Bạn đang đọc Độc Thủ Phật Tâm (Ma Chưởng Ân Cừu) – Chương 57: Giả Thượng Sứ Ðiều Tra Ngũ Phương Giáo
Ðiếm tiểu nhị lấy nước rồi thu bát đĩa đem ra.
Từ Văn ở trong phòng bước lui rồi lại bước tới. Không hiểu chàng nghĩ được diệu kế gì mà chàng lộ vẻ vui mừng.
Chàng lẩm bẩm:
-Bất luận đối phương là ai nhưng thế nào rồi họ cũng xuất hiện để kiếm ta.
Bỗng một tên tiểu nhị khác bưng một hồ trà lên. Tiếp theo tên tiểu nhị đi mua quạt cũng về đến. Gã hớn hở tươi cười đua cho chàng một bó quạt lớn đến bảy tám chiếc.
Từ Văn nói:
-Ta coi chừng chú cũng hiểu việc lắm. Vậy khi nào có việc gì ta sẽ gọi vào.
Gã tiểu nhị “dạ dạ” hai tiếng rồi lui ra khỏi phòng.
Từ Văn cầm quạt lên mở ra xem, chàng dùng khăn tay ướt quét đi một lượt rồi đưa quạt sang phòng bên cạnh áp quạt vào vết mai hoa bằng phấn in trên vách. Chàng về phòng chờ cho chiếc quạt khô rồi mới gấp lại cầm tay. Ðoạn chàng đóng cửa phòng đi ra ngoài.
Yển Sư là một thành thị lớn cực kỳ phồn hoa. Lúc nầy vào khoảng canh hai. Chợ đêm mới mở, náo nhiệt phi thường.
Từ Văn cầm cái quạt có in hình cái hoa mai hướng ra ngoài. Chàng khẽ phe phẩy cây quạt như một chàng thư sinh nhàn hạ đi chơi rồi chàng thuận bước lên xe hoặc đi bộ lần vào những chỗ đông người.
Quả nhiên những bạn hữu võ lâm thấy dấu hoa mai đều cả kinh thất sắc tìm đường lẫn trốn.
Từ Văn vẫn lờ đi như không có chuyện gì. Chàng đi dạo phố một lúc rồi trèo lên một tòa trà lầu lớn.
Chàng vừa uống trà vừa phe phẩy cây quạt.
Chỉ trong khoảnh khắc những khách uống trà đã bỏ đi đến quá nửa.
Từ Văn kiên tâm chờ đợi vẫn ngồi nguyên chỗ. Sau chàng phát hiện ra một lão già mặc áo đen và một hán tử cũng mặc áo đen vừa ngồi uống trà, sắc mặt đã lộ vẻ kinh ngạc, nhỏ to thì thầm, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn qua cái quạt.
Từ Văn trong bụng mừng thầm, cất tiếng ngâm:
Lạc Dương phỏng tài tử,
Giang lĩng tác lưu nhân.
Văn thuyết mai hoa tảo,
Hà như thử địa xuân!
Bài thơ này đã không hợp cảnh lại không sát đề, như người ngẩu hứng mà cất tiếng ngâm chơi. Không ngờ lão áo đen đột nhiên biến sắc rồi đứng dậy tiến lên hỏi:
-Lão phu muốn ngồi với các hạ được không?
Từ Văn xòe tay đáp:
-Sao lại không được?
Lão già ngồi xuống, thỉnh thoảng lại nhìn trộm Từ Văn bằng cập mắt kinh nghi, hạ rất thấp giọng xuống hỏi:
-Phải chăng các hạ là Tổng Ðàn sứ giả?
Từ Văn chấn động tâm thần nghĩ bụng:
-Chẳng lẽ mình ngâm bốn câu thơ mà đụng chạm đến lão. Không khéo thì mèo mù đụng phải chuột già. Xem chừng ký hiệu mai hoa là một tiêu chi của một bang hội trên chốn giang hồ.
Chàng làm mặt nghiêm nghị miệng hàm hồ đáp:
-Dạ!
Lão áo đen sợ hãi nói:
-Ti chức đây là hương chủ Triệu Vi Công dưới trướng đệ nhị phân đàn. Không hiểu thượng sứ giá lâm. Xin tha thứ cho tội thất nghinh.
Lão nói xong đứng lên.
Từ Văn nói:
-Hương chủ cứ ngồi xuống đây!
Triệu Vi Công nói:
-Ti chức đâu dám…
Từ Văn ngắt lời:
-Ta bảo hương chủ ngồi xuống thì cứ việc mà ngồi.
Triệu Vi Công khúm núm đáp:
-Như vậy thì ti chức…phạm tội tiếm việt.
Từ Văn xoay chuyển ý nghĩ. Chàng tự nhủ:
-Xem chừng đối phương tưởng mình là Tổng Ðàn sứ giả. Vậy chắc sứ giả trong tổ chức nầy địa vị rất cao sang, nên một tay hương chủ Phân Ðàn không dám đồng tọa. Có điều tổ chức của họ thế nào mình làm cách nào hỏi ra chân tình. Nếu bất cẩn một chút là bị lòi đuôi. Mặt khác còn người cùng phe với hắn mà nhận ra chân tướng mình thì cũng nguy to.
Hương chủ Triệu Vi Công đã mấy lần toan mở miệng nhưng rồi lại không dám.
Từ Văn đã nhìn thấy rõ, chàng định bụng:
-Chi bằng ta lợi dụng nhược điểm của hắn may có thể hỏi ra được chút manh mối nào chăng?
Nghĩ vậy, chàng hỏi thử:
-Triệu hương chủ có rảnh việc chăng?
Triệu Vi Công biến sắc lễ phép đáp:
-Không dám! Ti chức phụ trách công việc dọ thám tại đây.
Từ Văn nói:
-Ủa! Trách nhiệm của hương chủ khá trọng đại đấy! Quý hương chủ phải cẩn thận lắm mới được.
Triệu Vi Công nói:
-Dạ dạ! Ða tạ thượng sứ có dạ tài bồi.
Từ Văn không biết dùng biện phátp nào để đưa hắn vào tròng để dò cho ra sự thực. Chàng liền đánh bạo hỏi:
-Về việc liên quan đến phụ nữ trong khách sạn Bình An…
Chàng nói nữa câu rồi dừng lại để nghe tình hình phản ứng của đối phương.
Quả nhiên lão áo đen lộ vẻ nghi ngờ, úp mỡ hỏi lại:
-Chẳng lẽ thượng sử lại không biết…
Từ Văn biết mình đã lộ tẫy, vội nỡ một nụ cười hững hờ nói:
-Ðây là chuyện phiếm mà thôi. Nhưng vì…
Nhưng vì làm sao chàng không nói rõ. Mục đích của chàng là để quấy rối luồng tư tưởng của đối phương, nên chàng cố ý kéo dài câu chuyện.
Triệu Vi Công dĩ nhiên không dám thúc bách liền đỗi giọng hỏi:
-Thượng sứ đã gặp Phân đàn chúa chưa?
Từ Văn hàm hồ đáp:
-Hừ! Chưa đâu! Ta không chuẩn bị gặp y nhân vì còn có nhiệm vụ khác.
Hương chủ Triệu Vi Công nói:
-Ủa! Thượng sứ có cho phép Ti chức được báo cáo về Phân đàn chúa không để đại giá thượng sử đi tới đâu tiện việc có người đón tiếp…
Từ Văn gạt đi:
-Cái đó…Không cần đâu.
Triệu Vi Công lại hỏi:
-Thượng sứ kia cùng hai vị vâng mệnh áp giải thiếu nữ đó không phải một đường ư?
Từ Văn mừng thầm. Vì chàng đã đụng được tới chủ đề. Chàng liền làm ra vẻ thần bí nói:
-Dĩ nhiên là một phe. Nhưng ta có nhiệm vụ riêng, nhân vì…
Chàng nhắc lại hai chữ nhân vì mà câu trước chàng vẫn chưa nói hết, song nó có ngụ ý nhân vì “về phương diện Tổng Ðàn phát giác có người báo cáo nên ta phụng mệnh ngấm ngầm đi giám sát.”
Câu nói dối nầy của chàng thật đúng chổ. Lão áo đen tin hẵn không còn nghi ngờ gì nữa. Lão ngập ngừng hỏi:
-Không biết ai mà dám…
Từ Văn nói bằng một giọng nghiêm trang:
-Ðịa Ngục thư sinh!
Triệu Vi Công kinh hãi hỏi:
-Về Ðịa Ngục thư sinh thì ti chức đã nghe nói hắn bị chết ở dưới chân núi Ðồng Bách rồi kia mà.
Từ Văn nghiến răng đáp:
-Ai nói vậy? Ðịa Ngục thư sinh há phải là một nhân vật chết dễ thế? Ngôi mộ đó cũng là mộ giả.
Cặp mắt Triệu Vi Công lồi ra như hai quả trứng gà. Hắn nghe Từ Văn nói rồi khiếp sợ đến chấn động tâm thần. Hồi lâu hắn mới nói:
-Việc nầy không phải tầm thường. Ti chức là tai mắt nơi đây. Vụ này…
Từ Văn ngắt lời:
-Vụ này không thể tiết lộ với ai được.
Triệu Vi Công đáp:
-Dạ dạ!
Từ Văn nói:
-Vì thế! Chà chà! Ta gặp hương chủ may biết chừng nào! Hương chủ đem cách hành động cùng kế hoạch đêm đó nói cho ta hay để ta khỏi mất thì giờ thám sát.
Triệu Vi Công đưa mắt nhìn hai bên không thấy ai chú ý, hắn liền giỡ giọng tấn công:
-Việc nầy chính giáo chủ thân hành ra tay…
Từ Văn hơi biến sắc. Chàng tự hỏi:
-Giáo chủ ư? Giáo chủ giáo phái nào? Chẳng lẽ lại là Mai Hoa giáo? Thế thì Tam Chỉ mổ mổ đúng là chết về tay giáo chủ của đối phưong rồi không còn nghi ngờ gì nữa…
Chàng thấy đối phương đừng lại không nói nữa thì biết là mình có chỗ sơ hở, vội nghiêm sắc mặt giục:
-Hương chủ nói nốt đi.
Triệu Vi Công nói:
-Dạ! Nhân vì lộ trình xa xôi, nên đã tạm áp giải người đó về phân đàn. Vừa rồi đại giá hai vị sứ giả nói là chuẩn bị sáng sớm mai đầu canh năm phải ra khỏi thành này áp giãi về Tổng Ðàn. Phân Ðàn phải chuẩn bị một cổ xe.
Từ Văn nói:
-Ðược lắm.
Miệng chàng ứng đối lòng chàng xoay chuyển ý nghĩ không ngớt. Ðột nhiên chàng nghĩ tới “khách qua đường” rồi tự hỏi:
-Phải chăng giáo chủ chính là người mà “Khách qua đường” vẫn kêu bằng chủ nhân. Thật là một cơ hội rất tốt để điều tra cho ra gốc ngọn không thể bỏ lỡ được.
Chàng hỏi:
-Bây giờ quý hương chủ có việc gì không?
Triệu Vi Công tưởng được đi theo Tổng Ðà sứ giả và vinh dự lắm, liền đáp ngay:
-Ti chức nghe theo lời sai bảo của thượng sứ.
Từ Văn làm bộ trầm ngâm úp mở nói:
-Thực ra cũng không có điều gì quan hệ lắm, nhưng quý hương chủ nhớ mặt. Ta có việc nhỏ phiền hương chủ làm giúp.
Triệu Vi Công vội ngắt lời:
-Không dám! Thượng sứ muốn sai khiến điều chi xin cứ nói.
Từ Văn chõ miệng về phía hán tử ngồi cùng bàn với Triệu Vi Công khẽ hỏi:
-Vị kia là ai?
Triệu Vi Công đáp:
-Ủa! Y là một tên đầu mục thủ hạ của ti chức.
Từ Văn nói:
-Hay lắm! Hai vị cũng tơí ngoài thành…
Triệu Vị Công đáp:
-Có phải ra cửa Nam không?
Từ Văn đáp:
-Phải rồi! Bản sứ giả đi trước một bước.
Chàng nói xong thò tay toan lấy tiền để trã…
Triệu Vi Công ngăn lại nói:
-Ðại giá thượng sứ qua đây, ti chức phải mời trà…Hà hà! Ðể ti chức lãnh trách nhiệm cho.
Từ Văn nói:
-Ðược lắm! Ðừng có chần chờ nghe. Phải tới nơi ngay. Vụ này không thể để người khác biết được.
Triệu Vi Công nói:
-Dạ! Xin mời thượng sứ!
Từ Văn rời khỏi trà lầu đi ra cửa Nam. Trong mình chàng không có vật gì, không cần trở lại khách điếm. Chíng ra chàng có thể hỏi ngay Phân Ðàn ở đâu, nhưng hỏi nhiều sợ lộ hình tích khó lòng giữ cho hết mọi người không nhận biết mình. Nếu sứ giả đia lại là một nhân vật như “Khách qua đường” mà vì việc cứu Thiên Ðài Ma Cơ chàng phải động thủ thì còn gì hay bằng?
Từ Văn vừa ra tới đường phố chính thì gặp một lão khất cái chột mắt thủng thỉnh bước tơí, cất tiếng hỏi:
-Ô kia! Tôn giá đấy ư?
Tiếng “ô kia” của lão ra vẻ kinh ngạc. Rồi lão đứng ngang đường không nhúc nhích nữa.
Từ Văn ngạc nhiên vì lão này lạ mặt chàng chưa gặp qua bao giờ.
Từ Văn hỏi lại:
-Các hạ có ý muốn gì?
Lão cái toét miệng ra cười hỏi:
-Hiền đệ! Hiền đệ không nhận ra được thanh âm của tiểu huynh ư?
Từ Văn chấn động tâm thần, chàng không ngờ lại gặp Thiếm Ðiện Khách Hoàng Minh, môn hạ của Diệu Thủ tiên sinh. Thật là thầy nào trò ấy. Cách hóa trang quỉ quái của gã thật khiến cho người ta phải phục sát đất.
Hoàng Minh lại hỏi:
-Hiền đệ vẫn mạnh chứ? Nửa năm nay tiểu huynh đi kiếm hiền đệ muốn gãy chân…
Từ Văn chắp tay đáp:
-Tiểu đệ xin bồi tội.
Hoàng Minh nói:
-Gia sư sắp huy động mười mấy vị môn hạ lại mượn sức cả nhân vật Cái Bang đi nghe ngóng tin tức hiền đệ mà chẳng biết lạc lõng nơi đâu. Xem chừng hiền đệ có thời giờ rảnh rang nên bỏ đi đâu đến nửa năm trời.
Từ Văn nói:
-Ðại ca! Hiện giờ có một việc rất cần thiết phải đình hoãn mọi chuyện được chăng?
Lão ăn mày đứng nói chuyện với một chàng thư sinh phong lưu khiến cho người ngoài đường phố hiếu kỳ vây quanh lại.
Hoàng Minh biết chừng liền khẽ giục:
-Hiền đệ đi trước đi!
Hắn nói xong cầm cây “đả cẩu bỗng” lên tập tểnh bước đi.
Từ Văn đi rất mau theo đường tắt ra cửa Nam. Chàng tránh đường quan lộ, đi tới một gò đất.
Lúc này đã gần tới canh ba. Trong thành còn nhiệt náo, nhưng ngoài thành đã vắng tanh.
Từ Văn vừa dừng bước Hoàng Minh đã theo đến nơi, thật không hổ với ngoại hiệu Thiểm Ðiện Khách. Nhưng đối với con mắt Từ Văn đã tu luyện võ công thượng thặng của Vạn Ðộc môn thì chàng không coi vào đâu nữa.
Hoàng Minh vừa lên gò đất lại hỏi ngay:
-Hiền đệ có việc chi vậy?
Từ Văn đáp:
-Tiểu đệ chờ một người.
Hoàng Minh lại hỏi:
-Hiền đệ chờ ai vậy?
Từ Văn đáp:
-Tiểu đệ cũng không hiểu lai lịch đối phương mà chỉ biết hắn là hương chủ một Phân Ðài dưới trướng một giáo phái nào đó.
Hoàng Minh kinh hãi hỏi:
-Có phải giáo phái đó lấy hoa mai làm ký hiệu không?
Từ Văn đáp:
-Ðúng rồi!
Hoàng Minh la lên một tiếng “Ủa” kinh ngạc.
Từ Văn hỏi:
-Sao! Ðại ca biết giáo phái này ư?
Hoàng Minh đáp:
-Ðó là Ngũ phương giáo mới quật khởi trên chốn giang hồ mấy tháng mà đã làm chấn động võ lâm.
Từ Văn hỏi:
-Ngũ Phương giáo ư?
Hoàng Minh đáp:
-Ðúng rồi! Sở dĩ họ lấy tiếng Ngũ Phương giáo tức là có ý muốn thống nhất năm phương Ðông, Tây, Nam, Bắc, Trung.
Từ Văn hỏi:
-Giáo chủ phái nầy là ai?
Hoàng Minh đáp:
-Tiểu huynh cũng không biết, nhưng theo lời đồn thì là người đã mưu mô lấy được “Phật Tâm”
Từ Văn nghe nói tâm thần chấn động. Như vậy đủ chứng minh chàng đoán đã không sai. Chính là người cùng phe với “Khách qua đường”. Chàng hoảng hốt hỏi ngay:
-Lấy chi làm chứng cớ mà bảo Ngũ Phương giáo chủ đã lấy được Phật Tâm.
Hoàng Minh la lên:
-Trời ơi! Hiền đệ không biết ư?
Từ Văn hỏi lại:
-Không biết cái gì?
Hoàng Minh cười ha hả nói:
-Cả võ lâm bị náo động cơ hồ trời run đất chuyển mà hiền đệ cũng không biết, thế thì nửa năm qua phải chăng hiền đệ đã đi qui ẩn?
Từ Văn đáp:
-Cũng gần như vậy.
Hoàng Minh hỏi:
-Hiền đệ thử nói nghe?
Dĩ nhiên Từ Văn không dám tiết lộ những bí ẩn của Vạn Ðộc Môn. Chàng hàm hồ đáp:
-Tiểu đệ gặp được kỳ tích rồi lánh đời nửa năm.
Hoàng Minh hỏi:
-Kỳ tích gì?
Từ Văn ngập ngừng đáp:
-Cái đó…Cái đó…
Hoàng Minh nói:
-Nếu hiền đệ có điều khó khăn thì bất tất phải nói ra nữa.
Từ Văn nói:
-Ồ! Trước kia tiểu đệ đã ủy thác cho đại ca chuyển giao vòng tay ngọc cho người ta. Kết quả vụ đó ra sao?
Hoàng Minh gạt đi:
-Thôi không nhắc tới chuyện đó nữa.
Từ Văn hỏi:
-Tại sao vậy?
Hoàng Minh đáp:
-Ngu huynh bị lão Tưởng trách mắng một chập. Lão bảo đó là tín vật để định hôn, khi nào còn trả lại…
Từ Văn nói:
-Thế là tiểu đệ đã làm phiền cho đại ca.
Hoàng Minh lắc đầu nói:
-Câu chuyện nhỏ mọn có chi mà phải để tâm?
Từ Văn lại hỏi:
-Tưởng Minh Châu phản ứng ra sao?
Hoàng Minh đáp:
-Khi ấy nàng định xuống tóc xuất gia làm ni cô, người nhà phải khuyên can mãi.
Từ Văn nghe nói vậy nghĩ thầm:
-Việc cứ thế này thì biết đến bao giờ cho xong?
Hoàng Minh nói:
-Hiền đệ! Tưởng cô nương đã tha thiết với hiền đệ như vậy, hiền đệ không nên phụ lòng nàng.
Từ Văn ngắt lời:
-Ðại ca ơi! Chuyện đó hãy về sao sẽ tính, bây giờ hãy nói việc trước mắt đã. Hoàng huynh bảo võ lâm rung động trời đất. Vụ đó ra sao?
Hoàng Minh thở dài đáp:
-Hởi ôi! Kiếp vận võ lâm tới rồi. Vụ này không còn có cách nào tránh khỏi nữa.
Từ Văn gạn hỏi:
-Nhưng vụ đó ra sao? Hoàng huynh có thể nói rõ cho tiểu đệ hay được không?
Hoàng Minh đáp:
-Ba tháng trước trên chốn giang hồ liên tiếp xảy ra án mạng. Những người bị chết uổng toàn là những kẻ sĩ nổi tiếng. Vụ nào cũng có dấu hiệu hoa mai. Sau đó ít lâu mọc ra Ngũ Phương giáo đồn đãi khắp giang hồ.
Từ Văn kinh hãi la lên:
-Úi chao!
Hoàng Minh kể tiếp:
-Ðầu tiên bang Thần Ưng bị thôn tích và đổi làm Ðệ Tam Phân Ðàn của Ngũ Phương giáo. Tiếp theo Ngũ Lôi Cung cũng đổi làm đệ nhất Phân Ðàn của Ngũ Phương giáo. Ngoài ra còn Nhất Kiếm hội Hồng Anh Bang…đều bị thôn tính.
Từ Văn nói xen vào:
-Hùng tâm của bọn này không phải nhỏ?
Hoàng Minh nói tiếp:
-Hừ! Tưởng Phủ ở Khai Phong cũng gặp kiếp nạn nhưng cha con nàng may thoát được.
Từ Văn chấn động tâm thần hỏi:
-Rồi sau sao nữa?
Hoàng Minh đáp:
-Tổng Ðàn Hội Vệ Ðạo bị tấn công, hàng trăm đệ tử hội này bị tử thương. Vô Tình Tẩu cùng Thái Y La Sát bị chết ngay giữa chiến trường. Thống Thiền hòa thượng bị tử thương, may có bà vợ Vệ Ðáo Hội Chủ kịp tới nơi ra sức chiến đấu với Ngũ Phương giáo chủ, hội này mới thoát khỏi ách diệt vong. Nhưng sớm muộn gì bọn Ngũ Phương giáo cũng trở lại khiêu chiến.
Từ Văn nghe Hoàng Minh kể mà kinh tâm động phách. Những nhân vật không phải tầm thường như Vô Tình Tẩu và Thái Y La Sát cũng không giữ nổi tính mạng. Vậy thì bản lãnh Ngũ Phương giáo chủ thật đáng ghê sợ.
May mà Vệ Ðạo Hội Chủ cùng Thống Thiền hòa thượng chưa chết, nếu không thì mối thù này biết trả vào đâu.
Hoàng Minh lại nói:
-Hiện giờ chỉ còn Cái Bang và mấy môn phái lớn là chưa bị Ngũ Phương giáo hạ độc thủ.
Từ Văn trấn tỉnh tâm thần hỏi:
-Ðại ca có biết vụ Tam Chỉ mổ mổ đã bị độc hại chưa?
Hoàng Minh đáp:
-Tiểu huynh mới nghe đồn chứ chưa biết rõ.
Từ Văn lại đáp:
-Thiên Ðài Ma Cơ bị cướp.
Hoàng Minh ngắt lời:
-Vụ này hiền đệ tính sao?
Từ Văn đáp:
-Tiểu đệ nhất định cứu nàng.
Hoàng Minh nói:
-Tiểu huynh e rằng khó đấy!
Từ Văn nói bằng một giọng cương quyết:
-Bất cứ bằng một giá nào, tiểu đệ cũng nhất định phải cứu nàng.
Hoàng Minh hỏi:
-Hiện giờ y ở đâu?
Từ Văn đáp:
-Chính hiện giờ tiểu đệ đến đây để chờ người đã ước hội và có liên quan đến vụ đó. Ðại ca có biết Phân Ðàn Sư Yển của Ngũ Phương giáo ở đâu không?
Hoàng Minh đáp:
-Cái đó tiểu huynh cũng chưa rỏ, nhưng có biện pháp điều tra được.
Từ Văn vội ngắt lời:
-Ô! Có người tới đó.
Hoàng Minh hỏi:
-Có phải gã hương chủ mà tiểu đệ vừa nói không?
Từ Văn nhìn về phía trước rồi đáp:
-Họ đến hai người. Ðúng rồi! Ðại ca đừng nói gì nhé! Ðể tiểu đệ đối phó với chúng.
Hoàng Minh đáp:
-Ðược rồi!
Hai bóng người chạy như bay tới nơi. Xem chừng thân thủ bọn này cũng vào hạng khá.
Chúng vừa tới trên gò, hương chủ Triệu Vi Công đã cất tiếng hỏi:
-Có phải thượng sứ đó chăng?
Từ Văn đáp:
-Phải rồi! Mời quý hương chủ lên đây!
Hai bóng người chạy lên gò đấ, họ thấy Hoàng Minh cũng ở đó thì không khỏi sửng sốt. Từ Văn khoát tay đàng hoàng giới thiệu:
-Ðây cũng là người nhà, hương chủ bất tất phải úy kỵ.
Triệu Vi Công cùng tên thủ hạ quay về phía Từ Văn cung kính thi lễ. Chúng lộ vẻ sợ hải đưa mắt nhìn Hoàng Minh. Gã cải trang làm một lão cái chột mắt. Nhưng sau hương chủ Triệu Vi Công cung kính cất tiếng:
-Thượng sứ có điều chi sai kiến, xin truyền lệnh cho.