Bạn đang đọc Huynh ấy không yêu ta – Chương 12
CHƯƠNG 12
Bà chủ đang ăn màn thầu, dáng vẻ nhàn nhã lúc này của bà lúc này làm ta nhớ đến mẫu thân, khi sắp trừng phạt ta, mẫu thân cũng điềm tĩnh như vậy.
Bất giác sống mũi ta cay cay!
– Hai người đi thưởng xuân có vui không?
Ta đáp: “ Rất vui, thưa bà chủ”
Rã ràng bà ấy không thích câu trả lời thật lòng của ta, mặt khẽ cau lại, hít sâu thở mạnh:
– Ngươi tưởng mình còn là tiểu thư cành vàng lá ngọc ư? Đi làm việc ngay cho lão nương!
Ông chủ đang lau dọn chén bát, “bộp” một tiếng, cái chén nho nhỏ lăn vài vòng ngay trước giày của Tiểu Ái. Ông chủ lo ta sẽ bị tổn thương bởi mấy lời lẽ của bà chủ, nhưng bây giờ với ta mấy câu nói đó chẳng khác nào muỗi cắn, ta đã quá quen với bà chủ, bà ấy không xấu tính chút nào, mồm miệng tuy có độc địa khó nghe nhưng cũng chẳng bao giờ đánh đập hay chửi bới ta. Họa chăng bà tức giận là vì nguyên nhân ta ra ngoài mà không rủ thêm bà ấy cho náo nhiệt thôi.
Ta tự cho là như thế.
Nhanh tay nhanh chân nặn màn thầu cùng Tiểu Ái đến lúc mắt đã díp cả lại thì bà chủ bảo rằng chúng ta không phải làm nữa, có thể về phòng nghỉ ngơi. Đây đúng là chuyện lạ, bình thường, mỗi khi ta và Tiểu Ái gây chuyện, bà ấy đều nghiêm khắc ép chúng ta nặn màn thầu thâu đêm mới thôi. Ta mệt mỏi xoa khớp vai, không màng đến thế sự, ngủ khì cho đến sáng hôm sau.
Bà chủ trông theo bóng hai cô gái đã về phòng, thở dài lẩm nhẩm:
– Đúng là tuổi trẻ! Ta không thể ngăn cản nổi chúng nữa rồi!
Vì đêm hôm trước ngủ ngon giấc nên hôm sau ta rất hăng hái làm việc, ta hấp lại màn thầu đem xuống cho khách quan, tinh thần tốt, miệng cười tươi hơn cả hoa xuân, Tiểu Ái nhìn ta vẻ khó hiểu, dè dặt hỏi:
– Tiểu thư, người có chuyện gì vui thế?
Ta vừa đếm tiền vừa đáp:
– Ta đang kiếm tiền để tìm Diệp Tuệ, không phải sao?
Nó nhìn ta chòng chọc, buông một câu:
– Tiểu thư vẫn tin chàng ư?
– Sao lại không – ta đáp – Ta yêu chàng, dĩ nhiên phải tin tưởng người ta rồi!
– Nhưng có thể, người ta không yêu người.
– Thế thì ta sẽ khiến cho chàng phải yêu ta!
Câu trả lời chắc nịch của ta khiến Tiểu Ái lúng túng, nó bối rối xoắn hai tay vào nhau, ta thấy dáng vẻ đáng yêu đó, không kìm nổi trêu chọc:
– Chẳng nhẽ em không tin? À, phải rồi, Tiểu Ái nhà ta chưa có ý trung nhân, làm sao biết đến chữ “Yêu” chứ nhỉ.
Nói xong ta bật cười ha hả, Tiểu Ái vội vàng lủi mất, tránh tràng cười như điên dại của ta.
Đương độ xuân nên không khí thanh mát lạ thường, tuyết đã hết hẳn, ta và Tiểu Ái không phải trải thêm lớp lông cừu giữ ấm của bà chủ nữa, chỉ cần một lớp chăn mỏng, giường của chúng ta dễ chịu hơn rất nhiều.
Cỏ non xanh mát,hoa lê trắng điểm vài bông trên cành, bầu trời xanh đến nỗi ta có thể ngửa cổ ngắm cả ngày mà không biết chán, mỗi khi nhớ nhà, ta thường làm vậy, vừa có thể ngắm mây trôi, trắng muốt tựa bông gòn, vừa tạo cho ta thứ cảm giác tự do, phiêu diêu.
Hôm đó bà chủ đóng cửa quán sớm, đích thân xuống bếp làm điểm tâm cho chúng ta. Đang dịp năm mới nên bà ấy làm rất nhiều đồ ăn ngon, có thịt nướng, cả sủi cảo nhân đồng xu may mắn nữa. Tay nghề cũng rất khá, hơn hẳn đám gia nhân trong nhà ta. Ta thầm ngưỡng mộ bà chủ, chẳng trách quán ăn nhỏ này lại giữ chân được nhiều vị khách như vậy.
Trong bữa ăn, ta cắm cúi chẳng nói câu nào, bầu không khí hết sức ngượng ngập, cũng bởi đây không phải Đinh phủ của ta, trước kia mỗi dịp Tết, ta và mẫu thân cùng đám gia nô đều ăn sủi cảo, ngồi chung rất ấm cúng, cha thì đã mất, huynh ta lại hay đi xa, thành ra mẫu thân nói càng đông người càng vui vẻ, không câu nệ tiểu tiết, mẫu thân hay gắp sủi cảo cho ta, nửa cười nửa không mắng:
– Ăn chậm thôi, nết ăn xấu quá đi mất!
Ta thường cười hề hề mà không đáp, mồm miệng đầy sủi cảo nhân tôm. Lớp vỏ mỏng tang, nhân tôm bên trong đậm đà béo ngậy, ăn vào vừa miệng vô cùng!
Thường thì ta chẳng khoái ăn sủi cảo lắm, vì ta không thích ăn tôm, nhưng là mẫu thân gắp cho nên ta không nỡ từ chối, vừa ăn vừa ôn lại chuyện xưa với đám gia nhân.
Bọn chúng cũng thật đáng ghét, có kẻ còn nhớ như in cái lần ta lấy trộm y phục của đại huynh, mặc vào đi khắp chốn, mẫu thân mắt kém tưởng rằng huynh ta trở về, hấp tấp chạy đến ôm chầm lấy ta, suýt thì vấp rách cả vạt áo.
Có thứ gì đó mặn chát trượt xuống môi, đưa tay sờ qua mới biết là mình vừa khóc, ta tần ngần lấy tay áo lau mặt, bối rối ngẩng lên thì thấy ba người cùng bàn đều đang nhìn, bà chủ gắp một miếng sủi cảo trăng trắng vào bát ta, giọng mềm như nước:
– Mau ăn đi!
Ta cắn một miếng bánh, mùi vị vẫn đậm đà như trong ký ức.
Sủi cảo có đồng xu may mắn của mẫu thân! *
*: năm mới, người ta thường nặn bánh sủi cảo và nhân một đồng xu vào một chiếc bánh, ai ăn trúng chiếc bánh có đồng xu đó, sẽ gặp may trong năm mới.
Đối diện với phòng chúng ta có một hồ nước, vừa xanh vừa trong, mỗi đêm trăng tròn, ánh sáng bàng bạc phủ trên mặt hồ loáng nước vừa hư vừa ảo tựa cõi tiên bồng, nghe nói thả chiếc thuyền giấy có viết tên người mình cần tìm trên đó, rồi thả trôi xuống hồ . Nhất định sẽ tìm thấy người đó!
Tiểu Ái thường nói ta mê muội nhưng cũng xắn tay áo thả thuyền cùng ta.
Mỗi dịp có các thương nhân buôn vải đến Tô Châu, ta thường hỏi họ tung tích của Diệp Tuệ, ai ai cũng lắc đầu nói ta hãy bỏ ý định tìm kiếm đi, dân chúng Tô Châu nhiều vô kể, huống hồ Diệp Tuệ không phải dân buôn bán, muốn tìm quả thực còn khỏ hơn mò kim đáy bể.
Ta mặc họ, ta cứ tìm, tìm đến khi nào thấy chàng mới thôi.
Thấm thoắt nửa năm nữa lại trôi qua, ta và Tiểu Ái ngày càng hòa hợp với ông bà chủ. Thậm chí có khách qua đường còn nghĩ chúng ta là một gia đình thực sự.
Tiểu Ái có vẻ còn vui hơn ta, nó nói từ nhỏ đã bị bán vào nhà ta làm a hoàn, ký ức về cha mẹ rất nhạt nhòa, giờ lại có một gia đình đầm ấm, nó không còn chịu cảnh cô đơn như trước nữa. Ta bảo Tiểu Ái đừng gọi mình là “tiểu thư” này nọ nữa, nghe rất ngứa tai , nó bèn ấp úng gọi ta một tiếng: “ Mẫn tỷ”
Số tiền ta tích cóp cũng đã đủ để đến Tô Châu, nhanh nhẹn mở một cửa hàng thì cũng có thể sống được, ta không nói ý định đó với Tiểu Ái, nó mà bám theo chẳng phải ta sẽ nuôi thêm một người sao? Con nha đầu Tiểu Ái lại còn ăn khỏe vô cùng, thôi thì đành gửi nó lại nhờ ông bà chủ chăm nom giúp vậy.
Nhưng kế hoạch đào tẩu của ta chưa bước vào giai đoạn nước rút thì có chút biến cố. Đó là Sở Minh, biểu ca của ta, tự dưng xuất hiện.