Đọc truyện Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa – Chương 41: Khuyên Con Dâu Nên Hiếu Thảo Với Cha Mẹ Chồng
Khi tôi theo hầu Ngài Thường Nhân Ðại Sư của Chùa Tam Duyên tại tỉnh Ðông Bắc Trung Hoa, có lần vì công tác xây chùa nên tôi đi ra ngoài thôn trang kiếm xe chở vật liệu.
Cách chùa khoảng mười lăm dặm, có một thôn trang gọi là Ðại Ba.
Bấy giờ chính là lúc canh tác mùa xuân nên nông dân rất là bận rộn, do đó không thể kiếm được xe.
Tôi bèn tới nhà ông thôn trưởng thì ông ta nói rằng: “Hiện tại chúng tôi rất là bận rộn, không có thời giờ để chở vật liệu dùm cho chùa!” Vừa lúc đó thì người em dâu của ông ta tới gặp tôi và nói rằng: “Thầy ơi! Ðứa con tôi bị bệnh, bác sĩ chữa không lành, Thầy có thể phát lòng từ bi trị bệnh cho con tôi chăng?”Tôi nói với cô ta rằng: “Bởi vì cô không hiếu thảo với cha mẹ chồng của cô nên con cô mới bị bệnh.
Nếu cô muốn con cô hết bệnh thì nhất định cô phải sám hối.
Cô phải lạy trước bài vị của tổ tiên và khấn nguyện từ đây về sau sẽ hiếu kính với cha mẹ chồng và ăn ở hiền lành hòa thuận với mọi người trong nhà.
Sau đó thì quỳ trước cha mẹ chồng của cô mà nhận lỗi, và nguyện rằng sẽ không làm cho ông bà buồn phiền nữa.
Nếu cô thành tâm như vậy thì con cô nhất định sẽ lành bệnh.”Cô ta tức thời làm theo lời tôi nhưng bệnh của đứa con nhỏ vẫn không thuyên giảm nên cô ta liền chạy tới gặp tôi.
Tôi nói: “Cô hãy đem đứa nhỏ lại cho tôi coi.” Cô ta lập tức bồng đứa nhỏ tới, thằng bé khoảng ba bốn tuổi, hai mắt nhắm nghiền, miệng thì há hốc.
Tôi dùng tay gõ nhẹ lên đầu nó ba lần.
Không lâu sau đó thì thằng nhỏ bổng nhiên mở mắt, nhìn đông nhìn tây, qua chừng năm phút thì rời tay mẹ nó xuống đất chạy chơi lanh lẹ như thường.Lúc bấy giờ vị thôn trưởng vô cùng hoan hỷ nói với tôi rằng: “Thầy ơi! Thầy đã cứu cháu tôi lành bệnh.
Ngày mai chúng tôi sẽ đem tất cả các xe tới chùa để giúp Thầy chở vật liệu.”Sáng hôm sau, ông ta gởi lại chín chiếc xe để chúng tôi dùng.
Ðến tối, lúc ra về thì có một con lừa kéo xe bị đè gãy chân.
Người chủ xe lấy làm lạ và nghĩ rằng mình làm việc cho chùa thì phải có công đức, tại sao lại gặp tai nạn như vậy.
Ông ta suy nghĩ mãi mà không tìm được lý nhân quả của sự việc này nên tới hỏi tôi: “Thầy ơi! Chuyện nầy là nhân duyên như thế nào?”Tôi trả lời với ông ta rằng: “Bác chớ nên bồn chồn, lo lắng.
Chân của con lừa bị gãy tuy bị tổn thương nhưng không lâu nó sẽ lành.
Việc này thật ra đã cứu được tánh mạng của người nhà bác đấy.”Ông ta rất cảm động khi nghe tôi nói như vậy và còn quyết định ngày hôm sau sẽ tới giúp chùa chở vật liệu nữa.Từ đó về sau bất cứ tôi tới thôn trang nào mượn xe để chở vật liệu thì mọi người đều vui vẻ giúp đỡ vì biết rằng giúp chùa thì có được công đức vô lượng, thậm chí có người tranh nhau để cho mượn xe hoặc cho người phụ giúp công quả cho chùa.(Ngày 26 tháng 8 năm 1983)__________________________.