Đọc truyện Đức Phật Và Nàng – Chương 9
Tôi
cùng mẹ con Kumarajiva, nhà vua và đại thần Wensu đến trước cổng thành nghênh
đón đức vua Khâu Từ. Vì giờ đây tôi đã biết cậu là là Kumarajiva, nên tất nhiên
tôi hiểu vì sao cái tên Wensu nghe quen đến vậy, thì ra là Wensu, một huyện bên
cạnh Aksu, thuộc tỉnh Tân Cương. Hai nghìn năm trước, Wensu chỉ là một quốc gia
nhỏ, lệ thuộc vào Khâu Từ.
Sở dĩ
quốc gia nhỏ bé này có trong trí nhớ của tôi là vì Kumarajiva. Cuộc luận chiến
nổi tiếng đó sử sách gọi là cuộc luận chiến ở Wensu, nó được xem như một bước
ngoặt quan trọng trong cuộc đời đầy thăng trầm nhưng lẫy lừng của Kumarajiva.
Sách sử chép rằng, chính nhờ cuộc luận chiến này mà tiếng tăm của Kumarajiva
“vang khắp vùng Pamirs, chấn động hải ngoại”, “được quốc vương nhiều nước trọng
vọng”. Bởi vậy, đức vua Khâu Từ đã phải đích thân đến đón Kumarajiva, không để
các nước khác tranh giành hiền tài.
Nghi
thức đón tiếp diễn ra rất long trọng, thảm đỏ được trải đến tận hoàng cung, âm
nhạc rộn ràng không dứt, hoa thơm vương ngập lối đi. Tôi nhớ vị vua này tên
Bạch Thuần, vương triều nhà Bạch vốn do Ban Siêu dựng lên, Tây Vực đô hộ phủ
của Ban Siêu đặt tại Khâu Từ. Từ thời Ban Siêu cho đến cuối đời Đường, rồi sau
đó Khâu Từ bị người Hồi Hột (Ujur) tiêu diệt, trong suốt tám trăm năm, vương
quốc Khâu Từ đều do nhà Bạch nắm quyền cai quản.
Vị vua
Khâu Từ này rất giống Jiva, cũng da trắng, mũi cao, mắt to và sâu, lông mày dày
và rậm. Có lẽ Bạch Thuần chưa đến bốn mươi tuổi, thời trẻ chắc hẳn rất tuấn tú.
Nhà vua không cắt tóc ngang vai như những người đàn ông khác, phía trước để mái
lửng, phía sau quấn búi lên đỉnh đầu, rồi buộc gọn lại bằng một mảnh vải nhiều
màu, thả xuống sau gáy.
Điều
thú vị là trán của nhà vua cũng được nén dẹt xuống. Trong “Đại Đường Tây Vực
ký”, Huyền Trang từng viết về tập tục nén đầu ở Khâu Từ. Họ dùng một tấm gỗ ép
chặt phần đầu phía trước của đứa trẻ. Nhưng tập tục này chỉ được phép áp dụng
đối với thành viên của hoàng thất. Thật mừng là Kumarajiva xuất gia từ nhỏ, nếu
không vẻ điển trai mê hồn của cậu chắc chắn sẽ bị tập tục này hủy hoại.
Tôi
tiếp tục quan sát trang phục của quốc vương. Cũng là áo choàng ngắn, cổ bẻ, ống
tay hẹp, thắt eo, đi ủng cao đến đầu gối, nhưng bên ngoài còn khoác thêm một
chiếc áo tay lỡ với những hoa văn thêu kim tuyến cầu kỳ. Một thanh kiếm dài đeo
bên hông, trên tay còn có thêm một thanh đoản kiếm. Có vẻ như nhà vua rất thích
dùng kiếm.
Thoáng
thấy mẹ con Kumarajiva, nhà vua vội sải những bước dài về phía trước, dang rộng
tay ôm chầm lấy hai người. Hai mẹ con Kumarajiva dường như rất xúc động, họ xa
nhà những bốn năm trời kia mà. Tôi nghe được bập bõm đoạn đối thoại của họ. Đức
vua chúc mừng thành tích học tập và cuộc luận chiến thành công của Kumarajiva.
Ông nói rằng đã chuẩn bị mọi thứ ở Khâu Từ để chờ đón hai người trở về…
Khi đức
vua Khâu Từ đưa mắt nhìn sang người con gái đứng cạnh Jiva, ngài có vẻ hơi ngạc
nhiên. Tôi đang căng tai luyện nghe tiếng Tochari, không để ý đến ánh nhìn đột
ngột đó, nên không kịp phản ứng, bất giác nở một nụ cười ngờ nghệch. Nụ cười
chưa kịp tắt, trong tôi chợt nhen lên một cảm giác bất an, thôi thế là xong,
tôi mất điểm hoàn toàn rồi, những nghi lễ mà tối qua tôi đã được học đã biến
mất khỏi đầu tôi, không để lại dấu vết.
Đức vua
Khâu Từ cũng ở lại trong cung, nhưng ngài ngự tại một cung điện khác. Yến tiệc
buổi tối vẫn như thường lệ, được tổ chức trên đại điện, tôi cũng được tham dự.
Nhưng vì mẹ con Kumarajiva không ăn tối nên chúng tôi chỉ được uống nước suông.
Đôi mắt mở to của tôi dán chặt vào món thịt nướng trên bàn của hai vị quốc
vương, miệng nuốt nước bọt ừng ực. Không có ca nhạc, không có hát múa, buổi
tiệc chỉ là bữa cơm thân mật trong gia đình nhân dịp đoàn tụ. Tôi cảm thấy lạc
lõng, nên chẳng bao lâu, tôi bắt đầu giở trò ngọ ngoạy trên chỗ ngồi của mình.
Đột
nhiên tôi bắt gặp ánh mắt quen thuộc chiếu về phía mình, là Kumarajiva. Cậu ta
đang mím chặt môi, cố nhịn cười. Tôi liếc nhìn xung quanh để chắc chắn không có
ai chú ý, sau đó bóp mũi, lè lưỡi ra chọc cậu ta, Kumarajiva khổ sở mím chặt
môi hơn nữa. Cậu quay người sang nói với hai vị quốc vương, rằng đêm đã khuya,
đức vua Khâu Từ đi đường đã thấm mệt, ngài nên về nghỉ ngơi sớm. Sau đó, mọi
người cùng nâng cốc (chúng tôi chỉ được phép uống nước) chúc tụng lần cuối, rồi
kết thúc bữa tiệc.
Tôi trở
về với cái bụng rỗng không, mắt mờ đi vì đói, vội vàng hạ lệnh cho cô hầu nữ
nấu chút gì đó lót dạ. Trong thời gian chờ đợi đồ ăn, tôi nằm im trên giường cố
gắng hạn chế tiêu hao năng lượng. Trong cơn mê man, một mùi hương ngào ngạt bất
chợt bốc lên, tôi bật dậy và nhìn thấy đôi mắt sâu như hai vực nước long lanh
ánh cười đang đứng bên giường, trên tay là một đĩa thịt nướng, thơm chết người!
Tôi kéo
vai cậu ta xuống, cảm động nói:
–
Rajiva, cậu thật tốt bụng!
Thực ra
tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cách xưng hô với Kumarajiva. Tên tiếng Phạn của
cậu ta rất khó đọc, tên tiếng Hán nghe có vẻ khách sáo. Trong các tài liệu liên
quan, thì tên cậu ta có lúc là Rajiva, có lúc là “Jiva”. Sách cổ thường gọi cậu
ta là Jiva, còn trong văn bản hiện đại thì đều viết là Rajiva. Nếu phân tích
rạch ròi, thì Kumara là họ, Jiva mới là tên. Nhưng nếu chỉ gọi là Jiva, nghe
không ổn lắm. Bởi vậy, sau khi suy đi tính lại, tôi quyết định gọi cậu ta bằng
cách của những người hiện đại, Rajiva. cậu ta cũng vui vẻ chấp nhận.
Lúc buông
tay ra tôi mới nhận thấy khuôn mặt cậu ta đỏ như gấc chín, ánh mắt ra sức tránh
né, không dám nhìn thẳng vào tôi. Bộ dạng ngượng ngùng, xấu hổ ngây thơ đó thật
đáng yêu!
Trời
đất, tôi vừa làm gì thế này! Lại vỗ một cái thật mạnh vào đầu tự trừng phạt.
Cậu ta giật mình, lo lắng hỏi:
– Ngải
Tình, sao vậy?
Nhìn
khuôn mặt đang đỏ bừng vì thẹn thùng của cậu ta, tôi bỗng bối rối. Đón đĩa đồ
ăn từ tay Kumarajiva, tôi giả đói giả khát cắm đầu gặm món thịt nướng để che đi
nỗi xấu hổ đang dâng đầy. Làm sao có thể nói để cậu ta hiểu tôi áy náy về hành
động mất kiểm soát khi nãy của mình đến thế nào. Dù cậu ta vẫn ít tuổi, tôi
cũng không thể có những cử chỉ thân mật một cách tự nhiên như ở thời đại của
tôi được. Vì dù sao có một thân phận hết sức đặc biệt và điều đó không bao giờ
có thể thay đổi.
Một lúc
sau, sắc mặt Kumarajiva mới trở lại trạng thái bình thường, cậu lấy giọng vu vơ
hỏi tôi:
– Hôm
nay chúng ta học bài gì?
Tôi thở
dài, ngừng nhai thịt:
– Cậu
mời người khác dạy đi, tôi không dạy cậu nữa đâu.
Kumarajiva
tỏ ra hết sức kinh ngạc, khuôn mặt vừa tan sắc đỏ đã chuyển sang tái nhợt:
– Vì
sao? Tôi đã làm gì sai ư?
– Cậu
không làm gì sai cả. Chỉ tại tôi không đủ trình độ để dạy cậu nữa. Cậu là
Kumarajiva kia mà!
Khi
giảng “Luận ngữ” tôi không có sách, cũng không thuộc hết. Tôi chỉ giảng cho cậu
ta những phần tôi thuộc và tất nhiên là trật tự các bài đã bị đảo lộn, một số
chỗ tôi còn không nhớ chính xác. Cậu ta vốn thông minh tuyệt đỉnh, chỉ đọc một
lần là nhớ ngay. Nếu tôi tiếp tục dạy học như vậy, trong đầu cậu ta sẽ đầy ắp
những lỗi sai. Làm sao cậu ta trở thành dịch giả kinh Phật hàng đầu Trung Quốc
được? Tôi cũng không gánh nổi tội lỗi tày trời đó. Sự nghiệp phát triển Phật
giáo tại Trung Nguyên vẫn đang trông chờ cậu ta kia mà!
– Nhưng,
nhưng mà, cô là một giáo viên rất giỏi!
Có chút
run rẩy trong giọng nói của Kumarajiva.
– Cô
giảng bài rất hay, nên tôi chỉ nghe một lần là nhớ.
– Đó là
vì cậu thông minh, không phải do tôi dạy giỏi.
Tôi
nhìn thẳng vào hai vực nước trong vắt ấy, nghiêm nghị:
–
Rajiva, cậu là người thông minh nhất mà tôi từng gặp.
Giọng
nói của cậu ta êm dịu và lôi cuốn như một vò rượu ngon được ủ nhiều năm, nhưng
khẩu khí chắc nịch:
– Ngải
Tình, cô cũng là cô gái thông minh nhất mà tôi từng gặp. Vốn hiểu biết của cô
rất phong phú và điều quan trọng hơn là, cô am hiểu sâu sắc Phật pháp. Vì có
người thầy như cô, Rajiva cảm thấy rất hứng thú với Trung Nguyên. Tôi rất mong
được đặt chân đến đó, để có thể tận mắt chứng kiến mảnh đất, bầu trời và không
gian như thế nào mà có thể khai sinh ra một người con gái thông minh, xinh đẹp
như Ngải Tình.
Những
câu nói ấm áp được thốt lên bằng sự chân thành, giúp tôi cảm thấy tự tin hơn.
Bất giác một câu hỏi hiện ra trong đầu: Không lẽ cảm tình dành cho vùng đất
Trung Nguyên của Kumarajiva bắt nguồn từ tôi ư? Nhưng sự thực là tôi không
thông minh, tôi đã đánh cắp kiến thức của người khác, kể cả thành quả dịch
thuật của Kumarajiva. Vậy mà cậu ta vẫn khen ngợi tôi có tuệ căn. Nếu ở vào
thời hiện đại, chắc chắn tôi sẽ bị kết tội vi phạm bản quyền. Thế nên, tôi cứ
cúi gằm mặt xuống, không dám ngẩng đầu.
– Nhưng
mà…
Kumarajiva
cố nhịn cười khi tôi ngước bộ mặt âu sầu lên nhìn cậu ta:
– Nhưng
nếu không có vẻ mặt ngây ngô kia thì cô sẽ càng thông minh hơn…
Tên
ranh, dám trêu cả cô giáo! Tôi bật dậy định vít cổ cậu ta xuống, nhưng cậu ta
nhanh như chớp, cười ngất và né sang một bên. Tôi đuổi cậu ta chạy vòng vòng.
Rajiva tuổi trẻ chân dài, tôi già cả không bắt kịp. Nhưng tôi không tin mình
không tóm được cậu, nếu thế tôi ra đời trước cậu ta mười năm thật oan uổng quá!
Tôi kêu lên một tiếng “ui da”, rồi ngã sõng soài ra đất. Quả nhiên cậu ta vội
chạy đến, vẻ mặt lo lắng hỏi tôi có sao không. Nhân lúc cậu ta không đề phòng,
tôi đã lập tức giơ tay tóm lấy cổ cậu ta.
– Tên
ranh, từ nay về sau cấm chê cô giáo ngây ngô nhé! Như thế không gọi là ngây ngô
mà là thật thà, nhớ chưa? Tôi là cô giáo của cậu, cậu phải tôn trọng tôi, biết
chưa? Dù cậu có là Kumarajiva đi nữa, trước mặt tôi cũng phải tỏ ra ngoan
ngoãn!
Tôi lắc
mạnh chiếc cổ dài thanh tao và nhìn vào khuôn mặt đang ngày càng ửng đỏ của cậu
ta. Hình như tôi xiết tay hơi mạnh. Vội vàng buông cậu ta ra, tôi sát lại, ghé
mắt nhìn:
– Này,
tôi có mạnh tay quá không? Cậu có đau lắm không? Xin lỗi nhé!
Ánh mắt
trên khuôn mặt đỏ như gấc chín ấy lại tìm cách lẩn trốn. Cậu ta quay mặt đi,
tách tôi ra một đoạn, miệng lí nhí:
– Ngải
Tình, tiếp tục dạy tôi, được không?
Tôi lại
thở dài, tay túm cằm suy nghĩ:
– Nhưng
tôi không có giáo trình, tài liệu gì cả. “Luận ngữ” mà tôi dạy cậu đều là dựa
vào trí nhớ, mắc không ít lỗi sai. Người xưa có câu: dạy sai kiến thức chi bằng
không dạy, chớ làm hỏng học trò.
Vẫn
khuôn mặt đỏ lựng nhìn tôi, nhưng ánh mắt trở nên long lanh và khóe môi hé một
điệu cười rạng rỡ:
– Cô lo
lắng điều này ư? Có khó gì đâu!
“To
teach or not to teach, this is a question”.
Tôi
không có cách nào từ chối, nhưng lại sợ sẽ truyền đạt sai kiến thức cho cậu ấy.
Lẽ ra tôi không nên xuất hiện trong cuộc đời cậu ấy. Không có tôi, cậu ấy vẫn
có thể trở thành vị pháp sư lừng danh trong lịch sử. Nhưng nếu ngược lại thì
sao? Rốt cuộc, tôi đóng vai trò gì trong hành trình cuộc đời Kumarajiva? Liệu
tôi có tác động xấu đến cậu ấy, để rồi làm sai khác đi lịch sử? Một sự thật
hiển nhiên là cậu ấy vốn không biết nói dù chỉ một câu tiếng Hán hiện đại.
Thấy
tôi trầm ngâm hồi lâu, Kumarajiva đặt hai tay lên tay tôi, hơi ấm từ lòng bàn
tay cậu lan tỏa khắp người tôi.
– Ngải
Tình, chính Phật tổ đã an bài để tôi được gặp cô, tôi thực sự trân trọng mối
duyên này. Tôi thật lòng muốn học tiếng Hán, nhưng nếu cô không muốn dạy, cũng
không sao, hãy đến Khâu Từ cùng tôi, rồi mới trở về Trung Nguyên, được không?
Trong
đôi mắt màu xám nhạt long lanh ngấn nước phản chiếu khuôn mặt ủ dột của tôi.
Tôi chỉ là một người khách qua đường, sớm muộn tôi cũng sẽ phải trở về thế giới
của mình, dù cho chiếc đồng hồ vượt thời gian đang tạm thời gặp sự cố.
Nhưng
việc tôi vượt thời gian và gặp gỡ Kumarajiva thời niên thiếu, nếu không dùng
chữ “cơ duyên” thì còn có cách giải thích nào khác nữa? Hai hàng dấu chân trên
cát của chúng tôi chỉ là tình cờ hợp thành một, khi hành trình ngắn ngủi đó qua
đi, sẽ không còn bất cứ sự gặp gỡ nào nữa. Vậy thì, việc gì tôi phải suy nghĩ
nhiều đến vậy? Chỉ cần từ nay về sau tôi thận trọng hơn trong mọi ứng xử, không
thể hiện ra bất cứ dấu hiệu mang nét đặc trưng của thời đại mình, thì tôi sẽ
không tác động và làm thay đổi lịch sử. Nhưng, điều quan trọng hơn hết thảy đó
là, tôi thực sự mong muốn được ở bên chàng trai thiên tài này mỗi ngày, để được
đón nhận và cảm nhận tình cảm nồng ấm từ cậu ấy.
– Nếu
vậy, ta đồng ý tiếp tục dạy trò.
Tôi lồm
cồm bò dậy, phủi sạch bụi trên mông:
– Thầy
trò ta cùng ôn lại kiến thức của buổi học trước.
Tôi
phải nhanh chóng sửa đổi phương thức giao tiếp bằng tiếng Hán hiện đại của cậu
ta mới được.
Cậu ta
vừa vui mừng vừa ngạc nhiên, có vẻ chưa thích ứng với lối nói văn ngôn trang
trọng đó của tôi, nhưng cũng không thắc mắc, vội vàng đứng lên tìm tập giấy
nháp.
Tối hôm
sau, cậu ta xuất hiện ở cửa phòng tôi với cuốn “Luận ngữ” trên tay.