Bạn đang đọc Hoa Vàng Mấy Độ: Chương 9
Duy buồn bã trách thay câu trả lời :
– Em nghĩ gì mà nói rằng “ốm o một chút mà hạnh phúc, cũng nên.” Em cũng thừa biết anh không hề vì cô ta mà.
Lam Uyên nghiêm giọng :
– Em không thể biết anh vì ai, nhưng sáng nay em có gặp chị Tố Nga nơi làm việc.
– Cô ấy đã nói gì?
Uyên buột miệng cười chua chát :
– Nói nhiều lắm, và lời nào cũng chứng tỏ mình đầy quyền lực.
Duy lo lắng ngắt lời Uyên:
– Tố Nga xúc phạm đến em chớ.
– Anh đã nói gì với chị Nga để bây giờ phải hỏi em câu nầy.
Duy dịu dàng nhìn Uyên :
– Anh không bao giờ nói gì về em với Tố Nga hết.
Uyên bĩu môi ấm ức :
– Vậy sao chỉ đòi xé em ra làm đôi giống như xé cái thiệp sinh nhật ?
Nhớ tới những lời hăm dọa ghê gớm của Tố Nga, Uyên tức tối la lên.
– Anh ác lắm! Đã đùa cợt với em còn về kể cho vợ nghe để vào xí nghiệp mắng trong khi em chưa hề làm gì có lỗi với chị ấy hết.
Duy cau mầy :
– Tố Nga thật là quá quắt, cô ta ghen tuông mù quáng đến thế là cùng. Anh thành thật xin lỗi, mong em hiểu rằng anh không hề đùa cợt hay nhắc đến tên em trước mặt Nga.
Trầm giọng xuống đầy xúc động, Duy thầm thì :
– Vì với anh, em là điều gì đó rất thiêng liêng, anh không muốn bất cứ ai chia sẻ hết, em có tin không?
Lam Uyên trấn tĩnh lại bằng cái lắc đầu thật nhanh :
– Không! Em không tin. Anh với anh Quang đều mồm mép như nhau, ai mà tin nổi.
Duy sa sầm mặt xuống :
– Em không được so sánh anh với Quang. Có thể em không tin lời anh vì anh không có gì làm bằng để em tin hết. Nhưng nếu vơ anh vào với Quang là em sỉ nhục anh.
Lam Uyên cười nhạt :
– Anh ghét Quang vì anh ta đeo đuổi Tố Nga chớ gì ? Nếu anh chị có giận nhau vì lý do nào đấy, anh cũng nên chịu lép vế một chút để năn nỉ làm lành trước đi, không thôi mất vợ đấy.
Duy tự ái trước giọng điệu đầy khiêu khích của Lam Uyên, anh hỏi :
– Em ngụ ý gì mà nói vậy ?
– Em không ngụ ý gì hết mà chỉ nói theo mắt thấy tai nghe. Anh Quang không từ bỏ ý định theo đuổi Tố Nga của anh đâu. Nếu anh yêu chị ấy thì nên làm hòa đi. Em nói thật đó.
Duy thản nhiên nói :
– Vợ chồng là do duyên số. Yêu nhau chưa đủ giữ nhau suốt đời đâu. Từ lúc quen Tố Nga đến giờ, anh vẫn biết Quang còn đeo đuổi cô ấy. Nhưng Tố Nga đâu phải là đứa bé để anh phải lo, phải giữ. Đến bây giờ Tố Nga vẫn còn quyền lựa chọn mà.
Đưa tay búng một viên sỏi trên nền gạch xuống thềm, Lam Uyên trầm ngâm :
– Anh nói chuyện của mình nghe bàng quang như bình luận chuyện thiên hạ. Em có cảm giác anh chả chú ý đến lời em vừa rồi. Anh không sợ mất chị Tố Nga thật à ?
Duy nhìn Lam Uyên :
– Anh không quan trọng đến việc đó nữa.
Cô cười khẽ :
– Tự tin quá nhỉ. Vậy anh quan trọng đến chuyện gì ?
Duy im lặng tựa người vào vách tường. Làm sao anh có thể trả lời câu hỏi đơn giản của Uyên được. Thấy Duy làm thinh, Lam Uyên cũng ngồi bó gối. Ngước nhìn trời, cô thấy ngôi sao đỏ cô đơn lóe những tia yếu ớt mong manh.
Ánh sáng từ hành tinh xa nghìn trùng ấy vẫn đến được tận đây. Nhưng gần kề như cô với Duy bây giờ lại không đến được thấu lòng nhau. Anh đang nghĩ gì vậy ? Sao giữ mãi nỗi niềm riêng của mình. Anh không biết em khao khát được chia sẻ cùng anh buồn vui hở Duy.
Lam Uyên gục đầu buồn bã. Cô sai rồi khi mong muốn cái không dành ình. Cô nên đi vào nhà, tránh xa Duy thì hơn. Nếu cứ ngồi kế bên anh trong bóng tối thơm mùi dạ lan hương thế nầy, thì đúng là Lam Uyên cố tình quyến rũ … chồng người khác như lời Tố Nga đã nói.
Vừa đứng dậy, Uyên đã bị Duy nắm tay kéo mạnh. Mất thăng bằng cô ngã nhào vào lòng anh và nghe giọng anh tha thiết.
– Lam Uyên, em có biết anh nhớ em đến mức độ nào không ?
Uyên vội đẩy Duy ra, cô lắp bắp :
– Em không biết gì hết ngoài việc anh và chị Nga sắp đám cưới. Em van anh buông em ra.
Giọng Duy rành rọt :
– Không có đám cưới nào cả. Anh đề nghị hủy rồi.
– Hủy hay dời lại ?
– Hủy hay dời cũng như nhau thôi. Anh đã dằn vặt khổ sở suốt hai tháng nay. Anh không thể sống với một người, mà nhớ thương ray rứt tới người khác.
Lam Uyên ngỡ ngàng :
– Anh thay đổi dễ dàng như vậy sao ? Anh cho rằng em vui sướng cướp tình yêu của người khác à ?
Duy bất ngờ với phản ứng của Uyên. Anh bối rối :
– Anh không nghĩ vậy. Nhưng anh tin là em yêu anh. Chúng ta sẽ hạnh phúc nếu được bên nhau.
Lam Uyên thừ người ra trong vòng tay anh. Cô mím môi nói :
– Yêu anh là tội lỗi của em. Nhưng em không thể để tội lỗi dắt mình đi. Em không cho phép mình dễ dãi chấp nhận một người mau đổi thay như anh. Em không thể Duy à! Anh làm em sợ …. Anh làm em thất vọng khi nghe lời vừa rồi.
– Lam Uyên !!!
Mặc cho Duy gọi tên mình, cô đẩy mạnh anh rồi ù té chạy.
Nhìn gương mặt lạnh như tiền của ông Định, Lam Uyên biết ngay có chuyện chẳng hay. Ông ta cần gì ở cô mà phải thân chinh xuống tận cơ sở vệ tinh nầy, nếu không phải vì cậu con trai cứng đầu đã bỏ nhà đi cả tuần nay.
Giương mắt chịu đựng tia nhìn đầy ác cảm của ông, cô bình tĩnh lên tiếng trước :
– Thưa giám đốc gọi cháu.
Chẳng gật đầu hay ừ hử gì, ông Định chỉ tay vào ghế :
– Ngồi xuống đó đi cô Uyên.
Lam Uyên nhỏ nhẹ :
– Dạ cám ơn ông.
Nét mặt ông Định dịu xuống. Vẫn chưa chịu bắt đầu câu chuyện, ông tiếp tục hút dở điếu thuốc rồi lơ lửng hỏi :
– Nghe nói cô cũng ghiện thuốc lá ? Tôi mời cô một điếu vậy.
Chới với vì câu nói bất ngờ cùa ông, Lam Uyên làm thinh cùng bao điều suy nghĩ trong đầu….
Vậy là rõ rồi! Chắc chắn Tố Nga đã nói xấu cô với ông bố chồng tương lai. Ông ta gọi cô lên đây để đuổi việc chắc – nhưng nếu muốn thế, ông cần gì thân chinh làm ang tiếng chớ.
Thấy ông Định đẩy hộp thuốc lá về phía mình, Lam Uyên thủng thẳng nói :
– Cháu nghĩ chắc giám đốc không gọi cháu lên đây để mời hút thuốc. Cháu muốn biết lý do.
Khá lắm! Ông Định khen thầm và thầm so sánh, nhận xét.
Con bé có chiếc cằm chẻ bướng bỉnh nầy dễ thương và xinh hơn Tố Nga nhiều. Con trai ông đã chết mê chết mệt vì đôi mắt trong sáng, cử chỉ tự nhiên duyên dáng nầy cũng đúng thôi. Con bé không điệu hạnh kiểu cách như Tố Nga, khiến ông yêu thích. Giống như người ta ngẩn ngơ trước một bông hoa dại trên đồng cỏ mênh mông sau khi đã quá chán những bông hồng cắm trong lọ pha lê sang trọng.
Con bé nầy thu hút hơn cả hoa dại, khổ nỗi Tố Nga lại chưa xứng là một nụ hồng trong bình pha lê mới chết.
Tính cách tự tin, thẳng thắn của Lam Uyên gây cho ông Định ấn tượng tốt, tuy thế ông vẫn nhớ những ý định đã được tính toán sẵn.
Dụi tàn thuốc vào gạt tàn và chờ cho nó tắt ngấm ông mới lên tiếng :
– Tôi muốn nhờ cô giúp một việc.
– Xin giám đốc cứ nói rõ. Nếu đúng chuyên môn, cháu sẽ làm tốt và làm nhanh nữa ạ.
Ông Định gật gù :
– Tôi thích những người năng động như cô. Những việc làm nầy không đòi hỏi chuyên môn mà đòi hỏi lương tâm, trách nhiệm …
– Xin bác cứ nói rõ việc cháu phải làm.
Im lặng một chút, ông nói :
– Tôi nhờ cô thuyết phục thằng Duy trở về nhà, để giúp tôi trong việc trông nom xí nghiệp nầy.
Lam Uyên kêu lên :
– Cháu không làm được việc đó. Vì cháu không có tư cách nào để thuyết phục Duy hết.
Hơi chồm người về phía trước, ông Định trầm giọng :
– Nhưng cô là người có khả năng cao nhất để làm việc nầy so với chúng tôi.
Lam Uyên máy móc lặp lại :
– Chúng tôi ?
Ông Định thản nhiên gật đầu :
– Đúng vậy! So với tôi và Tố Nga, vợ sắp cưới của nó, cô có nhiều khả năng thuyết phục hơn hết.
Lam Uyên nhếch môi cười vì câu nói thòng của ông Định. Mặt cô ngước cao lên đầy kiêu hãnh :
– Xin lỗi giám đốc, cháu không thể làm việc nầy, dù đúng là cháu có nhiều khả năng.
Lời từ chối thẳng thắn của Uyên làm ông Định ngượng. Ông đổi ngay cách nói :
– Đây là trách nhiệm của cô đấy. Cô là nguyên nhân chính khiến Duy bỏ gia đình, bỏ Tố Nga. Cô đang phá hạnh phúc của người khác, cô thừa biết mà.
Lam Uyên khó chịu khi ông Định trút lỗi cho cô sỗ sàng thô bỉ như vậy, nhưng cô vẫn mềm mỏng :
– Bác nói vậy tội nghiệp cháu. Anh Duy làm gì cháu hoàn toàn không biết, cháu không phá hoại hạnh phúc của ai hết.
Ông Định nhướng mầy :
– Hừ! Thật vậy sao ? Nếu không vì cô, thằng Duy đâu có từ hôn với Tố Nga, gây phiền phức cho tôi trong giao tiếp, trong quan hệ làm ăn như vậy. Nếu là người tự trọng cô nên buông nó ra, đừng đeo theo quyến rũ nó nữa.
Lam Uyên uất người vì nhục :
– Cháu không hề đeo đuổi hay quyến rũ anh Duy. Cháu không hề yêu ảnh.
Ông Định cười gằn :
– Nhìn đôi mắt mấp máy của cô, tôi thừa biết cô đang tự dối lòng mình. Nếu cô yêu Duy thì đã sao mà phải chối ?
Lam Uyên ương ngạnh nhìn trả lại ông Định. Ông nói quanh co để cô bối rối và làm theo yêu cầu của ông ta :
– Có phải cháu rất yêu Duy không ?
Nắm hai tay vào nhau, Uyên đáp :
– Trước đây cháu yêu và khổ sở vì tình yêu đó. Nhưng bây giờ hết rồi.
– Tại sao vậy ?
Lam Uyên lắc đầu nói nhỏ :
– Có lẽ cháu đã lầm.
Ông Định gõ tay trên bàn :
– Tôi thích tính thành thật của cháu. Đã không còn yêu Duy, cháu sẽ giúp tôi chớ ? Tôi là người làm ăn, do đó rất sòng phẳng, không nhờ vả cháu suông đâu.
– Nếu cháu từ chối, chắc chắn bác cũng sẽ tính toán sòng phẳng theo kiểu bị từ chối.
Không nghĩ rằng Lam Uyên hỏi ngược lại mình theo kiểu mai mỉa, nên ông Định ngớ ra, rồi nổi ngay trận lôi đình :
– Đúng là thứ mất dạy, tự cao, tự đại. Cô thách thức tôi đấy phải không ?
Lam Uyên bình tĩnh :
– Cháu chỉ muốn nói rằng, cháu không thể giúp bác việc nầy, và sẵn sàng chấp nhận bề trái sự sòng phẳng bác sẽ đưa ra.
Nhìn vẻ bướng bỉnh như một đứa con trai của Lam Uyên, ông Định dằn lòng xuống khi nghĩ ông hoàn toàn chưa hiểu gì về cô, ngoài những điều Tố Nga vừa thút thít khóc, vừa nói xấu. Theo lời Tố Nga thì Lam Uyên là một con bé chuyên nghề làm tiền để hút sách. Hay là con nhỏ nầy đang muốn ông phải chi thật hậu theo yêu cầu của nó ?
Tuy nghĩ thế nhưng ông vẫn tò mò muốn biết rõ hơn về Lam Uyên, ông hỏi bằng giọng dịu dàng hơn :
– Cháu quen Duy trong trường hợp nào ?
Lam Uyên chớp mắt :
– Cháu với Hồng Linh là bạn học hồi phổ thông, anh Duy với anh Hai cháu cũng học chung ở Bách Khoa.
Ông Định hơi ngạc nhiên :
– Thì ra là như vậy. Nhưng sao tôi không hề nghe các con nhắc đến anh em cháu?
– Hồi học chung, cháu với Hồng Linh không ngồi gần và không thân nhau. Anh cháu với anh Duy chắc cũng thế. Hai ngưới mới hợp nhau khi đi làm chung đây thôi.
Ngập ngừng, Lam Uyên nói tiếp :
– Anh cháu cũng có nỗi đam mê như anh Duy, và cũng không được toại nguyện như ảnh.
Ông Định nheo nheo mắt :
– Đam mê về vấn đề gì ?
– Hai người muốn mở một trung tâm Tin Học và đều không được gia đình ủng hộ.
– Thế cháu có bao giờ suy nghĩ để hiểu xem tại sao gia đình từ chối không ?
Lam Uyên thẳng thắn đáp :
– Dạ có chớ. Chính vì vậy nên cháu không thể thuyết phục anh Duy được, theo cháu thì ước muốn của ảnh là đúng.
Ông Định trừng mắt :
– Cô dạy khôn tôi đấy à?
– Dạ cháu không dám thế. Có điều thấy anh Duy và cả anh hai cháu buồn rầu rồi uống rượu khốn khổ quá, nên cháu nói đại ý mình, để từ chối yêu cầu của bác.
Nhìn như xoáy vào Lam Uyên, ông đanh giọng :
– Từ chối yêu cầu của tôi tức là không muốn làm việc ở đây nữa. Chắc cô chưa nghĩ tới điều nầy ?
Lam Uyên gật đầu :
– Vâng, đúng là cháu chưa nghĩ tới. Nhưng nếu có nghĩ tới, cháu vẫn từ chối yêu cầu của bác. Xin phép bác cháu ra ngoài.
Nói dứt lời Lam Uyên đứng dậy bước đi. Ông Định nhỉn theo rồi dằn mạnh cây viết xuống bàn.
Bọn trẻ đời nay đứa nào cũng mất dạy hết. Trong đám đó con ông và con bé nó mê như điếu đổ, chắc là hàng cao thủ. Chúng nó không biết kính trọng và tuân thủ ý kiến cha mẹ và cả giám đốc của chúng. Để bảo vệ suy nghĩ ngông nghênh của mình, chúng chấp nhận bỏ nhà, thôi việc một cách dễ dàng.
Lẽ nào già đời, nhiều kinh nghiệm sống như ông lại thua chúng? Nhất định ông phải bắt Duy trở về nhà cho bằng được.
Ông Định chợt thở dài. Nói là nói cho vơi bực vậy thôi, chớ ông biết không phải dễ hốt lại cho đầy bát nước đã đổ.
Hôm đó nếu không bị Tố Nga nheo nhéo bên tai, khóc than kể lể, chắc ông chưa giận đến mức lớn tiếng mắng Duy, và khăng khăng đuổi anh ra khỏi nhà đâu.
Bây giờ ông biết tính sao, khi một tuần nữa vợ Ông ở Canada sẽ về tới, ông rất sợ …. nước mắt của bà, thằng Duy nắm được yếu điểm của ông nên nó nhất định làm già đây mà.
Trước đây mấy lần, vợ Ông đã đề nghị nên chiều ý, giúp vốn cho Duy, ông viện đủ lý do để từ chối, lần nầy nó làm eo bằng cách bỏ nhà đi chắc ông….thua quá. Bên vợ Ông rất giàu, cơ nghiệp nầy gây dựng lên nhờ đầu óc khôn ngoan của ông một phần, phần cơ bản quan trọng là nhờ gia tài của vợ. Ông muốn Duy cưới Tố Nga và đi theo con đường ông đã từng đi, nhưng nó không chịu thì thôi lại còn mai mỉa ông nữa. Hừ, thật là quá sức. Bộ nó không biết câu “ của chồng công vợ” hay sao chớ ? Với ông, câu tục ngữ nầy chúng chả sai, nếu ông không bỏ mồ hôi nước mắt, ngày đêm suy mưu tính kế đến bạc đầu trước tuổi, thì gia sản của vợ làm sao được nhân lên gấp bội như ngày nay.
Đúng là con ông trẻ người non dạ, bộp chộp ngu si, lý tưởng suông rỗng toẹt. Nó sung sướng từ nhỏ nên không bao giờ hiểu được, muốn có đồng tiền và cả danh vọng, ông đã phải chịu bao nhiêu đắng cay tủi nhục.
Nó không hiểu gì hết! Ông Định đứng dậy bỏ ra khỏi phòng với tâm trạng nặng nề bực dọc.