Bạn đang đọc Không Có Người Như Anh – Chương 68: Trần Ngật Một Đời Bình An Sống Lâu Trăm Tuổi
Sau khi nghe điện thoại xong, Trần Ngật mới nhận ra trong lòng im ắng lạ thường.
Anh quay sang chỗ sô pha, Nguyễn Miên đưa lưng về phía cửa sổ, cô cúi đầu, ngồi ở đó không nhúc nhích, bên cạnh là mấy bộ quần áo đã được gấp gọn và chiếc ba lô màu đen đang mở ở một bên.
Anh không biết chuyện gì đang xảy ra, cất di động rồi đi qua.
Trước khi đến gần anh chợt dừng bước, ánh mắt đặt trên tờ giấy Nguyễn Miên đang cầm trên tay.
Chính xác mà nói, đó là di thư của anh.
Làm nghề này như bọn họ, mỗi lần trước khi ra ngoài làm nhiệm vụ sẽ phải viết một bức di thư để phòng trường hợp xảy ra chuyện ngoài ý muốn, không có thời gian xử lý chuyện sau này.
Trần Ngật vốn đặt di thư và nhẫn ở dưới gối đầu trong ký túc xá.
Hôm trước anh nhờ Thẩm Du quay về thu xếp một số đồ đạc giúp mình, Thẩm Du tiện thay cầm hai thứ này đến đây luôn.
Trần Ngật không mong cô sẽ trông thấy những dòng này, cũng giống như anh không muốn cô biết chuyện mình bị thương vậy.
Có một số việc mặc dù không thể tránh được, nhưng biết sớm khác với việc biết muộn.
Ít nhất là trước đó Trần Ngật không muốn Nguyễn Miên nhìn thấy thứ này sớm, đối với cô có lẽ đây là chuyện tàn nhẫn nhất.
Sống chết là chuyện thường tình, đó là điều ai cũng phải trải qua, mà khi chuyện này rơi xuống người thân bên cạnh, có lẽ đó không phải là một khó khăn dễ dàng vượt qua.
Trần Ngật lẳng lặng đi tới, sau đó nửa ngồi xuống trước mặt Nguyễn Miên, muốn rút tờ giấy đó ra khỏi tay cô, “Được rồi, đừng nhìn.”
Nguyễn Miên không buông tay, ngón tay siết rất chặt, lúc nhìn anh hốc mắt cô đỏ hoe, dường như phải dùng rất nhiều dũng khí mới dám mở miệng, “Có phải nếu lần này anh không —”
“Không có nếu như.” Trần Ngật ngắt lời cô, hơi dùng sức rút tờ giấy kia ra rồi gấp lại theo nếp gấp cũ, “Anh đã về rồi, giả thiết này không thể thành lập.”
Đôi nhẫn vẫn còn nằm trong lòng bàn tay Nguyễn Miên, chẳng hiểu sao trong lòng cô đột nhiên thấy sợ hãi và khủng hoảng vô cùng.
Trước kia khi còn đi học, vào đợt nghỉ hè cô từng tham gia vài dự án viện trợ y tế ở Châu Phi cùng với giáo sư của mình, từng nghe người trong đội nói rằng những bác sĩ không biên giới [1] trước khi đến một nơi nguy hiểm nào đó sẽ phải để lại một bức di thư, cũng như những người lính Trung Quốc đến Châu Phi chấp hành nhiệm vụ, trước khi đi cũng sẽ để lại đôi câu vài lời.
[1] Bác sĩ không biên giới là một tổ chức phi chính phủ quốc tế do một số bác sĩ người Pháp thành lập vào năm 1971 với mục đích nhân đạo.
Tổ chức này đưa ra những cứu trợ y tế trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, nạn đói hay chiến tranh… còn có những hoạt động dài hạn như cứu trợ sau các thiên tai, trong các cuộc xung đột kéo dài hay giúp đỡ những người lưu vong.
(Theo Wikipedia)
Nguyễn Miên nhớ trước đó không lâu sau khi cô biết chuyện Trần Ngật bị thương, khi nói với anh những lời đó, cô tự cho rằng mình có thể thản nhiên đón nhận mọi tình huống đột ngột xảy ra với anh.
Mà khi thật sự nhìn thấy bức di thư này, Nguyễn Miên mới nhận ra cái gọi là ‘em sẵn lòng’ hay ‘em nguyện ý’ thực chất chỉ là cố tỏ ra mạnh mẽ mà thôi.
Tựa như khi ấy, khi bọn họ gặp lại nhau ở Lạc Lâm, cô có thể thản nhiên và thờ ơ khi đối diện với Trần Ngật, nhưng lúc đứng trước sinh tử của anh, tất cả đều sụp đổ hết.
Cô không thể chấp nhận việc anh xảy ra bất kỳ sơ xuất nào.
“Trần Ngật…..” Nguyễn Miên không kiềm chế được nước mắt, cổ họng như nghẹn lại, nhất thời nửa lời cũng không nói ra được.
Tiếng khóc nức nở như mũi kim dày đặc đâm vào lòng Trần Ngật, đồng thời khiến anh cảm thấy đau đớn không thể diễn tả được bằng lời.
Kéo dài, sắc nhọn, mãi không thể tiêu tan.
Trần Ngật hơi đứng dậy ôm người nọ vào lòng, nước mắt nóng hổi thấm qua lớp vải mỏng, khiến vùng da nơi ấy cũng nóng lên theo.
Cổ họng anh khô khốc, yết hầu trượt lên trượt xuống vài lần, cánh môi mấp máy, nhưng một chữ cũng chẳng thốt ra được.
Một lúc lâu sau, tiếng khóc dần dần dừng lại, chuyển thành một khoảng lặng dài.
Nguyễn Miên ngồi ở đó, lúc được anh ôm vào lòng, đầu cô khẽ tựa vào lòng anh, hai má cọ lên áo anh, ấm áp mà ẩm ướt.
Trần Ngật đưa tay nhéo gáy cô, tựa như đang vỗ về, “Không sao đâu.”
Cô không hé răng, chỉ giơ tay ôm anh, một lúc lâu sau mới mở miệng, giọng nói hãy còn nghẹn ngào, “Trước giờ sinh nhật em em chưa bao giờ thật lòng mong ước điều gì, bởi vì em cảm thấy những gì em muốn giờ đã có được rồi, những thứ không có được không thể cứ ước là sẽ có.”
“Em không phải người có lòng tham không đáy.” Cô nói: “Chỉ có năm nay, em cho phép mình được ước một điều.”
Trần Ngật rũ mắt nhìn cô, “Điều gì?”
“Em mong rằng —” Nguyễn Miên ngẩng đầu, đôi mắt ướt át sáng ngời, nghiêm túc nhấn mạnh từng chữ: “Trần Ngật một đời bình an, sống lâu trăm tuổi.”
Trong phòng bệnh chỉ im lặng một lúc, Trần Ngật giơ tay lau nước mắt trên mặt cô, sau đó lấy hai chiếc nhẫn trong lòng bàn tay cô ra, quỳ một chân xuống.
Nguyễn Miên sửng sốt, dường như bị bất ngờ.
“Không phải cầu hôn.” Ánh mắt anh đong đầy ý cười dịu dàng, “Đây vốn là quà sinh nhật chuẩn bị cho em, nhưng giờ anh nghĩ, hãy để nó làm chứng cho ước định của đôi ta.”
Đầu ngón tay anh khẽ vuốt ve chiếc nhẫn nhỏ hơn, “Anh biết giờ mà nói sau này ra ngoài làm nhiệm vụ sẽ không bao giờ gặp chuyện gì nữa thì đều là nói dối hết, nhưng anh đồng ý với em —”
Trần Ngật nắm lấy tay phải cô, chầm chậm đeo nhẫn vào ngón áp út của cô cho đến khi nó dừng hẳn ở cuối.
Anh cúi đầu hôn lên nhẫn, lại ngẩng lên, ánh mắt nhìn cô chăm chú, giọng điệu từ tốn mà trịnh trọng, “Những ngày có em, anh nhất định sẽ bình an trở về gặp em.”
Em là nơi lòng anh hướng về, là bến đỗ của đời anh, là giấc mộng anh hùng ngày qua ngày không bao giờ tắt.
Từ nay về sau, chỉ cần em còn ở đây, anh nhất định sẽ về.
Nguyễn Miên nhìn anh, lông mi khẽ động, sống mũi cay cay, một giọt lệ tình cờ rơi trên nơi anh vừa hôn lên rồi theo ngón tay lăn xuống.
Cô bật khóc nức nở, hai mắt đẫm lệ, khẽ đáp được.
…..
…..
Năm 2009, trong ngôi chùa đầy hương khói, Nguyễn Miên cầu xin Phật Tổ, nguyện năm nào cũng được gặp anh.
Năm 2013, giữa dòng người tấp nập, Nguyễn Miên cầu chúc cho anh hằng năm vạn sự như ý.
Nguyễn Miên thật sự không phải là người có lòng tham không đáy.
Trong hơn mười năm quen biết Trần Ngật, cô chỉ ước hai điều có liên quan đến anh, mà giờ là điều ước thứ ba.
Cô hy vọng Trần Ngật một đời bình an, sống lâu trăm tuổi.
Đây là điều ước cô mong có thể vĩnh viễn thành hiện thực hơn bất kỳ điều ước nào.
Mùa đông của thành phố B vừa dài vừa lạnh buốt.
Thành phố ở phương Bắc hay có tuyết, kể từ sau Tết Nguyên đán, ngày nào cũng thấy tuyết rơi, cả thành phố trắng xóa một mảnh, nhiệt độ xuống tới âm độ khiến người ta lạnh run từ trong ra ngoài.
Trước đó Trần Ngật bị thương nghiêm trọng, hơn nữa sắp đến cuối năm, trong lòng Tống Hoài không khỏi thiên vị, cố ý cho phép anh nghỉ bệnh hai tháng.
Bà ngoại anh – Liễu Văn Thanh muốn anh chuyển tới đại viện để mọi người trong nhà và dì Phương giúp việc tiện chăm sóc, nhưng Trần Ngật nhất quyết muốn ở chỗ Nguyễn Miên.
“Bây giờ vết thương của cháu vẫn phải thay thuốc định kỳ, Nguyễn Miên lại là bác sĩ, cô ấy ở nhà thì cháu đỡ phải đến tận bệnh viện để thay thuốc.
Huống chi cô ấy biết rõ những gì cần kiêng kỵ, chuyện ăn uống cũng sẽ chú ý hơn.” Trần Ngật nói: “Dạ không, bọn cháu không ngủ chung phòng, cháu ngủ ở phòng ngủ phụ.”
Liễu Văn Thanh đang dặn dò qua điện thoại: “Thế lát nữa bà bảo chú Lưu mang ít rau dưa với hoa quả sang cho hai đứa, trời lạnh thế này đừng nên ra ngoài nhiều.”
“Vâng, cháu cảm ơn bà ạ.”
“Giờ cháu ở chỗ Nguyễn Miên, sáng con bé phải đi làm, tối về nhà còn phải chăm sóc cháu, nếu cháu rảnh rỗi, chuyện gì có thể làm thì hãy làm giúp con bé, đừng chỉ biết nằm một chỗ như ông lớn.”
“Vâng cháu biết rồi.” Lúc nói những lời này, Trần Ngật đang cầm di động bằng một tay, tay kia đang cầm thìa khuấy canh trong nồi.
Mà Nguyễn Miên lúc này đang nằm trên sô pha xem TV trong phòng khách mới thật sự giống như ông lớn.
Cúp máy xong, Trần Ngật tắt bếp rồi ra khỏi phòng bếp, sau đó đi đến sô pha khoanh tay nhìn xuống Nguyễn Miên.
Cô bị nhìn đến nỗi da đầu tê dại, nhỏ giọng hỏi: “Có chuyện gì vậy anh?”
Trần Ngật cau mày ngồi xuống một bên, nghe giọng anh có phần suy yếu, “Hình như miệng vết thương hơi đau.”
“A?” Vẻ mặt Nguyễn Miên trở nên lo lắng, đưa tay vén áo anh lên, sau khi kiểm tra thấy không có vấn đề gì lớn thì không khỏi nạt anh: “Em đã nói anh đừng đứng lâu rồi mà.”
“Anh đứng là để phục vụ ai, hửm?” Trần Ngật nhéo nhéo mặt cô, kéo người nọ ngồi lên đùi mình, “Đồ không có lương tâm này.”
Nguyễn Miên sợ đè lên vết thương của anh nên lui về sau một khoảng, “Nhưng mà em không biết nấu ăn.”
Trần Ngật đến đây ở mấy hôm, Nguyễn Miên còn định lên mạng xem cách làm canh gà hầm thuốc bắc bồi bổ cho anh, nhưng sau mấy lần thất bại liên tiếp, vì không muốn bản thân phải tiếp tục ăn thêm bất kỳ món ăn hắc ám nào nữa, Trần Ngật quyết định ôm việc nấu cơm một ngày ba bữa vào người.
Trần Ngật cười khẽ, nghịch chiếc nhẫn trên tay cô.
Không hiểu sao Nguyễn Miên nghe ra tia chế nhạo trong tiếng cười của anh, hai tay nhéo tai anh, còn biện minh cho mình, “Hơn nữa chính anh đã nói trong nhà chỉ cần một người biết nấu ăn là được còn gì.”
“Đúng vậy.” Anh buông một tiếng thở dài, trêu ghẹo cô: “Cho nên anh bây giờ có thể coi là tự bê đá đập chân mình được không?”
“…..” Nguyễn Miên dùng sức nhéo tai anh, cất cao giọng, tức giận nói: “Vậy anh đừng ở nhà em nữa.”
Trần Ngật hít nhẹ, cầm lấy cổ tay cô kéo vào lồng ngực mình.
Anh nghiêng đầu cắn vành tai cô, giọng nói mơ hồ không rõ, “Tiền thuê nhà cũng đưa rồi, sao lại không cho anh ở.”
Tai không phải chỗ mẫn cảm của Nguyễn Miên nhưng bị liếm như vậy vẫn có chút tê dại không nói nên lời, “…..
Nói xạo vừa thôi, anh đưa tiền thuê nhà khi nào?”
Anh khẽ cười, lồng ngực cũng rung lên theo, đầu ngón tay lần theo sống lưng cô, nói với giọng ái muội: “Hôm trước vừa mới đưa rồi còn gì?”
Hôm trước…
Nguyễn Miên bị anh hôn đến mơ mơ màng màng nhớ lại chuyện xảy ra trong phòng tắm hôm trước, vành tai nóng lên, thở hổn hển đẩy anh ra, “Trần Ngật!”
“Hửm?” Tay anh còn đặt sau lưng cô vuốt ve như có như không.
“Anh có biết xấu hổ không vậy!” Nguyễn Miên thoát khỏi lòng anh, đi dép lê vào quay về phòng, còn đóng sầm cửa vào.
Trần Ngật xoa xoa lỗ tai, ngẫm nghĩ một lúc rồi cũng đứng dậy vào theo.
Chẳng bao lâu sau, trong phòng vang lên âm thanh đầy ái muội, tiếng kêu nho nhỏ như mèo kêu, cực kỳ câu hồn.
Có lẽ lại sau một lúc lâu nữa, cửa phòng mở ra, Nguyễn Miên đỏ mặt chạy ra, lao thẳng vào phòng tắm bên ngoài.
Chai nước rửa tay đặt bên cạnh bồn rửa mặt vừa mới mua chưa được bao lâu giờ chỉ còn lại một nửa.
…..
Tối ăn cơm xong, Trần Ngật bàn bạc với Nguyễn Miên khi nào thì về Bình Thành, nhân tiện đề cập đến chuyện của cha mẹ.
Nguyễn Miên cắn một miếng thạch trái cây, “Năm nay em gộp nghỉ phép năm vào luôn, hơn nữa trước đó còn thiếu mấy ngày phép, chắc tổng cộng khoảng mười ngày, nhưng hôm giao thừa em mới bắt đầu được nghỉ.”
“Vậy đến hôm giao thừa thì về.” Trần Ngật nghiêng đầu nhìn cô, “Anh về bàn bạc với ba mẹ anh một chút, xem ngày nào thì được.”
“Nếu không hôm giao thừa em qua luôn cũng được.”
Trần Ngật nhẹ nhàng từ chối, “Không được.”
“Tại sao?”
“Năm nay là năm đầu tiên.” Trần Ngật rướn người tới cắn đôi môi ướt át đỏ hồng của cô, “Nên để anh đến chúc Tết ba mẹ em trước.”
Cô mỉm cười, “Vâng.”
Trần Ngật hôn cô một lúc sau đó ngồi thẳng lại, nắm lấy cổ tay cô, hỏi: “Năm nay em ở bên bác Nguyễn hay đến ngõ Bình Giang Tây ăn Tết?”
“Ở chỗ ba em.” Nguyễn Miên đã gọi điện đề cập đến chuyện này với Nguyễn Minh Khoa rồi, một lúc sau, cô nâng mắt hỏi anh: “Ba em bảo em hỏi anh xem anh có thứ gì không thích ăn không?”
Trần Ngật không kén ăn, “Anh cái gì cũng được.”
Ngón tay Nguyễn Miên lướt nhanh trên bàn phím, miệng thì hỏi nhỏ: “Vậy anh định bao giờ về? Có về cùng em không?”
“Chắc là về sớm hơn em một ngày.” Hôm giao thừa Trần Ngật có việc bận, nếu trở về trong ngày hôm đó thì không kịp, “Em đặt vé máy bay chưa?”
“Vẫn chưa.”
“Thế mình đặt chung nhé?”
“Được ạ.”
…..
Trong mấy ngày còn lại, Nguyễn Miên càng bận rộn hơn, sớm đi tối về, có lúc đi làm cả ngày không về nhà, chẳng mấy chốc đã tới ngày Trần Ngật quay về Bình Thành.
Anh mua vé bay chuyến ba giờ chiều, trưa đến bệnh viện đi ăn trưa với Nguyễn Miên sau đó đi thẳng từ bệnh viện tới sân bay.
Nửa đêm rạng sáng Nguyễn Miên hoàn thành công việc xong mới nhìn thấy tin nhắn anh gửi tới báo mình đã xuống máy bay.
Cô lái xe rời bệnh viện, tấp vào lề đường nhắn lại cho anh, sau đó ném di động sang một bên, về đến nhà vẫn chưa thấy Trần Ngật trả lời.
Nguyễn Miên nghĩ chắc giờ này anh ngủ rồi nên nhắn chúc anh ngủ ngon rồi tắt di động luôn.
Sáng hôm sau, Trần Ngật tỉnh dậy mới thấy tin nhắn Nguyễn Miên gửi đến lúc ba giờ sáng, nghĩ đến chuyện sáng nay cô có chuyến bay lúc mười giờ, sợ cô ngủ quên nên gọi điện thoại cho cô.
Một lúc lâu sau mới có người nghe máy, “Trần Ngật, em buồn ngủ quá, hay là em đổi sang vé chiều nha, dù sao tối mới ăn cơm tất niên mà.”
“…..” Trần Ngật cười: “Thôi thì em để sang năm mới rồi về cũng được.”
Cô mếu máo, lúc tỉnh dậy tính tình chẳng khác gì con nít, Trần Ngật buồn cười, lại thấy hơi mềm lòng, anh đành phải thỏa hiệp: “Để anh giúp em chuyển sang buổi chiều.”
“Dạ thôi.” Nguyễn Miên nói: “Em dậy rồi đây.”
“Đợi lúc đó anh sẽ ra sân bay đón em.”
“Không cần đâu, Bình Thành có tuyết không anh?” Nguyễn Miên mở cửa sổ ra, “Thành phố B hình như có nắng.”
Trần Ngật cũng quay đầu đưa mắt ra ngoài cửa sổ, “Năm nay không có tuyết rơi.”
“Nhiều năm rồi Bình Thành không thấy tuyết rơi nhỉ.”
Thành phố ở phương Nam không hay có tuyết, nhất là trong mấy năm gần đây khi nhiệt độ trái đất đang dần nóng lên thì lại càng ít thấy, thậm chí mùa đông cũng không còn lạnh như những năm trước nữa.
Trần Ngật vẫn tiếp tục nói chuyện điện thoại với Nguyễn Miên cho tới khi cô ra khỏi nhà mới cúp máy.
Anh rửa mặt xong cầm di động xuống nhà ăn sáng.
Trên bàn cơm, Tống Cảnh hỏi hôm nay anh có sắp xếp gì không, “Lát nữa con đến chỗ mẹ Miên Miên trước đi, Tết năm nay không ở đó nhưng vẫn nên tới thăm.”
Trần Ngật cũng định như thế, “Con biết rồi mẹ.”
“Quà cáp mẹ chuẩn bị cho con xong hết rồi.” Tống Cảnh nhìn chiếc nhẫn trên ngón áp út của anh, hỏi: “Cầu hôn rồi à?”
Trần Ngật lắc đầu, “Vẫn chưa ạ.”
Tống Cảnh không hỏi lại mà chỉ dặn: “Làm gì cũng phải lên kế hoạch trước đã.”
“Vâng.”
Tống Cảnh nói: “Lát nữa mẹ với ba con sẽ ra sân bay đón ông bà nội, quà cáp để trên bàn trong phòng khách, có gì không rõ thì hỏi dì giúp việc nhé.”
Trần Ngật gật đầu, “Dạ.”
Ăn xong, Trần Ngật ở nhà một lúc, thấy cũng đến giờ rồi mới xách quà cáp sang nhà Phương Như Thanh, cũng không ngồi lại lâu, uống hết chén trà thì đi.
Phương Như Thanh tiễn anh ra tận cửa, còn nhét vào túi anh một bao lì xì, “Con cầm đi, cũng không có nhiều, để năm mới gặp nhiều may mắn hơn.”
“Con cám ơn bác.” Trần Ngật không từ chối nữa, “Con đi trước đi ạ, bác đừng tiễn nữa, bên ngoài trời lạnh lắm.”
“Được rồi, con mau về đi.”
Trần Ngật ra khỏi nhà họ Triệu đi đến nhà Lý Chấp.
Lúc trước từ sau khi Lý Chấp đến thành phố B thì vẫn luôn ở lại đó, thời gian Trần Ngật nằm viện anh còn chạy qua thăm mấy lần.
Lúc này anh mặc một chiếc áo len mỏng màu đen cổ chữ V, đang đứng sau quầy kiểm tra sổ sách như mọi khi, Trần Ngật đi vào, “Anh về lúc nào đấy?”
“Hôm trước.” Lý Chấp buông máy tính cầm tay xuống, ngoại hình không thay đổi nhiều, thời trẻ đẹp trai kiểu trong sáng, giờ thì trông hiền hậu chín chắn hơn.
Trần Ngật đứng đối diện anh, giơ tay rút một chiếc kẹo mút bên cạnh, ánh mắt lơ đãng lướt qua chỗ cổ áo chữ V, dừng một lúc, nâng mắt nhìn anh, thong thả cất lời: “Anh quen bạn gái rồi à?”
“Hả?” Lý Chấp lắc đầu, “Không.”
“Vậy chỗ kia của anh —” Trần Ngật chỉ chỉ chỗ dưới xương quanh của mình, cười rõ là mờ ám, “Muỗi nào có thể cắn thành thế này?”
“…..” Lý Chấp cúi đầu nhìn, sau đó nhướng mày nhìn anh, cười khẽ, “Ai quy định chỉ được quen bạn gái?”
Trần Ngật ngạc nhiên, tựa như khó tin, nhưng nhanh chóng phản ứng lại, nói với vẻ biếng nhác trước sau như một: “Ok ok, con muỗi này em không ngờ được thật.”
Lý Chấp cười, “Cút.”
Trần Ngật cũng cười theo, giọng điệu vẫn thản nhiên như mọi khi, “Đi đây, lúc nào cùng nhau ăn một bữa, có thể dẫn người nhà theo.”
“Được.”
Trần Ngật đi khỏi ngõ Bình Giang Tây, đứng ở đầu ngõ hứng gió lạnh một lúc sau đó mới quay về nhà.
Trên đời này, mỗi người có một con đường riêng phải đi, dù con đường ấy nhấp nhô hay thuận buồm xuôi gió thì vẫn phải tự mình bước tiếp, người khác nói gì cũng chẳng quan trọng.
Nếu Lý Chấp đã chọn con đường này thì đó là cuộc sống của anh, chẳng liên quan đến bất kỳ ai cả.
…..
Từ ngõ Bình Giang Tây về nhà, sau khi nhận được tin Nguyễn Miên đã lên máy bay Trần Ngật mới lái xe đến nhà Nguyễn Minh Khoa.
Nhân khẩu nhà họ Nguyễn ít ỏi, lễ Tết mà chỉ có Nguyễn Minh Khoa và Chu Tú Quân, ngoài ra còn có dì giúp việc vẫn ở lại để tiện chăm sóc.
Nguyễn Minh Khoa tự mình xuống bếp làm cơm trưa.
Ăn xong, Trần Ngật nhìn thời gian, lúc này vừa qua mười hai giờ, bay từ thành phố B tới Bình Thành phải mất mấy tiếng, chuyến bay của Nguyễn Miên sớm nhất là một giờ chiều mới có thể đến nơi.
Nhà họ Nguyễn không có phòng nào dư, Nguyễn Minh Khoa ra khỏi thư phòng, “Trần Ngật, con vào phòng Miên Miên nghỉ trưa một lúc đi, ba giờ chiều bà nội mới bắt đầu gói sủi cảo.”
Trần Ngật đặt chén trà xuống, “Vâng ạ.”
“Phòng trong cùng ấy, chăn gối được thay mới hết rồi.” Nguyễn Minh Khoa nói xong lại vào thư phòng.
Gần đây ông bận chuyện dự án, lễ Tết cũng phải họp.
Đây là lần đầu tiên Trần Ngật vào phòng Nguyễn Miên, lần trước đến nhà ăn cơm, sợ để lại ấn tượng không tốt nên anh và Nguyễn Miên chỉ nói chuyện trong phòng khách.
Phòng không lớn lắm, nhưng lại có khá nhiều đồ, bàn học, giá sách, móc treo quần áo, tủ quần áo và một chiếc giường đôi mét tám chiếm một nửa diện tích.
Sách và mô hình lego bày khắp phòng, trên bàn học còn đặt hai cái thùng cát-tông.
Trần Ngật nhìn thấy mấy bức ảnh chụp Nguyễn Miên thời đi học, anh nhìn từng bức một rồi đi đến chỗ bàn học.
Băng dính dán trên hai cái thùng đều đã bị bóc ra, nắp cũng không được đóng chặt, thậm chí một cái còn bị nứt mép, đáy có vết móp, hình như do bị rơi từ trên cao xuống.
Trần Ngật mở cái hộp bị móp kia ra, bên trong là đề thi và những bản ghi chép của Nguyễn Miên hồi còn học ở trường Trung học số Tám.
Còn có một chiếc di động kiểu cũ.
Anh vốn không định xem trộm quá khứ của Nguyễn Miên, nhưng khi sắp đóng lại, anh chợt nhìn thấy tên của mình lộ ra trên góc một tờ giấy nháp.
Tờ giấy nháp đó giống như chiếc chìa khóa mở hòm kho báu, tràn ngập cám dỗ.
Trần Ngật do dự một thoáng, cuối cùng tò mò chiến thắng lý trí, anh rút tờ giấy nháp kia ra, hóa ra một góc lộ ra đó chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm.
Trên tờ giấy ố vàng, tất cả đều là tên của anh.
Có cái tên được viết ngoáy, cũng có cái tên được viết rất cẩn thận, nhưng hầu hết đã bị người ta dùng bút tô loạn lên sau khi viết xong.
Dấu vết của nét chữ phai mờ theo năm tháng vô cùng rõ ràng, nhưng tình cảm ẩn sau trang giấy này lại chưa bao giờ biến mất.
Trần Ngật như nhớ đến cái đêm mùa hạ khi biết Nguyễn Miên từng thích mình, trong lòng tràn đầy chua xót.
Anh đặt tờ giấy kia xuống rồi cầm cuốn sổ màu đen trên cùng lên.
Rất nhiều năm về sau, khi nhớ lại buổi trưa tưởng như là bình thường này, Trần Ngật vẫn cảm thấy bản thân của thời niên thiếu đã trải qua quá nhiều may mắn, để rồi phải mất rất nhiều năm mới tìm thấy chiếc chìa khóa mở ra bảo tàng kho báu này..