Bạn đang đọc Gió Lạnh Đêm Hè – Chương 11
Bà Văn nhíu mày lo nghĩ. Nhưng bà lại phải cố nén nỗi đau buồn, gượng khuyến khích con gái:
– Dù xảy ra tình thế nào đi nữa, chỉ cần Thu Thủy không đổi thái độ, không thay lòng, ấy là con được an ủi rồi. Chứ nếu chính cha mẹ hắn ưng con, thân đi dạm hỏi con cho hắn, mà hắn lại không yêu thương con, thì có ích gì? Làm thân con gái, chỉ cốt được chồng thương yêu, ấy là cuộc đời sung sướng con ạ!
Nghe mẹ nói hợp lý, nàng không bàn luận thêm về mối lo ấy nữa. Nàng nghĩ lại: Nếu không có người mẹ giảng giải hướng dẫn cho, một cô gái như nàng sẽ đau khổ biết bao nhiêu trên đường đời? Cuối cùng, nàng khẽ nói:
– Vâng, con xin nhẫn nại chịu đựng, như lời má khuyên.
Sáng hôm ấy, bà Văn giật mình lo sợ khi thấy con gái đang ngủ bỗng rú lên một tiếng, rồi thức giấc bàng hoàng, nước mắt đầm đìa đôi má! Bà vội bước tới giường, ngồi xuống, đỡ con dậy:
– Sao? Làm sao? Con lại vừa trải qua một cơn ác mộng phải không?
Kiều Lê Vân nghẹn ngào nức nở không ra lời:
– Vâng… ác mộng… Khủng khiếp quá! Có lẽ con không mơ tưởng gì nữa. Con cũng không muốn sống nữa đâu!
Thì ra, trong giấc mơ, nàng đã thấy Khang Thu Thủy trở mặt xua đuổi nàng. Hắn quyết liệt dứt khoát với nàng:
– “Không! Không thể được! Cô đi đi! Tôi không thể nào yêu một cô gái thọt chân! Tôi xấu hổ lắm! Cô về đi, cho khuất mắt tôi!”
Bộ mặt giận dữ của hắn trong giấc mộng, trông dữ dằn như mặt ác thú vậy.
Sau những lời khuyên giải, trấn tỉnh của mẹ, Kiều Lê Vân gượng dậy đi rửa mặt chải đầu, rồi coi lại địa chỉ mới của vợ chồng Hồ Bình và tìm đến chơi, như lời hẹn qua đường dây điện thoại.
Đến nơi, nàng được Diệp Lạc ân cần mời mọc, được Hồ Bình thân ái khuyến khích về mối tình của nàng với Khang Thu Thủy, và khuyên nàng cứ can đảm theo hắn đến ra mắt cha mẹ hắn…
Đến ngày hẹn, Kiều Lê Vân thức dậy thật sớm, gọi xe tới một thẩm mỹ viện nổi danh, để sửa sang dung nhan, y phục.
Rời khỏi thẩm mỹ viện, nàng còn nghĩ đến cặp giò thon đẹp của cô chủ viện sửa sắc đẹp mà thèm thuồng. Nàng nghĩ: Nếu có phép gì có thể thuê mượn được đôi chân đẹp ấy, nàng quyết bạo dạn mở miệng hỏi thuê mượn một ngày, dù phải trả giá cao đến mấy, nàng cũng không tiếc tiền…
Xe về đến cổng nhà, nàng bước xuống, đã thấy cổng không đóng không cài then. Nhìn vào sân, thấy chiếc xe mô tô của Khang Thu Thủy đã dựng đó. Lòng mừng khấp khởi, khi đi qua chiếc xe, nàng còn đưa tay vuốt ve nó, như âu yếm xoa vuốt vào má chàng trai chủ nhân của nói vậy.
Rồi nàng bước nhanh vào phòng khách. Với linh tính bén nhậy, lúc ấy Khang Thu Thủy đã đứng dậy sẵn sàng. Và nàng vừa xuất hiện ở cửa, hắn đã tíu tít đón mừng:
– Em Vân! Anh nghe tiếng bước chân, đã biết ngay là em về.
Cô cậu sánh vai nhau tới cái ca- na- pê, rồi cùng ngồi xuống, mặt nhìn mặt, tười cười ngắm nghía lẫn nhau.
– Má em đâu?
Nàng hỏi thế, vì cha nàng hôm ấy có giờ dạy học ở trường. Hắn đáp:
– Bác vừa vào nhà trong… Ồ! Em Vân! Mái tóc em hôm nay đẹp vô ngần. Trông rõ ra vẻ quý phái cao nhã.
– Em… soi gương, em thấy nó ngô nghê, quê quê làm sao ấy!
– Tuyệt đối không ngô nghê, không quê chút nào hết! Sau này, khi trang điểm làm cô dâu, em cứ uốn và bới ngay cái kiểu tóc này nhé!
– Không đâu!
Nàng giả bộ phụng phịu, nhõng nhẽo. Hắn nhìn nàng cười sung sướng. Nàng đỏ rần đôi má, trông càng đẹp lộng lẫy bội phần. Trông thật đẹp đôi! Tuy nàng có tật ở chân, nhưng trên thế giới này, có ai là người vẹn toàn đâu? Vả lại, lúc này đang ngồi, lại ngồi sánh vai với một thanh niên khôi ngô tuấn tú như Khang Thu Thủy thì trông chẳng khác gì đôi tiên nữ tiên đồng!
Nhìn mặt cầm tay, tươi cười sung sướng với nhau một lát, rồi Khang Thu Thủy đi vào vấn đề:
– Vân à! Má anh đã chuẩn bị những món ăn thật ngon để đãi em đấy.
Hắn lại cười, nói tiếp:
– Em chưa biết, đã từ hai năm qua, ba má anh bắt đầu sốt ruột: tại sao anh chưa có cô bạn gái nào cả? Rồi người này giới thiệu, người kia mai mối, hết cô này đến cô kia… anh đều lắc đầu. Ba má anh phải bực mình, lắm lúc thở dài ngao ngán vì anh. Nay anh có bạn gái rồi, tất nhiên hai cụ vui thích lắm. Do đó, hôm nay hai cụ sẽ đón tiếp em nồng nhiệt, đãi đằng em một buổi thật linh đình cho coi!
Kiều Lê Vân không biết trả lời sao đây? Lòng nàng thầm nghĩ: “Tôi đâu có đòi ba má anh tiếp đãi nồng nhiệt? Tôi chỉ cần hai cụ đừng chê tôi tàn tật là đủ rồi… “
– Thôi, mau vào thay áo, để còn đi. Anh ngồi đợi đây.
Dù chỉ trong một lát, nàng cũng sợ hắn ngồi một mình buồn bã, nàng đi lấy tờ báo trao cho hắn:
– Anh xem báo cho đỡ buồn. Và để em mở một đĩa hát…
Tiếng nhạc tiếng ca phát ra dìu dặt êm tai, nàng mới bước vào phòng riêng thay quần áo.
Đến lượt bà Văn tìm lên phòng khách. Khang Thu Thủy lập tức đứng dậy, bà bảo hắn:
– Anh cứ ngồi chơi. Em nó đã về chưa?
– Dạ về rồi.
Bà Văn liền theo vào buồng để giúp con thay áo. Vừa thấy mẹ vào, Kiều Lê Vân hỏi ngay:
– Má ơi! Má thấy kiểu tóc của con thế nào?
Ngắm nhìn một chút, bà đáp:
– Đẹp tuyệt, con à! Thật xứng với khuôn mặt của con gái tôi!… Nào, ghé gần đây, má sửa soạn giúp con cho thật tề chỉnh.
– Ba đâu, hả má?
– Ba đi có chút việc. Thủy đến được một lát, ba con mới ra đi. Con có biết ba bảo với anh Thủy thế nào không?
– Bảo thế nào?
– Ba con vỗ vỗ vào vai anh Thủy, khuyên anh ấy hãy cố gắng lên.
– Cố gắng gì thế?
– Con gái đã lớn mà còn ngây thơ quá! Cố lên mà “tán tỉnh” mày cho chóng thành đôi chứ sao?
– Ba thế thì thôi! Rõ thật…
Nàng nhõng nhẽo tiếp:
– Má ơi! Má hãy khuyên ba, từ rày sắp lên đừng nói thế nữa!
– Nói thế thì có sao? Có nhiều chàng trai bản tính rụt rè nhút nhát, cần được khích lệ mới dám tiến tới.
– Nhưng con không muốn thế đâu.
– Ừ, thì thôi! Không muốn, không muốn…
Phải tốn một chút thời giờ sửa soạn, nhưng khi Kiều Lê Vân trang điểm xong, bước ra tới phòng khách, Khang Thu Thủy chóa cả mắt, buột miệng nói với bà Văn:
– Thưa bác, Vân hôm nay thật lộng lẫy khác thường.
Bà Văn bật lên cười sung sướng. Trong chốc lát, được nghe chàng trai khen ngợi sắc đẹp của con gái, bà quên bẵng đi rằng con bà là một thiếu nữ có tật chân. Thủy giục Vân:
– Thôi, xin phép bác, để chúng con đi thôi!
Nàng mỉm cười quay nhìn mẹ:
– Con đi má ạ!
– Chào bác cháu về ạ!
Theo tiễn chàng trai và đưa con ra tới cổng, bà Văn còn cẩn thận căn dặn:
– Vân, ôm cho vững nghe! Anh Thủy, chạy vừa vừa thôi, chớ có phóng nhanh nhé!
– Con biết rồi.
– Vâng, thưa bác, cháu xin nhớ!
Chiếc xe mô tô chạy một quãng xa, bà Văn còn trông theo. Thấy Khang Thu Thủy vụt ngoảnh đầu lại nhìn bà lần nữa, bà vội đưa tay lên vẫy vẫy. Nhưng khi tay bà giơ lên thì đồng thời mặt hắn đã phải quay về phía trước, để nhìn đường đi…
Đôi trẻ đi khuất rồi, bà Văn không nén nổi tiếng thở dài, lẩm bẩm nói một mình:
– Cầu trời cho con gái tôi hôm nay không bị uất ức thất vọng… Con tôi thật đáng thương. Tội nghiệp! Nó tật nguyền đau khổ. Nhưng còn may là nó có can đảm chịu đựng. Nếu không, đời nó sẽ ra sao?… Con gái đã lớn, không thể nào cứ giữ nó đơn độc ở nhà mãi được…
Những tiếng lẩm bẩm thì thào của bà Văn chính là tiếng nói của con tim một người mẹ thương yêu con gái tha thiết vậy.
Chiếc xe mô tô chạy chậm lại, rồi từ từ dừng trước một tòa nhà to lớn phong quang. Khang Thu Thủy, như cái máy, choàng ngay tay về sau, dìu đỡ cho Kiều Lê Vân tụt xuống đất; rồi sau đó, hắn mới đặt chân xuống, và dựng xe. Cử chỉ này chứng tỏ lòng ân cần săn sóc từng li từng tí của hắn, đối với người yêu.
– Nhà anh đây rồi. (Hắn tươi cười bảo nàng)
– Nhà cao rộng quá nhỉ! Em chưa vào lần nào, nhưng cũng đoán chắc bên trong trang hoàng sang trọng đẹp đẽ lắm.
– Nói chi chuyện ấy.
Khang Thu Thủy đưa tay ấn chuông, rồi quay lại, ghé gần tai nàng, dặn nhỏ:
– Đừng e sợ rụt rè nghe! Em cứ tự nhiên. Dù tình thế nào xảy ra, anh vẫn yêu thương em mãi mãi.
Người ra mở cổng là chị Lưu. Khang Thu Thủy liền giới thiệu:
– Chị Lưu! Đây là cô Vân, như tôi đã nói. Ba má tôi đâu, hả chị?
Kiều Lê Vân và chị Lưu khẽ gật đầu chào nhau, rồi chị Lưu đáp lời Khang Thu Thủy:
– Ông bà đang ngồi ở phòng khách, đợi chú đưa cô Vân về chơi.
– Thế ạ, chị?
Và hắn quay sang bảo Kiều Lê Vân:
– Hai cụ đã chờ sẵn rồi đấy!
Tim Kiều Lê Vân tăng nhịp đập thật nhanh. Nàng sợ Khang Thu Thủy nghe tiếng đập thình thịch trong lồng ngực mình. Trong phút chốc, nàng đã toan quay đầu bỏ chạy… Nhưng rồi trổ can đảm kịp thời, và thầm tự cảnh cáo:
“Phải bình tĩnh! Tuyệt đối không được đổi sắc mặt. Muốn ra sao thì ra… ” Và nàng cúi đầu, răng cắn vào môi, cố hết sức tự kiềm chế cơn xốn xang bối rối: “Đã đến bước này, dù có bị xua đuổi ra khỏi cửa, mình cũng không coi ra gì. Giờ cứ phải cứng đầu dạn mặt tiến vào xem sao!”
Lúc này chỉ có Khang Thu Thủy nhận biết nàng đang run run bởi vì bàn tay hắn đang nắm tay nàng để dẫn dắt vào.
Vào đến cửa phòng khách, hắn dừng tắp lại, đồng thời tay nắm chặt tay nàng, như có một sức mạnh chạy qua thân thể. Và hắn căn dặn lần nữa:
– Không có gì đáng ngại hết! Em nhớ nghe!
Nàng khẽ gật đầu. Mà không gật đầu thì biết làm gì khác hơn?
Bước vào phòng, không thấy ông bà Khang Định Viễn đâu cả, Khang Thu Thủy lên tiếng gọi:
– Chị Lưu ơi! Ba má tôi đâu?
– Có lẽ ông bà vừa trở lên lầu. Để tôi mời hai cụ xuống.
Khang Thu Thủy bảo Kiều Lê Vân:
– Vân, em hãy ngồi xuống đây.
Hắn trỏ tay vào cái ca- na- pệ Với nàng, được ngồi xuống cái ghế dài êm ái này, thật không gì hơn. Trước mặt nàng là cái bàn chữ nhật, vừa vặn che khuất đôi bàn chân nàng. Dù khi nàng phải đứng dậy, cha mẹ Khang Thu Thủy cũng không nhìn ra cái chân tật của nàng. Bỗng Khang Thu Thủy nói:
– Các cụ ra kia kìa!
Kiều Lê Vân lại xốn xang, tim đập thình thịch, muốn nghẹt thở. Nàng có cảm giác như kẻ bị cáo thấy quan tòa thăng đường để xét xử vậy. Khang Thu Thủy ngầm đưa tay vỗ vỗ lên lưng bàn tay Kiều Lê Vân, không ngoài mục đích trấn tĩnh tinh thần nàng.
Ồ! ông Viễn trông thật hiền từ! Chẳng có vẻ gì dữ dằn nghiêm khắc cả! Đó là ấn tượng đầu tiên trong đầu óc Kiều Lê Vân, khi trông thấy cha mẹ Khang Thu Thủy lần thứ nhất.
ông bà Viễn chưa bước tới gần, Khang Thu Thủy và Kiều Lê Vân đã đứng dậy:
– Ba! Má! Thưa… Cô Vân đây ạ!
– Chào hai bác ạ!
– Cứ ngồi! Ngồi xuống đi!
ông Viễn vừa nói vừa đưa tay ra dấu bảo Kiều Lê Vân ngồi. Rồi ông ngồi xuống một ghế nệm, mở bao thuốc, rút một điếu… Bà Viễn cũng ngồi xuống một ghế, nhỏ nhẹ bảo cô gái:
– Cô Vân à! Thủy thường về nhà, nhắc nhở tới cộ Do đó, nay chúng tôi yêu cầu hắn mời cô tới chơi.
– Dạ, cháu cám ơn hai bác ạ!
– Thôi, mời cô ngồi xuống nói chuyện!
Và bà bảo con trai với giọng thật êm ái ngọt ngào:
– Thủy con! Vào bảo chị Lưu pha trà. Và con vào sửa soạn mâm bánh điểm tâm, bưng ra đây.
– Dạ!
Khang Thu Thủy rời khỏi, khiến Kiều Lê Vân bối rối cuống quít, mười đầu ngón tay hết nắn bóp vào nhau, lại mân mê gấu áo. Nàng chỉ mong hắn mau chóng trở ra phòng khách với nàng. Bỗng ông Viễn cất tiếng mở đầu câu chuyện:
– à, này cô Vân!
– Dạ?
– Cô hiện đang học trường nào nhỉ?…
Biết trả lời sao đây? Không trả lời không được. Nhưng may nhờ trí thông minh, nàng đáp ngay:
– Thưa bác, sau khi đậu tú tài, cháu quay ra học hội họa, bởi cháu rất tham thích nghành mỹ thuật này.
– Hay lắm! (Bà Viễn vui vẻ khen) Tôi rất tán thành con gái học vẽ. Thế, ở bên nhà hiện nay…
– Thưa, ba má cháu nhờ ơn trời vẫn mạnh khỏe.
– Cô là thứ mấy…
– Cháu là con một.
– Thế thì hẳn được ba má cưng yêu vô cùng!
– Dạ, có như vậy. Nhưng ba má cháu răn dạy thì lại rất nghiêm ngặt.
Bà Viễn càng hoan hỉ tươi tắn hơn:
– Tôi mới trông qua, đã biết chắc cô là người được giáo dưỡng rất đầy đủ cẩn thận.
– Dạ, không dám! Bác quá khen.
Khang Thu Thủy bưng mâm bánh điểm tâm ra. Nhưng vừa vặn nghe cuộc đối thoại giữa mẹ và người yêu, hắn liền đứng trơ trơ sau lưng nàng, ngẩn ngơ trố mắt há mồm, tập trung hết tinh thần để chăm chú theo dõi những lời nói chuyện, quên cả đặt mâm xuống bàn!