Bạn đang đọc Giấc Mộng Đế Hậu: Chương 37: Thiên Hạ Đệ Nhất Tài Tử (15)
Hôm nay là vòng bốn của kỳ thi hội. Vòng này đặc sắc hơn nhiều vì có hai vị vương gia, lại có cả Thần Y Văn Sinh làm giám khảo.
Một trăm người lúc đầu, nay chỉ còn vỏn vẹn mười người. Lúc này, tất cả bọn họ đang tập trung ở biệt viện hôm trước chuẩn bị loại thêm năm người nữa. Vào đến vòng này, ngay cả những người ngây thơ không biết lo lắng như La Viện Kỳ cũng mang sắc mặt nghiêm trọng, khẩn trương. Nhưng cũng có những tên thần kinh thép như Lâm Công Khanh không biết chữ sợ làm sao viết. Thanh Nguyên vẫn thắc mắc rất nhiều về gã này. Thụy vương định làm gì gã, giết hay không giết đều dở cả. Trên người gã này có một cái gì đó dửng dưng, bất cần, hoang dại.
Ngồi đợi một lúc, có năm người cùng đi ra. Hoàn toàn không phải năm giám khảo hôm trước. Điều làm Thanh Nguyên bất ngờ nhất là trong đám này còn có cả Thụy vương. Nàng suy nghĩ một chút rồi không thể không tán thưởng. Giữ kẻ thù ngay bên mình để đề phòng đúng là cách tốt nhất, Kỳ vương xem ra cũng không phải kẻ dễ dắt mũi.
Tuy nhiên, thực tế đây không phải kế của Kỳ vương, là do Tông đế nghĩ ra, còn Kỳ vương thì vẫn hậm hực không hiểu sao phải kề kề bên Thụy vương.
Thụy vương mặc một chiếc áo lông trắng rất đẹp. Không hiểu sao người cổ đại nào cũng thích áo trắng thế nhỉ? Vừa khó giặt vừa dễ bẩn.
Kỳ vương thì ngược lại, mặc một bộ chiếc bào màu đen, cứng cáp, uy dũng.
Bình vương thì giản dị hơn hẳn, chỉ mặc một bộ đồ màu xanh lam, nho nhã như một thư sinh.
Còn có tên Văn Sinh kiêu ngạo nữa. Thật quá đáng. Nhìn hắn xem, lúc nào cũng cười tươi rói, thân thiện biết mấy. So với lúc quát mắng nàng ở Tiêu phủ thì cứ như hai loại người khác nhau. Thanh Nguyên đành phẫn hận thốt thầm :”Con người, đúng là trên thì đội dưới thì đạp”. (Chỗ này tác giả chơi chữ. Câu Đầu đội trời chân đạp đất là nói về quân tử. Còn câu trên đội dưới đạp là mỉa mai những kẻ thấy người sang thì bắt quàng làm họ, thấy kẻ khó thì khinh thường. )
Người cuối cùng đi ra là một cô gái rất đẹp. Có vài phần tương tự La Viện Kỳ nhưng thành thục, quyến rũ, trầm tĩnh hơn nhiều. Cô gái mặc một chiếc ao tơ tằm màu vàng. Màu vàng là một màu sắc rất kén người mặc. Nếu người mặc không đẹp, mặc vào chỉ thêm thô tục. Nhưng cô gái này mặc màu vàng mà vẫn toát lên khí thái nhã nhặn, lịch sự, quả thật là một người đẹp hiếm thấy. Cô nàng chính là đệ nhất tài nữ Lê Quốc La Viện Nghi. Trong lịch sử Thi hội, nàng ta là người phụ nữ duy nhất lọt vào vòng năm. Cô nàng như có như không hờ hững liếc qua cô em cùng cha khác mẹ đang nói chuyện thân mật với Tiêu Lam, rồi quay qua nhìn chỗ khác ngay, cứ như hai người dưng.
Cả năm người ngồi vào một chiếc bàn lớn trong vườn. Những người dự thi ngồi phía dưới chờ đến lượt lên trình diễn. Thanh Nguyên cảm thấy cả đám người bọn họ như những chú hề biểu diễn cho khách xem.
Có lẽ nàng không phải người duy nhất nghĩ như vậy, vì hình như nàng thấy Lâm Công Khanh đang nhếch môi cười giễu nhìn Hứa Thu lên biểu diễn.
Người biểu diễn đầu tiên luôn là người có lợi thế hơn, vì ấn tượng trong màn biểu diễn đầu tiên thường khá sâu đậm. Thiên vị một cách lộ liễu.
Hứa Thu hát một bài, giọng hát cô nàng rất ngọt và dễ nghe. Tiết mục không có gì đặc sắc. Nếu cô đoán không lầm, vòng này Hứa Thu sẽ bị loại. Thực tế cô nàng này tài năng chẳng bằng ai, vào đến vòng này là do có sự sắp xếp thiên vị. Còn vào vòng trong nữa chỉ càng làm mọi người bất mãn. Có lẽ bọn họ cố tình cho Hứa Thu biểu diễn trước, ra vẻ thiên vị rồi loại cô nàng, ngụ ý muốn nói không có tài năng thì dù được thiên vị vẫn thất bại.
Hiển nhiên, Hứa Thu cũng hiểu điều này, cô nàng không có vẻ chuyên tâm biểu diễn lắm, hát rất hay nhưng không có hồn.
Tiếp theo là một vài người nữa, đàn, hát, làm thơ, đủ cả.
Đến tiết mục của La Viện Kỳ.
Cô nàng mỉm cười bước lên đài, tiếng đàn vang lên, là một điệu múa. Không phải kiểu huơ tay múa chân bình thường như Linh linh, Ngọc Châu. Là một điệu thật sự. Nghĩa là có thể làm người khác ngẩn ngơ.
Bàn tay trắng như búp sen, những ngón tay dẻo dai, có sự quyến rũ như những điệu nhảy truyền thống của Thái Lan, nhưng không phóng túng bằng, mà thay vào đó là sự trang nhã, mềm mại.
Thanh Nguyên đã từng công tác đến Thái Lan một lần. Từng được chiêm ngưỡng điệu múa Lakhon nổi tiếng đất Thái. Lần đầu nhìn thấy điệu múa này, nàng đã bị rung động sâu sắc. Nó tinh tế, nhưng không ồn ào, mang vẻ đẹp uyển chuyển, mềm mại, nhưng không yếu ớt.
Điệu múa của La Viện Kỳ khác nhiều so với điệu Lakhon. Nhưng không hiểu sao lại tạo cho nàng cùng một cảm xúc với điệu Lakhon. Điệu múa là ngôn ngữ tâm hồn. Thanh Nguyên có thể đọc được sự dịu dàng, tự nhiên và sâu sắc trong điệu múa ấy. Nàng không nghĩ một cô gái vô ưu vô lo như La Viện Kỳ lại có thể tạo ra một điệu múa sâu sắc như thế. Trông cô nàng như một cánh chim muốn được giải thoát, vẻ mắt có một nét buồn xa xăm, trong ánh mắt là khát vọng tự do không dễ nhận thấy.
Đúng là không thể đánh giá cuốn sách qua cái bìa. Đằng sau vẻ lạc quan, ngây thơ kia là một tâm hồn như thế. Chỉ có khi múa La Viện Kỳ mới bộc lộ tâm hồn mình một cách trần trụi như thế.
Rất nhiều năm sau đó, khi đã trở thành hoàng hậu, Thanh Nguyên được xem rất nhiều điệu múa khác nhau, đẹp hơn nhiều so với điệu múa của La Viện Kỳ nhưng không điệu múa nào để lại ấn tượng sâu sắc như thế.
Có lẽ vì ấn tượng quá sâu, nên lần thứ hai xem lại đệu múa này, nàng không khỏi chưng hửng. Cùng một điệu múa, cùng một người múa đó, nhưng niềm khát khao cháy bỏng trong ánh mắt ấy đã bị thay thế bằng những toan tính, mưu mô.
Cũng nhiều năm sau, sau cái chết của Mạc Đĩnh Chí một tháng, nàng nhận được tin La Viện Kỳ treo cổ tự tử. Lúc đó, trong lòng nàng dậy lên một nỗi buồn tê tái, trống rỗng.
Tông đế khó hiểu hỏi nàng: “Đối với em, rốt cuộc La Viện Kỳ là cái gì, sao em lại buồn như vậy”
Thanh Nguyên không thèm suy nghĩ, lời đã bật ra khỏi môi: “Nàng ấy là Hatsumi của em”
Hatsumi là nhân vật trong tác phẩm “Rừng Nauy” cùa Haruki Murakami.(1)
Cô gái đó yêu tay chơi Nagasawa. Dù biết tình yêu của mình là vô vọng, không thể được hồi đáp, cô vẫn mù quáng theo đuổi.
Haruki đã viết thế này: “Giống như bao người khác mà tôi biết, Hatsumi đã đạt đến một giai đoạn nào đó của cuộc sống và đã quyết định – hầu như là hoàn toàn bất ngờ – kết thúc nó”
“Giai đoạn nào đó” của Hatsumi là khi Nagasawa bỏ đi, còn với La Viện Kỳ là khi đã hy sinh cả tự do để có tình yêu nhưng rồi tình yêu đó cũng bỏ cô mà đi. Nỗi đau ấy sâu sắc như những vết cứa vào da thịt, chẳng bao giờ lành lại.
Cuốn tiểu thuyết này nàng đọc đã khá lâu rồi, đến nỗi không còn nhớ gì về nội dung của nó nữa, nhưng trong khoảnh khắc đó, từng từ ngữ trong tác phẩm đó bất chợt hiện lên trong đầu nàng, dường như đã được khắc sâu từ rất lâu rồi thì phải.
“Hatsumi có một phẩm chất có thể làm rung động tận đáy lòng ta”, “tôi chợt hiểu cơn rung động tận đáy lòng ấy là gì. Nó là một thứ khát khao ấu thơ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ thành hiện thực” “Cái mà Hatsumi khuấy động trong tôi là một phần bàn ngã tôi đã thiếp ngủ bấy lâu” (Trích trong “Rừng Nauy”)
Watanabe cảm nhận được sự rung động này trong đêm chơi bida với Hatsumi, còn với Thanh Nguyên, là ngay lúc này đây, khi xem La Viện Kỳ biểu diễn.
Điệu múa kết thúc, mọi người vỗ tay như sấm. La Viện Kỳ vẫn ngẩn ra, trên mặt là một nét gì đó như thảng thốt như buồn bã.
Cuối cùng, nàng nở một nụ cười rất đẹp, rồi đi xuống. Có lẽ chiếc vé đầu tiên vào vòng năm đã có rồi, kỷ lục của La Viện Nghi sắp bị phá bỏ.
Bình vương tán thưởng: “Không hổ danh là tài nữ đệ nhất Lê quốc. Múa rất đẹp, vừa uyển chuyển mềm mại, vừa phóng khoáng tự do.”
Lời khen nghe ra rất bình thường, nhưng nếu biết ở Lê quốc, danh hiệu này thuộc về cả hai chị em họ La, và hai người vốn không ưa gì nhau, thì lời khen này chẳng khác gì đang châm ngòi nổ.
Quả nhiên, La Viện Nghi liếc nhìn cô em gái, nở nụ cười châm biếm với vẻ khinh bỉ.
La Viện Kỳ cũng không chịu kém cạnh, ngạo nghễ nhìn đáp lại.
Với xuất thân như thế này, cũng không trách họ được.
Mẹ của La Viện Nghi là chính thất, trong khi mẹ của La Viện Kỳ chỉ là một nô tỳ, không danh phận gì. Cuộc hôn nhân của La Khiêm đại tướng quân và vợ cả là do “Chỉ phúc vi hôn” (hôn nhân theo giao ước), hoàn toàn miễn cưỡng, không có cảm tình gì với nhau. La Khiêm phải lòng cô hầu nữ của mình, bỏ mặc vợ cả phòng không gối chiếc.
Do ghen tuông mù oán, La phu nhân đầu độc giết chết cô hầu nữ của chồng, La Viện Kỳ mới đầy tháng đã mồ côi mẹ. La tướng quân muốn trừng trị vợ cả, nhưng không tìm được bằng chứng, vả lại thế lực họ ngoại quá mạnh, đành phải mắt nhắm mắt mở.
Từ đó, ông không thèm đoái hoài gì mẹ con La Viện Nghi, chỉ một mực yêu thương La Viện Kỳ.
Hai cô gái sinh cùng một ngày. Một người vừa đầy tháng đã mất mẹ nhưng có tình yêu thương của cha, một người có cha mà cũng như không có, bù lại, có sự chiều chuộng vô bờ của mẹ. Không ai trọn vẹn cả.
Họ luôn cảm thấy vì sự có mặt của đối phương mới gây ra nỗi bất hạnh ình.
Sống trong cùng một nhà nhưng số lần gặp nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay, tình cảm còn không sâu đậm bằng người dưng, bằng mặt không bằng lòng.
Biết người ta ca ngợi em gái mình, La Viện Nghi dốc lòng học tập để tranh danh hiệu tài nữ với em gái.
Biết chị mình phải lòng Mạc Tuân thừa tướng của Lục quốc, La Viện Kỳ tuyên bố không phải Mạc Tuân không chịu gả, dù rằng cô nàng chưa bao giờ gặp Mạc Tuân.
Thanh Nguyên cảm thấy hai chị em nhà này giống như hai đứa trẻ giành đồ chơi với nhau. Dù không hẳn là thích món đồ ấy, nhưng cũng phá cho bõ ghét.
Tiếp đến là Tiêu Lam. Sắc mặt cô nàng rất bình tĩnh. Biểu diễn sau một tiết mục hấp dẫn như vậy mà vẫn bình tĩnh như không, Tiêu Lam quả lợi hại.
Cô nàng cầm cây đàn ba mười sáu dây, ngồi vào ghế điều chỉnh dây đàn, bắt đầu đàn.
Những ngón tay thon dài, trắng nõn như những cánh bướm lướt trên thân đàn.
Là khúc “Hoa tàn”
Đây là khúc đàn giúp Tiêu Lam nổi danh chỉ sau một đêm.
Quả là danh bất hư truyền, tiếng đàn ai oán, bi thương, không cần một từ ngữ nào để diễn tả, nỗi buồn cứ len lỏi vào tâm hồn.
Tiêu Lam đã đến đến trình độ cầm sư, ngay cả dân ngoại đạo như Thanh Nguyên còn nhận thấy điều này.
Âm thanh phát ra từ cây đàn như một dòng nước ấm rót nhẹ vào tai người. Dịu dàng, ấm áp.
Khi nghe những cô hầu dùng những từ ngữ hoa lệ, không có thực để miêu tả tiếng đàn của tam tiểu thư, Thanh Nguyên cảm thấy không tin lắm, cho rằng họ phóng đại. Nhưng hôm nay nghe rồi mới biết, tuyệt không khoa trương tí nào.
Có thể xứng với danh cầm sư. Cầm sư là danh hiệu quý giá nhất đối với những người chơi đàn. Tương tự như danh hiệu “Tiên kỳ” đối với môn cờ vây.
Đàn xong, Tiêu Lam nhìn sơ qua những người ngồi trong vườn, thấy vẻ ngơ ngẩn của mọi người, hài lòng cười một cách kiêu ngạo. Đúng là với ngón đàn này, cô nàng hoàn toàn có thể kiêu ngạo.
Kỳ vương gật gù: “Thực sự rất hay. Tiếng đàn của nàng là âm thanh tuyệt nhất ta từng nghe” lời ít ỳ nhiều.
Bình vương than thở: “Phải chỉ được nghe tiếng đàn của nàng xướng với vũ điệu của Viện Kỳ tài nữ, chắc chắn sẽ là màn biểu diễn tuyệt vời nhất”
Tiêu Lam gật đầu cảm ơn.
Văn Sinh ngồi yên nãy giờ cuối cùng cũng lên tiếng nhận xét.
“So với tiếng đàn năm ấy ở Tiêu gia, có tiến bộ thêm về mặt kỹ thuật, nhưng thiếu đi tình cảm.”
Câu nhận xét thẳng thừng khiến Tiêu Lam hơi nhíu mày, nhưng vẫn dịu dàng nói cảm ơn.
Sau đó, đến lượt một vài người lên biểu diễn nữa. Những tiết mục của họ rất hay, đã vào được vòng này thì đều không phải hạng tầm thường, nhưng so với hai màn biểu diễn quá xuất sắc vừa rồi, thì đúng là thua kém rất nhiều, nhàn nhạt, vô vị.
Thanh Nguyên chuyển tầm mắt qua nhìn Lâm Công Khanh đang ngồi uống trà. Nàng không hiểu Thụy vương tính làm gì với hắn? Giết hay không giết cũng dở cả.
Nàng lơ đãng nhìn hắn cầm tách trà lên rồi trấn động đến trợn to mắt, ngồi thẳng người lên, rướn cổ nhìn lại lần nữa để chắc là mình không nhìn lầm.
Lâm Công Khanh đang cầm tách trà lên, đưa ngón tay trỏ vào tách trà, khuấy đều lên, đưa lên mũi ngửi một lúc lâu, rồi uống. Động tác rất nhanh, và cũng khá bình thường nên hầu như không ai thấy được.
Bất chợt Thanh Nguyên nhớ lại câu chuyện xẩy ra vài tháng trước lúc cô còn là người hầu trong Tiêu phủ.
Có một lần, ông chủ Tiêu giành được một vụ làm ăn lớn, lời to, trong lúc vui vẻ, thưởng cho tất cả người hầu mỗi người một tách trà sen Mẫn thành.
Cô người hầu ở chung phòng với Thanh Nguyên cầm tách trà lên uống, cũng làm những động tác y như vậy.
Lúc đầu Thanh Nguyên nghĩ đó chỉ là một thói quen. Nhưng điều lạ lùng là, cô ta chỉ làm động tác như vậy khi uống trà sen do Mẫn thành bào chế, còn những loại trà khác thì tu lên cổ uống ừng ực, muốn thô lỗ bao nhiêu thì có bấy nhiêu.
Tò mò, Thanh Nguyên lân la hỏi, mới biết cô nàng là người gốc Mẫn thành. Mẫn thành có một hồ sen lớn, hình bán nguyệt, nên gọi là hồ Bán Nguyệt. Lá trà được ướp từ sen trong hồ có một hương thơm thuần khiết đặc biệt, không nơi nào có được. Từ đó, trà sen trở thành đặc sản số một Mẫn thành, là nguồn lợi kinh tế lớn nhất nơi này. Dân trong thành nhà nhà đều ướp trà sen, ai cũng biết cách pha trà sen, trẻ con uống trà sen còn nhiều hơn uống sữa. Có thể nói, trà sen đã nuôi cả Mẫn thành. Động tác bỏ tay vào tách trà nghĩa là máu thịt đã hòa với trà, đưa lên mũi ngửi, thể hiện sự thưởng thức kính trọng sâu sắc. Người Mẫn thành từ nhỏ đã được dạy làm động tác này khi uống trà. Đối với họ, uống trà không chỉ là uống trà, mà còn là một nghi lễ.
Do vị trí địa lý khó khăn, bị bao quanh bởi nhiều ngọn núi, nên dân Mẫn thành rất ít tiếp xúc với bên ngoài. Thành ra, người Chung quốc còn không biết đến nghi lễ này, mà có biết cũng không ai làm. Nói cách khác, chỉ có người Mẫn thành mới kính cẩn thực hiện nghi lễ này trước khi uống trà sen.
Trùng hợp thay, hôm nay trên bàn mỗi người, đều là một tách trà sen hảo hạng chính gốc Mẫn thành.
Trong lúc nàng mãi ngẩn ngơ suy nghĩ, Lâm Công Khanh đã đi lên biểu diễn. Thanh Nguyên chỉ biết đó là một màn múa võ, nhưng nhìn ánh mắt tán thưởng của những người xung quanh, cũng biết đó là một màn biểu diễn xuất sắc.
Nếu nàng nhớ không nhầm, Lâm Công Khanh là con trai một võ tướng Lục quốc, mẹ là người gốc Lục quốc, không có bà con thân thích ở Mẫn thành, nhưng động tác này không thể chỉ là ngẫu nhiên hay thói quen được. Khoan đã, hình như có lần nói chuyện phiếm, nàng đã nghe nói thật ra người lúc đầu được lựa chọn đi dự thi vốn không phải Lâm Công Khanh. Nhưng vì người kia bị bệnh đột xuất, Thụy vương đã tiến cử Lâm Công Khanh đi thay.
Hay là……
Thanh Nguyên khiếp sợ với ý tưởng lóe lên trong đầu mình. Nàng cần xác định lại một lần nữa. Nàng gọi một người hầu đứng gần đó lại, dặn dò một vài câu. Người hầu bỏ đi ngay, một lúc sau, cầm một cái khay quay lại.
Nàng cầm cái khay, lén rời khỏi chỗ của mình, đến một chỗ trống bên cạnh Lâm Công Khanh, thoải mái ngồi xuống, nịnh nọt
“Màn trình diễn của anh bạn rất hay”
Hắn châm biếm: “Huynh có xem sao? Muốn nịnh nọt cũng phải để tâm ngồi xem rồi mới nịnh chứ. Trình độ nịnh nọt của huynh làm mất mặt Chung quốc quá”
Ặc, đúng là mất mặt thật, nhưng cũng đâu cần nói thẳng như vậy. Thanh Nguyên vẫn giữ nụ cười méo xệch cứng đơ, cuối cùng hạ khóe miệng xuống, nói vu vơ: “Này, huynh biết không, trà hôm nay chúng ta uống là trà sen nổi tiếng của Chung quốc ta đấy. Ta cũng biết cách pha loại trà này. Ta chỉ huynh cách pha nhé”
Không đợi hắn trả lời, Thanh Nguyên cầm cái khay để lên bàn. Trong khay là một ấm trà nhỏ, với chiếc đĩa đựng một bông sen lớn, một cái chén đựng nước nóng, hai cái tách nhỏ. Thanh Nguyên thao thao bất tuyệt: “Có rất nhiều loại ấm để pha trà nhưng dùng ấm sành hoặc ấm sứ là tốt nhất vì giữ được nhiệt lâu. Nước để pha trà tốt nhất là nước mưa. Nước mưa hứng ngay giữa trời là sạch nhất, ngon nhất….”
Lâm Công Khanh nhíu mày, phản đối ngay: “Những hạt sương đọng trên tàu lá sen mới là thứ nước tinh khiết, đặc biệt nhất. Nước mưa không xứng với pha trà sen.”
Thanh Nguyên cười mỉm “Vậy sao?” nhưng điều này cũng chưa chứng minh được gì.
Nàng nói tiếp “Trước khi pha phải rót ít nước sôi tráng ấm, đổ đi rồi mới cho trà vào. Dùng thìa tre hoặc thìa gỗ để múc trà. Lần đầu rót một ít nước sôi tráng qua lớp trà rồi đổ đi, coi như “rửa” trà. Sau đó rót thêm nước sôi ngập lớp trà, để một lúc cho ngấm. Đến lần thứ ba thì mới rót đầy ấm. Sau đó để chừng nửa khắc thì có thể thưởng thức. Nước pha trà sen phải thật sôi, càng sôi càng tốt…”
Hắn lại ngắt lời nàng lần nữa, lần này, giọng gay gắt hơn nhiều: “Huynh không biết thì đừng nói bậy. Không biết thì dựa cột mà nghe. Nước quá nóng chỉ làm “cháy” lá trà, làm mất hương vị, khiến trà trở nên chát chứ ngon gì. Pha trà sen cần nước sôi sủi tăm (Khoảng 80 độ các bạn ạ) mới tỏa ra hương thơm tuyệt vời nhất. Cách pha trà của huynh đang sỉ nhục những người ngày đêm dốc công ướp trà đấy.”
Nói xong rồi quay đi ngay, không thèm để ý Thanh Nguyên nữa.
Nàng giả vờ gãi đầu không hiểu: “Lạ thật, ta nghe nói người nước Lục không thích uống trà mà. Vả lại Lục quốc cũng không chú trọng lắm về việc pha trà. Nên mới dám múa rìu qua mắt thợ, lòe huynh lấy oai. Sao huynh còn rành về pha trà hơn ta nhỉ?”
Trong khoảnh khắc đó, nàng thấy lưng hắn cứng lại, nhưng giọng nói thì hết sức bình thản, như trả lời câu hỏi: “Cha ta thích uống trà, pha trà, nên tôi cũng có nghiên cứu”
“Thế à. “
Một báo cáo tâm lý đã chỉ ra rằng, con người lúc nói dối thường nói rất thích vòng vèo, dùng nhiều lời nói dối không cần thiết để che đậy một lời dối trá, hơn nữa còn nói rất trơn tru.
Chẳng hạn như người đàn ông này, Rõ ràng anh ta chỉ cần nói là đó sở thích của hắn là xong. Hắn là một văn nhân, thích pha trà thì có gì lạ, vốn là một chuyện kinh thiên nghĩa địa (nghĩa là hết sức bình thường). Nhưng cha hắn là một võ tướng, thô lỗ dũng mãnh, uống nước lã nhiều hơn nước trà, làm sao có sở thích pha trà chuyện nghiệp thế chứ.
Tâm lý con người đôi lúc thú vị thế đấy.
Thanh Nguyên không nói gì nữa, ngồi xem màn diễn của người khác.
Còn một người nữa là đến lượt nàng rồi.
Màn biểu diễn cuối cùng của hôm nay, Trần Thanh Nguyên.
Thanh Nguyên đi lên phía trước, gật đầu chào giám khảo.
Bình vương mỉm cười chào lại.
Văn Sinh vẻ mặt lạnh băng.
———-
(1) Rừng Na-Uy (tiếng Nhật: ノルウェイの森, Noruwei no mori) là tiểu thuyết của nhà văn Nhật Bản Murakami Haruki, được xuất bản lần đầu năm 1987. Với thủ pháp dòng ý thức, cốt truyện diễn tiến trong dòng hồi tưởng của nhân vật chính là chàng sinh viên bình thường Watanabe Toru. Cậu ta đã trải qua nhiều cuộc tình chớp nhoáng với nhiều cô gái trẻ ưa tự do. Nhưng cậu ta cũng có những mối tình sâu nặng, điển hình là với Naoko, người yêu của người bạn thân nhất của cậu, một cô gái không ổn định về cảm xúc, và với Midori, một cô gái thẳng thắn và hoạt bát. Các nhân vật trong truyện hầu hết là những con người cô đơn móc nối với nhau. Có những nhân vật đã phải tìm đến cái chết để giải thoát khỏi nỗi đau đớn ấy.
Câu chuyện xảy ra với bối cảnh là nước Nhật những năm 1960, khi mà thanh niên Nhật Bản, như thanh niên nhiều nước khác đương thời, đấu tranh chống lại những định kiến tồn tại trong xã hội. Murakami miêu tả những sinh viên cải cách này như những tên đạo đức giả và thiếu sự kiên định.
Tác phẩm này đã đưa Murakami lên thành một trong những nhà văn hàng đầu của Nhật Bản.
Tên nguyên gốc của tác phẩm, Noruwei no mori, là cách dịch tiêu chuẩn trong tiếng Nhật cho tựa bài hát Norwegian Wood được John Lennon viết khi còn trong nhómThe Beatles (và cũng thường được nhắc đến trong cốt truyện).
Tác phẩm được dịch sang tiếng Việt và xuất bản lần đầu tiên vào năm 1997 do Kiều Liên và Hải Thanh thực hiện, Bùi Phụng hiệu đính. Năm 2006 bản dịch mới của Trịnh Lữ được xuất bản.