Đọc truyện Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa – Chương 42: Ðạo Tặc Trở Thành Hiếu Tử
Tại quê tôi ở Ðông Bắc, có một lần tôi gặp một vị hiếu tử họ Vưu tên là Chí Huệ.
Xưa kia anh là một kẻ ăn cắp, giựt tiền cướp của, không có chuyện ác gì mà anh chẳng làm.
Một ngày nọ, anh bị thương nặng, từ chỗ chết mà được sống lại.
Từ đó lương tâm như được thức tỉnh, anh sanh lòng hổ thẹn và quyết tâm hoán cải cuộc đời, làm lại một con người mới.
Anh phát nguyện: “Nếu tôi không chết thì nhất định tôi sẽ đến phần mộ của cha mẹ tôi để báo hiếu.” Không bao lâu thì vết thương của anh lành.
Sau khi trở về nhà, anh lập một chòi tranh, ở gần mộ phần cha mẹ anh và ở đó mấy năm liền.Có một năm vào mùa Hạ, trời mưa tầm tả và gây ra ngập lụt.
Anh phát tâm cầu nguyện với trời cao, nếu nội trong ba ngày mà trời ngừng mưa thì anh sẽ cắt thịt để tế trời.
Anh lại nghĩ rằng nếu chờ trời hết mưa mới cúng tế thì cũng như một cách hối lộ, vậy mình phải ngay bây giờ cắt thịt để tế trời mới biểu lộ được lòng chân thành khẩn thiết.
Anh liền bày hương án và cầu xin trời xanh hãy bảo hộ cho bá tánh trong vùng và khiến cho mùa màng được tốt đẹp.
Nói xong anh liền dùng dao cắt một miếng thịt ở ngay ngực.
Bấy giờ máu trào ra linh láng, khiến anh mê man ngất xỉu trên mặt đất.Lòng thành khẩn thiết của anh cảm động đến trời đất, nên đã phát sanh cảm ứng rất kỳ diệu.
Lập tức mưa ngừng trời trong, và khi người nhà mang cơm ra cho anh ăn thì phát hiện anh đang nằm trên mặt đất, máu chảy linh láng.
Họ bèn thức anh dậy, và chữa trị cho anh.
Ðược chừng nữa tháng thì vết thương hoàn toàn lành hẳn.
Trong thời gian đó, có một con chim rất là dễ thương, ngày ngày bay lại bên giường an ủi anh mà hót lên: “Ða tác đức! Ða tác đức! Ða tức đa hảo!” (nghĩa rằng làm đức cho nhiều, làm đức cho nhiều, đức nhiều tốt lắm).
Con chim ấy trở thành người bạn tốt của anh.
Sau nữa tháng không biết con chim đó bay đi đâu.
Lòng chân thành đã khiến cho mưa ngừng hẳn, lại có chim thần đến làm bạn, cảnh giới đó thật là bất khả tư nghì.Có một năm, tôi và anh ta gặp lại nhau, ngồi với nhau một giờ đồng hồ, không nói với nhau một lời nào cả.
Vì sao vậy? Bởi vì không có gì đáng nói.
Tất cả đều thể hiện trong im lặng “bất ngôn,” anh ta biết tôi, tôi cũng biết anh ta.
Khi tâm chiếu soi thì chẳng cần lời lẽ, chỉ dụng ý mà thể hội thôi, không thể diễn bày bằng ngôn từ được.Khi tôi tới Ðài Loan để hoằng pháp có gặp Thủy Quả Hòa-thượng (tức Hòa-thượng Quảng Khâm).
Tôi và Ngài cũng cùng tình huống như vậy, nhìn nhau mà chẳng nói gì cả, nhưng trong lòng chúng tôi vui sướng vô cùng.
Ðó là tác dụng cảm ứng của tâm linh tâm tâm tương ấn, tâm mình và tâm người cùng nhau ấn chứng; bỉ thử thông đạt, không còn chướng ngại..