Giếng Thở Than

Chương 26: Cảnh cáo kẻ tò mò


Đọc truyện Giếng Thở Than – Chương 26: Cảnh cáo kẻ tò mò

Có một nơi trên bờ biển phía Đông tôi muốn độc giả lưu ý, đó là Seaburgh. Cảnh trí không mấy khác với những gì tôi còn nhớ hồi là một đứa trẻ. Đầm lầy bị cắt ngang dọc bởi những con đê tận phía Nam , gợi cho chúng ta nhớ tới những chương đầu của quyển Great Expectations. Những cánh đồng bằng phẳng chạy tít lên phía Bắc tiếp giáp những bãi cây thạch nam, rồi thạch nam, linh sam và trên hết là kim tước, tiếp đến đất liền. Một con phố nằm dài dọc theo bờ biển, sau đó là một ngôi nhà thờ to, bằng đá lửa, phía Tây có một tháp chuông rộng và chắc chắn với một chùm sáu quả chuông. Tôi còn nhớ như in tiếng chuông ngân vào một sáng Chủ nhật của tháng Tám, khi mà cả hội chúng tôi chầm chậm theo con đường trắng xóa và đầy bụi leo lên đỉnh đồi nơi ngôi nhà thờ toạ lạc. tiếng chuông vào những ngày nóng như thế nghe lách cách như một nốt giáng âm, nhưng không khí dịu đi thì nghe nó lại êm ái hơn nhiều. Tàu hoả chạy tới ga cuối cùng ở tận đầu kia của con đường. Một cái cối xay gió vui tươi màu trắng đứng sừng sững trước mặt bạn trước khi bạn tới nhà ga, một cái cối xay gió nữa ở gần bãi đá cuội cuối phía Nam thành phố, ngoài ra còn nhiều cối xay gió nữa trên những vùng đất cao hơn ở mạn Bắc. Nhiều mái nhà tranh rải rác đây đó, tường bằng gạch đỏ, mái lợp đá đen…Nhưng vì sao phải làm các bạn bận trí với những chi tiết tầm thường như thế này? Thực tế chữ cứ trào lên ngòi bút của tôi mỗi khi tôi viết về Seaburgh. Tôi chỉ nên cho phép đúng những gì cần viết hiện lên trên mặt giấy mới phải. Ấy thế mà cứ quên hoài, chẳng uốn nắn câu văn chữ nghĩa gì cả.

Giờ thì ta hãy rời biển và thành phố, qua nhà ga, rồi rẽ sang phải, tới con đường toàn cát song song với đường tàu, cứ theo đó mà đi bạn sẽ trèo lên một vùng đất khá cao. Bên trái bạn (bạn đang đi về hướng Bắc) là cỏ thạch nam, bên phải (phía mặt biển) là một vành đai toàn linh sam già cỗi, gió đánh tơi bời, trên ngọn thì rậm rạp, dưới tàn thì trông giống các cây hoang thường mọc ở bờ biển, từ tàu hoả nhìn ra đường chân trời, nếu như bạn không biết, người ta sẽ bảo với bạn là chẳng mấy chốc sẽ ra đến bờ biển lộng gió. Phải, trên đỉnh ngọn đồi nhỏ ấy của tôi, một hàng linh sam bứt ra, chạy tít xuống tận mặt biển, do có một doi đất cắt qua chỗ ấy. Tận cùng doi đất là một cái gò trông ra đồng cỏ xù xì, đỉnh gò có một búi linh sam bao phủ. Bạn có thể ngồi đây trong một ngày xuân nóng nực, hài lòng ngắm biển xanh, cối xay gió trắng, nhà tranh màu đỏ, cỏ bóng lên màu lục, tháp chuông nhà thờ và xa hơn, mãi tận phía Nam, một cái pháo đài cổ.

Như đã nói trên, tôi bắt đầu biết Seaburgh từ khi còn nhỏ. Nhưng nhiều năm trôi qua đã khiến cho những hiểu biết lúc thiếu thời của tôi trở nên xa rời thực tế. Ấy nhưng nó vẫn nằm trong niềm thương mến của tôi, mỗi câu chuyện về nó đều làm tôi quan tâm chú ý. Một trong những câu chuyện ấy đến với tôi ở một nơi hẻo lánh của Seaburgh, một cách hoàn toàn vô tình, từ một người cho rằng tôi đủ xứng đáng với lòng tin cậy của anh ta mà tâm sự hết mức.

Tôi biết khá nhiều về miền này (lời anh ta). Mùa xuân tôi thường đến Seaburgh chơi gôn và hay ở khách sạn Con Báo với một người bạn – tên là Henry Long, có lẽ anh cũng quen – (“Hơi hơi thôi”, tôi nói) Chúng tôi thường lấy cả một phòng khách nữa, rất vui anh ạ. Anh ấy giờ đây đã mất nên tôi chẳng buồn tới đó làm gì. Với lại sau một câu chuyện rất đặc biệt đã xảy đến với chúng tôi lần cuối cùng khi chúng tôi ở đó, quả thật tôi không thiết trở lại đó chút nào.

Hồi ấy là mùa xuân năm 19…, do may mắn nào không biết, chỉ có hai chúng tôi trong khách sạn. Bình thường các phòng chung không người, cho nên chúng tôi lấy làm lạ khi một chiều kia, sau bữa cơm tối, cửa phòng khách mở ra và một cái đầu thò vào. Chúng tôi biết anh chàng trẻ tuổi này, một nhân vật nhút nhát như thỏ đế, nom xanh xao thiếu máu, tóc vàng nhạt, mắt cũng nhạt màu, nhưng có vẻ hay đáo để. Cho nên khi anh ta hỏi “Xin lỗi các vi, đây là phòng riêng ạ?” thì chúng tôi không càu nhàu, chỉ bảo “Vâng” nhưng rồi Long – hay tôi cũng vậy – nói “Mời anh cứ vào.” “Ồ, tôi vào được ạ?” Anh ta có vẻ nhẹ mình. Anh ta muốn có bạn, lại là người biết điều – không phải là loại trút cả lịch sử gia đình mình lên đầu anh – thành ra chúng tôi bảo anh ta cứ tự nhiên. “Dám chắc anh thấy các phòng khách khác trống trơn” tôi nói. Phải, anh ta thấy vậy, nhưng “các ông tốt quá”, v..v..Xong rồi, anh ta làm như đọc một quyển sách . Long thì chơi trò kiên nhẫn, tôi thì mải viết lách. Sau một lúc tôi cảm thấy rõ ràng vị khách của chúng tôi bồn chồn, thần kinh bị kích động, lấy làm lạ, tôi bèn bỏ bút giấy, quay lại nói chuyện với anh ta.

Sau vài câu trao đổi, anh ta trở nên tin cậy “Chắc các ông thấy tôi lạ lắm” (anh ta bắt đầu như vậy) “nhưng thực tế tôi đang bị sốc quá”. Tôi bèn gọi một thứ rượu, loại làm cho người ta vui lên. Hầu bàn mang đồ uống vào làm gián đoạn ít phút (tôi có cảm giác khi cửa mở anh ta giật nảy người) sau đó anh ta lại trở lại nỗi buồn phiền của mình. Anh không quen ai ở chốn này, vô tình biết chúng tôi (hoá ra trong thị trấn, chúng tôi có mấy người quen chung), anh rất muốn xin chúng tôi một lời khuyên , nếu không phiền. Dĩ nhiên chúng tôi đều nói “Xin anh cứ nói” Long đặt mấy con bài sang một bên, và chúng tôi sẵn sàng nghe.

“Nó bắt đầu một tuần trước đây” anh ta kể “Khi tôi đi xe đạp tới Froston cách đây độ năm, sáu dặm, để thăm viếng nhà thờ. Tôi vốn quan tâm đến kiến trúc, có những cánh cổng đẹp tuyệt với các hốc tường, các tấm khiên. Tôi chụp ảnh. Có một ông già quét dọn nhà thờ đi ra hỏi tôi có muốn vào trong xem không. Tôi nói có. Ông lấy chìa khóa dẫn tôi vào xem. Bên trong chẳng có gì mấy nhưng tôi vẫn khen rất đẹp và ông giữ gìn rất sạch. “Nhưng” tôi nói “đẹp nhất là cái cổng.” Lúc ấy chúng tôi đã ra đến cổng, ông nói “À vâng, đúng là một cái cổng đẹp, mà ông biết ý nghĩa của huy hiệu trên đó không?”

“Đó là huy hiệu gồm ba vương miện, và mặc dù chẳng phải chuyên về huy hiệu tôi cho rằng mình biết, tôi nói có lẽ đó là huy hiệu cổ xưa của vương quốc Đông Anglia. “Thưa ông, đúng. Ông có rõ ba vương miện nghĩa là gì không?” tôi nói “Có lẽ nó đã biết cả, riêng tôi không nhớ đã được nghe nói đến hay chưa.”

“Vậy thì thưa ông” ông ta nói “ông là nhà học giả, tôi xin nói ông nghe điều ông chưa biết. Số là có ba vương miện thiêng được chôn ở phần đất gần bờ biển để giữ cho quân Đức khỏi xâm lược. À, thế ra ông không tin? Nhưng hiện nay chỉ còn một vương miên thiêng mà thôi, mà nếu không có nó, hẳn quân Đức đã đổ bộ vào đây từ lâu rồi cùng tàu chiến, giết hết đàn ông, đàn bà, trẻ em ở trong giường. Đó, tôi đã kể với ông sự thực, nếu không tin, ông hỏi mục sư đang đến kia, thì sẽ rõ.”

“Tôi nhìn quanh, ông mục sư đến thật. Một người đẹp đẽ đang rảo bước trên con đường nhỏ, và trước khi tôi kịp nói với ông già là tôi không tin lời ông, thì ông mục sư đã hỏi ngay “Có chuyện gì thế John? Chào ông. Ông đến thăm viếng nhà thờ của chúng tôi ạ?”

“Thế là mấy chúng tôi nói với nhau vài câu, ông già bình tĩnh lại, sau đó mục sư lại hỏi lại là vừa rồi có chuyện gì.”


“Ồ, chuyện nhỏ ấy mà, tôi chỉ bảo quý ông đây hỏi ông về chuyện ba chiếc vương miện thiêng.”

“À, đúng đấy, thật là một chuyện lạ phải không? Nhưng không hiểu ông có thích nghe những chuyện cổ của chúng tôi hay không. ” “Ồ, ông ấy thích lắm,” ông già vội trả lời, “ông mà kể thì ông ấy sẽ tin ông, chính bản thân ông là người quen với William Ager, cả cha lẫn con mà.”

“Tôi bèn nói mình là người thích nghe toàn bộ câu chuyện. Sau ít phút, tôi cùng mục sư đi ngược con phố của làng để mục sư có ít lời nói cùng dân trong giáo khu, sau đó về nhà mục sư và ông đưa tôi vào phòng giấy. Dọc đường ông đã nhận ra tôi thực sự ưa thích truyện dân gian chứ không phải chỉ là người đi chơi lăng quăng. Thành ra ông sẵn sàng kể cho tôi nghe câu chuyện đồng dao rất đặc biệt trước nay chưa được sách nào in ra hết.”

Chuyện kể của ông như sau: “Ở vùng này của nước Anh người ta đều tin có ba chiếc vương miện linh thiêng. Người già nói rằng chúng được chôn ở ba nơi khác nhau gần bờ biển để giữ cho người Đan Mạch, Đức hoặc Pháp không xâm lăng vào bờ cõi. Họ kể một vương miện đã bị đào lên từ lâu, chiếc thứ hai bị mất do biển ăn sâu vào đất liền, chỉ còn một chiếc vẫn lo canh giữ quân xâm lược. Nếu ông đã đọc các sách hướng dẫn du lịch cũng như lịch sử của vùng chúng tôi, hẳn ông nhớ vào năm 1687, một chiếc vương miện (người ta cho rằng của Redwald, vua miền Đông Angles) bị đào lên ở Rendlesham, và chao ôi! Nó tan tành trước khi ai đó kịp vẽ lại cho đúng! Rendlesham không ở sát bờ biển, nhưng cũng không sâu trong đất liền bao nhiêu, đường vào rất dễ dàng. Tôi tin đó chính là chiếc vương miện bị đào lên. Ở phía Nam , hẳn tôi khỏi phải thưa với ông, cả một toà lâu đài của vua chúa người Saxon đã bị chìm xuống biển cả. Đó là chiếc vương miện thứ hai, tôi cho là vậy. Và ngoài hai vương miện đó ra, còn một chiếc thứ ba.”

“Họ có nói hiện đang ở đâu không ạ?” Dĩ nhiên tôi hỏi.

Ông mục sư trả lời “Có chứ, họ nói vậy, nhưng không bảo cho anh biết đâu.” “Với cung cách của ông ta, tôi không dám hỏi thêm, mà chờ một lát rồi nói “Tại sao ông già lại bảo ông biết William Ager, việc này có liên quan gì đến chiếc vương miện không?”

“Nhất định là có rồi, lại thêm một câu chuyện kỳ lạ nữa” ông ta nói “Ages là gia đình ở đây lâu đời, tuy họ không phải người quý tộc hoặc sở hữu nhiều đất đai. Người ta nói họ chỉ là gia đình hoặc chi nhánh của gia đình chịu trách nhiệm canh giữ chiếc vương miện cuối cùng. Cụ Nathaniel Ager là người thứ nhất mà tôi biết – tôi sinh ra và lớn lên ở ngay gần đây – còn cụ thì ở cố định nơi này suốt cuộc chiến tranh 1870. William, con trai cụ, cũng vậy, theo như tôi biết đã ở đây suốt cuộc chiến tranh Phi Châu. Rồi đến William nhỏ, cháu nội cụ, mới chết gần đây thôi, làm một căn nhà tranh gần chỗ chôn giấu vương miện, ở luôn tại đó, tôi nghĩ chính vì vậy mà anh ta chết sớm, vì anh ta bị lao phổi mà cứ phơi mình ở bờ biển canh giữ như thế cả ngày lẫn đêm. Anh ta là người cuối cùng của dòng họ. Anh ta rất đau lòng nghĩ rằng mình thuộc vào dòng họ sau cùng nhưng không biết làm thế nào vì họ hàng gần xa đều ở tại các thuộc địa. Tôi đã viết rất nhiều thư van vỉ họ trở về vì công việc rất quan trọng của gia đình nhưng không ai trả lời. vậy là chiếc vương miện linh thiêng cuối cùng, hiện không có ai canh giữ.”

“Ông mục sư kể với tôi như vậy và các ông thử tưởng tượng xem tôi thấy chuyện này đáng quan tâm đến chừng nào. Chia tay ông ấy xong, tôi chỉ còn nghĩ tới mỗi một điều là đến được chỗ mà người ta cho là chiếc vương miện chôn ở đấy. Ước gì tôi cứ để yên nó ở đấy cho xong!”

“Nhưng có lẽ do số phận run rủi, khi tôi đạp xe về qua nghĩa trang nhà thờ, mắt tôi bắt gặp một ngôi mộ mới với tấm bia có tên William Ager. Tôi đến tận nơi đọc “…của giáo khu này, mất tại Seaburgh, 19…, 28 tuổi.” Đó các ông xem. Dò hỏi thận trọng một chút ở đúng nơi đúng chỗ, tôi cũng sẽ tìm ra mái nhà tranh ở nơi gần nhất. Chỉ không biết nên bắt đầu tìm hiểu từ chỗ nào mới là đúng. Nhưng rồi lại là số phận một lần nữa. có một cửa hiệu bán đồ quý hiếm gần đó, tôi lật đi lật lại mấy quyển sách cổ, một trong số đó là quyển sách kinh đóng bìa khá đẹp, năm 1740, để tôi chạy về phòng lấy cho các ông xem.”

Anh ta chạy đi trong một tình trạng làm người ta sửng sốt, tuy nhiên chúng tôi chưa kịp trao đổi với nhau nhận xét nào thì anh ta đã hổn hển quay trở lại, đưa chúng tôi xem quyển sách, mở đúng vào trang đầu để trắng trên đó có ghi mấy câu thơ bởi một bàn tay lạ lẫm:


“Nathaniel Ager là tên tôi, nước Anh là nước tôi

Seaburg là nhà tôi, Chúa là Đấng cứu thế của tôi

Khi tôi đã chết và nằm trong mộ, thịt nát xương tan

Mong Chúa hãy nghĩ đến tôi trong khi tôi bị quên lãng

Bài thơ này làm năm 1754, ngoài ra còn có nhiều đoạn về những người của gia đình Agers, Nathaniel, Frederick, William, v..v…tận cùng là William, 19…

“Đấy các ông xem, ai cũng phải nói dịp may hiếm có. Tôi cũng bảo thế nhưng lúc ấy tôi chưa biết. Dĩ nhiên tôi hỏi thăm người chủ hiệu về William Ager, và dĩ nhiên ông tình cờ nhớ ra anh ta sống trong một túp nhà tranh ở cánh đồng mạn Bắc và chết ở đó. Chẳng khác gì vẽ đường cho hươu chạy. Tôi biết ngay nó là túp nhà nào. Chỉ có mỗi một cái kích thước như thế trong cả vùng ấy. Việc tiếp theo là cố làm quen bằng được với dân ở đó và tôi thực hiện ngay. Một con chó đã làm việc này giúp tôi, nó sủa vào tôi dữ dằn đến nỗi dân ở đó phải chạy ra đánh đuổi nó đi, xin lỗi tôi, rồi chúng tôi lân la trò chuyện. Chỉ cần nói cái tên Ager ra và làm như tôi biết hoặc cho là mình có biết chút ít về anh ta, người đàn bà tuôn ra nào buồn quá anh ta phải chết trẻ, nào bà tin chắc anh ta qua đêm ngoài trời trong giá lạnh. Tôi hỏi “Anh ta ra biển ban đêm ạ?” “Không, chỉ là nằm dưới khóm cây cao ở trên cái gò ấy thôi.” Tôi bèn đến đấy.

“Tôi khá thông hiểu việc đào đất ở các gò đống vì đã từng đào nhiều gò ở những vùng dưới, nhưng là được phép của chủ đất và giữa ban ngày ban mặt lại có nhiều người giúp đỡ. Tôi phải thăm dò kỹ càng lắm trước khi đặt nhát xẻng vào đấy. Không thể đào một cái hào qua cả cái gò được, hơn nữa, linh sam mọc từ lâu đời sẽ vướng nhiều rễ. Tuy thế đất cát dễ đào, có sẵn cái hang nhỏ, cứ thế phát triển thành một đường hầm. Khó khăn nhất là ra khỏi khách sạn và trở về vào những giờ giấc lạ kỳ.Hôm nào định đào đêm, tôi phải nói với khách sạn đêm đó tôi đi vắng. Khỏi làm các ông chán về mọi chi tiết tôi chịu đựng ra sao, lấp lại thế nào, vấn đề chính là tôi đào được chiếc vương miện.”

Không cần phải nói chúng tôi reo lên và thích thú ra sao. Tôi là người đã từ lâu biết chuyện chiếc vương miện ở Rendlesham và than vãn suốt cho số phận của nó. Nào đã ai được nhìn thấy một chiếc vương miện thời Anglo – Saxon bao giờ đâu – ít nhất cũng chẳng ai có. Nhưng anh chàng này của chúng tôi thì lại nhìn chúng tôi với đôi mắt khổ não. “Phải” anh ta nói “khốn thay tôi không biết làm sao chôn lại nó vào chỗ cũ bây giờ.”

“Chôn nó vào lại chỗ cũ ư?” Chúng tôi kêu lên “Tại sao hả anh bạn thân mến, anh đã tìm được một trong những thứ lý thú nhất mà người ta nghe thấy ở đất nước này. Phải đem tới nhà Kim hoàn ở Tháp London . Có gì khó khăn nào? Nếu anh lo về chủ đất hoặc vấn đề kho tàng đào được tự nhiên..chắc chắn chúng tôi sẽ giúp anh. Không ai gây cản trở kỹ thuật trong trường hợp như thế này.”

Có lẽ chúng tôi còn nói nhiều hơn nữa, nhưng anh ta chỉ úp mặt trong lòng bàn tay và lẩm bẩm “Tôi không biết làm thế nào để lại nó vào chỗ cũ bây giờ.”


Cuối cùng Long nói “Hy vọng anh tha lỗi cho nếu như tôi tỏ ra khiếm nhã, nhưng anh có hoàn toàn chắc chắn là anh có nó trong tay không.” Bản thân tôi cũng muốn hỏi một câu như vậy vì nghe ra cứ như giấc mơ của một người điên, nhưng không dám hỏi sợ anh ta chạnh lòng. Tuy thế anh ta rất bình tĩnh – cái bình tĩnh thực sự của một niềm tuyệt vọng, có thể nói như vậy. Anh ta ngồi thẳng dậy “Không nghi ngờ gì hết. Tôi có nó, trong phòng tôi, khoá trong túi hành lý. Nếu các ông muốn, xin mời đến xem. Tôi sẽ không mang lại đây đâu.”

Còn cơ may nào hơn? Chúng tôi theo anh ta, phòng anh ta cách đó mấy phòng. Người đánh giày đang đi thu thập giày trong hành lang. lúc ấy chúng tôi nghĩ vậy nhưng về sau không chắc lắm. Vị khách của chúng tôi tên là Paxton – run như cầy sấy, vội vã vào phòng, vẫy chúng tôi theo, bật đèn lên, đóng cửa thật kỹ. Rồi mở khoá túi đựng đồ đạc quần áo, mang ra một vật bọc kín trong những chiếc khăn tay sạch, đặt nó trên giưỡng, mở ra. Tôi từ nay dám nói đã tận mắt nhìn thấy một chiếc vương miện Anglo – Saxon thực sự. Nó bằng bạc – chiếc ở Renglesham nghe nói cũng bằng bạc – đính vài viên đá quý, đá chạm, chạm chìm, trông đơn giản, rõ là công trình thủ công thô thiển. Thực tế, nó giống như hình bạn nhìn thấy trên đồng hào hoặc các bản viết tay. Theo tôi, phải trước thế kỷ thứ chín. Dĩ nhiên, tôi vô cùng quan tâm, tôi muốn quay đi quay lại nó trong tay, nhưng Paxton ngăn lại “Ấy ông đừng sờ vào, để tôi.” và với một tiếng thở dài làm người ta hãi hùng lên được, anh ta nhấc nó lên, quay nó tứ phía cho chúng tôi nhìn. “Các ông xem đủ chưa nào?” cuối cùng anh ta hỏi. Chúng tôi gật đầu. Anh ta lại gói lại, khóa trong túi hành lý, sau đó đứng nhìn chúng tôi câm lặng. Long bảo “Ta hãy trở lại phòng chúng tôi, rồi anh nói cho nghe có gì vướng mắc.” Anh ta cảm ơn, nói “Các ông về trước đi, và xem xem bờ biển có vắng không?” thật khó hiểu, toàn bộ quá trình này ở trong khách sạn, mà khách sạn thì vắng hoe. Chúng tôi chưa làm cái gì để cho ai ngờ vực. Tuy nhiên, chúng tôi bắt đầu nghi nghi hoặc hoặc – không hiểu tại sao, có lẽ chứng kích động thần kinh vốn hay lây. Thế là chúng tôi đi ra, sau khi mở cửa ngó ra ngoài thật cẩn thận và tưởng như (tôi cho là cả hai chúng tôi đều tưởng như) có một bóng người, thậm chí nhiều hơn một bóng người – nhưng không hề có tiếng động – tránh sang một bên khi chúng tôi đi ra hành lang. “Ổn cả” tôi thì thào vò tai Paxton – đúng là thì thào – và cả ba chúng tôi, Paxton đi giữa – trở lại phòng khách của chúng tôi. Tôi đã chuẩn bị về đến nơi là tha hồ mê li về tầm quan trọng có một không hai của đồ vật mà chúng tôi vừa được xem, nhưng nhìn thấy Paxton như người mất hồn tôi đành để anh ta bắt đầu.

“Làm thế nào bây giờ?” Anh ta bắt đầu như thế. Long nghĩ tốt nhất (về sau anh giải thích cho tôi) là làm như không biết, anh nói “Tại sao không liên lạc tìm xem chủ đất là ai, rồi thông báo…” “Ấy chết, không, không!” Paxton nóng nảy nói “Xin lỗi các ông, các ông rất tốt nhưng chẳng lẽ không thấy là phải đem nó trả về chỗ cũ hay sao? Đêm thì tôi không dám ra đó, ngày thì không thể được. Các ông không biết là suốt từ lúc sờ vào nó, không bao giờ tôi ở một mình sao?” Tôi định đưa ra một câu nhận xét vớ vẩn nào đó nhưng Long đưa mắt bảo im. Long nói “Có lẽ tôi hiểu một phần, anh nói rõ ra xem nào!”

Thế là Paxton thổ lộ hết. Anh ta nhìn qua vai, vẫy chúng tôi lại gần hơn nữa và thì thầm, chúng tôi lắng nghe thật kỹ, sau này ghi lại hầu như từng chữ một “Nó bắt đầu ngay từ khi tôi mới bắt đầu đào lên, liên tục ngăn cản tôi. Lúc nào cũng có người – một người đàn ông – đứng bên cạnh cây linh sam. Mà ban ngày đấy nhé. Người đó không bao giờ ở trước mặt tôi. Dùng đuôi mắt liếc sang phải hoặc trái thì thấy, nhưng nhìn thẳng vào thì không thấy đâu. Tôi nằm xuống một lúc lâu khảo sát kỹ lưỡng, tin chắc không có ai mới lại ngồi dậy thử đào tiếp, thế là lại thấy người đó. Rồi hắn bắt đầu bóng gió với tôi, bất cứ tôi đặt quyển sách kinh của tôi ở đâu, dù cho tôi có khoá nó lại – thì khi về buồng tôi vẫn thấy nó mở ra trên bàn đúng vào trang có những tên người, dao cạo chặn lên trên cho nó không gập lại. Tôi chắc hắn không mở được túi du lịch của tôi, nhưng tôi nghĩ sẽ còn xảy ra nhiều chuyện nữa. Người này nhẹ và ốm yếu, nhưng tôi không bao giờ dám giáp mặt. Khi tôi đào đường hầm, càng tệ hơn, giá như không gan lì hẳn tôi đã bỏ cả xẻng mà chạy. Lúc nào cũng như có ai đó cào vào lưng tôi, lúc đầu tưởng đất rơi vào, nhưng càng đến gần chiếc vương miện thì càng không thể nhầm được. Đến lúc chiếc vương miện lộ hẳn ra và tôi sờ vào vành lôi nó lên thì đằng sau tôi có tiếng kêu thét – nghe mới thật là ai oán! Lại có vẻ hăm doạ khủng khiếp nữa chứ. Làm tôi chẳng còn vui thú gì nữa! Tôi mà không điên thì đã cất vào chỗ cũ ngay lúc đó. Đàng này tôi không. Sau đó mới thật kinh hãi. Mất nhiều giờ đồng hồ mới sạch sẽ đàng hoàng quay về khách sạn được. Còn phải lấp lại hang mà suốt thời gian đó hắn cứ phá tôi. Lúc thì nhìn thấy hắn, lúc thì không, rõ ràng hắn có mặt ở đó nhưng lại có quyền lực gì đó đối với mắt anh. Tôi đi khỏi nơi ấy trước khi mặt trời mọc không lâu, phải đến đi Seaburgh, và đáp tàu trở về. mặc dù trời đã sáng nhưng vẫn thấy khó đi, lúc nào cũng gặp hàng rào, rồi những bụi cây kim tước… nghĩa là luôn có vật cản trở – không ngừng một giây nào. Cuối cùng tôi gặp những người đi làm, ai cũng quay lại nhìn tôi lạ lùng. Có lẽ họ ngạc nhiên thấy người lạ vào lúc sáng sớm tinh mơ, nhưng tôi cho là không phải chỉ có thế, họ không hẳn nhìn vào tôi. Người phu khuân vác ở ga tàu cũng thế. Người gác toa thì cứ giữ cửa lúc tôi đã vào hẳn bên trong – cứ như anh ta thấy có ai cùng vào theo tôi. Có lẽ các ông cho là tôi tưởng tượng.” Anh ta cười buồn. Rồi nói tiếp “Ngay cả nếu như tôi đặt nó vào chỗ cũ, chắc chắn hắn cũng không tha tôi đâu. Tôi nói thật đấy. Mà trước đây hai tuần, tôi đã sung sướng bao nhiêu!” anh ta xỉu người vào trong ghế bành và tôi tin là anh ta khóc.

Chúng tôi không biết nói thế nào nhưng nghĩ bụng phải cứu anh ta, mà muốn vậy chỉ còn cách duy nhất. Nếu anh ta quyết phải chôn lại chiếc vương miện, thì phải giúp anh ta thôi. Phải nói là sau những gì chúng tôi nghe anh ta nói thì làm vậy là đúng nhất. hậu quả xảy đến với anh ta biết đâu vì chiếc vương miện có quyền lực nào đó gắn với nó thật để mà canh giữ bờ biển? Ít nhất tôi nghĩ vậy và đó cũng là suy nghĩ của Long. Paxton dĩ nhiên hoan nghênh đề xuất của chúng tôi. Bao giờ thì tiến hành? Mười giờ rưỡi đến nơi rồi. Sau khi chôn lại, còn kịp trở về khách sạn không? chúng tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Đêm ấy trăng sáng vằng vặc – trăng đêm lễ Phục sinh. Trước hết Long liên hệ với anh bồi ở khách sạn để xoa dịu, anh ta nói chúng tôi sẽ không về trễ, nhưng nếu đẹp trời quá và chúng tôi ở lại bên ngoài lâu một chút thì anh ta cũng cố chờ. Chúng tôi là khách quen, không gây rối bao giờ, hơn nữa về mặt tiền boa thì được đầy tớ phục vụ ở đây cho điểm không bao giờ dưới trung bình. Vậy là thuận lợi với anh bồi, chúng tôi ra biển, vừa đi vừa nhìn lại đàng sau. Paxton có một áo khóac rộng bọc vương miện giấu ở bên trong.

Chúng tôi cứ thế lên đường chẳng kịp nghĩ ngợi xa gần gì. Tôi cố tình kể phần này ngắn gọn cho phù hợp với nỗi vội vã lúc chúng tôi định ra kế hoạch và thực hiện nó. “Ngắn nhất là con đường leo qua đồi và băng qua nghĩa địa nhà thờ.” Paxton nói. Lúc này tuyệt đối không có một ai, Seaburgh không phải mùa du lịch thì vắng vẻ yên lặng hết chỗ nói. “Ta không thể đi dọc con đê cạnh ngôi nhà tranh ấy, sợ có chó” Paxton bảo vậy, trong khi tôi chỉ ra con đường còn ngắn hơn qua hai cánh đồng ra thẳng biển. Lý do của anh nghe thuận hơn. Đầu tiên chúng tôi lên đồi tới nhà thờ vào cổng nghĩa địa. Tôi thú nhận đã nghĩ có mấy người nằm đây biết việc chúng tôi đang làm. Nếu vậy, họ hẳn hiểu việc này tốt cho họ, họ đang giám sát chúng tôi, nhưng chẳng thấy bóng dáng họ đâu. Tuy nhiên, để ý một chút sẽ thấy chúng tôi đang bị quan sát, cảm giác này tôi chưa từng thấy bao giờ. Đặc biệt khi vào tới một con đường nhỏ có hàng rào cây cao và rậm che chắn, chúng tôi hối hả đi qua như Người Cơ Đốc đi xuống Thung lũng, và thế là ra cánh đồng. Lại đến những dãy hàng rào dài, tuy tôi cứ tưởng đã ra tới ngoài cánh đồng trống để xem có ai ở đằng sau mình không. Sau đó qua một hai cái cổng, quặt trái, lên doi đất chạy ra mặt biển mà tận cùng là cái gò. Gần đến nơi thì tôi cảm thấy, cả Long cũng cảm thấy, có những người ta không nhìn thấy nhưng đang chờ đợi ta, thực tế một người thì rõ ràng nhất. Sự hoảng hốt bồn chồn của Paxton lúc này khó lòng mô tả. Anh ta thở hồng hộc như một con vật bị săn đuổi, tôi và Long không dám nhìn vào mặt anh ta. Không biết anh ta có nghĩ đến tới cái gò làm sao tìm lại được chỗ cũ không, có vẻ như anh ta tin chắc không khó khăn. Không thấy chỗ ấy đâu. Lúc này mới gay go, anh ta lao hết sang bên này lại sang bên kia cái gò, vạch cây cỏ ra tìm, lắm lúc cây cối che hết thân mình anh ta, không thấy anh ta đâu.

Chúng tôi đứng cầm áo và cái bọc trong khăn, sợ sệt nhìn quanh, chẳng thấy gì ngoài hàng cây linh sam in trên nền trời, bên phải cách nửa dặm là nhà thờ với nhiều cây cao, bên trái chỗ đường chân trời là các ngôi nhà tranh và cái cối xay gió, biển chết lặng ở phía trước, một tiếng chó sủa khe khẽ trong túp lều nhà bên con đê sáng loáng, ánh trăng soi sáng thành một con đường lung linh vắt qua mặt biển mà chúng tôi đã quen thuộc, tiếng rì rào của những cây linh sam Scotland trên đầu và của sóng vỗ trước mặt. Yên lặng như thế mà vẫn ý thức được rõ rệt đến những người một sự căm ghét âm thầm ở gần ngay đâu đây, như một con chó bị xích có thể được thả ra bất cứ lúc nào.

Paxton nhô người ra khỏi cái lỗ, giang tay ra chỗ chúng tôi “Đưa đây nào” anh ta thì thào “Cởi bỏ cái bọc ra.” Chúng tôi bỏ hết các khăn tay ra, anh ta thì cầm lấy chiếc vương miện. Trăng soi vào đúng lúc anh ta cầm lấy nó. Chúng tôi thì chưa bao giờ chạm vào kim loại, vậy là phải. Một lát sau Paxton ra khỏi cái lỗ, lấp đất lại bằng hai bàn tay chảy máu. Kể ra chẳng cần đến sự giúp đỡ của chúng tôi. Lâu nhất là đoạn làm sao không để lại vết tích lộn xộn nào. Ấy thế nhưng – chẳng hiểu làm thế nào – anh ta hoàn tất rất thành công. Cuối cùng anh ta có vẻ hài lòng và chúng tôi ra về.

Đi khỏi cái gò được hai trăm mét, Long bỗng nói “Anh để quên cái áo rồi, đúng không?” Tôi cũng thấy cái áo màu thẫm nằm trên chỗ cái hang đã lấp. Tuy nhiên Paxton không dừng lại, chỉ lắc đầu một cái rồi giơ lên cái áo trong tay. Khi chúng tôi tới gần, anh ta nói, chẳng có vẻ kích động chút nào như thể bây giờ chẳng còn gì là quan trọng. “Không phải áo tôi”. Chúng tôi nhìn lại, không còn thấy cái vật đen đen nằm trên gò nữa. Thế là xong. Chúng tôi ra đường và mau mau theo đó đi về. Về đến khách sạn chưa đến mười hai giờ đêm, chúng tôi làm mặt thản nhiên. Long và tôi bảo nhau: “Đi chơi đêm nay tuyệt thật”. Anh bồi vẫn canh chừng chúng tôi về. Anh ta nhìn đi nhìn lại ra ngoài biển và hỏi “Các ông không gặp ai chứ?” “Không, không một ai” khi nói thế Paxton nhìn tôi kỳ kỳ. “Tôi cứ tưởng trông thấy có người đi sau các ông, họ rẽ chỗ con đường ra ga” anh bồi nói “nhưng các ông có ba người kia mà, chẳng ai làm hại nổi các ông.” Tôi không biết nói sao nữa. Long chỉ bảo “Chúc anh ngủ ngon.” Chúng tôi lên gác, định tắt hết đèn sau đó sẽ vào giường ngay.

Vào đến phòng rồi chúng tôi cố gắng làm cho Paxton vui lên. “Vậy là chiếc vương miện yên ổn trở lại chỗ cũ rồi” chúng tôi nói “Kể ra anh đừng động vào nó thì hơn” (anh ta đồng ý) “nhưng thực ra chưa gây tổn hại gì, ai mà vô phúc lại gần nó, chúng tôi cũng chẳng bao giờ giúp nữa đâu. Với lại, anh cảm thấy khá hơn rồi chứ? Tôi xin thú thật là suốt dọc đường đi tôi thấy cứ như có người đi theo anh, nhưng trên đường về thì không, phải không nào?” “Không, không khá lên đâu. Các ông thì chẳng vấn đề gì, nhưng tôi, tôi không được tha thứ đâu. Tôi vẫn còn phải trả nợ cho cái tội phạm Thánh phạm Thần khốn khổ ấy. Tôi biết các ông định nói gì, nhà thờ có thể giúp. Vâng, nhưng cái thân tôi phải chịu khổ đây. Nói đúng ra thì trong tinh thần, tôi không còn cảm thấy hắn chờ tôi ở cửa phòng nữa. Nhưng…” Đến đây anh ta ngừng lời, quay sang cám ơn chúng tôi, chúng tôi để anh ta ra về. Dĩ nhiên dặn anh ta ngày mai cứ tiếp tục sử dụng phòng khách của chúng tôi và còn nói sẽ rất vui lòng được cùng đi ra ngoài với anh. Hoặc là anh có chơi gôn không? Có, anh có chơi, nhưng ngày mai chưa muốn. Vậy thì, chúng tôi khuyên, ngày mai anh nên ngủ muộn và trong khi chúng tôi chơi gôn thì hãy ngồi trong phòng khách của chúng tôi rồi cuối ngày cả ba sẽ cùng nhau đi tản bộ. Anh ta tỏ ra chịu vâng lời rất dịu. Sẵn sàng làm những gì mà chúng tôi cho là tốt nhất nhưng rõ ràng trong đầu óc anh ta có ý nghĩ chuyện gì sắp xảy ra không thể nào tránh được hoặc làm khác đi được. Sở dĩ chúng tôi không đề nghị đi kèm anh về tận nhà, giao tận tay cho người thân anh ta chăm sóc là vì gia đình anh không còn ai. Anh có căn hộ trên tỉnh, nhưng gần đây có ý định sang Thuỵ Điển sống một thời gian, căn hộ không còn, đồ đạc hành ly đóng gói gửi cả đi rồi, anh dự định đi chơi đâu đó vài tuần lễ trước khi bắt đầu cuộc đời mới cho nên mới đến đây. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ còn biết đi ngủ cho quên – thực ra tôi ngủ không được bao nhiêu – mai hãy hay.

Cảm giác của chúng tôi khác hắn đi, tôi và Long, trong một buổi sáng tháng Tư đẹp trời, trông Paxton lại càng khác. Anh ta nói lúc ăn sáng “Lần đầu tiên tôi ngủ ngon.” Anh sẽ làm theo ý chúng tôi, buổi sáng ở nhà, chiều cùng chúng tôi đi dạo. Chúng tôi ra sân gôn,gặp vài người bạn, đánh gôn với họ suốt buổi sáng, ăn cơm trưa sớm để về nhà khỏi muộn. Ấy vậy nhưng cái lưới của thần chết vẫn bủa vây anh ta.

Không hiểu việc này có ngăn trở được không thì tôi không biết, nhưng tôi cho rằng chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể. Dù sao đi nữa, câu chuyện đã xảy ra như thế này.


Về thẳng buồng chúng tôi thấy Paxton vẫn đang yên bình ngồi đọc sách “Sẵn sàng ra ngoài một chút không?” Long hỏi “Độ nửa giờ nữa?” “Được ạ,” anh ta nói. “Chúng tôi thay quần áo, có lẽ tắm một cái nữa đã, nửa giờ nữa chúng tôi sẽ gọi anh.” Tôi tắm trước, rồi nằm ngủ độ mười phút. Hai chúng tôi cùng từ phòng mình bước ra và cùng xuống phòng khách một lúc. Không thấy Paxton đâu, chỉ còn quyển sách. Trong phòng anh ta cũng không mà trong các phòng khách dưới nhà cũng không. Chúng tôi gọi ầm lên. Một đầy tớ nói “Tôi tưởng các vị đã ra ngoài, ông ta cùng đi mà. Ông ta nghe tưởng các ông gọi ngoài đường, vội chạy ra, tôi từ phòng cà phê nhìn ra thấy ông ta mà, tuy không thấy các ông. Ông ta chạy xuống biển theo con đường này này.”

Không nói một lời, chúng tôi rượt theo, ngược lại với hướng chuyến đi đêm qua. Lúc ấy bốn giờ chiều, trời còn sáng, không có ly do gì để mà quá lo lắng. Vẫn còn người đi ngoài đường cơ mà.

Nhưng có lẽ cái nhìn trong mắt chúng tôi có vẻ thế nào đấy, thành ra người đầy tớ chạy ra hẳn bậc tam cấp, chỉ tay “Lối này này!” chúng tôi chạy tới tận bãi đá cuội thì dừng lại. Đến đây phải chọn nên theo ngả nào, qua dãy nhà trước mặt biển hay dọc bãi cát xuống bờ biển nơi thủy triều đang lên. Dĩ nhiên chúng tôi có thể cứ theo bãi đá cuội mà nhìn sang hai ngả, nhưng tôi chọn bãi cát, chỗ ấy vắng vẻ, ai đó có thể gây hại mà không người nào từ ngoài đường nhìn thấy được.

Long nói thấy Paxton chạy phía trước, vừa chạy vừa vẫy cây gậy ra dấu cho ai đó chạy trước anh ta. Tôi không dám chắc. Sương mù lúc này đang từ phía Nam dâng lên. Đúng là có ai đó, tôi chỉ dám nói như vậy. Và có vết giày trên cát, lại còn những vết chân không đi giày chạy trước nó vì vết giày đôi khi chồng lên. Thế này thì tôi chỉ còn có thể nói Paxton chết mà chẳng có cách nào phác hoạ được cung cách ra làm sao vì thủy triều sẽ xóa đi tất cả. chúng tôi vội chạy tới để ý nhìn, các vết chân ấy còn chạy tiếp, chạy tiếp mãi, vết chân trần kia thì không nghi ngờ gì nữa, chỉ có xương không có thịt.

Ý tưởng Paxton chạy theo một cái gì đó giống như chỉ có xương mà lại cho là hai người bạn mình làm chúng tôi hết cả hồn vía. Bạn có biết chúng tôi tưởng tượng thế nào không. Kẻ kia chợt dừng lại, đối mặt với Paxton, bộ mặt ấy hiện ra trong làn sương dày đặc…Tôi vừa chạy vừa không hiểu tại sao anh chàng khốn khổ ấy lại bị lùa vào bẫy, nhầm kẻ kia với hai người bạn, vừa sực nhớ lời Paxton “hắn có uy lực gì đó trên đôi mắt anh.” Và thế là tôi nghĩ đến kết cục của nó, một kết cục không tránh được. Khỏi phải nói cho các bạn biết bao ý nghĩ khủng khiếp đã lướt qua óc tôi trong khi chúng tôi tiếp tục chạy trong sương mù. Huyền bí thay, trên đầu chúng tôi mặt trời có lẽ vẫn tỏa ánh sáng mà chúng tôi không nhìn thấy gì cả, chỉ có thể nói được là chạy qua toàn bộ dãy nhà và đã tới khoảng trống nằm giữa dãy nhà và pháo đài cổ. Qua pháo đài rồi thì chỉ còn bãi đá cuội trải dài – không nhà, không người, chỉ là một dải đất, hay một dải đá sỏi, bên phải là sông, bên trái là biển.

Nhưng trước khi đến pháo đài, bạn nhớ cho, có một ụ pháo cổ nằm ngay bờ biển, giờ đây chỉ còn là một vài tảng bê tông, còn tất cả đã bị biển cuốn trôi, nhưng thời ấy thì số tảng bê tông nhiều hơn tuy toàn bộ ụ pháo đã đổ nát. Chúng tôi chạy tới đó, trèo hẳn lên trên chỗ cao nhất vừa để thở vừa để nhìn suốt bãi đá sỏi xem may ra sương mù có chỗ nào loãng mà thấy được gì chăng. Với lại cũng phải nghỉ đã. Chúng tôi đã chạy bộ ít nhất một dặm đường. Trước mặt hoàn toàn không thấy gì, và chúng tôi đang vô vọng trở xuống thì bỗng nhiên vẳng đến một thứ tưởng chỉ có thể là tiếng cười. Bạn hiểu tôi nói gì không, tiếng cười thì không có hơi thở, không có phổi, khó hy vọng bạn hình dung được, từ phía dưới đưa lên, nó quay cuồng trong không gian, trong sương mù. Đủ chưa? Chúng tôi nhìn xuống bên dưới bức tường. Paxton ở dưới chân tường.

Chẳng cần nói bạn cũng hiểu anh ta đã chết. Vết chân anh ta chứng tỏ anh chạy dọc theo bên cạnh ụ pháo, rồi ngoặt lại chỗ góc và không nghi ngờ gì nữa, xô thẳng vào vòng tay giang ra chờ đợi của một người nào đó đang đón anh ở đấy. Miệng anh đầy đá và cát, hàm răng vỡ vụn. Tôi chỉ dám liếc có một lần vào bộ mặt anh ta.

Cùng lúc chúng tôi từ ụ pháo leo xuống chỗ thi thể anh thì có tiếng kêu, chúng tôi trông thấy một người đàn ông chạy từ trên pháo đài xuống. Đó là người bảo vệ ở đây, đôi mắt tinh tường của ông ta đã thấy ra qua lớp sương mù có chuyện gì đó không ổn. Ông nhìn thấy Paxton ngã, sau đó một lúc chúng tôi chạy theo đàng sau, may thay, nếu không có ông ta thế nào chúng tôi chẳng bị nghi ngờ can dự vào sự tình kinh khủng này. Chúng tôi hỏi ông có nhìn thấy ai tấn công người bạn của chúng tôi không. Ông nói không dám chắc.

Chúng tôi nhờ ông đi tìm người đến giúp và ở lại bên cạnh người chết cho tới khi họ đem cáng đến. Lúc đó chúng tôi mới hình dung ra con đường anh ta đến. Quanh đây chỉ còn lại mỗi bãi sỏi, kẻ kia biến đi đâu?

Chúng tôi biết nói gì trong cuộc điều tra về cái chết bất thường này? Chúng tôi cảm thấy có bổn phận không được nói ra bí mật của chiếc vương miện, không để nó được đăng tải trên báo chí. Không cần biết các bạn rõ chuyện này đến đâu, nhưng hai chúng tôi chỉ nhất trí nói rằng chúng tôi vừa mới quen Paxton ngày hôm trước, anh ta tâm sự đang trong cơn nguy hiểm dưới bàn tay một người tên là William Ager. Chúng tôi cũng thấy vết chân ai đó bên cạnh vết chân Paxton trên bãi cát. Dĩ nhiên lúc ấy bãi cát có còn vết tích gì đâu.

May thay không ai biết người nào tên là William Ager sống trong vùng ấy cả. Nhờ sự làm chứng của người đàn ông trên pháo đài, chúng tôi thoát bị nghi oan. Cuối cùng người ta chỉ tuyên cáo một cái chết bị cố tình ám sát bởi một hoặc nhiều người.

Paxton hoàn toàn không có họ hàng thân thuộc thành ra mọi điều tra bị bế tắc. Về phần tôi không bao giờ đến Seaburgh nữa, lại vãng gần đó cũng không, kể từ ngày đó.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.