Đọc truyện Đức Phật Và Nàng – Chương 27
Ngày
cuối cùng của lễ hội Sumuzhe, Pusyseda không cần ngồi xổm trước mặt tôi và nhọc
lòng gào thét tôi thức dậy nữa. Giấc mơ cùng Rajiva đi ngắm mặt trời mọc đã tan
biến khi âm thanh tiếng kèn Xô – na và tiếng cười nói hoan hỉ vẳng tới bên tai
tôi.
– Ngải
Tình, dậy đi! Tôi chưa từng thấy cô gái nào thích ngủ nướng như chị. Hôm nay là
ngày sôi động nhất của lễ hội Sumuzhe đấy.
Miệng
làu bàu, mắt vẫn nhắm chặt, tôi nuối tiếc giấc mơ đẹp. Rajiva và tôi chỉ có thể
tay trong tay đi bên nhau trong mơ mà thôi!
– Chị
còn không chịu dậy, tôi sẽ bế chị lên đó.
Tôi bật
dậy, nhanh như tên bắn.
Chúng
tôi đeo mặt nạ ra phố, vừa bước chân ra cổng, mắt tôi đã hoa lên vì cảnh tượng:
đường phố ngập nước, ai nấy áo quần ướt sủng, nhưng dường như mọi người đều
không bận tâm.
– Đây
là…
– Đi
nào, rồi chị sẽ thấy, ngày hội này thú vị ra sao…
Tiếng
nhạc rộn rã vang lên nơi góc phố, Pusyseda kéo tay tôi chạy như bay về hướng
đó.
Một
chiếc xe ba gác chầm chậm tiến đến, trên xe có vài ba người đang thổi kèn Xô –
na, một thùng nước lớn bằng gỗ và hai chàng thanh niên to khỏe đang múc từng
gáo nước, té lên người đi đường, miệng hô vang: “Năm mới phát đạt, tai ương
không còn”. Nhà nào nhà nấy mở rộng cửa, đặt một thùng nước trước nhà và có chủ
nhà cũng đang ra sức múc nước trong thùng hất về phía những chiếc xe ba gác.
Không nhìn rõ gương mặt những người đang tắm trong làn mưa nước vì họ đeo mặt
nạ, nhưng tôi nghe thấy tiếng cười ha hả, sảng khoái ngân vang không dứt của
họ. Họ khiến tôi trở nên phấn chấn vì tôi đang được chứng kiến lễ hội té nước
của 1650 năm về trước.
Gã lãng
tử nhanh nhẹn né được một gáo nước, nhưng tôi thì lãnh đủ, áo váy dầm dề.
– Đi
nào, Ngải Tình.
Pusyseda
nắm tay tôi, ánh mắt hoan hỉ.
– Chúng
ta đi té nước nào!
Gã lãng
tử kéo tôi quay lại phủ quốc sư. Một chiếc xe ba gác dùng ngựa kéo, trang trí
rất đẹp đang chờ sẵn trong sân, trên xe đã có một thùng nước lớn. Pusyseda bố
trí một thanh niên điều khiển cỗ xe, hai người phụ trách thổi kèn Xô – na. Sau
đó, cậu ta đỡ tôi lên xe và tự mình vọt lên theo bằng một cú nhảy điệu nghệ.
Pusyseda ấn vào tay tôi một chiếc gáo, rồi quay ra hô anh chàng phu xe: Đi nào!
Cỗ xe di chuyển, tiếng kèn Xô – na vang lên, chúng tôi tuần du qua các góc phố
và thỏa sức đắm mình vào lễ hội té nước trong âm thanh náo động và bầu không
khí rộn ràng, vui nhộn ấy.
Tôi
từng đến Thái Lan vào dịp năm mới theo lịch của người Thái, đó là ngày hội
Songkran mà chúng ta thường gọi là ngày hội té nước. Trên đường phố Bangkok, ai
nấy đều cầm một khẩu súng nước, những chiếc xe bán tải nối đuôi nhau diễu hành.
Khi tiếng nhạc dồn dập, vút cao, các bạn nam nữ thanh niên hò reo múc nước
trong những chiếc thùng nhựa cỡ lớn đặt trên xe, tới tấp té, hất vào người đi đường.
Khi di chuyển đến nơi tập trung đông người, các xe dừng lại và cuộc “thủy
chiến” diễn ra sôi động giữa các “chiến sĩ” té nước. Thậm chí khi chiếc xe bán
tải dừng đỗ song song với những chiếc xe bus công cộng trên đường, các chiến sĩ
không ngần ngại té nước vào xe bus. Người bị té ướt, ai nấy đều cười vui vẻ.
Nhưng hồi đó tôi chỉ là khán giả, đứng bên đường quan sát, tuy cũng bị té ướt,
thậm chí một nhóm các bạn trẻ người Thái tôi không hề quen biết còn chạy tới,
bôi lên mặt tôi một thứ phấn trắng gì đó, nhưng chưa bao giờ tôi chính thức
tham gia vào trò chơi té nước và chơi hết mình như ở lễ hội này.
Trên
đường phố Khâu Từ, mọi người mải mê đùa vui, chúng tôi té nước vào người đi
đường và họ té nước lại chúng tôi. Khi gặp những chiếc xe ngựa đi ngược chiều,
chúng tôi dừng lại, một cuộc thủy chiến diễn ra, các chiến sĩ vừa ra sức “chiến
đấu” vừa hô vang những lời chúc tốt lành. Lúc đầu tôi còn e dè, chỉ múc những
gáo nước nhỏ và hất nhẹ về phía mọi người. Nhưng sau khi bị “tấn công” tới tấp,
quần áo ướt sủng, tôi hăm hở lao vào cuộc chiến và liên tục “chào hỏi” người đi
đường bằng những gáo nước đầy tràn. Vừa chiến đấu vừa né trái né phải tránh đòn
“phục thù”. Khâu Từ đang là mùa hè, thời tiết oi bức, được tắm trong nước thế
này thật dễ chịu. Tôi gào thét khản cả cổ, chưa bao giờ tôi được vui chơi thỏa
sức như hôm nay! Trên phố, cũng có người cầm những khẩu súng nước bằng gỗ, khi
bắn, nước phun khá xa. Một ai đó hướng khẩu súng về phía tôi, tôi vội nghiêng
người né tránh, cỗ xe chòng chành, tôi trượt chân, té nhào. Không văng ra khỏi
xe ngựa, nhưng tôi lại rơi vào một vòng tay đang hừng hực hơi thở. Đôi mắt màu
xám nhạt ở cách tôi rất gần, ánh mắt đảo một vòng khắp người tôi, từ đầu đến
chân. Tôi giật mình nhận ra chiếc váy ướt đầm dính sát vào thân người, ngôn ngữ
thông dụng trong tình huống này gọi là “lộ rõ đường cong cơ thể”. Chỉ nhìn thấy
đôi mắt, nhưng không khó đoán vẻ mặt của gã phong lưu này như thế nào. Hai má
tôi nóng bừng, may mà đeo mặt nạ, tôi vội vàng vùng vẫy đứng lên. Gã phong lưu
không “bắt nạt” tôi như những lần trước, nhưng hắn nhìn tôi hồi lâu, buông
tiếng thở dài:
– Ngải
Tình, ngực chị nhỏ quá…
Một gáo
nước lớn dội lên đầu hắn. Tôi làm sao mà so sánh với các thiếu nữ “béo tốt màu
mỡ” của Khâu Từ được.
– Nhưng
nghe nói, chịu khó xoa bóp thì sẽ to dần lên.
Gáo
nước thứ hai tặng cho hắn.
Pusyseda
lắc đầu giũ nước trên tóc, những lọn tóc xoăn ướt sũng dính trên trán, nhưng
hắn không hề biết sợ:
– Tôi
có thể giúp chị…
Nước đã
dùng hết, tôi lao lên tấn công, phải xử tên này thôi, để hắn sống sót chắc chắn
sẽ gây họa cho người đời.
Cỗ xe
chậm rãi lăn bánh trong thành phố, nước trong thùng đã cạn. Pusyseda kêu phu xe
dừng lại, cùng những chàng trai khác khiêng thùng gỗ đến một nhánh nhỏ của sông
Muzat chảy trong lòng thành phố để lấy nước. Tôi cũng xuống xe, giúp họ một
tay. Hồi nãy, Pusyseda là người chơi trò té nước nhiệt tình nhất, nên toàn thân
cậu ướt sũng, lớp áo mỏng dính sát vào cơ thể, làm lộ rõ những cơ bắp cuồn cuộn
tráng kiện và tấm lưng rộng, lực lưỡng. Ngắm nhìn một thân hình đàn ông hấp dẫn
như thế mà không vui thích thì không phải là phụ nữ!
– Thế
nào? Chị thấy hài lòng chứ?
Đúng là
đồ phong lưu, thốt ra toàn những lời trăng gió, ong bướm. Tôi như bị sét đánh
ngang tai! Xin cậu đấy, Pusyseda!
Không
thể không cho tên này một gáo nước, nhưng hắn đã nhanh nhẹn né kịp, một người
đang đứng phía sau hắn đã phải chịu trận…
Quần áo
của người đó vốn không hề dính nước, nhưng giờ đây đã ướt nhẹp vì gáo nước của
tôi, anh ta bối rối, bước lùi lại phía sau. Dáng người cao gầy, chiếc áo ngắn
chít eo màu xanh nhạt, đeo mặt nạ hình sư tử, ở con người đó toát lên vẻ phiêu
diêu thoát tục không thể diễn tả nổi. Dù đang ở giữa chốn ồn áo náo nhiệt,
nhưng người đó dường như rất cô độc. Tim tôi đập mạnh, ánh mắt hớt hải kiếm
tìm, nhưng anh ta đã quay gót đi xa. Tôi muốn đuổi theo, nhưng Pusyseda đã giữ
lại. Tôi thẫn thờ nhìn theo, khẽ lắc đầu. Chắc chắn là ảo giác, cậu ấy không
thể đến đây được! Vả lại người đó rõ ràng là có mái tóc màu nâu nhạt dài ngang
vai. Nhưng vì sao, vì sao tôi cảm thấy tim mình quặn thắt khi nhìn thấy bóng
dáng cô đơn ấy? Những trò đùa của Pusyseda không còn sức hấp dẫn với tôi nữa,
tôi mặc lòng ủ dột…
Cỗ xe
tiếp tục hành trình, lướt qua quán trọ mà tôi từng ở…
Cuối
cùng chúng tôi cũng về đến phủ quốc sư. Pusyseda chưa chơi đủ, vẫn hô hào muốn
đi tiếp. Cậu ta đúng là đồ ham chơi, cả ngày dài trên phố mà không biết mệt.
Bước
chân vào cửa đã thấy không khí có gì đó bất thường, mọi người trong phủ ai nấy
đều giữ vẻ nghiêm trang khác lạ. Thấp thoáng bóng chiếc áo cà sa màu nâu sòng,
một dáng hình cao gầy, cô độc, lặng lẽ tư lự trong sân. Nghe thấy tiếng chúng
tôi, người đó quay đầu lại, vẻ mặt an nhiên…
Giây
phút đó, hai mắt tôi ướt nhòe. Rajiva, đã bao lâu rồi không được gặp cậu? Sao
tôi cảm thấy thời gian dài miên man như đã trải qua một đời người vậy?
Rajiva
chăm chú quan sát tôi, khuôn mặt đột nhiên ửng đỏ. Tôi vẫn đang trong tình
trạng quần áo ướt đẫm, trước mặt Pusyseda tôi không cảm thấy có điều gì bất
thường, nhưng trước mặt cậu ấy, không hiểu sao, tôi thấy tim mình đập dữ dội,
hai má nóng bừng và không biết đầu đã cúi thấp từ lúc nào.
Chiếc
mặt nạ của tôi bị tháo ra, gọng kìm của Pusyseda lại kẹp trên vai tôi:
– Anh
nhìn xem ai đến này. Là Ngải Tình đó, tiên nữ của chúng ta, sau mười năm biến
mất đã trở lại.
Rajiva
ngước lên nhìn tôi. Một chút ngạc nhiên thoáng qua trong đáy mắt. Hai tay khép
lại, cung kính cúi đầu:
–
Rajiva kính chào thầy!
Không
ngờ cậu ấy lại xử sự với tôi như vậy trước mặt em trai. Tôi bối rối không biết
phải đáp lễ ra sao, nên cứ ngơ ngẩn nhìn cậu ấy.
– Mau
đi thay quần áo đi, chị ướt cả rồi này! Cẩn thận kẻo cảm lạnh.
Đây là
lần đầu tiên Pusyseda nói với tôi bằng những lời đầy “chăm sóc”. Tôi len lén
nhìn Rajiva, vẻ mặt cậu ấy không có gì khác lạ, cũng không có bất cứ biểu cảm
ngạc nhiên nào.
Cơn
buồn tủi bỗng trào dâng, bàn tay của Pusyseda trên vai tôi tựa như mọc gai cắm
vào da thịt tôi, tôi tức giận vùng thoát, cắm đầu bước vội về phòng mình.
Tiếng
Pusyseda giễu cười phía sau:
– Đúng
là phụ nữ, hay cáu giận vô cớ…
Rajiva
ngắt lời Pusyseda bằng giọng nói lạnh lùng:
– Em
thay quần áo rồi đến phòng cha, ta có chuyện muốn nói.
Thay
xong quần áo, tôi dạo bước trong sân để hong khô mái tóc ướt. Hai anh em họ
đang ở trong phòng Kumarayana, không biết Rajiva muốn nói gì với họ. Tâm trạng
tôi rối bời, vì sao hôm nay cậu ấy về đây? Sư phụ Banhuddata còn ở chỗ cậu ấy
không?
Cửa
phòng Kumarayana bật mở, cắt ngang dòng suy tư của tôi. Sắc mặt Pusyseda tái
nhợt, thấy tôi, cậu ta bước đến và ôm tôi vào lòng. Tôi cắn răng vùng vẫy, tôi
không muốn Rajiva nhìn thấy cảnh tượng này.
– Ngải
Tình!
Pusyseda
giữ chặt lấy tôi, giọng nghẹn ngào:
– Mẹ
tôi…qua đời rồi…
Tôi
lặng đi, quên cả mong muốn vùng thoát. Thì ra, cậu ấy trở về để thông báo tin
này. Tôi ngước mắt lên, thấy Rajiva đứng trên bậc thềm trước cửa phòng cha. Nền
trời ảm đạm, bóng hoàng hôn đổ trên dáng hình cao gầy ấy, hắt xuống sân một
vòng nắng tròn buồn tẻ.
– Cậu
cả, phòng của cậu đã được dọn sạch.
Dù
Rajiva đã là một pháp sư nổi danh khắp vùng Tây vực, nhưng Kumarayana vẫn yêu
cầu mọi người trong phủ quốc sư gọi cậu là cậu cả. Phải chăng vì ông muốn nhắc
nhở con trai mình: rằng cậu vẫn luôn là một thành viên không thể thiếu của gia
đình?
Rajiva
khẽ gật đầu, bước xuống bậc thềm, đi về phía phòng mình, dường như không bận
tâm đến tôi và Pusyseda đang đứng trong sân. Lúc lướt qua tôi, đôi môi vẫn mím
chặt, vẻ mặt lạnh lùng, như muốn nói rằng: mọi sự trong thế tục không liên quan
gì đến cậu! Tim tôi như bị bóp nghẹt, nước mắt tuôn trào, bằng tất cả sức lực
của mình, tôi vùng thoát khỏi gọng kìm của Pusyseda.
– Ngải
Tình, sao vậy?
Pusyseda
sững sờ, cuống quít vỗ về tôi:
– Chị
khóc vì tôi, tôi vui lắm. Nhưng xin chị, đừng khóc nữa…
Tôi hất
tay cậu ta ra và vùng chạy về phòng, chốt cửa lại.
– Ngải
Tình, mở cửa ra!
Pusyseda
nhẫn nại gõ cửa, nhưng tôi mặc kệ. Lúc phiền muộn, tôi cho phép mình vùi đầu
trong chăn, thỏa sức hành hạ bản thân một đêm, để rồi sau đó sẽ bắt đầu một
ngày mới không còn bóng dáng của nỗi buồn. Trên đời này, không có trở ngại nào
là không thể vượt qua. Nhưng tôi vẫn không hiểu nổi vì sao mình lại khóc?
– Khóc
vì mẹ tôi, không đáng đâu.
Tôi
chui ra khỏi chăn, đã thấy Pusyseda ngồi trước mặt. Cậu ta hình như chưa bao
giờ vào phòng tôi bằng cửa chính.
Tôi chưa
từng thấy Pusyseda trong tâm trạng phức tạp thế này bao giờ. Biểu cảm trên
gương mặt cậu là sự đan xen của nỗi buồn, sự tức giận và nỗi đau…
– Mẹ
chưa bao giờ quan tâm lo lắng cho gia đình này, bà lúc nào cũng chỉ một lòng tu
hành, để được giải thoát, để được lên cõi cực lạc, để không còn phải chịu kiếp
số luân hồi.
Pusyseda
nhếch môi cười, hơi thở gấp gáp chừng như rất xúc động.
– Tôi
không hiểu, cõi cực lạc ấy có gì tốt đẹp hơn thế giới hiện thực chứ? Vì sao nó
quan trọng hơn cả chồng và con trai bà?
Cậu ta
cắn chặt môi, hít một hơi thật sâu.
– Trong
lòng bà chỉ có anh trai tôi mà thôi. Bà sinh tôi ra chỉ để có người nối dõi
tông đường, để hoàn thành nghĩa vụ với nhà chồng mà thôi. Thế nên bà đã ra đi
cùng anh trai, bỏ tôi ở lại. Hai mươi mốt năm qua, tôi gặp bà được mấy lần? Bao
nhiêu năm qua, cha tôi ngày đêm thương nhớ bà, còn bà thì sao? Tu hành đắc đạo
thành Phật khiến con người trở nên lạnh lùng, vô cảm như vậy ư?
Pusyseda
đột ngột đứng lên, đầu ngẩng cao, giọng nói dõng dạc:
– Người
ta muốn thành Phật, tôi thì không. Muốn thành Phật thì phải từ bỏ mọi tình cảm
thế tục, như thế có gì vui đâu. Tôi thà sa xuống địa ngục A tì còn hơn phải o
ép bản thân mình trong kiếp này. Đời người được mấy mươi năm. Kiếp sau tôi
chẳng cầu được làm người, chỉ cần kiếp này được làm những gì mình thích thì
kiếp sau có làm trâu làm ngựa cũng chẳng sao.
Tôi bất
ngờ đến quên cả khóc. Pusyseda chưa bao giờ bộc bạch với tôi những suy nghĩ sâu
kín này. Phải chăng thái độ ngông nghênh, giễu đời giễu người của cậu là hành
động phản kháng trước quyết định từ bỏ gia đình của mẹ cậu? Phải chăng cậu đang
ra sức vẽ nên viễn cảnh tăm tối, tuyệt vọng của thế giới sau cái chết để chống
lại giáo lý Phật giáo?
– Con
người tồn tại giữa trời đất, chỉ như bóng câu qua thềm, thoắt đến, thoắt đi.
Tôi kéo
chăn, bước xuống giường, đến bên Pusyseda, nhẹ nhàng khuyên nhủ:
–
Pusyseda, trân trọng đời sống hiện thực không có gì là xấu.
Cậu ta
quay lại nhìn tôi chăm chú:
– Ngải
Tình, chị không cho rằng tôi là kẻ hư hỏng đấy chứ?
Ở một
nơi mà người người kính Phật, người người ngóng đợi một kiếp sau tươi đẹp như
Khâu Từ, thì suy nghĩ của Pusyseda quả là không thể chấp nhận được.
Nước
trên mặt đất
Chia
về muôn hướng
Người
nào phận nấy
Chẳng
nên than phiền
Đó là những
câu thơ của Bào Chiếu.
–
Pusyseda, những điều cậu nghĩ, những việc cậu làm thể hiện khát khao sống và
tận hưởng cuộc sống thực tại của cậu.
Có
điều, khi không thực sự có tình yêu, thì những trò vui trăng hoa tuyết nguyệt
ấy liệu sẽ kéo dài được đến khi nào?
– Không
có tình yêu ư?
Miệng
lẩm nhẩm, ánh mắt cậu ta trở nên mơ hồ.
– Có lẽ
có, nhưng cậu không hề biết. Cậu không dám thừa nhận rằng cậu yêu mẹ. Vì yêu
mẹ, nên cậu muốn biết cảm giác ấm áp khi sà vào lòng mẹ như thế nào. Vì yêu mẹ
nên cậu mới tức tối khi bà bỏ đi, mới ghen tị với anh trai vì được mẹ quan tâm
hơn, mới chống lại lý tưởng theo đuổi sự giải thoát của bà.
– Ngải
Tình!
Ánh mắt
Pusyseda nhìn tôi bối rối.
– Theo
chị, mẹ có yêu tôi không?
– Tất
nhiên rồi! Trên đời này không có người cha người mẹ nào không yêu thương con
cái. Bà yêu cậu theo cách của bà, nhưng có lẽ cậu không cảm nhận được tình yêu
đó, hoặc có lẽ vì nó chưa đủ lớn như mong đợi của cậu. Khi nào cậu làm cha cậu
sẽ hiểu được điều này.
Pusyseda
im lặng, viền mắt đỏ dần lên. Thực ra cho đến bây giờ, cậu ta vẫn luôn khao
khát tình mẹ.
Đêm đó,
Pusyseda đã trò chuyện với tôi rất nhiều, bằng sự chân thành, bằng nỗi lòng
thổn thức, buồn khổ mà trước đó chưa bao giờ tôi thấy ở cậu. Lúc bước ra khỏi
phòng tôi, khuôn mặt vẫn chồng chất ưu tư, hoàn toàn khác con người thường ngày
của cậu. Tôi thổi đèn, ngồi bên cửa sổ, chăm chú nhìn sang căn phòng đối diện.
Bóng dáng cao gầy chập chờn lướt qua ô cửa sổ, một giây mất hút cũng khiến tôi
thót tim. Tôi cứ ngồi thẫn thờ như vậy cho đến khi ánh đèn phòng đối diện vụt
tắt. Trong bóng đêm tịch mịch, những suy tư theo nhau dội tới, khiến tôi không
sao bình tâm.
Vậy
là, lễ hội Sumuzhe đã kết thúc.