chủ cười niềm nở.
Chắc chị ta mừng vì lại tiêu thụ được một cốc nước và một số bim bim chứ gì? Lần nào đến đây mà tôi chả mất một hai chục nghìn với bà ấy. Công việc của chúng tôi muốn làm được không khó nhưng cũng chả phải dễ. Vì là nhân viên chăm sóc khách hàng nên nhiệm vụ chính của chúng tôi là phải làm sao cho khách hàng hài lòng và đưa được vẻ hấp dẫn của sản phẩm vào tầm ngắm của các vị Thượng Đế. Và cũng vì mối quan hệ có qua, có lại nên bọn tôi phải bấm bụng tiêu tiền. Đôi khi cũng phải chịu khó làm khách hàng “bất đắc dĩ” của một số vị chủ cửa hàng khó tính. Chị này là một trong những vị như vậy. Thí dụ như cùng trong một buổi sáng nhé. Lúc đầu, chị ta niềm mở chào hỏi tôi cứ như thể tôi là khách quý. Ấy vậy mà sau khi tôi sắp xếp lại các sản phẩm của Công ty tại cửa hàng là coi như tôi được bà chủ tặng cho cả bộ mặt sưng sỉa. Tính tình của chị ta thay đổi còn nhanh hơn cả thời tiết.
– Nước cam của em đây. Chị chủ đon đả.
– Vâng, cảm ơn chị.
– Em thường xuyên ghé qua đây với chị nhé. Lúc nào cũng được em ạ. Chị bận thì ngồi chơi còn rảnh thì hai chị em ta buôn chuyện, em nhỉ?
– Dạ, vâng ạ. Tôi đáp và cười xã giao.
Thường xuyên qua chỗ chị để em cuối tháng “treo niêu” luôn à? Lương của em đâu có cao gì đâu cơ chứ? Nếu chỉ để tán gẫu vớ vẩn thì em có một lũ bạn rồi chị ơi. Tán với chúng nó vừa vui vừa chả tốn một đồng nào. Tôi nghĩ thầm.
 
– Chào cô bé.
Tôi ngẩng đầu lên. Gớm, hết cả hồn! Tưởng ai hóa ra là anh chàng béo ịch, nhân viên bán hàng mới của tuyến tôi. Gọi là mới với tuyến của tôi thôi chứ anh chàng này vào làm trước tôi khá lâu rồi. Đương nhiên, anh ta được điều sang từ tuyến khác. Anh ta tên là Phú. Bọn chúng tôi hay gọi đùa là Trư Bát Phú hay còn gọi là Phú “Lão Trư”. Gọi như thế chả sai chút nào. Anh chàng đã béo lại còn để đầu đinh nom chả khác bác ỉn nhà ta là mấy. Lão “que củi” kia nghĩ gì mà lại đổi chàng hotboy Nam “phủi” bằng một gã xấu thế không biết??? Việc phân công ai đi làm ở đâu chả phải giám đốc có quyền can thiệp vào hay sao?
– Em chào anh. Tôi đáp lại lời chào của Phú “lão Trư” và cố nặn ra nụ cười thân thiện.
– Chào em. Hehe…Đi làm gần chục hôm rồi mới được hân hạnh gặp em. Anh ta nói với vẻ châm biếm.
Hứ, ngày nào chả gặp nhau ở Nhà máy còn lắm chuyện. Muốn gì đây? Nghĩ vậy nhưng tôi cười hiền:
– Có lẽ em chưa có duyên để hân hạnh được tiếp chuyện với anh thì đúng hơn.
– Anh đùa vậy thôi. Công việc của ai người nấy làm. Phải không em? Anh ta nháy nháy mắt.
– Dạ… Tôi cười cho qua chuyện nhưng chỉ ước ao mình có thể đấm một cái ắt hắn chuyển hệ sang kiểu mắt chó Bull hoặc chí ít thì chúng cũng hết nhấp nháy (Grừhhh!)
Quả thực là lão Trư đó chuyển sang làm tuyến này thay anh Nam đã được hơn một tuần rồi. Vậy mà đây là lần đầu tiên chúng tôi đụng độ ở trên tuyến. Có thể là lúc tôi vừa đi cũng là khi anh ta đến hoặc ngược lại.

Thú thật tôi đi làm chính thức ở trên tuyến cả sáng và chiều cộng lại may ra thì được 5 tiếng. Hàng ngày, bọn tôi đã mất 2 tiếng đi lại trên ôtô còn 1 tiếng thì nghỉ trưa. Công việc ngày nào cũng vậy mà địa điểm lại ở ngay gần nhà nên tôi cũng hay lẻn về nhà đánh một giấc vào buổi trưa. Có hôm tôi ngủ hơi quá đà thức dậy thì đã xế chiều may mà còn kịp ra đón ôtô xuống Nhà máy.
Tuy nhiên, tôi luôn luôn hoàn thành tốt công việc của mình. Từ hôm đầu tiên đi làm đến giờ tuyến tôi phụ trách luôn là một trong các tuyến đứng đầu về trưng bày sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Chắc nhờ có vậy mà việc tôi trốn về nhà ngủ trưa không bị ai xăm soi hay phát hiện. Tự dưng hôm nay bị một gã đụng đến vấn đề hết sức có… vấn đề của tôi, tôi thấy mình như bị kẻ khác tóm vào gáy khi đang làm việc gì xấu vậy.
Đứng bật dậy, tôi đi ra trả tiền cốc nước và chào anh ta rồi đi thẳng. Vừa ra đến ngoài cửa tôi đụng luôn anh Chiến.
– Em chào anh Chiến. Tôi thấy mình bỗng ngoan…dễ sợ!
– Chào em. Hôm nay đi làm vất vả không?
– Cảm ơn anh. Ngày nào mà chả như nhau hả anh? Tôi cười hiền lành.
– Thế à? Miệng hỏi nhưng anh Chiến nhìn tôi với ánh mắt dò xét. Trong ánh mắt anh giám sát có pha lẫn cái gì đó rất lạ mà tôi không thể gọi tên. Nhưng có điều tôi chắc chắn là nó chả mang lại cho tôi điều gì đáng gọi là tốt đẹp cả. Tôi không đoán nổi chuyện gì chỉ thấy bất an. Lẩm nhẩm trong đầu, tôi điểm lại lịch trình làm việc của mình trong ngày.
Kể cả nơi này thì tôi đã đi gần hết các địa chỉ có trong lịch làm việc. Chỉ còn mỗi một nơi do nằm gần chỗ đón xe ô tô nên tôi dự định sẽ ghé qua trên đường về cho tiện. Về phần công việc, tôi đã thực hiện khá là chu đáo và chuẩn xác theo đúng tiêu chuẩn. Sao bỗng dưng hôm nay lại thấy anh Chiến ghé thăm nhỉ? Từ lúc tôi nhận tuyến đến giờ tôi chỉ nhìn thấy anh ấy duy nhất có một lần. Lần đó tôi đi ngược chiều với anh Chiến. Chả biết anh có nhìn thấy tôi không mà anh ấy chỉ phóng xe vèo qua thôi. Tôi hiểu công việc của giám sát là gì hay ít nhất thì cũng biết đại khái dựa trên ý nghĩa của từ “giám sát”. Việc có giám sát ghé thăm lúc đang làm việc chắc chắn không phải là tin lành. Vì nếu cần đánh giá thì họ sẽ thực hiện sau khi nhân viên đi khỏi, tôi nghĩ thế.
Anh Chiến dường như đọc được câu hỏi trong mắt tôi. Anh nói:
– Em quay lại ngay nhà số 119 đường… nhé.
– Quán Café “Hạ nhớ” phải không ạ? Sao hả anh? Tôi ngạc nhiên.
– Anh vừa kiểm tra ở đó thấy không ổn lắm. Anh Chiến nghiêm giọng.
– Sao lại thế được nhỉ? Tôi thắc mắc.
– Em qua ngay đi. Khẩn trương lên không thì muộn xe bây giờ! Câu nói của anh Chiến như một mệnh lệnh.
Tôi chỉ kịp đáp “Vâng ạ” rồi chạy như bay ra chỗ chiếc xe máy. Ngồi chung trên xe với tôi là ngổn ngang những lo lắng. Tôi chỉ mong mình đến đó thật nhanh.
Dựng xe một cách cẩu thả, tôi hấp tấp bước vào trong quán. Lúc này quán Café vắng người, bốn bề chỉ có bàn và ghế chơ lơ ngó lại tôi. Đưa mắt nhìn nhanh về chỗ trưng bày sản phẩm của Công ty, tôi thấy nhẹ nhõm vì mọi thứ vẫn y như lúc tôi rời khỏi cách đây một tiếng.
– Sao phải quay lại thế em? Chị chủ quán vừa đi ra vừa hỏi tôi.
– Dạ…em…tôi cố gắng nghĩ thật nhanh một lý do hợp lý. Thôi nói đại là mình quên cái gì đó và đang đi tìm vậy, tôi quyết định – Em quên cái mũ chị ạ. Chị có nhìn thấy em vứt nó ở đâu không?
Chị chủ quán nhìn tôi với một vẻ mặt ngạc nhiên tột độ. Một lát sau, chị phá lên cười. Nhìn chị ấy cười cười nói nói và tay chỉ chỏ về phía mình, tôi lại càng ngơ ngẩn hơn. Chẳng thể hiểu nổi bà ấy muốn nói gì. Tôi ngao ngán:
– Chị cười gì đấy?

Chị chủ quán vẫn chưa dừng lại được. Phải mất một lúc, chị ta mới ngớt cơn phấn khích. Tôi kiên nhẫn quan sát chị ta chùi quẹt nước mắt rồi tiếp tục hỏi:
– Sao chị lại cười?
– Cái…hihihi…cái mũ nó…ở trên đầu em ấy!
Đưa tay sờ lên đầu, giờ thì lại đến lượt tôi cười. (Ui, mình đoảng quá! nói dối cũng không xong. hic)
– Chị cho em xin một cốc nước cam nhé. Tôi đành ngồi xuống ghế và chữa ngượng (khổ thân tôi! cốc nước khi nãy vẫn chưa kịp tiêu hóa)
– Vẫn như mọi khi hả? Chị chủ quán nhìn tôi với ánh mắt …thông cảm. Tôi không thích như vậy đâu. Ngại quá! (lần đầu tiên nói dối bị phát hiện …ngay tại trận!)
Chị chủ quán đi khuất. Tôi bâng khuâng ngắm nhìn khung cảnh bình yên trong thoáng chốc.
Quán Café này nằm ở vị trí rất thuận lợi. Nó tọa lạc ngay cuối con đường rợp bóng cây râm mát. Phố vắng xe cộ nhưng không thưa người vì trên con phố có một câu lạc bộ thể thao và bơi lội. Khu vực này đương nhiên trở thành nơi hẹn hò, tụ tập của giới thanh niên. Và đương nhiên quán Café “Hạ nhớ” được khai sinh cũng như bao quán giải khát khác nằm trên trục đường.
Vì nằm ở cuối con đường và ngay cạnh một vườn hoa nhỏ nên quán “Hạ nhớ” rất thu hút khách. Đặc biệt là buổi chiều tối. “Hạ nhớ” mang một nét đẹp mộc mạc lại quyến rũ mà cũng thật là đáng nhớ. Trước cửa quán là sự kết hợp nhuần nhuyễn của các màu tím hồng của ti-gôn, vàng cam của lan tiêu và trắng của hoa giấy. Tường của quán ốp bằng tre trúc. Chúng được đan vào nhau như hàng rào. Một nét đẹp bình dị của thôn quê. Bên ngoài là vậy trong quán lại càng ấn tượng. Kiểu cách trang trí vừa dân dã vừa sang trọng, vừa gần gũi với thiên nhiên vừa xa lạ, độc đáo. Người thiết kế quả là có con mắt nghệ thuật đầy sáng tạo.
Có tiếng bánh xe lạo xạo lăn bánh chầm chậm và dừng ở trước cửa quán. Một cái xe trông rất quen đỗ xịch ngay cạnh vỉa hè. Tôi nhìn ra với vẻ ngỡ ngàng không che giấu.
Giám đốc Vương. Anh ta sao lại đến đây?
Đóng sập cửa xe, anh chàng “que củi” đủng đỉnh đi vào. Tôi đứng bật dậy khỏi ghế. Tôi không run, không sợ gì cả nhưng quả thật tôi rất bối rối. Rõ ràng là tôi đâu có trốn việc mà gặp sếp, tôi cứ thấy như mình đang làm điều gì đó sai ấy. Tôi cứ nhìn chằm chằm vào mỗi bước chân anh ta mà quên mất thủ tục chào hỏi thường phải có.
– Công việc xong chưa cô bé?
– Dạ, em làm xong rồi ạ. Tôi trả lời như cái máy.
– Em ngồi đi. Anh ta nói rồi tự tay kéo ình một chiếc ghế và thản nhiên ngồi xuống.
– Vâng ạ. Trả lời vậy nhưng tôi vẫn đứng im không nhúc nhích. Đây là lần thứ hai tôi trực tiếp đối thoại với anh ta kể từ sau hôm phỏng vấn. Không thể diễn tả được hết cảm xúc của tôi lúc này. Đó là một mớ hỗn tạp các cảm xúc bị xáo trộn. Một chút lo lắng. Một chút ngạc nhiên. Một chút tò mò… Tất cả như một mớ bong bong khiến tôi không còn biết mình nên làm gì cho phù hợp.
– Ngồi xuống đi, bé! Tiếng anh ta vang lên đột ngột. Lời nói nhẹ nhàng mà dứt khoát lôi tôi thoát ra khỏi sự lúng túng và quẳng tôi trở về thực tế.
Cúi gằm mặt lập tức tôi ngồi xuống. Lúc này đặt tôi cạnh con robot chắc có lẽ người ta chả phân biệt được đâu là con người. Bất giác tôi phì cười vì sự so sánh của mình.
– Cười gì đó, cô bé? Anh chàng hỏi và tay rút điếu thuốc gắn lên môi.

– Dạ…không ạ. Tôi đưa tay che miệng.
– À, em cười cái “không ạ” phải không? Đưa bật lửa châm điếu thuốc và anh ta hỏi tôi.
– Dạ… không ạ. Không biết nên chống chế thế nào tôi đành lặp lại.
Phả một ngụm khói, anh ta nhếch môi cười và…chăm chú nhìn tôi. Ánh mắt này không bình thường chút nào. Tôi chỉ kịp phát hiện ra điều khác lạ đó và đưa mắt nhìn vội sang chỗ khác. (!?)
– Nhà bé ở phố … à?
– Ơ, sao giám đốc biết ạ?
– Hôm đó bé nói còn gì! Cái hôm phỏng vấn đó. Anh ta nhắc.
– À, vâng… đúng rồi ạ. Tôi lúng túng.
– Số nhà bao nhiêu thế?
– Dạ, số… 54 ạ. Tôi rụt rè.
– Ồ, thế thì gần nhà anh. Chúng ta là hàng xóm. Anh ta thốt lên với vẻ mặt vui mừng. Tôi chỉ cười thay cho câu trả lời vì thật sự tôi cũng chả biết nói gì.
– Anh biết nhà em rồi. Mai anh đi công tác. Khi nào về anh sẽ mang quà đến cho em.
Anh đi công tác thì có liên quan đến tôi à? Tôi nghĩ thầm trong bụng nhưng mà nếu không nói gì cả tôi thấy cũng hơi kỳ kỳ nên tôi cố tỏ vẻ quan tâm:
– Giám đốc đi công tác có lâu không ạ?
– Vài ba tháng. Anh ta đáp.
– Ôi, đi lâu vậy cơ á? Tôi thốt lên và ngay lập tức nhận ra mình vô duyên chưa từng thấy. Mắc mớ gì mà than vãn chứ? Anh ta đi ba tháng chứ ba năm cũng chẳng ảnh hưởng quái gì đến tôi. (!)
Anh chàng “que củi” không nói gì. Anh ta chỉ khẽ cười và lại đưa điếu thuốc lên môi. Anh ta hơi ngửa đầu ra sau nhả khói thuốc nhưng mắt vẫn không thôi nhìn tôi.
Im lặng bao trùm không gian.
Tôi bẻ mấy ngón tay. Hết ngón này tôi bẻ sang ngón khác. Chừng đã bẻ hết các ngón đang chẳng biết làm thế nào để đứng lên thì tôi thấy chị chủ quán bưng khay nước ra.
– Vương đấy à? Sao hôm nay lại ghé chỗ chị thế này? Chị chủ quán có vẻ phấn khởi trông thấy.
– Chào chị. Ghé qua thăm bà chị định hỏi vay ít tiền đây? Anh chàng nhăn nhở.
– Úi, cậu cứ nói đùa. Cậu chả cho chị vay thì thôi chứ.
Hai người đối đáp có vẻ sôi nổi và thân mật như thể họ đã quen như vậy từ rất lâu rồi. Mừng quá! Tôi liền đứng dậy đi về phía chỗ cái tủ ở gần quầy bar giả vờ ngắm nghía. Đứng đây một lúc và chuồn thôi, tôi định bụng như thế.

Phía đằng kia, hai người họ vẫn đang rôm rả truyện trò. Tôi nhìn ra ngoài trời. Bên ngoài trời vẫn nắng nhưng cái nắng có vẻ nhạt hơn rồi. Tôi đưa tay nhìn đồng hồ, chỉ còn khoảng hơn 20 phút nữa là đến giờ ô tô đón. Có vẻ như đã đến lúc tôi nên rời khỏi đây…
– Cậu xem giúp cho chị cái tủ luôn cái.
Tiếng chị chủ quán nói ngay bên cạnh làm tôi giật mình. Xoay người lại tôi càng hoảng hốt khi thấy giám đốc Vương cũng đứng ngay sau lưng. Anh ta đứng gần tôi đến nỗi tôi có thể cảm nhận được hơi thở của anh ta khẽ chạm vào nong nóng sau gáy tôi. Anh ta đang nhìn chăm chăm vào tôi. Biết là tôi đã ngoảnh lại, anh ta cũng chả thèm hướng ánh mắt ra khỏi khuôn mặt tôi. Lần đầu tiên bị người khác giới “chiếu tướng” với cự ly gần đến vậy nên tôi không khỏi bối rối. Tôi thực sự choáng váng. Tôi thấy mình như Từ Hải. Chết sững. Chân tay cứng đơ. Lúc này, chỉ có một điều ở tôi khác với bộ dạng của chàng Từ là con tim tôi đang đập gấp gáp. Nhận ra cái nhìn đầy vẻ mất bình tĩnh của tôi, giám đốc Vương mới chịu đưa ánh mắt ra chỗ khác. Rồi anh ta tiến đến sát cái tủ lạnh và cúi xuống bắt đầu ngó nghiêng nó. Anh ta mở cửa ra lại đóng vào. Mở phần bên dưới của chiếc tủ, anh chàng lui cui làm gì đó một lúc.
Ngạc nhiên thật! Một anh chàng đầy uy lực, một công tử ngạo mạn là vậy mà ra vẻ như một thợ kỹ thuật chuyên nghiệp thì dường như không hợp lắm. Trông anh ta loay hoay cứ như “thợ vụng đi tìm kim” ấy. Tôi lúc này đã thấy bình thường trở lại. Và ý nghĩ khôi hài hiện rõ trong đầu tôi. Phải trả thù tia nhìn “bắt nạt” kia của anh ta mới được.
Chẳng thể kìm nén được những ý nghĩ đang bật ra thành tiếng, tôi hỏi chị chủ quán:
– Nhà có búa không chị?
– Hả? Búa để em làm gì? Chị quay sang nhìn tôi lạ lẫm. Cả anh chàng “que củi” kia cũng quay sang nhìn tôi với vẻ mặt biết-chết-liền.
– Thì cho sếp Vương mượn để …sửa tủ. Tôi tưng tửng trả lời.
Sau một lúc ngớ người ra, chị chủ quán ré lên cười thích thú. Anh chàng “que củi” vụt đứng lên nhìn sang tôi cười rất chi là…bẽn lẽn. (oài, chưa bao giờ thấy “que củi” cute đến vậy) Anh ta phủi tay, miệng vẫn tủm tỉm nụ cười. Nụ cười của cậu học trò bị phát hiện ra một…tội lỗi đáng yêu. (hehe…biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà…a lô. Gọi mấy thợ kỹ thuật đến thì 1 chứ 10 tủ cứ gọi là ô kê con gà…quay. Hoho…) Thấy hai người họ có vẻ mải cười mà không để ý đến mình nữa, tôi lấy điện thoại ra xem giờ. Ui, thôi chết! Đã hết giờ làm việc rồi! Mình phải nhanh lên mới kịp đón xe. Cơ hội tốt để tránh sếp đã đến. Chuồn thôi. Tôi nhanh chóng quyết định.
– Chào anh chị. Em đi đây ạ. Tôi chào và bước thật nhanh ra khỏi quán.
– Bé! Em đợi anh chút. Giám đốc Vương gọi với theo.
Nữa rồi. Vụ gì đây? Thật sự là tôi rất thuộc câu “Tránh voi chả xấu mặt nào” và đang áp dụng triệt để mà xem ra thất bại thảm hại (chàng…voi này chả chịu cho tôi tránh!)
– Dạ… giám đốc gọi gì em ạ? Tôi quay lại hỏi.
– Lên xe anh đưa về nhà máy.
Anh ta nói và nhìn thẳng vào mắt tôi. Câu nói như ra lệnh. Ghét! Xe của anh, anh đi mà lên. Cơ mà tôi chỉ dám lầu bầu trong ý nghĩ. Chưa kịp trả lời thì anh chàng nói luôn:
– Xe của em cứ để đây. Yên tâm đi.
– Dạ, thôi. Em cảm ơn. Em đi xe kia được rồi ạ. Tất nhiên là tôi từ chối.
– Đừng ngại. Đằng nào anh cũng phải xuống nhà máy.
– Dạ, thôi. Giám đốc cứ để em đi cùng mọi người ạ.
– Tiện đường thì đi cùng. Em ngại gì? Anh ta hơi nhăn mặt.
– Cảm ơn giám đốc. Giám đốc cứ đối xử với em như mọi người là được rồi ạ. Tôi nhã nhặn. Nói rồi tôi dứt khoát đi về hướng chiếc xe máy của mình chẳng chút hối tiếc. Tôi khẽ mỉm cười. Tôi bỏ lại sau lưng một anh chàng đẹp trai đang đứng chống nạnh ở giữa đường với vẻ mặt hết sức cau có (Cái này có tính là kiêu không?)
Tại sao tôi lại đi cùng anh ta chứ? Tôi biết sẽ không phải một mình tôi muốn có câu trả lời. Dĩ nhiên tôi chả mong mình là trung tâm của mọi lời đồn đại. Nhưng có một điều tôi chắc chắn không biết là sẽ có chuyện gì xảy đến với tôi khi từ chối lời mời của giám đốc Vương?
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.