Bạn đang đọc Độc Chiếm Hoa Khôi: Chương 16: Mười Lăm Quan Tiền
Thời Nam Tống, ở huyện Lâm An có một người tên gọi Lưu Quý, tự Quân Tiến. Nhà họ Lưu, các đời trước rất có căn cơ, nhưng đến đời Lưu Quý thì thời vận không còn nữa.
Lưu Quý có vợ là Vương Thị và một người thiếp là Trần Thị. Trần Thị là con gái của Trần Mại Cao, trong nhà đều gọi nàng là chị Hai.
Một hôm, nhạc phụ của Lưu Quý là Vương Viên ngoại làm sinh nhật, Lưu Quý bèn cùng Vương Thị tới chúc thọ, lúc đi dặn dò chị Hai phải trông coi nhà cửa cho kỹ. Xong bữa sinh nhật, Vương Viên ngoại lấy ra mười lăm quan tiền cho Lưu Quý để làm vốn mở cửa hàng. Lưu Quý bèn đem số tiền đó về nhà trước, Vương Thị đợi chồng mở cửa hàng xong sẽ về sau.
Trên đường về nhà, Lưu Quý có uống chút rượu. Lúc anh ta loáng choáng say về đến nơi, ra sức gõ cửa mấy cái. Chị Hai đang ngủ gật nên chậm mở cửa, thấy Lưu Quý khoác một túi tiền, bèn hỏi: “Tiền ở đâu thế?”
Lưu Quý đang say rượu, lại bực bội vì chị Hai mở cửa chậm, nên cố ý nói: “Ta cầm nàng ột khách lấy mười lăm quan tiền. Sau này ta kiếm được tiền sẽ chuộc nàng về, nếu không kiếm được thì thôi”.
Nói xong anh ta cởi áo lên giường ngủ. Chị Hai trong lòng lo lắng, không biết anh ta cầm mình cho người như thế nào. Nàng ta định về ở nhà mẹ mấy ngày đã rồi sau sẽ tính. Nghĩ vậy, bèn thu xếp lấy một bọc để đem đi.
Chị Hai ra khỏi nhà chưa lâu thì có một tên kẻ cắp đi qua chỗ đó, thấy mở cửa, hắn bèn lẻn vào. Nhìn thấy dưới chân Lưu Quý có một đống tiền, hắn bèn nhặt lấy mấy quan. Lưu Quý biết được, kêu toáng lên. Tên này cuống quýt bèn giơ cây rìu bổ xuống một nhát, Lưu Quý vật ngã xuống, không biết gì nữa. Tên trộm lại bổ thêm một nhát nữa rồi lấy hết tiền mang đi.
Ngày hôm sau, hàng xóm phát hiện xác của Lưu Quý, vô cùng kinh ngạc. Chu Tam Lão nói: “Tối qua cô Hai tá túc ở nhà tôi, nói là ông Lưu đem cầm cô ta rồi. Bây giờ thì cô ta đang trên đường về nhà mẹ đấy”. Mọi người bèn bàn bạc: một là truy bắt cô ta về, hai là mau báo tin xấu này cho Vương Viên Ngoại và Vương Thị.
Lại nói Trần Thị ra đi từ sáng sớm, chưa được hai dặm đường đã đau chân quá không đi nổi, đành ngồi xuống bên đường nghỉ. Lúc đó, có một gã trẻ tuổi lưng khoác tay nải, từ đằng sau đi tới, thấy Trần Thị cũng xinh đẹp, gã bèn dừng lại hỏi: “Cô đi đâu đấy, tôi đi cùng cô một đoạn được không?” Trần Thị nói: “Tôi về nhà mẹ tôi ở Chử gia đường”. Gã đó nói: “Hay quá, ta sẽ đi cùng đường, nào đi thôi!” Trần Thị bằng lòng, đi cùng gã ta. Chưa được hai, ba dặm, đằng sau có hai người đuổi tới, một người là Chu Tam Lão. Họ bắt hai người này lại. Trần Thị hỏi: “Các ông làm gì thế?” Chu Tam Lão nói: “Không nói dông dài, mau theo ta quay về, ở nhà có chuyện chết người rồi”. Gã trẻ tuổi kia nói: “Nhà cô có chuyện, vậy thì tôi đi trước vậy”. “Không được, không được, cô ta đi cùng với anh, vậy anh cũng phải đi về cùng”. Gã này đành xem là mình gặp đen đủi, theo họ trở lại.
Về đến nhà, Trần Thị trông thấy Lưu Quý bị chém chết còn nằm dưới đất. Mười lăm quan tiền mất sạch. Lúc này, Vương Viên ngoại và Vương Thị đã tới. Nhìn thấy Trần Thị, Vương Thị quát lên: “Sao mày lại dã tâm như vậy, mày đã lấy của còn hại người!” Trần Thị phân giải: “Chỉ là Lưu quan nhân nói đã đem tôi cầm đi lấy mười lăm quan tiền, tôi giận quá mới về nhà mẹ. Đêm qua tôi ngủ nhờ ở nhà Chu Tam Lão, tôi có biết gì chuyện Lưu quan nhân bị giết đâu”. Vương Thị nói: “Mày đừng có già mồm! Nhất định là mày ngấm ngầm cấu kết với kẻ xấu, lấy hết tiền rồi trốn đi với nó”. Mọi người đều xôn xao nói đúng quá. Gã trẻ tuổi kia vội kêu oan: “Tiểu nhân tên là Thôi Ninh, không hề quen biết gì cô ta cả, chỉ là gặp nhau trên đường, thấy cô ta có một mình thì đi cùng thôi”.
Mọi người đâu có nghe lời gã nói, bèn giật cái tay nải xuống, tìm thấy bên trong có đúng mười lăm quan tiền.
Ngay lập tức, Vương Thị túm lấy Trần Thị, Vương Viên ngoại túm lấy Thôi Ninh, kéo cả lên phủ Lâm An. Một đám người làm chứng cũng đi theo. Quan Phủ doãn nghe có án giết người bèn lập tức thăng đường.
Quan lơ mơ xử án lơ mơ, Phủ doãn nghe Vương Thị và Vương Viên ngoại cùng mọi người nói năng có lý bèn tin ngay lời họ, lập tức xử Thôi Ninh và cô Hai này tội chết.
Vương Thị về nhà, đặt bàn thờ, bắt đầu cuộc sống thủ tiết với Lưu Quý. Chưa được một năm, Vương Viên ngoại thấy con mình sống một mình cực quá, bèn sai đầy tớ là ông già Vương tới đón về nhà mình.
Hai người đi được nửa đường, bỗng nghe tiếng thét: “Ta là Tĩnh Sơn đại vương đây, ai qua đường đều phải nộp tiền mãi lộ!” Lão Vương giơ luôn đầu húc tới nói: “Tên cường đạo kia, tao sẽ chọi cái mạng già này với mi!” Tên kia tránh được, lão Vương húc hụt, ngã nhào xuống đất. Tên cướp nổi giận, chém liền hai nhát. Vương Thị thấy mình không thoát được, bèn nảy ra một kế, nàng ta vỗ tay reo lên: “Giết đáng lắm!” Tên cướp trợn tròn hai mắt giận dữ: “Lão ta là thế nào với mi?” Vương Thị giả bộ nói: “Thiếp không may bị chết chồng, rồi bị mụ mối đánh lừa, lấy phải lão già này, nay ông giết lão chết, cũng xem như đã trừ được mối hại cho thiếp!”
Tên cướp thấy Vương Thị có vẻ cung kính, người cũng dễ coi, bèn hỏi: “Nàng có bằng lòng làm áp trại phu nhân của ta không?” Vương Thị đành phải bằng lòng.
Tĩnh Sơn đại vương, sau khi lấy được Vương Thị rồi, liên tiếp vớ được mấy món cướp nữa, gia cảnh dần dần khá lên. Vương Thị sớm tối khuyên hắn hãy hành thiện tích đức, sau hắn cũng hồi tâm lại, không đi làm nghề cướp bóc nữa. Hắn thuê một chỗ, mở tiệm bán tạp hóa.
Một hôm, hắn nói với Vương Thị: “Trong đời tôi, tôi đã giết chết hai người. Một người là lão chồng già của nàng, một người là một năm trước đây, tôi đánh bạc thua, mò vào một nhà, giết chết người đó, lấy đi mười lăm quan tiền, về sau còn liên lụy đến người thiếp của anh ta và một anh chàng trẻ tuổi nữa”. Vương Thị nghe nói trong lòng thấy âm thầm đau khổ, thì ra chồng của mình là Lưu Quý đã bị chính tên này giết chết.
Sáng sớm ngày hôm sau, Vương Thị đến phủ Lâm An, đem đầu đuôi câu chuyện trình báo với quan Phủ doãn mới. Quan Phủ doãn mới lập tức cho bắt Tĩnh Sơn đại vương, dùng hình tra khảo, quả nhiên đúng là sự thực như vậy.
Quan Phủ doãn mới bèn phán xử: Tinh Sơn đại vương bị tử hình, án thi hành ngay. Ông quan cũ xử án sai, bị tước chức làm dân thường. Vương Thị bị tên cướp ép buộc lấy hắn, song đã giải oan được cho chồng, sẽ tịch thu tài sản của tên cướp, một nửa sung công, một nửa cho Vương Thị.
Trên pháp trường, Tinh Sơn đại vương bị xử trảm. Vương Thị xách lấy đầu của hắn đem tế chồng, tế Trần Thị và Thôi Ninh. Sau nàng ta đem một nửa gia sản cúng vào am ni cô, còn mình thì sớm tối niệm Phật, tưởng nhớ các vong linh.
Độc chiếm hoa khôi (Tam ngôn)
Thời Nam Tống, ở phía ngoài cửa Thanh Ba thành Lâm An, có một tiệm bán dầu, chủ tiệm là Chu Thập Lão. Ba năm trước, Chu Thập Lão có thuê một người làm công vốn lánh nạn từ Biện Kinh tới đã mấy năm, tên gọi Tần Trọng.
Tần Trọng là người có tài, Chu Thập Lão rất quý, nhận làm con nuôi và đổi tên là Chu Trọng. Chu Thập Lão còn có một người làm công việc kế toán, tên gọi Hình Quyền. Hình Quyền cùng với con hầu gái Lan Hoa dan díu với nhau. Chúng muốn đẩy Chu Trọng đi, nên trước mặt Chu Thập Lão hay nói xấu Chu Trọng. Cuối cùng Chu Thập Lão cũng tin lời và đuổi anh chàng con nuôi này ra khỏi nhà.
Bị đuổi, Chu Trọng bèn thuê một gian phòng ở cạnh cầu Chúng An rồi sắm một gánh dầu đi bán, cuộc sống cũng tạm đủ. Ít lâu sau, chàng ta đổi lại họ của mình rồi viết lên thùng dầu một mặt là chữ “Tần”, một mặt là hai chữ “Biện Lương”. Thế là trong thành Lâm An, mọi người đều gọi chàng ta là “Tần bán dầu”.
Một hôm vào tiết thanh minh, cảnh sắc rực rỡ, người đi như mắc cửi. Tần Trọng vừa đi đưa dầu đến chùa Chiêu Khánh ra, cảm thấy hơi mệt mỏi, bèn ngồi xuống một tảng đá nghỉ chân. Cạnh đấy có một căn nhà quay mặt ra phía hồ, bờ giậu sơn màu vàng, phía trong có một bụi trúc nhỏ. Lúc đó, thấy có ba bốn chàng công tử từ trong đi ra, phía sau có một cô gái đưa tiễn. Cô gái đó rất xinh đẹp, dáng điệu thướt tha. Tần Trọng ngẩn ra nhìn, cô gái nhanh chóng quay vào nhà.
Chàng ta tiu nghỉu, chợt thấy một người đàn bà đứng tuổi đi ra, nhìn thấy Tần Trọng bà ta gọi: “Này chú bán dầu”. Tần Trọng nói: “Hết dầu rồi, bà cần thì mai cháu mang lại”. Bà ta nhận ra chàng bán dầu nổi tiếng thật thà này, bèn nói: “Nhà ta ngày nào cũng dùng dầu, nếu chú có thể hàng ngày đưa tới thì tốt quá”. Tần Trọng nhận lời, bụng nghĩ: “Cô gái ấy không biết là thế nào với nhà này, nếu hàng ngày được nhìn thấy nàng thì sung sướng quá”.
Tần Trọng bình thường không uống rượu, hôm nay không hiểu sao lại ngồi uống trong tửu quán. Chàng ta hỏi tửu bảo rằng căn nhà có bờ rào sơn màu vàng kia là nhà ai. Tửu bảo nói người ở trong nhà đó là nàng hoa khôi nổi tiếng ở thành Lâm An này, nếu muốn gặp được nàng thì mỗi ngày phải bỏ ra mười lượng bạc.
Thì ra, nàng hoa khôi đó tên là Tân Dao Cầm, cũng người Biện Lương. Cha mẹ nàng là Tân Thiện và Nguyễn Thị có một cửa hàng lương thực, cuộc sống cũng sung túc. Dao Cầm từ nhỏ đã rất thông minh, mười tuổi biết ngâm thơ làm phú, mười hai tuổi đã thông thạo cầm, kỳ, thi, họa. Bấy giờ, quân Kim xâm nhập Trung Nguyên, Dao Cầm chạy loạn rồi lạc cha mẹ, bị một người cùng thôn là Bốc Kiều lừa đến nhà mụ Vương Cửu là chốn lầu xanh ở Lâm An.
Tần Trọng nghĩ người xinh đẹp thế này mà rơi vào nhà điếm, thật đáng tiếc thay! Về nhà, chàng ta cứ ngày đêm tơ tưởng, không làm sao dứt khỏi được bóng dáng Dao Cầm. Rồi chàng ta bắt đầu tính toán: Ta sẽ mỗi ngày để một phân, một năm sẽ có được ba lượng sáu bạc, như vậy sau ba năm là có thể gặp được Dao Cầm. Nếu mỗi ngày để ra được hai phân thì chỉ một năm rưỡi là đủ. Có chủ ý rồi, chàng ta quyết định từ ngày hôm sau sẽ bắt đầu thực hiện.
Hôm sau mới sáng sớm, chàng ta đã gánh dầu đi thẳng đến nhà mụ Vương Cửu. Mụ Vương đong năm cân dầu rồi dặn cứ cách một ngày lại mang dầu đến.
Thời gian vùn vụt, chẳng mấy chốc đã qua một năm. Tần Trọng dành dụm từng ngày từng tháng, nay đã có được một túi bạc lớn. Chàng ta chọn ngày, mới sáng sớm đã ăn mặc chỉnh tề, đi đến nhà mụ Vương. Nhìn thấy chàng ta lấy ra mười lượng bạc, mụ Cửu hiểu ngay đó là chuyện gì. Thấy Tần Trọng một lòng chịu cực như vậy, mụ cũng muốn giúp chàng ta. Thế nhưng, chàng ta đến liền mấy lần mà không gặp được Dao Cầm. Nàng ta quả thật rất bận, không hôm nay một ông lớn mời đi thưởng mai, thì lại ngày mai ai đó mời đi uống rượu.
Một hôm tuyết rơi rất nhiều, mặt đất tuyết đóng thành băng, Tần Trọng lại đến nhà mụ Vương. Mụ bảo chàng ta hãy đợi, thế nào tối nay Dao Cầm cũng về.
Tần Trọng đợi rất lâu, cuối cùng thì Dao Cầm cũng say khướt trở về. Nhìn thấy Tần Trọng nàng ta định không tiếp, nhưng mụ Vương khuyên mãi, mới bằng lòng để chàng ta ở lại trong phòng. Dao Cầm không cởi giày, không cởi áo nằm lăn ra ngủ.
Tần Trọng bảo con hầu đem lại một bình trà nóng, rồi ngồi bên cạnh không dám ngủ. Đến nửa đêm, Dao Cầm tỉnh lại, ngồi dậy muốn ói. Tần Trọng bèn đỡ nàng lên khe khẽ vỗ lưng. Dao Cầm há miệng nôn thốc ra, Tần Trọng vội chìa vạt áo ra hứng. Dao Cầm ói xong đòi uống trà, Tần Trọng đưa bình trà nóng lại nàng uống liền hai bát rồi lại ngủ.
Sáng sớm ngày hôm sau, Dao Cầm tỉnh dậy, biết hết được chuyện đêm qua, lòng thấy có phần cảm mến Tần Trọng. Nàng biết Tần Trọng là người buôn bán, dành tiền không dễ, bèn lấy ra hai chục lượng bạc đưa cho chàng. Tần Trọng chối không được, đành nhận vậy. Sau khi Tần Trọng đi rồi, Dao Cầm thực sự trong lòng thấy mong ngóng.
Lại nói nhà Chu Thập Lão, sau khi Tần Trọng đi rồi hai đứa Hình Quyền và Lan Hoa chẳng coi trời đất phép tắc ra gì, vơ vét sạch của cải trong tiệm hàng rồi trốn biệt.
Chu Thập Lão kêu trời trời chẳng đáp, kêu đất đất chẳng nghe, thấy hối hận là lẽ ra không nên đuổi Tần Trọng đi. Lão bèn nhờ người hàng xóm tới khuyên chàng trở về.
Tần Trọng biết tin bèn thu xếp mọi thứ rồi về thẳng nhà họ Chu. Chu Thập Lão đem tất cả những gì để dành còn lại, giao tất cả cho Tần Trọng. Tần Trọng bỏ thêm vào hai chục lượng bạc, sửa sang lại tiệm hàng rồi ngồi quầy bán dầu, từ đó lại lấy tên là Chu Trọng.
Chưa được một tháng, Chu Thập Lão bị bệnh qua đời. Chu Trọng lo ma chay rất chu đáo, hàng xóm láng giềng đều khen chàng ta là người có đạo nghĩa.
Mọi việc xong xuôi, Chu Trọng vẫn mở cửa hàng như cũ, việc buôn bán càng ngày càng phát đạt.
Có một mình, Chu Trọng muốn kiếm người giúp việc. Một hôm, kiếm được một người hơn 50 tuổi. Đó chính là Tân Thiện. Ông này cùng vợ là Nguyễn Thị đang đi khắp nơi tìm con gái, nay tiền tiêu hết sạch nên muốn tìm việc làm. Chu Trọng nghe nói ông ta cũng là người Biện Lương, bèn bảo hãy đưa cả Nguyễn Thị đến, rồi sắp xếp một cái phòng cho hai vợ chồng ở. Hai người hết lòng hết sức, lo giúp công việc trong ngoài chu đáo. Chu Trọng rất vui.
Ngày tháng qua nhanh, chẳng mấy chốc đã được một năm. Mọi người thấy Chu Trọng đã nhiều tuổi mà chưa lấy vợ nên tới tấp mối mai. Chu Trọng nhớ đến Dao Cầm nên không đồng ý ai.
Dao Cầm ở nhà mụ Vương Cửu, ăn mặc chẳng phải lo, cứ là vui vẻ suốt ngày. Nhưng mỗi lúc nửa đêm canh ba, không có ai yêu chiều bên cạnh, nàng ta lại nhớ đến Tần Trọng, chỉ hận là không gặp được.
Một hôm, Dao Cầm đang vẽ ở trong phòng, chợt công tử Ngô Bát sấn vào, chẳng nói chẳng rằng, kéo luôn Dao Cầm ra ngoài, đi thẳng tới bên hồ rồi lôi lên thuyền bắt nàng uống rượu. Dao Cầm xưa nay chưa từng bị nhục như thế bao giờ, bật khóc thất thanh, nhất định không chịu làm theo. Công tử Bát thẹn quá hóa tức, sai người trở thuyền đến một nơi hoang vắng ngoài cửa Thanh Ba, lột đôi giày thêu hoa của Dao Cầm ra, lột cả vải bó chân, sau đó sai đẩy nàng lên bờ. Hắn hùng hổ nói: “Con tiện tỳ kia! Có giỏi thì đi chân đất mà về!”
Hôm đó đúng là ngày Chu Trọng đến cửa Thanh Ba cải mộ cho Chu Thập Lão, nhìn thấy Dao Cầm, chàng ta hết sức kinh ngạc, vội rút trong áo ra một chiếc khăn tay lụa trắng, xé ra làm đôi để Dao Cầm bó chân lại, rồi gọi một chiếc kiệu khiêng nàng chạy nhanh về nhà mụ Vương Cửu. Lúc này, mụ Vương đang lo sợ, thấy Chu Trọng đưa Dao Cầm về thì rất vui mừng. Đến lúc trời tối, Chu Trọng đứng lên cáo từ ra về, mụ Vương và Dao Cầm nằn nì giữ lại, Chu Trọng tỏ vẻ đành phải ở lại nhưng trong bụng thì mừng thầm. Đêm đó Dao Cầm quyết tâm lấy Chu Trọng làm chồng. Sáng sớm ngày hôm sau. Dao Cầm bỏ ra mười lượng bạc nhờ người làm thuyết khách. Người này dùng ba tấc lưỡi dẻo dai, cuối cùng thuyết phục được mụ Vương bằng lòng cho Dao Cầm chuộc thân. Rồi Dao Cầm đem số bạc dành dụm của mình lén đưa cho Chu Trọng để chàng tới chuộc. Chu Trọng chọn ngày lành, đàn sáo tưng bừng, đón Dao Cầm về nhà mình thành thân. Sáng sớm hôm sau, vợ chồng Tân Thiện và cô dâu gặp mặt nhau, nhìn ra lại là đứa con gái yêu bị thất lạc đã lâu của mình. Dao Cầm đưa cho Chu Trọng hơn ba ngàn lượng mình kiếm được dồn lại bao lâu nay để chàng lo gây dựng sản nghiệp, sửa sang nhà cửa. Chưa đến một năm, gia sản ngày một thịnh vượng.
Về sau, hai vợ chồng Chu Trọng và Dao Cầm sống với nhau cho đến già. Hai đứa con của họ cũng học hành thành đạt.