Bạn đang đọc Hai Tờ Di Chúc: Chương 3
Bỗng một ngày kia, cụ Phạm Tú Doanh nằm liệt giường để không còn bao giờ trở dậy nữa. Mấy phút trước khi nhắm mắt lìa đời, buông xuôi, bỏ rơi tất cả để đi theo cụ bà về cõi hư vô, ông cụ già cô độc đã lắp bắp đôi môi nhợt nhạt như muốn nói một câu gì đó. Vị bác sĩ vẫn săn sóc thuốc men cho cụ, ghé tai sát tận nơi nhưng cũng không thể nghe được một tiếng gì hết.
Một ngày, sau khi an táng cụ Doanh, mọi người đã vô cùng ngạc nhiên khi tìm thấy trong phòng cụ một tờ di chúc, chỉ một tờ duy nhất, trong đó cụ ghi rõ là gia đình ông Phạm Văn Phàm được quyền thừa hưởng toàn phần di sản của cụ.
Tiếng Ái Lan :
– Con cứ thắc mắc mãi và đoán không ra là cụ Doanh muốn nói cái gì với ông bác sĩ khi cụ thấy giây phút cuối cùng đã tới gần bên ! Ba thì sao, ba. Ba nghĩ thế nào? Hay là cụ muốn nói đến tờ di chúc… khác, hả ba ?
Tiếng luật sư Minh chậm rãi :
– Chắc chắn là cụ Doanh có ý muốn dành quyền thừa hưởng gia tài sản nghiệp của cụ cho những người họ hàng bà con xứng đáng kia cơ. Nhưng số mệnh khắt khe đã khiến cụ trối trăng không kịp ! Tội nghiệp !
– Biết đâu đấy, hả ba ! Biết đâu là cụ Doanh đã chẳng thu xếp đâu vào đó cả rồi. Và hôm cụ hấp hối, lắp bắp nói không ra hơi đó lại chẳng là cụ muốn chỉ cho ông bác sĩ biết chỗ cụ cất giấu tờ di chúc mới đó. Ba nghĩ sao, ba ?
Sắc mặt ông Minh hiện rõ nhiều nét trầm tư :
– Hừ… ! Biết đâu chừng ! Biết đâu đó lại chẳng là sự thật ! Và ông không ngớt nhè nhẹ gật đầu.
– Chắc ông cụ Doanh phải giấu tờ di chúc đó kỹ lắm chớ không vừa đâu, phải không, ba ?
– Ấy thế ! Ba e rằng rồi ra không ai có thể tìm ra được kia chứ ! Cụ Doanh, ba biết, nhiều khi hay làm những cái khác người lắm kia !… Vả lại, còn gia đình Phạm Văn Phàm nữa !
Ái Lan nôn nóng :
– Cái gì ba ? Ba bảo gia đình ông Phàm thì sao, ba ?
– Tài sản của cụ Doanh nghe nói vĩ đại lắm. Mà gia đình ông Phàm, thì như con đã thấy đó, không phải là những người chịu chia sớt cho ai một cái gì béo bở bao giờ. Vậy ba nghĩ rằng, nếu có thật chăng nữa, tất nhiên nhà Phàm cũng tìm cách hủy triệt tờ di chúc mới đó cho bằng được, chớ chẳng chịu để yên đâu !
– Theo ý ba thì, nếu tình cờ tìm ra được, ông Phàm sẽ dám hủy nó đi ?
– Ái Lan ! Ba không có ý nói vu cho ai hết. Nhưng có điều ba biết rõ, ông Phàm là một người lắm mưu nhiều kế, và không thực thà trung hậu đâu.
– Ba ơi ! Con muốn biết liệu có thể làm gì cái tờ di chúc mà cụ Doanh đã viết để cho gia đình ông Phàm hưởng toàn phần di sản của cụ đó không, ba ?
– Theo ý ba thì : “Không !” – Mặc dầu không nghiên cứu để hiểu rõ chi tiết vụ này, ba vẫn phải công nhận quyền thừa hưởng hiện ở trong tay ông Phàm là hợp pháp. Chống đối lại, khiếu nại để tài sản của cụ Doanh không lọt được vào tay họ nữa là cả một việc làm tốn tiền ghê gớm. Mà mấy người bà con của cụ Doanh thì lại nghèo quá, tiền đâu mà theo đuổi, nay Tòa trên, mai Tòa dưới, đủ thứ tốn hao. Cho đến tận bây giờ, cùng lắm thì mấy người bà con không may đó cũng chỉ có thể khiếu nại rằng họ cũng có quyền hưởng mỗi người một phần vào cái di sản của người chết, bằng cách nói chắc rằng còn một tờ di chúc thứ hai nữa, chưa tìm ra được. Vậy thôi ! Sự việc cũng chỉ tới đó là đi vào một cái ngõ cụt, bế tắc.
Ái Lan gần như la lên :
– Thật là vô lý quá ! Bất công quá, hả ba ! Nhà ông Phàm thật quả không xứng đáng hưởng cái gia tài đó một chút nào hết !
– Bất công thì có bất công, nhưng khốn nỗi lại rất hợp pháp con ạ ! Thiệt tình, ngay đến ba, ba cũng chịu, chẳng còn nghĩ ra cách nào để cứu vãn tình thế cả. Chắc chắn sẽ có nhiều người bị thiệt thòi lớn trong vụ gia đình Phạm Văn Phàm được hưởng trọn cái gia tài này. À… ba nghe nói trong số các người nghèo khổ mà lại không may đó, còn có hai chị em, hai cô gái hiện đang khai thác một cái nông trại tại Lạc Dương, con à ! Thực ra thì hai cô gái này không phải họ hàng bà con gì với cụ Doanh cả. Nhưng ông cụ biết rõ hai cô bé đó từ thuở ấu thơ nên thương lắm, coi cũng như con cháu trong dòng họ cả. Lẽ ra thì tên tuổi của hai chị em cô bé đó phải được ghi trong tờ di chúc cùng với mấy người cháu trai cháu gái của cụ Doanh mới phải chứ ! Họ xứng đáng trăm phần, thì gia đình ông Phàm kia không đáng một phần.
Ái Lan gật gật đầu tán thành lời cha nói. Rồi im lặng, nét mặt trầm tư, em bắt đầu duyệt lại những chi tiết ông Minh vừa cho biết.
Ái Lan thừa hưởng của cha cái thói quen hay nghiền ngẫm những sự việc đặc biệt, suy nghĩ, phân tích thật rõ rệt rồi lý luận rất vững chắc để đi tới một kết luận hết sức hợp lý không ai chối cãi được. Luật sư Minh vẫn thường nói ra miệng là em có thể, nếu em muốn, sẽ trở thành một nhà nữ trinh thám xuất sắc nhờ cái trí thông minh hiếm có và biệt tài đoán trước được nhiều sự việc thật bí mật.
Bà Minh nguyên quê quán ở một tỉnh thuộc miền trung du Bắc Việt. Nơi cảnh vật thiên nhiên có nhiều núi cao, sông rộng, ruộng bãi phì nhiêu. Sống và lớn lên trong cái khung cảnh bao la hùng vĩ đó, tính tình bà nhiễm đầy tính chất phóng khoáng hồn nhiên, khác hẳn một số lớn người điêu ngoa xảo quyệt chốn thị thành chật chội đua chen.