Đọc truyện Đức Phật Và Nàng – Chương 10
Cuối
cùng, chúng tôi cũng lên đường đi Khâu Từ. Buổi đưa tiễn diễn ra rất náo nhiệt,
dân chúng Wensu từ mọi ngả đổ ra phố chính, đứng chen chân hai bên đường. Đức
vua Wensu đích thân cưỡi ngựa tiễn đoàn chúng tôi mấy mươi dặm.
Đi cùng
vua chúa quả có khác, chúng tôi được chăm sóc rất chu đáo và vương giả, khác
hẳn với khi tôi đi cùng mẹ con Rajiva. Hàng ngày, Rajiva vẫn đều đặn đến lán
trại của tôi học bài sau giờ tụng kinh buổi chiều. Giờ đây tôi đã có sách trong
tay, nên bài giảng cũng ngày một trọn vẹn và sâu rộng hơn, tôi luôn mở rộng, bổ
sung kiến thức mới cho Rajiva. Tôi thường vận dụng những câu chuyện lịch sử làm
dẫn chứng minh họa cho những đạo lý sâu xa của cổ nhân, Rajiva rất hứng thú và
luôn hết lời khen ngợi.
Vua
Bạch Thuần đã có lần đến kiểm tra việc dạy học của tôi, tiếng Hán của ngài rất
trôi chảy. Khi ấy tôi đang giảng sách Luận ngữ “Chương 9: Tử Hãn”, Nhà vua chọn
ra một câu để thử tài tôi, câu đó là: “Tử viết: Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu
sắc giả dã”.
Câu này
vốn rất dễ lý giải, tôi suy nghĩ một lát, đáp:
– Khổng
Tử than phiền rằng con người coi trọng sắc dục hơn đức hạnh. Thế nhưng người ta
ai nấy đều ham muốn sắc dục, bởi vậy háo sắc là biểu hiện chân thực của bản
tính con người. Giữa con người và sắc đẹp có sự lôi cuốn rất tự nhiên, khó lí
giải nhưng vô cùng mãnh liệt. Cáo Tử từng nói: “Nhu cầu ăn uống và sắc dục
thuộc về bản năng tự nhiên của con người”. Nhưng đức hạnh thì không phải. Người
ta, nếu có coi trọng đức hạnh thì cũng không xuất phát từ nhu cầu tự thân giống
như ham muốn mỹ sắc. Người xưa đã vậy, người nay vẫn thế.
Tôi
ngừng lại, Bạch Thuần không nói gì, nhưng tôi luôn có cảm giác ánh mắt ngài
nhìn tôi không mấy thiện cảm. Cũng tại tôi ruột để ngoài da, chẳng suy nghĩ
thấu đáo, cứ thật thà phát biểu: háo sắc là thiên tính của con người. Vì sao
tôi không kịp nhớ rằng, xưa nay các vị hoàng đế vốn thích hô khẩu hiệu to tát
và ưa thể diện kia chứ?
Do đó,
tôi vội vã bổ sung:
– Nhưng
chữ “sắc” ở đây không hoàn toàn là mỹ sắc, mà chỉ tất cả những thứ đẹp đẽ. Và
“đức” cũng là một trong số những thứ đẹp đẽ đó. Người coi trọng đức hạnh ngang
với coi trọng cái đẹp được gọi là quân tử. Sở dĩ Khổng Tử than phiền như vậy là
vì bao năm lênh đênh, chu du khắp thiên hạ, ghé qua hầu hết các nước chư hầu,
vậy mà ngài vẫn bơ vơ như kẻ không nhà, chỉ vì chưa gặp được vị quân vương nào
xem trọng người tài đức như xem trọng sắc đẹp. Nhưng nếu ngài còn sống đến ngày
nay, gặp được vị vua anh minh hiếu đức như đức vua đây, hẳn ngài sẽ không còn
phải thở dài buông lời cảm thán như vậy!
Biểu
cảm trên gương mặt Bạch Thuần vẫn không hề thay đổi, tôi hoang mang không biết
“nịnh bợ” kiểu đó có chút hiệu quả nào không? “Làm bạn với vua như chơi với
hổ”, người xưa nói quả không sai! Ông ta mới là vua của một tiểu quốc Tây Vực
xa xôi mà đã vậy, nếu là Tần Hoàng Hán Vũ thì còn đáng sợ đến thế nào? Chỉ cần
khiến các ngài không vui là mất đầu như chơi. Chợt như có một luồng hơi lạnh
chạy dọc sống lưng, tôi chỉ dám hé mắt nhìn trộm ngài. Bạch Thuần không thèm
đếm xỉa đến tôi, ngài nói vài câu với Rajiva bằng tiếng Tochari rồi bước ra
ngoài.
Ngày
hôm sau, ngài nói về tôi trước mặt hai mẹ con Rajiva, rằng:
– Cô
giái này còn quá trẻ, thái độ thiếu nghiêm túc, thiếu tư chất của một người
thầy.
Tôi
giận quá định bỏ đi. Ông ta tưởng tôi không hiểu tiếng Tochari chắc, hay ông ta
vốn chẳng thèm quan tâm tới tôi có hiểu hay không? Chắc chắn là tại điệu cười
ngu ngốc đó, như vậy chứng tỏ trò nịnh bợ của tôi ngày hôm qua đã tìm nhầm đối
tượng rồi! Không biết tôi đã nói điều gì khiến ông ta phật ý? Ông ta bảo sau
khi về Khâu Từ sẽ tìm thầy dạy khác cho Rajiva, còn nói ở Khâu Từ có rất nhiều
giáo viên người Hán tài giỏi, kiến thức uyên thâm. Rajiva cảm ơn và từ chối
khéo léo, ca ngợi tôi là giáo viên giỏi nhất mà cậu từng gặp, khen tôi là người
làu thông kim cổ, tỉ mỉ, tận tâm. Quả không làm tôi thất vọng. Bạch Thuần hết
cách đành quay sang thuyết phục Jiva, nhưng ni cô xinh đẹp nói, bà tôn trọng ý
muốn của Rajiva.
Jiva
quả là người mẹ tuyệt vời, chả trách lúc nào Rajiva cũng yêu kính bà! Bạch
Thuần cố nhiên là không vui, tôi biết ý nên vội vã cúi đầu, vờ như không nghe
thấy gì.
Chúng
tôi tiếp tục vượt qua Bái Thành, trước mắt không còn là sa mạc mênh mông hoang
vắng nữa. Những hẻm núi đủ mọi dáng vẻ nối tiếp nhau dằng dặc, không bóng một
lùm cây, dưới ánh mặt trời, khung cảnh hiện ra hùng vĩ hệt như hẻm núi Grand
trên vùng Colorado của nước Mỹ. Chúng tôi bắt đầu tiến vào vùng núi thuộc dãy
Thiên Sơn. Rajiva cho tôi biết, vượt qua những hẻm núi kỳ vĩ này, đi thêm hai
mươi dặm sa mạc nữa là đến biên giới Khâu Từ.
Một
dòng sông nhỏ xuất hiện giữa những khe núi hiểm trở. Có sông có nước là sẽ có
ốc đảo. Hai bên bờ là vách núi cheo leo, nơi đây vốn là huyết mạch quan trọng
của con đường tơ lụa. Thấp thoáng vài hộ nông dân và nhà trọ. Rajiva nói với
tôi, sông này là sông Muzat, còn núi này là núi Karadag. Tôi thấy những tên gọi
này rất quen thuộc. Nơi đây cách Khâu Từ những mấy chục dặm, không biết điều gì
khiến tôi có cảm giác quen thuộc đến vậy? Tôi nhìn lại một lượt khung cảnh núi
non trùng điệp, sông suối lượn quanh, ốc đảo xanh tươi với hai bên là vách núi
dựng đứng này, một địa danh chợt lóe lên trong đầu tôi: Thiên Phật động Kizil.
–
Rajiva, Thiên Phật động Kizil ở đây phải không? Đưa tôi đi xem có được không?
Tôi
sung sướng tột độ. Thiên Phật động Kizil là quần thể hang đá nằm ở cực Tây,
được xây dựng sớm nhất ở Trung Quốc. Giá trị to lớn của di tích này nằm ở các
bức bích họa, vẻ đẹp của nó có thể sánh ngang với các bức bích họa ở Đôn Hoàng.
Về mặt thời gian thì những bức bích họa này còn ra đời trước các bức bích họa ở
Đôn Hoàng hơn hai thế kỷ. Phong cách nghệ thuật đậm màu sắc tín ngưỡng Phật
giáo Đại Thừa, là đặc trưng của nghệ thuật Khâu Từ, là nguồn tư liệu vô cùng
quý giá để nghiên cứu về quốc gia này. Tiếc thay, về sau, những người Ujur theo
tín ngưỡng Hồi giáo đã phá hoại nghiêm trọng công trình này. Thêm vào đó,
khoảng thế kỷ thứ XIX, nhà khoa học về phương Đông người Đức, A. Von Le Coq
cũng đã đến đây và lấy đi không ít hiện vật quý giá. Nếu tôi được tận mắt ngắm
nhìn công trình đồ sộ này khi nó còn nguyên vẹn và phác thảo lại, sẽ có giá trị
biết bao!
– Thiên
Phật động Kizil nào vậy?
Dường
như cậu ta không hiểu. Có lẽ vì Kizil là tiếng Duy Ngôn Nhĩ (Uygur) và vào thời
gian này, thì vẫn chưa xuất hiện tên gọi Thiên Phật động Kizil.
– Đó là
ngôi chùa kiểu kiến trúc hang đá được xây dựng trên vách núi, bên trong có rất
nhiều tranh bích họa và những hang đá kéo dài hàng ngàn dặm, chạy suốt dọc vách
núi Karadag.
Hai mắt
sáng lên, tôi xúc động mô tả cho cậu ta nghe, nhưng Kumarajiva dường như vẫn
không hiểu gì cả. Cậu ta đưa mắt quan sát một lượt khung cảnh trước mặt rồi
dừng lại ở dãy núi đối diện:
– Ngải
Tình, ở đây không có hang đá nào như cô vừa nói.
Lẽ nào
tại thời điểm này, Thiên Phật động Kizil vẫn chưa được xây dựng? Tài liệu lịch
sử ghi lại rằng công trình này được khởi công vào khoảng thế kỷ thứ III, thứ IV
sau Công nguyên, từ thế kỷ VIII đến thế kỷ IX, công việc xây dựng chậm lại và
ngừng hẳn. Cho nên, thời điểm khởi công là thời gian này mới phải chứ?
– Ngải
Tình.
Rajiva
đột nhiên ngước đôi mắt sáng long lanh nhìn tôi.
– Vì
sao cô biết một ngôi chùa như thế sẽ được xây dựng ở đây?
Tôi sợ
toát mồ hôi. Đúng rồi, sao tôi lại biết được? Thiên Phật động này được xây dựng
sớm nhất ở Trung Quốc và bây giờ nó còn chưa ra đời kia mà!
–
Tôi…
Tôi
cười ha ha kéo dài thời gian, rồi chỉ tay về phía con đường uốn lượn ngoằn
ngoèo giữa những khe núi hẹp và nói:
– Tôi
nghĩ rằng đây là nơi mà các lái buôn nhất định phải đi qua. Những nhà buôn đi
trên con đường tơ lụa gặp rất nhiều rủi ro, nguy hiểm, nào là thời tiết khắc
nghiệt, địa hình hiểm trở, đạo tặc hoành hành. Nguy cơ trắng tay, thậm chí mất
mạng là rất lớn. Bởi vậy họ cần Phật pháp như một nơi nương tựa về tinh thần,
ban cho họ sự bình an. Nếu xây chùa ở đây, những thương nhân đó chắc chắn sẽ
ghé qua cầu xin thần Phật phù hộ. Vả lại, nơi này thanh vắng yên tĩnh, rất phù
hợp để tu hành.
Niềm
vui ngời ngời hiện lên trên khuôn mặt Rajiva, ánh mắt cậu ta mỗi lúc một long
lanh rạng rỡ, tôi thở phào nhẹ nhõm. Quý Tiễn Lâm từng nói rằng, nhà buôn và
Phật giáo có mối quan hệ hết sức mật thiết. Các khoản quyên tặng và lễ vật cúng
bái của nhà chùa chủ yếu dựa vào các thương nhân. Đây chính là lý do vì sao các
ngôi chùa và thiền viện Phật giáo hầu hết được xây dựng dọc theo con đường tơ
lụa. Và Phật giáo cũng nhờ con đường này, từng bước được truyền bá vào Trung
Nguyên. Nên lí do mà tôi đưa ra hoàn toàn hợp lý.
Tôi
quan sát những vách núi cao vút bốn xung quanh, lắc đầu ảo não:
– Còn
vì sao phải khai mở động đá. Là vì nơi đây là hẻm núi, cây cối không nhiều, nếu
muốn xây chùa bằng gỗ thì phải vận chuyển từ nơi khác đến, sẽ rất tốn kém, hơn
nữa, công trình sử dụng chất liệu gỗ rất khó bảo tồn, vì vậy, xây chùa hang đá
trên vách núi là hợp lý nhất.
Rajiva
gật đầu tán đồng:
– Chùa
hang đá mà cô miêu tả rất giống với kiến trúc chùa chiền ở Ấn Độ và Kabul. Ở
những nơi đó, họ xây chùa trên vách núi vì những con đường huyết mạch đều là
đường qua núi.
Trầm tư
một lát, cậu ta quay lại, hỏi tôi:
– Nhưng
sao cô lại gọi ngôi chùa này là Kizil?
Tôi há
hốc miệng, cậu ta vẫn chưa hết nghi vấn à? Tên ranh này sao mà thông minh thế
không biết!
–
Kizil, Kizil…
Tôi lẩm
bẩm đọc đi đọc lại cái tên này, vừa đọc vừa suy nghĩ.
– Đây
là từ địa phương, ở nơi tôi sinh sống, Kizil có nghĩa là hang đá.
May
quá, tôi nhanh trí viện ra cái cớ này để lòe cậu ta vì dù gì cậu ta cũng là
người nước ngoài.
Cậu ta
nhìn tôi rất lâu, đúng vào lúc tôi bắt đầu lung lay vì lời nới dối của mình,
thì đột nhiên cậu ta tươi cười gật đầu:
– Ngải
Tình nói rất có lý!
Cậu ta
ngừng lại, suy nghĩ một lát rồi hỏi tiếp:
– Vậy
theo cô, ngôi chùa hang đá này nên thiết kế ra sao để thể hiện được sự uy nghi
của Phật pháp?
– Cái
đó…
Đâm lao
phải theo lao thôi, nếu tôi không nói, chỉ e ngày sau, Thiên Phật động này sẽ
biến dạng. Tôi ngập ngừng hồi lâu, nhưng sau đó vẫn quyết định trình bày hết
suy nghĩ của mình:
– Trước
tiên cần khai mở một động đá trong núi, ở giữa dựng các cột trụ, đặt tượng Phật
vào các hốc tường phía trước cột trụ, đường hành lang bên trái và gian buồng
phía sau sẽ vẽ các bức bích họa kể câu chuyện của Phật tổ và các truyền nhân
của ngài. Như vậy, tăng ni Phật tử có thể bái Phật ở gian chính, sau đó vòng
qua hành lang bên phải đi về phía buồng sau để ngắm nhìn các tượng Phật ở tư
thế nằm trên cõi Niết Bàn, cuối cùng, quay lại gian thờ chính, ngẩng đầu lên
chiêm ngưỡng những bức tranh thuyết pháp của Di Lặc, Bồ Tát ở phía trên cửa ra
vào hang đá. Các bức bích họa sẽ được vẽ trong khung hình thoi, với ý nghĩa là
núi Tu Di (Sumeru), hình vẽ bên trong kể về câu chuyện của Phật tổ và luật nhân
quả.
Nhìn vẻ
mặt chất đầy nghi vấn của Rajiva, tôi hết sức lo lắng, tôi tiếp tục lục lọi
trong trí nhớ để tìm kiếm những tài liệu về Thiên Phật động Kizil:
– À,
còn nữa, phải xây các phòng nhỏ làm nơi tọa thiền cho các tăng sĩ, những phòng
đá nhỏ này thì không cần trang trí bích họa, có thể thiết kế theo kiến trúc
phòng ở gắn liền với lối đi. Phòng đá nhỏ dành cho tăng sĩ và hang đá chứa bích
họa có thể đặt cạnh nhau, tạo nên một quần thể thống nhất, đó chính là một ngôi
chùa Phật giáo.
– Ngải
Tình, cô từng đến Ấn Độ và Kabul, đúng không?
– Hả?
Đúng là
tôi đã từng đến Ấn Độ, nhưng tình hình chính trị ở Kabul, tức vùng Peshawa
thuộc Kashmir ngày nay hết sức phức tạp, nên tôi chưa có cơ hội đến đó. Kabul
là thành phố cổ đại nổi tiếng nằm trên con đường giao nhau giữa vùng Nam và
Trung Á, là thủ đô của vương triều Kushan do đức vua Kanishka lập nên, là khởi
nguồn của nghệ thuật Phật giáo Gandhara và là vùng thánh địa mà tôi mơ ước được
đến thăm từ lâu.
Nhưng
vấn đề nan giải hiện nay là tôi phải tiếp tục nói dối như thế nào đây? Rõ ràng,
mô hình kiến trúc tôi vừa miêu tả không hề có tại Trung Nguyên và thậm chí ngay
ở Tây Vực cũng chưa từng có. Nhưng nếu tôi nói rằng tôi từng đến đó, chắc chắn
tôi sẽ bị lật tẩy. Cha cậu ta là người Ấn Độ, bản thân cậu ta đã từng sống ở
Kabul mấy năm trời.
–
Tôi… Là vì… Tôi tình cờ gặp một nhà sư người Ấn Độ, ông ấy đã nói với
tôi…
– Ngải
Tình hiểu tiếng Phạn từ khi nào vậy
Cậu ta
ngắt lời tôi, ánh mắt sắc như dao đang nhìn xoáy vào tôi khiến tôi không biết
lẩn trốn vào đâu.
–
Tôi…
Người
ta nói quả không sai: nói dối một lần thì dễ nhưng để duy trì lời nói dối ấy,
bạn phải nghĩ ra thêm nhiều lời nói dối khác và đến sau cùng bạn vẫn cứ bị lật
tẩy.
– Ngải
Tình, cô chẳng biết nói dối gì cả!
–
Tôi…
Thế là
tôi đã bị lộ. Sao khi nãy tôi liều lĩnh như vậy, thốt ra những lời bịa đặt
không chút suy nghĩ.
– Rốt
cuộc cô là ai?
Lại một
câu hỏi gai góc nữa, đầu óc tôi chao đảo.
–
Tôi…
Tôi đã
quên mất rằng tên ranh này từng đánh bại nhà biện kinh vô địch Tây Vực. Nếu cậu
ta tiếp tục chất vấn, bí mật của tôi chắc chắn không thể giữ được nữa!
– Thôi
được rồi, cô đừng lo lắng.
Nhìn
gương mặt đỏ bừng của tôi, cậu ta bỗng bật cười:
– Nếu
cô không muốn nói, tôi không ép buộc. Tôi sẽ thuyết phục đức vua xây dựng chùa
hang đá này khi về đến Khâu Từ, sẽ đặt tên là Thiên Phật động Kizil. Và tất
nhiên sẽ xây dựng theo thiết kế cô vừa nói.
Cậu ta
nhìn tôi, đôi mắt tinh anh tỏa sáng, lắc đầu và cười:
– Ngải
Tình, cô có biết điệu bộ ngơ ngác của cô khi nãy rất dễ thương không? Bất kể cô
từ đâu đến, cô là cô gái thông minh xinh đẹp nhất mà Rajiva từng gặp.
Hai má
tôi đã bớt nóng, nhưng miệng tôi vẫn chưa khép lại. Thật không thể tin được,
Thiên Phật động Kizil đã được xây dựng như thế đấy! Tôi đập khẽ vào miệng mình
tự trừng phạt và dặn lòng từ nay sẽ cấm nói năng lung tung. Tôi làm sao mà gánh
nổi tội danh làm rối loạn lịch sử kia chứ!
Quay
đầu lại và phát hiện hành động tự phạt vừa rồi đã lọt vào mắt Rajiva, đen đủi
thế không biết! Cậu ta không nói gì, nhưng ánh mắt nhìn tôi như đang nghiên cứu
lại như đang dò la. Kể từ lúc ấy, tôi luôn nhắc nhở mình không được nhiều lời.
Cuối
cùng, chúng tôi đã đến được Khâu Từ. Đội ngũ nghênh tiếp lần này còn long trọng
hơn cả khi ở Wensu, từ xa đã văng vẳng tiếng nhạc mừng réo rắt. Những lán trại
chạy dài hàng mấy trăm mét trước cổng thành. Phía trước mỗi lán trại đều có các
tăng sĩ với trang phục của các cao tăng hướng về phía chúng tôi hành lễ. Rajiva
và Jiva lập tức xuống ngựa, cung kính chắp tay tạ lễ với các cao tăng đó. Tôi
chỉ để tâm đến những pho tượng Phật dựng bên trong các lán trại, giá như có thể
bảo tồn đến thời hiện đại thì tốt biết bao!
Dẫn đầu
đoàn nghênh tiếp là một phụ nữ trung tuổi, thân hình béo tốt, khoác trên mình
bộ trang phục quyền quý với váy dài thêu kim tuyến tay lỡ, chắc chắn là hoàng
hậu! Đám phụ nữ và trẻ nhỏ ăn mặc cầu kỳ quý phái phía sau hẳn là các phi tần,
hoàng tử và công chúa. Tiếp đó là đến các quan văn quan võ, hàng trăm con người
cung kính hành lễ với đức vua Bạch Thuần, không khí hết sức trang nghiêm. Chỉ
trong phút chốc tôi đã được diện kiến toàn bộ giới quý tộc và hoàng thất Khâu
Từ, tôi ước sao có cái máy ảnh ở đây để ghi lại khung cảnh cảm động này.
Hoàng
hậu ôm chầm lấy Jiva và Rajiva, xúc động bật khóc nức nở. Mẹ con Jiva mắt đỏ
hoe, họ đang cùng nhau ôn lại bốn năm xa cách. Tôi để ý đến một người trong đám
quý tộc phía sau hoàng hậu, người ấy có ngoại hình khác hẳn những người Khâu Từ
khác.
Đó là
một người đàn ông trung niên, với nước da bánh mật, dáng người rất cao, thân
hình mảnh khảnh, lưng dài thẳng tắp, vầng trán hẹp và dài, đôi mắt to sâu trũng
in giữa khuôn mặt khắc khổ, đồng tử màu nâu nhạt, thần thái toát lên vẻ thông
thái và nhân hậu. Ông không thả tóc ngang vai như người Khâu Từ, mái tóc ông
cắt ngắn giống kiểu tóc của con người ở hiện đại nhưng đã lốm đốm sợi bạc. Dù
ông đang mặc trên mình trang phục của người Khâu Từ, tôi vẫn dễ dàng nhận ra
ông là người Ấn Độ. Ở tuổi này, nếu dùng từ “đẹp trai” để miêu tả về ông thì
thiệt thòi cho ông quá! Điều đáng nói ở đây là khí chất thoát tục ở ông, đó là
thứ khí chất thanh cao khiến ông trở nên khác biệt giữa hàng trăm con người,
khiến người khác phải chú ý và khi đã chú ý đến ông rồi thì khó mà dứt được ánh
nhìn để chuyển hướng đi chỗ khác.
Ông dắt
theo một cậu bé chừng mười tuổi, khuôn mặt tròn xoe, làn da trắng ngần giống
người Khâu Từ và những đường nét trên khuôn mặt thì giống hệt Rajiva, nhưng dễ
thương hơn nhiều! Đôi mắt màu xám nhạt ấy đang bận ngó nghiêng khắp nơi, khi
thấy tôi, cậu bé có vẻ hơi ngạc nhiên, cứ chăm chú nhìn tôi mãi. Tôi cười với
cậu bé, lén lút làm mặt ngáo ộp trêu chọc. Cậu bé giật mình, vội vã quay mặt
đi.
Không
nghi ngờ gì nữa, người đàn ông Ấn Độ ấy chính là Kumarayana, người đã từng từ
bỏ ngôi vị để xuất gia, người từng vượt qua dãy núi Pamirs ở phía đông để đến
đất Khâu Từ và được đức vua nước này phong làm quốc sư, là cha của Kumarajiva
và là người mà năm xưa Jiva tìm mọi cách để được lấy làm chồng. Cậu bé có khuôn
mặt giống Kumarajiva như đúc kia chính là em trai của cậu, tôi không nhớ tên
cậu bé là gì. Trong “Truyện cao tăng”, Tuệ Giảo chỉ ghi lại một cái tên, tức là
trong sự phát triển của lịch sử, cậu bé đó chỉ tồn tại vì là em trai của
Kumarajiva.
Hoàng
hậu đã ngừng khóc, đưa hai mẹ con Rajiva đến bên Kumarayana, Jiva chắp tay hành
lễ trước người từng là chồng của bà, nỗi nhớ nhung bịn rịn ngập đầy trong đôi
mắt thẳm sâu của Kumarayana. Chắc hẳn ông rất muốn ôm bà vào lòng, nhưng ông
chỉ lặng nhìn bà vài giây, rồi cũng chắp tay tạ lễ. Chú bé tinh nghịch không
cần biết trời cao đất dày gì, cứ thế lao vào ôm chầm lấy mẹ kêu khóc thảm
thiết, Jiva cũng ôm chặt lấy đứa bé, nước mắt chan chứa. Rajiva quỳ lạy cha,
nhưng Kumarayana vội vàng đỡ cậu lên. Cha con họ đều rất xúc động, họ trò
chuyện với nhau bằng tiếng Phạn.
Nghi lễ
đón tiếp đã diễn ra hơn một tiếng đồng hồ. Kumarayana xin phép đức vua được đưa
vợ con về phủ, Jiva không phản đối, có lẽ vì bà cũng rất nhớ con. Thế là tôi
cùng gia đình họ trở về phủ quốc sư.
Tôi đã
tìm hiểu và được biết em trai Rajiva tên là Pusyseda, đó là tên tiếng Phạn, vậy
là lại có thêm một cái tên khó đọc nữa.