Bạn đang đọc Huynh ấy không yêu ta – Chương 17
CHƯƠNG 17
Trời đang vào độ chớm thu nên không khí thanh sạch và mát mẻ lắm, nước sông trong vắt như một tấm gương, đứng trên bờ còn có thể ngắm được cá dưới đáy sông đang quẫy đuôi. Ta hớn hở dắt Tiểu Ái đến mấy gian hàng bán vải dạo trước, lần này lão nương có tiền, xem kẻ nào còn dám coi thường nữa!
Ta chọn hai tấm vải đỏ sẫm, chất mịn, bề mặt trơn bóng như thoa mỡ cho Tiểu Ái, nó cúi mặt e thẹn, ta lại bảo:
– Nữ nhân đến tuổi phải gả chồng. Muội định theo ta cả đời hay sao?
Nó lúng túng đáp:
– Còn tỷ thì sao?
– Ta chưa biết, nếu không tìm thấy chàng. Ta sẽ trở về với mẫu thân, chắc người rất nhớ ta!
Nói thì vậy chứ ta không giấu nổi nỗi thất vọng khi không tìm thấy Diệp Tuệ, Tiểu Ái cuộn nhỏ hai tấm vải lụa, đoạn nói với ta:
– Mẫn tỷ, vậy muội sẽ may hai bộ hỷ phục tân nương bằng tấm vải này, muội với tỷ mỗi người một bộ, có được không?
Ta cười trừ đáp:
– Không thể thế được. Muội phải may hai bộ tân nương- tân lang chứ. Nhớ kỹ, hỷ phục tân lang phải trao cho người xứng đáng làm phu quân của muội!
Nó rơm rớm nước mắt. Gật đầu với ta:
– Mẫn tỷ, muội nghe tỷ!
Đường phố tấp nập, đâu đó chút nắng chiều còn sót lại trên sạp hàng của một ông lão râu tóc bạc phơ. Mặt đã in hằn dấu vết của thời gian nhưng trông ông phúc hậu lạ thường. Mình vận bộ áo cà sa, dáng vẻ ông lão giống một vị cao tăng đắc đạo, nhàn nhã mà uy nghi.
Ta hiếu kỳ bước lại gần sạp hàng thư pháp đó, trên nền giấy đỏ tươi là một vài thỏi mực đen thẫm. Có thể thấy ông lão là một vị sư gia chuyên viết câu đối. Lúc ta tới gần, lão vẫn đang say sưa phác thảo một nét chữ. Thỏi mực mới mài bên cạnh chẳng mấy chốc hết nhẵn.
Nhìn những bức thư pháp đã khô treo trên gian hàng, ta thầm ngưỡng mộ ông lão, nét chữ chắc chắn. Không khác chữ của Diệp Tuệ, hơn thế lại điêu luyện linh hoạt như rồng bay phượng múa. Quả nhiên là bậc kỳ tài, chỗ cần thanh nên thanh, chỗ cần đậm lại đậm. Viết vừa nhanh vừa rõ nét!
Ta nảy ra ý định xin một chữ “ Tuệ” về ngắm chơi,đằng nào ông lão viết đẹp như thế cũng bõ tiền bạc mình bỏ ra, bèn nói cho Tiểu Ái ý định đó. Ai dè nó đã cuống quýt ngăn cản, ta chưa kịp hỏi tại sao thì ông lão nãy giờ cắm cúi viết đã giơ ra một bức thư pháp:
– Cô nương, có phải cô muốn xin lão chữ này?
Ta chăm chú nhìn bức thư pháp vừa mới khô mực, một chữ “ Tuệ” uyển chuyển mà vẫn kiên định hiện ra ngay trước mắt, ta sững sờ đến độ không thể tin:
– Lão…sao…lão biết ta muốn xin chữ này?
Ông lão móm mém cười, trông lại càng giống một tiên ông:
– Không phải đều hiện rõ trên mặt cô nương đấy sao?
Ta hốt hoảng xoa nắn khuôn mặt mình, trời ạ, sao chẳng sờ thấy chữ “ Tuệ´nào thế nhỉ?
Tiểu Ái bên cạnh bụm miệng cười, sực nhớ đến nó, ta bèn khẩn cầu ông lão:
– Ta muốn xin thêm chữ nữa,ông cho ta chữ nào có thể lấy được nam nhân tốt ấy, ta xin cho con nha đầu này!
Nói xong, ta chĩa tay về phía Tiểu Ái, nó lắp bắp:
– Tỷ tỷ…sao tỷ…lại..lại xin mấy chữ vớ vẩn như thế!
– Thế nào là vớ vẩn, chỉ cần không có tà tâm thì đều là ước muốn chính đáng!
Ta chun mũi, làm mặt quỷ với nó.
Tiểu ái bất lực nhìn ta, cuối cùng cũng đành nhận lấy bức thư pháp đỏ thẫm, chữ “ Tình” đen tuyền nổi bật trên nền giấy, trông lại càng tinh tế!
Lúc sắp sửa rời đi, ta chợt nhận ra một bức thư pháp bị rơi ở dưới chân sạp, tò mò giở ra xem. Đúng là nét chữ của ông lão, là tên ta, “ Mẫn”.
Ta tức tối hỏi:
– Này, ông lão. Ông có ghét ta thì cũng không nên vò nhàu nó rồi phi tang thế chứ!
Ông lão thoáng ngạc nhiên nhưng vẫn từ tốn đáp:
– Đúng là của lão viết!
Ông lão này có tài viết chữ, lại còn biết đọc ý nguyện của khách chỉ qua sắc mặt, chắc chắn biết ta tên Đinh Mẫn Mẫn nên cố ý viết ra để dụ dỗ đây. Không ngờ ta lại xin chữ “ Tuệ” , phen này là ta được “hời” rồi.
Ta không xấu hổ cuộn bức thư pháp hơi nhàu vào trong tay áo, nói:
– Đấy nhé, là ông không cần bức thư pháp, vậy nó là của ta. Ta chỉ trả tiền hai bức kia thôi đó!
Ông lão bật cười sảng khoái, chẳng những không tức giận trước thói vô lại của ta, còn đem 200 lượng ta vừa trả ban nãy ra trước mặt:
– Lão gửi lại cô nương, lão cho chữ rất tùy tâm. Nhưng với cô nương, lão không tính!
Ta vui mừng cầm lại số bạc, mua được nhiều thịt thỏ nướng lắm đây! Lại còn được cả đôi bức thư pháp tên ta và chàng nữa chứ!
Mặt mũi rạng rỡ như hoa, ta vội vã kéo Tiểu Ái về hướng có bán đồ ăn, ông lão sư gia bèn nói với theo:
– Cô nương Mẫn Mẫn, cứ kiên trì, lão chúc cô may mắn!
Ta đang đói muốn chết, chẳng thèm nghe kỹ xem ông ta nói gì, lôi tuột Tiểu Ái đi.
Tiểu Ái còn kỳ lạ hơn cả ông lão ban nãy, nó vừa theo ta vừa lẩm bẩm:
– Tỷ thật ngốc!
Sao bọn họ cứ liên tục nói mấy câu khó hiểu với ta thế nhỉ, ta nhăn mặt đáp:
– Tỷ chẳng hiểu gì hết!
Nó im lặng một chặp rồi bỗng dưng hất văng ta ra, nét mặt thể hiện sự căm phẫn tột độ, hét lên:
– Ông lão ban nãy nói Diệp công tử có ý với tỷ đó, đừng giả ngốc nữa!
Rồi Tiểu Ái chạy vụt mất, ta đứng trơ như phỗng. Hắn có ý với ta thì sao con nha đầu này lại tức giận đến thế chứ? Hình như sau lần ta thú nhận trót trao thân cho Diệp Tuệ, nó không còn nổi nóng với ta thêm lần nào nữa kia mà.
À ta hiểu rồi, chắc Tiểu Ái lo ta tìm thấy Diệp Tuệ, không ngó ngàng tới nó nữa nên bực mình đây mà. Haizzz, con bé ngốc này! Ta phải tìm nó mới được.
Trời tối dần, ta lởn vởn quanh mấy sạp hàng gần đó, chẳng thấy bóng Tiểu Ái đâu bèn quyết định phi ngựa đến vài tửu lầu, rạp hát,..thậm chí là cả kỹ viện. Vừa bước chân vào, ngửi thấy mùi phấn son nồng nặc của đám nữ nhân trong đó, ta đã vội vã bước ra. May mà hôm nay ta cải nam trang, nếu không bọn chúng sẽ tìm cách giăng bẫy bắt cóc ta vào đó mất, ai mà biết được! Cái lần bị bán vào nơi ô uế đó, e là cả đời này ta không quên nổi!
Tiểu Ái, rốt cuộc con bé này đang ở đâu cơ chứ?