Hiệp Cốt Đan Tâm

Chương 15: Một mình một kiếm một chén rượu Khách lễ lầu cao lòng muôn nơi


Đọc truyện Hiệp Cốt Đan Tâm – Chương 15: Một mình một kiếm một chén rượu Khách lễ lầu cao lòng muôn nơi

Kim Trục Lưu bước tới trước mặt Cung Bỉnh Phan, nhẹ nhàng: “Cung hương chủ, không ngờ ông cũng tới đây”.

Cung Bỉnh Phan hờ hững: “Đúng thế, thật là may mắn. Đa tạ ngươi đã rút đaotương trợ”.

Kim Trục Lưu: “Trước đây tôi không biết ông, đã có điều đắc tội. Nay chúng
ta có thể kết bằng hữu. Tiểu đệ họ Kim, tên là Trục Lưu”. Lần trước Cung Bỉnh Phan bại trong tay chàng, đã từng hỏi tên chàng, lúc đó Kim Trục
Lưu vẫn coi y là kẻ đối địch, không chịu nói tên thật cho y biết.

Cung Bỉnh Phan cầm kiếm vái dài: “Cung mỗ đa tạ ơn cứu giúp của các hạ, nay
xin hủy cái hẹn tỷ kiếm vào ba năm sau. Xin cáo biệt ở đây!”

Kim Trục Lưu ngỡ ngàng: “Chả lẽ ông vẫn còn chưa hết giận ư? Nếu ông muốn
lấy tảng huyền thiết này tôi có thể tặng cho ông. Nửa đường gặp chuyện
bất bình rút đao tương trợ là điều đương nhiên, ông không cần nói những
lời khách sáo”. Hà lão đại đứng một bên nghe chàng nói đến tảng huyền
thiết, mặt không khỏi ngạc nhiên, mắt chú ý đến cái tráp của chàng, tựa
như muốn nói điều gì đó nhưng lại thôi.

Kim Trục Lưu là người
phóng khoáng, nhiều tình cảm. Khi chàng thật lòng muốn kết giao bằng hữu với đối phương, chàng có thể hy sinh tất cả mọi thứ, tảng huyền thiết
tuy là báu vật hiếm có trên đời, nhưng chàng cũng không màng đến. Nhưng
Cung Bỉnh Phan nghe thế thì tưởng rằng chàng mỉa mai mình, vì thế y nói: “Đúng thế, Cung mỗ đã từng muốn cướp tảng huyền thiết này, nhưng phải
dựa vào bản lĩnh thật sự! Bản lĩnh của các hạ hơn ta, ta biết không xứng lấy vật này, sao các hạ còn mỉa mai ta?”

Kim Trục Lưu thở dài:
“Ồ, chỉ vì tại hạ vụng ăn nói nên mới làm mất lòng lão huynh. Tại hạ chỉ muốn có ý kết giao, lão huynh đừng hiểu nhầm”. Cung Bỉnh Phan lạnh
lùng: “Kim huynh hạ mình kết giao, tiểu đệ nào dám trèo cao!” Nói xong
thì quay người bỏ đi. Hà lão đại muốn nói lời cảm tạ cũng đã không kịp
nữa.

Kim Trục Lưu bảo: “Người này tuy kiêu ngạo nhưng cũng rất
cứng cỏi”. Lòng thầm nhủ: “Y đã từng bại dưới kiếm của mình, chả trách
nào hiểu nhầm như thế. Tục ngữ nói lâu ngày sẽ thấy lòng người, sau này y sẽ biết con người của mình, lúc đó mình sẽ lại giải thích với y”.

Cha con Hà lão đại bước đến bái tạ ơn cứu mạng của Kim Trục Lưu, đôi bên
hỏi tên nhau, Kim Trục Lưu mới biết người cha tên là Hà Kiện Hùng, người con gái tên Hà Thái Phượng.

Kim Trục Lưu nói: “Hà đại thúc, ông đang bị thương, ở đây có một viên tiểu hoàn đơn, ông hãy uống vào”.

Hà Kiện Hùng cả kinh: “Đây là Hà hoàn đơn của phái Thiếu Lâm, tôi làm sao dám nhận viên linh đơn này?”

Kim Trục Lưu: “Một vị thế bá của tôi đã đánh cắp viên thuốc này, ông hãy cứ dùng, tôi vẫn còn rất nhiều”.

Hà Kiện Hùng là một hán tử giang hồ phóng khoáng, nghe chàng ít như thế
thì cũng không khách sáo, cầm viên tiểu hoàn đơn nuốt rồi cảm tạ: “Ơn
lớn không thể không trả, sau này Kim công tử nếu cần dùng đến tiểu nhân, Hà mỗ nhất định sẽ dốc hết sức mình. Chúng ta hãy rời khỏi nơi thị phi
này”.

Kim Trục Lưu nói: “Chúng ta đã đánh bọn chúng tơi bời hoa
lá, chả lẽ bọn chúng còn dám tới?” Cha con Hà Kiện Hùng thu dọn đồ đạc,
vội vàng bỏ đi, Kim Trục Lưu tuy ngạc nhiên cũng chỉ đành cầm tảng huyền thiết đi theo.

Hà Kiện Hùng không bị nội thương, sau một hồi
nghỉ ngơi, lại uống một viên tiểu hoàn đơn cho nên bước chân đi nhưng
bay. Khinh công của Hà Thái Phượng cũng không kém, nàng cứ đi sát theo
sau cha như hình với bóng. Nhưng Kim Trục Lưu chạy càng nhanh hơn, chỉ
trong chớp mắt đã vượt tới trước mặt họ.

Hà Kiện Hùng biết trong tay chàng đang cầm tảng huyền thiết, theo kinh nghiệm giang hồ của y,
vừa nhìn đã biết tảng huyền thiết này rất nặng nề mà mình lại không đuổi kịp chàng, có lúc chàng phải chậm nước mình mới đuổi kịp theo, trong
lòng rất ngạc nhiên, bội phục.

Ba người thi triển khinh công
chạy một mạch đến hơn hai mươi dặm, vòng qua núi Thiên Phật, ra khỏi
thành Tế Nam. Hà Kiện Hùng mới thở phào: “Chúng ta có thể nghỉ ngơi”.

Kim Trục Lưu hỏi: “Gã công tử ấy là ai, sao lại ngang ngược đến thế? Hai
tên bảo tiêu của y nổi tiếng trên giang hồ, sao lại chịu nghe theo y?”

Hà Kiện Hùng cười nói: “Y là con trai yêu quý của Tào Chấn Dung”.

Kim Trục Lưu lại hỏi: “Tào Chấn Dung là ai?”

Hà Kiện Hùng ngạc nhiên: “Kim công tử không biết Tào Chấn Dung là đại học
sĩ ở Văn hoa điện, y là tướng quốc thời nay! Trong triều có hai người
làm tướng quốc, người Mãn là Mục Chương A, người Hán là Tào Chấn Dung.
Về quyền bính thì Mục Chương A hơi lớn hơn, nhưng Tào Chấn Dung là kẻ
biết nịnh bợ, nối giáo cho giặc, chuyên môn nghĩ cách giúp cho hoàng đế
Thát Đát chèn ép người Hán, tội ác chẳng kém gì Mục Chương A”.

Vào thời Thanh tướng quyền phân tán, trong cơ vụ tán lý, chức nội các đại

học sĩ đứng đầu trăm quan, tựa như tể tướng thời xưa. Vào đầu thời Thanh chế độ quy định, đại học sĩ được chia cho hai người, một Hán một Mãn.
Nhưng thực quyền đa phần nằm trong tay đại học sĩ người Hán.

Kim Trục Lưu nói: “Té ra là thế. Tôi từ hải đảo về không bao lâu, không biết chuyện này.

Hà Kiện Hùng nói: “Đứa con yêu quý này của Tào Chấn Dung hoành hành ngang
ngược khắp nơi. Y lại thích luyện võ công, cho nên trong phủ có rất
nhiều nhân vật giang hồ tham công danh phú quý, bọn chúng cũng là tai
mắt của triều đình”.

Kim Trục Lưu gật đầu: “Biết sớm như thế, ta đã trừng trị y một trận. Được, đến Bắc Kinh ta sẽ tìm Tào Chấn Dung”.

Hà Kiện Hùng hỏi: “Kim công tử đến Bắc Kinh ư?”

Kim Trục Lưu đáp: “Đúng thế”.

Hà Kiện Hùng nói: “Có phải liên quan đến lễ mừng thọ của Tát tổng quản không?”

Kim Trục Lưu ngác nhiên: “Sao ông biết?”

Hà Kiện Hùng: “Xin hỏi có phải công tử cướp tảng huyền thiết từ tay Lục Hợp bang hay không?”

Kim Trục Lưu đáp: “Đúng thế. Té ra ông cũng biết lai lịch của tảng huyền thiết này”.

Hà Thái Phượng vừa lo vừa mừng: “Đây có phải tảng huyền thiết Sử Bạch Đô
định tặng cho Tát tổng quản không? Có thể cho tôi mở rộng tầm mắt
không?”

Kim Trục Lưu nói: “Được thôi, nhưng cô nương phải cẩn thận, tảng huyền thiết này rất nặng!”

Hà Thái Phượng vừa cầm tảng huyền thiết thì suýt nữa đã đánh rơi, luôn
miệng khen: “Quả nhiên là vật báu! Chuỗi dạ minh châu kia tuy giá trị
liên thành nhưng kém xa tảng huyền thiết này!” Hà Kiện Hùng cười bảo:
“Không, Tát Phúc Đỉnh chỉ thích dạ minh châu”. Hà Thái Phượng nói: “Cha
nới phải”. Thần sắc lộ vẻ buồn bã, thế rồi nàng đưa trả tảng huyền thiết cho Kim Trục Lưu.

Kim Trục Lưu thầm nhủ: “Hình như họ hiểu hết
chuyện trong Lục Hợp bang, không biết có mối liên hệ gì?” Đang định hỏi, Hà Kiện Hùng đã nói: “Kim công tử, tôi muốn hỏi một người. Ngài có biết trong Lục Hợp bang có một người tên Lý Đôn không?”

Kim Trục Lưu đáp: “Tôi và y là bằng hữu đồng đạo”

Hà Thái Phượng vội vàng hỏi: “Nói như thế, ngài quen biết với y, nhưng không biết là bằng hữu như thế nào?”

Kim Trục Lưu cười ha hả: “Y đánh cắp minh châu, ta đánh cắp huyền thiết, ta và y chính là đồng đạo, là đều đánh cắp vật của Lục Hợp bang, nhưng y
đã ném chuỗi minh châu xuống đầm sâu, không may mắn như ta”. Thế rồi
liền kể lại chuyện hôm trước ở núi Tồ Lai.

Hà Kiện Hùng nói:
“May mà có Kim công tử giúp y, ta đang lo lắng y sẽ bị người Lục Hợp
bang bắt về, không biết y hiện nay đang ở đâu?”

Kim Trục Lưu
bảo: “Sau khi chia tay ở núi Tồ Lai, tôi không biết tin tức của y nữa.
Nhưng ông hãy yên tâm, Lục Hợp bang hiện nay đang lo rất nhiều chuyện,
nào là phải tìm lễ vật khác dâng lên cho Tát Phúc Đỉnh, lại còn phải tìm em gái của bang chủ, cướp lại tảng huyền thiết này, làm sao rảnh rỗi đi tìm Lý Đôn? Huyền thiết quý hơn minh châu, vả lại tôi cũng chẳng giấu
giếm hành tung, người của Lục Hợp bang muốn tìm chúng trước tiên phải
đối phó tôi!”

Hà Kiện Hùng gật đầu: “Đúng thế, công tử đã đánh
cắp tảng huyền thiết này, coi như đã yểm hộ Lý Dồn. Nhưng như thế ngài
sẽ gặp nhiều nguy hiểm, cha con chúng tôi cũng ái ngại lắm”.

Kim Trục Lưu lắc đầu: “Tôi không sợ Lục Hợp bang, Sử Bạch Đô không đến tìm
tôi, tôi cũng muốn tìm y. Hà đại thúc, ông quan tâm Lý Đôn như thế,
không biết y là người thế nào với ông?”

Hà Thái Phượng đỏ ừng
mặt, cúi đầu không nói. Hà Kiện Hùng nói: “Đối với ân công còn sợ gì?
Không dám giấu gì, Lý Đôn là tiểu tế. Y và nha đầu nhà tôi đã tự đính
thân, định năm nay sẽ cho bọn chúng hoàn hôn, không ngờ lại xảy ra
chuyện Lục Hợp bang”.

Kim Trục Lưu đắc ý, cả mừng kêu lên: “Thật hay lắm!” Hà Thái Phượng hổ thẹn đến nỗi đỏ ửng mặt. Nhưng nàng chỉ
nghĩ Kim Trục Lưu mừng cho mình chứ không biết Kim Trục Lưu mừng cho bản thân chàng. Kim Trục Lưu cứ tưởng Lý Đôn là ý trung nhân của Sử Hồng
Anh, nay mới biết hoàn toàn là hiểu lầm.

Hà Kiện Hùng nói:
“Phượng nhi biết chuyện này đã rất lo lắng, không gặp Lý Đôn nó không
yên tâm. Cho nên tôi chỉ đành đưa nó đi tìm. Vì muốn y dễ dàng nhận tin, chúng tôi đã cải trang thành người kể chuyện sách”.


Kim Trục
Lưu: “Hay lắm? Cô nương cứ hát như thế sẽ dụ được Lý Đôn lộ diện đấy”.
Hà Thái Phượng nhoẻn miệng cười: “Ân công đừng nói đùa”.

Kim
Trục Lưu bảo: “Tôi sẽ đến Bắc Kinh, các người cũng tìm Lý Đôn, chúng ta
hãy lên đường thôi. Hà cô nương, nếu gặp Lý Đôn, xin cho tôi gởi lời
thăm”.

Kim Trục Lưu đang sung sướng trong lòng, đi đường cũng
rất nhanh, tuy mang theo tảng huyền thiết nặng nề, nhưng một ngày đã đi
hơn ba trăm dặm, đến trưa hôm sau thì đã vượt qua sông Hoàng Hà, đến Vũ
Thành.

Vũ Thành nằm ở bờ bắc sông Hoàng Hà, tương truyền là một
thành trì được xây dựng vào thời vua Đại Vũ trị thủy. Trong thành có một tòa tửu lầu nổi tiếng tên gọi là lầu Nghi Liêu, nghe nói người nấu rượu đầu tiên trong lịch sử là bề tôi của vua Đại Vũ tên gọi Nghi Địch, ông
ta nấu ra rượu, “vua Vũ nếm và khen, sau đó dần xa Nghi Địch”. Tuy vua
Vũ xa lánh Nghi Địch, nhưng phương pháp nấu rượu đã được truyền ra dân
gian. “Người Hạ thích uống rượu”, “Hạ” là quốc hiệu của vua Đại Vũ,
trong sách sử cũng có ghi chép. Tòa lầu Nghi Liêu này có ý nghĩa kỷ niệm Nghi Địch. Về sau đã trở thành một danh thắng ở Vũ Thành.

Tòa
tửu lầu cao hơn nhà cửa trong thành, khách có thể đứng trên lầu ngắm
nhìn Hoàng Hà, nhớ lại công đức của vua Đại Vũ. Kim Trục Lưu đến Vũ
Thành, đương nhiên cũng đến lầu Nghi Liêu uống rượu.

Hôm nay
trên tửu lầu khách rất ít, người địa phương quen đến tối mới uống rượu,
Kim Trục Lưu đến tòa tửu lâu vào buổi trưa, chỉ có một mình chàng là
khách. Kim Trục Lưu càng vui mừng hơn, nghĩ bụng không ai quấy nhiễu nhã hứng của mình, đang định uống một trận cho thỏa thích, vì thế cẩn thận
đặt tảng huyền thiết xuống gầm bàn.

Kim Trục Lưu làm thế là để
tránh bị người ta để ý, may mà ván lầu rất dày cho nên có thể chịu nổi,
vậy mà khi đặt xuống cũng phát ra tiếng động. Tên tửu bảo thấy thì rất
ngạc nhiên thầm nhủ: “Sao cái tráp này nặng nề đến thế?” Nhưng y nghĩ
trong tráp cũng chẳng có thứ gì quý giá cho nên cũng quên bẵng đi.

Kim Trục Lưu vừa ngồi uống rượu vừa ngắm sông Hoàng Hà, chỉ thấy sóng đục
ngầu cuồn cuộn, trời nước giao nhau, so với sông Trường Giang thì hùng
vĩ hơn, Kim Trục Lưu chìm đắm trong suy nghĩ bất giác đã uống được một
nửa bình rượu. Tửu lượng của Kim Trục Lưu không mạnh lắm, uống nửa bình
rượu đã ngà ngà say, chàng đưa mắt nhìn sông Hoàng Hà, cảm xúc trong
lòng trỗi lên, dựa lan can lầu ngâm rằng: “Tam thiên niên sự tàn nha
ngoại, vô ngôn quyện bằng thư thụ. Thệ thủy di xuyên, cao lăng biến cốc, na thức đương thời thần Vũ?” Đây là bài từ do nhà làm từ thời nhà Tống
tên gọi Ngô Mộng Song sáng tác khi lên thăm lăng vua Võ. Lăng vua Võ nằm ở núi Cối Kê ở huyện Thiệu Hưng, miền Triết Giang, cách Vũ Thành ở Sơn
Đông không đến ngàn dặm, nhưng bài thơ này hợp với cảnh vật trước mặt,
vì nó nói lên cảm xúc trong lòng chàng lúc này.

Vua Đại Vũ trị
thủy là chuyện ba ngàn năm trước. Ba ngàn năm trôi qua đã có nhiều thay
đổi, chuyện xưa chìm vào dĩ vãng chẳng còn chút tông tích. Dòng sông năm xưa không biết đã mấy phen thay đổi, núi cao chập chùng có lẽ cũng đã
thành thung lũng. Mặc dù công tích của Đại Vũ dẫu nay chẳng còn dấu vết
nữa, nhưng công vạn thế của ngài vẫn nằm sâu trong lòng của người đời.
Câu thơ “Na thức đương thời thần vũ” hàm chứa ý tứ của cả hai mặt. Kim
Trục Lưu nhớ lại bậc hiền thánh ngày xưa, lòng thầm nhủ: “Hễ ai làm
chuyện tốt cho trăm họ, trăm họ sẽ không quên người đó. Sức lực mỗi
người có khác nhau, mình tuy không bằng Đại Vũ, nhưng cũng nên học theo
cách của ngài làm chút chuyện tốt cho trăm họ”.

Kim Trục Lưu suy nghĩ miên man, đã uống mấy chén rượu, rồi ngâm đoạn tiếp theo: “Tịch
liêu tây song tọa cửu, cố nhân kiêm hội ngộ, đồng tiễn đăng ngữ. Tích
tiên tàn bi, linh chủ đoạn bích, trùng phất nhân gian trần thổ”. Năm xưa Ngô Mộng Song lên lầu Đại Vũ là đi cùng với người bạn thân là Phùng
Thâm Cư. Sau khi về nhà đốt đèn nói chuyện với bạn suốt đêm, nhớ lại
những điều ban ngày nên hết sức cảm khái.

Khi Kim Trục Lưu đang
ngâm đến câu này, chàng chợt nhớ Sử Hồng Anh: “Nếu Sử cô nương cũng ở
đây, cùng mình tâm sự thì hay biết bao!” Chàng nghĩ đến đây, bất giác vỗ lan can vừa hát vừa thở dài. May mà trên lầu không có khách, nếu không
chàng sẽ bị coi là một kẻ điên. Tên tửu bảo hầu rượu cho chàng đã quen
thấy cảnh này cho nên không lấy làm lạ.

Chợt nghe có người cười
nói: “Hay lắm, tiểu huynh đệ này quả thật có nhã hứng!” Tiếng cười loảng xoảng như tiếng kim loại giao nhau, nghe rất chối tai. Kim Trục Lưu
quay đầu nhìn lại, chỉ thấy có hai người đã bước lên lầu. Người lên
tiếng đi ở trước mặt, tuổi khoảng bốn mươi, tướng mạo cao lớn oai vệ.

Còn người đi ở phía sau chính là Cung Bỉnh Phan, Kim Trục Lưu nghe tiếng cười của người này đã cảm thấy ngạc nhiên, thấy Cung Bỉnh Phan càng bất ngờ hơn.

Kim Trục Lưu đã ngà ngà say, chàng vẫn ngồi trên ghế,
bưng bình rượu, lập tức cười ha hả: “Đúng là đường đời đi đâu cũng gặp
nhau, nào nào…” Chàng định mời Cung Bỉnh Phan cạn một chén, chợt thấy
Cung Bỉnh Phan lắc đầu về phía chàng, nháy mắt rồi chỉ ra cửa sổ. Cung
Bỉnh Phan đang đi sau lưng người ấy, cho nên lúc đó Kim Trục Lưu mới
thấy y ra hiệu.

Kim Trục Lưu tuy đã ngà ngà say, nhưng vẫn hiểu
rằng Cung Bỉnh Phan giả vờ không quen biết chàng, có ý bảo chàng chạy
cho nhanh.

Kim Trục Lưu_thầm nhủ: “Chả lẽ nhân vật này rất lợi
hại. Sao mình có thể sợ y?” Nhưng Cung Bỉnh Phan không dám nói với
chàng, chỉ dám đứng phía sau người ấy ra hiệu, rõ ràng là y sợ người
này. Kim Trục Lưu rất ngạc nhiên, chàng biết Cung Bỉnh Phan là người rất kiêu ngạo, nhưng nay lại tỏ ra sợ hãi người này, thật là chuyện lạ
khiến cho người ta không ngờ tới!

Số là Kim Trục Lưu định nói ba chữ “Cung hương chủ”, mời Cung Bỉnh Phan đến uống rượu, nhưng chàng đã
thấy y ra dấu, trong lòng tuy rất ngạc nhiên nhưng cũng không muốn khiến cho Cung Bỉnh Phan khó xử vì thế lập tức ngừng lại. Nhưng Cung Bỉnh
Phan tỏ ý bảo chàng bỏ chạy, chàng vẫn ngồi yên, mắt vẫn nhìn về phía
người ấy.

Người ấy tưởng Kim Trục Lưu gọi mình, cười lớn nói:
“Tiểu huynh đệ, ngươi thật thú vị. Đúng thế, đúng thế! Trên đường đời
lúc nào cũng gặp nhau, gặp nhau cần gì phải quen biết. Nào, ta sẽ uống
rượu với ngươi! Ta mời ngươi một chén!”

Cung Bỉnh Phan biến sắc, lại lắc đầu ra hiệu. Kim Trục Lưu giả vờ không biết: “Hay lắm, mời nhau không bằng ngẫu nhiên, xin mời hãy đến đây. Đừng nói là một chén, mười
chén cũng được!” Trong lòng thầm nhủ: “Kẻ này khí độ bất phàm, chắc là
hào khách trên giang hồ, mặc kệ y là ai, làm quen trước rồi tính”. Lúc
này Kim Trục Lưu bưng bình rượu đứng dậy người đã loạng choạng.

Người ấy càng cao hứng: “Tiểu huynh đệ, tửu lượng của ngươi thế nào, có dám
đấu rượu với ta không?” Nói xong thì quay đầu lại bảo với Cung Bỉnh
Phan: “Từ khi ta và đà chủ của các ông thi uống rượu bất phân thắng bại, mười năm nay vẫn chưa gặp địch thủ!”

Lúc này Kim Trục Lưu đã
say, chàng nói liền: “Được, chúng ta sẽ thi uống rượu?” Người ấy đáp:
“Lão đệ phóng khoáng như thế thật hiếm có trên đời. Hôm nay đấu rượu,
bất kể ai thắng ai thua, chúng ta đều sẽ trở thành bằng hữu. Nào, tửu
bảo, hãy mang một vò rượu ngon nhất ra đây!”

Người ấy bưng vò
rượu, nói: “Vò rượu này nặng ba mươi cân, e rằng không đủ cho ta uống,
hãy đem theo một vò nữa ra đây!” Tên tửu bảo trợn tròn mắt, lè lưỡi nghĩ thầm: “Bán được là tốt, mặc kệ y có uống được hay không!” Liền bưng ra
một vò rượu nữa, đặt bên cạnh Kim Trục Lưu, rồi bày trước mặt họ một cái bát lớn.

Người ấy vẫy tay kêu Cung Bỉnh Phan: “Cung hương chủ,
ông cũng đến đây!” Cung Bỉnh Phan cười gượng: “Tửu lượng của tôi rất
kém, xin thứ tôi không thế uống cùng”.

Hán tử ấy nói: “Tửu lượng nhiều hay ít cũng như người uống nước, nóng lạnh tự biết. Điều này
không thể gượng ép được. Được, ông không tham gia hãy ngồi một bên làm
trọng tài cho chúng tôi. Tôi và vị tiểu huynh đệ này tỉ thí uống rượu,
mỗi người một bát, thay phiên nhau uống, ai không uống được nữa thì
người đó thua”.

Cung Bỉnh Phan cười rằng: “Sử bang chủ là tửu bá nổi tiếng, đà chủ chúng tôi xưa này vô địch trên tửu đàn, nhưng cũng
rất khâm phục tửu lượng của ông, lần tỉ thí này đã biết thắng thua, cần
chi tôi phải làm trọng tài? Tôi thấy vị tiểu huynh đệ này đã uống rất
nhiều, chuốc say y thì không hay lắm. Chi bằng mỗi người uống ba chénđể
kết giao bằng hữu?”

Cung Bỉnh Phan nói như thế thật ra là ngầm
báo cho Kim Trục Lưu biết hán tử này là ai. Kim Trục Lưu lúc này mới vỡ
lẽ, lòng thầm nhủ: “Té ra người này là anh trai của Hồng Anh, bang chủ
của Lục Hợp bang Sử Bạch Đô! Chả trách nào Cung Bỉnh Phan bảo mình chạy
cho mau”. Đồng thời chàng cũng hiểu tại sao Cung Bỉnh Phan lại có vẻ sợ
Sử Bạch Đô, bởi vì Lục Hợp bang và Hồng Anh hội là hai bang hội đối địch nhau trên giang hồ, địa vị của Sử Bạch Đô tương đương với đà chủ của
Hồng Anh hội, Cung Bỉnh Phan chẳng qua là một hương chủ của Hồng Anh hội cho nên y không hẳn sợ Sử Bạch Đô, nhưng không thể không kính nể Sử
Bạch Đô.

Kim Trục Lưu nghĩ bụng: “Nếu đã không biết thì thôi.
Nhưng nếu biết rồi thì làm sao chạy?” Thế rồi chàng trợn mắt, nói: “Ai
bảo ta uống say? Ta chưa bao giờ nhận thua cả, mặc y là tửu vương cũng
được, tửu bá cũng được, chúng ta phải tỉ thí với nhau mới được!” Chàng
vốn chỉ có sáu bảy phần tửu ý, nhưng giả vờ đã say đến tám chín phần.

Sử Bạch Đô cười ha hả: “Hay, hay! Ta rất thích những thiếu niên như thế
này. Cung hương chủ, ông không cần lo lắng cho tiểu huynh đệ này, cứ
uống say rồi ta sẽ chăm sóc cho y”.

Kim Trục Lưu nói: “Đúng thế, phải có qua có lại, nếu ông uống say ta cũng sẽ chăm sóc cho ông. Được, uống đi nào!” Rồi chàng bưng vò rượu rót đầy chén và ngửa cổ uống cạn.

Sử Bạch Đô giơ ngón tay cái khen: “Tiểu huynh đệ mau mắn lắm!” Rồi cũng
uống một bát lớn. Hai người thay phiên nhau uống, chỉ trong chốc lát đã
uống hơn chục bát. Bọn họ dùng loại bát lớn, mỗi bát có thể chứa cả cân
rượu. Nhưng trước mặt họ có hai bầu rượu ba mươi cân, uống một chục bát
chẳng qua chỉ được một phần ba mà thôi.

Chỉ thấy Kim Trục Lưu

toát mồ hôi đầm đìa, trên đầu tựa như có một cái lồng hấp, khói trắng
bốc lên nghi ngút, dần dần tạo thành một màn sương mù. Bọn tửu bảo trên
tửu lầu đều trầm trồ ngạc nhiên vây lại xem. Té ra Kim Trục Lưu tuy đã
có mấy phần tửu ý nhưng không hề hồ đồ, chàng biết mình uống rượu không
giỏi, nếu thật sự tỉ thí với Sử Bạch Đô, đừng nói là một vò, chỉ cần ba
bát thì đã say mèm. Chàng dùng nội công thường thừa dồn rượu ra thành mồ hôi. Cho nên chàng càng uống càng tỉnh. Sử Bạch Đô uống xong mười bát
rượu, y đặt bát xuống cả cười: “Tiểu huynh đệ, ngươi không phải thi uống rượu với ta mà tỉ thí nội công!”

Kim Trục Lưu đáp: “Ông chỉ bảo uống rượu thi với ta, chỉ cần uống vào là được. Còn ta dùng cách gì để uống là chuyện của ta!”

Sử Bạch Đô cười lớn: “Đúng thế, ngươi thích uống thế nào cứ mặc kệ, chỉ
cần ngươi thắng được ta ta sẽ nhận thua. Nhưng ta không thể chiếm phần
tiện nghi của ngươi, ngươi cứ mặc tình uống như thế, ta muốn xem thử tửu lượng của ta lớn hay nội công của ngươi sâu?”

Ý của câu này là muốn thắng bằng tửu lượng chứ không cần thắng bằng nội công.

Kim Trục Lưu không nói lời nào, chàng bưng vò rượu lên tu ừng ực chứ không
thèm dùng bát nữa. Trong chớp mắt bụng chàng đã căng lên như một cái
trống da. Sử Bạch Đô vỗ bàn khen: “Hay lắm, uống tựa như kình ngạc hút
nước trăm sông, tiểu huynh đệ, Sử Bạch Đô này coi như đã phục ngươi!”

Sử Bạch Đô tuy nói thế nhưng trong lòng thì nghi ngờ: “Tên tiểu tử này trẻ tuổi như thế, nội công lại tinh thuần, y là ai?” Sử Bạch Đô kết giao
rộng rãi, tuy những thiếu niên anh hùng trong võ lâm y chưa từng gặp
nhưng cũng đã nghe tới, suy đi nghĩ lại cũng chẳng biết chàng là đệ tử
của nhà nào mà có công lực như thế. Y chợt giật mình: “Chả lẽ hắn là tên ăn mày?”

Bốn đại cao thủ trong Lục Hợp bang đã từng thua trong
tay Kim Trục Lưu, lần đầu tên Thanh Phù và Tiêu Lỗi gặp Kim Trục Lưu thì lúc đó chẳng vẫn là một kẻ ăn mày, cho nên về sau bọn họ mới gọi chàng
là tên ăn mày.

Sử Bạch Đô đã để ý cái tráp của Kim Trục Lưu để
dưới gầm bàn, y cúi đầu xuống nhìn thì thấy cái tráp không phải màu đỏ
nhưng bề ngoài thì lại rất giống cái tráp cũ.

Sử Bạch Đô lẳng lặng hất mũi chân, tảng huyền thiết nặng cả trăm cân bị y đá bay lên khiến chiếc bàn vỡ nát.

Sử Bạch Đô quát: “Hay lắm, té ra ngươi là tên tiểu tử họ Kim!” Rồi không màng đến Kim Trục Lưu mà chụp tảng huyền thiết trước.

Kim Trục Lưu đột nhiên xoa da bụng, lảo đảo: “Ôi chao, ta thật sự đã say!” Thế rồi hạ mồm phun ra một vòi rượu.

Sử Bạch Đô phất ống tay áo, vòi rượu hóa thành cơn mưa rượu bay tứ tán,
bọn tửu bảo đứng nhìn họ cũng bị Kim Trục Lưu dùng nội công thượng thừa
phun rượu trúng, đau đến nỗi kêu oai oái. Sử Bạch Đô tuy tránh được vòi
rượu ấy nhưng cảm thấy trước mắt loang loáng, trong khoảnh khắc không
dám mở mắt ra.

Kim Trục Lưu thừa thế cướp lại tảng huyền thiết,
Sử Bạch Đô dỏng tai lắng nghe, đánh vụt ra một chưởng. Kim Trục Lưu tiếp lấy chưởng ấy của y, kêu lên: “Hảo công phu, ở đây không thể thi triển
chúng ta hãy xuống dưới”.

Sử Bạch Đô quát lên: “Hay lắm, ngươi
đừng hòng chạy!” Rồi phóng vọt ra cửa sổ đuổi sát theo sau Kim Trục Lưu, cả hai đáp xuống lòng đường. Kim Trục Lưu vẫn chưa cướp được tảng huyền thiết đương nhiên nhảy xuống trước, Sử Bạch Đô thì nghĩ. Cung Bỉnh Phan sẽ cầm giùm mình cho nên yên tâm không sợ Kim Trục Lưu bỏ chạy. Kim
Trục Lưu cười nói: “Ta đã muốn đánh với ngươi từ lâu, sao có thể bỏ
chạy?” thế rồi trở tay đánh ra một chiêu Long cảnh thủ châu, nhân lúc Sử Bạch Đô chưa đứng vững, chân đã tấn công vào thượng bàn của y.

Sử Bạch Đô gạt ngang ra, tay trái co lại vỗ vù ra một chưởng. Kim Trục Lưu kêu lên: “Ối chao, không xong, chưởng lực thật lợi hại!” Rồi chàng hạ
người, làm ra vẻ như không chịu nổi chưởng lực của y, Sử Bạch Đô hừ một
tiếng: “Ngươi đã biết lợi hại rồi sao?’ Chưa dứt lời, Kim Trục Lưu quét
ngang ra một chưởng, năm ngón tay khép lại điểm xuống be sườn của y.

Kim Trục Lưu sử dụng thủ pháp điểm huyệt độc môn của nhà mình, Sử Bạch Đô
bị cú quét ấy của chàng che mắt, không ngờ chàng lại dám lướt người lên, bất thần xỉa một chỉ vào be sườn của mình.

Kim Trục Lưu bị y
đánh lui hai bước, kêu lên: “Ngã rồi, ngã rồi!” Sử Bạch Đô cảm thấy be
sườn tê rần, vội vàng vận khí giải huyệt, cả giận quát: “Hảo tiểu tử,
ngươi thật quỷ quyệt?” Y không những chẳng ngã xuống mà chưởng lực càng
mạnh hơn.

Kim Trục Lưu cả kinh, lòng thầm nhủ: “Chả trách nào Sử Bạch Đô có thể hùng bá giang hồ, quả nhiên có mấy phần công phu chân
thực!” Thủ pháp điểm huyệt độc môn của Kim Trục Lưu đã nhiều lần chế ngự cả cường địch, cả những người võ học thâm sâu như Văn Đạo Trang mà cũng không biết cách giải, nhưng không ngờ Sử Bạch Đô không biết cách giải
cũng có thể vận khí phá huyệt đạo, chỉ điều đó cũng đã đủ thấy nội công
của y hơn hẳn Kim Trục Lưu.

Kim Trục Lưu đương nhiên thất kinh,
Sử Bạch Đô lại càng tức giận hơn. Y là nhân vật có tiếng tăm trên giang
hồ, nay trúng kế của một tên tiểu tử hậu sinh, y đã bị điểm trúng huyệt
đạo coi như đã thua một chiêu. Trong lúc cả giận hai chưởng cùng phát
ra, hận không đánh chết Kim Trục Lưu.

Kim Trục Lưu sử dụng Thiên la bộ pháp né tránh, nhưng chàng vừa tránh vừa trả đòn, hai chưởng phân ra hóa giải chưởng lực của Sử Bạch Đô.

Sử Bạch Đô cũng không
khỏi thầm bội phục, trong lòng thầm nhủ: “Chả trách nào bốn đại cao thủ
trong bang của mình cùng bọn Văn Đạo Trang, Sa Thiên Phong đều thua
trong tay của y!”

Sử Bạch Đô đánh liên tục ba chưởng, lực đạo
của chưởng trước chưa hết, luồng chưởng lực phía sau đã đồn tới. Ba
chưởng liên hoàn này tên gọi Long môn kích lãng, chưởng lực phát ra hết
như dời núi lấp biển, dù có mình đồng da sắt cũng khó chống chọi nổi.

Kim Trục Lưu bị y đẩy lùi mấy bước, Sử Bạch Đô quát: “Ngươi giấu muội muội của ta ở đâu. Nói mau, nếu không ta lấy mạng ngươi!”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.