Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa

Chương 258: Ông Sư Trong Mộ


Đọc truyện Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa – Chương 258: Ông Sư Trong Mộ


Có một số người muốn biết về cuộc đời quá khứ của tôi, cho nên bây giờ tôi sẽ sơ lược vài điểm để quý vị rõ.

Tôi sanh trưởng ở vùng Đông Bắc và xuất gia từ nơi đó.

Sau đó tôi bị gió nghiệp thổi đến Thiên Tân, rồi thổi tiếp đến Võ Hán, Hồ Bắc, Phổ Đà Sơn, Tô Châu Linh Nham Sơn.

Sau đó nó lại thổi tôi đến Quảng Đông ở chùa Nam Hoa và được thân cận với Lão Hòa Thượng Hư Vân.Đến năm 1950, tôi lại đến Hồng Kông.

Và tại Hồng Kông tôi đã có một khoảng nhân duyên không lớn cũng không nhỏ.

Trong thời gian tôi ẩn cư tại đó, tôi rất ít tiếp xúc với người ngoài.

Năm 1962, tôi lại đơn độc một mình đến nước Hoa Kỳ.Lúc tôi mới đến San Fancisco, Hoa Kỳ, cuộc sống ở đây rất là khốn khổ.

Tôi sống trong căn phòng dưới hầm.


Trong căn hầm này có cửa, nhưng không có cửa sổ, vì vậy ánh sáng mặt trời không soi thấu vào được.

Vả lại nơi đó rất ẩm thấp, giống hệt như một ngôi mộ phần.

Do đó tôi đặt tên riêng cho mình là “Mộ Trung Tăng”, tức là Ông Sư Trong Mộ.

Tuy vẫn còn sống, nhưng tôi giống như người đã chết, có nghĩa là tôi không tranh chấp với bất cứ người nào.

Chuyện gì người ta thích làm, tôi sẽ không tranh mà cứ để cho họ làm.

Những gì người ta không thích hoặc những thứ không tốt lành thì tôi lại thâu thập lại, giống như là đi nhặt rác rến vậy đó.Tôi ở trong “phần mộ” như thế được sáu năm.

Đến mùa hè năm 1968, nhân duyên thành tựu là từ vùng Seattle, có ba, bốn mươi sinh viên với đủ các văn bằng: Bác sĩ, thạc sĩ, học sĩ, mời tôi giảng kinh Lăng Nghiêm.

Thế là tôi chui ra khỏi ngôi mộ để bắt đầu hoằng dương Phật Pháp tại Tây Phương.Tôi cũng xin nói thêm về chí nguyện và sự thực hiện phiên dịch kinh điển của tôi.

Tôi là một người tài mọn ít học, cả đời chỉ được học tại trường hai năm rưỡi thôi.

Tôi nhập học lúc mười lăm tuổi, nhưng đến mười bảy tuổi lại thôi học.Đến năm mười lăm tuổi tôi mới bắt đầu đi học.

Lúc mười sáu, mười bảy tuổi thì tôi tham gia vào Hội Đạo Đức, Mười sáu tuổi, tôi đã thuyết Lục Tổ Đàn Kinh.

Một người bất học vô thuật như tôi mà biết giảng kinh, quý vị nói là có tức cười hay không!Khi ở Đông Bắc, tôi thường quan sát cách thức truyền bá giáo lý của các tôn giáo khác.

Chẳng hạn như đạo Thiên Chúa và đạo Tin Lành, tôi thấy giáo nghĩa của họ được phổ biến một cách sâu rộng và có rất đông giáo đồ.


Nguyên nhân chủ yếu là vì họ đã phiên dịch Thành Kinh thành nhiều thứ tiếng trên thế giới và phổ biến một cách rộng rãi.

Lời lẽ văn tự và giáo lý trong Kinh Thánh thì ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu.

Vả lại, nguyên toàn bộ giáo lý của họ đã được cô đọng, thâu gọn trong một bộ Kinh Thánh, không có rườm rà nên khiến cho nhiều người dễ dàng tiếp nhận.

Đó là một nhân tố lớn khiến cho đạo Thiên Chúa và Tin Lành rất thịnh hành.

Còn một nhân tố lớn khác cũng giúp cho họ được thành công, đó là họ đề xướng về ngành giáo dục.

Họ thành lập rất nhiều trường học để truyền bá giáo lý, cho nên điều đó đã có sự ảnh hưởng rộng rãi vô cùng.Qua sự xem xét này, tôi bèn quyết định rằng: Nếu muốn trùng hưng Phật Pháp, chúng ta phải bắt đầu từ hai phương diện như: Tự lưu truyền quảng bá kinh điển và đề xướng việc giáo dục.

Bởi nhân đó mà tôi sớm phát nguyện, muốn phiên dịch Tam Tạng Kinh Điển thành ra các thứ tiếng ngoại quốc, ngõ hầu truyền bá đến toàn thế giới.Phiên dịch Tam Tạng Kinh Điển là nhiệm vụ rất khó khăn.

Ngày xưa, việc này đều do sự ủng hộ tận tâm của nhà Vua và các quan đạo thần, chớ đâu phải do năng lực của một số dân chúng bá tánh mà làm được.

Tôi là người không tự lượng sức mình.

Tự bản thân tôi, một chữ ngoại ngữ cũng không thông, thế mà lại muốn gánh lấy trách nhiệm vĩ đại này.


Đã không hiểu ngoại ngữ, vậy tôi làm sao phiên dịch đây? Tôi bèn tìm đến các vị học giả hiểu biết ngoại ngữ, để mà cúi đầu hoặc thăm hỏi.

Thấy tôi trịnh trọng như thế, họ đều lấy làm vinh dự.

Bởi vậy, tuy phiên dịch kinh điển là công việc rất khó khăn, song họ cũng dốc lòng làm.Từ năm 1968 đến nay, bổn hội chúng ta xuất bản có hơn trăm bộ kinh điển đã được dịch sang các ngôn ngữ Tây phương.

Nhưng kinh sách đó đã được lưu hành khắp các nước, và được nhân sĩ các nước rất xem trọng.

Mặc dù công việc phiên dịch chưa thể nói là hoàn hảo lắm, nhưng đúng thật là nó đã thức tỉnh được rất nhiều người đang mê mộng, khiến họ sanh lòng chánh tín đối với Phật Pháp.

Vả lại, qua cách thử nghiệm này cũng có tác dụng giống như chúng ta ném bỏ hòn đá để lấy vào viên ngọc quý.Chúng ta hy vọng trong tương lai, người ta sẽ làm công tác phiên dịch càng tinh thâm hơn, và càng đạt tới chỗ viên mãn hơn.Mãi đến hôm nay, tôi vẫn còn đeo mang canh cánh trong lòng mối hoài bão phiên dịch kinh điển và tổ chức giáo dục.

Nếu tôi không thực hiện được, thời chết sẽ không nhắm mắt.Giảng ngày 15 tháng 6 năm 1987.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.