Giếng Thở Than

Chương 15: Khu đất có rào Martin


Đọc truyện Giếng Thở Than – Chương 15: Khu đất có rào Martin

Cách đây mấy năm tôi có tới ở chơi với mục sư một giáo khu miền Tây, nơi đó những người trong tầng lớp xã hội của tôi có sở hữu địa sản. Tôi phải đi thăm một số miền ở vùng đất này. Buổi sáng đầu tiên sau bữa điểm tâm, ông thợ mộc cùng người lo toan các với vặt của điền trang, John Hill, đề nghị được đi cùng tôi. Mục sư hỏi sáng hôm ấy tôi định đi những đâu. Bản đồ được mở ra, sau khi biết hành trình dự kiến của chúng tôi, ông ta đưa ngón tay chỉ vào một điểm “Đừng quên hỏi John Hill về khu đất có rào Martin khi anh đến đó nhé! Tôi rất muốn biết anh ta kể với anh những gì.”

“Thế anh ta sẽ kể gì?” tôi hỏi.

“Tôi cũng chưa biết” mục sư nói “Nhưng nếu không hẳn như thế, thì đến giờ cơm trưa”. Nói đến đây có người gọi ông ta đi.

Chúng tôi lên đường, John Hill không phải là người biết giữ kín những thông tin mà mình biết, bạn có thể moi ra từ anh ta nhiều chuyện rất lý thú về những người ở đây cũng như các chuyện kể của họ. Cứ nói đến một chữ lạ hoặc một chữ mà anh ta nghĩ bạn không biết, anh ta sẽ đánh vần lên, thí dụ như cob: C-O-B, v..v..Tuy nhiên không tiện ghi chép mọi chuyện trên dọc đường đi, mãi tới khu đất có rào Martin, tôi mới có dịp. Mẫu đất này rất dễ nhận ra vì chư khu đất nào có rào giậu lại nhỏ đến như thế. Mỗi bề chỉ vài mét mà rào giậu kín tứ phía không có một kẽ hở nào hoặc lối vào nào. Bạn có thể nhầm đó là một khu vườn hoang của một căn nhà tranh nào đó. Nhưng nó ở cách làng xóm và không có lấy một dấu hiệu của trồng trọt. Cách đường cái không bao xa, nó là một phần của nơi mà người vùng này gọi là dồng hoang, tóm lại là một bãi chăn thả gia súc cằn cỗi trên phần đất cao, được chia thành những cánh đồng khá lớn.

“Tại sao cái mảnh đất rào giậu bé xíu này lại ở xa tít tận đây vậy?” Tôi hỏi và John Hill (câu trả lời của anh ta không thể coi là hoàn chỉnh như tôi mong muốn) không hề ngơ ngác “Đây là nơi người ta gọi là khu đất có rào Martin đấy ạ, có một chuyện lạ lùng về mẩu đất này đấy ông ạ. Martin, M.A.R.T.I.N. xin lỗi, có phải mục sư bảo ông hỏi tôi về nó chứ gì?” “Phải, đúng thế” “Thảo nào, tôi cũng nghi vậy. Tuần trước tôi vừa kể với ông ấy xong, ông ấy có vẻ thích thú lắm. Hinh như ở đây chôn một kẻ sát nhân tên là Martin. Già Samuel Suanders trước sống ở vùng này, chúng tôi gọi là Nam thị trấn, hay nói về nó lắm. Một vụ ám sát một phụ nữ trẻ rất khủng khiếp, cắt cổ rồi bỏ cô ta xuống cái ao ngay đây” “Hắn có bị treo cổ không?” “Vâng, ngay cạnh con đường này như tôi được nghe, vào đúng ngày lễ thánh của những người vô tội (Holy Innocents Day) nhiều trăm năm về trước, bị xử bởi một người mà người ta gọi là vị quan toà khát máu (Bloody), Khát máu và cực kỳ nóng nảy nữa” “Tên ông ta là Jeffreys đúng không?” “Có lẽ đúng đấy ạ, Jeffreys – J.e.f…Jeffreys. Tôi đoán thế đấy, Sanders kể cho tôi nghe câu chuyện này nhiều lần – anh chàng trẻ tuổi George Martin bị rối loạn quấy đảo ra sao vì hồn ma của người đàn bà, trước lúc sự việc bị đưa ra ánh sáng” “Như thế nào, anh có biết không?” “Dạ không, không biết chính xác, chỉ biết anh ta bị giày vò đáng kể, và cũng đúng thôi. Già Sanders kể hồn ma ấy nằm trong cái tủ trong quán New Inn. Theo già thì hồn ma đi ra từ trong cái tủ ấy, tôi không nhớ toàn bộ câu chuyện”.

Tất cả thông tin của John Hill chỉ có thế. Tôi kể lại những gì đã nghe với mục sư. Mục sư cho tôi xem sổ kế toán của giáo khu còn lại từ 1684, một giá treo cổ được mua, với tiền chi cho đào huyệt – cả hai dùng cho George Martin, tuy nhiên giờ đây già Sanders đã mất, không tìm được ai trong giáo khu làm sáng tỏ thêm câu chuyện này nữa.

Dĩ nhiên, trở về tôi có đến các thư viện lân cận tìm hiểu thêm. Không thấy tài liệu nào ghi lại vụ xử này. Duy có một tờ báo thời đó cùng vài bản tin đưa tin ngắn về thành kiến của dân địa phương đối với tên tù (được mô tả như một trang công tử quý tộc ở một địa sản giàu có), nơi xử kiện được chuyển từ Exeter lên London, quan toà là Jeffreys, tuyên án tử hình, ngoài ra trong phần chứng cớ có “những đoạn rất là đặc biệt”. Một người bạn biết tôi quan tâm đến Jeffreys bèn gửi cho tôi một trang giấy xé ra từ một cuốn catalog của một hiệu sách cũ, trong có: Jeffreys, quan toà, bản thảo cổ lý thú về vụ xử tội sát nhân, mà tôi có thể mua được với vài silling. Hình như đây là một bản chép tay tốc ký về vụ Martin.

Tôi điện cho hiệu sách, bản thảo được gửi tới. Đó là một cuốn sách mỏng được đóng lại từ nhiều tập, đầu đề viết tay bình thường của ai đó thế kỷ mười tám kèm theo ghi chú “Cha tôi, người ghi tốc ký ở phiên toà, có bảo tôi rằng bạn bè tên tù có lưu ý quan toà Jeffreys để không báo cáo nào về vụ này được in ra. Cha tôi nói đợi tình hình sáng sủa hơn tự tay ông sẽ in sau, ông đưa cha cố Glanvil xem, Cha rất khuyến khích ý khiến này. Tuy nhiên cả hai đều mất khi chưa kịp hoàn tất công trình”.

Hai chữ đầu tên W.G. ghi ở phụ lục, tôi được biết phóng viên khởi thủy là lo lắng T.Gurney, người có dịp tham dự nhiều phiên toà của nhà nước với tư cách nhà báo.

Đó là tất cả những gì tôi đọc được. Sau đó không bao lâu, tôi nghe nói có một người biết giải mã các bản tốc ký thế kỷ mười bảy, và bản đánh máy bằng chữ thông thường của bản thảo kia chẳng mấy chốc được đặt trước mặt tôi. Những đoạn tôi viết ra đây đã hoàn tất những nét chính chưa đầy đủ tồn tại trong trí nhớ của John Hill hoặc tồn tại trong trí nhớ của những người sống ở nơi đã diễn ra sự kiện nói trên.

Bản báo cáo bắt đầu bằng một đoạn lời tựa, đại ý nói dây không phải chỉ là ghi chép thực tế diễn biến ở toà án mà tác giả còn thêm vào một số “đoạn rất đáng lưu ý” xảy ra trong thời gian xử kiện, để sau này đem công bố sẽ là một bản thảo hoàn chỉnh, tuy nhiên phải giữ nguyên tốc ký, sợ rằng nó rơi vào tay những người không có thẩm quyền khiến cho tác giả và gia đình bị mất quyền lợi hưởng thụ.

Sau đây là bản báo cáo:

Vụ này được xử ngày thứ tư 19 tháng mười một giữa chúa tể tối cao của chúng ta, Nhà vua, và ông George Martin, ở…(tôi lược bớt một số tên địa danh)tại phiên Đại hình. Bị cáo là tù nhân ở New Gate thuộc Old Bailey, được đưa ra trước vành móng ngựa.

Thư ký toà: George Martin, giơ tay lên (hắn giơ tay).

Bản cáo trạng được đọc lên, trong đó nói “tên tù nhân đã không sợ gì Chúa và bị quỷ dữ rủ rê cám dỗ, vào ngày 15 tháng Năm năm thứ 36 triều Vua Charles Đệ Nhị đã dùng vũ lực và vũ khí, tại địa điểm nói trên, giết hại cô gái chưa chồng Ann Clark, sống tại địa điểm đó, một cách cố tình và ác độc, bằng con dao nhíp giá một penny, cắt cổ cô ta rồi ném cô ta xuống một cái ao trong giáo khu, chống lại xứ sở thanh bình của nhà Vua, vương miện Người, phẩm giá Người”

Tù nhân xin có một bản sao của cáo trạng.

Quan toà (tức là ngài George Jeffreys): Cái gì? Anh thừa biết anh không được phép. Hơn nữa đây là một bản cáo trạng rất rõ ràng, anh chỉ còn việc muốn cãi gì thì cãi.

Tù nhân: Thưa ngài, tôi được biết có thể có những vấn đề về pháp luật nảy sinh từ bản cáo trạng, do đó kính cẩn xin toà xem xét đề nghị của tôi. Hơn nữa, tôi tin rằng đã có trường hợp được phép có một bản sao như vậy.

Quan toà: trường hợp nào?

Tù nhân: Thưa ngài, từ khi tôi được chuyển từ lâu đài Exeter tới đây tôi hoàn toàn bị giam kín không được tiếp xúc hay tham khảo ý kiến của ai.

Quan toà: Nhưng vừa rồi anh định viện dẫn trường hợp nào?

Tù nhân: thưa quan toà, tôi không thể nói tên chính xác ra đây, nhưng tôi biết có trường hợp như vậy, do đó tôi xin….

Quan toà: Chuyện không đâu! Anh cứ nêu tên, chúng tôi sẽ cho biết có liên quan tới anh không? Anh sẽ có mọi thứ mà luật pháp cho phép, nhưng việc này luật cấm, tôi phải chấp hành.

Chưởng lý (ngài Robert Sawyer): Thưa quan toà, xin yêu cầu ông ta bào chữa.

Quan toà: Anh có tội ám sát nêu trên hay không có tội?

Tù nhân: Thưa ngài, tôi xin bào chữa trước toà. Nhưng nếu tôi bào chữa thì sau đó tôi có quyền phản đối bản cáo trạng hay không?

Quan toà: Được, sau khi tuyên án. Việc đó sẽ được dành cho anh, nếu như có vấn đề về luật trong đó. Nhưng lúc này đây, việc của anh là tự bào chữa.


Sau một sô lời trình bày với toà (hơi lạ so với một bản cáo trạng rành rành như vậy) tù nhân tự cho là mình không có tội.

Thư ký toà: Bị cáo! Anh muốn được xử như thế nào?

Tù nhân: Bởi Chúa và bởi quê hương tôi.

Thư ký toà: Chúa thì gửi cho anh lời phán quyết đúng đắn rồi.

Quan toà: Ô hay sao lại thế? Đã mất bao công sức về việc anh không bị xử ở Exeter bởi quê hương anh, để chuyển lên London , anh lại đòi được xử ở quê? Chúng tôi lại gửi anh về Exeter chắc?

Tù nhân: Theo tôi hiểu thì nói thế là hình thức thôi.

Quan toà: Thôi được rồi, tôi nói đùa thôi. Ta tiếp tục.

Bồi thẩm đoàn tuyên thệ.

Họ tuyên thệ. Tôi không kể tên ra đây. Về phần tù nhân, không có vấn đề gì không thừa nhận. Vì như anh ta nói, anh ta không quen ai trong số bồi thẩm. Tù nhân xin giấy, bút, mực. Quan toà bảo “Cho anh ta”.Như thường lệ, lời buộc tội được đọc trước Bồi thẩm đoàn, và vụ xử mở màn bởi cố vấn pháp luật trường của nhà Vua, ông Dolben.

Quan chưởng lý nối tiếp như sau:

– Thưa quan toà, thưa các vị trong bồi thẩm đoàn, tôi là luật sư của nhà Vua, đứng ra buộc tội tù nhân trong phiên toà này. Quý vị đã nghe nói anh ta bị kết tội giết một cô gái trẻ. Những tội ác như thế này các vị có thể cho là không hiếm gặp, và quả thật, trong thời đại bây giờ, tôi rất tiếc phải nói rằng ít khi xảy ra tội ác nào quá dã man và phi tự nhiên, ngoài những chuyện ta nghe thường ngày. Tuy nhiên tôi phải thú thật là trong vụ ám sát mà tù nhận bị buộc tội thực hiện đây có nhiều điểm ít khi thấy phạm phải ở nước Anh. Người bị ám sát là một cô gái quê nghèo khổ (trong khi tù nhân lại là nhà quý tộc ở một điền trang giàu có). Hơn thế nữa, Thượng đế lại không cho cô ta đầy đủ trí thông minh – ta thường gọi là ngây ngô bẩm sinh. Trong khi ai cũng tiếng một vị quý tộc như tù nhân đây không thèm nhìn tới, có chú ý chăng chẳng qua là vì thương hại cho hoàn cảnh khốn cùng của cô ta chứ không phải để ra tay giết hại một cách man rợ như chúng tôi trình bày sau đây.

Tuần tự sự việc ra sau: Khoảng dịp Giáng sinh năm ngoái, tức năm 1683, chàng quý tộc Martin trở về quê từ trường đại học Cambridge . Bạn bè địa phương muốn tỏ ra đây cũng văn minh (anh ta thuộc gia đình giàu có và tiếng tăm trong nước) đã đưa anh ta đi đây đi đó vui chơi Giáng sinh, cưỡi ngựa đi hết nhà này nhà khác dự hội hè đình đám, xa quá thì phải ngủ lại ở quán trọ. Sau lễ Giáng sinh một hai hôm, họ tới chỗ cô gái sống cùng cha mẹ, cha mẹ cô mở một quán rượu gọi là New Inn. Theo chỗ tôi biết, đây là một gia đình tử tế. Họ khiêu vũ với dân địa phương, Ann Clark tham dự, có cô chị đi kèm. Cô em, như tôi đã nói, vừa ngờ nghệch vừa vô duyên, xem ra không hưởng thụ cuộc vui được bao nhiêu, chỉ đứng ở một góc phòng. Tù nhân đang đứng ở bar rượu trông thấy cô, có lẽ chỉ đùa, mời cô nhảy, chị cô và nhiều người cản ngăn…

Quan toà: Chưởng lý, chúng tôi không ngồi đây nghe chuyện kể về các cuộc liên hoan Giáng sinh trong quán rượu. Tôi không muốn ngắt lời ông, nhưng xin ông đi vào việc chính cho. Ông đừng nói sau đó họ nhảy điệu gì.

Chưởng lý: thưa quan toà, tôi không làm mất thì giờ của quan toà nếu nó không thiết thực. Chính là nó thiết thực vì nó cho biết họ đã quen nhau ra sao, còn về điệu nhạc, ấy thưa, các chứng cớ lại cho thấy nó liên quan mật thiết đến vấn đề đấy ạ.

Quan tòa: Thôi mời ông, mời ông, nhưng xin đừng đi lạc đề.

Chưởng lý: Quả vậy, thưa ngài, tôi sẽ đi đúng trọng tâm. Nhưng thưa quý vị, vậy là quý vị đã rõ lần đầu tiên họ gặp gỡ nhau như thế nào, tôi xin nói ngắn gọn từ đó hai người gặp nhau luôn. Cô gái rất thích thú (cô ta thấy mình được coi là người yêu),còn anh chàng, tuần nào cũng có thói quen đi qua nhà cô ta, cô ta cứ đứng chờ, họ ra hiệu với nhau: chàng ta huýt sáo điệu nhạc chơi ở quán rượu hôm ấy, tức là điệu nhảy rất quen thuộc ở vùng này, có điệp khúc “Madame, bà có đi dạo, có nói chuyện với tôi không?”

Quan toà: Chà, tôi nhớ ở quê tôi, Shropshire , cũng có điệu nhạc ấy, có phải như thế này không? (đến đây ngài huýt sáo một điệu rất đáng chú ý nhưng xem ra không xứng đáng với phẩm cách của một quan toà và vì có lẽ cũng cảm thấy thế, nên ngài nói tiếp) Nhưng tôi nghĩ đây là lần đầu chúng ta được nghe một điệu nhạc khiêu vũ ở phòng xử án. Phần lớn nhảy điệu này là ở Tyburn (Nhìn tù nhân, ông thấy anh ta rối loạn tinh thần ghê gớm) Ông Chưởng lý, ông bảo điệu nhạc rất thực tiễn trong vụ này, tôi nghĩ ông Martin đồng ý với ông đấy. Kìa Martin, anh làm sao thế? Nhìn cứ như là thấy ma thế sao?

Tù nhân: Thưa ngài, tôi ngạc nhiên khi nghe những chuyện vớ vẩn điên rồ người ta buộc cho tôi.

Quan toà: Thôi được rồi, để xem ông chưởng lý có đưa ra những việc vớ vẩn hay không, nhưng tôi phải nói rằng, nếu như lời ông ấy không mang ẩn ý thì chẳng có lý do gì khiến anh ngạc nhiên quá mức như vậy. Xin ông chưởng lý tiếp tục.

Chưởng lý: quả những điều tôi vừa trình bày các vị có thể cho là những chuyện nhỏ nhặt. Vâng, sự thể đáng lẽ tốt đẹp nếu như một vị quý tộc trẻ trung, danh giá đừng đi xa hơn việc đem lại niềm vui cho một cô gái quê ngốc nghếch. Xin nói tiếp. Sau đó ba, bốn tuần thì vị quý tộc kia đính ước với một cô nàng cùng giai cấp với mình trong vùng này, một đám môn đăng hộ đối, hứa hẹn một cuộc đời cao sang hạnh phúc. Nhưng chẳng mấy chốc cô gái quý tộc kia nghe được những lời đàm tiếu trong vùng về tù nhân và Ann Clark, coi đó là xử sự không đứng đắn của người yêu – tên tuổi anh ta là trò đùa nơi quán rượu – xúc phạm đến danh dự cô, do đó được phép cha mẹ, cô cắt đứt với anh chàng. Biết tin, anh chàng tức giận Ann Clark đã đưa đến sự bất hạnh của mình (thực tế chẳng ai đáng giận hơn là chính anh ta) anh ta mắng mỏ và đe doạ cô gái, kết quả đưa đến chỗ khi gặp cô, anh vừa lợi dụng cô vừa đánh cô bằng roi ngựa. Nhưng cô gái,vốn ngây thơ tội nghiệp, không sao dứt được anh ta, cứ đi theo anh ta nức nở phân trần tình yêu thương của cô, đến mức cô trở thành tai hoạ quấy rầy anh ta. Và cũng vì lễ đính ước của anh đòi hỏi anh ta thường xuyên đi qua gần chỗ cô gái, anh không thể (mặc dù tôi cho là anh có thể) tránh thỉnh thoảng vẫn gặp cô. Tình hình này dẫn đến ngày 15 tháng Năm cùng năm, tù nhân cưỡi ngựa qua làng như mọi khi, và gặp cô gái. Lẽ ra phớt lờ đi thẳng như gần đây vẫn làm thì anh ta dừng chân, nói với cô gái cái gì đó khiến cô ta rất vui mừng, sau đó đi mất, và kể từ hôm đó không thấy cô ta đâu nữa. Lần sau đi ngang qua, tù nhân được gia đình cô hỏi thăm xem có biết cô đi đâu không, nhưng anh ta hoàn toàn chối. Họ nói với anh ta là họ rất sợ cho cô, do trí khôn không bình thường nên thấy anh ta chú ý đặc biệt đến cô như vậy, cô lại đâm hoảng hốt, tự hại đời mình bằng hành động dại dột gì chăng, cầu khẩn anh từ nay đừng để ý đến cô nữa, anh chỉ cười bỏ đi. Tuy nhiên, mặc dù anh ta luôn tỏ ra vô tư vui vẻ như vậy mọi người. Thấy thái độ, phong cách của anh ta đổi khác, cứ như người bị rối loạn tâm thần. Đến đây, xin để các nhân chứng trình bày. Riêng tôi, tôi cho là có sự trả thù của Chúa đối với kẻ sát nhân. Người đòi trả nợ máu cho người vô tội.

(Đến đây chưởng lý nghĩ một lát, lật lật các tờ giấy. Tôi và nhiều khác hơi lấy làm lạ, ông này không dễ gì bị bối rối)

Quan toà: ông chưởng lý, ông định đưa ra chứng cớ gì vậy?

Chưởng lý: Thưa ngài, đây là một loại chứng cớ rất lạ, nhưng nó là sự thực, trong tất cả những vụ tôi tham gia quả thật tôi không nhớ có cái gì giống nó. Nhưng nói tóm lại, thưa quý vị, chúng tôi xin đưa ra bằng cớ chứng minh rằng ngày 15 tháng Năm người ta vẫn còn nhìn thấy Ann Clark, dĩ nhiên lúc này không phải một người còn sống nữa rồi.

(Mọi người ư hừm, có những tràng cười nổi lên, toà phải kêu gọi im lặng và khi im lặng rồi..)

Quan toà: Ông chưởng lý, có lẽ ông nên gác câu chuyện này lại một tuần nữa, đúng đến Giáng sinh, ông có thể làm các bà bếp sợ một mẻ (mọi người lại cười và hình như tên tù nhân cũng cười thì phải) Lạy Trời, ông đang huyên thuyên cái gì vậy, chuyện ma ư, chuyện các điệu nhảy Jig của Giáng sinh ư? Chuyện quán rượu ư, trong khi đấy là tính mạng của một con người! (nói với tù nhân), và ông nữa, thưa ông, tôi muốn biết là chẳng có mấy khi ông vui vẻ đâu. Ông được đưa đến đây không phải để vui, tôi chưa biết ông Chưởng lý còn có gì thêm ngoài bản cáo trạng không. Xin ông chưởng lý cứ tiếp tục. Tôi, có lẽ, không nên nói quá nghiêm khắc, nhưng phải thú thật chứng cớ của ông khá bất thường.

Chưởng lý: chẳng ai biết rõ điều ấy hơn tôi, thưa ngài, nhưng thôi, xin đưa đến kết thúc có đầu đuôi như sau. Thưa quý vị, xác Ann Clark được tìm thấy vào tháng bảy, cổ bị cắt, trong một cái ao, trong ao còn thấy cả một con dao nhíp của tù nhân. Tù nhân ra sức tìm lại con dao này, và chính vì thế điều tra của cảnh sát tư pháp mới có thể buộc tội anh ta ở phiên toà hiện tại, phiên toà lẽ ra xử ở Exeter nhưng vì không tìm đủ nửa số bồi thẩm ở quê anh ta, theo yêu cầu của anh ta, vụ này được đưa đến London, tức là được ưu tiên đặc biệt. Chúng tôi xin gọi các nhân chứng.

Sau đó đến phần các nhân chứng lên xác nhận mối quen biết giữa tù nhân và Ann Clark, cũng như bản điều tra của cảnh sát tư pháp. Không có gì đặc biệt nên tôi cho qua.


Rồi Sarah Ascott được gọi lên tuyên thệ.

Chưởng lý: Bà làm nghề gì?

Sarah: tôi trông quán New Inn, ở…

Chưởng lý: bà có quen tù nhân trước vành móng ngựa không?

Sarah: Có. Anh ta hay đến quán rượu chúng tôi kể từ Giáng sinh năm ngoái.

Chưởng lý: Bà quen với cô Ann Clark không?

Sarah: Có ạ. Rất quen.

Chưởng lý: Cô ta trông thế nào?

Sarah: Thấp béo. Không biết ông muốn tôi trả lời thế nào?

Chưởng lý: Có duyên dáng dễ thương không?

Sarah: Còn xa mới dễ thương. Tội nghiệp cô gái! Mặt to, hàm trễ, da xám ngoét cứ như con puddock.

Quan toà: Là nghĩa thế nào, thưa bà?

Sarah: Xin lỗi ngài, tôi nghe ông Martin bảo mặt cô ta to như mặt con puddock, và đúng như vậy thật.

Quan toà: Thế là cái gì ông Chưởng lý? Xin ông giải thích hộ cho.

Chưởng lý: Ở đấy, người ta gọi thế có nghĩa là con cóc.

Quan toà: À, con cóc! Thôi nói tiếp đi.

Chưởng lý: Bà có biết chuyện gì xảy ra giữa bà và tù nhân ở quán rượu hồi tháng Năm năm ngoái?

Sarah: Thế này ạ. Sau hôm Ann Clark không về lúc chín giờ tối, tôi đang làm việc trong nhà, chỉ có ông Thomas Snell trong quán, thời tiết rất xấu. Ông Martin tới gọi đồ uống, tôi nói đùa “Thưa ông, ông tìm người yêu ông chăng?” Thế là ông ta nổi cáu, yêu cầu tôi đừng có gọi như thế nữa. Tôi rất ngạc nhiên, chúng tôi vốn thường nói đùa với ông ta về cô gái.

Quan toà: Cô nào?

Sarah: Thưa cô Ann Clark ạ. Vì chúng tôi chưa nghe tin anh ta đính ước với một cô nhà quý tộc ở đâu đó, chứ nếu không tôi đã không dùng từ ngữ ấy. Tôi bèn im, nhưng vì hơi lúng túng, tôi bèn cất tiếng hát điệu nhạc họ nhảy với nhau lần đầu ở quán, nghĩ nó sẽ châm chọc ông ta. Cũng là đoạn ông ta hay huýt sáo khi ông ta tới ngoài đường. “Madame, bà có đi dạo cùng tôi, có chuyện trò cùng tôi không?” Lúc ấy không nhớ tôi cần thứ gì đó bèn đi vào trong bếp, vừa đi vừa hát và ngày càng hát to. Bỗng dưng tôi nghe tiếng trả lời ở ngoài đường, tuy không chắc lắm vì gió ở ngoài rất mạnh. Thế là tôi ngừng hát và nghe rõ “Vâng, thưa ông. tôi sẽ đi dạo và chuyện trò cùng ông” Chính là giọng của Ann Clark

Chưởng lý: Tại sao bà biết đó là giọng của cô ta?

Sarah: Làm sao tôi nghe nhầm được! giọng cô ta nghe the thé, nhất là khi hát. Nhiều người trong làng đã giả tiếng cô ta mà không được. Nghe thấy thế tôi mừng quá vì chưa biết chuyện gì đã xảy ra với cô. Tuy cô ta ngớ ngẩn bẩm sinh nhưng tính tình tốt, dễ bảo. Tôi nói một mình “À thế ra cô đã về rồi đấy hả?” và chạy ra cửa trước, qua mặt ông Martin, tôi bảo “Kìa, người yêu của ông đã về rồi kia kìa, tôi gọi cô ta vào nhé”, sau đó ra mở cửa. Nhưng ông Martin giữ tay tôi lại, ông ta hầu như loạn trí “Này, đừng” ông ta nói “Hãy vì Chúa, xin đừng!” Ông ta run bắn lên như cầy sấy. Tôi bực mình “Ông không vui khi tìm thấy em nó à?” và tôi gọi Thomas Snell “Nếu ông đây không bằng lòng thì anh ra mở cửa đi”, Thomas Snell ra mở cửa, gió ùa vào thổi tắt phụt hai ngọn nến chúng tôi vừa thắp. Ông Martin bỏ tay tôi ngã lăn xuống đất, nhưng tối mò, một hai phút sau mới có ánh sáng, trong khi mò mẫm tìm diêm, tôi nghe có tiếng bước chân đi qua sàn nhà vào chỗ cái tủ ở phía trong và tiếng cửa tủ mở ra rồi đóng sập lại. Nến thắp lên, ông Martin ngồi trên chiếc ghế dài, mặt trắng nhợt, mồ hôi vã ra như người mất hồn, hai tay thõng xuống. Định chạy lại giúp ông thì tôi chợt trông thấy có mảnh áo kẹt ở cánh cửa tủ, tôi sực nhớ lúc nãy có nghe tiếng cánh tủ đóng. Thế là tôi nghĩ lúc tắt đèn có ai chạy vào ẩn trong đó. Đến gần tôi để ý nhìn. Tôi thấy một mảnh áo choàng màu đen ở dưới có viền, đúng như viền của chiếc áo vải nâu, mắc kẹt ở cửa tủ, cả miếng vải lẫn viền áo ở dưới thấp tựa như có người quỳ xổm trong tủ.

Chưởng lý: Thế bà cho là cái gì?

Sarah: Là áo của một người đàn bà.

Chưởng lý: Bà đoán là áo của ai? Bà có biết ai có cái áo như thế không?


Sarah: Vải này nhiều phụ nữ trong giáo khu mặc.

Chưởng lý: Có giống áo của cô Ann Clark không?

Sarah: Cô Ann Clark thường mặc cái áo giống như thế nhưng tôi đã tuyên thệ, tôi không thể đoán chắc dưới là áo của cô ta.

Chưởng lý: Bà còn thấy gì khác nữa không ngoài mảnh vải đó?

Sarah: Nó ướt sũng, nhưng bên ngoài đang mưa gió..

Quan toà: Bà có sờ vào nó không?

Sarah: Không ạ, tôi không muốn.

Quan toà:Không muốn? Bà tao nhã quá không dám sờ vào một cái áo ướt?

Sarah:Không phải vậy, nhưng nó có nét gì ghê khiếp lắm.

Quan toà: Tiếp tục.

Sarah: Thế là tôi gọi Thomas Snell, bảo lại gần và lưu ý, tôi mở cửa tủ ra thì hãy tóm lấy người chạy ra “vì có kẻ ẩn trong đó, chưa biết họ muốn gì”. Nghe thấy thế ông Martin kêu lên một tiếng và chạy vụt ra cửa trong đêm tối. Nhưng khi đó cửa tủ bị đẩy ra dù tôi giữ chặt, cả Thomas Snell cũng lao vào cùng giữ với tôi, tuy thế cửa tủ vẫn bị bật mạnh ra khiến chúng tôi ngã vật ra.

Quan toà: Con chuột chạy ra chăng?

Sarah: Dạ không, to hơn con chuột nhiều, nhưng tôi không nhìn thấy gì cả, chỉ thấy một cái gì đó vượt ra cửa băng qua sàn nhà.

Quan toà: Nhưng trông nó như thế nào mới được chứ? Như một người ư?

Sarah: Thưa, không nói chắc được, nó chạy chậm thôi và đen đen. Cả tôi và Thomas Snell hoảng cả người, nhưng đều chạy theo, nhìn qua cánh cửa bỏ ngỏ chỉ thấy tối đen chẳng thấy gì cả.

Quan toà: Không còn vết tích gì trên sàn nhà à? Sàn là sàn gì?

Sarah: Sàn lát đá phiến, thưa ngài, trên còn vết ướt nhưng hai chúng tôi chẳng hiểu thế nào vì thời tiết mưa gió mà.

Quan toà: Hừ. Về phần tôi – tuy dám chắc chuyện nhân chứng nói là chuyện lạ đấy – tôi chưa hiểu ông chưởng lý muốn gì với nhân chứng này.

Chưởng lý: Thưa ngài, để chứng tỏ thái độ kỳ quặc của tù nhân ngay sau khi nhân vật bị ám sát mất tích. Bồ thẩm đoàn lưu ý việc này cho, cùng với giọng hát nghe thấy bên ngoài ngôi nhà.

Sau đó tù nhân đặt vài câu hỏi không lấy gì làm thiết thực lắm, rồi Thomas Snell được gọi lên, anh này cũng đưa những chứng cớ kiểu như của bà Ascott, thêm vào đó.

Chưởng lý: Sau khi bà Ascott ra khỏi phòng giữa bà ấy và tù nhân có xảy ra chuyện gì không?

Thomas: Tôi có một nhúm thuốc lá sợi trong túi.

Chưởng lý: Nhúm thuốc lá sợi?

Thomas: Tôi bỗng muốn hút một tẩu thuốc, tôi bèn lấy cái tẩu trên mặt lò sưởi, và vì có nhúm thuốc lá sợi nhưng lại để quên con dao nhíp ở nhà, răng thì chẳng còn mấy mà cắn, như quan toà và các ngài trông thấy đấy.

Quan toà: Cái anh này nói cái gì vậy nhỉ? Đi vào việc cho! Chúng tôi ngồi đây để nhìn răng anh à?

Thomas: Dạ không phải thế. Có Trời biết! Tôi biết ngài có việc làm tốt hơn, răng tốt hơn và tôi không lấy thế làm lạ.

Quan toà: Trời ơi! Anh này làm sao vậy? Vâng, răng tôi tốt hơn, anh mà không đi vào việc thì sẽ biết răng tôi thế nào.

Thomas: Xin ngài tha lỗi, sự việc đúng là như vậy, tôi hỏi mượn ông Martin con dao nhíp của ông ấy để cắt sợi thuốc lá ra. Ông ấy tìm hết túi nọ đến túi kia. Tôi hỏi, “Ông mất con dao rồi ạ?” Ông ấy đứng hẳn dậy tìm rồi ngồi xuống rên rỉ “Thôi chết tôi rồi! hẳn tôi để lại đó rồi!” Tôi nói “Nhưng có ở đó đâu ạ? Có đáng bao nhiêu đâu mà ông phải kêu lên thế” Ông ta cứ ngồi đó hai tay ôm đầu, chẳng để ý gì đến lời tôi nói. Thế rồi bà Ascott từ trong bếp đi ra.

Được hỏi có nghe thấy tiếng hát ở ngoài đường không, anh ta bảo “Không” tuy nhiên cửa vào bếp lúc đó đóng và bên ngoài gió rất mạnh, về giọng của Ann Clark thì không ai có thể nhầm được.

Sau đó đến một đứa trẻ con, William Reddaway, khoảng mười ba tuổi được gọi lên, quan toà đưa ra những câu hỏi thông thường, biết nó hiểu thế nào là tuyên thệ. Nó tuyên thệ. Nó làm chứng cho một sự kiện xảy ra một tuần sau đó.

Chưởng lý: Nào, bé con, đừng sợ. Ở đây không ai làm hại em cả nếu em nói đúng sự thật.


Quan tòa: Nếu nó nói đúng sự thật? Bé con, nhớ đây, em đang ở trước Đức Chúa của Trời đất nắm giữ chìa khoá địa nguc. Em đang ở trước chúng ta là các quan chức của nhà Vua nắm giữ chìa khoá của nhà tù Newgate, nhớ, đây là chuyện sống chết của một con người. Nếu nói sai, em đưa anh ta đến chỗ chết, cũng như thể em là kẻ sát nhân, vậy em phải nói sự thật.

Chưởng lý: Cứ nói với bồi thẩm đoàn những gì em biết. nói đi. Chiều 23 tháng Năm vừa rồi em ở đâu?

Quan toà: Trẻ con nó biết gì về ngày tháng. Em có biết ngày tháng không?

W(William): Thưa quan toà có. Đó là ngày trước ngày tiệc tùng của chúng cháu. Cháu có đồng sáu xu để tiêu, đúng vào ngày trước ngày Hạ chí một tháng.

Một vị bồi thẩm: Chúng tôi không hiểu.

Quan toà: Nó nói nó nhớ cái ngày đó bởi lẽ đó là trước cái ngày có hội hè tiệc tùng, và nó có sáu xu để tiêu. Đặt đồng sáu xu lên bàn nào. Nào, thế lúc đó cháu ở đâu?

W: Cháu chăn bò trên đồng truông ạ.

Nhưng thằng bé nói toàn tiếng địa phương, quan toà chẳng hiểu lắm, phải có người phiên dịch, may thay giáo xứ của giáo khu có mặt tại đó, bản thân cha xứ cũng tuyên thệ. Lời thằng bé “Tôi ở trên đồng ruộng đến sáu giờ, ngồi sau một bụi kim tước gần cái ao. Tù nhân thận trọng đi tới, nhìn quanh nhìn quất, tay cầm một cây sào dài, đứng yên một lúc nghe ngóng. Sau đó lấy sào khều dưới nước. Tôi ngồi cách bờ ao có năm mét, thấy cây sào chạm vào vật gì đó kêu oạp oạp. Ông ta bỏ sào quăng mình xuống đất, lăn lộn rất kỳ quặc, hai tay ôm lấy đầu, một lúc sau đứng dậy bỏ đi”

Được hỏi có trao đổi gì với tù nhân không, nó nói “Một hai ngày trước đó, biết tôi vẫn thường ở đồng truông, ông ta hỏi tôi có thấy một con dao nhíp nằm ở đâu đó trên cánh đồng không, nếu thấy đưa ông ta sẽ được đồng sáu xu. Tôi bảo không, nhưng tôi nói sẽ hỏi xem, thế là ông ta cho tôi sáu xu bảo là đừng hỏi gì cả”

Quan tòa: Tức là đồng sáu xu em định đem tiêu trong bữa tiệc chứ gì?

W: Thưa quan toà vâng ạ

Được hỏi có thấy gì lạ ở cái không, nó bảo không, trừ việc “nó bắt đầu có mùi kinh khủng, suốt mấy ngày bò không đến ao uống nước nữa”

Được hỏi có thấy tù nhân và cô Ann Clark đi cùng với nhau không, nó cứ khóc hoài, mãi mới làm nó nín khóc và nói được rõ lời (cuối cùng ông Matthews, cha xứ của giáo xứ làm nó trấn tĩnh lại để nghe người ta hỏi tiếp) Nó nói nó thấy cô Ann Clark chờ tù nhân ở đồng truông xa xa, rất nhiều lần, kể từ Giáng sinh năm ngoái.

Chưởng lý: Em có nhìn rõ cô ấy không để chắc chắn là cô ấy?

W: Có. Chắc chắn ạ.

Quan toà: Chắc chắn như thế nào?

W: Vì cô ấy đứng và nhảy lên xuống, hai cánh tay đập đập như một con ngỗng (chỗ này đứa trẻ dùng tiếng địa phương nhưng ông cha xứ giải thích là con ngỗng) tư thế ấy không lẫn với ai khác được.

Chưởng lý: Lần cuối cùng em trông thấy cô ấy là khi nào?

Đến đây thằng bé lại khóc ròng và cứ bám chặt lấy ông Matthews, ông này bảo nó đừng sợ. cuối cùng nó kể câu chuyện sau đây: Vào đúng cái ngày trước bữa tiệc (cũng là buổi chiều tối nó kể trên kia), sau khi tù nhân đi khỏi, vì đã hoàng hôn nó rất muốn về nhà nhưng lại sợ ra khỏi bụi kim tước sẽ bị tù nhân nhìn thấy nên đàng đứng sau bụi cây ít phút nhìn ra cái ao. Nó thấy một hình thù đen đen từ ao nhô lên, rồi lên bờ. Khi lên đến chỗ cao nhất trên bờ ao in hình rõ nét trên bầu trời và đứng thẳng lên vỗ cánh tay lên xuống sau đó nhẹ nhàng chạy theo hướng tù nhân. Khi được hỏi theo nó đó là ai thì nó bảo chính là cô Ann Clark chứ không phải ai khác.

Rồi đến ông chủ của thằng bé được gọi lên, ông ta kể lại tối đó thằng bé về muộn và bị quở trách nhưng nó chỉ có vẻ sửng sốt chứ không nói rõ lý do.

Chưởng lý: Thưa quan toà, chúng tôi đã đưa xong các nhân chứng vào

Quan toà bèn gọi tù nhân lên tự bào chữa. Hắn nói không dài nhưng vừa nói vừa thở hổn hển, nói rằng hắn hy vọng bồi thẩm đoàn không quyết định tính mạng hắn dựa trên một nhúm người nhà quê và trẻ con vốn tin vào bất cứ chuyện vớ vẩn nào, và rằng trong vụ xử này ngay từ đầu hắn đã bị có thành kiến. Quan toà ngắt lời, nói là hắn đã được đặc biệt ưu đãi chuyển vụ xử từ Exeter đến đây, hắn thừa nhận, ấy thế nhưng lại cảm ơn bằng cách nói là từ khi bị đem lên London chẳng ai trông nom hắn chu đáo khiến hắn luôn bị quấy rầy, bị gây rối. Nghe vậy quan toà bèn cho gọi Cảnh sát trưởng, hỏi về việc giữ an toàn tù nhân ra sao. Thực tế làm gì có chuyện đó. Tuy nhiên, cảnh sát trưởng nói là có nghe cai ngục kể lại đã nhìn thấy một người trước cửa buồng hắn, hoặc là đi lên cầu thang tới buồng hắn, nhưng thực ra thì không ai có thể vào được bên trong. Được hỏi thêm người đó thuộc loại người nào thì ông cảnh sát trưởng bào là chỉ nghe nói, mà nghe nói thì không được phép nói ra đây. Về phần tên tù nhân, được hỏi có phải đó là người hắn định nói không thì hắn bảo không, không biết gì về chuyện đó cả, một người sống chết chưa biết thế nào sao tránh khỏi cảm thấy không được yên ổn. Xem ra lời dối trá này có vẻ hấp tấp. Sau đó hắn không nói gì thêm, cũng không ai gọi ra làm chứng. Ông chưởng lý nói với bồi thẩm đoàn (một đoạn dài, nếu có thời gian tôi xin trích một phần, trong đó đi sâu vào sự xuất hiện của nạn nhân đã bị ám hại. Ông được pha vài chuyên gia cổ điển như là St Agustinne De cura pro mortuis genenda – do chăm sóc sức khoẻ mà sinh ra yếu đuối (một quyển sách rất nay được các nhà văn tham khảo khi viết về đề tài siêu tự nhiên) đồng thời cũng kể ra một số trường hợp có thể đọc thấy trong ghi chép của Glanvil, thích hợp nhất là sách của Lang. Tuy nhiên ông không nói thêm gì nhiều ngoài các trường hợp như đã in trong sách)

Quan toà tóm tắt các chứng cứ cho bồi thẩm đoàn nghe. Bài nói của ông không có gì đáng để tôi ghi lại đây nhưng rõ ràng ông rất ấn tượng bởi tính cách đặc biệt của các chứng cớ mà các nhân chứng đưa ra. Trong cuộc đời hành nghề ông chưa từng nghe thấy như vậy bao giờ. Tuy nhiên luật pháp không dựa trên đó, bồi thẩm đoàn tin vào các nhân chứng hay không là tuỳ.

Bồi thẩm đoàn cân nhắc không lâu, đi đến nhất trí tù nhân có tội.

Tù nhân được hỏi còn muốn nói gì nữa không về phán xét này, hắn nói tên hắn trong bản cáo trạng viết chữ Martin viết I ngắn trong khi thực ra là phải Y dài. Chưởng lý nói việc này không thực tế, hơn nữa, thỉnh thoảng chính tù nhân cũng viết vậy. Tù nhân không còn gì để nói thêm nữa. Hắn bị kết tội tử hình và sẽ bị treo cổ ở một giá treo cổ gần nơi thực hiện tội ác, ngày hành quyết là ngày 28 tháng Mười hai sau đó, vào ngày lễ Thánh của những người vô tội.

Lúc ngày tù nhân thể hiện tình trạng vô cùng tuyệt vọng, hắn hỏi quan toà xem thân nhân có được phép thăm hắn trong những ngày còn lại không?

Quan toà: À, tôi sẵn lòng cho phép, nhưng phải có viên cai ngục và cô Ann Clark nữa, cũng có thể đến thăm anh.

Nghe thế tù nhân quay đi, khóc lóc xin quan toà đừng dùng lời lẽ ấy, quan toà bực mình nói hắn không đáng hưởng bất kỳ đối xử tủ tế nào, dịu dàng nào, hắn là tên đồ tể, tên sát nhân hèn nhát, mình làm mình chịu kêu mà ai thương. “Tôi hy vọng Chúa sẽ để cho cô ta sẽ đến với anh cả ngày lẫn đêm cho đến lúc anh lìa đời”

Tù nhân được đem ra, và theo như tôi biết, hắn lịm đi, phiên toà thế là bế mạc.

Tôi không thể không nhận xét, suốt phiên toà tù nhân trông vẻ bất ổn và bồn chồn, khác hẳn nhiều thủ phạm bị tử hình khác. Lúc nào hắn cũng nhìn kỹ vào từng người, đôi khi đột ngột quay ngoắt mặt đi tựa như có ai thì thầm với mình. Một điều đáng chú ý nữa là phiên toà tuyệt đối yên lặng và hơn nữa phòng xử tối tăm mờ mịt khác thường (dĩ nhiên mùa này thì trời không sáng sủa cũng đúng thôi), mới hai giờ chiều đã phải thắp đèn trong phòng xử, tuy bên ngoài chưa có sương mù.

Còn có điều đáng chú ý nữa, gần đây một vài thanh niên tổ chức hoà nhạc trong ngôi làng mà tôi nói trên kia, có kể là các thính giả tiếp đón rất lạnh nhạt điệu nhạc “Madame, bà có đi dạo…” Sáng hôm sau họ nói chuyện với dân địa phương mới biết ở đây người ta ghê tởm nó. Ở North Tawton thì không đến nỗi thế nhưng họ cho rằng nó đem đến điều không may. Vì sao như vậy thì không ai có một ý niệm nào cả.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.