Đọc truyện Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7 – Chương 32
Bình thường chỉ cần Ye Seung làm như thế, bố sẽ quay lại nhìn cô bé ngay tắp lự, như một thứ ma lực kỳ diệu. Nhưng Yong Goo đã biến mất nơi ngã rẽ kia, hoàn toàn không quay đầu lại. Người bố mà dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào, chỉ cần Ye Seung gọi là sẽ nghe thấy và lập tức quay trở lại, giờ đã đi mất thật rồi.
Khoảnh khắc đó Ye Seung đã hiểu ra tất cả.
Ý nghĩa của những câu cảm ơn, câu chào tạm biệt. Những nỗi buồn lạ lùng cứ chồng chất nặng nề buổi sáng nay.
Bây giờ không thể gặp bố được nữa rồi.
“Bố, bố… bố ơi!”
Ye Seung nắm chặt song sắt và gào lên trong nước mắt. Tiếng khóc rất lớn. Điều Yong Goo sợ nhất trên đời này là tiếng khóc của Ye Seung.
Yong Goo vừa được Min Hwan và quản giáo Kim đỡ dậy thì bên tai vang lên tiếng khóc của Ye Seung, tiếng khóc thương tâm như ăn mòn hết tâm can, Ye Seung đang khóc. Đang vừa gọi bố vừa khóc.
“Ôi! Ye Seung…!”
Yong Goo theo bản năng giằng ra khỏi tay của quản giáo Kim, chạy lại ngã rẽ như một kẻ điên, bằng tất cả sức lực. Trước mắt là cô con gái yêu quý đang khóc đến ngạt thở, việc không thể ở bên cạnh Ye Seung là điều không bao giờ có trong tiềm thức của Yong Goo.
Trong chốc lát Yong Goo đã chạy đến phía trước song sắt, nắm chặt lấy bàn tay của Ye Seung, vuốt ve âu yếm. Nhưng Ye Seung vẫn chưa thôi khóc.
“Bố, bố đừng đi mà! Dù nơi ấy có tốt thế nào cũng đừng đi! Đừng bỏ Ye Seung lại mà đi như thế! Ư hư hư…”
“Ye Seung à! Ye Seung của bố…Ye Seung…con gái của bố…”
Ye Seung níu chặt lấy tay bố. “Bố ơi, bố ở đâu bao lâu cũng được! Thỉnh thoảng Ye Seung đến gặp bố là được mà phải không! Con có thể đến trường một mình, sẽ học tốt, sẽ giữ quan hệ tốt với các chú, sẽ ăn nhiều đậu nữa. Dù bố không thể đến gặp Ye Seung thì Ye Seung cũng sẽ không giận… Bố đừng đi đến nơi đó mà…”
“Ye Seung… Ye Seung ngoan…con gái của bố…”
“Bố ơi, bố không được đi đâu… không được bỏ Ye Seung mà đi đâu…”
“Ừ, bố sẽ không đi đâu hết. Ye Seung nhà mình… là đứa trẻ ngoan…”
Yong Goo thì thầm xoa dịu Ye Seung, đột nhiên quay lại, cúi gập người, cầu xin như một kẻ điên với Min Hwan và quản giáo Kim đang chạy đến đằng sau.
“Xin lỗi! Tôi xin lỗi!” Yong Goo hét lớn đến lạc cả giọng. “Xin lỗi! Tôi xin lỗi!”
Cổ họng như vỡ ra, và nước mắt của thế tuôn dào dạt. Yong Goo hình như cũng không hiểu bản thân mình đang làm gì.
Gương mặt của Min Hwan tràn ngập sự đau khổ không thể kìm nén. Và nét mặt của quản giáo Kim cũng vậy. Anh ta lấy tay che khuôn mặt đăng mếu máo của mình và giấu đi những giọt nước mắt đang đua nhau chảy. Quản giáo Kim từ lúc nào đã không thể nhìn thẳng vào Yong Goo và phải quay đầu đi, đôi vai run run cố kìm nén tiếng khóc.
Yong Goo quỳ gối xuống mà không cần biết những người đang ở trước mặt mình là ai. Anh ta dập đầu xuống nền đất lạnh ngắt của trại giam, rồi hét lên.
“Tôi sai rồi! Tôi xin lỗi! Xin hãy cứu tôi với… Tôi đã sai rồi, xin cứu với! Tôi xin lỗi… Tôi xin lỗi… Tôi sai rồi…”
Tiếng van xin vang vọng khắp dãy hành lang. Phía đằng sau Ye Seung cũng đang ngồi bệt dưới nền đất khóc nấc lên từng cơn. Mọi tù nhân khác trong dãy phòng giam chỉ biết cúi đầu, nín thở lắng nghe tiếng khóc của hai cha con.
Ngày hôm ấy bỗng nhiên tuyết rơi dày bên ngoài cửa sổ, không một tiếng động.
Chương kết: Sự kiện biện hộ số 97-0223
Ngày 18 tháng 1 là sinh nhật của bố.
Vào hôm ấy, cùng với sự giúp đỡ của cô, lần đầu tiên trong đời tôi đã nấu món canh rong biển. Khi tôi hỏi canh có ngon không, cô đáp rằng đây là lần đầu tiên được ăn món canh rong biển ngon như vậy và cứ hết lời khen ngợi. Tôi mới có 8 tuổi, vẫn còn quá nhỏ để có thể đánh giá được vị ngon của nó thế nhưng nghe cô nói như vậy, tôi thấy thích thú vô cùng.
Món canh rong biển đó đã gắn kết chú Min Hwan và các chú phạm nhân trong trại giam. Chú Min Hwan đã cùng ăn với họ. Bởi tôi không thể vào trong đó nữa nên đành dùng cách chuyển đồ ăn vào. Theo lời của chú quản giáo thì các chú trong phòng giam số 7 đã rất vui khi ăn canh rong biển do chính tay tôi nấu, nên tự dưng tôi cũng thấy tự hào về bản thân mình.
Có lẽ các chú ấy đã khóc thành tiếng cũng nên. Sau khi tự mình hoàn thành hết mọi việc nấu canh rong biển, chuyển canh vào trại giam, và quay về nhà thì tâm trạng tôi trở nên rất tốt. Tôi ngồi trên xe chú Min Hwan và tự lẩm nhẩm hát bài Thủy thủ mặt trăng. Trước khi trở lại nhà chú – nơi ấy giờ đã thành nhà của tôi, tôi mang nhật ký của mình ra viết.
Hôm nay là sinh nhật của bố. Con đã cùng các chú…
Viết được hết một dòng thì nước mắt bắt đầu chảy ra. Tôi vội lấy tay áo lau đi những giọt nước mắt đã nhỏ lên trang nhật ký mới, lau đi lau lại. Những dòng chữ trở nên nhòe nhoẹt nên tôi phải tẩy hết đi và viết lại. Thế nhưng nước mắt cứ thế chảy ra.
Hôm nay là sinh nhật lần thứ 44 của bố. Nhưng bố mãi mãi vẫn chỉ ở tuổi 43. Sau này Ye Seung trở thành người lớn rồi không biết có là bạn của bố không nhỉ? Bố ơi… Vậy Ye Seung có thể chấp nhận việc này được không?
Nhật ký từ lúc nào đã trở thành những bức thư dành cho bố. Viết xong rồi mà tôi vẫn chưa thể ngừng khóc, cô bước tới ôm chặt tôi vào lòng. Ngày hôm ấy tôi đã phải ngủ cùng cô. Mặc dù hứa sẽ không khóc nữa nhưng tôi đã không thể giữ lời, chú Min Hwan nhìn tôi với ánh mắt còn đau đớn hơn gấp bội.
Trong giấc mơ đêm hôm ấy, tôi thấy bố nắm tay mình bước vào phòng giam số 7 . Ở đó có một chú đang quay lưng về phía chúng tôi, những người còn lại thì đang gập người chào chú ấy. Tình tiết y như ngày 23 tháng 12. Trong lúc rối rắm ấy, tôi thấy bố chào, cũng bắt chước chào theo như một con vẹt.
Khi đó tôi đang ngây dại tìm lý do, không hiểu sao các chú ấy lại khóc không ngừng như thế. Và trong giấc mơ, tôi cũng khóc.
Trên hành lang cũng vậy. Bố đã không nói lời tạm biệt tôi. Nhưng tôi thì đã chào tạm biệt bố. Khi ra ngoài, người đề nghị phải cẩn thận luôn luôn là tôi, thế nhưng khi đó bố đã nắm lấy tay tôi và nhắc đi nhắc lại rằng bố phải đi một mình.
Trong giấc mơ tôi đã khóc. Nhưng vì không muốn bố lo lắng nên cứ phải gật đầu.
Mấy ngày sau sinh nhật bố, những món quà từ các chú trong trại giam được chuyển đến. Đây là quà sinh nhật muộn của bố. Không biết các chú đã kiếm đâu ra chiếc bánh gato xinh xắn và những cây nến được gói rất đẹp. Tôi nhìn chiếc bánh chú Min Hwan đang cầm trên tay và nở nụ cười.
Không có bố, nhưng tôi cùng các chú vẫn tự tay tổ chức một bữa tiệc sinh nhật nho nhỏ. Và bữa tiệc ấy là bữa tiệc cuối cùng.
Tôi đã lớn lên một cách bình thường đúng như ước nguyện của bố. Chú Min Hwan và cô đã trở thành bố mẹ mới của tôi. Giờ thì không ai còn trêu đùa tôi là con gái của kẻ ngốc nữa. Cũng không có đứa nào bảo tôi là đứa mồ côi mẹ. Sau mỗi buổi tối học ở trường là tôi lại đến trung tâm để học piano và học hát. Tôi đã tốt nghiệp tiểu học, trung học, cấp ba và đỗ vào Đại học.
Khoảng thời gian 15 năm đã trôi qua vô tình như thế.
* * *
“Người biện hộ vì muốn rửa sạch tội trạng cho bị cáo Lee Yong Goo… Người đã bị lĩnh án tử hình một cách rất oan ức… nên mới ở đây!”
Cả phiên tòa bao trùm một bầu không khí yên lặng đến tột độ. Không ai nói một lời nào. Cả thẩm phán cũng lộ vẻ mặt căng thẳng, kiểm sát viên cũng cúi gằm mặt xuống. Tất cả đều yên lặng nhìn tôi. Dù đã cố gắng để giảm đi sự phẫn nộ đang tăng dần lên và bóp nghẹt trái tim tôi nhưng đến cuối cùng giọng nói tôi là vỡ rạn ra như thế.
Tôi quay đầu nhìn bồi thẩm đoàn và những người tham dự phiên tòa. Các chú trong phòng giam số 7 khi xưa và người bố thứ hai của tôi đang nhìn tôi với ánh mắt động viên đầy khích lệ. Trên đuôi mắt họ đã xuất hiện những nếp nhăn sâu và ửng đỏ. Tôi đang phải nắm chặt hai tay với nhau để trấn tĩnh lại vì cơ thể cứ run lên bần bật.
Và nói những lời biện hộ cuối cùng một cách từ tốn và rõ ràng.
“Mục đích cuối cùng của pháp luật là tìm ra công lý. Tôi đã phải đặt ra câu hỏi, rồi lại tiếp tục đặt ra câu hỏi vì bị cáo. Tôi rất uất ức khi không biết những chứng cứ đã được tìm ra có chính xác hay không. Chúng ta phải cùng nhau giữ gìn sự công minh, chúng ta có mặt ở đây cũng vì chân lý ấy, pháp luật ra đời và tồn tại cũng vì thế. Do đó người biện hộ là tôi đến đây vì bị cáo Lee Yong Goo…”
Đây là câu nói mà tôi đã muốn hét lên trong ngày hôm đó – phiên tòa của 15 năm trước.
“… Để đòi lại trong sạch cho bị cáo.”
Tôi hít thật sâu để ngăn dòng nước mắt đang chực trào ra. Không khí phiên tòa vẫn bao trùm trong yên lặng.
Câu chuyện của ngày tuyết rơi 23 tháng 12, câu chuyện của bố con tôi đến đây là kết thúc.
Không mất nhiều thời gian cho đến khi thẩm phán quay trở lại phòng xét xử. Tôi nhìn thẩm phán và kiểm sát viên đang đứng dậy. Chủ tọa phiên tòa ở phía trên cầm búa lên và nói bằng giọng nghiêm trang.
Nguồn ebook: https://.luv-ebook.com
“Bị cáo Lee Yong Goo bị xét xử là người hãm hại trẻ em, có những hành vi tàn bạo và không chấp hành luật pháp. Cảnh sát đã lợi dụng Lee Yong Goo bị thiểu năng trí tuệ nên đã ép Yong Goo phải điểm chỉ bằng dấu vân tay. Căn cứ vào những chứng cứ và lời khai, việc kết luận bị cáo đã bắt cóc, hãm hiếp và sát hại Choi Ji Young là không đủ chứng cứ.”
Giọng của thẩm phán trở nên mềm mỏng hơn. Và ông ta vừa nói vừa nhìn vào khuôn mặt đang bừng sáng, ngập tràn niềm vui của tôi.
“Bộ Tư pháp, cơ quan được lập ra để bảo vệ quyền con người nhưng đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Xin gửi lời xin lỗi sâu sắc đến bị cáo Lee Yong Goo, người mà chúng tôi đã xử án oan. Tôi nói điều này để mọi người thấy rằng, công lý trên đời vẫn có thể tìm ra, xin mọi người hãy tin niềm tin vào công lý. Có lẽ đã muộn nhưng chúng tôi vẫn mong bị cáo Lee Yong Goo có thể yên nghỉ. Quan tòa có mặt ở đây hôm nay, xin được rút lại bản án tử hình với bị cáo Lee Yong Goo, và tuyên bố bị cáo Lee Yong Goo…”
Thẩm phán nhấc chiếc búa lên bằng tay phải.
“Vô tội!” Cốp cốp cốp!
“U oa oa oaaaaa…”
Những người bạn ào ra ôm lấy tôi. Tôi thần người đứng một lúc, nhìn về phía thẩm phán người đang nở một nụ cười nhân từ về phía mình. Trong tai tôi vang lên tiếng hoan hô nhiệt liệt của bạn bè cùng khóa, tiếng đèn flash của máy ảnh ở khắp mọi nơi nhưng tôi không nghe thấy gì hết cả.
“Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn tuế!”
Từ phía sau các chú đang hô to ba lần từ vạn tuế. Người bố thứ hai của tôi thì chỉ nhắm mắt ngồi yên dựa lưng vào ghế với vẻ mặt nhẹ nhõm.
Họ đã tuyên bố vô tội rồi. Tuyên bố rồi. Vô tội! Tôi cứ lẩm nhẩm mấy lần câu nói ấy. “Bố ơi…”
Bạn bè vây xung quanh, nước mắt tôi cứ chảy ra. Bây giờ mọi chuyện đã xong rồi. Lúc nãy tôi đã khổ tâm rất nhiều, đến cả những người bạn đang an ủi mình tôi cũng không cảm nhận được. Dù đó không phải là phiên xét xử thật của 15 năm về trước mà chỉ là phiên tòa mô phỏng. Nhưng bố đã nhận được phán quyết vô tội, điều mà đáng ra bố phải nhận được khi đó.
Tôi đã mơ biết bao nhiêu lần khoảnh khắc này.
Tôi đã nghĩ đến điều ấy mỗi đêm. Bố tôi sau khi nhận được phán quyết vô tội, đã rất vui mừng ôm tôi đang cười hạnh phúc vào lòng.
Nếu vậy thì bố con tôi sẽ nắm tay nhau cùng hát bài Thủy thủ mặt trăng và quay trở về căn phòng nơi chúng tôi đã sống trước đây. Bố sẽ lại cầm bình nước nhỏ rồi đến siêu thị làm việc. Tôi sẽ đeo chiếc cặp Thủy thủ mặt trăng – chiếc cặp không biết bố đã tìm mua được như thế nào và đến trường.
Nước mắt tôi cứ thế chảy ra không ngừng làm mọi thứ trước mắt mờ đi. Tôi vuốt ve bức ảnh bố trên sổ thông tin phạm nhân đã bạc màu. Bố đang cười rất tươi. Bố lúc nào cũng cười với tôi bằng nụ cười trong sáng và nói âu yếm.
“Ye Seung nhà mình, là một đứa bé ngoan…”
* * *
Sau khi kết thúc phiên tòa và ra ngoài, tôi nhìn thấy những bông tuyết lớn đang rơi y như ngày đó 15 năm trước. Tôi ngẩng cổ lên ngước nhìn bầu trời mờ tuyết. Tuyết cứ bắt đầu rơi tôi lại nhớ đến bố, người thấy tuyết còn vui hơn cả đứa trẻ như tôi. Mùa đông năm đó, buổi sáng của tôi bao giờ cũng bắt dầu bằng lời chào những bông tuyết của bố.
Ye Seung à, bên ngoài tuyết đang rơi rồi này!
Bố sẽ thốt lên như vậy khiến tôi đang nằm trong chăn sẽ ngay lập tức bật dậy, chạy ra đứng sát vào cửa sổ. Nếu không trèo lên trên thì tôi không thể nhìn thấy nên bố lúc nào cũng phải bế lên cho tôi nhìn ra thế giới trắng xóa bên ngoài.
Thật hạnh phúc.
Những ký ức về bố trong tôi luôn nhuộm đầy một màu hạnh phúc.
Tôi đang cùng bố nuôi và các chú trong phòng giam số 7 đi ô tô đến nghĩa trang nơi bố yên nghỉ để báo tin vui cho bố. Trên tay tôi đang cầm bức ảnh kỷ niệm được chụp sau khi kết thúc phiên tòa mô phỏng. Thẩm phán với nụ cười nhân từ đang giơ ngón tay cái lên hướng về phía tôi, và công tố viên, các bạn học, các chú, bố nuôi. Tất cả mọi người đều đang cười rất tươi.
Tại khu nghĩa trang, những bông tuyết lớn cũng đang rơi. Bước lên lớp tuyết mỏng, chúng tôi đi vào nơi bảo quản tro cốt. Khi bước vào, ánh sáng đang chiếu rực rỡ qua tấm kính màu trên trần nhà vào bên trong, tôi tiến đến hộp tro có ghi trên đó dòng chữ Lee Yong Goo và đứng lại lấy tay lau nhẹ nhàng bảng tên. Bố cũng hay vỗ về, vuốt ve tôi một cách âu yếm và thận trọng như vậy khi tôi còn bé.
“Ầy, cái gì mà nhiều thế này.”
Chú Đại ca thò đầu vào từ phía sau. Bên cạnh hộp tro của bố là rất nhiều thiệp, ảnh, và những bông hoa được làm bằng giấy màu đã được để sẵn ở đó từ bao giờ. Tất cả đều là những thứ tôi đã mang đến. Sinh nhật bố, ngày của bố, ngày Noel thì đương nhiên rồi nhưng cả những dịp như lễ tốt nghiệp hay lễ nhập học tôi cũng đến và mang theo những thứ ấy.
“Hàng năm cháu đều đến và mang những thứ này vào à?”
Chú Chun Ho hỏi. Tôi chỉ biết gật đầu ngượng ngịu. Và cả bố Min Hwan cũng bất ngờ nói thêm vào.
“Hàng năm đã là gì. Mỗi khi có việc gì là lại đến. Nó còn bảo là sau này lớn lên sống một mình thì cũng đến nữa…”
“Bố chạnh lòng à?”
Tôi bất ngờ hỏi và cười trêu chọc khiến bố bật cười. Các chú đang mải ngắm nghía từng bức ảnh và tấm thiệp ở cạnh hộp tro nên cũng không có tinh thần.
Trong số đó, tôi cầm lên một bông hoa cẩm chướng bằng giấy được làm rất kỳ công từ lâu rồi.
Tôi nhớ rất rõ bông hoa ấy. Vào ngày của bố năm tôi 8 tuổi, tôi đã làm cái này. Trên dải ruy băng của bông hoa, tôi đã viết một dòng chữ nghiêng nghiêng.
Con yêu bố.
Chú Đại ca đập đập vào vai tôi nói. “Bố Ye Seung giờ thoải mái rồi… Có thể nằm ngủ duỗi hai chân được rồi.”
Tất cả các chú khác đều gật đầu. Tôi đặt bức ảnh và bông hoa cẩm chướng ngay ngắn, thêm cả một bức thư mới mang đi từ nhà.
“Lần tới mang thêm bức ảnh chụp cùng bạn trai đến là được. Tìm một thằng nào chắc khỏe như Yeong Hoon ý!”
Chú Man Bom đột nhiên nói lớn. Tôi cười xấu hổ nhưng bố đã nói bằng giọng rất nghiêm túc.
“Nói cái gì vậy? Vẫn chưa đến lúc đâu.”
“Ui giời, ông bố này thật đáng sợ.”
Chú Đại ca cười to. Các chú khác và cả bố nuôi vừa dời đi vừa phá lên cười. Tôi từ lúc nào đã rẽ sang đường khác, đếm thầm trong miệng “một, hai, ba” rồi bất thình lình quay lại đằng sau.
Ở phía hộp tro cốt, bức ảnh bố được đặt nơi dễ nhìn nhất đang nhìn tôi mỉm cười.