Bạn đang đọc Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng: Chương 33: Cảnh Hưng Thứ 42
Tuy nói là đổi người chịu trách nhiệm quản việc giam giữ nhưng địa điểm giam giữ vẫn là ngôi nhà đơn sơ lúc trước. Đình Duệ hứa là sẽ tìm dịp để tôi có thể vào gặp Trịnh Khải nên tôi chỉ có thể ngồi chờ ở nhà. Thế nhưng “dịp” mà Đình Duệ nói với tôi thì phải đợi đến cuối năm mới có được, hôm đó đã là hai mươi chín tháng chạp.
– Đinh Thanh, em nhớ cúi đầu, có bị hỏi cũng đừng ngẩng lên, có biết chưa? – Đình Duệ dặn dò tôi.
– Em biết rồi. – Tôi nói chắc như đinh đóng cột.
Tôi mặc giả trang thành tiểu đồng của Đình Duệ, đi sát ngay sau lưng anh giống như thời còn hay trốn ra trấn phủ trấn Sơn Nam chơi. Những ngày cuối năm, quận công bận rộn việc trong phủ chúa đến mức cả ngày không ăn cơm được bữa nào ở nhà. Đình Duệ nói ông sẽ không có thời gian để qua nhìn vương tử như mọi ngày nên tôi có thể an tâm đi theo. Vừa đến cổng, lính gác nhận ra Đình Duệ liền mở cửa, tôi chỉ cúi đầu đi theo từng bước của Đình Duệ, bọn lính gác cũng không thắc mắc gì, cứ thế tôi một mạch thẳng vào đến trong nhà. Lúc này Trịnh Khải đang mang một bộ áo màu xanh đen, ngồi bên bàn giấy chăm chú viết gì đó.
Đình Duệ dừng chân lại ở trong phòng khách, cúi đầu chào:
– Thưa vương tử.
Trịnh Khải vẫn tiếp tục viết từng hàng chữ trên giấy trắng, giọng anh hờ hững đáp lại:
– Ngươi đến có việc gì?
– Thưa…
Đình Duệ phân vân không biết nên mở lời thế nào bèn quay qua nhìn tôi, ý bảo tôi lên tiếng đi. Tôi mỉm cười nhìn anh, gật đầu một cái, Đình Duệ nhíu mày rồi nhẹ nhàng đi ra sân, trong nhà chỉ còn tôi và Trịnh Khải. Tôi hít vào một hơi thật sâu, sau đó chỉ im lặng nhìn bóng lưng Trịnh Khải ngồi trên ghế.
– Nói đi. – Giọng Trịnh Khải lạnh lùng cất lên.
Ra đây chính là bộ dáng của anh khi nói chuyện với người khác, cũng không thèm quay lại nhìn xem đang nói chuyện với ai. Tôi mặc kệ, cứ đứng im không lên tiếng. Trịnh Khải đặt bút xuống mặt bàn, mắt đã rời tờ giấy nhưng vẫn không quay người lại. Giọng anh đã có chút mất kiên nhẫn:
– Nếu không nói, ngươi có thể về được rồi.
Tôi bĩu môi, bước đến gần bên anh nhưng chỉ đứng sau lưng, cố đè nén hơi thở của mình lại. Trịnh Khải bất ngờ quay người lại, quát:
– Ngươi…
Trịnh Khải lớn giọng khiến tôi cũng hết hồn, bước thụt lùi một bước thì bị kéo tay lại. Anh nhìn tôi sững sờ:
– Sao lại là nàng?
Tôi trừng mắt nhìn anh, rút tay mình ra, là tôi thì sao chứ. Tôi tức giận:
– Chàng đuổi thì thiếp về.
Cánh tay lại bị nắm chặt, Trịnh Khải nhìn ra cửa rồi lại nhìn tôi, khẩn khoản:
– Ta tưởng là Hoàng Đình Duệ, ta không biết đó là nàng.
– Đình Duệ ra ngoài rồi. – Tôi bĩu môi.
Trịnh Khải thở dài:
– Ta tưởng người đi ra ngoài ban nãy là người hầu của Hoàng Đình Duệ.
Tôi mím môi cố nín cười. Trịnh Khải buông lỏng cánh tay tôi, hỏi:
– Hoàng Đình Duệ để nàng vào?
Nghe xem, nhắc đến câu nào cũng lôi cả họ tên người ta ra mà nói chuyện, đúng là cách nói chuyện của bậc bề trên. Tôi không thèm đáp, chỉ gật đầu. Trịnh Khải lại nhíu mày nhìn bộ trang phục và tóc tai của tôi, giọng nói pha ý cười:
– Nàng hình như không thích làm tiểu thư? Lần trước là người hầu đưa cơm, lần này là tiểu đồng, lần sau sẽ là ai đây?
Tìm cách vào gặp anh rốt cuộc để bị chế giễu thế này đây, tôi trừng mắt nhìn anh:
– Lần sau thiếp làm con ma vào hù chết chàng.
Trịnh Khải bật cười, tôi tức quá dùng chân của mình giẫm mạnh lên giày của anh. Trịnh Khải thoáng ngạc nhiên nhưng rất nhanh đưa cánh tay dài ra ôm lấy người tôi, nói nhỏ:
– Đừng quậy nữa.
– Thiếp không có. – Tôi đang giận lại bị ôm bất ngờ, xấu hổ quá chỉ có thể vùng vẫy muốn thoát ra.
Anh buông tay, tôi đang giãy dụa bị bất ngờ nên người lảo đảo suýt ngã ra sau, bàn tay to lớn của anh rất nhanh vươn ra kéo tay tôi lại. Ngay khi đứng vững tôi phát hiện mình đang đứng sát anh, Trịnh Khải ngồi trên ghế nhưng dáng người cao nên chỉ cần hơi ngẩng mặt đã rất gần với gương mặt của tôi.
– Lần trước ta chưa kịp hỏi, lần này ta nhất định phải hỏi rõ, nàng làm cách nào mà họ cho nàng vào? – Gương mặt tuấn tú của anh kiên nghị nhìn tôi, không cho phép tôi né tránh vấn đề.
– Là thiếp năn nỉ họ. – Tôi đáp ngắn gọn.
– Năn nỉ thế nào? – Trịnh Khải cương quyết không buông tha.
Nhìn anh nghiêm túc tra hỏi, tôi bỗng nhiên nảy ra ý định trêu chọc. Tôi cúi người đến bên tai anh, Trịnh Khải tưởng tôi muốn nói nhỏ nên rất nghiêm túc lắng nghe:
– Thiếp nói, thiếp đã có thai với chàng.
Trịnh Khải rụt người ra sau, tái mặt nhìn tôi. Tôi thậm chí còn thấy tay anh nổi gân xanh nắm chặt để trên đùi. Nhìn dáng người sững sờ của anh, tôi không nhịn được nữa, đưa tay che miệng cười đến rung cả hai vai. Trịnh Khải nhíu mày nhìn tôi đang cười, gương mặt anh giãn dần. Tôi ngừng cười:
– Chàng không tức giận? – Tôi rụt rè hỏi.
– Không. – Trịnh Khải lắc đầu sau nghiêm nghị nhìn tôi mà nói. – Nàng không có nói như vậy với bọn họ, có đúng không? Thành thật trả lời ta.
Tôi gật đầu. Trịnh Khải nhìn thấy thì thở phào nhẹ nhõm:
– Tuy ta biết tính nàng rất tùy hứng nhưng nàng cũng không nên nói lung tung với người khác, cũng đừng gặp gỡ uống rượu với đàn ông bên ngoài nữa, họ sẽ nghĩ không tốt về nàng.
Tuy nửa hiểu nửa không hiểu ý của Trịnh Khải nhưng tôi vẫn cảm thấy tức giận. Có phải anh sợ tôi sẽ trở thành người con gái dễ dãi hay không, cái gì mà uống rượu với đàn ông bên ngoài, thực tức chết tôi. Nguyễn Hoàn là bạn tôi đàng hoàng, hơn nữa chúng tôi thường uống rượu trong phủ, chỉ say có một lần duy nhất. Tôi cũng không ăn nói lung tung với người khác vì thời này người ta rất có định kiến với phụ nữ, đặc biệt là con gái chưa chồng, cái gì mà phải ngoan ngoãn hiền thục, công dung ngôn hạnh… tôi đều biết hết. Tuy vốn dĩ đã quen với cách sống cùa người hiện đại nhưng từ khi về đây tôi cũng rất cố gắng để hòa hợp với thời phong kiến gò bó này, cố gắng khiến mình không khác biệt so với những người ở đây. Trịnh Khải nhìn thấy mặt tôi nhăn nhó thì chỉ thở dài:
– Nàng đừng tức giận, ta chỉ muốn nhắc nhở một chút thôi.
– Rõ ràng chàng chê tôi không dịu dàng ngoan hiền như các vị tiểu thư khác. – Tôi giận quá, đổi cách xưng hô mà không hề hay biết.
Trịnh Khải ngớ người, cầm lấy tay tôi, tôi giằng ra, anh lại thở dài bất lực:
– Ta không có ý đó. Được rồi, coi như ta chưa nói gì hết.
– Lời nói cũng như mũi tên đã bắn ra, sao có thể coi như chưa có gì hết? – Tôi thấy biểu cảm nhún nhường của anh thì cũng đã bớt giận rồi nhưng vẫn cố bắt bẻ.
Trịnh Khải nghe xong thì đen mặt, chúng tôi đang giằng co trong im lặng thì nghe được tiếng của Đình Duệ ngoài bậc thềm vọng vào:
– Thưa vương tử?
Tiếng của Đình Duệ nhắc nhở sắp đến giờ trở về, tôi hốt hoảng nhìn Trịnh Khải, anh cũng cẩn thận nói ra, vừa to vừa rõ ràng:
– Ngươi ở ngoài đợi một lát hãy vào.
– Thưa vâng. – Đình Duệ đáp lại.
Trịnh Khải khẽ cười, mắt vẫn dán vào mặt tôi:
– Nàng đừng giận nữa. Không còn nhiều thời gian, ta muốn ngắm nàng thêm một lát.
Thật không biết xấu hổ, tuy biết không còn nhiều thời gian không nên tiếp tục tranh cãi nhưng lại đòi tôi đứng yên cho ngắm sao? Tôi nhăn nhăn mũi phản đối. Trịnh Khải đột nhiên đứng dậy, nhìn tôi từ trên xuống rồi bật cười rất khẽ:
– Lần đầu ta thấy một tiểu đồng trắng trẻo như vậy.
Còn dám trêu chọc tôi, tôi tính nói lại nhưng nhớ ra thứ đang nằm trong áo. Tôi lấy nó ra đưa cho Trịnh Khải, đó là một chiếc túi sưởi ấm tay bằng vải bông màu nâu xám do tôi hì hụi thiết kế theo trí nhớ về chiếc túi sưởi ấm ở hiện đại. Tôi đã phải chọn vải lui tới và cắt may suốt mấy ngày qua, tất nhiên có sự góp công không nhỏ của mấy chị người hầu. Ban đầu tôi muốn may bằng màu đen nhưng cảm thấy quá lạnh nên cố tìm cho được màu lông chuột, vừa ấm áp lại sang.
Trịnh Khải nhìn chiếc túi rồi nhìn tôi sững sờ:
– Đây là gì?
– Là chiếc túi giữ ấm tay. Mùa đông lạnh như vậy, chỉ cần cho hai tay vào hai bên, như thế này. – Tôi bỏ hai tay mình vào làm mẫu cho Trịnh Khải xem rồi cười. – Như thế là sẽ giữ ấm được rồi.
Lúc tôi vừa ngẩng mặt lên thì bắt gặp biểu cảm xúc động trên gương mặt tuấn tú của Trịnh Khải, tay anh nắm chặt chiếc túi sưởi ấm đang bọc hai tay tôi trong đó.
– Cám ơn nàng.
Tôi bất giác rút một tay ra đưa lên chạm vào một bên mặt anh. Anh đang cười nhìn tôi, thật ấm áp. Lòng tôi chợt chùng xuống khi nghĩ đến những tháng ngày mà anh đã trải qua, dù rằng chỉ qua lời kể của Nguyễn Cảnh. Sinh ra đã mang vương vị cao quý nhưng anh lại lớn lên trong lạnh lẽo, tuy người ta cúi đầu, người ta sủng nịnh nhưng mấy ai là thật lòng quan tâm? Bây giờ anh lâm vào bước cùng thế này, còn bao người là để tâm đến? Ấm áp mà anh nhận được đến nay được mấy lần?
– Nàng sao vậy?
Giọng của Trịnh Khải chợt hốt hoảng, tay anh vuốt một bên má tôi, xóa đi giọt nước mắt vừa rơi ra. Tôi bừng tỉnh, nhoẻn miệng cười:
– Hình như bị bụi bay vào thì phải.
Trịnh Khải nhíu mày nhìn tôi, tỏ vẻ không tin. Tôi cười hì hì, kéo tay anh, thả chiếc túi sưởi ấm vào rồi nói:
– Anh Duệ chờ lâu rồi, chàng gọi vào đi.
Trịnh Khải gọi Đình Duệ vào, tỏ mặt lạnh nói vài câu rồi để tôi theo sau Đình Duệ đi về. Lúc bước ra bậc cửa, tôi còn cố ý quay đầu lại nhìn Trịnh Khải thì thấy anh vẫn đứng trong kia nhìn tôi. Đình Duệ đi trước khẽ hắng giọng, tôi quay mặt trở lại, cúi đầu nhìn xuống đất đi sát vào Đình Duệ, ra ngoài. Chờ đến lúc ngồi trên xe ngựa, Đình Duệ quay qua nhìn tôi chằm chằm:
– Em nói gì với thế tử mà lâu thế?
– Bí mật. – Tôi cười đáp lại.
Đình Duệ hừ một tiếng, nói:
– Có biết anh đứng ngoài chờ gió lạnh thế nào không?
Tôi thấy có lỗi với Đình Duệ, chỉ khịt khịt mũi nhìn bàn tay đang nắm lại của mình, không dám nói gì. Lúc về đến gần nhà tôi chợt thắc mắc:
– Anh Duệ đứng ở ngoài sân mãi một chỗ sao?
Đình Duệ bật cười:
– Tất nhiên là không rồi, anh đi xung quanh, kiểm tra lại lính gác, lại nói chuyện với họ để cho em thêm thời gian.
Chúng tôi cùng nhìn nhau cười. Thật may Đình Duệ không hỏi han gì thêm, tôi cứ thế an lành đón năm mới.
Vẫn bánh chưng, vẫn đốt pháo, vẫn cây nêu giữa sân nhưng chúng tôi đón năm Tân Sửu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 42 (tức năm 1781) trong thời tiết lạnh hơn so với mọi năm. Quận công thì suốt mấy ngày Tết đều chầu chực ở phủ chúa, nghe nói chúa thượng đang bệnh rất nặng. Đình Duệ vẫn đi đi về về, hầu như không được ở nhà một ngày trọn vẹn. Đinh Ngọc và Phan Huy có về chúc Tết nhưng rất nhanh lại đi. Trời lạnh, lười ra ngoài, tôi chỉ quanh quẩn trong nhà, bên cạnh bếp than sưởi ấm và ăn bánh mứt. Năm mới cứ thế trôi qua trong buồn tẻ.