Hoa Vàng Mấy Độ

Chương 10


Bạn đang đọc Hoa Vàng Mấy Độ: Chương 10

Vi Lan ngạc nhiên khi thấy bộ dạng thất thểu của Lam Uyên. Không tía lia mồm mép như thường ngày, Uyên ngồi phịch xuống salon và nói như than :
– Cho tao ly nước đi Lan. Mệt quá.
Lam Uyên ôm đầu nhớ lại những lời đã nói với ông Định, rồi thở dài ngao ngán nghĩ tới ba mình. Cả hai ông đều không tin vào khả năng con cái. Ba cô còn tệ hơn khi nghe lời vợ kế thất hứa với anh Hưng. Kết quả anh cô đùng đùng bỏ nhà đi đến ở với Duy.
Dì Mười bảo rằng “Hai thằng thất chí ở chung với nhau, chắc sáng say chiều xỉn”.Cô không hiểu rõ lắm nguyên nhân Duy bỏ nhà. Nhưng cô nhớ cách một đêm, sau đêm cô vùng bỏ chạy để anh ngồi một mình ngoài thềm, Duy trở lại rủ Hưng đi nhậu.
Đêm ấy nhìn Duy mới dễ sợ làm sao! Dưới ánh sáng vàng mờ mờ của ngọn đèn ngoài hành lang, mặt anh lầm lì trong khác hẳn ngày thường, làm như không cần biết tới Lam Uyên, anh chắp tay sau lưng đi tới đi lui khiến cô nóng mặt và tự ái vô cùng.
Hai người kéo nhau đi tới khuya. Khi Duy thả Hưng xuống thì anh đã say mèm. Lè nhè đạp cửa rồi chân đá qua đá lại Hưng vào nhà ói một đống trước cửa phòng dì Mai, khiến bà ta lầm rầm lên giữa đêm thanh vắng. Ông Trí mắng Hưng một trận ầm ĩ chưa từng có. Thế là sáng hôm sau anh cuốn gói ra đi, chẳng thèm nghe lấy dầu một lời cô năn nỉ.
Dạo nầy Lam Uyên đang buồn đủ thứ, bây giờ lại thêm chuyện vừa xảy ra, chán phèo! Cô không muốn ở nhà ăn không ngồi rồi, xòe tay xin tiền. Khổ nỗi người làm ra tiền bây giờ đâu phải là ba, ngược lại tiền bạc đổ vào chữa trị cho ông lại nhiều nữa, nên không có việc làm thật khó cho cô. Nhưng biết sao hơn.
Đặt ly nước vào tay Lam Uyên, Vi Lan nhỏ nhẹ :
– Chuyện gì vậy ?
– Tao nghỉ làm rồi.
Vi Lan ngạc nhiên :
– Tại sao ? Tố Nga ầy nghỉ hả?
Lắc lắc đầu, Uyên uống từng ngụm nước rồi đáp :
– Tao làm đơn xin nghỉ vì thấy khó lòng quá. Ông Định, ba anh Duy đã gặp và yêu cầu tao thuyết phục ảnh trở về nhà.
– Thật vô lý khi buộc mầy như vậy. Chính vì không chịu, nên mầy mới nghỉ làm phải không ?
– Ờ! Tao cũng có tự ái chứ. Ông ta đánh giá tao thấp khi bảo rằng ông không nhờ vả suông …. Anh Duy có ông bố thực dụng và vật chất quá. Tiếc thật.
– Thì như vậy ảnh mới không hợp nên bỏ ra ở riêng. Dạo nầy, nhìn ảnh thấy tội lắm. Vừa thất chí lại cộng thêm thất tình.
Lòng Lam Uyên chợt nao nao khi nghe Lan nói tiếp :
– Trách anh phụ bạc. Tố Nga để đến với mầy là trách có một chiều. Tình yêu kỳ lạ lắm! Biết đâu từ trước đến giờ Duy chưa thật sự yêu, đến khi gặp mầy, trái tim ảnh mới thật sự rung động thì sao ? Còn mầy nữa ? Mầy cũng cảm anh chàng đến mức ra ngẩn vào ngơ chớ bộ … Cứ vì tự ái rởm làm khổ người ta, làm đau trái tim mình chi vậy ? Tao dám cá với mầy một ăn mười là anh Duy không đời nào trở lại với bà Tố Nga.
– Căn cứ vào đâu mà mầy nói như đinh đóng côt vậy ?
Vi Lan hỉnh hỉnh mũi :
– Danh ngôn tình yêu nói rằng … “Người ta không thể yêu trở lại người mình đã chán” tao căn cứ vào đó. Được chưa ?
– Dĩ nhiên là được với mầy. Còn tao thi xin hai chữ bình an. Vì tao cũng không thể yêu trở lại người đã làm mình thất vọng.
– Đúng là cố chấp. Cứng đầu. Anh em nhà mầy làm tao phát chán.
– Chán tao thôi, sao lại kéo luôn anh Hưng? Mầy mà chán ảnh nữa, chắc ảnh sống hổng nổi đâu. Ảnh từng hồ hởi khoe mà chẳng biết xấu hổ rằng “Nhờ có Vi Lan, anh mới không nản khi gặp toàn chuyện buồn”.
Mặt Lan hơi đỏ lên một chút rồi cô lại càu nhàu :
– Biết nói vậy mả cứ làm người ta lo…. bỏ nhà đi như ảnh có phải là cách giải quyết hay nhất không? Anh Duy bỏ nhà nầy để đến nhà kia cũng của anh, nhằm làm áp lực với ông bố. Còn anh Hưng bỏ nhà đến ở ké bạn bè. Hai người không giống nhau. Anh Hưng bỏ đi, sẽ mất tất cả. Còn anh Duy hả? Khi mẹ ảnh ở Canada về, anh sẽ có tất cả. Để mầy xem tao nói đúng không
Lam Uyên thắc mắc :
– Sao mầy biết mẹ ảnh về, ảnh sẽ có tất cả ?
– Tao suy đoán, vì trước đây Hồng Linh kể rằng mẹ nó cưng anh Duy khiếp lắm. Lần nầy ổng bỏ nhà đi làm áp lực, dễ gì mẹ Ổng không chiều ý.
Lam Uyên nhún vai :
– Chỉ là phỏng đoán thôi nhằm nhò gì. Như ba tao đã hứa với anh Hưng rồi, mà ổng còn nghe lời bà Mai xoay một vòng ba trăm sáu mươi độ. Xù đẹp thì sao ?
Nhìn vẻ đăm chiêu của Vi Lan, Uyên hỏi :
– Mầy biết nhà anh Hưng đang ở không ?
– Chi vậy ?
– Tao muốn gặp anh Hưng nhờ ảnh tìm việc làm khác.
Vi Lan chép miệng than :
– Mầy lại đày xác ổng rồi.
Lam Uyên đanh đá :
– Chưa gì mầy đã xót. Khiếp thật! Nếu vậy thì thôi, tao chả dám nhờ …

Vi Lan cười khúc khích :
– Nhờ thì nhờ, có gì đâu mà xót. Tao nói trước, đến đó gặp ông Duy đừng có khớp à nghen! Tao không rảnh ngồi kè kè bên mầy, bỏ mặc anh Hưng một mình đâu.
– Đúng là không biết mắc cỡ! Mầy khỏi lo, tới đó hồn ai nấy giữ. Làm gì có chuyện tao khớp bất tử vậy.
– Nếu thế chờ tao thay quần áo rồi đi. Tao có mua mì gói, lạp xưởng định đem tới cho ổng đây.
Lam Uyên gật gù :
– Thì ra mầy tiếp tay cho việc ông Hưng bỏ nhà. Chà! Ý hợp tâm đầu dữ, hèn chi dạo nầy ổng đâu thèm quan tâm đến tao nữa.
– Có tao thay mặt rồi. Không có tao, mầy dám tâm tình chuyện anh Duy – của mầy với ông Hưng không, hay cứ phải ngậm ngùi, ngọng nghịu.
Lam Uyên xua tay :
– Thôi đủ rồi, tao thua.
Vi Lan nheo mắt rồi đi vào nhà. Uyên thắc thỏm lo âu khi tưởng tượng ra lúc gặp Duy, dô có giữ được thái độ lí lắc, nghịch ngợm thường ngày không? Hay cứ ngồi trơ ra như tượng mặc cho đôi mắt dễ ghét của anh nhìn ngắm.
Lam Uyên áp sát mặt vào lưng Vi Lan, cô để mặc gió chiều thổi tung mái tóc ngắn của mình. Ngoài phố bao giờ cũng đông vui. Trước đây khi ngồi phía sau cho Lan chở, Uyên lúc nào cũng xoay qua xoay lại ngó toi ngó lui, nhìn ngắm, trêu đùa chớ đâu chịu ngồi yên như ốm sắp chết thế nầy.
Bất giác cô thở dài. Gia đình cô thay đổi, cuộc sống không phẳng lặng như lúc chưa có dì Mai, nó càng sóng gió hơn nữa từ khi ba cô nằm một chỗ. Đến giờ thì anh Hưng giận dỗi bỏ đi, về nhà cô chỉ biết nói chuyện với dì Mười chớ không thể ngồi lâu bên ông Trí được. Giữa ba cô và các con có một khoảng cách thật lớn, đến mức ông nằm bệnh, anh em cô rất thương nhưng vẫn không vì tình thương đó mà gần gũi ông hơn nữa.
Phải tại anh Hưng có Vi Lan, còn cô thì bận nhớ vu vơ, buồn lãng đãng về một mối tình không trọn vẹn, nên tình cảm đối với ba cũng bị san sẽ bớt không?
Lam Uyên cứ rối bời cùng bao nhiêu suy nghĩ. Cô im lặng mãi đến nỗi Vi Lan phải ngạc nhiên :
– Làm gì câm như thóc vậy…. con?
Lam Uyên chán nản:
– Tao lười nói quá Vi Lan à! Phải chi ba tao thương yêu tụi tao như ba mầy thì sướng biết mấy. Và phải chi tao có mẹ nhỉ ?
Vi Lan cắc cớ thêm vào :
– Thực tế nhất là phải chi mầy có người yêu để anh ta cùng vui buồn, cùng ngông, cùng… cà chớn với mầy.
– Bộ tao cà chớn lắm hả ?
Nhún vai, Vi Lan bảo :
– Không cà chớn lắm, nhưng đủ để ông Duy “đâu cái điền” thôi.
Lam Uyên nhăn nhó :
– Đừng nhắc tới ảnh nữa.
Vi Lan vẫn không tha :
– Biết sợ hả? Nếu biết sợ thì thôi, mình về vậy.
– Tao đến tìm anh Hưng chớ có tìm anh Duy đâu. Mầy cứ đùa dai mãi. Khổ quá.
Giọng Vi Lan nghiêm lại :
– Bây giờ không đùa nữa. Tao thấy mầy không nên để Duy buồn hơn nữa lúc nầy, lúc ảnh đang thất chí và rất cần người an ủi, động viên.
Lam Uyên dửng dưng :
– Việc đó của Tố Nga, sao lại gán cho tao ?
Vi Lan gắt:
– Mầy cố chấp quá Uyên à! Tự mầy làm khổ mầy và Duy thôi. Phải chi ảnh không tha thiết nghĩ tới mầy, tao chẳng bàn vô đâu. Đằng nầy anh không còn yêu được Tố Nga và đang gặp nhiều chuyện buồn, mầy cứ ngang như cua, thích nói một cách vô tình, độc ác cho hả lòng …. hận vì yêu….
– Tao không yêu Duy! Không hề yêu chút nào.
– Tốt! Nếu vậy mầy càng dễ an ủi, động viên Duy lúc nầy hơn ai hết. Mầy vẫn có thể hướng trái tim đang … lạc nẻo của Duy trở về lại bến … Tố Nga mà! Nếu làm được như vậy lương tâm mầy chắc sẽ thảnh thơi chớ không nặng nề, u uất như bây giờ đâu.
Lam Uyên cười nhạt :
– Mầy thách tao đấy à?
– Đâu có, tao chỉ đưa ra một ý kiến theo ý của mầy thôi.
Lam Uyên giận dỗi :
– Tao không tìm anh Hưng nữa đâu. Chở tao về đi.

Vi Lan kêu lên :
– Giỡn hoài, tới rồi đây nè.
Nói dứt lời cô ngừng xe trước một ngôi nhà sát đường. Thấy Uyên lưỡng lự, Lan ra lệnh :
– Xuống nhấn chuông đi chớ.
Tủm tỉm cười, cô phán một câu :
– Hay là sợ gặp Duy, trái tim nước đá của mầy tan ra, thì tao chở cho về.
Không thèm nói một lời, Lam Uyên bước tới, một tay cô chống nạnh, một tay chống vào chuông, mặt hất lên trời trông thật dễ ghét :
Vi Lan cười thành tiếng :
– Hai ông tướng ấy đang tá hoa? vì tiếng chuông gọi hồn của mầy đấy.
Quả nhiên đúng như lời Vi Lan nói, Hưng mở cổng thò gương mặt hốt hoảng ra rồi thở phào trước khi la lên :
– Trời ơi, đủ rồi Uyên. Em chơi trò gì khiếp vậy ? Đây không phải là nhà anh đâu.
Rồi anh lẹ làng bước ra dẫn xe cho Vi Lan, giọng ngọt ngào khiến Uyên thấy tủi thân :
– “Vi Lan ơi !” là em đã xuất hiện rồi. Y như trong truyện thần thoại không bằng.
– Lam Uyên muốn gặp anh, em đưa nó đi cho biết nhà.
Hưng đóng cổng lại, anh vừa đi vào vừa càu nhàu :
– Ba bảo em đến gọi anh về à? Anh không về đâu.
Lam Uyên cười buồn :
– Làm gì có chuyện đó.
Thấy mặt Hưng hơi cáu lại, cô liền nói thêm :
– Em đến thăm anh không được sao ?
Hưng cười gượng, anh ân hận khi đổ trút vào Lam Uyên những giận dỗi lâu nay, trong khi em gái anh chẳng có lỗi gì cả.
Dịu giọng lại, anh nói :
– Vào nhà đi, anh nấu cơm cho ăn.
Vi Lan nhìn quanh rồi nói :
– Anh Duy đâu ?
– Nó vừa đi với Tố Nga.
Tự dưng Lam Uyên bải hoải khi nghe Hưng trả lời Vi Lan. Cô ngồi xuống ghế với vẻ thất vọng không giấu ai được.
Chẳng chú ý đến nét mặt khác thường của Uyên, Hưng cộc lốc hỏi :
– Ba khỏe không ?
– Cũng bình thường, ba ngồi đây một mình được rồi.
– Còn bà ta thì sao ?
Lam Uyên nhún vai :
– Đi suốt từ sáng đến chín giở đêm. Có người đưa đón bằng xe du lịch đời mới xịn lắm! Em chẳng biết ba có buồn khi thấy vậy không nữa.
Hưng nhếch môi mai mỉa :
– Ba tin tưởng hoàn toàn vào bà ta, thì sao buồn được. Chẳng biết công ty dịch vụ du lịch gì gì đó khai trương chưa ?
Lam Uyên đều đều giọng :
– Cách đây mấy ngày, dì Mai có đưa về giới thiệu với ba một người Đài Loan, ông ta là giám đốc công ty Hoa Lan, người mướn lại khách sạn của mình để đặt văn phòng làm việc. Chả biết hai bên nói với nhau những gì, mà em thấy ba và dì Mai phấn khởi lắm. Dì Mai sẽ làm phó giám đốc cho công ty nầy đó. Xem như mộng của anh đi đứt rồi. Vì dầu sao làm ăn với người nước ngoài ba vẫn có cảm giác an toàn hơn giao toàn bộ cho anh.

Vi Lan lên tiếng cắt ngang lời Lam Uyên :
– Anh đang nấu cơm hả ?
– Anh mới vo gạo thôi, tụi em ở lại ăn cơm nha.
Giọng Vi Lan nũng nịu :
– Cho tụi em ăn cơm với gì đây ?
– Ồ thì hột vịt chiên, dưa leo, nước tương. Nếu muốn có canh thì qua bên kia đường mua thêm tô nước phở. Bọn anh lẹ làng, nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi lắm.
Nghiêng nghiêng đầu, Vi Lan nói :
– Để em nấu cơm cho. Nhỏ Uyên có việc muốn nói với anh đó.
Không đợi Hưng hói thêm, Vi Lan biến ngay sau cửa bếp. Điệu nầy chứng tỏ cô đã đến đây nhiều lần. Lam Uyên bỗng ganh ganh với hạnh phúc Vi Lan đang có. Con bé đang là chỗ dựa tinh thần an ổn nhất cho anh Hưng. Xem ra ảnh … sướng hơn Uyên lúc nầy nhiều.
– Có chuyện gì hả Uyên ?
Lam Uyên chớp mắt và nói ngay không cần rào đón :
– Anh tìm cho em một chỗ làm khác đi. Em quyết định nghỉ chỗ nầy rồi.
Hưng trợn mắt :
– Cái gì? Nghỉ chỗ nầy rồi! Tại sao lại nghỉ ? Bộ em tưởng dễ tìm việc lắm hả?
Giọng Lam Uyên thiểu não :
– Em biết là khó tìm việc lắm, nhưng em không làm ở đó nữa.
– Tại sao ? Chỗ đó Duy giới thiệu, bây giờ em nghỉ ngang phải mất mặt nó không? Rồi anh nữa, anh sẽ ăn nói với nó thế nào đây ?
– Anh không cần nói gì với ảnh hết, để đó em nói. Nhưng anh phải tìm việc khác cho em.
Hưng gắt:
– Tìm việc khác để rồi em lại nghỉ nữa hả ? Anh muốn biết lý do em bỏ chỗ đó trước đã.
– Tại em không thích.
– Hừ! Chắc gây gổ, đụng chạm với ai rồi chớ gì ? Nói thật, anh cũng sợ tính nết của em luôn. Con gái mà không biết nhường nhịn ai hết. Ra đời như thế chỉ chuốc thất bại vào thân. Nghỉ việc cũng là một thất bại rồi.
Lam Uyên ôm đầu ngắt lời Hưng :
– Tóm lại anh có chịu xin việc khác cho em không thì nói đại đi. Rầy rà hoài em chịu hết nổi rồi.
Hưng giận lắm, nhưng thấy điệu bộ khổ sở của Lam Uyên, anh cố dằn xuống :
– Tìm là bổn phận của anh, còn có việc hay không, anh không hứa chắc.
Rồi không nhịn được tức, anh bảo :
– Em làm anh thất vọng quá! Ỷ lại vào người khác là thói xấu. Em thử tự tìm việc cho đúng sở thích của mình đi. Chờ anh chắc lâu lắm đó, vì anh chả quen biết bao nhiêu người đâu.
Lam Uyên nói lẫy :
– Vậy em về xin dì Mai cho em vào làm nhân viên ở công ty du lịch của dì, để anh khỏi mất công.
Hưng làu bàu :
– Ý kiến hay đó! Vào đấy làm, sẵn quản lý bả dùm ba luôn.
Chẳng thèm nhìn tới Uyên, Hưng bỏ xuống bếp với Vi Lan :
Ngồi lại một mình, Lam Uyên không biết nên tự trách mình ngông cuồng, hay trách anh Hưng không lo cho em gái. Thái độ vừa rồi chứng tỏ anh giận cô. Dẫu sao Hưng cũng đang buồn bực, cô không đem niềm vui đến cho anh thì thôi, lại làm anh lo nghĩ thêm. Uyên phải tự trách mình thì đúng hơn.
Buồn bã lật những tờ lịch treo tường lên xem. Hết hình, Lam Uyên định lần vào trong, cô nghe mùi cơm khê, nên vội bước tới bếp.
Thấy Hưng và Vi Lan mê mải hôn nhau, Uyên liền leo lên cầu thang và… chõ miệng xuống hét.
– Cơm khét rồi !
Nói xong cô nhảy thật nhanh lên lầu để khỏi thấy mình đang lẻ loi một mình. Đẩy đại cánh cửa, cô ló đầu vô. Có lẽ đây là phòng của Duy, Uyên thấy cái áo màu xanh của anh máng trên ghế.
Uyên chớp mắt bâng khuâng. Cô bước đến bàn và cầm chiếc thiệp mừng sinh nhật lên. Nó đã bị xé đôi và không phát nhạc nữa. Chắc Tố Nga làm việc nầy. Lam Uyên xúc động đọc những dòng thơ Duy ghi trong đó, rồi vội vã bỏ ra đi.
Có ai trong phòng đâu mà cô sợ. Có ai nhìn thấy đâu mà cô nóng bừng đôi má, rộn rã nhịp tim. Cái thiệp bị xé rồi, và cuộc tình ấy chả còn gì nữa. Như một người mộng du, Lam Uyên bước lên sân thượng. Gió trên tầng cao lồng lộng đến dễ sợ. Ngồi xuống chiếc ghế mây, Uyên vòng tay tự Ôm mình cho đừng lạnh và đừng cô đơn.
Giờ nầy chắc Duy đang êm ấm bên Tố Nga. Anh đã quên có lần nói rất nhớ em. Anh đã quên có lần đã hôn vội hôn vàng lên trán lên tóc em. Anh đã quên thật rồi sao ? Nếu không, anh đâu về với Tố Nga.
Lam Uyên cắn môi.
Bây giờ không một ai nhớ đến cô hết. Ba đã có dì Mai, và dì Mai là quan trọng nhất. Anh Hưng đang vui bên Vi Lan, vui đến mức cơm khét cũng chẳng biết. Chỉ một mình giữa thinh không như Lam Uyên bây giờ, mới thấm thía thế nào là cô đơn để nhớ tới người nầy, nghĩ tới người khác thôi.
Bước tới sát lan can nhìn xuống đường, Lam Uyên buông tay búng chiếc lá khô nằm một mình. Chiếc lá cô đơn có khác gì Uyên lúc nầy, có khác chăng nó đang rơi rơi, còn cô cứ đứng yên một chỗ nhìn cuộc đời xoay chuyển.
Cái ngã rớt tuyệt vời ấy chắc nhẹ nhàng lắm.
Lam Uyên chồm người ra ngoài nhìn theo chiếc lá. Đang mê mãi dõi theo đường rơi của nó, Lam Uyên hết hồn buông cả tay vịn vì một sức kéo thô bạo khiến cô bật ra sau….

– Em làm gì vậy Uyên ? Bộ muốn chết hả ?
Duy ôm Lam Uyên chặt cứng, cô vùng ra không được đành đứng yên trong vòng tay anh, đầu óc ngẩn ngơ khi nghe anh xúc động nói :
– Em làm anh suýt đứng tim vì lo sợ. Nếu em rơi xuống đất, không biết anh sẽ ra sao ?
Trấn tĩnh lại, Uyên đẩy anh ra :
– Đâu có chuyện gì để em phải làm thế.
– Ai mà biết được con bé ngông cuồng và ngu ngốc như em suy nghĩ gì cơ chứ.
Rồi Duy kéo cô đi theo mình về phía chiếc ghế đá gần đó :
– Ngồi xuồng đây cái đã.
Xoay vai Uyên lại, nhìn cô, Duy hỏi :
– Cho anh biết tại sao em nghỉ việc ?
Lam Uyên ấm ức :
– Tại anh chớ tại sao ? Điều nầy chắc anh nghe Tố Nga nói rồi, hỏi em làm gì nữa.
– Anh không nghe ai ngoài Hưng vừa nói hết. Có phải ba anh đã gặp em không Uyên ?
Lam Uyên làm thinh, cô yếu đuối hẳn đi trước đôi mắt của Duy, bao nhiêu lời chua ngoa, đanh đá cô định sẽ nói với anh cho hả bỗng bay đâu mất.
Gió vẫn ào ào quanh hai người Những chiếc lá khô lạc loài rơi trên sân thượng vẫn theo gió tìm ra đường bay của mình. Trái tim bướng bỉnh luôn tìm cách chối bỏ tình yêu của Lam Uyên đã tìm thấy chỗ dựa, lần nầy nó không bướng được nữa rồi.
Duy vụng về vuốt tóc Uyên bằng những ngón tay mình. Anh không nói năng chi và cũng không buông cô ra. Dường nhu anh sợ cô sẽ trở chứng, sẽ bay mất hay sao ấy.
Không nghe một lời yêu, không nghe một câu tỏ tình nhưng Lam Uyên mềm như chiếc lá rủ trong tay anh. Cô bàng hoàng với những cảm xúc trào dâng. Cô thổn thức với những điều đáng có. Và cô biết mình không thể dối lòng mình nữa.
Duy bồi hồi vuốt tóc Lam Uyên.
– Dù ba anh nói gì đi chăng nữa, anh vẫn thương nhớ em. Khi bước ra khỏi nhà, anh nhất định phải đạt được mong ước của mình. Trong giấc mộng đó không thể nào thiếu em.
Lam Uyên trầm tư :
– Làm sao để được bên nhau, khi hiện tại chúng ta gặp khó khăn đủ thứ. Em nghĩ anh nên về nhà, bác Định sẽ đồng ý việc anh đòi hỏi đó.
Duy cười khẽ :
– Có thể như vậy, nhưng ngược lại anh phải cưới Tố Nga đúng theo ngày đã định.
– Nếu là anh, em sẽ đồng ý làm thế vì dầu sao cũng hơn không sự nghiệp, không vợ con.
Siết Lam Uyên trong tay, Duy mê mải nói :
– Anh có em là đủ rồi. Anh vẫn linh cảm em sẽ là vợ anh Uyên à! Nhất định anh sẽ biến linh cảm ấy thành hiện thực.
– Bác Định không để anh làm được điều nầy đâu.
Duy nghiêm nghị nâng cằm Lam Uyên lên :
– Anh là người tự do không bị ràng buộc bởi gia đình. Anh chỉ lo em không yêu anh thôi, còn những áp lực khác anh coi như không có.
Thấy Lam Uyên thở dài, Duy liền hỏi :
– Không tin lời anh sao ?
Gục đầu vào ngực anh, cô khổ sở :
– Em không biết nữa. Nhưng rõ ràng anh không được gì hết khi yêu em, mà với đàn ông sự nghiệp là quan trọng bậc nhất. Em không muốn anh vì em mà….
Duy để tay lên môi Uyên ngăn không cho cô nói tiếp. Anh lắc đầu, trầm giọng :
– Không có em, cho anh làm vua, anh cũng không thèm.
– Nhưng còn Tố Nga, anh đâu thể để chị ấy đau khổ, em cũng vậy, em luôn bị dày vò khi nghĩ nếu mình là chỉ mình sẽ sống làm sao nổi.
Duy thong thả nói :
– Tố Nga vẫn sống nổi vì cô ta không phải mẫu người như em. Mục đích sống và yêu của Nga không giống em.
Lam Uyên vẫn không chịu để Duy yên :
– Vậy tại sao trước đây anh yêu Tố Nga?
– Anh không trả lời được, vì anh không muốn là kẻ ngụy biện.
Rồi nhìn thẳng vào mắt Uyên, Duy nói :
– Đừng nhắc về chuyện cũ nữa. Nó đã như vậy rồi, không cách gì khác hơn đâu. Bây giờ đến chuyện của mình, anh muốn biết ba nói gì với em?
– Bác yêu cầu em thuyết phục anh trở về nhà, nếu đồng ý bác sẽ rất sòng phẳng chớ không chỉ nhờ vả suông. Em cũng rất sòng phẳng, do đó em xin nghỉ, vì biết mình không thể đáp ứng yêu cầu của bác.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.