Đọc truyện Hướng Đông Lưu – Chương 25: Quyển 1 –
HƯỚNG ĐÔNG LƯU – CHƯƠNG 24
Tác giả: Giang Nhất Thủy
Edit: Alex
_____________
Hoa đăng thắp sáng trên đài đồng loạt nở rộ như cửa Thần Quốc rộng mở.
Theo tiếng xích bát dần vút cao, thiếu niên ôm lấy vu nữ, nương những dải lụa màu của các Ty Mệnh mà bay về phía bầu trời đêm.
Đông Hoàng trẻ tuổi, tuấn mỹ buông mắt.
Vu nữ như đang treo trên cánh tay nàng rướn vòng eo mềm mại tựa liễu, giơ tay vỗ về gương mặt Đông Hoàng.
Các nàng đáp vũ y, cùng nhau bay về Thần Quốc.
Dạ đăng dần tắt, như cửa Thần Quốc khép lại.
Hình ảnh cuối cùng đọng trong mắt thế nhân chính là Đông Hoàng ôm lấy vu nữ của mình, bay về quốc gia vĩnh hằng bất biến.
Một tiếng chuông khẽ vang, toàn bộ thế giới chợt chìm vào bóng đêm.
Mọi người nhìn đài diễn giờ đã tối hẳn, rồi không hẹn mà đồng loạt vỗ tay.
Những tiếng pháo tay tựa thủy triều ồ ạt đổ về phía đài diễn.
Huyên Cảnh Thần đứng trên thuyền hoa nghe tiếng tán thưởng điên cuồng ập đến mới như bừng tỉnh mà nâng tay, vỗ nhẹ mấy cái.
“Bệ hạ, ngài cũng cảm thấy khúc “Đông Hoàng” này rất đẹp mắt đúng không?” Làn sóng vỗ tay dần lắng xuống, Đại Ty Mệnh chẳng biết đã lên thuyền hoa tự bao giờ đứng sau Huyên Cảnh Thần, nhìn đài diễn từ từ sáng lên, khẽ nói: “Đông Hoàng hóa thân ba nghìn, cứu vớt thế nhân qua cơn bĩ cực.
Cảm động bởi tấm chân tình của vu nữ, ngài mở cửa Thần Quốc nghênh đón nàng vào.
Chuyện xưa lãng mạn biết nhường nào, lại còn đầy ắp tình người.
Đây chính là Chủ Thần mà Thái Nhất Môn ta thờ phụng.”
“Thế nào, bệ hạ? Giờ đã có chút hứng thú nào với Thái Nhất Môn chưa? Có ý định đọc kinh thư Thái Nhất không?” Đại Ty Mệnh Thanh Lam nhìn Đế vương mà Đông Hoàng của mình đã lựa chọn, nắm chặt cơ hội dẫn dụ.
Đế vương trước mắt tuy vẫn trọng dụng Giám Thiên Ty nhưng bản thân lại không phải một người tin giáo.
Trước đó, mỗi đời Đế vương Sở Quốc đều từng thờ phụng Thái Nhất Môn, thậm chí còn có người lấy thân Đế vương nhập đạo.
Tại quốc gia mà tín đồ của Đông Hoàng trải rộng, Huyên Cảnh Thần thân là Đế vương lại không để bụng chuyện hiến tế, điều đó từng khiến nhiều người thấy bất an.
Dù chưa bao giờ công khai bày tỏ rằng mình không quan tâm Thái Nhất Môn nhưng từ khi đăng cơ đến nay đã ba năm, Nữ hoàng chưa bao giờ chủ trì dịp quan trọng như tế Đông Hoàng một lần nào cũng đã đủ để khiến Thái Nhất Môn cảm thấy lạ lẫm.
Cũng chính vì thế, những người thuộc Thái Nhất Môn lo Nữ hoàng không đủ kính trọng quốc giáo, hễ có cơ hội là sẽ cầu khẩn Đại Ty Mệnh Thanh Lam đi phổ cập tri thức về Thái Nhất cho Nữ hoàng, hòng khiến Nữ hoàng sớm ngày nhập giáo.
Đối với chuyện Nữ hoàng có tin phụng Đông Hoàng hay không, Thanh Lam cảm thấy không quá quan trọng.
Cũng như Nữ hoàng biết rõ hiến tế chắc chắn sẽ không được Chiêu Đế đáp lại nhưng mỗi năm vẫn kiên trì dâng hương, Thanh Lam nhìn thấy Nữ hoàng cũng sẽ thuận miệng nhắc chuyện nhập giáo.
“Sao Đại Ty Mệnh lại ở đây? Còn kinh thư Thái Nhất, lúc ở Hoằng Văn Quán chẳng phải đã sớm đọc xong rồi sao?” Huyên Cảnh Thần quay đầu, nhìn về phía Đại Ty Mệnh rõ ràng đã một đống tuổi nhưng trông vẫn vô cùng trẻ trung trước mắt, dịu giọng nói: “Tối nay Thiếu Ty Mệnh diễn…”
Đại Ty Mệnh lắc đầu, nói: “Bệ hạ chớ nhắc đến đứa nhỏ bướng bỉnh kia.
Khúc Đông Hoàng này cũng không phải thứ nó có thể diễn được.
Nó chỉ diễn Vân Trung Quân xong đã chuồn rồi.
Đông Hoàng này, là ta tìm một người có duyên nhờ sắm vai.”
“Ồ? Thiếu niên ấy là?”
“Không phải thiếu niên, là một cô nương.
Chiêu Đế năm xưa từng lấy danh Kiến Lộc công tử diễn tấu một khúc “Đông Hoàng đạp Nguyên tiêu” ở buổi tế Đông Hoàng, khúc là dùng xích bát phổ lại.
Khúc xích bát ấy truyền khắp Cửu Châu.
Cũng may mắn nhờ vậy mà tối nay mới có thể gặp được một cô nương biết khúc phổ xích bát đó.” Đại Ty Mệnh nói xong lại không nén được mà thở dài một tiếng: “Cũng nhờ ta thần cơ diệu toán, bằng không tối nay đồ nhi của ta chuồn mất, khúc Đông Hoàng này diễn không được, Giám Thiên Ty ta phải mất mặt lớn.”
“Phải, Đại Ty Mệnh thần cơ diệu toán, xoay chuyển tình thế.” Huyên Cảnh Thần bình thản ứng một câu, trong lòng lại nhớ kĩ những lời Chiêu Đế lấy danh Kiến Lộc công tử kia.
Nàng đương nhiên là biết khúc ấy, còn biết tất cả những khúc phổ xích bát mà Kiến Lộc công tử truyền lại cho đời sau.
Nàng biết, lại chưa thể nghe hết toàn bộ.
Sau này nghe người khác diễn tấu, lại chẳng thể nào sánh bằng điện hạ.
Huyên Cảnh Thần đã nghe Chung Ly Sóc thổi xích bát tổng cộng bảy lần.
Lần đầu tiên là đêm rời khỏi Vân Châu, Chung Ly Sóc thổi một khúc “Lâm Thâm Kiến Lộc”.
Lần thứ hai là khúc “Thấy Trăng” trên đài Ngư Long.
Năm lần sau đó là mỗi năm khi cảnh xuân rực rỡ, ngày hoa anh đào nở bừng lộng lẫy nhất, Chung Ly Sóc lại đứng dưới tàng cây thổi một khúc không tên.
Điệu khúc văng vẳng, nhẹ nhàng lại chan chứa nỗi nhớ nhung, tựa đứa bé đang làm nũng thì thầm với mẫu thân, trong ấm áp pha lẫn một chút đau thương.
Chỉ duy nhất vào ngày ấy, Huyên Cảnh Thần mới có thể nghe đến nỗi đau không cách nào kể xiết trong lòng con người thoạt trông kiên cường, lạc quan kia.
Đến một hôm sau này, nghe nhạc sư thổi khúc của Chung Ly Sóc, Huyên Cảnh Thần mới nhận ra người kia thật sự đã không còn.
Nỗi bi thương mãnh liệt vì nhớ nhung mà không thể gặp lại ập đến, khiến nàng cho ngừng tiếng xích bát của nhạc sư, không để mình nhìn vật nhớ người.
Nhưng hôm nay, xem khúc Đông Hoàng đẹp đến nao lòng này, nàng lại không khỏi nghĩ buổi tế Đông Hoàng mình chưa từng nhìn đến kia phải chăng cũng đặc sắc như vậy? Hình ảnh đặc sắc ấy mà không thể truyền lưu hậu thế, nàng cảm thấy đáng tiếc thay Chung Ly Sóc.
Cho dù Chung Ly Sóc đã không còn, nhưng khúc của nàng được lưu truyền cũng là một chuyện tốt.
Huyên Cảnh Thần ngẫm nghĩ, cảm thấy mình khi trước vì nỗi đau buồn trong lòng mà nói một câu: “Xích bát là tiếng mất nước” thật sự quá tùy tiện, không muốn để người khác thổi khúc của Chung Ly Sóc cũng quá ích kỷ.
Nàng trầm ngâm một lúc, lại nhìn Đại Ty Mệnh, nhẹ giọng hỏi: “Cô nương kia nếu đã giúp Giám Thiên Ty một chuyện lớn, lại tinh thông nhạc cụ như vậy, trẫm cũng tiếc tài.
Không biết liệu Đại Ty Mệnh có thể hỏi xem đứa bé kia là người phương nào, ngày mai trình lên cho trẫm, để trẫm khen ngợi nàng một phen?”
Nếu là người thật tình yêu quý xích bát, Huyên Cảnh Thần nghĩ, vậy thì truyền khúc phổ của điện hạ lại cho nàng cũng không phải không được.
Thế cũng xem như tìm cho điện hạ một truyền nhân.
Nghe những lời ấy của Nữ hoàng, Đại Ty Mệnh cảm thấy có phần ngạc nhiên.
Nàng nhìn Nữ hoàng công chính, nghiêm trang trước mắt, khẽ mỉm cười: “Chẳng lẽ bệ hạ không nhận ra người nọ à? Không thấy quen thuộc một chút nào hết sao?”
Vừa nãy rõ ràng nàng đã dụ Nữ hoàng vào mộng, cớ gì lâm vào ảo cảnh rồi vẫn không thấy tiểu công tử quen thuộc? Chẳng lẽ Nữ hoàng không hề xem người nọ như Chiêu Đế?
Thanh Lam vốn dĩ không trông mong Nữ hoàng có thể tin tưởng chuyện hồi hồn trọng sinh, nhưng ít nhất cũng nên để nàng giúp tiểu công tử gieo mầm tương nhận vào lòng Nữ hoàng trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại.
Nghĩ đến đấy, Thanh Lam không khỏi cảm thán công việc truyền giáo của Thái Nhất Môn thật chẳng ra gì.
Làm sao mà vị Nữ hoàng đây một chút suy nghĩ viển vông mong người chết sống lại cũng chẳng có?
Huyên Cảnh Thần đương nhiên đã từng hy vọng xa vời như vậy.
Chính vì biết đó là hy vọng xa vời nên nàng mới càng nhận định rõ ràng việc Chung Ly Sóc ra đi.
Trong lòng nàng, Chung Ly Sóc đã tan thành mây khói hơn ba năm.
Người có giống đến thế nào đi chăng nữa cũng chỉ có thể khiến nàng nhớ đến Chung Ly Sóc, mà sẽ không lầm tưởng.
Cũng tương tự như Huyên Cảnh Thần mỗi ngày thấy gương mặt hệt Chung Ly Sóc của Nhạc Chính Dĩnh kia mà vẫn có thể phân chia rạch ròi.
Khoảnh khắc nàng không phân biệt được, chỉ có một thoáng vừa nãy khi nhìn thấy thiếu niên kia trên đài.
Nhưng nàng biết, đó là ảo cảnh của các Ty Mệnh, là sự nhớ nhung gần đây đã tích lũy nhiều đến mức khiến nàng không thể chịu đựng nổi.
Thiếu niên tuấn tú trên đài quen thuộc đến mức nàng chỉ có thể nghĩ đến Chung Ly Sóc.
Chung Ly Sóc đã không còn.
Người sẽ khiến Thanh Lam nói như vậy còn có ai? Cũng không thể là Nhạc Chính Dĩnh chứ? Nếu là Nhạc Chính Dĩnh thì Thanh Lam cớ gì phải gọi đối phương là cô nương?
Bất chợt, một bóng dáng thiếu niên mặc áo bào trắng đứng dưới hoa đăng xông vào đầu Huyên Cảnh Thần.
Nàng dần vỡ lẽ: “Là đứa bé A Tố kia?”
Thôi, ít ra còn nhớ được có người tên Nhạc Chính Tố, mọi chuyện thoạt trông cũng không khó khăn đến vậy.
Đại Ty Mệnh thở dài một tiếng, thầm nghĩ mình rõ ràng là độ vãng sinh, tại sao còn phải xen vào nhân duyên của người ta.
Nhưng không còn cách nào khác, ai bảo đây là nhân duyên trời định cơ chứ? Đương nhiên phải nghĩ cách mỹ mãn hơn một chút.
Đại Ty Mệnh Thanh Lam tuổi đã hơn nửa trăm vẫn không hề muốn dưỡng tính gật đầu nói: “Còn ai ngoài Nhạc Chính tiểu công tử nữa? Mới đầu khi tìm được nàng, ta còn thoáng giật mình.
Mặt mày giống hệt Chiêu Đế, còn thổi xích bát hay như vậy, tâm tính lại hồn nhiên, ngây thơ, khiến ta suýt chút nữa đã nghĩ mình thấy được người thật hoàn hồn trong “Thái Nhất Quyển Kỉ”.”
Chẳng hiểu vì sao, trong lòng Huyên Cảnh Thần đột nhiên giật nảy, lại ép buộc mình dằn nỗi niềm chờ mong ấy xuống, nói: “Đại Ty Mệnh chớ có nói đùa.”
“Ta cũng cảm thấy mình đang nói đùa.
Tất cả mọi người đều biết các đời Sở Đế là hóa thân của Đông Hoàng.
Nếu là Chiêu Đế, e rằng đã sớm quay về Thần Quốc.” Thanh Lam chỉ chỉ bầu trời đêm.
Trong nháy mắt, bầu trời vốn dĩ trống vắng đột nhiên nổ bùng pháo hoa.
Muôn vàn bông hoa lửa lộng lẫy nở rộ dưới bầu trời đêm.
Ánh sáng chiếu rọi trên gương mặt như vĩnh viễn thanh xuân của Đại Ty Mệnh.
Nhìn Đế vương kiên định trước mắt, Đại Ty Mệnh nhẹ giọng cười nói: “Tối nay cửa Thần Quốc rộng mở.
Có thể thấy bệ hạ lần nữa trước khi đi, lòng ta rất vui mừng.”
“Từ rày về sau, hải thanh hà yến, quốc thái dân an.
Vạn mong bệ hạ trân trọng.”
Giọng Thanh Lam dần đi xa.
Huyên Cảnh Thần ngẩng đầu nhìn bầu trời đêm, bất chợt thấy pháo hoa giăng kín.
Tiếng vỗ tay như thủy triều theo tiếng pháo hoa nở rộ điên cuồng ập vào tai.
Nàng quay đầu, kinh ngạc thấy các muội muội ghé vào lan can, nhìn đài diễn còn đang từ từ sáng lên phía đối diện, nhẹ giọng nói: “Thiếu niên sắm vai Đông Hoàng đó là Thiếu Ty Mệnh sao? Thật sự là xinh đẹp cực kì.”
Không đúng.
Có gì đó không đúng.
Huyên Cảnh Thần nghĩ, vừa rồi rõ ràng nàng đã nhìn thấy Đại Ty Mệnh, chẳng lẽ lại là trúng ảo thuật của người kia?
Huyên Cảnh Thần ngẫm nghĩ một lúc rồi nói với ám vệ: “Đến Nơi Không Thể Biết một chuyến.”
Nàng cứ cảm thấy có chuyện gì đó sắp xảy ra.
Tối nay Nguyên tiêu, là ngày lành, trong kinh thư của Thái Nhất Giáo thì chính là ngày cửa Thần Quốc rộng mở.
Pháo hoa giăng kín cả thành Nguyên Châu.
Mà tại Nơi Không Thể Biết ánh sáng pháo hoa không chiếu rọi đến, tối nay được trăng tròn bao phủ.
Ánh trăng khổng lồ nặng trĩu ghì trên mái lầu các tinh xảo trong rừng mai tại Nơi Không Thể Biết, khiến ngọn đèn dầu trong lầu các trở nên le lói nom như ánh sáng đom đóm.
Đại Ty Mệnh mặc đạo bào xanh lá to rộng, pha một ấm cẩu kỷ, ngồi trên chiếc chõng nhỏ trong sảnh, nhàm chán mà lật “Thái Nhất Quyển Kỉ” trong tay.
Có tiếng gió vụt qua rừng mai truyền đến, Đại Ty Mệnh buông sách, nhìn về phía cửa, thở dài một tiếng: “Vẫn chạy về.”
Nàng vừa dứt lời, một thiếu nữ thân mặc tế phục đỏ thẫm, đầu mang ngọc quan, đi chân trần dừng trước cửa nhà gỗ.
Thiếu nữ chỉ mới mười sáu tuổi xuân, có dáng người cao ráo, mảnh khảnh cùng gương mặt non nớt.
Nàng sợ hãi đứng ngay cửa, nhìn Đại Ty Mệnh đang ngồi trên giường, đôi mắt rưng rưng biển hồ lã chã chực khóc.
“Khóc cái gì? Không nhảy được Đông Hoàng ta cũng sẽ không mắng con.” Đại Ty Mệnh xuống giường, bước đến trước mặt thiếu nữ, vươn tay vuốt ve bờ má non mịn của nàng, từ ái nói: “Nhảy xong Vân Trung Quân rồi sao?”
Thiếu nữ gật đầu thật mạnh, lại duỗi tay kéo lấy ống tay áo Đại Ty Mệnh, rưng rưng nhìn nàng.
Đại Ty Mệnh hỏi tiếp: “Đã ghép bát tự của Nhạc Chính Tố và bệ hạ chưa?”
Thiếu nữ lại gật đầu.
Đại Ty Mệnh thở phào nhẹ nhõm, cười nói: “Nhớ rõ hết những gì ta nói rồi chứ? Không nhảy được Đông Hoàng sư phụ cũng không mắng con.
Vậy nhảy cho sư phụ một khúc linh tê đi.”
Thiếu nữ vâng lời, mặc tấm áo đỏ hiến tế Vân Trung Quân nhìn Đại Ty Mệnh quay lại giường gõ nhẹ vào chén, chân ngọc khẽ nhón, bắt đầu nhảy điệu linh tê nghênh đón Đông Hoàng.
Tà áo đỏ của thiếu nữ nhẹ nhàng bay múa, như châm lên một tràng lửa lớn trong căn nhà rét lạnh.
Bên ngoài, hoa mai dưới trăng úa tàn từng mảng.
Trong phòng, Đại Ty Mệnh vĩnh viễn trẻ trung chậm rãi khép mi.
Keng.
Cùng với tiếng gõ chén ngọc cuối cùng, thiếu nữ cũng dừng bước nhảy.
Nàng nhìn Đại Ty Mệnh nhắm mắt ngồi ngay ngắn trên giường, từng bước đến gần.
Khi đầu ngón tay nàng chạm vào thân hình vẫn còn ấm áp của Đại Ty Mệnh, lệ đổ như mưa.
Tối nay, cửa Thần Quốc rộng mở, vu nữ phụng dưỡng Đông Hoàng đã đến ngày về.
_____________
Đại Ty Mệnh: Chết cũng phải làm mai.
Đạo diễn phát đùi gà..