Đọc truyện Diễm Cốt – Chương 2: Họa bì bên hồ Trầm Hương (2)
“Được sinh ra trên đời, lấy chồng, rồi chết đi, ấy chính là cuộc đời của nữ nhi”, Hoa Diễm Cốt đặt cán ô song ngư lên vai, nhàn nhã nhìn gợn sóng trên mặt sông: “Được sinh ra trên đời là do trời định, hôn nhân do cha mẹ sắp đặt, đến cuối cùng, chuyện cô nương có thể lựa chọn dường như cũng chỉ là chết như thế nào thôi…”
Bạch y nữ tử sững người, nghiêng đầu nhìn người con gái mặc đồ đỏ bên cạnh.
Hoa Diễm Cốt cũng đang nghiêng đầu nhìn nàng ta, hoa đào cài trên tóc phất phơ trong gió đến say lòng người, dung mạo của nàng đoạt sắc hoa, còn rực rỡ, kiều diễm hơn cả mười dặm hoa đào.
“Cả đời chỉ có thể chết một lần.” Nàng liếc mắt nhìn bạch y nữ tử, khẽ cười nói: “Cả đời cô nương cũng chỉ được chọn một lần này…chết vội vàng, thậm chí nực cười như vậy, cô nương cũng cam tâm hay sao?”
Sang một tuần trà, bạch y nữ tử đã ngồi trong Hồng Dược đường của Hoa Diễm Cốt.
Hoa Diễm Cốt đưa cho nàng ta chiếc chén sứ ở trong tay mình, cổ tay nàng trắng ngà như sương tuyết, lại mềm mại như không xương, chẳng cần nhìn dung mạo, chỉ cần ngắm bàn tay này thôi cũng đủ khiến người ta khó lòng dời mắt.
Nữ tử kia nhận lấy chiếc chén nhỏ, cặp mắt vẫn ngơ ngẩn ngắm nhìn bàn tay của nàng, sau đó lại than thở: “Nghe nói trấn Trầm Hương có hai vị mỹ nữ, một là Thập Nương Tử ở dưới sông Trầm Hương, hai là Hoa Diễm Cốt ở bên bờ Trầm Hương… Thiết nghĩ, cô nương phải chăng chính là Hoa Diễm Cốt, bà chủ của Hồng Dược đường đây.”
“Kỳ thực ta và Thập Nương Tử vốn chẳng chút liên quan, song không hiểu vì cớ gì mà người đời cứ thích đặt hai chúng ta vào cạnh nhau như vậy.”
Hoa Diễm Cốt khẽ than thở, uống một ngụm trà gừng, rồi đặt chén sứ xuống: “Không biết phải xưng hô với cô nương thế nào, sao lại nghĩ không thông như vậy?”
Bạch y nữ tử nghe vậy, khẽ cắn môi dưới, muốn nói song lại ngập ngừng, mãi lâu sau mới thở dài một tiếng: “Chuyện khuê các vốn không nên truyền ra ngoài, song cô nương đã cứu mạng ta, trông mặt mũi lương thiện, ắt hẳn là người biết giữ miệng.”
“Đương nhiên.” Hoa Diễm Cốt từ từ đưa cánh tay trái lên, hai chiếc vòng ngọc bích đeo ở cổ tay va vào nhanh: “Chuyện này từ miệng cô nương nói ra, sẽ không có người thứ ba biết được,Hoa Diễm Cốt ta xin thề với ông trời.”
“… Ta là Triệu Như Thì.” Bạch y nữ tử cuối cùng cũng mở miệng, nét mày lộ vẻ sầu bi, song vẫn toát ra phong thái thanh tú của nhà quyền quý: “Phụ thân ta là Triệu Khuếch, vốn là Binh bộ tả Thị lang. Năm năm trước, ta được gả cho phú thương Cố Triều Huy của trấn này…”
Hoa Diễm Cốt thực không biết Triệu Khuếch là ai, còn Cố Triều Huy thì nàng đã nghe nói đến.
Cố Triều Huy này tuy không phải là mệnh quan của triều đình, song lại là một hào thương nổi danh thiên hạ, trời Nam đất Bắc, đất liền cho tới hải đảo, đâu đâu cũng đều có thương hiệu của hắn. Dùng cụm từ “vô cùng giàu có” cũng không đủ để hình dung về hắn. Tóm lại, nếu hắn đi trên đường mà bị bùn đất vấy bẩn giày, hắn thậm chí sẽ không chút do dự mà dùng ngân phiếu mấy vạn lượng để chùi. Từ phương diện này mà nói, hắn đã đạt tới cảnh giới xem tiền như rác.
Còn phụ thân của Triệu Như Thì – Triệu Khuếch chẳng qua cũng là vì thích sự giàu có của hắn. Ông ta tuy là tam phẩm Binh bộ tả Thị lang, song đã ở vị trí này mười năm nay, nếu muốn tiến thêm thì phải dùng tiền trải đường. Vì vậy Cố Triều Huy tuy là con lai của người Hồ*, nhưng trong mắt ông ta hắn thậm chí còn đẹp hơn cả An Phan, Tống Ngọc**. (*Người Hồ: dân tộc du mục phương Bắc. ** Những mỹ nam cổ đại của Trung Quốc)
Vậy là nghe theo sự sắp đặt của phụ mẫu và người mai mối, Triệu Như Thì đã được gả cho Cố Triều Huy làm chính thất.
Vốn là khuê nữ nhà quyền quý, đoan trang, hiền thục, tứ đức vẹn toàn, Triệu Như Thì sớm đã chấp nhận cuộc sống được sắp đặt. Cho dù phu quân tương lai là hạng người gì đi chăng nữa, thì nàng ta vẫn luôn ý thức phải giữ bổn phận làm một thê tử.
“… Nhưng ta yêu phu quân của mình, từ thời khắc người đó vén tấm khăn trùm đầu ra thì ta đã yêu chàng rồi.”
Triệu Như Thì nói tới đây thì nước mắt không ngừng rơi chã lã: “Bởi vì ta yêu phu quân, cho nên hy vọng phu quân cũng yêu mình… Nhưng mà đã năm năm rồi, cuối cùng ta cũng phát hiện ra một điệu, nữ nhân có tướng mạo bình thường như ta đây, phu quân căn bản không thèm để ý. Chưa cần kể tới sủng thiếp Liên Liên, mà ngay tới thị tỳ trong nhà thì ai ai cũng kiều diễm như hoa, đẹp hơn ta không biết bao nhiêu lần… Ta không tranh giành được với bọn họ. Ta chỉ có thể hận ông trời không cho mình một khuôn mặt xinh đẹp. Ta rất muốn đổi một khuôn mặt khác, một khuôn mặt còn đẹp hơn cả Liên Liên kia.”
“Vậy thì hãy đổi lấy một gương mặt khác đi.” Hoa Diễm Cốt thổi lá trà trong chén, nhấp lấy một ngụm, nhỏ nhẹ nói.
Triệu Như Thì chợt im bặt, ngước đầu lên nhìn nàng với vẻ kinh ngạc.
Hoa Diễm Cốt đặt ly trà xuống, đứng dậy rời đi. Trong lúc Triệu Như Thì còn đang thấp thỏm bất an, không biết mình đã làm gì sai, và nên xử sự ra sao, thì Hoa Diễm Cốt quay lại, trong tay cầm theo ba chiếc hộp gỗ, người còn chưa đi tới mà mùi hương từ hộp gỗ đàn hương đã xộc vào mũi, khiến cả gian tịnh thất tràn ngập hương thơm.
Ba chiếc hộp gỗ được bày thành một hàng, vẻ mặt Hoa Diễm Cốt lấy làm trang trọng, hai tay chấp lại lẩm nhẩm một hồi, rồi từ từ mở chiếc hộp thứ nhất.
“Á!”
Triệu Như Thì lòng đầy hiếu kỳ ghé mắt lại nhìn, rồi chợt kinh hãi hồn bay phách lạc, hét toáng lên một tiếng, ngồi phục xuống, chén sứ trong tay cũng rớt xuống đất, trà gừng bắn tung tóe khắp nơi.
Bên trong chiếc hộp không ngờ là một tấm “mỹ nhân bì”, mắt mày như họa, nụ cười sống động y như thật.
“Ngươi, ngươi muốn làm gì?” Triệu Như Thì kinh hãi nhìn Hoa Diễm Cốt, cứ như thể ngay một khắc sau đó nàng sẽ hóa thành yêu quái ăn thịt người.
“Không phải ta muốn làm gì, mà là cô nương muốn là gì?” Hoa Diễm Cốt quỳ trước hộp gỗ, mỉm cười nhìn nàng ta, lúm đồng tiền lại lộ ra trông thật đáng yêu: “Xin được giới thiệu lại một lần nữa, tiểu nữ là Hoa Diễm Cốt, nhà ở bên bờ Trầm Hương, là chủ của Hồng Dược đường, không hề tinh thông việc hành y cứu người, duy chỉ có một tuyệt kỹ nuôi thân, đó là họa bì.”
Họa bì sư.
Cái tên chỉ xuất hiện trong những vở kịch và trong những câu chuyện truyền kỳ, giờ lại vang lên trong đầu Triệu Như Thì.
Trong tiểu thuyết truyền kỳ, họa bì sư thường đeo một chiếc gùi trúc trên lưng, hành tẩu khắp nơi, trong chiếc gùi trúc ấy xếp từng chồng từng chồng hộp gỗ đàn hương, trong hộp gỗ là từng tấm da, ngàn vạn loại da khác nhau, loại nào cũng có, nào là phú tiền triều, danh kỹ đương triều, thiếu niên đôi mươi, hay danh sĩ phong lưu…
Còn trong những vở kịch, tiếng đàn ngân vang, tiếng ca trầm bổng, tái hiện lại những câu chuyện truyền kỳ, mà nổi tiếng nhất là vở Ngọc Đài Xuân. Câu chuyện kể về một nữ tử xấu xí và một vị họa bì sư trẻ tuổi yêu nhau, về sau nữ tử kia nhập cung, do tướng mạo xấu xí, cho nên làm việc gì cũng không được như ý, họa bì sư bèn vì nữ tử kia mà ra tay, đổi cho nàng ta một khuôn mặt nghiêng nước nghiêng thành, nhờ đó mà nữ tử kia một bước lên mây, trở thành hoàng hâu, cả đời được sủng ái, vinh hoa vô tận.
“Ngươi là… họa bì sư?” Triệu Như Thì nhìn chằm chằm vào Hoa Diễm Cốt, hô hấp khó khăn, như thể chỉ một câu nói của nàng cũng có thể phán nàng ta chết.
“Phải.” Hoa Diễm Cốt nhướn môi cười: “Tiểu nữ chính là một họa bì sư.”