Bạn đang đọc Khoá Văn Hệ Thống Nam Chủ Thỉnh Tự Trọng FULL – Chương 19: Cãi Vã
(Tôm dịch
Nờ Y bê ta)
Sau ngày thi đấu đầu tiên, Giản Thương đang tạm thời giữ hạng nhất trong số các đệ tử mới nhập môn với thành tích năm trận thắng và sáu trận thua.
Kết quả này hoàn toàn nằm trong dự tính nên Giản Thương cũng không để ý lắm.
Chạng vạng ngày hôm ấy, khi trận đấu cuối ngày kết thúc, đám Lam Chỉ vào đại điện họp theo thông lệ.
Mấy đệ tử còn lại thì đứng ngoài điện chờ mệnh lệnh tiếp theo.
Vì có Giản Thương tham gia tranh tài nên đám đệ tử của Bạch Phong Dương cũng được thơm lây.
Đứa nào đứa nấy hếch mũi lên trời, nói cười oang oang.
Ngay cả những người đang ở trong đại điện cũng có thể nghe thấy tiếng trò chuyện của bọn chúng.
Bên phía Lam Chỉ thì lại là một cảnh tịch mịch.
Lát sau, một đệ tử của Lam Chỉ bất mãn nói: “Chỉ là đứng đầu đám đệ tử mới thôi mà, có gì đáng tự hào đâu? Chúng ta thắng còn ít à?!”
“Thằng họ Tịch kia có lợi hại mấy đi chăng nữa cũng không bao giờ chạm được đến ba mươi hạng đầu đâu!”
“Khi nào nó chiếm được thứ hạng cao hơn Tô sư huynh đi đã rồi tính!”
“Đúng đấy đúng đấy! Hạng nhất hạng nhì đều là phe mình thì bọn nó vui cái khỉ gì nhỉ? Hạng ba mấy năm nay là Lạc Anh cũng đã bao giờ vượt được Tô sư huynh với Lý sư huynh nhà mình đâu?”
“Thì bọn nó chưa được thắng bao giờ nên mới hiếm lạ thế đấy”.
Chuyện là thế này.
Lam Chỉ có một đệ tử tên Tô Sở, tuổi tác cũng không kém Lam Chỉ là bao.
Tu vi của Tô Sở hiện đang là Địa giai đỉnh phong, đứng đầu trong số một trăm hai mươi đệ tử thi đấu.
Thêm vào đó, vì Tô Sở rất đẹp trai, tính cách lại hào sảng nên gã rất được lòng các đệ tử.
Hạng hai thì là Lý Du, lớn tuổi hơn Tô Sở một chút, sở hữu khí chất nho nhã cùng với dung mạo cũng không kém Lý Du là bao.
Hạng ba, Lạc Anh, là đệ tử của Bạch Phong Dương.
Nhan sắc của người này thì chỉ ở mức trung bình khá, kém Lý Du Tô Sở cả một đoạn dài.
Tuy Lạc Anh là người vô tư, thích vui vẻ sống qua ngày nhưng trớ trêu thế nào lại cứ bị cuốn vào cuộc tranh đấu giữa Lam Chỉ và Bạch Phong Dương.
Mỗi khi có thi đấu giữa các đệ tử là Lạc Anh lại bị người ta lấy ra làm trò cười, cười từ tu vi đến dung mạo.
Đúng là một người đáng thương, vô duyên vô cớ lại bị lấy làm vật hy sinh.
Đám đệ tử nhà Bạch Phong Dương kia cũng đâu có chịu thua.
Có đứa nói bóng nói gió: “Có vài đứa một phân cũng không nhích lên được mà còn dám chê Lạc sư huynh nhà chúng mình kìa”.
“Trước kia là trước kia, bây giờ là bây giờ.
Để ta chống mắt lên coi, mấy năm nữa ai mới là hạng nhất! Không biết hồi trước Tô sư huynh nọ mất bao lâu mới tăng được một phẩm nhỉ?”
“Hình như là năm tháng lận”.
“Tịch sư đệ(*) nhà chúng ta mất đâu đó có một tháng thôi mà?”
(*) Tác giả viết là “Giản sư đệ” nhưng tôi nghĩ tác giả nhầm lẫn tí vì lúc này Giản Thương đang dùng tên Tịch Cảnh nên tôi sửa lại thành “Tịch sư đệ”.
“Quá là tuyệt luôn! Tô sư huynh mà cứ chững lại ở Địa giai đỉnh phong như này thì chắc chắn chưa đến một năm nữa, hạng nhất sẽ phải đổi chủ thôi!”
Giản Thương cúi đầu, thầm nghĩ rằng ta có nói gì đâu, sao tự nhiên lại lôi ta vào cuộc cãi vã vớ vẩn của các người?
Một khi đệ tử trong Bắc Hành phái tu đến Thiên giai, họ có thể bái một trong các trưởng lão làm thầy, theo họ luyện đan, luyện bùa hoặc rèn pháp khí.
Hoặc họ có thể xin đi hướng dẫn cho tân đồ như bọn Lam Chỉ, Bạch Phong Dương.
Việc Tô Sở cứ chững mãi ở Địa giai vẫn luôn bị người bên phe Bạch Phong Dương lôi ra bêu riếu.
Tô Sở tốt tính, nghe vậy thì cũng chỉ cười xòa rồi thôi.
Y quay sang, nói gì đó với Lý Du đang đứng cạnh.
Lý Du nghe y nói thì cũng chỉ cười một tiếng, rồi không nói gì nữa.
Đệ tử nhà Lam Chỉ hỏi bên Bạch Phong Dương: “Nếu Tịch sư đệ nhà các người lợi hại thế thì bảo nó dạy các người thay Bạch sư huynh luôn đi?”
“Ờ đúng rồi đấy.
Bạch sư huynh nhà bọn bây mất bao lâu mới thăng được một phẩm bọn bây biết không? Hình như còn kém cả Tô sư huynh nhà bọn ta mà?”
“So theo kiểu bọn bay thì đến cả Dung sư huynh cũng kém Tịch sư đệ ấy chứ!”
“Rồi, rồi.
Biết Tịch sư đệ của các người là đệ nhất phái Bắc Hành này rồi”.
Bầy đệ tử nhà Dung Vân Tưởng đang hóng hớt vui vẻ thì tự nhiên bị người ta điểm danh.
Tuy rằng họ rất muốn xem trò vui nhưng lại không muốn Dung Vân Tưởng gặp rắc rối nên một trong số đó đứng lên nói: “Ê, các người cãi nhau thì cứ cãi nhau nhá.
Đừng có mà lôi Dung sư huynh nhà bọn ta vào!”
Đệ tử của Bạch Phong Dương cười ha hả: “Gì đây? Định làm phản à? Sao bảo là Bắc Hành song bích cơ mà? Sao giờ lại để yên cho bọn ta nói Lam sư huynh thế à?”
Dung Vân Tưởng là người có tư chất kém nhất trong bốn đệ tử dẫn đường.
Mấy hôm trước, khi rộ lên tin đồn y về chung phe với Lam Chỉ, mọi người cũng âm thầm cười nhạo một phen, cho rằng y “tư chất kém nên mới phải nhờ cậy Lam Chỉ”, “thiếu bản lĩnh, phải dựa hơi người khác mới có được ngày hôm nay”.
Đệ tử của y lại rất nhạy cảm với mấy lời châm chọc như thế nên bây giờ đang nhao nhao mắng người: “Ai bảo Dung sư huynh của bọn ta là người của Lam sư huynh đấy!? Bọn ta dựa hơi người khác lúc nào!?”
Đệ tử nhà Bạch Phong Dương: “Năm ngoái có bảy trong mười tên bị loại là người của Dung sư huynh còn gì? Bọn mi không yếu thì ai yếu nữa?”
Đang lúc các đệ tử cãi nhau kịch liệt, một đệ tử của Bạch Phong Dương quát bọn họ: “Không được nói linh tinh!”.
Đệ tử này tên An Tố, thường ngày không thích nói nhiều.
An Tố cũng là một trong số ít các đệ tử khá là biết điều của Bạch Phong Dương.
Tuy An Tố đã ngăn bọn họ lại nhưng câu nói vừa nãy đã làm đám đệ tử của Dung Vân Tưởng tức điên lên.
Bọn họ hỏi: “Thành tích của bọn ta không tốt thì có làm sao? Liên quan gì đến bọn mi? Không phải bọn mi cũng bị loại năm người à? Giỏi hơn bọn ta bao nhiêu mà cứ ở đây khoe mẽ?”
An Tố bình tĩnh phân bua: “Các vị cũng thấy rằng đệ tử của Lam sư huynh mới là người kéo Dung sư huynh vào cuộc mà, bọn ta có làm gì đâu”.
Bên Lam Chỉ lập tức cãi lại: “Này! Này! Bọn bây mới là đứa châm ngòi nhé! Chính mồm bọn bây bảo chỉ cần mấy năm nữa thôi là Tịch sư đệ nhà bọn bây sẽ nắm đầu cái Bắc Hành phái này còn gì? Bọn bây còn so tới so lui với Tô sư huynh của bọn này cơ mà? Nếu bọn bây đã thích tính láo như thế thì so luôn với các sư phụ đi cho nhanh!”.
Ngô Phỉ vẫn còn để bụng vụ lần trước thua Giản Thương nên cậu ta chen miệng hỏi: “Thế hóa ra Tịch sư đệ còn lợi hại hơn cả sư phụ cơ à?”.
Phạm Thanh cười lạnh: “Có cần bảo sư phụ nhường luôn chức chưởng môn cho nó không?”
Lúc này Giản Thương mới biết rằng mọi chuyện đã đi quá xa rồi.
Hắn vừa định phân trần thì một loạt tiếng bước chân và tiếng nói chuyện truyền ra từ đại điện.
Trì Túc dẫn theo Lam Chỉ, Bạch Phong Dương, các đệ tử khác cùng với các trưởng lão bước ra ngoài.
Cả đám đang cãi nhau chí chóe lập tức ngậm miệng.
Bọn họ vẫn chưa kịp bình tĩnh lại, chỉ biết rối rít cúi đầu hành lễ: “Sư phụ!”
Một trưởng lão trong số đó cau mày hỏi: “Gì mà ồn ào thế?”
Trong lòng Lam Chỉ hơi kinh ngạc với những gì mình mới loáng thoáng nghe được.
Với tu vi đã đến Tinh giai của mình, Lam Chỉ thừa sức nghe được mấy lời vừa nãy của Ngô Phỉ và Phạm Thanh.
Cậu chắc chắn Trì Túc cũng đã nghe được.
Nhưng trước đó bọn họ đang nói gì mà lại dẫn đến kết luận “Tịch Cảnh còn giỏi hơn Trì Túc” và “nhường chức chưởng môn lại cho nó đi là vừa” vậy?
Lam Chỉ đang rất hối hận vì đã thiết lập cho Trì Túc thành một lão già hẹp hòi thích thù người khác.
Có hai loại chưởng môn, hoặc yêu quý, trân trọng, tập trung bồi dưỡng hiền tài, hoặc tật hiền đố năng(*), chỉ quan tâm đến tu vi của bản thân.
Trì Túc là hai loại người trên kia gộp lại.
Lão không phải là người tốt, nhưng cũng không hẳn là kẻ quá xấu xa ích kỉ.
Tính ra thì Trì Túc cũng có nỗi khổ riêng.
Lão muốn thanh thản mà sống cũng không được, muốn sa đọa cũng không xong.
Tuy không phi thăng được song Trì Túc cũng không cam lòng làm một kẻ phàm phu tục tử đến hết đời.
(*) “Tật hiền đố năng 嫉贤妒能”: chỉ những kẻ luôn đố kị với người tài giỏi hơn mình.
Trì Túc đảo mắt nhìn một vòng quanh đại điện, chậm rãi hỏi: “Làm gì mà ầm ầm thế?”
Cả lũ im như thóc, không ai dám trả lời Trì Túc.
Mãi một lúc sau, An Tố mới lên tiếng: “Thưa, vì Tịch sư đệ chỉ mất chưa đến một tháng đã lên được một phẩm nên mọi người mới tranh luận chút xíu thôi ạ”.
An Tố vừa dứt lời, tất cả mọi người đứng đó đều im lặng sững sờ.
Lam Chỉ lo sợ đến mức trán rịn ra một lớp mồ hôi mỏng.
Cậu biết tu vi của Trì Túc đã dừng lại ở Thiên giai đỉnh phong được ba năm rồi, cũng biết lão buồn phiền vì việc này đến mức nào.
Lão trằn trọc không biết bao nhiêu đêm, uống không biết bao nhiêu tiên đan diệu dược hòng tìm cách tăng cấp.
Lão biết tư chất của mình không được tốt lắm, cùng lắm là lên được Thánh giai.
Còn sau này có thăng cấp được không thì lão không dám chắc nữa.
Không phải là chưa từng có người một tháng tăng một phẩm.
Những người đó hoặc là có tư chất cực kỳ cao, hoặc khả năng lĩnh hội cực kỳ đáng nể.
Cũng có người nhồi nhét đan dược để tăng tu vi.
Trì Túc không nhớ ra có tân đồ nào lại đủ sức phân cao thấp với Lam Chỉ cả.
Có lẽ tân đồ kia chỉ có khả năng ngộ đạo khá đáng nể hay dùng đan dược gì đó thôi.
Giản Thương vội vã đứng ra khỏi hàng, giải thích: “Đệ tử chỉ ăn may thôi ạ”.
Trì Túc và các trưởng lão nhìn người vừa mới bước ra kia.
Đó là một thiếu niên chừng mười bảy tuổi, mặt mày tuấn tú, chân dài lưng thẳng.
Dù bộ đồ hắn đang mặc có hơi rách nhưng cũng không thể che lấp đi khí chất hơn người(1) của hắn.
Các trưởng lão vốn thích hiền tài, nay thấy Giản Thương thì mặt ai cũng đầy vẻ tán thưởng.
Nhưng Trì Túc thì lại khác.
Tâm tình lão hơi khó chịu, ngữ khí cũng có chút ghen tị: “Tại sao ngươi lại khiến các đệ tử khác gây gổ với nhau?”
Nhất thời, Giản Thương cũng không biết phải nói thế nào cho lão hiểu.
Mình không làm gì cả, sao lại bắt mình giải thích?
Lam Chỉ đau đầu vô cùng, thầm nghĩ thôi xong rồi.
Đệ tử của cậu chắc chắn sẽ không đứng ra bảo vệ Giản Thương.
Đệ tử của Bạch Phong Dương thì lại không đủ cam đảm đưa đầu ra chịu chết.
Đám bên Dung Vân Tưởng và Tề Mộ Nhiên thì nghĩ chuyện này chẳng liên quan gì đến bọn mình, khóa mỏ đứng xem thôi là được rồi.
Lam Chỉ cậu lại không có một tí lập trường gì trong câu chuyện này nên cũng không lên tiếng.
Toàn đại điện im lặng, không có ai dám bênh Giản Thương cả.
Một đệ tử của Bạch Phong Dương ngập ngừng, muốn nói gì đó.
Sau cùng, vì sợ quá nên gã cũng chỉ ngậm miệng cúi đầu.
Giản Thương không dưng lại bị vu vạ, muốn bạch oan(*) mà không biết phải làm như nào.
Nếu hắn không nhận trách nhiệm, tất cả mọi người sẽ phải chịu phạt, ấn tượng của Trì Túc dành cho hắn cũng sẽ xấu đi.
Có khi sau này các sư huynh cũng sẽ bị liên lụy.
Nghĩ đến đây, Giản Thương dứt khoát đưa ra quyết định.
Hắn sẽ không để lũ người này được như ý đâu.
Hắn cúi thấp đầu, ra chiều áy náy nhận lỗi: “Đều là lỗi của đệ tử.
Xin sư phụ cứ trách phạt”.
(*) Bày tỏ nỗi oan tình.
Đây là từ cổ, dùng cho các bạn chíu khọ chơi.
Trì Túc biết Lam Chỉ và Bạch Phong Dương có hiềm khích với nhau từ lâu nên lão cũng đoán được phần nào ngọn nguồn của cuộc cãi vã này.
Có lẽ đệ tử này bị chỉ bị người ta đẩy ra đầu sóng ngọn gió mà thôi.
Tuy nhiên, lão lại không thích Giản Thương lắm, còn để bụng câu “lợi hại hơn cả sư phụ” kia.
Trì Túc tự nhủ có lẽ tên đệ tử này bình thường cũng hay ỷ mình tài giỏi hơn người mà quen thói huênh hoang nên mới bị bắt nạt hội đồng như bây giờ.
Lam Chỉ thì thầm với Trì Túc: “Sư phụ, con nghĩ chuyện này nên tra cho rõ thì tốt hơn.
Hay là…”, nhưng hình như Trì Túc không để ý cậu đang nói gì.
Lão ngắt lời cậu, ra lệnh: “Cả gan làm loạn trong đại điện như thế này, xem xem còn ra thể thống gì không? Vạn trưởng lão, ta giao việc này cho ông xử lý”.
Vạn trưởng lão phụ trách việc phân công quản lý sự vụ trong phái, cả việc răn đe thưởng phạt các đệ tử khác.
Một khi Trì Túc đã giao cho ông ta xử lý vụ này tức là lão đang muốn trừng phạt theo đúng môn quy.
Đến lúc đó, chắc chắn không một ai có thể thoát thân được.
Không chỉ có mấy đứa gây hấn bị phạt mà những kẻ đứng xem cũng sẽ bị răn dạy vì thái độ bàng quan của mình.
Sau khi Trì Túc và các trưởng lão khác đã đi hết, Vạn trưởng lão nghiêm giọng, nói: “Đứa nào vừa nãy góp miệng, bước ra khỏi hàng”.
Đám đệ tử của Lam Chỉ không dám cãi lời, lập tức có mười mấy người tách ra thành một hàng riêng.
Đệ tử nhà Bạch Phong Dương tuy không phục nhưng cũng không dám có hành động gì hỗn hào, đứa nào nói lắm thì đứa đấy bước ra.
Hai đệ tử của Dung Vân Tưởng cũng hối hận vì vừa rồi vạ miệng, nghiêm chỉnh tách ra khỏi hàng.
Vạn trưởng lão dạy dỗ chúng: “Đã là sư huynh đệ với nhau thì cho dù có không ưa nhau trong lòng thì cũng phải biết ra vẻ mà nhường nhịn nhau, đừng có mà hở ra là lại gây sự với nhau như thế.
Đứa nào trực tiếp tham gia trận cãi vã này, ngày mai đến Huấn Giới(*) thất ngồi sám hối trước tường sáu canh giờ, không được phép ăn cơm.
Kẻ nào bàng quan đứng nhìn, ngày mai chép lại toàn bộ môn quy ba lần”.
(*) Nghĩa là “răn dạy”.
Phòng này chuyên phạt các đệ tử mắc lỗi.
Cả lũ ủ rũ cúi đầu, thưa vâng.
Vạn trưởng lão lại nói tiếp: “Còn đứa nào đầu têu thì tối nay lập tức tới Huấn Giới thất chịu ba roi”.
Nói xong, ông ta dặn đệ tử phụ tá của mình: “Dẫn mấy tên đầu trò tới Huấn Giới thất đi”.
Lam Chỉ lập tức liếc mắt nhìn Giản Thương.
Người kia cũng hơi ngẩng lên nhìn cậu.
Lam Chỉ lạnh giọng, góp ý với Vạn trưởng lão: “Vạn trưởng lão, đệ tử nghĩ chúng ta vẫn nên tra xét cho kỹ, tìm ra nguyên nhân cụ thể rồi hãy phạt đòn”.
Bạch Phong Dương chưa từng thương yêu Giản Thương, rồi lại thấy giọng Lam Chỉ hơi khác so với lúc bình thường nên gã kiềm lòng không đặng mà suy đoán về quan hệ của hai người này.
Gã hỏi bóng hỏi gió: “Lam sư huynh à, đây là đệ tử của ta mà.
Sao sư huynh lại thương tiếc cho nó thay cả phần ta luôn vậy?”
Lam Chỉ cười lạnh: “Thương tiếc ư? Không hề”.
Bạch Phong Dương: “Thế thì ngươi nhúng tay vào làm gì? Đệ tử của ta mới là người bị đòn cơ mà?”
Lam Chỉ đang định đốp chát lại thì Giản Thương lễ phép cắt ngang hai người: “Đệ chính là kẻ đã khơi mào ra chuyện này.
Hai sư huynh cũng đừng cãi nhau nữa”.
Lam Chỉ ngẩn người rồi nhếch mép cười khẩy: “Ngươi thích ăn đòn chứ gì? Được! Ta chống mắt lên xem!”
————
Tác giả tâm sự:
Alo để tui giải thích một tí hen.
Tui sửa lại thân phận của Trì Thủy Hâm rồi, không để cổ làm vị hôn thê của Lam Chỉ nữa.
Mà tui cũng không cho hai đứa nó đính hôn nữa đâu, không có mai mốt Giản sư muội lại thành tu ét đây mất.
—————–
1.
Khí chất hơn người: nguyên văn “hạc lập kê quần 鹤立鸡群”, ám chỉ những người có tài năng, khí chất nổi bật trong đám đông, như chim hạc đứng giữa một bầy gà.
Câu này xuất phát từ “Trúc Lâm thất hiền luận” và “Thế thuyết tân ngữ: Nội dung”.
—————-
Tác giả gọi hẳn “Giản sư muội” rồi nhá, biệt danh chính thức của ẻm luôn rồi chứ tôi không thèm bịa đâu.
Rất cảm ơn tác giả đã hiểu nỗi lòng của tôi mà đi sửa thân phận của Trì Thủy Hâm hmuhmu.
Đề nghị các bạn đọc không KY tới các nhân vật khác.
Bắt được ai KY trong wattpad tôi coi chừng tôi block.
.