Đọc truyện Hội Chợ Phù Hoa – Chương 15
CHỒNG CÔ REBECCA XUẤT HIỆN TRONG CHỐC LÁT
Các bạn độc giả thuộc loại đa cảm (chúng tôi cũng không thích loại độc giả khác) hẳn phải thú vị trước cảnh tượng của tấn bi kịch nhỏ và miêu tả cuối chương vừa qua; bởi vì còn có gì đẹp hơn là hình ảnh thần Ái tình quỳ trước thần Sắc đẹp?
Song, khi thần Ái tình nghe thần Sắc đẹp thốt ra lời thú nhận ghê gớm rằng mình đã trót có chồng rồi, thì thần Ái tình đang quỳ mọp trên tấm thảm bỗng nhảy bật ngay dậy, miệng thốt ra những tiếng kêu làm cho thần Sắc đẹp đáng thương phải sợ hãi hơn cả lúc cô ta đang thú thực rằng mình đã có chồng. Cơn giận dữ và ngạc nhiên đầu tiên đã qua, lão nam tước kêu lên:
– Có chồng rồi; cô nói đùa. Becky, cô định trêu tôi phỏng? Ai điên gì mà lấy cô, một xu dính túi không có?
– Có chồng rồi! Vâng, tôi có chồng rồi!
Rebecca vừa khóc nức nở, vừa đáp…giọng nói nghẹn ngào vì xúc động, cô cầm khăn tay đưa lên mắt, phải dựa lưng vào thành lò sưởi cho khỏi ngã…trông cô ta thực là hiện thân của sự đau khổ, khiến cho kẻ lòng dạ sắt đá cũng phải mủi lòng.
– Ôi cụ Pitt, cụ Pitt thân mến; xin cụ đừng nghĩ rằng tôi vô tình không biết đền đáp lại bao ân huệ cụ đã ban cho tôi Chính vì cụ rộng lượng, nên tôi mới dám thú thực điều bí mật ấy. Cụ Pitt gầm lên:
– Rộng lượng cái con khẹc? Cái thằng lấy cô, hắn ta là ai! Hắn ở đâu?
– Thưa cụ, để tôi lại xin theo cụ về quê. Để tôi lại xin săn sóc cụ như trước? Xin cụ chớ bắt tôi phải rời bỏ trại Crawley Bà chúa?
Lão nam tước tưởng mình đã hiểu chuyện, bèn nói:
– Thằng cha bỏ rơi cô, hả? Được, Becky…nếu cô muốn thì cứ trở về. Cô không thể nào vừa muốn ăn bánh lại vừa để dành nó được. Dầu sao đi nữa, tôi cũng đã đem đến cho cô một cơ hội “tút” . Cô hãy trở về làm cô giáo như cũ… cô sẽ được tự do theo ý muốn.
Rebecca bèn chìa một bàn tay ra. Cô khóc nức nở tưởng như cả trái tim đến vỡ tung ra mất; những món tóc xoăn xoăn xõa xuống che kín mắt và xõa cả xuống mặt lò sưởi bằng đá cẩm thạch.
Cụ Pitt nói, giọng khả ố, cố tìm cách an ủi cô gái:
– Thế là thằng khốn nạn đánh bài chuồn hả? Thôi Becky ơi, đừng nghĩ ngợi nữa, tôi sẽ chăm sóc cô Becky ơi, đừng nghĩ ngợi nữa, tôi sẽ chăm nom săn sóc cô.
– Ôi, thưa cụ, được trở về trại Crawley Bà chúa để trông nom các em và săn sóc cụ như trước, thật là một điều đáng kiêu hãnh trong đời tôi; nhất là được thấy cụ tỏ ý rất vui lòng vì sự hầu hạ của con bé Rebecca hèn mọn này. Mỗi lúc nghĩ đến lời cụ vừa dạy, tôi lại thấy ơn cụ bằng trời biển… quả thật như thế. Tôi không được làm vợ cụ; xin cụ cho được…được làm con gái cụ vậy.
Vừa nói Rebecca vừa quỳ xuống, điệu bộ trông bi đát vô cùng; cô nắm chặt lấy bàn tay gớm ghiếc của lão trong hai bàn tay mình (hai tay cô ta thật đẹp, trắng muốt, mịn màng như sa-tanh), vừa ngước mắt nhìn lão già, vẻ mặt hết sức tin cậy và đáng thương; vừa lúc ấy…cửa mở, bà Crawley sồng sộc bước vào.
Vừa ngay sau lúc Rebecca và cụ Pitt đưa nhau vào trong phòng khách thì bà Firkin và bà Briggs tình cờ cũng đi qua cửa phòng, và cũng ngẫu nhiên cùng nhòm qua lỗ khóa họ thấy lão quý tộc già quỳ móp trước mặt cô giáo dạy trẻ, lại nghe thấy lão ngỏ ý muốn cưới cô làm vợ. Lão vừa nói buông mồm thì lập tức cả bà Firkin và bà Briggs chạy bổ lên gác, xông vào phòng khách, chỗ bà Crawley đang ngồi đọc cuốn tiểu thuyết Pháp; họ báo cho cho bà biết cái tin quái gở: cụ Pitt đang quỳ và tỏ tình với cô Sharp. Nếu các bạn tính đúng thời gian cuộc đối thoại trên xảy ra…với thời gian bà Firkin và bà Briggs bay lên thang gác…lao vào phòng khách… và thời gian bà Crawley ngạc nhiên, đánh rơi tập truyện của Pigault le Brun xuống đất…và thời gian bà xuống thang gác…các bạn sẽ thấy cuốn truyện này viết rất chính xác; bà Crawley tất phải xuất hiện vừa đúng lúc Rebecca đang có thái độ cầu khẩn van xin nói trên.
Bà Crawley nói, giọng nói và cái nhìn tỏ vẻ hết sức khinh bỉ:
– Vậy ra tiểu thư quỳ xuống đất chứ không phải là công tử? Ông Pitt, họ mách tôi rằng chính ông đã quỳ mọp dưới chân cô ta phải không? Hãy quỳ xuống lần nữa đi, để tôi xem có đẹp đôi không nào!
Rebecca đứng dậy đáp:
– Thưa bà, tôi vừa cảm tạ cụ Pitt, tôi đã thưa với cụ rằng… tôi không bao giờ có thể trở thành Crawley phu nhân được.
– Từ chối à?
Bà Crawley kêu lên, lại càng sửng sốt hơn trước; Briggs và Firkin đứng ngoài cửa cùng trợn tròn mắt, mồm há hốc ra vì ngạc nhiên.
Rebecca tiếp theo, giọng buồn bã, nghẹn ngào đầy nước mắt:
– Vâng…tôi từ chối.
Bà già lại hỏi:
– Liệu tôi có nên tin ở lỗ tai mình nữa không, khi được nghe rằng ông đã tỏ tình với cô ấy, hử ông Pitt?
Lão nam tước đáp:
– Đúng, có thế.
– Và cô ấy từ chối, như cô ấy vừa nói?
– Đúng.
Cụ Pitt nhăn răng ra cười, đáp vậy.
Bà Crawley nhận xét:
– Trông ông có vẻ không lấy việc đó làm đau đớn thì phải.
– Việc quái gì mà đau đớn.
Cụ Pitt đáp, mặt vẫn thản nhiên lại có ý hơi khôi hài, làm cho bà Crawley gần phát điên lên vì kinh ngạc. Một nhà quý tộc đã già mà quỳ xuống trước mặt một cô giáo dạy trẻ không một xu vốn liếng, và lại phá ra cười vì bị cô ta từ chối không chịu lấy làm chồng… một cô giáo dạy trẻ không một xu hồi môn mà từ chối một vị nam tước thu hoạch đồng niên bốn ngàn đồng… thật là những điều bí mật bà Crawley không bao giờ có thể hiểu nổi. Còn vượt xa những chuyện ly kỳ bà đọc trong cuốn tiểu thuyết Pigault le Brun bà vẫn thích nhất.
– Tôi rất vui lòng thấy ông cười cợt được trước chuyện ấy, ông anh của tôi ạ. Bà nói tiếp, vẫn chưa hết cơn bàng hoàng sửng sốt.
Cụ Pitt đáp:
– “Trứ danh” thật, ai mà ngờ được! Thật là một đồ quỷ cái! Đồ cáo con!
Lão vừa lẩm bẩm vừa khúc khích cười một mình ra ý thú vị lắm.
Bà Crawley giậm chân bành bạch, kêu lên:
– Ai mà ngờ được cái gì hả? Này, cô Sharp, cô định chờ Hoàng tử nhiếp chính ly dị vợ hay sao? Cô cho rằng gia đình nhà tôi không xứng đáng với cô hẳn?
Rebecca đáp:
– Thưa bà, cứ nom dáng điệu của tôi khi bà bước vào đây cũng đã rõ tôi có dám coi thường cái vinh dự mà con người tốt bụng cao quý kia đã rộng ơn ban cho tôi hay không. Bà nghĩ rằng tôi là kẻ vô tình sao? Tất cả mọi người đã yêu quý, đã đối đãi tốt với đứa con gái mồ côi đáng thương bị ruồng bỏ này, vậy mà chẳng lẽ nó không cảm thấy điều gì sao? Ôi, các bạn? Ôi, các vị ân nhân. Sao cho tôi có thế đem tình yêu, đời sống, đem hết sức ra đền đáp lại sự tin cậy của các vị đối với tôi? Bà Crawley ơi, lẽ nào bà lại từ chối không cho tôi tỏ lòng biết ơn? Thế thì quá lắm…tôi mang ơn các vị vô cùng.
Cô ngồi phịch xuống một cái ghế, trông đáng thương quá, khiến cho hầu hết những người đang có mặt phải não lòng vì nỗi buồn của cô.
– Becky, dù lấy tôi hay không thì cô vẫn là một người con gái tốt; tôi vẫn là bạn của cô, nhớ thế.
Cụ Pitt nói đoạn, chụp cái mũ có băng tang lên đầu, bỏ đi ra…Rebecca mừng quá, vì thêm sự bí mật của cô chưa bị tố cáo với bà Crawley, và cô hãy còn được hưởng một thời gian án treo ngắn.
Cô đưa khăn tay lên chùi mắt, gật đầu chào bà Briggs thực thà, rồi lên gác về phòng riêng của mình – bà Briggs cũng định cùng đi với cô lên thang gác, nhưng sau bà ở lại cùng bà Crawley bàn tán về câu chuyện kỳ lạ vừa qua; cả hai đều bị xúc động rất mạnh. Bà Firkin cũng cảm động không kém, đâm bổ ngay xuống nhà bếp, kể lại câu chuyện với khắp các bạn đồng nghiệp nam nữ. Câu chuyện gây một ấn tượng quá sâu sắc đối với bà Firkin, đến nỗi bà ta thấy cần gửi một lá thư đi ngay tối hôm ấy; thư viết;
“Rất hân hạnh được bày tỏ lòng trung thành cùng bà Bute Crawley và gia quyến ở nhà thờ; cụ Pitt đã ngỏ ý muốn lấy cô Sharp làm vợ, nhưng cô từ chối, làm cho ai cũng phải ngạc nhiên”.
Hai người đàn bà ngồi trong phòng ăn (bà Briggs sung sướng quá, vì một lần nữa lại được trò chuyện tâm tình với người che chở cho mình); họ vẫn chưa hết lạ lùng trước việc cầu hôn của cụ Pitt, cũng như việc Rebecca từ chối. Bà Briggs tỏ ra thạo đời, đoán rằng cô ta từ chối vì đã trót đính ước với người khác rồi; nếu không, chả đời nào một người con gái khôn ngoan như thế. Bà Crawley ngọt ngào hỏi:
– Phải tay bà, chắc bà nhận lời phăng đấy nhỉ, bà Briggs?
Bà Briggs trả lời, hơi đánh trống lảng:
– Được làm chị dâu bà Crawley, chả đáng hân hạnh lắm sao?
Bà Crawley nhận xét:
– Phải, xét cho cùng thì Becky có thể trở thành Crawley phu nhân được lắm chứ (thấy cô ta từ chối bà cũng hài lòng, và bây giờ không cần phải hy sinh điều gì nữa, bà rất sẵn sàng tỏ ra phóng khoáng và rộng lượng); cô ấy thông minh lắm – bà Briggs đáng thương ơi, cô ấy còn thông minh gấp trăm bà nữa cơ – cử chỉ thì tuyệt khéo, tôi dạy mãi mới được đấy. Này bà Briggs, cô ấy là dòng dõi họ Montmorency, con nhà gia thế cũng có khác, tuy bản thân tôi thì vẫn không ưa chuyện dòng dõi. Cô ấy rất có thể còn biết giữ giá trị của mình giữa đám quý phái ngu độn ở Hamshire hơn cả cái con mụ bất hạnh con gái nhà hàng sắt kia đấy.
Bà Briggs lại tán thành như thường lệ. Hai người tiếp tục phỏng đoán về chuyện “đính ước” của Rebecca.
Bà Crawley bảo:
– Những con người không bè bạn đáng thương như các bà bao giờ mà chẳng có một “anh nhân ngãi” nào đó. Cả bà nữa, ngày xưa bà cũng đã yêu một ông giáo dạy viết (đừng khóc, bà Briggs…bà hay khóc lắm, khóc có làm ông ta sống lại được đâu), mà tôi cứ cho rằng cái nhà cô Becky bất hạnh kia cũng dại đột và đa cảm như vậy đi: một lão lang thuốc, một bác quản gia, một anh thợ vẽ, một cậu mục sư trẻ tuổi nào đó, hoặc một thứ người đại loại như thế chứ.
– Thật là đáng thương! Đáng thương quá!
Bà Briggs nói vậy, bà đang nghĩ tới chuyện hai mươi bốn năm về trước, nghĩ tới cái ông thầy dậy viết gầy như que củi, đến mái tóc vàng và những lá thư của ông ta, những lá thư rất đẹp tuy viết loằng ngoằng khó đọc mà bà nâng niu giữ gìn trong ngăn bàn trên gác. Bà vẫn chép miệng “Thật là đáng thương! Đáng thương quá!” Một lần nữa, bà sống lại thủa con gái mười tám, với cặp má mịn màng tươi tắn, buổi tối đi lễ nhà thờ, bà và ông giáo dạy viết nồng nàn kia cùng ngân giọng đồng ca bài hát nguyện.
– Bây giờ cô Rebecca đã cư xử như vậy, thì gia đình nhà ta phải đối đãi với cô thế nào chứ. Bà Briggs, hãy dò xem anh ta là ai. Tôi sẽ cấp cho anh ta một cái cửa hiệu, hay là đặt anh ta vẽ cho tôi một bức chân dung, bà hiểu chứ? Hoặc tôi sẽ nói chuyện với ông anh họ tôi, làm giám mục…tôi sẽ cho Becky một món hồi môn, và bà Briggs, ta sẽ tổ chức một lễ cưới. Bà phải sửa soạn một bữa tiệc, và đi phù dâu.
Bà Briggs tuyên bố rất bằng lòng, và thề rằng bà Crawley thân mến của bà bao giờ cũng tốt bụng, rộng lượng, đoạn bà lên phòng riêng của Rebecca để an ủi cô và hỏi chuyện về việc cầu hôn, việc từ chối và về nguyên nhân. Bà còn nói bóng tới dự định rộng lượng của bà Crawley và cố dò xem ai là người đàn ông được cô Sharp để lọt vào mắt xanh.
Rebecca tỏ ra rất xúc động, rất dịu dàng, ngọt ngào thấy bà Briggs đối với mình hết sức trìu mến săn sóc, cô cũng tỏ ra biết ơn….Cô cũng thú nhận rằng có đính ước bí mật với một người… một sự bí mật thú vị vô cùng…đáng tiếc quá, giá lúc nhòm qua lỗ khóa bà Briggs nán lại thêm độ nửa phút nữa thì hay…Có lẽ Rebecca cũng còn nói rõ thêm, nhưng bà Briggs mới ngồi trò chuyện được độ năm phút, thì bà Crawley đã lù lù bước vào rồi… Bà nóng ruột quá, không chịu nổi, bà không thể chờ đợi người sứ giả chậm chạp của mình mang tin về, cho nên bà phải đích thân tìm đến, bà ra lệnh cho bà Briggs ra ngoài. Sau khi tỏ lời khen ngợi cô Sharp đã cư xử phải lẽ, bà hỏi tỉ mỉ chi tiết cuộc gặp gỡ vừa qua, là hỏi quan hệ từ trước giữa cô và cụ Pitt ra sao mà bây giờ lão này tỏ tình một cách lạ lùng như vậy Rebecca đáp rằng từ lâu cô vẫn biết cụ Pitt có ý hạ cố thương cô (lão ta vẫn có thói quen bộc lộ tình cảm của mình một cách thẳng thắn, lộ liễu), nhưng vì những lí do về tuổi tác, địa vị, và tính tình của cụ Pitt, cô thấy cuộc hôn phối không thể thực hiện được (cô không nói rõ những lý do sâu kín chưa tiện bộc lộ ngay, sợ bà Crawley phiền lòng) vả chăng, có người đàn bà nào có tâm hồn, biết nghĩ và biết tự trọng, lại đành tâm nghe người ta ngỏ ý cầu hôn khi vợ người ta mới chết chưa kịp chôn cất?
Bà Crawley vội vớ ngay lấy cơ hội.
– Cô em thật nghĩ còn nông cạn. Lẽ ra cô không nên từ chối ông ấy mới phải, trừ trường hợp cô đã đính ước với người khác thì không kể. Cứ nói thực với tôi đi: có nguyên nhân gì bí mật nào? Nhất định phải có “người nào” rồi. Ai đã chiếm được trái tim cô thế?
Rebecca nhìn xuống đất, thú nhận rằng có như vậy. Cô mỉm cười nói, giọng hơi run run:
– Thưa bà, bà đoán đúng đấy. Bà ngạc nhiên vì thấy một người con gái nghèo khổ, cô độc, lại có người đính ước, phải không ạ?Tôi chưa hề nghe nói vì nghèo mà không được yêu bao giờ.Tôi mong rằng điều ấy đúng.
Bà Crawley bao giờ cũng sẵn sàng đa cảm, bà đáp:
– Cô em bé bỏng thân mến đáng thương ơi, vậy ra cô bị phụ tình? Cô đành chôn vùi mối hận sâu kín trong lòng? Hãy kể tình đầu câu chuyện tôi nghe, tôi sẽ an ủi cô.
Rebecca vẫn giọng nói đẫm nước mắt:
– Thưa bà, tôi cũng mong rằng có thể kể lại bà nghe. Mà quả thật, tôi cần được bộc lộ nỗi lòng.
Và cô ngả đầu vào vai bà Crawley, khóc thút thít rất tự nhiên, làm cho bà này từ chỗ ngạc nhiên biến thành thương cảm, bà ôm hôn cô trìu mến gần như mẹ hôn con, bà vỗ về an ủi cô mãi, bà thề rằng sẽ quý cô như con gái, và sẵn sàng làm mọi việc có thể được để giúp cô.
– Nào, thế anh ta là ai nào, cô em yêu quý? Có phải người anh trai cô Sedley xinh đẹp kia không? Hôm nọ cô nói chuyện hai người trước có biết nhau. Để tôi mời anh ta đến đây. Và cô sẽ lấy được anh ta, nhất định cô sẽ lấy được anh ta.
Rebecca đáp:
– Bây giờ xin bà đừng hỏi ngay. Không lâu đâu rồi bà sẽ rõ, chắc chắn thế. Bà Crawley thân mến quý báu…người bạn thân quý của tôi, tôi có được phép gọi như vậy không nhỉ?
Bà già hôn cô đáp:
– Con ơi, được lắm chứ.
Rebecca thổn thức nói:
– Bây giờ tôi chưa thể nói ngay với bà được. Tôi đau khổ lắm. Nhưng mà, ôi? hãy thương tôi…xin bà hứa sẽ thương tôi mãi mãi.
Cả hai người cùng khóc, sự xúc động của cô con gái lây sang cả bà già, bà Crawley trịnh trọng hứa đồng ý như vậy; đoạn bà từ biệt cô gái bé bỏng được mình che chở, bà cầu chúa ban phúc lành cho cô ta, và khen mãi cô ta một con người chân thật, hiền hậu, ngoan ngoãn nhưng cũng khó hiểu.
Bây giờ còn lại một mình, Rebecca ngồi nghĩ lại những sự việc đột ngột, kỳ lạ xảy ra ngày hôm ấy, cô nghĩ đến việc trót xảy ra mất rồi, và việc đáng lẽ đã phải xảy ra.
Bạn đọc cho rằng trong thâm tâm cô ấy (ấy, xin lỗi), trong thâm tâm bà Rebecca đang nghĩ gì nào? Trong mấy trang trước, kẻ viết truyện này đã mạn phép tự cho mình cái quyền được tò mò ngó vào trong phòng ngủ của Amelia Sedley, và với con mắt “thấu suốt nghìn đời” của nhà viết tiểu thuyết, hiểu được những nỗi lo nghĩ, đau khổ êm đềm đang trằn trọc trên tấm gối vô tội kia, thế thì tại sao kẻ viết truyện lại không dám tự nhận là người bạn tâm tình của Rebecca, hiểu thấu mọi sự bí mật của cô, và nắm giữ chiếc chìa khóa kho tàng tâm tình của cô thiếu nữ ấy?
Được, vậy thì trước hết Rebecca đang ngồi nghĩ thầm một cách đáng cảm động mà tiếc mãi cái hạnh phúc vô giá lẽ ra có thể vừa tầm tay với của cô, mà bây giờ bắt buộc phải gạt bỏ. Niềm tiếc hận này thì bất cứ người nào có tâm lý thực tế cũng phải đồng ý. Có bà mẹ thương con nào lại không thông cảm với một cô gái chưa chồng, không một xu vốn liếng suýt nữa trở thành một bậc mệnh phụ, hàng năm có thể cùng ông chồng chia xẻ món tiền bốn nghìn đồng? Trong Hội chợ phù hoa này, có người thiếu nữ tử tế nào lại không thương một cô gái chịu thương chịu khó, thông minh, xứng đáng được sung sướng, mà khi được người ta mang đến cho một mối lợi kếch xù đáng thèm muốn như vậy lại chính là lúc không có quyền nhận nữa? Tôi chắc chắn rằng chúng ta ai cũng phải thông cảm với sự tiếc hận của Rebecca.
Tôi còn nhớ một đêm kia, chính tôi có mặt ở Hội chợ phù hoa trong một buổi dạ hội. Tôi có nhìn thấy cô gái già Toady cũng đến dự; cô đặc biệt quan tâm săn sóc đến bà Briefless là vợ một viên thầy kiện; bà này cũng là con nhà gia thế, nhưng ai cũng biết là nghèo xơ nghèo xác.
Tôi mới tự hỏi thầm rằng, tại sao cô Toady lại chú ý nhiều đến bà kia? Tại ông Briefless đã được thăng chức chánh án chăng? Hay là tại vợ ông ta để lại cho cô Toady một cái gia tài? Cô Toady , với thái độ rất thẳng thắn là đặc tính trong cách cư xử của cô xưa nay, giải thích thế này: “Anh cũng rõ chứ gì, bà Briefless là cháu gọi tôn ông John Redhand là ông nội; ông cụ ốm kịch liệt ở Cheltenham đã sáu tháng nay. Ông bố bà Redhand được thừa kế, anh thấy không, vậy bà ấy sắp sửa là con gái của một vị nam tước cơ mà.”
Rồi cô Toady mời ông Redhand và vợ tuần sau đến ăn cơm nhà cô.
Nếu như chỉ có mỗi cái may mắn được trở thành con gái một nam tước mà một người đàn bà cũng đã được người đời trọng vọng như vậy thì, chắc chắn, chắc chắn lắm, chúng ta rất có quyền kính trọng những sự sầu não của một cô thiếu nữ suýt nữa được trở thành vợ một nam tước. Ai dám tưởng rằng Crawley phu nhân chết sớm như thế? Bà ta thuộc vào loại đàn bà có thể ốm dai dẳng mười năm không chết…Rebecca nghĩ ngấm nghĩ ngầm mà tiếc đứt ruột…
Chỉ một ly nữa mình được làm một phu nhân? Mình có thể xỏ dây vào mũi lão già mà dắt đi đâu thì dắt. Mình có thể “xin đủ” bà Bute với thái độ trịch thượng của bà, và “xin đủ” cả Crawley với thái độ kẻ cả không chịu nổi của anh ta. Mình có thể sắm sửa thêm đồ đạc mới và trang hoàng lại tòa nhà ở tỉnh. Mình có thể mua một chiếc xe ngựa đẹp nhất thành phố Luân đôn, ngự trên ghế “lô” ở rạp Opera; và trong dịp thiết triều sắp tới mình rất có thể được vào hoàng cung. Tất cả những điều đó tý nữa thì thành sự thực…thế mà bây giờ…bây giờ tất cả đều là ảo tưởng, mơ hồ.
Song Rebecca là một thiếu nữ tính tình quả quyết nhiều nghị lực, đối với chuyện đã xảy ra không cứu vãn được nữa, cô không buồn phiền một cách vô ích và đáng tức cười. Cho nên cô chỉ rầu rĩ vừa phải thôi, đoạn khôn khéo để dành thì giờ tập trung vào việc lo tính sắp đặt tương lai quan trọng hơn nhiều. Cô cân nhắc lại tình thế của mình cùng mọi nỗi hy vọng, lo lắng, và mọi sự may rủi có thể. Đầu tiên, hãy cứ biết là cô đã có chồng…đấy là điều quan trọng. Cụ Pitt biết chuyện ấy rồi. Cô không ngạc nhiên lắm về lời thú nhận trong một phút tính toán đột ngột cô đã nói ra. Chóng hay chầy thì rồi cũng có phen phải thú thực; vậy thì nói ngay bây giờ hay để đến sau này, khác gì nhau? Ít nhất thì cái con người suýt nữa được lấy cô làm vợ ấy phải biết im lặng, không đả động đến chuyện cô ta đã có chồng rồi. Nhưng vấn đề quan trọng là bà Crawley nghe tin ấy thì sẽ nghĩ sao? Rebecca băn khoăn quá. Nhưng cô còn nhớ tường tận lời bà Crawley, cô còn nhớ bà có thái độ khinh miệt dòng dõi quý tộc thế nào; cô nhớ bà có những ý kiến khoáng đạt, táo bạo thế nào; cô nhớ cả khuynh hướng lãng mạn trong tính tình của bà nữa: cô nhớ bà còn quý mến anh cháu trai đến mức như dở hơi, và chính cô cũng được bà nhiều lần tỏ lòng quý mến. Rêbeeea nghĩ thầm:
“Bà bão quý anh ấy lắm, chắc bà sẽ tha thứ cho anh ấy mọi chuyện: bà lão quen được mình săn sóc quá rồi: bây giờ thiếu mình chắc không chịu được. Bao giờ chuyện bí mật trở thành hai năm rõ mường chắc thế nào bà lão cũng nổi cơn tam bành lục tặc, thế nào cũng khóc lóc gây sự với mình, nhưng rồi lại làm lành ngay với nhau thôi. Ngẫm cho kỹ, thì nấn ná, giấu giếm thêm nữa để làm gì? Con bài đã lật lên rồi, hôm nay hay ngày mai thì kết quả cũng thế thôi”. Nghĩ vậy, cô quyết định báo cho bà Crawley biết mọi chuyện; cô chỉ cân nhắc xem nên báo tin cho bà cách nào bà tốt nhất, và có nên ra mặt chịu đựng cơn bão táp thế nào cũng nổ ra không, hay là nên cao chạy xa bay ẩn lánh một chỗ, đợi đến lúc mưa tạm tan, gió tạm lặng rồi hãy trở về. Trong lúc cô băn khoăn suy tính, cô viết một lá thư nội dung như thế này:
Anh thân mến nhất đời.Cơn đại khủng hoảng mà đôi ta thường bàn bạc vừa nổ ra rồi. Một nửa sự bí mật của em đã bị khám phá, em đã suy đi tính lại mãi, và em yên trí rằng bây giờ chính là lúc nên bộc lộ hết câu chuyện bí mật. Sớm nay, cụ Pitt tìm đến em và…anh có tưởng tượng được không cụ chính thư ngỏ ý hỏi em làm vợ. Thế có chết không! Thật đáng thương cho em quá! Lẽ ra em được trở thành Crawley phu nhân. Nếu quả thế, hẳn bà Bute sung sướng lắm đấy nhỉ: và cả bà cô em nữa, hẳn bà cũng vui lòng, nếu em trở thành bề trên của bà. Suýt nữa em đã trở thành mẹ của một người nào đó rồi, chớ không phải là… ôi, cứ nghĩ chúng mình phải nói tất cả mọi chuyện ra sớm thế mà em sợ quá, em run quá! Cụ Pitt đã biết em có chồng nhưng không rõ em lấy ai, nên cụ cũng chưa lấy gì làm bực mình lắm. Bà cô em thì đang hết sức giận dữ, vì em từ chối không làm vợ ông cụ. Nhưng bà cư xử với em rất ngọt ngào, trìu mến. Bà ấy đã chịu hạ mình bảo em rằng em có thể trở thành một người vợ tốt của ông cụ được, và thề rằng sẽ coi “Rebecca bé bỏng của anh” như con gái. Khi biết chuyện, mới đầu chắc thế nào bà ấy cũng choáng váng: nhưng cơn giận rồi cũng chỉ thoáng qua, chúng ta có cần phải sợ hãi không, em nghĩ rằng không; em chắc chắc thế. Bà ấy quý anh như vàng (anh chỉ là đồ ngỗ ngược, vô tích sự), chắc sẽ tha thứ cho anh mọi chuyện. Mà em tin chắc rằng sau anh, thì người chiếm được chỗ thứ hai trong tim bà phải là em, và thiếu em thì bà ấy khổ lắm. Anh thân yêu nhất đời ơi, linh tính báo cho em biết rằng chúng ta sẽ chiến thắng. Anh sẽ từ biệt cái trung đoàn khốn nạn ấy, sẽ thôi không đánh bạc, thi ngựa, và sẽ trở thành một cậu bé ngoan ngoãn; chúng ta sẽ về cùng sống ở Đường thành công viên, và bà cô em sẽ cho chúng ta hưởng cả gia tài.
Sáng sớm mai, em sẽ cố tìm cách đến chỗ mọi khi vào ba giờ sáng. Nếu bà B cùng đi với em, thì anh phải đến ăn cơm trưa và đưa tin trả lời em: nhớ cứ để vào tập thuyết giáo của Porteus quyển thứ ba. Nhưng dầu sao đi nữa, anh cũng phải đến thăm em nhé.
Gửi cô Eliza Styles, ngụ tại nhà ông Barnet, thợ đóng yên ngựa, Knightsbridge.
Tôi tin rằng không một bạn độc giả tinh ý nào đọc cuốn truyện nhỏ này lại không nhận ra ngay cái cô Eliza Styles thường lại nhà ông thợ đóng yên ngựa để nhận thư (theo lời cô Rebecca thì đấy là một bạn học cũ, gần đây cô mới lại thư từ thăm hỏi) lại là người cũng đi ủng có cựa gót bằng đồng, để một bộ ria mép to tướng và, chẳng phải ai xa lạ, chính là đại úy Crawley vậy.