Độc Chiếm Hoa Khôi

Chương 15: Ngàn Dặm Đưa Đường


Bạn đang đọc Độc Chiếm Hoa Khôi: Chương 15: Ngàn Dặm Đưa Đường


Vua Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn khi còn trẻ rất thích kết giao với các hào kiệt trong thiên hạ, được mọi người quý mến gọi là Triệu Công tử.
Triệu Công tử dũng mãnh hơn người, sức khỏe vô song, nhưng tính tình thì nóng nảy, luôn luôn gây họa hoạn. Có một lần, chàng ta giết chết người ở Biện Kinh xong, chạy tới phủ Thái Nguyên nương cậy ông chú là Triệu Cảnh Thanh. Lúc này Triệu Cảnh Thanh đi tu, cai quản đền Thanh Du, nên cho Triệu Công tử ở lại ngay trong đền.
Công tử sống nhàn nhã vô sự, bèn đi dạo quanh xem. Nơi này thật là lớn, nhiều tòa lầu điện san sát. Công tử vừa ngắm vừa trầm trồ khen, rồi tới trước một tòa điện nhỏ gọi là “Giáng ma bảo điện”. Nhìn ngắm trước sau một lượt, đang định đi sang nơi khác thì bỗng nghe từ trong vẳng ra tiếng khóc sụt sịt của phụ nữ. Chàng ta nghĩ bụng: “Thì ra chú mình chẳng phải người tốt, lại giấu đàn bà con gái làm chuyện bậy đây!” Thế là hầm hầm chạy đi tìm Triệu Cảnh Thanh. Vừa thấy mặt là gào lên ngay: “Chú đi tu ở đây mà sao lại làm cái chuyện như vậy chứ?”
Triệu Cảnh Thanh nghĩ ra, mới vội vàng xua tay nói: “Cháu chớ có để ý chuyện trời ơi làm gì!”
Triệu Công Tử cáu quá, la lớn lên: “Người xuất gia là phải sống thanh tịnh vô vị, không nhiễm bụi trần, sao chú lại nhốt đàn bà ở đây để họ khóc lóc như vậy? Chú hãy tự xét lương tâm mình, nói cho rõ ra xem. Nếu cứ che che dấu dấu thì đừng có trách thằng cháu này lật mặt tuyệt tình!”.
Triệu Cảnh Thanh thấy cháu cáu giận như vậy, bèn phải nói rõ đầu đuôi câu chuyện. Thì ra người đàn bà đó tên gọi Triệu Kinh Nương, nhà ở thôn Tiểu Dạng, huyện Giải Lương, vùng Bồ Châu, mới 17 tuổi. Nàng ta theo cha đi đến núi Hoàng Sơn cúng lễ, trên đường gặp hai tên cướp, một tên là Mạn Thiên Phi Trương Quảng, một tên là Trước Địa Cổn Chu Tiến. Thấy Kinh Nương xinh đẹp, chúng bắt lấy nàng, thả cho người cha đi. Chúng đưa nàng đến nhốt ở miếu sơn thần. Hai tên tranh nhau giành lấy Kinh Nương, không tên nào chịu nhường. Chúng tranh cãi nhau ba ngày, cuối cùng, để tránh xung đột, chúng quyết định tạm thời đem gửi nàng ta vào cung điện Giáng ma trong đền Thanh Du, bắt các đạo sĩ ở đây phải trông nom cẩn thận, chúng sẽ đến nơi khác cướp một người đẹp nữa thành một đôi rồi cùng đồng thời cưới làm vợ, làm áp trại phu nhân. Bọn chúng đi đến nay đã một tháng rồi mà chưa về. Các đạo sĩ rất sợ chúng chỉ đành trông nom canh chừng cho chúng. Triệu công tử nghe xong, xin Triệu Cảnh Thanh lấy chìa khóa mở cửa điện thả Kinh Nương ra. Biết tính chàng ta nóng như lửa, Cảnh Thanh chỉ đành làm theo.
Công tử nhìn thấy Kinh Nương thì nói luôn: “Cô nương đừng có sợ, có Triệu mỗ ở đây, bảo đảm cô nương sẽ được trở về quê cũ, sẽ gặp được cha mẹ”.
Kinh Nương rơi nước mắt nói: “Đa tạ công tử có lòng tốt, cứu thiếp ra khỏi nơi miệng hùm. Nhưng nơi này cách xa quê thiếp hàng ngàn dặm, thiếp là đàn bà con gái, làm sao mà về được?”
Công tử nói: “Cứu người thì cứu đến cùng, ta sẽ chẳng ngại đường xa, sẽ đưa nàng về đến nơi”.
Triệu Cảnh Thanh đứng bên ngăn lại nói: “Cháu ơi, việc này không làm được đâu, bọn cướp đó ghê lắm, đến quan phủ còn chịu chúng nữa là. Cháu cứu nàng ta đưa đi, nếu chúng tới hỏi chú đòi người thì chú ăn nói thế nào? Chẳng phải sẽ liên lụy đến chú sao?”
Công tử cười nói: “Mật lớn đi đâu cũng được, gan bé một bước chẳng qua. Tên cướp này tuy ác nhưng nó cũng có hai cái tai, cũng đã nghe thấy tên cháu. Chú là người tu hành, nếu chú sợ, cháu sẽ để dấu vết lại đây để chú trả lời hắn”.
Dứt lời, chàng liền vung cây gậy lên đánh vào cửa điện, chỉ nghe ầm một tiếng, hai cánh cửa tung rời ra, khiến Kinh Nương sợ run cầm cập, đứng nấp chỗ xa. Triệu Cảnh Thanh cũng tái mặt, miệng lắp bắp: “Phải tội, phải tội!”
Sáng sớm ngày hôm sau, công tử dắt con ngựa quý Xích kỳ lân tới, đỡ Kinh Nương lên yên, rồi lưng đeo gươm tay cầm thiết bổng bắt đầu lên đường.
Để người đi đường khỏi chú ý, công tử cải trang thành một lái buôn, Kinh Nương thành cô gái quê, hai người gọi nhau là huynh muội, đi đường cứ đói ăn, khát uống, ngày đi đêm nghỉ. Hôm đó, đi tới một nơi gọi là Hoàng Mao Điếm thì trời tối, hai người bèn tìm một nhà trọ nghỉ lại. Nào ngờ, nơi này cách chỗ sơn trại của hai tên cướp kia không xa. Chủ quán trọ cùng bọn với chúng. Tên này biết hai đại vương đang thiếu một mỹ nhân nên thấy Kinh Nương xinh đẹp bèn ngay đêm đó chạy tới báo với Chu Tiến. Chu Tiến lập tức mai phục ở khu rừng Xích Tùng cách nhà trọ không xa. Hắn định đợi để ra tay.

Ngày hôm sau, Triệu Công Tử và Kinh Nương vừa đi tới ven rừng, Chu Tiến bèn dẫn đầu bốn, năm chục tên lâu la ào tới vây lại. Công tử biết là gặp cướp, bèn vung thiết bổng đánh nhau với Chu Tiến. được hơn 20 hiệp, Chu Tiến bị đánh ngã. Bọn lâu la thấy vậy đều hoảng loạn bỏ chạy. Công tử bồi thêm một bổng, kết liễu đời Chu Tiến.
Hai người tiếp tục lên đường, chẳng bao lâu, đến một thị trấn. Thấy đói bụng, họ tìm một quán cơm để ăn. Nhưng vào mấy quán đều thấy đang chuẩn bị tiệc rượu, không bán cho khách qua đường. Thấy lạ công tử tìm người hỏi thì biết rằng hôm nay Mãn Thiên Phi Đại vương sẽ qua đây nên các quán hàng đều phải chuẩn bị cơm rượu, nếu chiêu đãi không chu đáo sẽ gặp đại họa.
Công tử nghĩ bụng: “Thì ra là vậy. Nhất định mình phải giết tên Mãn Thiên Phi này đi để triệt bỏ cái họa cho đền Thanh Du!”
Lúc đó, bỗng nghe tiếng hô: “Đại vương đến rồi!” Chỉ thấy tên Mãn Thiên Phi Trương Quảng Nhi cưỡi trên một con tuấn mã cao to, đằng sau có hai ba chục tên lâu la, đang từ xa đi tới. Triệu Công tử nấp vào một bên, đợi cho Trương Quảng Nhi đến gần bèn thét lớn: “Cường đạo kia, hãy nhìn ngọn bổng đây!”
Con ngựa của Trương Quảng Nhi kinh hãi nhảy chồm về phía trước, bị một cú thiết bổng gãy ngay cẳng trước. Con ngựa bị thương phục xuống, Trương Quảng Nhi nhảy khỏi ngựa hai tay múa song đao tiến tới đánh Công tử. Được một lúc, cây đao của Trương Quảng Nhi vừa chặt xuống, thiết bổng của Triệu Công Tử đánh trúng ngón tay, thanh đao bay luôn. Hắn khiếp kinh vội lùi lại bỏ chạy. Công tử thét: “Biệt hiệu của mi là Mãn Thiên Phi, hôm nay ày bay lên trời luôn!”, rồi tiến lên một bước giơ bổng bổ thẳng xuống đầu hắn, Mãn Thiên Phi nát thân luôn.
Bọn lâu la thấy Mãn Thiên Phi đã chết bèn nhất tề sụp xuống vái lạy, xin Công tử hãy làm trại chủ của chúng. Công tử không chịu, đem tài sản của Mãn Thiên Phi phân phát hết cho nhân dân trong trấn, rồi lại đưa Kinh Nương lên đường.
Mấy ngày sau, họ đến Bồ Châu. Kinh Nương ngồi trên ngựa nhìn thấy cảnh vật quê hương, lòng vừa vui vừa buồn.
Lại nói cha của Kinh Nương là Triệu Viên Ngoại từ khi mất con gái, về nhà cùng với vợ khóc lóc mãi không nguôi. Bỗng hôm đó có người tới báo rằng Kinh Nương đang cưỡi ngựa trở về, đi sau là một vị tay cầm thiết bổng.
Triệu Viên Ngoại nói: “Chết rồi! bọn cướp đó tới đòi hồi môn!”
Bà vợ nói: “Lẽ nào bọn chúng chỉ có một tên! Hay cứ bảo con trai ra xem sao”.
Con trai là Triệu Văn nói: “Đời nào có chuyện hổ dữ nhả thịt trả lại! Em con đã bị chúng bắt đời nào chúng trả lại nữa! Chắc là trông giống nhau thôi chứ không phải là em con”.
Đang người nói qua kẻ nói lại thì Kinh Nương đã bước vào cửa. Cha mẹ thấy con gái bèn ôm lấy khóc òa. Khóc xong Kinh Nương đem đầu đuôi chuyện mình bị nhốt trong đền Thanh Du rồi được Triệu Công tử cứu ra đưa về nhà thế nào kể hết một lượt. Triệu Viên Ngoại vội vàng mời Triệu Công tử vào, gọi cả nhà lại lạy tạ ân nhân, rồi sai giết lợn, mổ dê khoản đãi Công tử.
Tiệc bày xong, Triệu Viên Ngoại mời Công tử ngồi lên ghế trên. Uống được mấy tuần rượu, ông bắt đầu nói: “Lão già này có một điều xin thưa: Con gái lão mà sống được là nhờ có ân nhân, cả nhà lão đều rất cảm tạ, không sao có thể báo đáp được ơn này. Nhưng may mà con gái lão còn chưa gả cho ai, lão muốn được dâng tặng ân nhân, xin ân nhân đừng từ chối!”
Công tử nghe nói vậy thì đùng đùng nổi giận, lớn tiếng quát: “Lão thất phu kia! Ta làm việc vì nghĩa khí mà ngươi lại nói với ta những lời làm nhục ta. Nếu ta là kẻ tham luyến nữ sắc thì trên đường đi thì ta đã lấy nàng rồi, hà tất phải đi hàng ngàn dặm mà đưa nàng về đây. Lão như vậy là không biết gì cả, uổng cả tấm nhiệt tình của ta”. Nói xong lật đổ bàn tiệc rượu bước thẳng ra ngoài. Kinh Nương sợ hãi vội níu áo Công tử lại nói: “Xin ân nhân bớt giận! Xin nể tình em gái!”

Công tử đâu có chịu nghe, lập tức dứt khỏi Kinh Nương, đi tới chỗ cây liễu, cởi dây buộc con Xích kỳ lân rồi nhảy lên lưng phi đi như bay.
Về sau, Triệu Công tử đánh đông dẹp bắc rồi lên làm vua. Nghĩ đến tình anh em với Kinh Nương, ngài sai người đến Bồ Châu hỏi tin tức. Khi được tin Kinh Nương đã chết từ lâu, ngài vô cùng buồn bã, bèn hạ chỉ phong cho Kinh Nương là “Trinh nghĩa phu nhân”, lại cho dựng ở thôn Tiểu Dạng một ngôi miếu cho Kinh Nương, cho đến nay vẫn được thờ cúng.
Bách niên trường hận (Tam ngôn)
Thời nhà Minh, ở Nam Dương tỉnh Hà Nam có viên quan Thiên Hộ tên gọi Vương Trung, tuổi đã 60 mà chỉ có một người con gái tên Kiều Loan mới 18 tuổi. Kiều Loan từ nhỏ đã làu thuộc Thi, Thư, hạ bút thành văn, cha mẹ vô cùng yêu quý.
Một hôm, vào tiết Thanh minh, Kiều Loan cùng với bà dì họ Tào và con hầu Minh Hà chơi đánh đu ở vườn hoa sau nhà. Đang vui, chợt nhìn thấy chỗ tường bao quanh bị hổng có một thư sinh tuấn tú mặc áo tím đang ngó nhìn vào phía này và đằng hắng liên tục. Kiều Loan thẹn đỏ bừng mặt, vội đẩy lưng dì Tào để quay về khuê phòng.
Chàng thư sinh thấy trong vườn không có ai, bèn nhảy qua tường vào, thấy cái đu hãy còn đó, xung quanh còn phảng phất hương thơm của người đẹp. Chàng đứng ngẩn người một lúc, chợt thấy có một cái gì trong cỏ, bèn nhặt lên xem, thì ra là một chiếc khăn lụa thêu.
Đúng lúc đó, nghe có tiếng người từ trong nhà đi ra, chàng vội nhảy tường ra nhưng vẫn đứng lại chỗ tường hổng để dòm vào. Thì ra con hầu Minh Hà ra tìm chiếc khăn đánh rơi. Thư sinh thấy nó tìm ngược xuôi, vòng quanh mấy vòng, có vẻ thất vọng, bèn mỉm cười nói: “Cô gái ơi, cái khăn lụa đã bị tôi nhặt rồi, còn tìm gì nữa?”
Minh Hà ngẩng nhìn, thấy vẫn là chàng thư sinh đó, bèn bước lại đòi. Nhưng chàng ta không chịu trả, lại còn nhờ Minh Hà chuyển cho tiểu thư một phong thư. Minh Hà chẳng còn cách nào, đành cầm thư đưa cho Kiều Loan.
Nhìn thấy phong thơ, Kiều Loan đã có phần mừng lòng, bèn bóc ra xem, thì thấy một bài thất ngôn tuyệt cú, nói lên tình cảm hâm mộ mình. Đọc xong nàng bèn làm một bài thất ngôn luật thi để đáp lại, nói rằng mình xuất thân con nhà danh giá, giữ thân như ngọc, khuyên chàng ta đừng có nghĩ chuyện gì phi danh phận.
Minh Hà cầm thư đến vườn hoa, chàng thư sinh vẫn còn đứng đợi ngoài tường. Đọc thư xong, chàng càng cảm thấy mến mộ cô gái tài sắc này và quyết tâm phải lấy được nàng. Thế là chàng lại làm một bài thất tuyệt, nói rằng mình với tiểu thư thật là có duyên với nhau, rồi kể nỗi khổ sở cô đơn của kẻ sống tha hương thế nào.
Minh Hà nói: “Cậu không trả lại cái khăn, chỉ lo gửi thơ với phú, tôi không đưa đâu”.
Chàng thư sinh tên Đình Chương này mới rút từ trong tay áo ra một cái trâm vàng và nói: “Vật nhỏ bé này xin tặng cho cô nương để tỏ lòng kính trọng, xin cô nương hãy nói tốt cho tôi trước mặt tiểu thư”.
Kiều Loan đọc xong trông vẻ buồn buồn. Minh Hà hỏi: “Trong thơ có câu gì xúc phạm đến tiểu thư chăng?”. Kiều Loan nói: “Anh chàng này khinh bạc quá, toàn viết những lời chọc ghẹo”.

Minh Hà nói: “Sao tiểu thư không làm một bài thơ mắng ột trận để chàng ta dẹp cái chuyện đó đi?”
Kiều Loan nói: “Tuổi trẻ lòng thực, không nên mắng làm gì, chỉ cần lựa lời khuyên chàng ta là được rồi”. Liền làm ngay bài thơ bát cú, khuyên thư sinh hãy bỏ tà ý đi mà nên dốc lòng học tập thi thư.
Từ đó, hai người cứ kẻ xướng người họa, làm thơ gửi cho nhau liên tục, dần dần thành thân thiết.
Một lần, thơ của thư sinh bị dì Tào biết được. Dì Tào bèn bảo: “Dì biết chàng này là tú tài ở Giang Nam, họ Chu tên Đình Chương, người huyện Ngô Giang phủ Tô Châu. Cha chàng ta làm quan coi việc học ở vùng này, hiện ở gần đây thôi. Dì thấy hai bên cũng xứng với nhau, sao không bảo họ tìm môi nhân đến cầu thân, để thành mối nhân duyên trăm năm chồng vợ, như vậy chẳng hay lắm sao?”
Kiều Loan gật đầu nghe theo. Nàng trang điểm xong, cầm bút viết ngay một bài thơ, ý bảo Đình Chương hãy tìm người làm mối tới cầu hôn.
Đình Chương nhận được bài thơ bèn nằn nì xin người bạn thân của cha mình là Triệu Học Cứu đến Vương phủ làm việc đó.
Vương Thiên Hộ cũng rất ưng tài mạo của chàng họ Chu, song Kiều Loan là con gái yêu, rất tinh thông chữ nghĩa văn thơ, mà mình thì đã già rồi, mọi công việc văn thư đều nhờ cậy vào nó giúp đỡ, không thể thiếu nó được, vì vậy, không muốn gả đi xa. Thế nên ông cứ phân vân mãi, chưa thể bằng lòng được.
Đình Chương biết việc cầu hôn không thành, trong lòng buồn bã, bèn viết thư cho Kiều Loan xin gặp một lần. Kiều Loan hồi thư từ chối, lại kèm theo một bài thơ, hai câu cuối như sau:
Thử sinh đãn tác can huynh muội
Trực đắc lai sinh liễu thốn tâm.
(Anh em kết nghĩa kiếp này
Tấc lòng thỏa nguyện, vui vầy kiếp sau).
Đình Chương đọc xong, bèn nẩy ra một kế. Chàng trở về nói với cha rằng nhà học ở nơi này chật hẹp, lại quá huyên náo, nay nên mượn chỗ vườn sau của nhà họ Vương làm nơi đọc sách. Cha nàng đến nói với Vương Thiên Hộ, ông này thoải mái bằng lòng ngay. Đình Chương lại nói: “Tuy đã được ông Thiên Hộ bằng lòng, song chẳng phải bạn bè thân thuộc gì, cũng khó mà phiền người ta. Con nghĩ ta nên sắm một chút lễ, xin nhận Vương phu nhân làm cô, rồi cô cháu xưng hô với nhau, chẳng cần phải nói cũng hiểu”.
Một hôm Đình Chương ngầm xin gặp tiểu thư ở khuê phòng. Kiều Loan đưa mắt nhìn dì Tào, nói nhỏ: “Bà ấy giữ chìa khóa, chàng hãy tự đi mà lấy!”
Đình Chương biết nàng đã đồng ý. Hôm sau, chàng ta mang tới món quà rất hậu, nhờ Minh Hà đưa biếu dì Tào. Dì Tào hỏi Kiều Loan: “Chu công tử biếu dì quà lớn quá, để làm gì vậy?”
Kiều Loan nói: “Chàng ta trẻ người non dạ, để tránh chuyện thất lễ, nên muốn được dì bao bọc cho đấy mà”.

Dì Tào nói: “Chuyện riêng của hai cô cậu, tôi đều biết hết. Hai người cứ việc qua lại, tôi không nói ra đâu”.
Rồi đưa ngay chìa khóa cho Minh Hà. Kiều Loan mừng quá viết ngay một bài thơ, mời Đình Chương đến tối tới khuê phòng tương ngộ.
Nhận được bài thơ, Đình Chương vô cùng vui sướng. Đến tối, chàng ta hớn hở đi tới khuê phòng. Kiều Loan sai Minh Hà mời dì Tào tới, xin dì làm bà mối, rồi viết bốn tờ hôn ước: một tờ đốt cúng trời đất, quỷ thần để chứng giám, một tờ giao cho dì Tào để làm tin môi giới, còn hai người mỗi người giữ một tờ. Trong hôn ước có nói rõ: nếu nữ phụ nam sẽ bị sấm sét đánh chết, nếu nam phụ nữ sẽ bị tên bắn tan thây.
Từ đó, hai người liên tục qua lại với nhau, tình cảm ngày càng sâu nặng. Thấm thoát đã được hơn nửa năm. Ông Chu mãn nhiệm việc coi nhà học, được thăng làm Lệnh Doãn huyện Nga My tỉnh Tứ Xuyên. Đình Chương lưu luyến với Kiều Loan, không chịu đi cùng. Chàng ta nói rằng phải ở lại học tiếp rồi tiễn cha lên đường. Kiều Loan thấy chàng đa tình như vậy, càng thêm yêu thương.
Lại qua nửa năm nữa, Đình Chương được tin cha ở Tứ Xuyên do không hợp khí hậu nên cáo bệnh về quê, bèn muốn về để thăm cha mẹ. Song chàng ta không nỡ rời xa Kiều Loan nên suốt ngày cứ âu sầu buồn bã, Kiều Loan biết được, bèn khuyên chàng hãy về hầu hạ song thân. Dì Tào cũng khuyên nên về bẩm rõ với cha mẹ để sớm được cưới nàng, toại lòng ước nguyện. Đình Chương chỉ đành thu xếp hành lý, từ biệt rồi lên đường.
Về đến nhà ở Ngô Giang, cha mẹ vô cùng mừng rỡ. Vốn là ông Chu đã chọn cho Đình Chương một đám, đang định đón chàng về làm đám cưới. Mới đầu Đình Chương không bằng lòng, sau nghe nói cô gái đó cực kỳ xinh đẹp, của hồi môn lại nhiều, thế là quên luôn chuyện đính ước với Kiều Loan. Chỉ mấy ngày sau, tân nương được rước về, vợ chồng ân ái như cá với nước, chẳng còn nhớ Kiều Loan là ai nữa.
Lại nói đến Kiều Loan từ sau khi tiễn Đình Chương đi rồi thì ngày ngày mộng hồn vơ vẩn, thân hình tiêu hao. Đợi được đúng một năm, chẳng thấy tin tức gì của Đình Chương, nàng bèn nhờ người công sai thuận đường tới Ngô Giang chuyển hộ một phong thư. Nào ngờ sau đó vẫn biệt vô âm tín.
Thấm thoắt thoi đưa, lại qua đi hai năm. Kiều Loan đoán chàng Chu đã đổi lòng rồi, song còn chưa dám chắc, bèn gọi gia nhân là Tôn Cửu đến, nằn nì nhờ hắn đích thân đến Ngô Giang một chuyến xem thực hư thế nào.
Tôn Cửu ngày đi đêm nghỉ, đến được Ngô Giang. Đình Chương vừa trông thấy Tôn Cửu là đỏ bừng mặt, cầm lấy phong thư bỏ vào tay áo rồi lỉnh vào nhà ngay, một lát sau mới sai thằng nhỏ ra nói: “Tướng công nhà tôi lấy tiểu thư nhà khác đã được hai năm rồi. Còn Nam Dương thì xa quá, không đến nữa đâu. Chiếc khăn lụa và tờ hôn ước này nhờ anh đưa về trả lại cho tiểu thư Kiều Loan để nàng ta thôi đi”.
Tôn Cửu nổi giận, bước ra khỏi cửa rồi lớn tiếng chửi mắng: “Đồ bạc tình như mày thật không bằng loài cầm thú. Mày đã phụ tấm chân tình của tiểu thư Kiều Loan, ông trời sẽ không tha mày đâu!” Chửi rồi khóc òa lên, bỏ đi. Người đi đường đón hỏi vì sao, anh ta nhất nhất kể rõ hết. Từ đó,Chu Đình Chương chẳng còn được coi ra gì ở Ngô Giang nữa.
Tôn Cửu về đến Nam Dương, không nỡ gặp tiểu thư, chỉ vừa khóc vừa kể lại với Minh Hà. Minh Hà không dám giấu diếm, nói lại hết với Kiều Loan, Kiều Loan khóc suốt ba ngày ba đêm, cầm chiếc khăn lụa lên nhìn đi nhìn lại mãi, có ý muốn tự tận, nhưng rồi lại nghĩ: “Kiều Loan là ái nữ nhà danh gia, đẹp đẽ tài năng, nếu cứ lặng lẽ mà chết đi thì chẳng có lợi cho thằng cha bạc tình đó sao?”. Bèn làm 32 bải thơ tuyệt mệnh và một bài “Trường hận ca” gộp với cả các bài xướng họa trước đây đem gửi tất cả cho quan huyện Ngô Giang.
Rồi đêm ấy, nàng tắm gội, thay áo, đóng chặt cửa phòng lại, tự treo mình chết, năm đó tuổi vừa hai mươi mốt.
Lại nói quan huyện Ngô Giang tiếp được các bài thơ và tờ hôn ước của Kiều Loan, đọc đi đọc lại, thấy thương tiếc tài năng và rất giận kẻ bạc tình Chu Đình Chương. Ngày hôm sau, quan bèn cho bắt hắn tới, dùng nghiêm hình trách phạt. Ít lâu sau, lại được biết Kiều Loan đã tự tận, bèn cho giải hắn từ nhà giam lên công đường mà mắng rằng: “Ngươi cợt đùa con gái nhà quan, đó là một tội; ngươi bỏ vợ này lấy vợ khác, đó là hai tội; ngươi làm khổ khiến người phải chết, đó là ba tội. Trong hôn ước có nói: nếu người nam phụ người nữ, sẽ bị tên bắn tan thây. Nay ta sẽ không dùng tên bắn ngươi, mà dùng gậy đánh chết ngươi, để răn dạy cho những kẻ phụ người trong thiên hạ”.
Thế là một trận gậy đánh tơi bời, chỉ trong chốc lát ChuĐình Chương hóa thành đống thịt nát. Người trong thành ai cũng hả lòng.
Ông Chu được tin đó, khí uất lên mà chết. Người vợ của Chu Đình Chương về sau đi lấy người khác.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.