Bạn đang đọc Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng: Chương 32: Nơi Nguy Hiểm Nhất Là Nơi An Toàn Nhất
Xe ngựa lọc cọc đi từng bước chậm chạp, tôi đang chìm vào những suy nghĩ của riêng mình thì nghe bên ngoài tiếng xôn xao, nhìn qua cửa sổ thấy có năm bảy người đang đứng vây quanh hai đứa bé ở bên đường.
– Dừng xe. – Tôi nói lớn.
Hải kéo ngựa đứng khựng lại, quay đầu vào hỏi tôi:
– Tiểu thư, có việc gì sao?
Tôi không trả lời, chỉ đi ra phía trước, Hải đành phải đỡ tôi xuống xe ngựa. Tôi đi tới đám đông thì nhìn thấy bên vệ đường, một đứa bé vừa nằm vừa tựa đầu lên bờ tường, mặt mũi tái mét. Đứa bé còn lại nhỏ con hơn vừa khóc vừa lay lay anh trai mình, một tay dúi nắm xôi vào miệng đứa lớn:
– Anh ơi, anh ăn đi… anh đừng chết. – Đứa bé càng nói càng khóc lớn hơn.
Trời gió đang thổi từng cơn lạnh buốt kéo qua nhưng hai đứa bé một nằm một ngồi xổm trên đất thì chỉ có manh áo cọc rách vá chằng chịt. Tôi tính bước đến gần thì bị Hải chận lại:
– Tiểu thư đừng đi. Hai đứa bé kia có lẽ là ăn xin lâu ngày, người không nên tới gần.
Tôi trừng mắt nhìn anh ta:
– Đứa bé sắp chết đến nơi rồi.
Hải chỉ cúi đầu, vẫn đưa tay ngang qua ngăn cản tôi:
– Ở đâu cũng sẽ có người chết như vậy, tiểu thư xin hãy trở về xe ngựa.
Một người đàn ông trong đám đông đưa bầu rượu ra nói:
– Cho nó uống một ít rượu là tỉnh người ra thôi.
Mấy người xung quanh cũng đồng tình, người đàn ông cúi người chuẩn bị đổ rượu vào miệng đứa bé lớn, tôi thấy vậy chỉ kịp hét lên:
– Ngừng lại!
Người đàn ông ngừng tay lại, ông ta và những người kia đồng loạt nhìn về phía tôi. Tôi gạt tay của Hải ra, bước đến gần hai đứa bé, vừa gạt phắt bầu rượu vừa nói giận dữ:
– Không được cho đứa bé uống.
Ông ta bỗng dưng đỏ mặt tức giận, bàn tay hướng về phía tôi không biết định làm gì nhưng rất nhanh đã bị Hải chen người ở giữa, nắm chặt tay ông ta kéo mạnh ra sau:
– Không được đụng đến tiểu thư.
Tôi trừng mắt nhìn ông ta rồi ngồi xổm xuống đất, đưa tay chạm vào đầu đứa bé, lạnh ngắt. Ban nãy từ xa tôi thấy đứa bé da tái nhợt, nằm lịm, mắt lờ đờ, giờ lại gần chỉ nghe hơi thở ngắn và yếu ớt. Tình huống này lúc ở hiện đại tôi đã từng gặp quá, vẫn còn rất ấn tượng.
Lúc đó các bạn trong lớp Đại học tổ chức đi leo núi, ngày hôm đó ngoài nhóm chúng tôi còn có một nhóm học sinh khác cùng leo núi, nhưng chỉ vừa qua khỏi ba phần tư chặng đường thì có một cô bé trong nhóm học sinh đột nhiên lăn ra thở gấp gáp, da tái nhợt, và bắt đầu nôn. Một bạn trong đoàn đưa nước để cô bé uống nhưng sau đó cô bé rất nhanh chuyển sang trạng thái lờ đờ, nằm lịm, không phản ứng.
Tất cả mọi người đều trở nên sợ hãi, rất may trong nhóm leo núi đi sau chúng tôi vừa đến kịp, nhóm của họ là sinh viên trường Đại học Y đã kịp thời cấp cứu cho cô bé. Họ nói cô bé bị sốc. Cơ thể con người có thể bị sốc khi gặp tai nạn khiến xương gãy, hoặc khi cơ thể đói khát, mệt mỏi kéo dài, kích động tinh thần… hoặc cũng có thể do dị ứng với thuốc, thức ăn. Trong trường hợp bị sốc, nếu cấp cứu không kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Tôi biết, đứa bé này đang bị sốc vì đói khát nhiều ngày, nếu như ban nãy người đàn ông kia đổ rượu vào miệng đứa bé thì có thể cậu ta sẽ càng thêm nguy hiểm về tính mạng. Cởi áo khoác bông thêu hoa bên ngoài ra, trước sự ngạc nhiên của mọi người, tôi trải áo xuống mặt đất bên cạnh đứa bé.
– Đỡ đứa bé nằm lên. – Tôi ra lệnh với Hải.
Anh ta tuy ngạc nhiên nhưng cũng rất nhanh làm theo lời tôi, sau khi đặt đứa bé nằm lên trên tấm áo khoác, tôi tính cởi thêm lớp áo bông trong người ra thì Hải giơ tay chận lại, anh ta tự cởi áo bông của mình, đắp lên người đứa bé. Tôi mỉm cười với Hải, nói:
– Lấy vật gì đó kê chân cao lên.
Một người đàn ông khác đã rất nhanh hạ giỏ tre đang đeo trên vai xuống, đặt chân đứa bé lên. Tôi thấy khá ổn, chỉ có thể ngồi sát bên cạnh động viên:
– Cố lên, đừng lo sợ, em sẽ không sao.
Đứa em ngồi bên cạnh nãy giờ chỉ mở mắt nhìn tôi, thấy tôi mở lời an ủi cũng mới lay anh mình:
– Anh ơi, đừng bỏ em.
– Đừng lay, để anh em nằm yên, sẽ tốt thôi. – Tôi nói với đứa em.
Thấy đứa bé đã bớt tím tái, môi nứt nẻ thều thào nói khát nước, bèn ngẩng đầu hỏi mọi người xung quanh:
– Có ai có nước không, nước ấm? – Tôi nhìn quanh – Không thì nước hơi ấm cũng được.
Không ai trả lời, Hải đáp:
– Trên xe có, để tôi đi lấy.
Anh ta rất nhanh trở lại, đưa cho tôi bầu nước. Tôi lấy chiếc khăn tay ngấm nước âm ấm rồi thấm vào môi đứa bé. Sắc da đứa bé có vẻ bớt tím tái nhưng không thể để nằm ở đây được, đứa bé cần nơi ấm áp hơn và cần thầy thuốc gấp.
– Đưa đứa bé vào trong phủ.
Tôi ngẩng đầu nhìn người vừa ra lệnh kia, là Lê Quý Đôn. Ông vừa nói xong thì hai gã người hầu tính đến khiêng đứa bé lên, tôi đưa tay ngăn lại, nói cần một cái cán. Họ hiểu ý, rất nhanh vào phủ lại mang ra một cán tre, hai người hai đầu nhấc nhẹ nhàng đứa bé đang bị bọc trong mớ áo bông đặt lên cán. Sau đó họ cùng khiêng cán vào trong phủ, đứa em vừa lau nước mắt vừa chạy theo. Có lẽ đứa bé đã nhường thức ăn xin được cho em trai mình cho nên cậu ta mới lâm vào tình trạng như vậy.
– Ta đã cho người đi tìm thầy thuốc, cô có muốn vào trong phủ ngồi không?
Lê Quý Đôn nói với tôi, chòm râu của ông rung rung theo từng đợt gió. Tất nhiên tôi muốn vào phủ để xem tình hình đứa bé nhưng nhìn qua đã thấy một vị thầy thuốc ôm hòm khám bệnh chạy vào phủ, có lẽ nhà ông ta ở gần đây.
– Thưa ngài, tôi xin phép được trở về.
Nói xong tôi cúi đầu chào rồi nhắm hướng xe ngựa của mình mà bước đến. Tôi sợ mình sẽ khó xử khi gặp phu nhân nhà Lê Quý Đôn, bà chắc hẳn vẫn còn ghét tôi vì chuyện hôn ước bất thành. Về chuyện đứa bé, đã có thầy thuốc lo, tôi có vào cũng không giúp được gì.
Lên xe ngựa tôi mới nhớ đến giỏ cơm và thẻ bài, bèn nói Hải mang đi trả cho người bên phủ Lê Quý Đôn.
(Tiền Cảnh Hưng Trọng Bửu)
***
Từ ngày gặp lại Trịnh Khải cho đến hôm nay đã năm ngày trôi qua, còn nhớ trưa hôm đó trở về, những người hầu trong phủ nhìn thấy tôi chỉ mặc một áo bông cũ thì há hốc mồm miệng, nhưng giống như lần trước, họ không nói một tiếng nào với mẹ cả. Về phần mẹ cả, dạo gần đây bà rất thường đi chùa, có khi đi từ sáng đến tối mới về, vì vậy tôi đi ra ngoài về trễ giờ cơm trưa bà cũng không biết được.
Tuy chỉ mới chớm đông nhưng trời đã rất lạnh, trong phòng tôi thường phải có một bếp than sưởi ấm. Hôm đó, tôi đang ngồi trên ghế chỉnh sửa những mũi cuối cùng của chiếc khăn quàng cổ bằng len thì Đình Duệ bất ngờ trở về phủ. Một người hầu chạy vào báo cho tôi biết Đình Duệ đang tìm tôi, vừa nói xong đã nghe tiếng bước chân đến gần. Đình Duệ vừa vào cửa phòng đã lên tiếng:
– Đinh Thanh, em càng ngày càng lười biếng phải không?
Nghe giọng châm chọc của Đình Duệ là biết ngay không có việc gì nguy cấp cho nên tôi chỉ bĩu môi không thèm đáp lại, tiếp tục cầm cây kim gỗ móc len vào. Đình Duệ đến ngồi ở ghế, tiện tay rót trà nóng ra ly, thổi thổi rồi uống một hơi.
– Anh Duệ, có chuyện gì? Đừng nói anh rảnh rỗi đi trêu chọc em. – Tôi nói hờ hững, cố gắng hoàn thành những mũi cuối cùng.
Anh nhìn tôi trầm ngâm một hồi rồi nói:
– Anh vừa nhận lệnh từ phủ chúa, trước khi về lại Sơn Nam tạt qua nhà báo cho em một tin.
– Là tin gì? – Tôi ngẩng mặt nhìn Đình Duệ, bỗng dưng cảm thấy hồi hộp.
Đình Duệ ghé sát tai tôi, nói nhỏ:
– Chúa thượng giao cho chú quản việc giam giữ vương tử Tông, nhưng chú vì quá bận nên đã để anh nhận thêm nhiệm vụ này.
– Sao lại như vậy? – Tôi sửng sốt, không lẽ là ai đó đã phát hiện ra Lê Quý Đôn cho tôi vào thăm Trịnh Khải nên chúa mới giao lại việc này cho quận công.
Thấy biểu cảm trên gương mặt của tôi, đôi mày của Đình Duệ nhíu lại, nhìn tôi chằm chằm:
– Anh tưởng em sẽ vui?
Vui? Sao tôi có thể vui khi biết Trịnh Khải sẽ gặp nguy hiểm nếu nằm trong sự giám sát của quận công đây? Khoan! Ý của Đình Duệ là tôi sẽ có thể gặp được Trịnh Khải?
– Em có thể gặp được vương tử Tông? – Tôi hỏi gấp gáp.
– Ừ. – Đình Duệ đáp lại sau đó bật cười lớn. – Anh có thể tìm cách cho em vào gặp vương tử, vậy là em có thể báo đáp ơn cứu mạng rồi, không phải nhăn nhó, buồn bã cả ngày nữa.
Tôi thực sự bị Đình Duệ làm cho ngạc nhiên, anh thì ra còn nhớ đến lời nói dối của tôi hôm đó. Đình Duệ vẫn luôn để ý đến sự vui buồn của tôi, anh nghĩ rằng tôi vì không báo đáp được ơn cứu mạng của vương tử mà sinh ra rầu rĩ. Tôi xúc động, nói được ba chữ mà cũng nghẹn ngào:
– Cám ơn anh.
Đình Duệ cười, đưa tay xoa đầu tôi:
– Không có gì báo đáp sao?
– Tặng anh đó, chiếc khăn ùa đông, tha hồ ấm nhé. – Tôi vừa cười vừa đưa chiếc khăn len cho Đình Duệ.
– Mang như thế nào? – Đình Duệ vui vẻ quàng khăn vào cổ. – A, ấm thật.
Tôi nhìn Đình Duệ quấn khăn từng vòng quanh cổ thì bật cười lớn, đứng dậy đưa tay kéo khăn ra:
– Anh định siết cổ đến chết đấy à? – Tôi gấp đôi khăn quàng vào cổ anh, luồn một đầu khăn vào. – Đấy, như thế này vừa đơn giản lại ấm. Đúng không?
Đình Duệ gật gật đầu, sau lại cười xoa đầu tôi mà nói:
– Có em gái thật không tệ.
Tôi nghe thấy thì hếch cằm lên, nhưng trong lòng lại nghĩ: đúng vậy, có anh trai thật không tệ.
***
Sau đó dưới sự đeo bám như đĩa của tôi, Đình Duệ đã không chịu được mà khai ra vài thông tin trước khi cưỡi ngựa đi trấn phủ trấn Sơn Nam. Ra ngày hôm qua, Lê Quý Đôn đã vào xin với chúa thượng để Huy quận công làm nhiệm vụ giam giữ vương tử Tông, lý do thì không rõ nhưng rốt cuộc chúa thượng đã đồng ý giao lại việc này cho quận công.
Chiều hôm đó, tôi quyết tâm rời phủ, mang áo bông dày cộm đến trước nhà Lê Quý Đôn, cố ý đợi ông trở về.
– Tiểu thư, có cần gõ cửa không? – Hải hỏi tôi.
Tôi lắc đầu, tiếp tục đưa tay xoa xoa hai bên má để bớt lạnh. Đang đứng co ro thì nghe tiếng cổng mở, tôi quay đầu nhìn qua, một đứa bé chạy ra khỏi cổng, người cũng mặc một áo bông dày cộm. Đứa bé nhìn thấy tôi thì đứng khựng lại, sau chạy đến gần nhìn tôi bằng đôi mắt long lanh:
– Chị ơi, chị là chị hôm trước cứu anh em phải không? – Giọng nói trong veo của trẻ con khiến tôi thấy ấm áp hơn một chút.
Ra là em trai của cậu bé bị sốc hôm trước, lúc này mặt mũi sáng sủa, áo quần ấm áp nên tôi mới không nhận ra được. Tôi mỉm cười, đưa tay chỉnh lại áo bông của đứa bé rồi hỏi:
– Anh của em đã khỏe chưa?
Đứa bé vòng tay trả lời cẩn thận:
– Dạ, anh của em vẫn còn nằm trên giường, nhưng thầy thuốc nói đã khá hơn rồi ạ.
Tôi cười, quả thật là một đứa bé ngoan, đang tính hỏi thêm thì nghe tiếng của Lê Quý Đôn:
– Kỳ Nam, con làm gì ngoài này?
Đứa bé quay qua cúi đầu chào Lê Quý Đôn, vòng tay trả lời:
– Dạ thưa ông, con xin bà cho ra ngoài chơi rồi ạ.
Lê Quý Đôn gật đầu, đứa bé quay qua chào tôi rồi chạy thẳng đến bên góc đường, nơi đó đã có sẵn vài ba đứa trẻ đang chơi trò chơi. Tôi thu lại ánh nhìn, hướng Lê Quý Đôn chào hỏi.
– Cô có chuyện muốn hỏi? – Lê Quý Đôn vẫn chắp hai tay sau lưng nhìn tôi.
– Thưa, tại sao ngài lại cầu xin chúa thượng để quận công quản việc giam giữ vương tử Tông? – Tôi đã muốn hỏi câu này từ khi nghe được tin từ Đình Duệ.
Ông nhìn tôi, trầm ngâm một hồi mới lên tiếng:
– Tiểu thư đã nghe đến câu “Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất” chưa? Ý của ta chính là như vậy.
Nói xong, Lê Quý Đôn quay người đi đến bên cổng đã mở sẵn, trước khi bước vào còn nói với tôi:
– Sức khỏe của đứa bé rất tốt, cô nếu muốn vào thăm thì có thể đến bất cứ lúc nào, phu nhân nhà ta sẽ không gây khó dễ.
Tôi cúi đầu dạ một tiếng, Lê Quý Đôn bước vào, cánh cổng cũng đóng lại. Ban nãy ông vừa nói gì? “Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”. Ý của ông chính là quận công sẽ không gây nguy hiểm gì cho Trịnh Khải? Tôi tin Lê Quý Đôn sẽ không hại Trịnh Khải, nếu ông đã nói vậy thì chính là như vậy. Thở ra một hơi, tôi quay người lên xe ngựa về lại phủ. Mùa đông đối với người chịu lạnh kém như tôi thật là một cực hình.
Về sau tôi có đến phủ Lê Quý Đôn thăm đứa bé một lần nhưng lúc đó lại không gặp được phu nhân nhà ông, có thể bà biết tôi đến nên cố ý tránh mặt đi. Đứa bé đang dần hồi phục lại, tuy chưa đi lại nhiều nhưng đã có thể ngồi nói chuyện và ăn cháo đặc. Qua hỏi chuyện tôi mới biết được hai đứa bé có cha làm lính ở Phú Xuân, mẹ vừa mất tháng trước lại không có người thân nên hai anh em dắt díu nhau đi tìm cha. Trên đường đi tiền vốn có vài đồng rất mau đã hết, thức ăn xin của người ta thì ít, đứa bé đành nhường cho em mình nên mới ngất đi vì đói.
Đứa bé còn nói, ông đã viết thư gửi đi Phú Xuân báo tin cho cha cậu rồi. Tôi biết ông mà đứa bé nói đến chính là Lê Quý Đôn. Thư báo thường do một người hầu trong phủ cởi ngựa đem đi nhưng thành Phú Xuân xa xôi kia thì không biết mấy ngày mấy đêm mới đến được, dù sao vẫn hơn là để hai đứa bé đi bộ, chưa nói trên đường gặp nguy hiểm mà còn không biết ngày tháng nào mới đến được.
Sau lần đó tôi không đến phủ Lê Quý Đôn thêm lần nào nữa, một phần là tôi không cần phải lo cho đứa bé, chúng được phu nhân nhà Lê Quý Đôn chăm sóc rất tốt. Một phần là tôi vẫn cảm thấy xấu hổ vì vụ hủy hôn và cũng không có lí do gì để quay lại.