Bạn đang đọc Gió Lạnh Đêm Hè – Chương 10
Hôm ấy Kiều Lê Vân lại ngồi trong phòng riêng, ghi thêm một đoạn nhật ký nữa:
“Mặc dù mình là cô gái thọt chân, lúc này dù ai bảo mình có tật, mình cũng tuyệt đối không hờn giận, bởi tâm hồn mình đã vững chắc lạ thường. Cảm ơn trời đất đã ban ình một người tốt, anh Khang Thu Thủy đáng yêu.
Mẹ hỏi mình: lòng nghĩ thế nào đối với anh Thủy?
Tự nhiên mình cứ thực trả lời. Đứa con gái tật nguyền của bà đã yêu người con trai ấy tới độ muốn phát điên phát cuồng.
Ba hỏi mình một vấn đề được đặt ra quá sớm: Anh Thủy đã ngỏ lời xin hỏi mình làm vợ chưa? Mình cũng cứ thực thà thưa rằng chưa. Thêm nữa, mình không hề mong mỏi sớm có việc ấy. Mình đâu đã muốn kết hôn lúc này? Mình còn muốn yêu. Mình còn yêu chưa được đầy đủ. Tình yêu song phương giữa mình và Thủy là một liều thuốc rất quý giá. Không thật như thế sao? hiện nay đầu óc mình không còn chút gì là bệnh hoạn nữa. Đời sống tinh thần của mình đã hoàn toàn tốt đẹp, tươi đẹp vô cùng!
A ha! Kiều Lê Vân này đã là một người con gái rất sung sướng ở đời… “
Chợt ở ngoài nhà, tiếng bà Văn lại văng vẳng lên. Mấy hôm nay, giọng nói của bà trở nên trong trẻo vui vẻ khác hẳn trước! Bà nói rất lớn tiếng, nghe sang sảng, đượm một niềm vui thầm kín. Tinh thần bà càng sảng khoái hơn.
– Vân ơi, Vân! Anh Thủy đến kìa!
Vừa nghe nói Khang Thu Thủy tìm đến, Kiều Lê Vân vội vã gấp cuốn nhật ký lại, đun vào trong ngăn kéo, nàng bước nhanh ra khỏi phòng riêng. Nàng bước thật nhanh, rõ ràng là không còn để ý tới cái chân, không sợ có người nhìn thấy bước đi khó coi của mình; và nếu như không có mẹ đứng ở phòng khách, chắc chắn nàng đã nhào vào vòng tay Khang Thu Thủy rồi. Đôi trai gái sung sướng chào nhau, rồi Thủy chắp tay kính cẩn nói với bà Văn:
– Thưa bác, cháu muốn xin phép hai bác cho cháu được đưa Vân tới chơi nhà một người bạn học, để dự lễ phá cỗ.
Bà Văn vui vẻ mỉm cười:
– Ờ phải đấy nhỉ! hôm nay là ngày đại lễ. Anh em cứ đi đi! Vân con, mau vào thay quần áo, đừng để anh Thủy phải đợi lâu.
Thủy khẽ cầm lấy tay Vân, trang trọng hỏi:
– Thế nào? Vân đồng ý chứ?
Nàng có phần áy náy:
– Nhưng em không quen biết người bạn học của anh.
– Không quan hệ! Vả lại, theo tục phá cỗ, người ta có thể tìm đến bất cứ nhà nào. Chủ nhà hoan nghênh hết thảy, bởi có đông khách tới dự là một sự vinh hạnh cho họ. Hai người bạn của anh còn nhờ anh mời thêm cho họ nhiều người nữa kia!
– Thế, anh còn mời những ai nữa?
– Anh chỉ mời một mình em thôi.
Bà Văn thúc giục con gái:
– Thôi, con đi đi! Đừng bắt anh Thủy phải giải thích nữa. Vào đây má giúp con thay áo.
Kiều Lê Vân nhìn Khang Thu Thủy mà mỉm cười, rồi theo mẹ vào buồng. Thủy ngồi xuống đợi. Trong lòng, hắn vô cùng cảm kích vì lòng tốt của bà Văn.
Trong buồng, bà Văn bảo con:
– Con à! Đối với một người tốt như anh Thủy, con không nên cứng đầu khó tính. Anh ấy đối xử với con quí hóa đến thế còn gì! Đêm nằm mẹ nghĩ lại, thấy vui lòng đẹp ý đến độ cười thầm một mình. Thật nhờ đức Bồ Tát ban phúc, nên mới có người con trai quý hóa yêu thương con như vậy.
Nhưng Vân vẫn còn thắc mắc, áy náy nói:
– Má à, con không muốn đi theo anh ấy đi dự phá cỗ đâu. Con là một cô gái thọt chân, dẫn thân tới cho bạn học anh ấy nhìn thấy, họ sẽ nghĩ gì về anh ấy?
– Nhưng chính anh ấy đã không câu nệ, con còn e ngại gì? Anh ấy càng đưa con đến những chỗ đông người, con càng nên đi.
– Tại sao vậy?
– Vì như thế là những dịp để trắc nghiệm tình yêu của hắn đối với con. Có trải qua những lần thử thách như thế, mà hắn vẫn không thay lòng đổi ý, ắt hắn mới thật sự thật lòng yêu thương con.
– Má! Tại sao má lại thích cho con mặc bộ đồ đầm này?
– Bởi vì trông đẹp mắt. Được rồi, mau chải đầu sửa tóc đi, má ra phòng khách một chút.
– Vâng, để con chải qua…
Mẹ nàng ra khỏi phòng, nàng tới trước gương ngồi vào bàn phấn chải gỡ. Nhìn ngắm mình trong gương, bỗng nàng nhớ tới một đoạn truyện trong một cuốn tiểu thuyết.
Có một cô gái bị tật thọt chân, nhưng mặt mũi thật xinh đẹp, da dẻ trắng trẻo hồng hào. Cô ta là gái làm công cho tiệm giầy dép, thường ngồi thêu hài may dép ở đầu phố. Bởi vì cô ta ngồi suốt ngày, nên không ai biết cô ta có tật. Rồi một ngày kia, có một chàng trai khôi ngô tuấn tú, mạnh bạo bước tới, trao một phong thư vào tay cộ Trao xong, liền vội vã bỏ đi. Cô gái mở ra xem, thấy toàn những lời lẽ ca tụng sắc đẹp và ngỏ ý ngưỡng mộ cộ Cuối cùng hắn hẹn cô đến tối đi xem xi- nê với hắn. Thời gian và địa điểm hẹn hò được hắn ghi rõ ràng minh bạch, và hắn nói rằng “hắn cung kính đợi chờ gót ngọc” cho thỏa lòng trộm nhớ thầm yêu. Cô gái xem thư, không cần xem lại. Nhưng tới giờ hẹn, cô vẫn ra đi. Mục đích của cô là thử xem chàng trai nọ, khi thấy rõ cái chân tật của cô, hắn sẽ có phản ứng như thế nào? rồi cuộc gặp mặt diễn ra trước rạp chớp bóng. Chàng trai, khi thấy rõ cô gái có tật thọt chân, thì trố mắt ngạc nhiên và tỏ thái độ dở cười dở khóc. Vừa vặn lúc ấy có cậu bạn của hắn lên tiếng kêu gọi, và bước tới gặp nhau. Hắn lập tức nắm tay bạn kéo ra chỗ khác đứng nói chuyện. Rõ ràng hắn sợ bạn cười khi thấy mình rủ một cô gái què quặt đi coi chớp bóng! Khỏi cần nói cũng đủ hiểu hành vi của chàng trai đã làm đau lòng tự ái của cô gái khâu giầy. Cô ta biết rằng hạng con trai như thế không thể nào giao du được. Và cô nhanh nhẹn lẩn vào đám đông, bỏ về nhà…
Bấy giờ bà Văn lại cất tiếng gọi:
– Vân ơi! Đã xong chưa?
– Thưa xong rồi!
Miệng đáp lời mẹ, đầu óc nàng vẫn còn nghĩ tới đoạn truyện nọ. Nàng nghĩ: Nếu nàng là cô gái ấy, nàng phải giận dữ biết bao nhiêu!
Nghĩ lại hiện tình của mình, nàng cảm thấy tốt số; bởi Khang Thu Thủy chẳng những không hề có hành vi tồi tệ như chàng trai trong truyện, mà hắn còn cảm thấy hãnh diện khi sóng đôi với nàng.
Không thật sao? Rõ ràng hắn đến rủ nàng đi vui chơi tại nhà bạn hắn đây này!
Vừa thấy Vân bước ra, Thủy đứng dậy đón. Nàng mỉm cười:
– Anh tha lỗi. Em để anh đợi lâu quá.
– Không có sao.
Khang Thu Thủy vẫn luôn dịu dàng như thế. Bà Văn bước tới bên con gái, đưa tay âu yếm giúp con sửa lại mái tóc cho chỉnh hơn chút nữa. Ôi! Nếu tạo hóa cho phép con người có thể tháo ráp được đôi chân, thì lúc này bà Văn đã đổi cặp chân cho con gái rồi. Bà buông tay ra khỏi đầu nàng thì Thủy nói:
– Xin phép bác, cháu đưa Vân đi ạ!
– Ừ, anh em đi đi. Ở nhà chẳng có việc gì cả. Anh em cứ yên lòng mà dự cuộc vui.
Từ giã mẹ, ra khỏi nhà, Kiều Lê Vân tỏ ra cử chỉ rất quen thuộc đối với Khang Thu Thủy. Nàng choàng cánh tay vào cánh tay hắn, và đôi bạn ra đi gọi xe…
o0o
Dẫn người yêu tới nhà bạn, ăn lễ phá cỗ xong, cảm thấy đã inh tai vì đám đông vui nhộn… Khang Thu Thủy bèn cáo từ, dẫn Kiều Lê Vân ra về. Hai người đáp xe lô trở về thành phố, và xuống xe ở đường Bác ái. Thủy bảo Vân:
– Em à! Anh biết em chưa ăn no.
Vân nói:
– Em ăn nhiều lắm mà. Bạn học của anh thật tốt bụng.
– Em biết tại sao hôm nay hắn tiếp đãi anh đặc biệt nồng nhiệt như vậy không?
– Tại vì anh là bạn tốt của hắn.
– Không phải thế. Vì hôm nay có em đi cùng, và bữa cỗ hôm nay có liên quan đến mối tình giữa chúng ta.
– Nói vậy, chẳng hóa ra vì em, anh được vinh dự sao?
– Cố nhiên là thế! (Thủy cười) Và từ nay, bất cứ anh đi đâu, tới đình đám nào, anh cũng mong mỏi được có em cùng đi.
– Người chưa biết rõ, sẽ cho rằng anh dắt theo một cô thơ ký què.
– Em Vân! Anh không ưng em nói vậy. (Hắn nghiêm giọng nói) Anh rất trọng người có cái đẹp nội tại.
– Xin lỗi anh. Em…
Hắn lại vui ngay:
– Từ nay, nhớ đừng nói thế nữa là được rồi. Thôi, giờ chúng mình vào quán Mỹ Nhi Liêm ngồi chơi chút.
– Đồng ý, em cũng thích như vậy.
Vừa vào ngồi xuống, Thủy đã vội nói đến món ăn. Hắn như vẫn ngại rằng nàng đang đói bụng, cần ăn ngay:
– Món ăn ở đây ngon vô cùng. Em ăn vài món lót lòng nhé!
– Em đã nói, em no rồi. Mình anh ăn thôi! Vì em thấy ở trong đám, anh chỉ lo chăm sóc cho em ăn.
– Anh cũng no rồi. Vậy em dùng nước trái cây? Hay cà phê?
– Nước trái cây.
Hắn liền gọi bồi làm hai ly…
Bồi vừa bưng ra, nàng đã lẹ làng đẩy ly nước trái cây đến trước mặt hắn mà khen:
– Ồ! Màu nước đẹp quá!
Hắn nhìn nàng chăm chú:
– Màu hồng tươi của nước ngọt khiến anh nghĩ tới màu hồng của đôi má em! Em Vân à, anh đanh định sáng tác một bản nhạc.
Nàng hân hoan:
– Hay lắm! Em sẽ yêu cầu anh đàn hát cho em thưởng thức.
– Lẽ đương nhiên. Anh đã nghĩ được cả cái tên của bản nhạc nữa rồi. Em thử đoán xem là gì?
– Em chịu, không đoán được.
Hắn nghĩ một chút rồi nói:
– Được rồi. Để anh cho em hay: Anh đặt tên bài hát là “Mây in đáy nước”.
Nàng vui thích? Hay nàng mắc cở? Chỉ thấy nàng cúi đầu, đưa tay mân mê tà áo. Hắn hỏi:
– Tên không được hay chăng?
– Hay lắm chứ! Em thành thật khen phục trí thông minh của anh.
– Đây là một dâng hiến trí tuệ anh, cho em.
– Cảm tạ lòng anh, rất cảm ơn anh (Nàng luôn miệng) Em sẽ về kể với má em là hôm nay em thu nhận một món quà tặng thần thánh.
– Thần thánh?
– Vâng.
Khang Thu Thủy bật lên cười khanh khách khiến Kiều Lê Vân không hiểu ý thế nào, phải hỏi:
– Anh cười em đấy sao?
– Em nhất định phải là một tiên nữ giáng trần. Nếu không, sẽ không thể linh cảm được tính cách thần thánh.
Cô cậu rối rít chuyện trò, khi nhìn tận đáy mắt nhau, lúc lim rim khép niềm vui, như cùng hưởng thụ sự vui sống êm đềm, ngọt ngào của kiếp người biết yêu và được yêu… Mặt nhìn mặt, tay cầm tay hồi lâu, rồi Khang Thu Thủy nói:
– Vân ạ! Hôm nay, khi vừa bước chân vào nhà, anh đã định báo cho em một tin, nhưng lại nghĩ không tiện nói ngay lúc ấy. Đến bây giờ, anh phải nói cho em nghe.
– Anh nói đi!
– Anh đã kể lại cho ba má anh và em gái anh biết rằng: Anh có một cô bạn gái xinh đẹp, và hai bên đã yêu thương nhau.
Đây có thể là một tin tức không hay đối với Kiều Lê Vân.
Đến gặp cha mẹ hắn ư? Đến gặp em gái hắn ư?
Cha mẹ và em gái hắn có thể vui vẻ đón tiếp nàng như hắn đã vui vẻ đón tiếp nàng chăng?
Nhất định là không rồi! Có cha mẹ nào lại muốn con trai mình làm bạn với một cô gái tật nguyền bao giờ? Như thế đâu phải là một sự vẻ vang cho gia đình!
Thấy nàng đăm đăm suy nghĩ, hắn hỏi:
– Em không thích đến nhà anh chơi sao?
– Em rất muốn đến. Nhưng em…
– Lại lo nghĩ về cái chân?
Nàng u buồn bảo hắn:
– Anh Thủy à! Anh thật cao cả. Tấm lòng thật vĩ đại. Nhưng anh đã yêu một kẻ tàn tật như em, anh lại còn hy vọng cha mẹ và em gái anh cũng yêu thích em nữa kia ư? Không! Mọi người thân của anh sẽ không bằng lòng đâu!
– Vân ơi! Anh xin em hãy tin ở anh. Kiếp này, ngoài em ra, gã trai Khang Thu Thủy này tuyệt đối không kết giao với một cô gái thứ hai nào nữa, chứ đừng nói là kết hôn với một cô gái khác. Chỉ mong sao em thật lòng tin tưởng vào anh, ấy là chúng ta có thể đương đầu với mọi thực tế khó khăn.
– Em sợ anh phải khổ vì em.
– ái tình phải trả bằng giá cao, mới là ái tình mật ngọt. Dù trường hợp thế nào, anh cũng quyết đưa em về nhà. Em có vui lòng cho anh dẫn về không nào?
Cuối cùng, suy tính mãi rồi nàng cũng phải gật đầu. Nhưng đôi mắt nàng ứa lệ. Lòng đã yêu một người, nhưng đồng thời lòng cũng nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn, đó là trường hợp và tâm trạng đặc biệt của Kiều Lê Vân. Nàng rất sợ mất Thủy, nhưng chiếm giữ được hắn rồi, nàng lại sợ hắn phải đau khổ.
Bấy giờ chàng trai đa tình lại đưa khăn tay chậm nước mắt cho người yêu. Lòng nhẫn nại của hắn thật đáng ca ngợi nhưng mong mỏi rằng lòng nhẫn nại ấy sẽ bền mãi mãi. Nếu không, Kiều Lê Vân thật bất hạnh lắm thay!
Lúc này Khang Thu Thủy không còn bị Kiều Lê Vân bó buộc phải theo lời dặn nữa. Trước đây, phải từ sau tám giờ hắn mới được phép tìm đến chân núi. Và khi ra về, lại phải về trước nàng khoảng hai mươi phút. Lý do không ngoài ý muốn của nàng là giấu diếm cái chân có tật. Nhưng đến nay nàng không còn phải lo việc ấy, và hơn nữa, hai người đã thật sự nghiêng lòng thương yêu nhau.
Hôm ấy, Thủy tới cư xá Trung Dũng đón Kiều Lê Vân ra đi. Nàng ngồi sau xe mô tô cho hắn chở. Vì trước nay chưa ngồi xe hai bánh cho ai chở bao giờ, nên nàng rất sợ, phải choàng tay ôm lấy eo hắn thật chặt, miệng căn dặn:
– Anh Thủy! Anh chạy thong thả thôi nhé! Em sợ lắm.
– Đừng sợ. Anh đi xe này đã mấy năm rồi!
Mặc dù hắn cho xe chạy thong thả, nàng vẫn cảm thấy đi thật chóng, chốc lát đã đến chân núi rồi. Tụt xuống khỏi yên xa, nàng thở ra một hơi nhẹ nhõm. Hắn chống xe vững chắc để đó, rồi tay trong tay, hai người dắt nhau tới dưới bóng cây đại thụ nọ.
ánh ban mai đã trải xuống khắp đất đá cỏ cây, nhưng sương đêm còn đọng trên hoa lá.
Bầy giá vẽ xong, hắn quay nhìn nàng, miệng tươi cười, tay trỏ cái ghế:
– Kính mời tiểu thư ngồi.
– Hôm nay anh không đem theo đồ vẽ?
– Ừ. Hôm nay anh khỏi cần ngụy trang làm điệu nữa. Anh quẳng nó vào một xó ở nhà rồi.
– Cũng được. Không vẽ thì đèo đi đèo về làm chi cho phiền. Còn nếu anh cao hứng muốn vẽ, anh hãy dùng đồ của em.
Nghe giọng nói êm ái như ru hồn, lời lời đầy chân thành tha thiết như thốt tự đáy lòng nàng, hắn xúc động say sưa tới tâm hồn, bèn đặt một bàn tay lên vai nàng mà ca ngợi:
– Em Vân! Anh tự hào có cặp mắt không đến nỗi nào đục mờ. Anh yêu em là tuyệt đối chính xác và hợp lý! Em hãy ngồi xuống đi.
– Còn anh?
Hắn trải ngay một tờ giấy lớn lên thảm cỏ, rồi nhảy vào ngồi xếp bằng tròn trong đó.
Nàng ngồi xuống ghế, đưa tay cho hắn nắm, đột nhiên nàng nói:
– Anh Thủy à! Em có một ý nghĩ thật kỳ dị.
– Nghĩ gì thế? Nói anh nghe?
Nàng thấy như vướng mắc ở cổ họng, ngần ngừ mãi mới nói được:
– Em… Em tưởng tượng đến một ngày nào đó, em ngồi xe mô tô của anh, rồi một việc bất ngờ xảy ra: Anh đánh rớt em xuống đường, em bị gẫy luôn cái chân lành này…
Hắn nắm tay nàng giật giật lắc lắc:
– Kìa Vân! Sao em có ý nghĩ kỳ cục quái gở vậy!?
– Lúc ấy, hai chân em đều mang tật cả.
– Dù có thế đi nữa, anh vẫn yêu em.
Vì có chút việc gấp, Khang Thu Thủy chỉ chở Kiều Lê Vân về đến cổng nhà nàng, rồi hắn xin lỗi từ giã. Nàng đứng nhìn theo chiếc mô tô phóng đi như bay, ngẩn ngơ luyến nhớ một hồi, rồi nàng quay vào bấm chuông.
Cố nhiên, người ra mở cổng là bà Văn. Vừa thấy con gái trở về, bà liền bước ra đảo mắt nhìn ngó bốn bề:
– Thế Thu Thủy đâu? Hắn không chở con về sao?
– Anh ấy đưa con về đây, nhưng vì có việc gấp, anh ấy phải đi ngay, không vào nhà chơi được.
Hai mẹ con đi vào nhà. Bỗng bà Văn như sực nhớ ra, bảo con:
– A! Vừa nãy có điện thoại gọi con! Đó là anh Diệp Lạc. Anh ấy nói rằng chị Bình mời con tới chơi.
Kiều Lê Vân hân hoan:
– Ồ! Cô cậu đi hưởng tuần trăng mật đã về? Chiều nay nhất định con phải tới thăm họ.
Bà Văn mỉm nụ cười sung sướng:
– Con à! Diệp Lạc với Hồ Bình kết thúc tuần trăng mật, thì con với Khang Thu Thủy cũng đã trở thành đôi bạn rồi nhỉ!
Chỉ là đôi bạn mà thôi ư? hai người đã yêu thương nhau, lại yêu nhau thật tha thiết:
– Má à! Cứ nghĩ đến lúc phải gặp ba má anh ấy, con lại lo sợ phập phồng… Con sợ lắm!
– Hãy can đảm lên. Người nhu nhược cũng giống như kẻ nhát sợ đứng dưới gốc cây cao, vĩnh viễn không bao giờ hái được quả ngon trái ngọt.
– Nhưng ba má anh ấy trông thấy con, họ không thích con, lạnh nhạt ra mặt, có thể ghét bỏ con nữa, con sẽ ra sao?