Đọc truyện Dư Âm Vẫn Còn Thoảng Bên Tai – Chương 29
Đến năm hai, Dư Thanh mới chơi thân với bạn cùng phòng.
Thực ra cũng không tính là quá thân thiết, nhưng so với cô thu mình không nói chuyện với thế giới hồi năm nhất thì đã tốt hơn rất nhiều.
Đề tài nói chuyện của con gái trong ký túc xá khá lộn xộn, nhưng câu nào cũng là hóng chuyện, không về hotboy hotgirl của khoa này ngành kia thì cũng là quần áo và mỹ phẩm.
Khi đó cô đã chơi QQ rất quen tay.
Trong phòng có một hai người bạn thích chơi game nên thường xuyên dắt cô đi trộm thức ăn chung, cũng có một người hay chọn lúc 12 giờ khuya ký túc xá tắt đèn rồi kéo cô xem phim ma cùng.
Mỗi tối khi ngủ, cô luôn đeo tai nghe nghe nhạc, mở âm lượng lớn thật lớn.
Một lần nọ, cô bạn giường kế tò mò đến tháo ra nghe thử.
“Không ngờ nha Dư Thanh.” Cô bạn có tóc dài ngang hông đó tên là Trần Thiên Dương, là người hoạt bát nhất lẫn người có tình sử phong phú nhất của phòng, hôm nay đá người này ngày mai đã có thể bắt đầu mối quan hệ mới ngay, “Trông cậu thế mà thích nhạc rock.”
Dư Thanh luôn chỉ mỉm cười, không tỏ ý kiến gì.
Khoảng thời gian này thực sự rất bận, ngày nào đi học về Dư Thanh cũng thấy mệt lả người.
Nhưng cô vẫn đến thư viện, tới khuya mới vừa nghe nhạc vừa đi dọc theo sân trường về ký túc xá, hàng cây hai bên rung rinh trong gió cực kỳ giống với phố xá thăm thẳm ở thôn Tiểu Lương.
Ký túc xá cũng thỉnh thoảng yên tĩnh, thỉnh thoảng ồn ào.
Mỗi tối chủ nhật, cuộc gọi từ Lục Nhã sẽ đến đúng giờ hơn cả đồng hồ báo thức.
Dù đã thắng một trận nhưng Dư Thanh cũng không dám lơ là, vẫn ngoan ngoãn nghe dạy bảo, nói hết chuyện học thì nói chuyện cuộc sống, khai báo cặn kẽ từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ.
“Mẹ cậu nghiêm khắc với cậu quá.” Một tối nọ, Trần Thiên Dương nói sau khi cô cúp máy, “Ba tháng cũng chưa thấy bố mẹ mình gọi cho mình lấy một cuộc.”
Dư Thanh đã quen với chuyện đó, nói: “Mẹ cậu tốt thật.”
“Cậu nên tìm thời gian tâm sự với mẹ cậu đi.” Một cô bạn khác thò đầu sang, “Thế này mất tự do quá.”
“Tâm sự” là một đề nghị không tệ, nhưng biết bao năm mấy năm qua cũng đã sống thế này đấy thôi.
Hiếm khi Lục Nhã bại trận nên cũng coi như cô được hời, nhưng điều đó không có nghĩa là mặc cho chim bay lên trời cao.
Giống như khi cô chọn nghệ thuật kiến trúc.
Lục Nhã nói: “Con không nghe mẹ thì sau này đừng hối hận.”
Mỗi khi nhớ lại câu này, Dư Thanh luôn cảm thấy rất phức tạp.
Cô không hiểu vì sao phải thấy hối hận khi làm chuyện mình thích, giống như khi cô cố chấp muốn đến Bắc Kinh.
Nhẩm tính ngày tháng, chỉ cần không nhớ thì thời gian sẽ trôi qua rất nhanh.
Cuối học kỳ một năm hai, cô về thôn Tiểu Lương, giờ xe lửa khởi hành là 10 giờ 40 phút tối, lúc đó Dư Thanh ngồi ở vị trí kế cửa sổ.
Năm phút trước khi đi, một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi đến ngồi đối diện, mặc bộ đồ vải bố rộng thùng thình, để râu quai nón, lưng đeo đàn guitar.
Đến nửa đêm, cô thức dậy sau khi ngủ một giấc, người đàn ông đó đã nhắm mắt.
Xe lửa kêu xình xịch trên đường ray, màn đêm ngoài cửa sổ và tiếng hít thở đều xung quanh hòa vào nhau vô cùng yên tĩnh.
Cô gái ngồi bên tay trái cô dựa vào chàng trai kế bên mà ngủ, Dư Thanh chầm chậm dời ánh mắt.
Nhìn cây đàn guitar kia, Dư Thanh bật khóc.
Cô rơm rớm nước mắt, khóe môi run rẩy cố không tạo ra tiếng động, nhưng nước mắt vẫn không ngừng lăn dài.
Có lẽ người đàn ông kia bị đánh thức bởi tiếng khóc nức nở của cô, Dư Thanh lau nước mắt, cứ nhìn chằm chằm vào cây đàn.
Đối diện đưa cho cô một gói khăn giấy nhàu nát.
“Cô nhóc.” Râu quai nón nói, “Lau đi.”
Dư Thanh sụt sịt mũi, đôi mắt đau nhói, gật đầu lầm bầm nói tiếng “Cảm ơn”.
Cô cúi đầu dựa vào cửa sổ, không nói câu nào nữa, nước mắt chảy xuống thì giơ tay gạt đi.
Một lát sau, lại bật khóc khe khẽ, trong lòng thấy cực kỳ tủi thân cực kỳ khó chịu.
Bầu trời sáng dần, xe lửa đã đến Dương Thành.
Lúc đó đôi mắt cô vẫn ươn ướt, thi thoảng rơi xuống một giọt.
Cô đứng dậy khỏi chỗ ngồi, trước khi đi ra ngoài, cô cúi đầu cảm ơn người đàn ông đó.
Người đó đứng lên phất tay, rồi đưa cho cô tờ khăn giấy cuối cùng.
“Đừng khóc nữa, đừng khóc nữa nhé.” Râu quai nón nói.
Nghe câu nói nhẹ nhàng bâng quơ đó, trong lòng lại thấy chua xót, cô cố nén nước mắt, nói tạm biệt rồi xuống xe.
Bên ngoài nhà ga có taxi đi đến thôn Tiểu Lương, vừa đến cửa nhà bà ngoại đã nghe thấy tiếng cãi vã thường ngày của ông bà cụ trong bếp.
Chợt cảm thấy hơi thở cuộc sống đã quay về.
Tối đó bà ngoại làm một bàn thức ăn, rửa một rổ trái cây, đài CCTV-11 đang chiếu một vở tiểu phẩm, lại là câu “Tôi nhớ mọi người muốn chết” của Phùng Củng, Quách Đông Lâm gõ phách nói về bánh bao “cẩu bất lý” của Thiên Tân[1].
“Về với Dương Dương hả con?” Bà ngoại vừa kéo đế giày vừa hỏi.
“Con về một mình.” Dư Thanh nói, “Năm nay nó không về.”
Trong ấn tượng của cô, Phương Dương là một cô gái ngày nào cũng sống trong biển đề và tương lai.
Qua được CET cấp bốn thì đăng ký cấp sáu, sau đó phải đi làm việc bán thời gian, chuẩn bị rất nhiều chứng chỉ, cộng thêm thi nghiên cứu sinh, thực sự là sức sống tràn trề, gần như không nghỉ ngơi một giây nào.
“Hôm qua bố con gọi nói ngày mốt về đây.” Bà ngoại nói.
“Bố con?” Dư Thanh hỏi, “Bố bận lắm mà.”
“Bận cỡ nào cũng phải có thời gian.” Bà ngoại đặt đế giày sang một bên, lấy con dao nhỏ bắt đầu gọt cam, “Có gì quan trọng hơn cháu gái bà chứ.”
Ông ngoại nghe thấy thì bật cười, Dư Thanh cũng không giấu được nụ cười.
Thật ra sau đó vì tạm thời có việc không về được nên Dư Tằng đã gọi điện xin lỗi bà ngoại, còn đích thân nhờ người đến thăm hỏi và tặng quà tết.
Dư Thanh đã đoán trước được sẽ thế này, chỉ là không ngờ người mà Dư Tằng nhờ lại là Trương Ngụy Nhiên, học sinh của bố.
Cử chỉ và cách ăn nói của người đàn ông hai mươi bảy tuổi này rất được lòng người khác.
Dư Thanh không có chút hứng thú nói chuyện, anh cũng không bận tâm, thay vào đó lại trò chuyện rất thoải mái với ông ngoại.
Cô nhân cơ hội chạy ra đường đi dạo, chưa đến cuối năm mà hàng quán trên trấn đã đóng cửa gần hết, còn mở cũng chỉ là vài quán ăn nhỏ.
Chân cẳng không nghe lời mà vòng đến chợ.
Hôm đó Thẩm Tú không bán, lúc Dư Thanh đi đến trước cửa, Lương Vũ mới từ trong nhà ra.
Vừa thấy cô, cô bé sững sờ, sau đó gọi “Chị Dư Thanh”, nhưng như sợ cô hỏi gì đó nên nói có việc rồi vội vã bỏ chạy.
Cô nhìn thoáng qua trong nhà, cuối cùng vẫn không vào.
Nhớ lại những ngày sau khi về không có được tin tức của anh, gọi cho anh cũng không ai nghe, lúc đó giận đến mức nói có chết cũng không thèm để ý đến anh nữa, nhưng lòng vẫn lo như lửa đốt.
Rồi sau vài lần liên tục tới tìm Trần Bì khi kỳ thi đại học kết thúc, thấy cậu cứ ấp a ấp úng, lúc đó cô mới mơ hồ đoán được đã có chuyện không hay.
Thị trấn rộng lớn thế này, có gió nào không lùa vào được.
Sau này khi biết anh phạm tội, Dư Thanh rất kinh hãi, chỉ nhớ được phải ngồi tù hai năm.
Khoảng thời gian đó, ngày nào cô cũng phải đánh du kích bằng miệng với Lục Nhã, sau cùng thực sự mệt đến mức không muốn dằn vặt mình nữa, cứ luôn có cảm giác anh sẽ đột ngột quay lại rồi xuất hiện trước mặt mình.
Ngoài miệng bướng bỉnh là thế, nhưng vẫn khăng khăng đòi đến Bắc Kinh.
Cô xoay người lại đi về nhà, mới đi được vài bước, chợt có cảm giác đằng sau có người bước vào nhà Thẩm Tú, trông bóng dáng đó cô đơn nặng trĩu.
Dư Thanh vô thức quay lại đi theo vào nhà, chưa đi đến cửa nhà đã nghe thấy tiếng nói chuyện bên trong.
“Cầm tiền về đi.” Thẩm Tú lạnh lùng nói.
“Đây là tiền năm nay con đi làm kiếm được, tuy không nhiều nhưng cũng là chút tấm lòng của con.” Hứa Kính nói, “Dì cứ nhận đi ạ.”
“Lương Tự không tính toán không có nghĩa là người làm mẹ đây cũng vậy.” Thẩm Tú nhắm mắt, “Cả đời nó bị cô hủy hoại rồi, cô còn tới làm gì, cầm tiền của cô đi nhanh đi.” Thẩm Tú hít sâu một hơi, “Đừng để tôi lấy chổi đánh cô.”
“Dì…..”
Dư Thanh bình tĩnh nghe người bên trong nói trong nước mắt.
“Con nghe bố con nói cậu ấy ở trong đó có biểu hiện rất tốt, có lẽ sẽ được ra sớm thôi.” Hứa Kính nói, “Tới lúc đó con sẽ trả lại hết những gì con nợ cậu ấy.”
Dư Thanh nhớ tới cuộc gọi cuối cùng anh gọi cho mình.
Chiều hôm đó, cô không hỏi ai cũng không nói gì, một mình đi thẳng đến trường cấp ba của thôn, trên con đường dài chỉ có cây cối trơ trụi và chim neo đậu trên cành.
Biết bao nhiêu đêm sau khi hết tiết tự học buổi tối, anh đạp xe chở cô về nhà, đôi khi còn kể mấy câu chuyện cười bậy trên đường về.
Anh dạy cô búng tay, dạy cô chơi game, còn hát cho cô nghe.
Dư Thanh đi đến tầng hầm của trường, nhưng có lẽ đã đổi bảo vệ nên cửa bị khóa từ bên ngoài.
Cô ngồi ở bậc thềm cuối cùng, cứ ngơ ngác ngồi đó, như thể vẫn như trước đây, chỉ cần cô mở cửa ra là anh sẽ ngừng đàn hát.
Tối đó về nhà, Trương Ngụy Nhiên đã đi.
Ông bà ngoại vẫn đang khen chàng trai trẻ tuổi này rất giỏi giang, chỉ hơn Dư Thanh vài tuổi thôi.
Dư Thanh về phòng mình đóng cửa lại, vùi đầu vào chăn ngủ.
Nửa đêm, cửa sổ lốm đốm giọt nước vì tuyết tan.
Đã hai đêm giao thừa liên tiếp không có “lì xì”.
Dư Thanh chỉ ở thôn Tiểu Lương đến mồng bốn đã về trường, ký túc xá vẫn chưa mở cửa, cô đến nhà thuê của Phương Dương ở vài hôm.
Tối đó đi làm về, Phương Dương nấu một bữa ngon lành cho cô, hai cô gái vừa ngắm pháo hoa bên ngoài vừa nghĩ về chuyện riêng của bản thân.
“Sao không ở thêm mấy ngày.” Phương Dương nói, “Tao muốn về mà không có thời gian đây này.”
Dư Thanh ngắm Bắc Kinh trong đêm: “Nhớ mày đó.”
“…” Phương Dương cười cười, rồi nhìn ra ngoài cửa sổ, im lặng một lúc mới nói, “Tao có chuyện này muốn nói mày biết.”
Dư Thanh: “Gì thế?”
Cô vẫn nhìn chằm chằm bên ngoài không quay đầu lại, Phương Dương lưỡng lự hồi lâu vẫn không nói ra được.
Dư Thanh nghiêng đầu sang, ánh mắt dò hỏi, Phương Dương nhìn bạn mình một lúc lâu mới lên tiếng.
“Mấy hôm trước nói chuyện điện thoại với mẹ, nghe mẹ tao nói…” Phương Dương dừng lại một lúc, “Lương Tự——”
Dư Thanh ngắt nửa lời còn lại: “Tao biết.”
Thấy Phương Dương ngạc nhiên, Dư Thanh chỉ cười, lại nhìn ra ngoài cửa sổ.
Pháo hoa đằng xa vừa biến mất lại bùng lên, Phương Dương không nhịn được hỏi cô: “Vậy mày không đi——”
“Chắc chắn anh ấy không thích người khác đi tìm mình.” Dư Thanh chớp mắt, nói một cách bình thản và kiên định, “Tao chờ anh ấy.”
Sau này cô nghĩ có lẽ cuộc sống là thế, mặt trời mọc đằng đông lặn đằng tây, sáng thức dậy đi rửa mặt rồi ra sân chơi với chó mèo, trên trời có thể rơi xuống miếng bánh hoặc cũng có thể là phân chim.
Cả đời lâu dài và xa xôi biết bao, phải trải qua vài chuyện mới hiểu được đời người vừa dài vừa gian nan.
Kết thúc năm học đó, Dư Thanh cắt tóc ngắn.
Có vẻ như trong ký túc xá đang thịnh hành trào lưu mang giày cao gót, ngoài cô thì ai cũng bắt chước Trần Thiên Dương mỗi người mua một đôi.
Dư Thanh không thích cũng không quen mang, kiên trì với áo thun quần jean và giày canvas của mình.
Một ngày nọ, cô đang dọn dẹp phòng ốc.
Có lẽ bị Phương Dương ảnh hưởng, Dư Thanh đã tự tìm được công việc thực tập ở một công ty kiến trúc, trong hôm đó phải đến công ty điểm danh.
Cửa phòng đột ngột bị đẩy ra, Trần Thiên Dương khóc sướt mướt chạy vào.
Cô quan tâm hỏi sao thế.
“Hồi đó phụ nữ giành bồ với mình thì thôi đi.” Trần Thiên Dương khóc lóc, bực bội kể ra, “Bây giờ đàn ông cũng giành với mình.”
Dư Thanh: “…”
Trong ký túc xá có rất nhiều chuyện thú vị, mỗi ngày Dư Thanh nghe thấy, cảm thấy ngày tháng trôi qua quá nhanh.
Trong hai tháng thực tập, ngày nào cô cũng theo đàn anh đàn chị đến công trường, đến tối bắt chuyến xe cuối cùng về.
Không nhiều sinh viên ở lại trường lắm, ban đêm yên tĩnh như núi rừng hoang.
Nhưng có một lần, cô gặp Hứa Kính trên xe buýt.
Dư Thanh do dự không biết có nên đến chào hỏi không, nhưng Hứa Kính đã xuống xe khi xe vừa dừng lại.
Cô nhìn ra ngoài cửa kính, bóng dáng gầy guộc đó đi thẳng vào một lớp học buổi tối nào đó.
Lúc đó cô không mấy sẵn lòng muốn biết kỹ hơn chuyện giữa họ, chỉ nghĩ một cách đơn giản rằng chắc Lương Tự cũng sắp ra rồi..