Gia tộc Ma cà rồng

Chương 5 - 09


Bạn đang đọc Gia tộc Ma cà rồng – Chương 5 – 09

Chương 8:
Giờ học kết thúc, Schuyler bắt một chiếc xe buýt chạy ngang qua thành phố tại đường 96, cô lướt nhẹ tấm thẻ Metro màu trắng dành cho học sinh sinh viên vào đường soi, cô tìm thấy một chỗ ngồi còn trống bên một bà mẹ có dáng vẻ thiểu não, ngay cạnh người phụ nữ là một chiếc xe đẩy đôi. Schuyler là một trong vài học sinh trường Duchesne đi lại bằng hệ thống chuyên chở công cộng.
Xe chạy chầm chậm qua các đại lộ, ngang qua một loạt các cửa hàng nhỏ bán đồ đặc sản trên đường Madison, gồm cả cửa tiệm mang tên rất hoa mỹ “Hoàng tử và Công chúa”, một nơi chỉ phục vụ cho các khách hàng thuộc giới thượng lưu có độ tuổi dưới mười hai- như chiếc đầm làm bằng loại vải bông với các hoạ tiết hình tổ ong theo phong cách thời trang Pháp giành cho các tiểu thư và những chiếc áo khoác hiệu Barbour cho các công tử, các tiệm bán những đồ đại loại như bàn chải tóc trị giá lăm trăm đô la và các cửa hàng đồ cổ rất nhỏ chuyên bán những bí quyết như cách làm thiết bị định vị bản đồ và các loại bút lông làm bằng lông vũ thuộc thế kỉ XIV. Sau đó xe đi qua nhà kính của Central Park tới phía tây của thị trấn hướng tới Broadway, cảnh vật xung quanh thay đổi … Chigo- một dãy các nhà hàng kiểu Mỹ la tinh, có ít cửa hàng bán lẻ khoa trương hơn… sau cùng là tới cái dốc ngay bên trên đại lộ Riverside Drive.
Schuyler đã định hỏi Jack về dòng chữ cậu viết cho cô có ý nghĩ gì nhưng cô không thể đuổi kịp cậu khi tan học. Trước đây Jack Force có bao giờ để ý tới mình không nhỉ? Đầu tiên cậu ta biết tên mình, bây giờ lại còn viết những điều này ình nữa? Tại sao cậu ta lại nói với mình rằng Aggie Carondolet bị giết? Có lẽ đây chỉ là một trò đùa. Cậu ta chỉ muốn chơi cô một vố làm cho cô sợ, đại loại vậy. Schuyler cáu kỉnh lắc đầu, và dù cho Jack là gương mặt nổi bật của Luật Pháp và Nội Quy- là người biết rõ về việc này, thì tại sao cậu ta lại chia sẻ điều đó với cô? Hai người gần như chẳng biết gì về nhau cả.
Tới đường 100, Schuyler nói lớn vào cái máy ghi âm màu vàng rồi nhẹ nhàng bước ra cửa tự động khi trời chiều vẫn chưa tắt nắng. Cô bước lên một khoảng đất hướng về phía các bậc thang được chạm khắc rất tinh xảo, tách biệt với đường phố và trực tiếp dẫn tới cửa trước.
Riverside Drive là một đại lộ theo phong cách kiến trúc Pháp nằm ở cực tây thượng Manhattan: một tuyến đường chính quanh co, lắt léo với nhiều biệt thự sang trọng theo trường phái kiến trúc thời phục hưng Ý và những toà chung cư huy hoàng theo phong cách nghệ thuật Deco. Đây chính là nơi mà gia đình Van Alen đã tới để trốn vào những năm cuối thế kỉ trước từ nơi ở cũ ở hạ đại lộ 5. Trước đây, Van Alen được coi là gia tộc có quyền lực và có sức ảnh hưởng nhất thành phố New York này; từng xây dựng và điều hành rất nhiều trường đại học, nhiều cơ quan văn hoá của thành phố, nhưng sau nhiều thập kỉ sự giàu có và danh tiếng của họ giảm sút dần. Một trong những phần đất đai còn lại của gia tộc chính là toà nhà hùng vĩ theo lối kiến trúc Pháp nằm ở góc đường 101 và Riverside Drive, nơi mà Schuyler gọi là nhà. Làm từ những tảng đá màu xám đã được gia công cho đẹp, toà nhà còn có cánh cổng sắt được chế tác kĩ càng cùng với lối canh gác ở ban công.
Không giống như những ngôi nhà hiện đại được tân trang sáng lấp lánh bao quanh, toà nhà này rất cần có mái nhà, ngói lát và một lớp sơn mới.
Schuyler rung chuông cửa:
– Tôi biết, tôi xin lỗi Hattie, tôi lại quên chìa khoá rồi- Schuyler xin lỗi bà quản gia đã ở với gia đình cô kể từ khi cô có thể nhớ được.
Người đàn bà gốc Ba Lan có mái tóc trắng trong bộ đồng phục người hầu kiểu cũ chỉ làu bàu.
Schuyler theo chân người quản gia đi qua cánh cửa kêu cọt kẹt, cô nhón chân bước qua đại sảnh lớn, một nơi tối tăm và có mùi ẩm mốc của những tấm thảm Ba Tư (rất cổ và hiếm, nhưng lại có hẳn một lớp bụi dày phủ bên trên). Chẳng có chút ánh sáng nào trong căn phòng này bởi vì, dù cho ngôi nhà có nhiều cửa sổ lớn có thể nhìn ra đường Hudson River nhưng lại bị các tấm màn bằng nhung nặng chịch che phủ tầm nhìn. Nơi đây lưu giữ nhiều vết tích chứng tỏ sự giàu có của ngôi nhà, từ những chiếc ghế Heppelwhite sang trọng cho tới những chiếc bàn Chippendale lớn, nhưng ngôi nhà lại quá nóng vào mùa hè và quá ngột ngạt vào mùa đông, không có chút xíu bầu không khí thoáng đãng nào. Trái ngược với nhà của gia đình Llewellyn, một nơi mà mọi thứ không phải là đồ mô phỏng lại đắt tiền thì cũng là đồ mua từ những cuộc đấu giá Christie’s, mọi phần trong ngôi nhà của gia đình Van Alen đều là bản gốc và được truyền lại từ nhiều đời trước.
Gần như cả bảy phòng ngủ của ngôi nhà đều được khoá lại và không dùng đến, đồ gia bảo được dùng vải che lại. Schuyler luôn nghĩ mình đang sống trong một bảo tàng lâu đời và cũ kĩ. Phòng ngủ của cô nằm ở tầng hai- một căn phòng nhỏ mà cô đã nổi loạn sơn lên hình Moutain Dew màu vàng sáng, tương phản với tấm thảm tối màu và mùi ẩm mốc của căn nhà.
Schuyler thì thầm với Xinh đẹp, một con chó săn tuyệt đẹp, rất thân thiện chạy đến bên cạnh cô:
– Cô gái tốt, cô gái tốt- Schuyler nói rồi quỳ xuống ôm chặt con vật đang hớn hở, để mặc nó liếm lấy khuôn mặt cô. Dù cho có một ngày tồi tệ như thế nào thì Xinh đẹp luôn biết cách làm cho Schuyler cảm thấy tốt hơn. Con vật xinh đẹp này đã theo cô về nhà từ trường vào một ngày cách đây một năm. Nó thuộc giống thuần chủng với bộ lông màu đen bóng loá rất hợp với mái tóc màu xanh đen của Schuyler. Schuyler chắc chắn rằng người chủ của con chó sẽ đến tìm nó nên cô đã dán bảng “Tìm thú cưng” xung quanh nhà. Nhưng chẳng có ai đến đòi lại nó cả, sau một thời gian Schuyler dừng việc cố gắng tìm người chủ thực sự của con chó.
Cả hai vừa chạy vừa nhảy lên các bậc cầu thang. Schuyler bước vào trong phòng và đóng cánh cửa ở phía sau lưng con chó.
– Về sớm quá nhỉ?
Schuyler giật nảy mình, Xinh đẹp sủa ầm lên, sau đó nó ve vẩy cái đuôi rồi mừng rỡ chạy về phía người vừa cất tiếng. Schuyler quay lại và thấy bà cô đang ngồi trên giường với vẻ mặt nghiêm nghị. Cordelia Van Alen là một người đàn bà có vóc dáng nhỏ nhắn giống như một con chim. Schuyler dễ dàng nhận thấy cái dáng người mảnh mai cùng với đôi mắt sâu thẳm ấy ở chính bản thân mình, cho dù bà cô luôn gạt phăng những lời bàn luận về sự giống nhau giữa những người trong một gia đình. Đôi mắt Cordelia màu xanh và sáng, đôi mắt ấy đang nhìn chằm chằm vào cô cháu gái.

– Cordelia, cháu không nhìn thấy người- Schuyler giải thích.
Bà của Schuyler không cho phép cô gọi bà là bà dưới bất kì hình thức nào, bao gồm cả Nana, cái tên mà cô nghe một vài đứa trẻ gọi như vậy. Thật tốt khi có một Nana, một hình bóng đầy đặn, ấm áp, đáng mơ ước, một cái tên biểu hiện cho tình yêu, mang hương vị của loại bánh cooke làm tay có vỏ ngoài là socola. Nhưng thay vào đó, tất cả những gì mà Schuyler có là Cordelia. Một người đàn bà vẫn đẹp và tao nhã trong cái tuổi tám mươi hay chín mươi gì đó, Schuyler chưa bao giờ chắc chắn được chuyện này. Có đôi khi Cordelia trông trẻ giống như mới năm mươi tuổi vậy (hoặc thậm chí là bốn mươi, nếu như Schuyler thành thật thừa nhận với chính bản thân mình).
Cordelia ngồi nghiêm nghị, mặc một chiếc áo len casơmia và một chiếc quần len vải jec xi, hai chân vắt chéo vào nhau rất thanh nhã. Trên đôi chân của bà là đôi dép kiểu ba lê hiệu Chanel màu đen.
Cordelia hiện diện trong suốt thời niên thiếu của Schuyler, không giống như cha mẹ hay một người thân thích, nhưng dù sao thì cũng luôn hiện diện. Cordelia là người đã thay đổi giấy khai sinh của Schuyler để đổi họ cô từ họ bố sang họ mẹ. Cordelia cũng là người đã đưa cô vào học tại trường Duchesne; là người đã kí các loại giấy xin phép cho cô, ghi phần ý kiến gia đình trong phiếu học tập và cung cấp cho cô số tiền trợ cấp ít ỏi.
– Nhà trường cho nghỉ sớm ạ- Schuyler nói- Aggie Cardonlet đã chết.
– Ta biết- khuôn mặt của Cordelia biến sắc. Một loại cảm xúc nào đó vừa vụt qua khuôn mặt lạnh lùng của Cordelia… sợ hãi, lo lắng thậm chí là quan tâm?
– Cháu ổn chứ?
Schuyler gật đầu. Cô gần như chẳng biết gì về Aggie. Chắc chắn là hai người học cùng trường với nhau khoảng hơn 10 năm rồi, nhưng điều này không có nghĩa họ là bạn của nhau.
– Cháu có bài tập phải làm- Schuyler nói trong khi cởi khuy áo khoác và phủi bụi chiếc áo len, cô tiếp tục cởi những chiếc quần áo khác cho đến khi cô đứng trước bà mình chỉ với lớp áo mỏng dính và chiếc xà cạp màu đen.
Schuyler vừa sợ lại vừa yêu Cordelia dù bà chưa bao giờ có một cử chỉ yêu thương nào đối với cô. Cảm xúc rõ ràng nhất mà Schuyler có thể nhận ra là một sự chịu đựng miễn cưỡng. Bà chịu đựng cô, cô không bằng lòng với bà nhưng cũng chịu đựng bà.
– Những vết đó của cháu đang tệ đi thì phải- Cordelia nói khi nhìn vào cẳng tay Schuyler.
Schuyler gật đầu. Các đường sọc màu xanh với những hình thù phức tạp ẩn hiện dưới lớp da ở cẳng tay cô, chúng xuất hiện vào ngày sinh nhật lần thứ 15 của cô. Chúng không gây đau đớn nhưng lại rất ngứa, cứ như thể tự nhiên mà xuất hiện trên da cô vậy… hoặc là ăn sâu vào bên trong… vì một lí do nào đó.
– Cháu thấy chúng vẫn thế mà- Schuyler đáp.
– Đừng có quên cuộc hẹn của cháu với tiến sĩ đấy.
Schuyler gật đầu.
Con Xinh đẹp nằm cuộn tròn trong chiếc chăn lông vịt của Schuyler, nhìn ra ngoài cửa sổ hướng về phía dòng sông lấp lánh bên dưới tán cây.

Cordelia bắt đầu vuốt ve bộ lông mượt mà của nó.
– Ta từng có một con chó như thế này, khi ta ở tuổi cháu, mẹ cháu cũng vậy- Cordelia cười buồn bã.
Cordelia rất ít khi nói về mẹ Schuyler, người mà- một cách chính xác chưa chết- bắt đầu hôn mê khi Schuyler một tuổi, và vẫn luôn ở trong tình trạng này từ đó đến giờ. Tất cả các bác sĩ đều nói rằng não của mẹ cô vẫn hoạt động bình thường và bà có thể tỉnh dậy bất cứ lúc nào. Nhưng bà chưa bao giờ tỉnh lại. Schuyler thường đến thăm bà vào mỗi chủ nhật tại bệnh viện Giáo hội trưởng lão Colombia để đọc cho bà nghe tờ Times chủ nhật.
Schuyler không có nhiều kỉ niệm về mẹ ngoại trừ khuôn mặt đẹp nhưng buồn của bà, và việc bà thường hát những bài hát ru bên nôi cô. Có thể Schuyler nhớ được khuôn mặt đó bởi lẽ đây chính là khuôn mặt của bà bây giờ, khi bà đang chìm sâu vào giấc ngủ- một khuôn mặt luôn ẩn hiện nét u sầu. Hai cánh tay bà khoanh trước ngực, mái tóc bạch kim xổ tung trên gối.
Cô muốn hỏi bà mình thêm nhiều câu hỏi nữa về mẹ cô và cả về con chó săn của bà- nhưng cái nhìn xa xăm không còn trên khuôn mặt của Cordelia nữa, bản thân Schuyler cũng biết mình sẽ không thể lấy thêm dù chỉ một chút thông tin nào vào buổi tối hôm nay.
– Bữa tối sẽ bắt đầu vào lúc 6 giờ- Bà cô nói và rời khỏi phòng.
– Vâng thưa Cordelia- Schuyler lầm bầm.
Cô nhắm mắt lại và nằm lên giường, dựa vào con Xinh đẹp. Mặt trời rọi chiếu qua những tấm rèm. Bà của cô thật là một người khó hiểu. Đã rất nhiều lần Schuyler ước ao rằng cô là một cô gái bình thường, sống trong một gia đình bình thường. Tự nhiên cô cảm thấy cô đơn vô cùng, cô thắc mắc không biết có nên nói cho Oliver biết về cái ghi chú của Jack hay không. Trước đây cô chưa từng giấu cậu ấy chuyện gì. Nhưng cô cũng lo cậu ấy sẽ cho cô là ngốc nghếch khi để mình rơi vào một trò đùa ngu ngốc như thế.
Sau đó điện thoại của cô kêu bíp bíp. Số điện thoại của Oliver sáng lên dòng tin nhắn vừa tới, cứ như thể cậu ấy biết cô sẽ cảm thấy như thế nào ngay sau đó.
NHỚ CẬU LẮM BÉ CON.
Schuyler mỉm cười. Cô không thể có bố mẹ ở bên nhưng ít nhất cô cũng có một người bạn thật sự.
Chương 9:
Lễ tang Aggie Carondolet là một sự kiện xã hội lớn, rất đặc biệt. Carondolet là một gia tộc lâu đời ở New York, vì vậy mà việc Aggie chết yểu trở thành miếng mồi ngon cho các tờ báo khổ nhỏ. MỘT NỮ SINH CHẾT TRONG TẦNG HẦM CỦA MỘT HỘP ĐÊM. Bố mẹ Aggie giận đến run người, nhưng họ không thể làm gì cả. Thành phố này bị ám ảnh bởi những cái gì giàu có, xinh đẹp và những bi kịch (Càng đẹp, càng giàu, càng bi thảm thì dòng tít càng lớn). Mới sáng sớm ra đã có hẳn một đoàn thợ chụp ảnh đứng chật cứng ở cổng trường, chờ đợi để chụp được một vài tấm ảnh về cảnh người mẹ đau buồn (đó chính là bà Sloane Carondolet tôn quý, người đã đạt giải Người phụ nữ thượng lưu của năm vào năm 1985), và về những người bạn tốt nhất của Aggie trong tình trạng bị kích động, chẳng ai là nhanh nhẹn hơn người được coi là cô gái – của – thị trấn, Mimi Force.
Mimi chỉ liếc nhìn những người thợ chụp ảnh này có một lần, trông cô nàng có vẻ rất vui khi được phô ra trên mình những bộ đồ hiệu Dior Homme được thiết kế bởi Hedi Slimane. Bộ đồ này phải may qua đêm mới xong, nhưng những gì Mimi muốn thì cô ấy luôn luôn có được. Bộ quần áo làm bằng vải satanh đen, với những đường nét riêng rất sắc sảo. Cô không đeo gì bên dưới ngoại trừ một chiếc vòng mã não. Trông Mimi sẽ thật tuyệt vời trên bản tin sáng mai – một chút bi thảm thậm chí còn làm cho cô quyến rũ hơn.
Ghế ngồi bên trong nhà thờ nhỏ của trường Duchesne được sắp xếp theo cấp bậc, giống như một show diễn thời trang. Lẽ dĩ nhiên chỗ ngồi của Mimi thuộc vào hàng địa vị cao. Cô ngồi giữa bố và anh trai, ba người họ tạo thành một bộ ba thật ưa nhìn. Mẹ cô, đang trong một cuộc phẫu thuật chỉnh hình ba tháng ở Nam Mĩ (cuộc phẫu thuật căng da mặt này được lấy danh nghĩa là một kì nghỉ) không thể quay về đúng lúc này, vì vậy Gina Dupont, một người phụ nữ bán tranh nghệ thuật xinh đẹp và cũng là bạn thân của bố cô đi cùng tới tang lễ.
Mimi biết Gina thực chất chính là một trong những tình nhân của bố cô, nhưng điều này chẳng hề làm cô bực mình. Lúc nhỏ, cô đã bị sốc về sự chung thủy của bố mẹ khi biết được những vụ ngoại tình của hai người, nhưng khi đã đủ lớn, cô chấp nhận những mối quan hệ đó – vì nó cần thiết cho nghi lễ Caermonia Osculor. Chẳng ai có thể là tất cả của một người nào đó được. Hôn nhân chỉ là biện pháp để giữ cho tài sản của gia đình không bị thất thoát ra ngoài, vì sự môn đăng hộ đối, và để thắt chặt hơn những mối quan hệ làm ăn.

Mimi để ý thấy Thượng Nghị Sĩ Llewellyn cùng gia đình đang đi vào. Bà mẹ kế của Bliss vênh váo trong chiếc áo khoác bằng da lông chồn vizon chấm đất bên ngoài một chiếc đầm màu đen; ngài thượng nghị sĩ thì mặc một bộ ple màu đen cài chéo; Bliss thì mặc một cái áo len casomia màu đen cùng với chiếc quần hiệu Gucci cũng màu đen. Sau đó Mimi thấy một thứ kì quặc: cô em gái Bliss mặc một chiếc đầm trắng dài tới ngón chân.
Ai lại mặc đồ trắng tới một lễ tang cơ chứ? Nhưng khi Mimi nhìn xung quanh thì thấy gần như nửa số khách mời trong nhà thờ mặc đồ trắng, và tất cả họ đều đang ngồi ở dãy đối diện với dãy của cô trong giáo đường. Ngồi ở hàng ghế cao nhất là một người đàn bà trông nhỏ nhắn và khô quắt, cô chưa bao giờ nhìn thấy bà ta trước đây. Cô chú ý thấy Oliver Hazard Perry và gia đình cậu ta đi về phía trước cúi chào người đàn bà mặc đồ trắng đó trước khi tìm chỗ ngồi ở mãi tít phía sau.
Ngài thị trưởng và đoàn tùy tùng tiến vào, theo sau là thống đốc, vợ và các con ông ta. Tất cả những người này đều mặc đồ đen sang trọng, họ tự động ngồi đằng sau hàng ghế của bố cô. Mimi tự nhiên cảm thấy nhẹ nhõm một cách ngu ngốc. Mọi người bên hàng ghế của họ đều mặc đồ đen hoặc tím than.
Mimi rất vui vì quan tài được đậy nắp. Cô không muốn nhìn thấy cái xác lạnh ngắt ấy thêm một lần nào nữa, không một lần nào trong đời cô. Dù sao thì việc đó cũng sẽ là một sai lầm lớn. Cô chắc chắn Ban Lãnh Đạo sẽ có lời giải thích hợp lý về tất cả chuyện này, bao gồm cả sự biến mất của toàn bộ máu. Bởi vì Aggie không thể bị chết. Vì bố cô nói rằng, thậm chí Aggie chắc chắn sẽ không có trong cái quan tài đó.
Buổi lễ bắt đầu, những bông hồng được thu nhặt từ các ghế ngồi và bài hát, Gần hơn, Chúa của tôi, với Người được cất lên. Mimi rời mắt khỏi quyển thánh ca và ngước lên thấy Bliss đang rời chỗ ngồi của cô ta. Cô nhướng mày. Sau khi các vị giáo sĩ nói, em gái của Aggie lên đọc một bài tán dương ngắn. Một vài sinh viên khác cũng lên phát biểu, bao gồm cả anh trai của cô, Jack, anh đã có một bài phát biểu hết sức cảm động, và ngay sau đó, buổi lễ kết thúc. Mimi theo gia đình rời khỏi chỗ ngồi.
Một mệnh phụ nhỏ nhắn có mái tóc bạc trắng đang ngồi ở phía đối diện với họ, bước tới, vỗ nhẹ lên cánh tay bố cô. Người đàn bà này có đôi mắt xanh nhất mà Mimi từng nhìn thấy, bà ta mặc một bộ đồ hiệu Channel màu ngà hoàn hảo, và đeo một chuỗi ngọc trai quanh cái cổ nhăn nheo.
Charles Force trông rất hoảng hốt. Mimi chưa bao giờ thấy bố cô như thế. Ông luôn là một người đàn ông điềm tĩnh, có phong thái vương giả với một bờm tóc màu bạc cùng với tác phong cứng rắn như trong quân đội. Từng nếp nhăn trên khuôn mặt ông thể hiện rõ nét quyền lực. Quả thật không ngoa khi nói rằng quyền lực của Charles Force bao trùm cả New York. Sức mạnh đằng sau quyền lực.
– Cordelia – Bố cô nói với người đàn bà và khẽ cúi đầu – Rất vui khi gặp lại bà.
– Quá lâu rồi còn gì – Cordelia nói với giọng rõ ràng và nhanh bằng âm mũi, giọng nói của một người thuần Mỹ.
Ông không đáp lại.
– Một sự mất mát khủng khiếp – Cuối cùng Charles cũng lên tiếng.
– Thật bất hạnh – Cordelia đồng ý – Mặc dù chúng ta có thể tránh được chuyện này.
– Tôi không chắc bà đang nói về chuyện gì – Charles trả lời, trông bối rối thật sự.
– Anh biết điều tôi đang nói, chúng cần được cảnh báo…
– Đủ rồi, không phải ở đây – ông nói, cố hạ thấp giọng hết mức có thể, rồi kéo Cordelia về phía ông. Mimi cố gắng nghe đoạn cuối cuộc đối thoại.
– Anh luôn là người đầu tiên né tránh sự thật. Lúc nào cũng kiêu căng, ngạo mạn, mù quáng…- Người đàn bà lớn tuổi vẫn tiếp tục nói. – Nếu chúng ta nghe theo lời bà và reo rắc nỗi sợ hãi thì sao? Chúng ta sẽ ở đâu sau đó? – Charles lạnh lùng hỏi- Bà muốn chúng ta sợ hãi rồi co rúm trong các hang động phải không?
– Tôi chỉ muốn đảm bảo sự tồn tại của chúng ta. Thay vào đó chúng ta lại dễ bị làm hại – Cordelia đáp, giọng run rẩy vì tức giận- Thay vào đó, chúng được phép quay lại, săn lùng chúng ta. Nếu tôi có quyền lực, nếu Hội Đồng chịu nghe tôi, nghe Teddy…
– Nhưng họ đã không nghe, họ chọn tôi làm người lãnh đạo, vì tôi luôn làm tốt mọi việc – Charles ngắt lời – Nhưng giờ không phải lúc khơi lại vết thương cũ và những lời trách móc – Ông cau mày – Bà có… không, bà không có… Mimi, Jack, lại đây.
– À, cặp sinh đôi – Cordelia mỉm cười một cách bí ẩn – Lại đi với nhau cơ à.

Mimi không thích cái cách bà già này nhìn cô, đánh giá cô, cứ như thể bà ta biết mọi thứ về cô vậy.
– Đây là Cordelia Van Alen – Charles cộc cằn nói – Cordelia, đây là hai đứa con sinh đôi của tôi. Benjamin và Madeleine.
– Rất hân hạnh được làm quen với bà – Jack Force lịch sự nói.
– Tôi cũng thế – Mimi khịt mũi.
Cordelia gật đầu ra vẻ thỏa chí lắm. Bà quay lại nhìn Jack Force thêm một lần nữa, thì thầm với một vẻ kiên quyết:
– Anh cần phải báo động! Chúng ta phải cảnh giác! Vẫn còn thời gian. Chúng ta có thể ngăn cản chúng nếu như anh còn muốn trái tim mình được tha thứ – Bà nói – Gabrielle…
– Đừng có nhắc Gabrielle với tôi – Charles ngắt lời – Không bao giờ. Không bao giờ tôi muốn cái tên đó bất kì ai nhắc lại nữa. Đặc biệt là từ bà.
Gabrielle là ai? Mimi thắc mắc. Tại sao bố cô lại quá kích động như vậy? Mimi cảm thấy tức giận và khó chịu khi nhìn cách bố mình phản ứng lại những lời nói của người đàn bà đó. Đôi mắt Cordelia dịu lại.
– Đã mười lăm năm rồi – Bà nói – Vẫn chưa đủ lâu sao?
– Rất vui khi gặp lại bà, Cordelia ạ. Chúc một ngày tốt lành – Charles nói và kết thúc cuộc nói chuyện tại đây.
Cordelia cau mày rồi bỏ đi không nói thêm lời nào nữa. Mimi nhìn thấy Schuyler Van Alen chạy theo sau bà ta và còn quay lại nhìn họ một cách ngượng ngùng cứ như thể cô ta thấy xấu hổ vì những hành động của bà mình vậy. Tốt thôi, cô ta nên như thế, Mimi nghĩ vậy.
– Bố, đó là ai thế? – Mimi hỏi, thấy bố cô có vẻ hoảng sợ.
– Cordelia Van Alen – Ông trả lời một cách nặng nề, sau đó không nói gì thêm nữa. Như thể câu nói vừa rồi có thể giải thích mọi chuyện vậy.
– Ai lại mặc đồ màu trắng đi dự lễ tang cơ chứ? – Mimi cười chế nhạo, môi cô cong lên.
– Đen là màu của bóng đêm – Charles lầm bầm- Trắng mới thực sự là màu của cái chết – Trong khoảnh khắc, ông thất thần cúi xuống nhìn bộ quần áo màu đen của mình. – Cái gì cơ? Bố? Bố vừa nói gì vậy?
Ông lắc đầu và chìm vào suy tưởng.
Mimi thấy Jack chạy lên để nói chuyện với Schuyler, hai người bắt đầu thì thầm với nhau. Mimi không thích điều này chút nào. Cô không quan tâm đến người mang cái tên Schuyler này ình là ai, và cô cũng mặc kệ việc cô ta được vào Ủy Ban. Cô chỉ không thích cái cách Jack nhìn cô ta. Chỉ có duy nhất một người anh từng nhìn như thế, đó chính là cô.
Và Mimi muốn sẽ mãi mãi như vậy


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.