Bạn đang đọc Giấc Mộng Đế Hậu: Chương 6: Thi Hội
Tất cả mọi người đều sững sờ. Mặt Văn Sinh đã đen như cái đít nồi. Nghiến răng nghiến lợi, giọng nói trầm trầm mang đầy sát khí.
“Ta cho ngươi nói lại lần nữa, ngươi nói gì?”
“Nô tỳ nói ngài là người bụng dạ hẹp hòi, thiếu hiểu biết, cố chấp, kiêu ngạo, tưởng chỉ có mình là giỏi, xem thường người khác.” Thanh Nguyên bày ra vẻ “ta đây không sợ”. Cuối cùng ngẫm nghĩ một tý lại nói thêm “Còn bất kính, bất hiếu nữa.” Mặt Văn Sinh đen như đít nồi.
Hắn cười cười rồi nhìn Tiêu Lam, ánh mắt như chất vấn.
“Hừ, nha hoàn của tiểu thư thật can đảm, dám cả gan sỉ nhục khách của chủ cơ đấy? Ta vẫn muốn hỏi lại lần nữa, đây là cách dạy dỗ nô tài của tiểu thư sao?”
Tiêu Lam sau một thoáng sững sờ, chưa kịp mở miệng đã bị chặn họng.
“Xin tiểu thư và Văn Sinh đại phu chớ hiểu lầm, em đây có ăn gan cọp cũng không dám mạo phạm đại phu. Chẳng qua, em chỉ muốn tốt cho đai phu nên nói thật. Là nói thật chứ không phải sỉ nhục. Sỉ nhục là dùng những điều không có thật nhằm mục đích xúc phạm nhân phẩm người khác. Em sao gánh nổi tội danh đó. Những điều em nói là “nói có sách mách có chứng”. Em nghĩ một nhân vật lớn như Văn đại phu sẽ không chấp nhất với kẻ dưới như em, nên mới cả gan nói ra. Nếu tiểu thư muốn trách phạt, em cũng xin nhận. Nhưng em tuyệt đối không có xúc phạm Văn đại phu.”
Giọng nói nhẹ nhàng, thong dong, không nịnh nọt, không kiêu ngạo, dường như không phải đang cầu xin, dường như người sẽ chịu phạt không phải mình. Văn Sinh im lặng trầm mặc. Tiêu Lam thầm nghĩ: “Khá khen cho con nha đầu khôn lỏi”. Nói như vậy, nếu bây giờ nàng phạt nàng ta thì khác nào vả vào mặt Văn Sinh rồi tự vả vào mình, ngụ ý nàng và hắn là những kẻ không độ lượng, so đo với kẻ dưới.
“Vậy ngươi nói cho ta biết, rốt cuộc ta kiêu ngạo, cố chấp, thiếu hiểu biết ở đâu. Nếu nói được, ta bỏ qua. Nói không thông, ta sẽ bán ngươi vào lầu xanh. Lúc đó, tam tiểu thư cũng đừng hòng cứu ngươi.” nói rồi đánh mắt qua Tiêu Lam đang ngồi ở vị trí chính giữa. Nàng bảo trì im lặng, không có ý kiến gì, không thể vì một con hầu hạ đẳng mà mất hòa khí với Văn Sinh được.
Văn Sinh chưa bao giờ giận dữ như vậy, giận tới mức muốn bóp cổ con tiện tỳ này. Đường đường là “Hạo thành đệ nhất thần y”, hắn tuyệt đối tự hào về y thuật cùng nhân phẩm của mình. Hơn nữa, hắn không có mẹ, từ nhỏ được cha nuôi lớn nên vô cùng kính trọng, hiếu thuận ông. Làm sao có chuyện “bất kính, bất hiếu được.”
“Dạ. Thứ nhất, Cây kinh giới có vị cay, tính ấm, có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu, chữa nóng sốt, cảm gió, chữa bệnh dị ứng, sao đen để cầm huyết. Không tin, ngài có thể thử. Nô tỳ xin lấy đầu ra đảm bảo. Ngài là thầy thuốc, vậy mà công dụng thần kỳ của Kinh Giới cũng không biết, chẳng phải thiếu hiểu biết sao?
Thứ hai, ngài cho rằng nô tỳ chỉ là một người hạ đẳng, không biết y thuật. Theo nô tỳ được biết, cha ngài – đại thái y Văn Lương – trước đây cũng chỉ là một kẻ thất học, làm nghề đốn củi, vậy mà ông vẫn được tôn xưng là Y Thánh. Chính ông cũng từng có câu “Biển học vô bờ, không kể xuất thân” . Vậy mà ngài – con trai ông ấy – lại kì thị nô tỳ, không phải là coi thường người khác, là kiêu ngạo, tưởng chỉ mình là giỏi sao? Không phải đang phủ định những gì cha ngài nói, ý bảo ông xuất thân không tốt, không xứng danh “Thánh Y” sao? Vậy chẳng phải bất hiếu, bất kính thì là gì?
Thứ ba, ngài được danh là thương người, chữa bệnh không phân biệt giàu nghèo. Vậy, nô tỳ hỏi ngài, lúc nãy, ngài nói “loại thuốc rẻ tiền” là có ý gì? Ngài có biết có những người nghèo, cái ăn, cái mặc còn không đủ, làm sao có tiền để mua những loại thuốc quý hiếm. Đáng ra ngài phải nghiên cứu tìm ra những phương thuốc rẻ tiền, hiệu quả để giảm bớt gánh nặng cho người nghèo. Vậy mà ngài lại khăng khăng những thứ rẻ tiền không hiệu quả. Vậy công dụng của cây Kinh Giới thì sao? Rõ ràng vừa dễ kiếm vừa rẻ tiền nhưng công dụng vẫn ăn đứt những loại thuốc cả lạng bạc một cân, không phải sao. Vậy ngài không phải cố chấp, khăng khăng theo ý mình thì là gì?
Cuối cùng, nô tỳ ít ăn học nhưng cũng hiểu một đạo lý. Người thầy thuốc tốt là người chữa bệnh giỏi. Nhưng một “lương y” thực sự, ngoài biết trị bệnh ra còn phải có tấm lòng nhân ái, biết thông cảm hoàn cảnh của người bệnh, có trách nhiệm với họ. Còn ngài, ngài có không? Ngài chữa bệnh cho họ, nhưng sau khi khỏi bệnh, gia đình họ lại phải gánh những món nợ khổng lồ từ những vị thuốc “không rẻ tiền” của ngài. Ngài có bao giờ tự hỏi hoàn cảnh của họ có thích hợp để dùng những loại thuốc đó không? Chẳng những thế, ngài còn không có trách nhiệm nữa.
Tam tiểu thư nhà nô tỳ bệnh đã gần hai tháng vẫn chưa khỏi, ngài có từng nghĩ qua đây không phải chỉ là chứng bệnh cảm mạo thông thường. Ngài có nghiêm túc nghiên cứu lại xem tiểu thư rốt cuộc vì sao lâu như vậy vẫn không khỏi không? Ngài chỉ biết tự mãn với y thuật của mình, không hề đến xem lại bệnh của tiểu thư. Nói trắng ra là vô trách nhiệm.
Vậy, ngài có xứng với cái danh “LƯƠNG Y” không?”
Văn Sinh há hốc mồm ra, nhưng không phản biện được. Vì nàng nói đúng. Đúng là hắn chưa bao giờ nghĩ đến những vấn đề nàng nói. Hắn đứng yên suy ngẫm, nét mặt cũng hòa hoãn ít nhiều.
Kể ra tên này cũng không đến mức hết thuốc chữa. Cũng biết tiếp thu ý kiến người khác. Có lẽ do được tung hê, chiều chuộng quá nên sinh ra tự mãn. Lúc đầu, nàng có hơi sợ. Sợ hắn “thẹn quá hóa giận” giết nàng luôn. Nhưng sau suy nghĩ lại. Hắn đã được mệnh danh là thương người lại là một danh y như vậy thì chắc sẽ không lạm sát người vô tội. Trái lại nếu nàng lập lờ không dám nói thẳng thì chính là xúc phạm hắn. Lúc đó sẽ mang họa sát thân ngay. Bây giờ nhìn sắc mặt hắn hơi hạ nhiệt, có lẽ nàng được cứu rồi. Cùng lắm chỉ phạt cảnh cáo để giữ thể diện thôi.
“Ta….ờ….” hắn ngượng nghịu muốn nói gì đó nhưng không thốt ra được. Cuối cùng, hắn như chợt sực tỉnh, hỏi: “Nói vậy ngươi thực sự biết cách trị bệnh này sao? Đây rốt cuộc là bệnh gì? Sao không có sách nào ghi lại?”
Nàng thầm thở phào trong lòng. Vậy đúng là chứng bệnh dị ứng này chưa từng xuất hiện ở nơi này. Cũng đúng, thời tiết nơi này quanh năm khô nóng, đôi lúc chuyển mùa nhẹ, từ nóng sang “bớt nóng”, lại không trồng hoa lá gì nhiều, làm sao có bệnh dị ứng được. Nếu có thì cũng nhẹ hều, một thời gian là hết. Chỉ tại Tam tiểu thư này da quá mẫn cảm, lại sợ mất mặt nên suốt ngày chui rủi trong nhà, thành ra bệnh mới nặng như vậy. Bây giờ nàng chỉ cần nói phét sao cho khéo là Ok. Nghĩ vậy nàng cũng yên tâm ít nhiều.
“Thưa, căn bệnh này chưa có tên. Nô tỳ mạn phép gọi là “dị ứng” (cô đúng là đồ mặt dày). Dị ứng là một phản ứng quá mức khi cơ thể tiếp xúc với những chất lạ. Chất lạ có nhiều loại khác nhau, gây ra những triệu chứng khác nhau tùy theo cơ thể mỗi người.” giật mình nhận ra những lời mình nói không hợp với thân phận bèn chuyển giọng: “Đây là do các danh y đã nói, nô tỳ chỉ lặp lại thôi ạ”.
Vậy thì hợp lý hơn, mọi người im lặng không tỏ vẻ gì
“Tiểu thư chỉ vừa mới ở giai đoạn đầu của bệnh, chỉ cần đem kinh giới sao cho nóng già, gói vào mảnh vải gạc, hoặc mảnh lưới vó gai, càng tốt. Tiến hành chà xát khắp chỗ ngứa nhiều lần, sẽ giảm ngứa ngay. Kết hợp với việc uống thuốc. Vị thuốc này cũng hơi phức tạp. Cần Kinh giới, trúc diệp, kim ngân hoa, liên kiều, cam thảo, đậu xị mỗi vị một phần năm lạng; bạc hà, cát cánh, ngưu bàng tử mỗi vị một phần sáu lạng. Có thể dùng dưới dạng thuốc bột, hoặc thuốc sắc, ngày 1 thang, uống 3 lần. Dùng liên tục 15 đến 20 ngày.”
Mọi người vẫn trầm mặc, không nói. Lát sau, Văn Sinh cất giọng, phá tan không khí im lặng.
“Ta để Tam tiểu thư cho người trị. Ngươi mà “chỉ biết nói không biết làm” thì ta là người đầu tiên không tha cho ngươi”
Hắn trừng mắt, tỏ vẻ uy hiếp nhưng không có sát khí. Rồi quay lại nói với Tiêu Lam
“Xin thứ lỗi, ta còn việc không thể ở lại. Mong được gặp lại trong “Thi hội”.” Hơi ngừng lại một chút rồi khẽ liếc qua Thanh Nguyên
“Việc này, nha hoàn của tiểu thư không có lỗi. Xin cáo từ.” Ý hắn muốn Tiêu Lam bỏ qua cho nàng, ai cũng nghe ra.
Lúc lướt qua người nàng, hắn khẽ giọng nói nhỏ, dường như nói riêng nàng nghe bởi những người khác đều không có phản ứng như không nghe được.
“Ta sẽ kiểm tra công dụng Kinh Giới. Nếu không được, vậy thì…”
Bóng áo trắng nhỏ dần rồi biến mất hẳn.
Ngay lúc nàng còn ngẩn ngơ, Tiêu Lam khẽ nhếch mép, tạo thành một nụ cười nửa miệng rất đẹp nhưng đầy vẻ toan tính, ẩn chứa sự nguy hiểm .