Đọc truyện Hội Chợ Phù Hoa – Chương 14
BÀ CRAWLEY TẠI NHÀ RIÊNG
Trong khoảng thời gian ấy một cái xe ngựa kín mui, có sơn hình một quả trám trên vách gỗ, chạy về phía một căn nhà rất sang trọng, ấm cúng ở đường công viên; sau xe có một người đàn bà vẻ mặt cau có đeo chàng mạng xanh, tóc cặp uốn; ngồi đằng trước là một bác người nhà cao lớn. ấy là chiếc xe của bà Crawley từ Hants trở về nhà. Cửa sổ xe đóng kín mít; mọi khi con chó béo múp vẫn thò đầu ra ngoài cửa sổ, lưỡi thè dài ra; lần này nó nằm gọn trong lòng người đàn bà mặt cau có. Xe đỗ, đám đầy tớ xúm nhau vào khênh một đống lù lù toàn khăn san ra khỏi xe, theo sau đống quần áo là một người thiếu nữ. Đống quần áo ấy chính là bà Crawley vậy. Cứ thế, bà được chuyển lên gác và được đặt vào trong một căn phòng đã đốt lửa sẵn sàng như để đón người ốm. Lập tức người nhà được phái đi tìm thầy thuốc riêng của bà. Họ đến xem bệnh, kê đơn, rồi biến mất. Thầy thuốc khám bệnh xong, cô thiếu nữ trẻ tuổi cùng đi với bà Crawley bước vào phòng để nghe ông thầy thuốc dặn dò, và cho bà uống những thứ thuốc giảm thống theo lệnh của các vị danh y.
Ngày hôm sau, đại úy Crawley thuộc đội kỵ binh Ngự lâm từ trại lính Knightsbridge cưỡi ngựa về thăm. Con ngựa ô của anh ta dùng móng bới bới đống rơm trước cửa nhà bà cô ốm. Anh ta săn đón hỏi thăm tình hình sức khỏe của bà cô. Hình như tình trạng có hơi đáng ngại thì phải. Anh ta thấy người hầu phòng của bà Crawley (tức là người đàn bà mặt khó đăm đăm nói trên) có vẻ cau có buồn phiền một cách khác thường; lại thấy bà Briggs là người tùy nữ () ngồi khóc một mình trong phòng khách. Bà này nghe tin người bạn yêu dấu của mình mang bệnh, bèn vội vã trở về nhà.
Bà ước gì được bay ngay đến cạnh giường người bệnh; đã bao lần bà vuốt ve chiếc đệm giường này mỗi khi bà bạn ốm. Người ta không cho bà vào buồng của bà Crawley. Đã có một người lạ mặt lo việc thuốc thang cho bà ấy rồi…một người lạ mặt ở nhà quê ra…một cô gái đáng ghét tên là…nói đến đây người tùy nữ ứa nước mắt nghẹn lời; bà vội vùi cả tấm tình thương bạn đang muốn nén xuống và cả cái mũ đỏ khốn khổ của bà vào trong chiếc khăn tay.
Rawdon Crawley nhờ người hầu phòng () mặt cau có báo tin hộ có mình đến thăm; người bạn tri kỷ mới của bà Crawley vội từ phòng của người bệnh chạy xuống; anh chàng săn đón tiến lên; cô ta đặt bàn tay nhỏ nhắn của mình vào bàn tay anh chàng, khinh khỉnh liếc nhìn bà Briggs đang đứng sửng sốt, đoạn cô ta vẫy tay gọi chàng sĩ quan Ngự lâm ra phòng khách, dẫn anh ta xuống thang vào tận trong căn phòng ăn lúc này vắng tanh, nơi đã bao bữa tiệc linh đình được tổ chức.
Hai người nói chuyện với nhau đến mười phút, chắc họ thảo luận với nhau về triệu chứng của bệnh nhân nằm trên gác. Thảo luận xong, thấy chuông trong căn phòng lớn réo ầm lên; lập tức bác Bowls, tức là bác quản lý thân tín to béo của bà Crawley, vội trả lời ngay (trong gần hết khoảng thời gian hai người trò chuyện với nhau, bác ta tình cờ nhòm qua lỗ khóa). Viên đại úy vê vê ria mép, bước ra nhảy phắt tên lưng con ngựa ô đang bới bới đống rơm; bọn trẻ con đứng xúm xít ngoài phố trông thấy phục lắm. Anh ta ngó vào cửa sổ phòng ăn, điều khiển con ngựa cho nó chồm hai chân trước lên rất đẹp. Thấy bóng cô thiếu nữ ló ra cửa sổ một lúc rồi biến mất; chắc cô ta lại lên gác để tiếp tục nhiệm vụ từ thiện của mình.
Không rõ cô thiếu nữ này là ai nhỉ. Tối hôm ấy, trong phòng ăn, người ta dọn bát đĩa cho hai người…Nhân lúc người thiếu nữ mới đến vắng mặt…bà Firkin, người hầu riêng của bà Crawley, bước vào phòng của chủ lăng xăng thu dọn; trong khi ấy, bà Briggs cùng cô này ngồi vào bàn dùng bữa cơm thanh đạm.
Bà Briggs bị xúc động quá mạnh đến nỗi gần như không đụng đến miếng thịt nào. Còn cô thiếu nữ thì cầm dao cắt thịt gà thật kiểu cách, lên tiếng gọi lấy nước “xốt” trứng thật rõ ràng; bà Briggs đáng thương giật nẩy mình lên khi thấy món gia vị được đặt trước mặt bà, và lại ngồi thẫn thờ như cũ.
Cô thiếu nữ bảo bác Bowls, tức là bác người nhà cao lớn.
– Bác rót cho bà Briggs một cốc rượu vang chẳng hơn ư?
Bác ta rót. Bà Briggs như cái máy cầm lấy cốc rượu uống một cách khó khăn, khe khẽ rền rĩ và bắt đầu loay hoay với đĩa thịt gà của mình.
Cô thiếu nữ nói rất ngọt ngào:
– Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể giúp nhau được, không cần phải phiền đến bác Bowls túc trực ở đây. Bác Bowls, khi nào cần, chúng tôi sẽ rung chuông gọi bác nhé.
Bác Bowls bước xuống nhà dưới; không hiểu sao vô cớ bác chửi anh phụ việc ầm ỹ lên.
Cô thiếu nữ vẻ mặt lạnh lùng, hơi châm biếm, nói:
– Bà Briggs ạ, bà nghĩ ngợi làm gì; thật đáng thương quá.
Động đến mối thương tâm, bà Briggs lúng búng đáp:
– Bà bạn thân nhất đời của tôi ốm nặng quá, mà khô…ô…ông muốn cho tôi gặp mặt.
– Bây giờ bà ấy không mệt nặng nữa rồi. Bà Briggs thân mến ơi, xin bà cứ an tâm. Bệnh bội thực đấy…có thế thôi. Bây giờ đã khá lắm, sắp khỏi hẳn rồi đấy. Bà ấy yếu vì bị giác huyết và bị uống thuốc, nhưng rồi cũng lại sức ngay ấy mà. Thôi, xin bà cứ yên lòng dùng thêm một ít rượu vang đi.
Bà Briggs rền rĩ:
– Thế tại sao lại không cho tôi gặp mặt. Ôi Matilda, Matilda, sau hai mươi ba năm tình nghĩa đằm thắm, Arabella đáng thương này bị đối xử như thế ư?
Cô kia nói (lúc nào cô ta cũng như hơi nhếch mép cười):
– Đừng khóc nhiều quá làm gì, bà Arabella đáng thương ơi; bà ấy không muốn cho gặp, vì bà ấy bảo bà săn sóc người ốm không khéo bằng tôi. Thức trông bệnh nhân suốt đêm cũng chẳng sướng gì đâu. Tôi chỉ mong bà làm hộ tôi việc ấy thôi.
Bà Arabella đáp:
– Tôi đã chẳng săn sóc hàng bao nhiêu năm nay bên giường bệnh thân yêu ấy là gì? Thế mà bây giờ…
– Bây giờ bà ấy ưng người khác hơn. Thôi, người ốm vẫn hay trái chứng như thế đấy, mình cứ phải chiều ý mới được. Khi nào bà ấy khỏe thì tôi cũng về.
– Không bao giờ, không bao giờ.
Arabella kêu lên, vừa hít lấy hít để lọ nước đái quỷ như mất trí.
Cô thiếu nữ vẫn các giọng ngọt ngào khiêu khích hỏi lại:
– Không bao giờ khỏe, hay là không bao giờ về, hử bà Briggs? Dào ôi…chỉ nửa tháng là bà ấy khỏi hẳn; khi ấy, tôi sẽ trở về trại Crawley Bà chúa với mấy cô học trò của tôi và bà mẹ các cô ấy; bà này ốm nặng hơn bà bạn của chúng ta nhiều. Bà Briggs thân mến ơi, bà chẳng cần phải ghen tỵ với tôi làm gì. Tôi chỉ là một người con gái đáng thương, không bè bạn; tôi không làm hại được ai đâu. Tôi không muốn lấy lòng bà Crawley để hất cẳng bà đâu. Tôi chỉ đi khỏi đây một tuần lễ là bà ấy quên tôi ngay; còn tình bạn của bà ấy đối với bà thì đã có từ bao nhiêu năm nay rồi. Bà Briggs thân mến, làm ơn cho tôi xin thêm một chút rượu vang; chúng ta hãy làm bạn với nhau đi. Tôi tin rằng tôi rất cần có bạn.
Nghe nói thế, bà Briggs, con người dễ tha thứ, dễ động tâm, yên lặng đưa bàn tay ra bắt, nhưng bà vẫn cảm thấy rất sâu sắc rằng mình bị bỏ rơi và vẫn cay đắng phân vân về thói trái chứng của bà Matilda. Độ nửa giờ sau, bữa ăn xong; cô Rebecca Sharp (nói ra thì cũng lạ thật, nhưng đấy chính là tên người từ nãy ta vẫn gọi là cô thiếu nữ) lại về phòng người ốm ở trên gác; với thái độ hết sức lễ độ nhã nhặn, cô đuổi khéo bà Firkin đáng thương ra ngoài.
– Cảm ơn bà, bà Firkin; tốt lắm rồi; bà sắp đặt chu đáo lắm! Cần gì, tôi sẽ rung chuông gọi nhé.
– Cảm ơn cô.
Đoạn bà Firkin xuống nhà dưới, lòng dạ sôi lên vì ghen tức; càng đau đớn hơn vì bà bắt buộc phải chôn kín sự ghen ghét ấy tận đáy lòng.
Lúc bà đi ngang qua thềm gian nhà dưới thấy cửa phòng khách bỗng mở ra; dễ thường cơn bão tố trong lòng bà làm bật tung cửa phòng ra chăng? Không phải đâu, ấy là vì bà Briggs đã len lén mở ra đấy. Từ nãy bà Briggs vẫn đứng rình. Bà ta nghe rõ mồn một tiếng chân bà Firkin bước xuống cầu thang kêu cót két, và tiếng cái thìa đụng vào cốc đựng sữa kêu lanh canh. Thấy Firkin bước vào, bà này hỏi:
– Thế nào, Firkin ? Thế nào, Jane?
Firkin lắc đầu đáp:
– Bệnh mỗi lúc một tăng, bà Briggs ạ.
– Bà ấy không đỡ tí nào à?
– Bà ấy chỉ nói có một lần; tôi hỏi bà ấy có thấy đỡ chút nào không, thì bà ấy bảo tôi câm cái mồm ngu xuẩn đi. Ôi, bà Briggs ơi, không bao giờ tôi ngờ có ngày hôm nay.
Và hai cái vòi phun nước lại bắt đầu làm việc:
– Cái cô Sharp ấy là người thế nào hở bà Firkin ? Lúc tôi đang dự cuộc vui đêm Giáng sinh tại căn nhà lịch sự của các bạn tôi là đức cha Lionel Delamere và bà vợ đáng yêu của ngài, tôi có ngờ đâu lại có một người lạ mặt tranh mất chỗ trong phần cảm tình của người bạn thân thiết nhất đời, vẫn còn thân thiết nhất đời, là bà Matilda của tôi!
Cứ nghe bà nói, ta cũng đủ thấy bà Briggs thuộc loại người đa cảm y như trong tiểu thuyết; chính bà đã có lần cho xuất bản một tập thơ tên là “Tiếng lúi lo của con chim họa mi”.
Firkin đáp :
– Bà Briggs ạ, cả nhà quý cô gái này như vàng. Cụ Pitt không muốn cho cô ta đi, nhưng cụ không dám trái ý bà Crawley điều gì. Bà Bute ở nhà thờ cũng thế…vắng mặt cô ta là cấm có vui. Ông đại úy phát điên phát dại lên vì cô ta. Còn ông Crawley thì ghen đến gần chết. Từ lúc bà Crawley nhà ta bắt đầu mệt, bà nhất định không cho ai ngoài cô Sharp lại gần; chịu không hiểu ra làm sao. Tôi chắc cả nhà bị bỏ bùa mê thế nào rồi đây.
Đêm hôm ấy Rebecca thức đến sáng để săn sóc bà Crawley, đêm hôm sau, bà lão ngủ đã khá yên giấc nên Rebecca cũng ngả lưng chợp mắt tạm ở ghế xô-fa được vài giờ, ngay cạnh giường người ốm. Bà Crawley cũng sớm bình phục, bà đã ngồi dậy được; cô Rebecca bắt chước dáng điệu sầu muộn của bà Briggs, bà cười rũ ra, thích lắm. Cô bắt chước cái cách bà Briggs khóc thút thít và dùng khăn tay lau nước mắt cực khéo; bà Crawley vui quá; mấy ông thầy thuốc đến thăm rất ngạc nhiên, vì mọi khi họ vẫn quen thấy người đàn bà ham vui này hễ hơi giở giời một tý là đã sầu não ghê gớm chỉ lo chết.
Ngày nào đại úy Crawley cũng đến; Rebecca đưa cho anh ta những mảnh giấy ghi bệnh trạng của bà cô biến chuyển thế nào. Bà bình phục rất nhanh; bà Briggs đáng thương đã được phép gặp mặt người che chở cho mình.
Những ai giầu tình cảm có thể tưởng tượng ra những nỗi xúc động tràn ngập của người đàn bà đa cảm kia cũng như sự lâm ly thống thiết của buổi gặp gỡ giữa hai người.
Bây giờ bà Crawley lại thích gặp mặt bà Briggs luôn luôn, vì Rebecca hay nhại lại điệu bộ của người đàn bà đáng thương ngay trước mặt bà, mà vẻ mặt vẫn cứ nghiêm trang như không, thành ra lại càng giống; bà Crawley hài lòng lắm.
Nguyên nhân khiến bà Crawley mắc chứng bệnh đáng tiếc kia, đến nỗi phải rời khỏi căn nhà của ông anh ở nhà quê, không lấy gì làm thi vị lắm, có lẽ không xứng đáng được giải thích trong cuốn truyện phong nhã đầy tình cảm này. Bởi lẽ làm thế nào mà nói cho nghe lọt tai được rằng một người đàn bà tế nhị thuộc giới thượng lưu lại ăn uống quá tham lam, và nguyên nhân gây cái bệnh mà bà Crawley đã nhất định đổ cho là tại thời tiết ẩm thấp gây nên thật ra chỉ là một bữa tôm nóng xơi quá miệng ở nhà thờ? Bệnh trạng trầm trọng quá đến nỗi – nói theo lời ông cha xứ – Matilda suýt nữa thì đi đứt”; toàn bộ gia đình bổi hổi bồi hồi chờ đợi lập di chúc; Rawdon Crawley chắc mẩm phen này vớ được ít nhất là bốn vạn đồng bảng trước khi mùa hội ở Luân đôn bắt đầu. Crawley đã vội gửi ngay đến một tập toàn những sách đạo chọn lọc, để sửa soạn đưa bà cô đi từ Hội chợ phù hoa và Đường công viên sang thế giới bên kia, nhưng một ông thầy thuốc có tài ở Southampton đã được kịp thời triệu đến; ông ta thắng được mấy con tôm suýt nữa đã làm hại đời bà lão, và giúp bà lấy lại tạm đủ sức lực để trở về Luân-đôn. Thấy câu chuyện xoay ra như vậy lão nam tước không sao giấu nổi vẻ bực mình.
Trong lúc mọi người đang xúm vào hầu hạ bà Crawley và hàng giờ bên Nhà thờ cử người sang dò hỏi tin tức sức khỏe của bà về báo lại, thì tại một căn phòng khác trong nhà, có một người đàn bà ốm nặng hơn nhiều mà không ai thèm để ý đến; ấy chính là Crawley phu nhân. Ông thầy thuốc trứ danh khám bệnh xong đành chịu lắc đầu; cụ Pitt thuận để ông khám bệnh cho vợ vì không phải trả tiền công. Thế là bà ta bị bỏ nằm một mình trơ trọi trong phòng, kiệt sức dần dần, chẳng ai buồn để ý đến, y như đối với một ngọn cỏ trong vườn.
Hai cô con gái cũng chịu thiệt thòi nhiều, vì thiếu sự dạy dỗ của cô giáo. Cô Sharp săn sóc người bệnh tận tâm quá; bà Crawley nhất định không chịu uống thuốc nếu là do tay người khác đưa. Firkin thì đã bị ghét bỏ từ lâu trước khi bà chủ rời nhà quê về tỉnh. Người hầu phòng trung thành ấy đành lấy việc được trở về Luân-đôn, được thấy bà Briggs cũng đau khổ vì ghen tức, cũng phải chịu đựng sự đối xử bạc bẽo như mình, để tự an ủi đôi chút.
Đại uý Rawdon lấy cớ cô ốm xin gia thêm hạn nghỉ phép cả ngày cứ quanh quẩn ở nhà. Luôn luôn thấy mặt anh ta ở gian phòng đợi của khách (bà Crawley nằm dưỡng bệnh trong phòng ngủ, muốn vào phải đi qua gian phòng khách nhỏ quét vôi màu xanh). Cụ Pitt thường gặp anh ta ở đấy; hoặc khi anh ta đi xuống dưới hành lang, dù bước nhẹ mấy, thế nào cũng thấy cánh cửa gian phòng của bố mở ra, và bộ mặt sói rừng của lão quý tộc già thò ra ngoài nhìn. Sao lại có cảnh kẻ nọ rình người kia như thế nhỉ? Ấy chính vì hai người đang thi nhau xem ai tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến người bệnh thân thiết đang nằm trong phòng ngủ.
Thường thường Rebecca hay ra ngoài an ủi cả hai bố con, lúc an ủi người nọ, lúc an ủi người kia. Cả hai bố con nhà này giống nhau ở chỗ đều thích được nghe tin tức về người bệnh từ miệng cô đưa tin bé nhỏ thân tín kia nói ra.
Cứ đến buổi chiều – nhân lúc Becky xuống nhà dùng cơm trong khoảng nửa giờ đồng hồ – cô lại làm công việc hòa giải hai bố con; sau đó, cô biến đi cho đến hết đêm; sáng ra Rawdon thường cưỡi ngựa đến đồn binh thuộc trung đoàn thứ 15 ở Mudbury, để mặc cho ông bố lại quay ra chè chén với bác Horrocks. Suốt nửa tháng trời Rebecca sống trong gian phòng dưỡng bệnh của bà Crawley, buồn tưởng chết đi được; nhưng thần kinh cô ta dễ thường bằng thép, cho nên cô ta không hề bị mất tinh thần vì nhiệm vụ tẻ nhạt trong căn phòng dưỡng bệnh kia.
Mãi rất lâu về sau này Rebecca mới kể lại rằng cô đã khổ tâm thế nào vì phải lãnh nhiệm vụ ấy, rằng cái bà già vui tính kia lúc ốm thì cắn cấu ra sao, rằng bà tức giận, bà mất ngủ, bà sợ chết, bà nằm rên hừ hừ suốt bao nhiêu đêm trường, vì bà lo sợ tưởng đến thành mê sảng mỗi lúc nghĩ đến cái thế giới tương lai mà khi mạnh khỏe không bệnh tật bà không hề nghĩ đến. Hỡi bạn đọc giả xinh đẹp trẻ tuổi, xin bạn hãy tưởng tượng một bà già quen ăn chơi, ích kỷ, vô duyên, vô ơn và vô tín ngưỡng, đang nằm vật vã vì đau đớn, vì lo sợ, mà đầu trần không đội mớ tóc giả…Bạn hãy tưởng tượng lấy mà xem; và trước khi cái già sồng sộc đến sau lưng, xin bạn hãy học yêu, và học cầu kinh đi.
Cô Sharp săn sóc bên giường bệnh với thái độ kiên trì không gì khuất phục nổi. Không một cái gì lọt khỏi mắt cô, và giống như một người quản gia khéo léo, tất cả vật gì vào tay cô đều dùng được việc cả. Sau này, cô kể lại nhiều câu chuyện rất hay về những ngày bà Crawley mắc bệnh, những câu chuyện làm cho bộ mặt trát bự phấn của bà già phải đỏ ửng lên. Trong thời gian bà này ốm, cô ta không bao giờ mất vẻ bình thản thường ngày, bao giờ cũng tinh tường, rất thính ngủ, lúc nào trí óc cũng hoàn toàn minh mẫn, chỉ cần nghỉ ngơi qua loa ít phút gọi là. Vậy mà nom dáng điệu của cô, bạn thấy rất ít dấu vết mệt mỏi. Sắc mặt cô có hơi tái một chút quầng mắt có hơi thâm hơn bình thường một chút, nhưng mỗi khi cô bước ra ngoài phòng dưỡng bệnh, bao giờ cũng thấy cô mỉm cười, tươi tỉnh, gọn ghẽ; dù chỉ mặc tấm áo ngủ và đội chiếc mũ trùm thường, trông cô vẫn chỉnh tề như đang mặc bộ áo đi chơi đẹp nhất.
Viên đại úy cũng nghĩ thế và khi nói chuyện về cô ta bao giờ giọng nói của anh chàng cũng có vẻ say sưa khác thường. Mũi tên có cựa của tình yêu đã xuyên thủng lần da dày cộm của cu cậu rồi. Sáu tuần lễ lửa gần rơm đã khiến anh ta hoàn toàn bị chinh phục. Anh ta thú thực nỗi lòng sâu kín của mình với bà thím bên tu viện và tất cả mọi người. Bà thím nhận thấy ngay sự điên rồ của anh cháu, thường trêu anh ta về chuyện này; bà ta khuyên anh cháu nên dè chừng; cuối cùng bà công nhận rằng cái cô Sharp bé nhỏ kia là con người thông minh nhất, kỳ thú nhất, giản dị đáng yêu nhất nước Anh; nhưng Rawdon không nên cợt đùa với tình yêu của cô… nếu không bà Crawley thân yêu sẽ không bao giờ tha thứ đâu. Và chính bà này cũng bị cô giáo bé nhỏ chinh phục mất rồi; bây giờ bà quý cô như con đẻ. Rawdon phải đi nơi khác…phải trở về đơn vị và thành phố Luân-đôn bẩn thỉu kia, không được phép đùa cợt với tấm tình của cô thiếu nữ ngây thơ đáng thương.
Đã rất nhiều lần bà thím tốt bụng này thông cảm với nỗi cô đơn của anh chàng sĩ quan Ngự lâm quân nên đã tạo điều kiện cho anh ta gặp cô Sharp ngay ở Nhà thờ, và được cùng cô ta đi về nhà như chúng ta đã thấy. Thưa các quý bà, một khi đàn ông thuộc một loại nào đó mà đã yêu rồi, thì dù mắt họ nhìn rõ mười mươi dây câu, lưỡi câu, rồi cần, rồi lưới, đủ cả, nhưng họ cũng cứ đớp mồi như thường…họ vẫn cố đớp lấy nuốt cho kỳ được để rồi bị mắc câu mắc lưới nằm há hốc mồm trên mặt đất. Rawdon cũng thấy rõ ràng bà Bute muốn dùng cô Rebecca để câu mình. Anh ta khôn ngoan lắm, nhưng cũng là người sống ở tỉnh thành, cũng đã từng dự nhiều mùa hội. Một hôm qua câu chuyện với bà Bute, anh ta chợt thấy trong khối óc tối tăm của mình lóe ra một tia sáng. Bà Bute nói:
– Rawdon, tôi bảo này. Thế nào cũng có ngày cô Sharp thành người có họ với anh đấy.
Anh chàng sĩ quan hay đùa hỏi:
– Bà Bute, có họ thế nào chứ…em dâu tôi hả? Chú James phải lòng cô ta chăng?
Bà Bute, mặt ánh lên một tia sáng, đáp:
– Hơn thế nữa cơ.
– Không phải là Pitt chứ?…Hắn không lấy được cô ta đâu; cái tên hèn hạ ấy không đáng lấy cô ta làm vợ. Hắn đang đeo đuổi công nương Jane Sheepshanks.
– Bọn đàn ông các anh chẳng biết cái quái gì hết. Anh chỉ là một thằng ngu xuẩn, mù quáng…nếu Crawley phu nhân có mệnh hệ nào thì cô Sharp sẽ thành dì ghẻ của anh đấy, và chuyện ấy tất sẽ phải đến.
Rawdon Crawley tiên sinh huýt sáo miệng một cái thật to, tỏ ý rất ngạc nhiên trước lời dự đoán của bà thím. Anh ta không thể chối cãi được; rõ ràng ông bố anh ta quyến luyến cô Sharp; thái độ ấy lọt sao khỏi mắt anh ta. Anh ta hiểu rõ tính tình ông bố lắm, nghĩa là một lão già hết sức bừa bãi… Anh ta không nghĩ hết câu, mà bỏ về nhà, vừa đi vừa vê vê ria mép, yên trí rằng mình đã tìm ra cái mối để hiểu câu chuyện bí mật bà Bute vừa nói.
Rawdon nghĩ thầm:
– Lạy chúa tôi, đểu quá? Đểu quá, lạy Chúa? Mình tin chắc bà ấy rất muốn cho cô thiếu nữ đáng thương kia phải mất mặt, để không sao trở thành Crawley phu nhân trong gia đình này được. Lúc gặp Rebecca một mình, anh ta lấy giọng nhã nhặn nói trêu cô về việc ông bố mình có ý quyến luyến cô gái. Cô ta ngẩng phắt đầu lên, vẻ mặt khinh khỉnh, nhìn rõ vào mặt anh chàng nói:
– Được lắm, hãy ví dụ ông cụ mê tôi đi. Tôi biết cụ mê tôi, và còn nhiều người khác cũng mê tôi nữa cơ. Đại úy Crawley, ông không cho rằng tôi phải sợ ông cụ chứ? Ông không cho rằng tôi không biết bảo vệ danh dự của tôi chứ?
Cô con gái hỏi dồn, trông kiêu hãnh như một bà hoàng.
Anh chàng vừa vặn ria mép vừa đáp:
– Ồ…à kìa … ấy là nhắc để cô chú ý… nghĩa là cẩn thận…có thế thôi mà.
– Ông cho rằng tôi là người không biết tự trọng chỉ vì tôi nghèo và trơ trọi không bè bạn, và bởi vì chính bản thân những người giầu có không biết tự trọng phải không? Ông có nghĩ rằng vì tôi chỉ là một cô giáo dạy trẻ mà tôi không thể có lương tri, có tình cảm, và có giáo dục được như những nhà quý tộc ở Hampshire không? Tôi thuộc dòng dõi họ Montmorency không thể tốt được bằng một người thuộc dòng họ Crawley không?
Mỗi khi cô Sharp tức giận và phải viện đến họ ngoại của cô ra, thì cô hay nói pha lơ lớ giọng ngoại quốc, khiến cho giọng nói trong trẻo thánh thót của cô lại càng đáng yêu thêm. Càng đối đáp với viên đại úy, cô càng sôi nổi. Cô nói thêm:
– Không, tôi có thể chịu đựng sự nghèo khổ, nhưng không thể chịu đựng sự nhục nhã…tôi có thể chịu đựng sự lạnh nhạt, nhưng không chịu được sự lăng mạ; nhất là sự lăng mạ lại do…do chính ông.
Và rồi không nén được giận, cô òa lên khóc.
– Chết chưa, cô Sharp… Rebecca… lạy Chúa… thề có quỷ thần hai vai, nào tôi có bụng dạ gì đâu…Thôi, Rebecca.
Rebecca đi rồi. Hôm ấy, cô ta cùng bà Crawley giong xe đi chơi. Câu chuyện xảy ra trước khi bà này bị ốm. Đến bữa cơm chiều, cô lại có vẻ vui tính khác thường; nhưng cô không thèm để ý đến anh chàng sĩ quan vụng về si tình bị bẽ mặt đang tìm mọi cách nói ý, gật đầu ra hiệu và nói lấy lòng để chuộc lỗi. Trong cái chiến dịch nho nhỏ ấy, những cuộc chạm súng đại khái như thế diễn ra luôn… tẻ nhạt lắm không đáng kể lại, và kết quả bao giờ cũng giống nhau.
Đội kỵ binh nặng nề của Crawley phát điên lên vì bị thất trận, mỗi ngày một thêm tan rã.
Nếu lão nam tước ở trại Crawley Bà chúa không sợ bị bà em truất mất quyền thừa kế thì không đời nào lão chịu để cho hai cô con gái yêu của lão xa rời sự giáo huấn vàng ngọc của cô giáo quý báu. Vắng cô ta, căn nhà cổ kính ấy như là một bãi sa mạc; hồi Rebecca còn ở trại, nhà cửa tươi tỉnh hẳn lên. Thư từ của cụ Pitt không có ai sửa chữa và chép lại; sổ sách của cụ cũng không có ai trông nom; công việc nhà cửa và bao nhiêu kế hoạch làm ăn cũng xếp xó, cô thư ký bé nhỏ đã đi mất rồi. Ta thấy ngay rất dễ dàng một người thư ký như cô đối với lão cần thiết đến thế nào, nếu ta được đọc nội dung bao nhiêu lá thư lão liên tiếp gửi cho cô ta; lão cầu khẩn cô, ra lệnh cho cô phải trở về. Hầu như ngày nào lão nam tước cũng viết thư gửi cho Becky, lão khẩn khoản yêu cầu cô trở lại; hoặc lão gửi thư cho bà Crawley, thảm thiết phàn nàn về nỗi việc giáo dục của con mình bị bỏ trễ; bà Crawley, chẳng buồn để ý.
Bà Briggs không bị chính thức ruồng bỏ, nhưng địa vị bạn tâm sự của bà bây giờ chỉ là một chuyện khôi hài, hữu danh vô thực; bây giờ bà đánh bạn với con chó béo múp trong phòng khách, hoặc thỉnh thoảng bà vào trong phòng riêng của mụ quản gia đánh bạn với bà Firkin bất mãn.
Tuy thế, Rebecca vẫn chưa chính thức đến ở Đường công viên với tư cách bạn tâm sự của bà chủ, mặc dầu bà này nhất định không chịu cho cô trở về trại Crawley Bà chúa.
Cũng như nhiều người giầu có khác, bà Crawley có tính ưa được người dưới hầu hạ mình càng nhiều bao nhiêu càng tốt; chừng nào bà thấy họ không còn có ích gì nữa cho mình, thì bà cũng lập tức vui vẻ mà từ giã họ. Một số người giàu có hầu như không biết đến sự hàm ơn là gì, hoặc ít khi thèm nghĩ đến chuyện ấy. Họ lấy sự được bọn người nghèo khó hầu hạ mình là chuyện tất nhiên. Mà chúng ta – ôi, những kẻ ăn bám đáng thương, những kẻ phụ thuộc hèn hạ- chúng ta cũng không có lý do gì mà phàn nàn nhiều! Tình bạn của chúng ta đối với Dives cũng chân thành đáng mức với số tiền, đâu phải yêu người. Và giả sử Croesus () có đổi địa vị của mình cho thằng hầu, thì chúng ta cũng thừa rõ người nào sẽ được chúng ta hết lòng cung phụng.
Mặc dầu cô Rebecca vẫn tỏ ra rất giản dị, rất chu đáo, rất ngọt ngào và vui vẻ không hề biết mệt mỏi, nhưng tôi cũng không tin chắc rằng bà già sắc mắc người Luân-đôn kia, người được cô ta chứng tỏ tấm tình bạn nồng nhiệt một cách xa xỉ, quả thực không khi nào thoáng ý nghi ngờ lòng tốt của người bạn quý đang săn sóc mình. Hẳn bà Crawley phải thường đinh ninh rằng ở đời không ai làm việc vì không công bao giờ. Nếu bà quen lấy cái tình cảm của bản thân để đo lòng người đời, hẳn bà cũng có thể lường được lòng dạ người đời đối với mình. Biết đâu bà chẳng hiểu rằng kẻ nào không chú ý đến ai thì cũng không ai coi mình là bạn; đó âu cũng là một lẽ thường tình.
Vậy thì trong thời gian ấy, Becky là nguồn an ủi lớn nhất, là người hữu ích nhất đối với bà; bà cho cô ta một đôi áo dài mới may, một chiếc vòng cổ cũ và một chiếc khăn san; bà lại bày tỏ tấm tình bạn bằng cách nói xấu tất cả những người quen thuộc cũ với cô bạn tâm sự mới của mình (còn có cách tỏ tình thân mật nào tết hơn thế nữa nhỉ?). Bà lại đã phảng phất lo sắp đặt trước một vài kế hoạch lớn cho tương lai… có thể là gả cô ta cho ông Clâmp, thầy bào chế, hoặc lo gây dựng cho cô có một tương lại chắc chắn sau này; hoặc cũng có thể bà đã nghĩ đến chuyện khi chán cô rồi và đúng lúc mùa hội ở Luân-đôn bắt đầu thì lại mời cô về trại Crawley Bà chúa.
Bà Crawley đang bình phục, thường xuống phòng khách; Becky hát cho bà nghe và tìm mọi cách khác để làm vui lòng bà; khi bà đã khỏe có thể ngồi xe ngựa đi chơi được, Becky cùng đi với bà. Trong những cuộc đi chơi ấy, do lòng tốt và tình bạn của bà Crawley đối với cô, bà cho cô cùng theo mình đến bất cứ nơi nào, đến cả gia đình John Sedley tiên sinh ở khu phố Russell.
Trước khi xảy ra chuyện này, hai cô bạn thân đã nhiều lần viết thư cho nhau. Trong khoảng thời gian Rebecca ở Hampshire, tấm tình bạn bất diệt (có thể tin được không nhỉ?) giữa hai người đã giảm sút rất nhiều, bây giờ nó có vẻ đã mòn mỏi, già nua tưởng như sắp đi đứt đến nơi. Sự thực là cả hai cô thiếu nữ đều bận lo việc riêng: Rebecca thì đang lo lấy lòng những người chủ thuê mượn mình, cô Amelia cũng đang bị thu hút vào việc riêng của cô. Lúc hai cô thiếu nữ gặp lại nhau, họ ôm ghì lấy nhau một cách nồng nhiệt đúng cách tỏ tình giữa những cô gái non; Rebecca đã hôn bạn một cách nồng nàn sôi nổi vô cùng, khiến cho Amelia đáng thương kia vừa hôn trả,vừa đỏ mặt lên và tự trách mình có phần hơi nhạt nhẽo đối với bạn.
Lần gặp gỡ đầu tiên và cũng rất ngắn ngủi. Amelia đang sửa soạn đi chơi. Bà Crawley đang ngồi chờ trong xe dưới đường; những người theo hầu đang ngơ ngác nhìn phong cảnh xung quanh; họ trố mắt nhìn bác Sambo, người hầu da đen ở Blumxbơry, y như bác ta là một người thổ dân kỳ lạ sinh trưởng tại chỗ vậy, Amelia bước xuống, vẻ mặt dịu dàng, tươi cười (Rebecca phải đưa bạn xuống giới thiệu với bà Crawley vì bà rất mong được gặp mà người còn yếu không rời chiếc xe ngựa được)…Mấy người mặc chế phục ở Đường công viên trông thấy cô ngạc nhiên quá, không ngờ ở Bloomsbury lại có một con người xinh đẹp như vậy. Bà Crawley cũng bị hấp dẫn khi nhìn bộ mặt dịu dàng, tươi như hoa của cô thiếu nữ đang e lệ tiến lên chào bà, người đỡ đầu của bạn cô, với dáng điệu rất lịch sự.
Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy, hai ngươi cho giong xe đi về phía tây thành phố. Bà Crawley bảo:
– Này, nước da cô ta đẹp quá nhỉ, mà tiếng nói sao mà trong vắt cô Sharp ạ, cô bạn trẻ của cô đáng yêu quá. Lúc nào mời cô ấy đến Đường công viên chơi, nghe không?
Bà Crawley là người biết thưởng thức. Bà ưa các cử chỉ tự nhiên – hơi e lệ một chút lại càng có duyên – Bà thích có những người xinh đẹp quây quần quanh mình cũng như bà thích chơi tranh đẹp và đồ sứ xinh xắn vậy. Hôm ấy, bà đã nhắc đến Amelia sáu bảy lần một cách rất say sưa. Bà kể chuyện về Amelia với Rawdon Crawley, khi anh chàng giữ đúng nhiệm vụ đến cùng chia xẻ con gà rán với bà cô.
Nghe thấy thế, dĩ nhiên Rebecca vội tuyên bố ngay rằng Amelia đã có vị hôn phu…tức là trung úy Osborne…hai người yêu nhau đã lâu.
– Anh ta thuộc một trung đoàn chiến liệt quân?
Đại úy Crawley nghĩ ngợi một lúc lâu đúng như một sĩ quan Ngự lâm để cố nhớ lại trung đoàn số…
Rebecca đáp đúng là trung đoàn ấy, và thêm:
– Tên viên đại úy là Dobbin.
Crawley đáp:
– Một anh chàng vụng về gày gò có phải không? Anh ta húc phải tất cả mọi người. Tôi có quen anh ta. Còn Osborne có phải là một anh chàng đẹp trai, có bộ râu quai nón rậm đen nhánh không?
Rebecca Sharp đáp:
– Phải, có bộ râu quai nón xồm xoàm; mà anh ta lấy làm kiêu hãnh về bộ râu lắm.
Đại úy Rawdon Crawley không trả lời, Phá ra cười khàn khàn; hai người đàn bà hỏi gặng anh ta cười gì, thì anh ta trả lời:
– Hắn cứ tưởng chơi bi-a giỏi. Tôi đã được hắn hai trăm đồng tiền bi-a ở quán “cây dừa” . Hắn mà cũng học đòi đánh bạc, cái thằng ngốc nghếch! Hôm ấy hắn có vẻ muốn bán cả trời không văn tự, nhưng bạn hắn là đại úy Dobbin lại kéo hắn đi mất, mẹ kiếp!
Bà Crawley thú quá, bảo:
– Rawdon, Rawdon, đừng ác thế.
– Thế nào? Thưa cô, trong số bọn trai trẻ cháu gặp ở quân đội chỉ có thằng ấy là “non” nhất đấy ạ. Tarquin và Deuceace tha hồ muốn lấy bao nhiêu tiền của hắn tùy thích. Hắn mà được người ta thấy cùng ngồi với một nhà quý tộc thì bắt xuống âm phủ hắn cũng ưng. Ở Greenwich, hắn trả tiền cơm thết chúng nó, mà chúng nó còn kéo cả một lũ bạn đi theo để “che tàn”.
– Toàn là những bạn hữu quý báu cả, chắc thế.
– Đúng lắm, cô Sharp ạ. Đúng lắm, bao giờ cũng thế. Toàn nhưng bạn hữu quý ghê gớm…hề, hề!
Anh chàng đại úy lại càng cười khỏe, cho rằng mình vừa có được một câu khôi hài lý thú.
Bà cô kêu lên: .
– Đừng tồi thế, Rawdon.
– Ôi chao, bố hắn là một nhân vật ở khu City…giầu nứt đố đổ vách. Cái bọn khốn ở City ấy à, phải vắt sữa chúng nó chứ. Xin thưa để cô biết rằng thằng ấy chưa xong với cháu đâu. Hề, hề.
– Này, đại úy Crawley; để tôi mách Amelia. Có một người chồng hay bài bạc.
– Đáng sợ, hả?
Viên đại úy trịnh trọng nói vậy; một ý nghĩ thoáng qua đầu, anh ta thêm:
– Mà này, cô ạ, chúng ta sẽ mời hắn đến chơi đây.
Bà cô vội hỏi:
– Trông hắn ta có mẽ người không?
– Có mẽ không à?…Ồ, khá lắm. Cũng như tất cả mọi người. Bao giờ cô lại bắt đầu tiếp khách, thế nào ta cũng phải mời hắn đến chơi mới được. Cả cái cô tên là gì nhỉ…người trong mộng của hắn ta ấy mà… này, cô Sharp, có phải cô vẫn gọi thế không? Mời cả cô ta đến. Được, để tôi biên mẩu giấy mời hắn lại chơi. Để xem hắn chơi “pic-kê” có thạo như chơi bi-a không? Hắn ta ở đâu nhỉ, cô Sharp?
Cô Sharp bèn mách Crawley địa chỉ ở tỉnh của trung úy Osborne. Mấy ngày sau, trung úy Osborne nhận được một lá thư, nét chữ nguệch ngoạc như cho trẻ con của đại úy Rawdon, có kèm theo một thiếp mời của bà Crawley. Cô Sharp cũng gửi thư mời cô bạn thân Amelia; cô này nghe tin George cũng sẽ có mặt, sẵn sàng nhận lời ngay.
Họ đã sắp đặt sáng hôm ấy Amelia sẽ đến chơi với người đàn bà ở Đường công viên; ai cũng tỏ ra quý mến cô. Rebecca lên mặt che chở cho cô một cách rất bề trên. Rebecca thông minh hơn bạn rất nhiều; Amelia tính vốn dịu dàng và kín đáo, gặp ai muốn lên mặt với mình thì nhường ngay, cho nên cô sẵn lòng vui vẻ mềm mỏng tuân theo mọi ý muốn của Rebecca. Bà Crawley cũng tỏ ra lịch sự một cách đáng chú ý. Bà vẫn tiếp tục say sưa tán tụng Amelia, tâng bốc cô ngay trước mặt, làm như cô là một con búp bê, một người hầu phòng hay một bức tranh vậy; bà ca tụng cô một cách hết sức rộng lượng. Tôi rất kính phục thái độ của giới quý phái, đôi khi tán tụng cả những người thuộc tầng lớp bình dân. Trong đời, không có gì thú vị hơn là được thấy bọn người ở Mayfair () hạ mình xuống. Nhưng được bà Crawley săn sóc đến mình quá, hình như Amelia thấy mệt; tôi ngờ rằng trong số ba người đàn bà ở Đường công viên thì cô thấy bà Briggs thực thà kia là đáng yêu hơn cả. Cô thông cảm với bà Briggs như đối với những người tốt bụng bị bỏ rơi; cô không thuộc hạng người mà ta gọi là người đàn bà trí tuệ.
George có đến dùng cơm với đại úy Crawley…một bữa cơm thân mật của trai chưa vợ ().
Chiếc xe ngựa đồ sộ của gia đình Osborne chở anh ta từ khu phố Russell đến Đường công viên. Ở nhà, cô chị và em gái không được mời đến chơi, làm bộ không thèm để ý đến sự khinh mạn ấy, nhưng họ cũng giở cuốn “Danh bạ quý tộc” để tìm tên cụ Pitt Crawley. Cuốn sách đã giúp các cô biết rất nhiều điều về gia đình Crawley, về dòng dõi, về gia đình Binkie, về bè bạn, vân vân và vân vân… Rawdon Crawley đón tiếp Osborne hết sức thẳng thắn lịch sự. Anh ta khen Osborne chơi bi-a giỏi, hỏi thăm bao giờ anh này muốn phục thù, lại hỏi tin tức về trung đoàn của Osborne; anh ta định đề nghị chơi “pic-kê” ngay tối hôm ấy, nhưng bà Crawley dứt khoát cấm không cho đánh bạc trong nhà bà, thành ra túi tiền của viên trung úy không bị cháu bà chủ nhà làm vơi mất, ít nhất là trong ngày hôm ấy. Tuy vậy, họ cũng ước hẹn ngày hôm sau sẽ gặp nhau ở một nơi khác vì Crawley có một con ngựa muốn bán. Osborne muốn cưỡi thử nó ở công viên. Hai người sẽ dùng cơm với nhau, và buổi tối sẽ cùng giải trí với mấy người bạn ham vui khác. Crawley vừa láu lỉnh nháy mắt, vừa nói:
– Nghĩa là, nếu như anh không phải túc trực bên cô Sedley xinh đẹp kia. Thật là một trang tuyệt thế giai nhân, xin lấy danh dự mà thề; anh Osborne ạ, có một không hai đấy – anh ta nói thêm để nịnh khéo.
Osborne không phải túc trực đâu; anh ta sẵn sàng vui lòng đi chơi cùng Crawley. Hôm sau hai người gặp nhau, Crawley khen mãi tài kỵ mã của bạn – khen hết sức thành thực – và giới thiệu Osborne với ba hay bốn người bạn rất sang trọng; anh chàng sĩ quan thực thà được quen biết bọn này lấy làm khoái lắm.
Vừa uống rượu vang Osborne vừa hỏi bạn, có vẻ rất phong tình:
– Này, cô Sharp độ này ra sao? Cô ta tốt bụng lắm. Ở trại Crawley, chắc cô ta và anh tha hồ tâm đầu ý hợp nhỉ? Năm ngoái cô Sedley quý cô ta lắm.
Đại úy Crawley giương đôi mắt xanh ti hí lên nhìn vào mặt bạn một cách dữ tợn; và anh cứ chăm chú theo dõi mãi lúc anh này đứng dậy đến chào cô giáo xinh đẹp. Nhưng ví phỏng anh chàng sĩ quan Ngự lâm có tính ghen tuông bóng gió thì nom cách cư xử của cô thiếu nữ cũng hết lo ngại ngay.
Hai người trẻ tuổi lên gác; Osborne đến chào bà Crawley, rồi tiến về phía Rebecca ngồi, dáng điệu hơi khệnh khạng có vẻ bề trên. Anh ta định bụng tỏ ra bao dung che chở đối với cô. Thậm chí anh sẽ còn bắt tay Becky một cái, vì coi là cô là bạn của Amelia, anh ta bèn chìa bàn tay trái về phía cô ta và nói: “A, cô Sharp, thế nào mạnh khoẻ chứ?” Yên trí nhất định cô ta phải bối rối trước một vinh dự như vậy.
Cô Sharp chìa ngón trỏ bàn tay phải ra…và gật đầu một cái, vẻ mặt rất lạnh nhạt, làm anh chàng cụt hứng.
Rawdon Crawley ngồi ở phòng bên nhìn sang, thấy anh chàng trung úy bị bẽ mặt, suýt nữa không nhịn được cười; anh ta thấy Osborne giật nảy mình, rồi ngần ngừ và cuối cùng có vẻ lúng túng đành cầm lấy ngón tay của cô thiếu nữ đưa ra cho anh hôn vậy.
– Lạy Chúa, nàng đủ sức đánh gục cả quỷ sứ.
Viên đại úy thú vị lắm tự nhủ. Còn viên trung úy mở đầu câu chuyện bằng cách hỏi thăm Rebecca có thích nơi làm việc không. Sharp lạnh nhạt đáp:
– Việc làm của tôi? Cảm ơn anh đã nhắc tôi nhớ đến điều ấy? Việc làm cũng khá dễ chịu; tiền công tốt lắm…nhưng không được bằng tiền công của bà Wirt dạy chị anh và em gái ở khu phố Russell đâu. Các cô ấy dạo này thế nào?…đáng lẽ ra tôi không nên hỏi thăm mới phải.
Osborne ngạc nhiên hỏi:
– Sao lại không nên?
– Ô hay, cái hồi tôi còn ở chơi với Amelia, các cô ấy có bao giờ thèm hạ mình nói chuyện với tôi hoặc mời tôi đến chơi nhà đâu; nhưng cái bọn cô giáo dạy trẻ nghèo khổ chúng tôi thì, chắc anh cũng rõ, vẫn quen bị khinh miệt như thế.
Osborne kêu lên:
– Cô Sharp thân mến ơi…
Rebecca vẫn tiếp:
– Ít nhất là trong một số gia đình. Nhưng ở đây không như thế đâu; dân Hamshire chúng tôi không được giầu có như các anh, những con người may mắn ở khu City. Nhưng bây giờ tôi đang sống trong một gia đình thượng lưu…dòng dõi quý tộc nước Anh chính cống. Chắc anh cũng biết cụ thân sinh ra tôn ông Pitt ngày xưa đã từ chối không nhận tước Công. Anh coi đó, tôi được đối đãi ra sao. Tôi ở đây cũng khá dễ chịu. Kể ra thì cũng là một chỗ làm tốt. Nhưng được anh hỏi đến thật là vinh dự quá.
Osborne tưởng phát điên lên được. Cô giáo bé nhỏ vẫn cứ kênh kiệu và mỉa mai anh ta cho đến khi con sư tử non nước Anh kia cảm thấy không thể chịu nổi được nữa.
Anh ta cũng không đủ nhanh trí để bịa ra một cớ gì mà rút lui khỏi câu chuyện rất thú vị này. Anh ta bèn kiêu hãnh hỏi:
– Tôi chắc ngày trước cô cũng thích những gia đình ở khu City lắm đấy chứ?
– Anh định nói là năm ngoái, khi tôi vừa mới thoát khỏi cái trường ghê gớm ấy à? Vâng, có thể. Người con gái lưu trú trong trường nào mà chẳng thích về chơi nhà ngày chủ nhật? Mà làm sao tôi có thể hiểu biết hơn được? Nhưng ồ, anh Osborne ạ, bao nhiêu sự đổi thay qua mười tám tháng từng trải… mười tám tháng sống chung với… tôi nói thế này xin anh tha lỗi, với những người thượng lưu. Còn như Amelia thân mến thì chị ấy là một hòn ngọc, ở đây người ta cũng phải quý. Bây giờ, tôi thấy anh bắt đầu vui vẻ rồi đấy; nhưng mà…những con người kỳ quái khu City? Và còn anh Joe…cái anh Joseph thú vị ấy bây giờ ra sao nhỉ?
Osborne dịu dàng đáp:
– Tôi thấy hình như năm ngoái, cô không ghét “cái anh Joseph thú vị ấy” lắm thì phải.
– Anh nghiêm khắc quá. Phải, nói riêng với nhau () tôi không đến nỗi tan nát cõi lòng vì anh ta đâu. Nhưng giả sử anh ta có yêu cầu tôi làm cái điều mà đôi mắt anh muốn nói (đôi mắt anh cũng dịu dàng và ý nghĩa lắm) thì có lẽ tôi cũng không từ chối. Osborne đưa mắt nhìn, như ngụ ý:
“Quả thật, cô có lòng tốt quá?”
– Anh đang nghĩ rằng được coi anh là em rể, thật là một vinh dự, có phải không? Được làm chị dâu của George Osborne tiên sinh, con trai của Mall Osborne tiên sinh, cháu trai của…tên cụ cố là gì nhỉ, anh Osborne? Thôi, xin anh đừng giận. Anh có trách nhiệm gì về dòng dõi của mình đâu; tôi hoàn toàn đồng ý với anh rằng tôi nên lấy anh Joe Sedley làm chồng; bởi vì một người con gái nghèo khổ không một xu dính túi còn mong gì hơn? Bây giờ, mọi điều bí mật anh đã rõ cả; tôi rất thẳng thắn cởi mở. Và xét cho cùng thì cũng cảm ơn anh đã nhắc đến câu chuyện cũ…một cách rất nhã nhặn và lễ độ. Chị Amelia thân mến ơi, anh Osborne và em đang nói chuyện về chị và anh Joseph đáng thương của chị đấy. Bây giờ anh ấy ra sao nhỉ?
Thế là George hoàn toàn thất bại, Không phải vì Rebecca có lý; nhưng mồm miệng cô ta bẻo lẻo quá thành ra dồn được anh chàng vào thế bí. Bây giờ anh ta ngượng chín mặt, lùi lũi chuồn mất, George nghĩ bụng, giá mình ở lại chút nữa thì rất có thể trở thành lố bịch trước mặt Amelia mất.
Tuy Rebecca đã thắng Osborne nhưng anh cũng không phải là người hèn hạ mà trả thù cô gái bằng cách nói xấu…
Có điều ngày hôm sau, anh ta không thể nào nhịn không bày tỏ riêng một cách khéo léo với đại úy Crawley vài ý kiến về Rebecca…rằng cô ta là một con người rất sắc sảo, một con người nguy hiểm, đừng có lôi thôi vào mà chết, v.v…
Nghe nói, Crawley chỉ cười tỏ ý biểu đồng tình, và chỉ trong khoảng hai mươi bốn giờ đồng hồ, lại đem mọi chuyện kể lại cho Rebecca nghe đầy đủ. Rebecca càng vì thế mà nhìn Osborne với con mắt đặc biệt, Bản năng của đàn bà mách cô rằng chính Osborne đã mua con ngựa của Crawley, sau bữa ăn lại đã bị mất thêm mấy chục đồng ghi-nê. Anh ta láu lỉnh nhìn Crawley, nói:
– Tôi chỉ muốn khuyên anh dè chừng thôi, tôi hiểu bụng dạ đàn bà lắm; tôi khuyên anh nên cẩn thận đấy.
Crawley nhìn anh ta với đôi mắt biết ơn đặc biệt:
– Xin cảm ơn anh, tôi thấy anh sáng suốt lắm.
Và George ra về, yên trí Crawley nói thực.
Anh ta kể lại cho Amelia nghe việc mình đã khuyên bảo Rawdon Crawley – cái anh chàng cực kỳ tốt bụng lòng dạ thẳng như ruột ngựa phải coi chừng cái cô Rebecca bé nhỏ láu lỉnh mưu mẹo ấy như thế nào.
Amelia kêu lên:
– Coi chừng ai chứ?
– Cái cô giáo bạn em ấy. Có gì mà sửng sốt?
– Ô kìa, anh George, anh đã làm cái gì thế Con mắt đàn bà của cô đã được thần ái tình làm cho sáng suốt; chỉ thoáng qua, cô cũng đã khám phá ra sự bí mật hoàn toàn bị che dấu trước con mắt bà Crawley, bà Briggs đáng thương, và hơn cả, trước đôi mắt “cận thị” của anh chàng tự mãn có râu kia tức là trung úy Osborne.
Lúc Rebecca quàng khăn cho bạn ở trên gác, hai cô bạn gái có dịp tỷ tê chuyện riêng với nhau, bí mật bàn tính với nhau một tý; ấy là cái thú vị đặc biệt của đời con gái.
Amelia lại sát gần nắm lấy hai bàn tay bé nhỏ của Rebecca:
– Rebecca, em biết hết rồi.
Rebecca hôn bạn, không đáp.
Về câu chuyện bí mật thú vị này, hai cô thiếu nữ không ai nói thêm một lời nào. Nhưng không lâu đâu, rồi nó sẽ lộ ra thôi. Câu chuyện trên xảy ra được ít lâu, khi cô Sharp vẫn còn ở chơi nhà bà chủ mới của mình tại Đường công viên thì ở phố Great Gaunt lại treo thêm một tấm huy hiệu quý tộc giữa những tấm huy hiệu khác vẫn thường trang hoàng cho đường phố ảm đạm này. Người ta thấy nó được treo trên ngôi nhà của cụ Pitt Crawley; nhưng không phải là nó báo tin lão nam tước già đã chết. ấy là một tấm huy hiệu phụ nữ, ít năm về trước đã dùng để báo tin bà cụ sinh ra cụ Pitt, tức là quả phụ Crawley phu nhân tạ thế. Việc ma chay xong xuôi, người ta hạ tấm huy hiệu từ trên mặt tường xuống cất vào một chỗ kín đáo nào đó trong nhà cụ Pitt. Bây giờ nó lại được lôi ra vì bà Rose Dawson. Thế là cụ Pitt lại thành người góa vợ lần nữa. Hình vẽ tượng trưng sơn trên nền chiếc khiên treo song song cạnh chiếc huy hiệu của lão không phải thuộc về bà Rose đáng thương kia đâu; bà ta làm gì có huy hiệu quý tộc; nhưng những vị thiên thần sơn trên chiếc khiên cũng sẽ che chở cho bà y như xưa kia đã che chở cho mẹ cụ Pitt; phía dưới hình vẽ có đề chữ Resugam (), hai bên có hình con rắn và con chim bồ câu của dòng họ Crawley. Huy hiệu quý tộc, Resurgam…Thật là một dịp dạy luân lý cho người đời vậy.
Crawley cũng đã săn sóc bên giường bệnh của con người trơ trọi kia. Anh ta cũng đã hết sức ngọt ngào an ủi, tiếp thêm sức mạnh cho bà khỏe khoắn từ giã cõi trần. Đã bao năm nay, anh ta là người duy nhất ăn ở tốt đối với bà, là người bạn độc nhất của tấm linh hồn yếu ớt, cô độc đó. Thân thể bà còn sống nhưng tâm hồn thì đã chết từ lâu. Bà đã bán linh hồn của mình để trở thành vợ cụ Pitt Crawley. Trong Hội chợ phù hoa, hàng ngày vẫn có những bà mẹ và những cô con gái làm công việc thương mại như vậy.
Lúc bà tắt thở, ông chồng đang ở Luân-đôn, còn bận thực hiện những kế hoạch làm ăn túi bụi nào đó, và đang bấn lên với những ông thầy kiện. Tuy vậy, lão cũng vẫn dành được thì giờ đến thăm Đường công viên luôn luôn, và gửi cho Rebecca rất nhiều lá thư nài xin cô, giục giã cô, ra lệnh cho cô trở về với hai cô học trò ở nhà quê, vì từ khi mẹ bị ốm, hai cô thiếu người bầu bạn. Nhưng, bà Crawley nhất định không đồng ý cho Rebecca đi. Ở thành phố Luân-đôn này, không có người đàn bà lịch thiệp với họ bằng bà ta; nhưng khi còn đam mê () thì bà ta lại là người gắn bó ghê gớm; cho nên bà cứ hăng hái ra sức mà bám chặt ấy Rebecca.
Tin Crawley phu nhân tạ thế không gây ra những nỗi buồn rầu hoặc những lời bàn tán trong phạm vi gia đình Crawley, như người ta tưởng. Bà Bute Crawley nói: “Có nhẽ tôi phải hoãn buổi họp mặt tối ngày kia mất! Ngừng một lát, bà tiếp: “Tôi hy vọng rằng ông anh chồng tôi nên giữ tiếng, đừng tục huyền lần nữa”. Nếu ông ấy lại lấy vợ, thì Pitt chắc giận đến phát điên lên mất.
Rawdon góp ý kiến; anh ta vẫn không ưa người anh cả như cũ. Rebecca không nói gì. Cả nhà hình như chỉ có cô có vẻ trang nghiêm, và bị xúc động hơn cả. Hôm ấy, cô rời khỏi căn phòng trước khi Rawdon ra đi, nhưng ngẫu nhiên hai người lại gặp nhau ở nhà dưới; anh chàng vừa từ biệt mọi người xong; họ đứng lại nói chuyện với nhau một lúc.
Sớm hôm sau, Rebecca đang đứng trong cửa sổ nhìn ra sân, còn bà Crawley thì đang bình thản đọc một cuốn tiểu thuyết Pháp, bỗng cô ta kêu nên, giọng sợ hãi, làm bà giật nẩy mình:
– Thưa bà, cụ Pitt đến kìa.
– Cô em ạ, tôi không thể tiếp ông ấy, tôi không muốn tiếp ông ấy đâu. Bảo Bowls nói rằng tôi đi vắng. Hay là cô đi xuống bảo ông ấy rằng tôi ốm, không tiếp ai được. Trong người tôi còn mệt, không thể tiếp chuyện ông anh tôi vào phút này đâu.
Nói đoạn, bà Crawley cúi xuống đọc tiếp cuốn sách.
– Thưa cụ, bà yếu quá, không tiếp khách được.
Cụ Pitt vừa định bước lên thang gác thì Rebecca chạy vội xuống nói vậy. Cụ Pitt đáp:
– Càng hay. Cô Becky, tôi muốn gặp cô. Cô đi với tôi sang phòng khách.
Hai người cùng vào trong phòng.
– Cô ơi, tôi muốn cô trở về trại Crawley Bà chúa với tôi.
Lão nam tước vừa nói vừa chằm chằm nhìn cô; lão tháo đôi găng tay đen ra và bỏ chiếc mũ có vành băng tang xuống. Đôi mắt lão nhìn trừng trừng vào cô ta một cách lạ lùng làm cho Rebecca Sharp gần như run lên. Cô đáp khe khẽ:
– Tôi cũng muốn sớm trở về khi nào bà Crawley khỏe hơn… tôi sẽ về với… với mấy em bé yêu quý.
Cụ Pitt đáp:
– Becky, cô nói thế đã mấy tháng nay rồi; thế mà cô vẫn cứ bám chặt lấy bà em tôi; bao giờ bà ấy chán, bà ấy sẽ quẳng cô đi như vứt chiếc giầy rách. Tôi nói cô biết, tôi cần cô lắm. Bây giờ tôi sắp về đưa đám đây. Cô có về không? Có hay không?
Becky có vẻ rất bối rối đáp.
– Tôi không dám…tôi không cho rằng…có lẽ không tiện…đi một mình…với cụ.
Cụ Pitt đấm tay xuống mặt bàn, nói:
– Tôi nhắc lại rằng tôi cần cô. Vắng cô, tôi không làm ăn gì được. Từ bữa cô đi tôi không biết công việc ra sao. Nhà cửa bề bộn, không còn được như trước nữa. Sổ sách của tôi luộm thuộm, không ra sao cả. Cô phải trở về. Hãy trở về đi; Becky quí mến ơi, trở về đi.
Rebecca há hốc mồm hỏi…
-Về như thế nào, thưa cụ?
– Về với tư cách là Crawley phu nhân, nếu cô muốn. Đấy, cô đã bằng lòng chưa? Cô cứ về làm vợ tôi. Cô xứng đáng lắm. Dòng dõi thì làm cái **** gì. Dòng dõi như cô cũng xứng đáng làm một mệnh phụ như bất cứ ai. Cô còn khôn ngoan bằng vạn vợ những thằng nam tước khác trong quận này. Cô có về không? Có hay không?
– Ồ, cụ Pitt!
Rebecca xúc động quá, kêu lên.
Cụ Pitt vẫn tiếp:
– Becky, bằng lòng đi. Tôi già rồi nhưng còn khỏe lắm. Tôi còn sống hai mươi năm nữa là ít. Tôi sẽ làm cho cô được sung sướng, rồi cô sẽ thấy. Tha hồ cô muốn làm gì thì làm; tha hồ tiêu tiền, tha hồ ăn chơi, tùy thích. Tôi sẽ sắp đặt tương lai chắc chắn cho cô. Tôi sẽ lo hợp thức hóa đầy đủ. Cô thấy không?
Và lão già quỳ xuống, liếc nhìn cô gái, y như một con “thần dê”() vậy.
Rebecca sửng sốt lùi lại, sững sờ cả người. Từ đầu cuốn truyện này, chúng ta chưa hề bao giờ thấy cô cũng phải lúng túng, và nhỏ những giọt nước mắt thành thực nhất đời mình. Cô nói:
– Ôi, cụ Pitt ạ ; ôi thưa cụ… tôi…tôi đã có chồng mất rồi.