Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng

Chương 3: Tái Ngộ​


Bạn đang đọc Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng: Chương 3: Tái Ngộ​


Lúc tôi mở mắt ra đã là đầu giờ chiều. Tôi vẫn đang nằm trên giường của Đinh Ngọc, xung quanh không có ai. Có lẽ thấy tôi bệnh lâu ngày nên mới dễ dàng để một tiểu thư lười biếng ngủ ngày như vậy. Tôi tụt xuống giường, mang giày rồi đi ra cửa. Mặc dù buổi trưa ăn khá no nhưng ngủ dậy, tôi lại thấy hơi thèm ăn. Tôi liền đi về phía nhà bếp.
Kéttttt…
Cánh cửa bằng gỗ được mở ra, một người hầu đang xách giỏ rau đi vào. Người hầu nhìn thấy tôi chỉ cúi đầu chào rồi đi thẳng vào bếp. Tôi nhìn cánh cửa vừa khép lại kia, lòng mừng không nguôi. Thì ra trong phủ có lối cửa sau, chắc chắn đây là lối đi dành cho gia nhân trong nhà.
Tôi nhìn quanh, không có ai, liền đi nhanh đến bên cửa.
Kéttttt…
Cánh cửa mở ra, tôi luồn người ra ngoài và đóng nó lại ngay lập tức. Tôi khẽ thở phào, cười thầm, đây cũng được tính là trốn đi chơi.
Cánh cửa sau thông ra một con đường nhỏ, rất ít người qua lại. Tôi đi dọc theo bờ tường, rồi theo lối mòn thì ra đến một con đường lớn đông đúc. Lần này tôi đi chậm rãi ngắm nhìn cảnh vật và con người của thời này.
Người người đi qua đi về, đàn bà có người cắp rổ bên nách, đàn ông có người ở trần vác cuốc trên vai, người kéo xe hàng, người đội khay bánh trên đầu… rất đông đúc nhưng lại rất nhịp nhàng, không quá ồn ào lại không khói bụi. Quả thật môi trường thời này chưa bị ô nhiễm, rất trong lành.
Tôi thong thả vừa đi vừa ngắm, dọc theo con đường dẫn ra cổng thành. Vừa bước ra cổng thành tôi đã bị một bức tranh đồng quê ập thẳng vào mắt. Trên kia là bầu trời xanh thẳm, vài đám mây trắng bồng bềnh. Bên dưới là đồng ruộng vàng ươm, rộng mênh mông bát ngát, ở giữa cánh đồng là con đường đất kéo ra đến vô tận, hàng cây bạch đàn hai bên đường xanh tỏa bóng mát. Trên con đường đất giữa ruộng, xe kéo, ngựa, người đi lại khá đông vui. Tôi rẽ vào con đường nhỏ ít người, có hàng tre xanh phủ bóng. Đi được một đoạn thì thấy một cái ao lớn giữa đồng, trong ao có hoa sen đang nở, bên bờ ao lại có một cây đa lớn, xung quanh không có một bóng người. Tôi chậm rãi đến, ngồi xuống một rễ cây lớn trồi trên mặt đất, bên tai chỉ nghe tiếng lá cây đung đưa theo gió.
Thời này thật tốt, cuộc sống yên ả, chỉ tiếc là thiếu điện và internet. Nghĩ đến đây, tôi lại thấy xon xót trong lòng. Không biết lúc này ở hiện đại thân thể tôi đang như thế nào, còn sống hay không? Ba mẹ đã biết tin tôi gặp nạn chưa? Đã hơn mười ngày rồi, không biết đã tìm thấy xác của tôi chưa hay là… Những ngày qua, tôi vẫn chỉ dám nghĩ đến đây, lại không dám nghĩ thêm nữa.
Nhờ tai nạn hi hữu này, tôi cũng đã nghĩ thông một số chuyện. Bí mật kia tôi không nên biết. Dẫu sao ba mẹ đã cho tôi một nơi nương tựa, đã nuôi tôi trưởng thành. Đáng lẽ lúc này tôi nên ở bên cạnh để báo đáp công ơn nuôi dưỡng nhưng tôi lại đang bị mắc kẹt ở đây. Ba mẹ chỉ có mình tôi, mất mát này liệu họ sẽ sống tiếp như thế nào. Chỉ nghĩ đến cũng thấy đau lòng.
Khoan, một ý nghĩ nhất thời nảy ra trong đầu. Tôi vì suýt chết đuối mà quay về thời này, nếu như muốn quay trở lại, không lẽ phải giống như lúc đến?
Nghĩ vậy, tôi cởi giày, xách váy đứng dậy, từ từ đi chân trần đến bên bờ ao. Trước tiên, tôi nhúng thử một chân xuống nước, liền bị nước ngập đến đầu gối. Nếu đi thêm mấy bước nữa, chắc chắn tôi sẽ bị rơi tõm vào vùng nước sâu. Nước ao mát lạnh làm đầu óc của tôi thanh tĩnh. Càng tỉnh táo, tôi lại thêm phần sợ hãi. Phải nói với một người không biết bơi, lại có tiền sử suýt chết đuối thì việc đi từ từ xuống nước để chìm dần là một việc đáng sợ thế nào. Tôi không đủ dũng khí.
Tôi kéo váy lui lại lên bờ, đến bên gốc cây, thở dốc. Tuy rằng đang sợ hãi nhưng trong đầu lại đang có một giọng nói vang đến. “Mày định ở đây luôn sao? Mày không muốn trở về nhà à?” Tôi cắn môi, do dự. Tôi không đủ can đảm để từ từ chìm xuống nước, nhưng nếu tôi đột nhiên rớt ngay xuống vùng nước sâu thì sao?
Nghĩ là làm, tôi bám cành cây thấp leo lên, lại leo lên cành cây to đang chĩa ra ngoài ao. Cây cổ thụ, cành lá chằng chịt nên tôi rất dễ leo, một tay tôi giữ cành cây trên đầu, tay kia bám vào cành cây khác, chân trần đi trên cành to. Tôi đi từ từ cẩn thận ra phía đầu cành, khi nhìn xuống dưới chân thấy nước thì tôi lại bắt đầu chảy mồ hôi lạnh.
Có nên nhảy hay không? Lỡ như tôi không quay về được mà chết đuối ở đây luôn thì phải làm sao? Giờ này xung quanh không có một ai, nếu tôi nhảy xuống, chắc chắn sẽ chết, không ai cứu. Tôi lại nhớ đến cảm giác vùng vẫy bất lực trong nước. Tôi không tự giác cứ đi lùi dần về phía sau.
Đang suy nghĩ thì tôi bị một lực kéo rất mạnh về phía sau rồi ngã người xuống phía dưới. Miệng chỉ kịp la một tiếng “Áaaa”.

Kì lạ là tôi chỉ thấy hơi chóng mặt nhưng ngã không hề đau một chút nào. Một người nào đó đang một tay ôm lấy eo của tôi, cả người tôi đều dựa vào ngực của người đó. Tôi liền cảnh giác cao độ, nhảy tới trước hai bước, quay lại nhìn thẳng vào mặt người đó:
– Anh muốn làm gì?
Người đó sau khi có chút bất ngờ vì hành động của tôi, cũng bình tĩnh nhìn lại tôi. Là anh chàng áo xanh đen ban sáng. Sao lại trùng hợp như vậy.
– Tiểu thư, tôi mới là người phải hỏi nàng câu đó. Nàng muốn quyên sinh sao?
Quyên sinh? Tôi nhanh chóng hiểu ra, anh ta nhìn thấy tôi muốn tự tử. Cái cảm giác bị phát hiện làm việc xấu chính là đây, tôi xấu hổ nhưng vẫn cố vớt vát:
– Không có. Tôi trèo lên đó ngắm sen cho rõ. Anh chỉ cần gọi tôi là được rồi, có cần kéo mạnh thế không? Làm tôi sợ muốn chết.
Anh ta có vẻ bất ngờ với câu trả lời của tôi:
– Ta đã gọi nàng mấy lần. Nàng không nghe thấy sao?
– Không. Tôi đang tập trung ngắm sen sao nghe thấy được. – Tôi thực sự không nghe thấy gì cả.
Tôi bước đến nhặt giày mang vào chân, tay phủi phủi tà áo trước cho thẳng. Anh ta đứng nhìn một loạt hành động của tôi, rồi hừ một tiếng trong miệng. Anh ta giũ mạnh tay áo, quay người bước đi. Tôi thực sự ngạc nhiên, con trai thời này thật hết thuốc chữa, có cần ra vẻ thế kia không. Tôi liền chạy đến kéo tay áo anh ta lại:
– Này anh kia, anh đi đâu vậy? Anh hù tôi sợ muốn chết rồi bỏ mặc sao?
Nói xong câu này, tôi thấy mặt tôi có vẻ dày thêm một phân. Anh ta nhìn tôi rồi lại nhìn xuống cái tay tôi đang nắm áo anh tôi. Nhìn lên nhìn xuống rồi thả một câu:
– Tiểu thư, nam nữ thọ thọ bất tương thân. Nàng đã không muốn quyên sinh, vậy ta tránh đi để nàng tự do ngắm sen.
Nghe anh ta nói thản nhiên làm tôi xấu hổ thêm, nhưng càng xấu hổ, con người ta lại càng muốn dày mặt. Tôi càng cầm chặt tay áo anh ta, nói mạnh miệng:
– Được, công tử nói rất đúng. Nam nữ phân biệt. Vậy lúc nãy công tử ôm lấy eo tôi thì sao?
Anh ta lại tỏ vẻ mặt ngạc nhiên, rồi hơi nhíu mày, day day trán, nói:
– Tiểu thư, đó là hiểu lầm nên mới chạm người nàng. Dù sao đó cũng là cứu nàng.

Tôi mặt dày thêm nữa:
– Tôi không biết, công tử đụng vào người tôi, phải đền bù, không đền bù, tôi la lên để người khác biết có người ăn hiếp phụ nữ giữa ban ngày.
Anh ta chắc chắn lần đầu tiên bị ăn vạ thế này, đỏ mặt, tức giận:
– Được, nàng nói đi. Nàng muốn gì?
Tôi đổi bộ dáng, thả tay áo đang nắm ra, cười hì hì:
– Công tử mời tôi ăn gì ngon là được.
Anh ta làm bộ nghe không rõ, hỏi lại:
– Ăn?
– Phải, tôi đang thấy hơi đói.
Vừa nói, tôi vừa làm bộ dáng tội nghiệp, tay sờ sờ bụng. Anh ta nhìn thấy, tỏ vẻ bất lực:
– Được.
Tôi nghe vậy, mắt sáng, cười nịnh nọt đi theo bên cạnh. Vừa đi vừa huyên thuyên:
– Công tử không phải người ở đây đúng không? Vậy anh có biết quán ăn nào ngon không?
Anh ta liếc mắt tôi một cái, lại im lặng đi tiếp. Tôi bĩu môi, có cần lạnh lùng thế kia không? Tỏ vẻ cao ngạo à, tính tuổi thật có khi tôi còn hơn tuổi anh đấy, nhóc con. Tôi mặc kệ anh ta, vừa đi vừa lấy tay áo che nắng trên đầu.
– Trời nắng thế này uống nước đá là tuyệt nhất. Mà lại quên, thời này làm gì có tủ lạnh. Mà có tủ lạnh cũng không có điện chạy. Không biết khi nào Việt Nam mới có điện nhỉ? – Tôi lầm bầm trong miệng mà quên mất anh ta có thể nghe thấy.
Quả nhiên, anh ta nghe được. Anh ta đứng khựng lại, nhìn tôi rồi nói:

– Nàng nãy giờ là đang nói gì vậy? Ta nghe không hiểu gì cả.
Tôi cào cào tóc, thật ngượng, tôi lại nói linh tinh, nhiều từ lạ như vậy, anh ta nghe không hiểu cũng phải thôi. Tôi tìm cách đổi đề tài:
– Anh, à không, công tử tên gì?
Anh ta mím môi, suy nghĩ khoảng năm giây, rồi trả lời nhẹ bẫng:
– Trịnh Khải. Còn nàng?
– Hoài An. – Tôi trả lời theo phản xạ mà quên mất rằng tôi lúc này không còn là Hoài An nữa. Tôi đang là Đinh Thanh. Mà thôi, cũng chỉ là cái tên. Vốn dĩ cái tên Hoài An kia cũng không thuộc về tôi.
– Nàng là tiểu thư nhà ai? Người hầu của nàng ban sáng đâu? – Trịnh Khải vừa đi vừa hỏi.
Nếu là Đinh Thanh thì là con nhà quận công Huy rồi, nhưng Hoài An thì không phải. Tôi đành trả lời qua loa:
– Tôi không phải người ở đây. Người hầu của tôi đang bận.
Tôi trả lời xong lại thấy mình thật thông minh. Cả nhà quận công không phải người trấn Nghệ An, vì vậy Đinh Thanh tất nhiên không phải người ở đây rồi. Tôi lại càng không phải người ở đây. Nghĩ kiểu gì cũng thấy hợp lý.
Anh ta nghe xong câu trả lời mập mờ của tôi cũng không hỏi thêm gì nữa. Sau đó tôi và anh ta im lặng đi bộ ra đường lớn. Đến một quán nhỏ, trên treo một tấm bảng viết chữ Hán. Tôi là người hiện đại, không biết chữ Hán cũng đương nhiên, do đó quay qua hỏi anh ta:
– Trên đó viết gì vậy?
Anh ta nhìn tôi một cái rồi đi vào, quán lúc này chưa có khách. Trịnh Khải chọn ngồi một bàn gần cửa sổ, tôi lại ngồi đối diện. Anh ta lại nhìn tôi:
– Tiểu thư không biết chữ?
Tôi lấp liếm:
– Không phải chỉ có mấy chữ ngoằn ngoèo thôi sao. Tôi không học thì tất nhiên không biết rồi. Rốt cuộc công tử cũng không biết chữ sao? Nếu biết thì trả lời là được rồi.
Anh ta cười nhạt:
– Tiểu thư nàng nói nhiều thật. Tấm bảng kia viết “Thanh Phong Quán”.
Tôi gật gù:
– Không ngờ thời này đã có người biết xây dựng thương hiệu rồi. Quán ăn nhỏ mà đặt tên hay như vậy.

– Xây dựng thương hiệu? Nàng đang nói gì vậy? – Anh ta lại trưng ra vẻ mặt không hiểu.
Tôi biết tôi lại nhanh miệng nói linh tinh, tất nhiên những cụm từ của hiện đại không thể nói ở thời này, nếu không có ngày tôi bị tống vào nhà thương điên mất. Tôi liền cười giả lả:
– À đó chẳng qua là mấy từ địa phương ở nơi tôi sống thôi, nó nghĩa là khen quán tên hay đó mà.
Một anh chàng ở đâu đứng bên bàn nãy giờ nghe được liền cười khì khì, nói:
– Dạ tên đó là tên do ông chủ, chồng của bà chủ quán đặt ra. Ông chủ ngày trước có lên kinh ứng thí nhưng mãi không đậu. Bà chủ mở quán cơm kiếm tiền nuôi ông chủ học hành. Ông chủ chỉ đặt một cái tên, bà chủ liền cho người làm tấm bảng treo ở cửa vào.
Tôi lắng tai nghe anh ta nói một lèo, biết anh ta là người phục vụ của quán, chuyện anh ta kể cứ như truyện cổ tích, chỉ cần khách nào thắc mắc có thể nói ra một lượt, không vấp một từ. Tôi cười lại với anh ta, “à” một tiếng thể hiện thích thú. Nhưng ai đó mặt lạnh lên tiếng:
– Mang những món ngon của quán ra đây. Thêm một bầu rượu.
– Dạ có ngay. – Anh chàng phục vụ cười trả lời rồi lủi vào trong.
Sau đó là một hồi im lặng trong khi chờ thức ăn. Tôi lại quan sát kĩ một chút quán ăn nhỏ này. Cả quán có tất thảy chưa tới mười bàn, bàn làm bằng tre, ghế cũng bằng tre nứa. Mái ngói, vách được đắp đất bùn ở dưới, phần trên được che chắn bằng tre đan từng thếp. Cửa sổ lớn ở cả trước và sau nên quán không hề tối chút nào, lại nhìn ra được đường phố bên ngoài nhộn nhịp.
Tôi nhìn quán, nhìn phố xá lại nhìn vào người ngồi trước mặt. Anh ta ngồi thẳng thớm, hai tay để trên gối, gương mặt tuấn tú kia lạnh nhạt nhìn thẳng vào tôi. Tôi không biết anh ta đang nghĩ gì trong đầu, sao lại nhìn tôi chằm chằm như đang soi mói tôi vậy. Tôi liền giả vờ nhìn xuống bàn, rồi lại nhìn ra phố.
Khi tôi đang suy nghĩ nên nói gì để anh ta thôi nhìn tôi thì thức ăn được mang đến. Một dĩa rau xào lòng gà, nửa con gà nướng và một bầu rượu. Chủ quán này tay nghề rất khá, thức ăn mang lên thơm ngào ngạt khiến bụng tôi sôi ùng ục. Tôi tay cầm đũa, tay cầm chén, nhìn anh ta, cười ngọt:
– Ăn thôi.
Anh ta liếc tôi một cái rồi cầm bầu rượu rót vào ly, mang lên miệng nhấp một cái. Tôi bĩu môi, còn trẻ mà tướng đã như ông cụ. Mặc kệ, tôi cứ ăn trước đã. Tôi tập trung toàn bộ tinh lực lên các món ăn, không cần để ý xung quanh. Gắp, lại gắp, đến khi giữa chừng ngẩng mặt lên thì mới phát hiện ra người đối diện tôi chưa ăn miếng nào. Anh ta ngoài nhấp ngụm rượu ban đầu thì không hề đụng đũa. Tôi nghĩ nghĩ, dù sao bữa ăn này cũng là bắt anh ta trả tiền, không thể một mình ăn hết, liền cầm đũa, gắp một miếng thịt gà bỏ vào chén anh ta, cười:
– Công tử không ăn thử sao? Rất là ngon nha.
Anh ta có vẻ hơi bất ngờ, nhìn miếng thịt trong chén rồi lại nhìn tôi:
– Tiểu thư, ta không đói. Nàng cứ ăn một mình đi.
Tôi hừ một tiếng, đoán chắc anh ta chê đũa tôi dơ nên không dám động đũa vào miếng ăn tôi vừa gắp. Nghĩ sao làm vậy, tôi gắp lại miếng thịt từ chén anh ta bỏ vào chén của mình, rồi ăn trước gương mặt ngạc nhiên của anh ta.
Ăn xong miếng thịt, tôi cũng buông đũa. Tôi lại tò mò, không biết rượu ở đây có ngon không, tôi đem bầu rượu rót một ít vào ly, đưa lên miệng nhấp thử. Cay xè, không ngon tí nào. Tôi nhăn mặt, dẫu sao cũng không bằng rượu nho mà lúc ở hiện đại tôi hay uống trộm của ba.
– Hoài An, nàng không giống một tiểu thư khuê các, không có một điểm nào hiền thục.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.