Khai Thị Quyển 2- Hòa Thượng Tuyên Hóa

Chương 12: 22 Thọ Yểu Phú Cùng Ðều Không Ra Khỏi Luân Hồi


Đọc truyện Khai Thị Quyển 2- Hòa Thượng Tuyên Hóa – Chương 12: 22 Thọ Yểu Phú Cùng Ðều Không Ra Khỏi Luân Hồi


22.

THỌ, YỂU, PHÚ, CÙNG ÐỀU KHÔNG RA KHỎI LUÂN HỒI(Vạn Phật Thành ngày 6 tháng 6 năm 1982)Thử nhìn xem những ví dụ lịch sử về kẻ giàu nhất, người sang nhất, kẻ nghèo nhất, và người bần tiện nhất:”Thạch Sùng phú hậu, Phạm Dũng cùng,Vận vãn Cam La, Thái Công tảo,Bàng Tổ thọ cao, Nhan mệnh đoản,Lục nhân đô tại Ngũ Hành trung.” Dịch là:”Thạch Sùng giàu sụ, Phạm Dũng nghèo xơ,Cam La thời trễ, Thái Công vận sớm,Bàng Tổ sống dai, Nhan Uyên chết yểu,Sáu người nằm gọn, phạm vi Ngũ Hành.”Xưa nay, người có tiếng giàu nhất là Thạch Sùng, người đời nhà Tấn; người ta gọi ông là “phú khả địch quốc”, giàu bằng cả nước vậy.

Có lần Thạch Sùng và người bạn ăn tiệc, người bạn mới lấy trong kho ra một cây san hô cao hai thước tám tấc để cho Thạch Sùng ngắm.

Thạch Sùng nhìn rồi nói: “Cái này có đáng gì đâu!” Liền lấy chân đạp nát cây san hô.

Người bạn vô cùng buồn rầu nói rằng: “Tôi không biết tìm đâu ra vật quý như cây san hô này, nay lại bị anh đạp nát như vậy thật đáng tiếc quá!” Thạch Sùng nói: “Bạn tiếc làm gì! Cái đó có chi đáng giá! Trong nhà tôi, đầy nhóc thứ rác rưởi đó, mời bạn tới nhà tôi mà xem!” Anh bạn này liền tới nhà coi thử, thì quả nhiên trong nhà Thạch Sùng có cả hàng trăm cây san hô cao ba thước.

Thạch Sùng nói: “Bạn tùy ý mà lấy, thích cái nào thì lấy cái đó nhé!”Cho nên vật mà người bạn coi là quý báu thì đối với Thạch Sùng chẳng có giá trị gì.

Ðó là nói rằng ông ta giàu có vô cùng, không cách gì mà biết được.Phạm Dũng là một người ăn mày, chẳng có đồ vật gì cả.

Hằng ngày phải đi ăn xin, có được bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu, không chịu ra ngoài làm việc, ăn rồi thì lại đi xin nữa.

Cho nên nói rằng:”Gia vô cách túc chi lương,Thân vô lập chùy chi địa.” Nghĩa là:”Trong nhà không có lương thực để ăn ngày hôm sau,Bản thân không có một chỗ để dựng cái chùy.”Ông ta tới đâu thì chỗ đó là nhà.

Tuy rất nghèo, phải ra ngoài để xin ăn, song về sau ông góp nhóp được chút ít lương thực.

Có lần Khổng Phu Tử và mấy người học trò bị tuyệt lương ở nướcTrần, vì không có gì ăn nên Khổng Tử mới phái người đến nhà Phạm Dũng để mượn gạo.

Các vị xem! Khổng Phu Tử là một người có rất nhiều đệ tử mà bây giờ Ngài phải đến một kẻ ăn mày để xin gạo, như vậy không phải là điều đáng buồn cười sao?Lúc đó Tử Lộ theo lời dạy của Khổng Tử tới nhà Phạm Dũng và thưa rằng: “Thầy của tôi hiện tại chẳng có đồ ăn, bởi vì nước Trần tuyệt hết lương thực, cho nên tôi mới tới đây để mượn mộtít gạo.”Phạm Dũng nói rằng: “Bạn muốn mượn gạo cũng được, song tôi có mấy vấn đề hỏi bạn, nếu bạn đáp không được thì tôi không cho mượn.” Tử Lộ trong lòng đầy tự tin mới nói rằng: ” Ðược, Ngài cứ hỏi đi!”Phạm Dũng hỏi: “Bạn hãy nói cho tôi nghe: Trong trời đất cái gì là nhiều, cái gì là ít; cái gì là vui vẻ, cái gì là buồn; nếu bạn đáp đúng thì tôi sẽ cho bạn mượn gạo vô điều kiện; nếu bạn đáp không đúng thì tôi không cho bạn mượn gạo.

Ðó là điều tôi phải giao ước cho rõ ràng.”Tử Lộ nói: “Câu hỏi dễ quá, thật là hết sức đơn giản! Trong trời đất thì ngôi sao là nhiều mà mặt trăng là ít; vui vẻ là khi đám cưới, buồn bã là khi người chết.”Phạm Dũng nghe xong khoát tay nói: “Chẳng đúng! Chẳng đúng!” Tử Lộ tự nhận thấy lời đáp của mình thật là tuyệt hảo, đúng không chỗ sai, và chẳng có câu trả lời nào có thể hay hơn được.

Ông cho rằng Phạm Dũng vì không muốn cho mượn gạo nên tìm cách chối từ; song ông cũng không có cách gì khác, nên đành tức giận bỏ về.

Khi gặp Khổng Phu Tử, ông nói: “Thưa Thầy! Tên Phạm Dũng này thật khả ố chẳng biết đạo lý gì cả!” Sau đó Tử Lộ nhất nhất kể lại lời đối đáp của đôi bên cho Khổng Tử nghe.

Khổng Tử nghe xong, nói: “Con đã trả lời sai rồi đó!” Tử Lộ kinh ngạc vô cùng, hỏi lại: “Phạm Dũng nói con sai là bởi vì y đứng trên lập trường của y.

Thầy phải đứng trên lập trường của con mà nói, tại sao Thầy cũng nói con trả lời sai?”Khổng Tử đáp: “Con hãy nghe lời ta nói đây: Trong trời đất, kẻ tiểu nhân thì nhiều mà người quân tử thì ít; lúc vui vẻ là lúc cho kẻ khác mượn, lúc buồn bã là lúc mượn kẻ khác! Con hãy trở lại gặp Phạm Dũng mà nói như vậy.”Bấy giờ Tử Lộ trở lại nhà Phạm Dũng và lập lại lời Ðức Khổng Tử.


Phạm Dũng nghe xong thì nhận ngay rằng lời đáp thật chính xác vô cùng, cho nên đem gạo lại cho Tử Lộ mượn.

Ông lấy đầy một gánh gạo cho Tử Lộ gánh về.

Song đòn gánh này là vật bảo bối, gạo bỏ vô rồi thì ăn không bao giờ hết, dùng bao nhiêu nó lại đầy bấy nhiêu; cho hay kẻ nghèo cùng cũng có bảo bối!Ðời Tần Thủy Hoàng có một vị tên là Cam La, năm 12 tuổi làm TểTướng; song đó là đã trễ ba năm rồi, anh ta đáng lẽ phải làm Tể Tướng năm 9 tuổi.

Khương Tử Nha lúc 80 tuổi thì gặp Văn Vương; như vậy là đã sớm ba năm rồi, đáng lẽ ông phải gặp Văn Vương lúc 83 tuổi.

Cam La còn trẻ đã làm Tể Tướng, mà Khương Tử Nha thì lại đến lúc rất già mới gặp Văn Vương!Bàng Tổ sống đến hơn 800 tuổi cho nên tuổi thọ rất cao; nhưng Nhan Uyên, đệ tử của Khổng Tử, chỉ sống đến 30 tuổi rồi chết, nên gọi là yểu mạng.

Nhan Uyên tuy rằng mạng ngắn nhưng trong các đồ đệ của Khổng Phu Tử, ông là người thông minh nhất.

Ông cũng là người hiếu học bậc nhất, chỉ cần nghe qua một là biết được mười, trong khi Tử Cống thì chỉ nghe một biết hai.

Lúc Nhan Uyên mất, Khổng Tử vô cùng thương tiếc mà nói rằng:”Thiên táng dư! Thiên táng dư!”.

Ý nói: Trời làm cho Ðạo ta mất đi vậy! Trời làm cho Ðạo ta mất đi vậy!Sáu người này có kẻ thì hết sức giàu có, có kẻ vô cùng nghèo khốn, có kẻ sớm có địa vị cao, có kẻ trễ lên quý phẩm, có kẻ hết sức sống lâu, có kẻ lại chết sớm, song sáu người này không ra khỏi vận mệnh của Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ).

Họ đều ở trong vòng Ngũ hành quay đi lộn lại, tuần hoàn trong vòng luân hồi; cho nên nói: “Ðời người thật là như giấc mộng ảo hóa, như giọt sương đầu lá, như ánh điện chớp.

Hãy luôn quán chiếu như vậy, và đừng nên chấp trước!” Lúc đó, mình sẽ không có phiền não.

Tu hành mà biết thấy suốt rồi buông xả thì càng tốt hơn nữa.

Nếu không thể nhất thời buông hết mọi thứ thì phải từng bước từng bước, từng việc từng việc mà buông xả.

Ðừng nên lưu luyến ở mãi trong Lục đạo luân hồi này làm gì!23.

VẠN MA KHÔNG LÙI BỒ ÐỀ TÂM(Vạn Phật Thành ngày 19 tháng 6 năm 1982)”Yếu học hảo, oan nghiệt trảo,Yếu thành Phật, tiên thọ ma.” Dịch là:”Muốn học tốt, oan nghiệt tìm,Muốn thành Phật, trước gặp ma.””Muốn học tốt, oan nghiệt tìm.” Mình muốn làm chuyện tốt thì thế nào oan nghiệt cũng đến tìm.

Càng làm tốt thì oan nghiệt kiếm mình càng gắt bởi vì nó muốn thanh toán nợ nần với mình!Từ vô lượng kiếp đến nay, đời này qua đời khác mình tạo nghiệp thiện ác lẫn lộn, không có rõ ràng; bởi vậy khi muốn tu Ðạo thì chủ nợ họ đều tới tìm mình để đòi nợ.

Ví dụ có kẻ mượn người khác tiền mà chưa trả sòng phẳng.


Lúc y chưa phát tài thì chủ nợ biết y chẳng có tiền nên chẳng đến đòi; nhưng khi y mà phát tài thì chủ nợ liền đập cửa đòi nợ.

Vì sao? Vì chủ nợ biết y có tiền! Nếu y không tới đòi thì chẳng biết lúc nào đòi đặng, cho nên phải đòi.Bởi vậy, trong quá trình tu Ðạo mình sẽ gặp nghịch cảnh, mà gặp nghịch cảnh thì mình phải càng dũng mãnh tinh tấn, không có thối thất tâm Bồ Ðề.

Những nợ nần mà người chủ nợ đến đòi thì mình phải trả cho hết; tức là đem công đức tu hành của mình hồi hướng tới chủ nợ, tới những người oán, kẻ thân; để khi họ nhận được công đức của mình, họ sẽ ly khổ đắc lạc, liễu sinh thoát tử, đến lúc đó món nợ của mình mới hoàn toàn phủi sạch.Từ vô lượng kiếp tới nay, do đủ thứ nhân duyên nên mình mắc nợ không phải ít.

Ngay đời này, thử suy nghĩ một cách chín chắn coi mình đã giết bao nhiêu sinh mạng rồi? Có bao nhiêu chuyện không công bình mình đã tạo ra? Ðối với chúng sinh, nếu mình chưa có giết qua một sinh vật nào, thí dụ như sư tử, voi, heo, gà, trâu, bò v.v…!nhưng rất có thể là mình đã sát hại những sinh vật nhỏ hơn như ruồi, muỗi, dế, thằn lằn…!Dù nói rằng mình chưa từng giết những sinh vật nhỏ như vậy, nhưng chắc chắn mình vẫn có ý niệm sát sinh tồn tại trong lòng.Lúc nhỏ, vì mình không để ý, bất giác giết hại rất nhiều côn trùng nhỏ, cái đó gọi là Vô tri tội, tội sát mà không có cố ý.

Nhưng những chúng sinh bị mình đoạt mạng thì giờ đây, khi mình muốn tu Ðạo, thì bọn chúng chắc chắn sẽ tới tìm để đòi nợ.

Cái thứ nợ này không phải chỉ có một, hai mà thôi, mà là vô số, bởi vì đời này qua đời khác mình tích lũy nó, nhiều kể không hết!Do vậy, đừng nói rằng ông Trời bất công: “Tôi bây giờ tu hành rồi, tôi không muốn nhận tất cả những oan gia nghiệp báo, nợ nần hồi xưa.” Nghĩ như thế thì vĩnh viễn mình không thể thành Ðạo được, bởi vì lòng ta không công bình.

Tâm mà công bình thì mình phải nhận nợ.

Cho nên nói rằng: “Muốn học tốt, oan nghiệt tìm”; khi mình trở nên giàu đột ngột, thì bạn bè nghèo cùng đều tới đập cửa để đòi nợ.”Muốn thành Phật, trước gặp ma.” Phật mà thành Ðạo là do ma giúp đỡ, nếu như không có ma thì không có Phật.

Ma đến khảo nghiệm làm cho mình tiến bộ; nên nói rằng: Dục cùng thiên lý mục, Cánh thượng nhất tằng lâu.

(Muốn thấy tận cùng ngàn dặm, Phải bước lên thêm một tầng lầu.)Ma coi thử “hỏa hầu” của mình có đủ chưa.

Nếu đủ thì ngàn con ma tới mình cũng không thay đổi, vạn con ma tới mình cũng không thối lui, không thối thất tâm Bồ Ðề.

Càng khốn khổ gian nan bao nhiêu, thì càng tinh tấn bấy nhiêu.

ễ nơi nghịch cảnh chằng chịt, rối ren bao nhiêu, thì tâm càng phải an nhiên, bình thản bấy nhiên.

Ðừng nghĩ là bất công, cũng đừng oán trời, trách người.Nghịch cảnh lại thì thuận theo nó mà tiếp nhận, để tu hạnh nhẫn nhục Ba La Mật.

Ðó là công phu mà mình phải tập, khi ma chướng lại thì mình không có đối đầu với chúng, mình chỉ nhịn thêm một chút khổ cũng chẳng hề chi; mình phải phát nguyện độ bọn ma đó, làm cho chúng quy y Tam Bảo, phát tâm Bồ Ðề.

Ðối với người nào cũng vậy, đừng sinh ra lòng oán cừu, được vậy thì mình có thể biến gươm giáo thành ngọc cẩm, biến cừu hận thành an tường.


Do đó, phải luôn tìm điểm tốt nơi bề xấu của sự tình.Cho nên nói:”Hành hữu bất đắc, Tắc phản cầu chư kỷ.

” (Làm mà không xong thì phải quay ngược về mình mà tìm.)Ðừng bao giờ làm luật sư tự biện hộ cho chính mình, bất cứ chuyện gì cũng phải nghĩ rằng:”Chân nhận tự kỷ thác, Mạc luận tha nhân phi.Tha phi tức ngã phi, Ðồng thể danh Ðại bi” Dịch là:”Nhận thật rằng mình sai,Ðừng để ý lỗi người.Lỗi người tức lỗi ta,Cùng thể tức Ðại bi.”Vì đồng một thể nên bao quát ma quỷ.

Ma là một bộ phận của tự tánh.

Nếu tự tánh có ma thì mình mới làm bọn ma bên ngoài xâm nhập được.

Tự tánh không có ma thì ma bên ngoài không có cách gì tiến vô đặng.

Thế nào là tự tánh ma? Tức là tham, sân, si!Nhược vô miêu thực oản, Tắc bất chiêu thương dăng.

(Nếu bát đồ ăn của mèo không để ra, thì không có ruồi bu tới.)Khi biết mình còn “vẩn đục” thì ma tìm cách “thừa nước đục thả câu,” muốn làm chuyện rối loạn, muốn hiển lộ cái “ma thông” của nó.

Cho nên mỗi cử chỉ, hành động, mỗi lời nói, ý nghĩ phải hết sức chân thật: “Ngôn tất trung tín, Hành tất đốc kính”.

(Lời nói phải trung thật, thành tín, Hành động phải hoàn toàn cung kính.) Không được nói dối trá.

Không dám nhận lỗi, lúc nào cũng che đậy lỗi lầm của chính mình: đó không phải là hành vi của người tu Ðạo.

Cho nên mình phải hết sức chân thành mà bộc bạch, hết sức khẳng khái nói ra lỗi lầm của mình.

Luôn luôn cư xử theo đạo đức lương tâm.

Nếu những điều gì không hợp với đạo đức lương tâm thì đừng bao giờ làm cả.Người tu Ðạo cần có đủ trí huệ chân chánh.

Kẻ có trí huệ chân chánh thì không bao giờ khen ngợi chính mình và hủy báng người khác, cũng không bao giờ nói rằng: “Bạn coi tôi đây, tôi là số một, thanh cao nhất, còn những người kia toàn là thứ tệ hại, bần tiện.” Phàm những kẻ tự khen thì không còn đường tiến nữa; tuy sống nhưng thực ra như là kẻ đã chết rồi; bởi vì họ đã đi ngược lại với đạo đức lương tâm, khinh thường kẻ khác, chỉ biết có chính họ.

Ðó là những người mà chư Phật, Bồ Tát không bao giờ hoan nghinh!Nếu muốn được Phật, Bồ Tát hoan hỷ bảo vệ thì điều mình nói và việc mình làm phải nhất trí: Ngôn cố hành, Hành cố ngôn.

(Lời nói theo việc làm, Việc làm theo lời nói.) Ngôn và hành không được mâu thuẫn nhau.

Ðừng nên lúc nào cũng tự khoe là tôi tốt thế này, tôi tốt thế kia, song đến khi làm thì lại toàn là những chuyện bại hoại!Người tu Ðạo không nên có tâm ích kỷ, tâm tự lợi, trái lại phải làm lợi ích kẻ khác.

Ðừng làm hại người để lợi mình, hoặc coi thường người khác.

Cho nên các vị phải biết hồi quang phản chiếu, xét lại chuyện quá khứ đã làm, chuyện hiện tại đang làm, rồi quán chiếu chuyện tương lai.


Lúc nào cũng vậy, bất cứ giờ nào phút nào cũng không quên lương tâm, đạo đức, thì qua một thời gian lâu, thiện căn sẽ tự nhiên tăng trưởng, tâm Bồ Ðề sẽ lớn vững.

Bấy giờ mình mới có thể thực hành Ðạo Bồ Tát, làm lợi ích cho chúng sinh được; cho nên cái quan hệ đó là liên đới.Ta đừng vì sợ ma mà thối thất tâm Bồ Ðề.

Ma chướng là thử thách, khảo nghiệm.

Cũng như học sinh lúc mới bắt đầu đi học thì cảm thấy bài học rất khó, nhưng thời gian qua, khi đã nhập môn biết chút đỉnh rồi thì không còn thấy khó nữa.

Từ lúc học Tiểu học, lên Trung học rồi đến Ðại học, ai cũng có tâm trạng như vậy, cho nên nói rằng: Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt, Trẫm đắc mai hoa phác tỮ hương? (Không qua một phen lạnh thấu xương, Sao đặng hoa mai nở ngát hương?)Và: Thập niên hàn song vô nhân vấn, Nhất cử thành danh thiên hạ tri! (Mười năm cửa lạnh không ai hỏi, Một sớm danh thành mọi người hay!)Giống như chàng tú tài bỏ mười năm học đơn côi, lạnh lẽo, chẳng ai thèm để ý, chừng khi anh ta đỗ đạt nổi danh thì lúc đó ai cũng biết.

Lúc mình tu hành, đừng vọng tưởng muốn “xuất phong đầu,” muốn người ta để ý tới mình!Sau khi xuất gia rồi, nếu còn cầu danh, cầu lợi thì đó là chuyện thật chẳng ra gì.

Chúng ta khi đã xuất gia thì phải nhận chân tu hành một cách thiết thực, phải tài bồi cái gốc phước huệ của mình.

Tu phước thì phải làm lợi ích người khác, tu huệ thì phải nghiên cứu kinh điển.

Thường làm chuyện lợi ích thì mới sinh được phước đức.Có người hỏi: “Làm thế nào để lợi ích người khác? Phải chăng là dùng tiền làm chuyện công đức?” Chẳng phải vậy! Chỉ cần tâm mình đừng có lòng giết hại, đừng có lòng trộm cắp, đừng có lòng tà dâm, đừng có lòng dối trá, cũng đừng rượu chè, thì đó là mình bồi đắp cho ruộng phước của mình rồi.

Cho nên nói: Từ bi khẩu, Phương tiện thiệt, Hữu tiền vô tiền, Ðô tác đức.

(Với miệng từ bi, Với lưỡi phương tiện, Dù có tiền hay không có tiền, Cũng làm được chuyện có đức.) Nếu miệng mình không chưởi rủa người khác, chẳng nói lời thô kệch, độc ác, làm tổn thương người khác thì đó là công đức.

Bất cứ ở mọi nơi phải biết tiếc phước đức của mình, đừng làm việc tổn phước.

Ở chỗ nào mình cũng phải tu phước, tu huệ.

Tu phước, tu huệ không phải một ngày một đêm mà thành đặng; phải cần một thời gian, mà mỗi giờ mỗi phút mình phải làm liên tục khôngngừng.

Không thể là: Nhất nhật bộc chi, thập nhật hàn chi.

(Một ngày phơi nắng, mười ngày để lạnh.

Hay: Một ngày làm, mười ngày nghỉ.)Nếu mình như vậy thì vĩnh viễn không tiến bộ được.

Cho nên phải nhận định tông chỉ, dũng mãnh tinh tấn, đừng thụt lùi, thối chuyển.

Ðó là điều căn bản mà người tu Ðạo phải có đủ!.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.