Đọc truyện Dì Ghẻ – Chương 8: Chùm chìa khoá
Sáng hôm sau Nam chở em đi học như thường ngày, lúc đi xuống cầu thang tầng hai Nam muốn ghé qua phòng chú Đại để chào chú. Nhưng cửa phòng đóng, bên trong điện vẫn chưa bật nên Nam không dám gõ. Có lẽ chú Đại chưa ngủ dậy, đứng trước cửa một lát Nam dắt em xuống tầng dưới. Bố Nam đã dậy từ lúc nào, ông có thói quen dậy sớm mỗi ngày. Thấy hai anh em Nam ông nói:
– Hôm nay bố đi đám cưới với cô Hường ở Quảng Ninh mai mới về. Hai anh em tự nấu ăn nhé. Lát bố bảo cô Hường đi chợ mua đồ ăn hai hôm cho hai con. Con nhớ trông em cẩn thận nhé.
Mụ Hường cũng đã dậy, mụ đi ra ngoài phòng khách. Dường như mụ đã nghe được bố Nam nói. Mụ vội vàng nói thêm vào:
– Sao phải chợ búa làm gì, đồ ăn trong tủ lạnh vẫn còn nhiều. Hôm qua thịt kho đã ai ăn đâu, lại còn thịt nướng hôm kia nữa. Ăn hết đi rồi hãy mua đồ mới. Đổ đi phí của giời.
Nam không nói gì, bố Nam cau mặt nói với mụ Hường:
– Đi hai ngày đấy, các con nó ở nhà phải đầy đủ. Không nói nhiều, lát em đi chợ mua ít thịt với trứng gà để vào tủ lạnh đấy. Mua thịt bò với thịt lợn, lẽ ra anh không đi đâu. Nhưng họ hàng nhà em thêm nữa em không biết lái xe nên anh phải chở. Chứ con cái ở nhà thế này không yên tâm chút nào.
Quay sang ông nói với Nam:
– Chìa khóa nhà bố hay để ở cái rãnh bên tay trái cổng. Con đi học về lấy chìa khóa mở cổng nhé. Tối đến đóng cửa cẩn thận rồi anh em đi ngủ sớm. Bố sẽ gọi điện thoại về kiểm tra.
Nam gật đầu rồi chào bố đi học, mụ Hường đứng đó tỏ thái độ không vui. Như nhớ ra điều gì Nam quay lại hỏi bố:
– À bố ơi thế chú Đại thì sao ạ.?
Bố Nam nhìn Nam cười:
– Chú Đại đi từ lúc 4h sáng rồi con. Chú ấy có việc đột xuất nên đi vội. Chú cũng muốn gọi con dậy nhưng thấy hai đứa ngủ ngon quá nên chú không lỡ gọi. À chú Đại giao chìa khóa phòng cho con này. Suýt thì bố quên, hai anh em từ hôm nay ở phòng chú Đại nhé.
Nam nhận lấy chiếc chìa khóa phòng, mặt nó ngắn tủn lại. Nó tiếc vì không được chào chú Đại. Dắt xe ra ngoài, bé Hạnh thì giục anh nhanh lên kẻo muộn giờ học. Định cong mông lên đạp thì bố Nam chạy theo sau:
– Từ đã, bố cho tiền ăn sáng
Ông rút ra 50k đưa Nam nhưng nó không nhận. Nó trả lời:
– Tiền bố cho con hôm trước con vẫn còn.
Nói xong nó vội đạp xe một mạch vì sáng nay mất khá nhiều thời gian nói chuyện với bố. Trong nhà mụ Hường gọi với ra:
– Anh Tuấn làm gì đấy. Chở con gái đi học hộ em cái. Em gọi cho ông bà bảo gửi con bé bên đó mấy hôm. Chiều bà sẽ đón cháu về, anh giờ chở con đi học rồi mua quà sáng cho con nhé.
Cầm tờ 50k trong tay bố Nam lặng lẽ nhìn hai đứa con của mình đang đạp xe đi xa dần. Thở dài một cái ông đi vào trong, biết là mấy năm nay bố con mới gặp lại. Nhưng dường như có một rào cản vô hình khá lớn đang chắn ở giữa hai bố con. Ngày hôm qua nhìn Nam cười đùa với chú Đại ông Tuấn cũng thèm muốn được nhìn thấy khoảnh khắc con trai cười như thế với mình. Giờ đây ông cảm giác khi ông cố gắng xích lại thì Nam lại càng lùi ra xa. Nó đang đề phòng giống như đối với một người lạ chứ không phải là một người bố. Dòng suy nghĩ của ông bị cắt ngang bởi một thứ giọng chói tai:
– Anh còn đứng đó làm gì nữa. Con nó đợi nãy giờ…Nhanh về rồi vợ chồng mình chuẩn bị đi.
Trên đường đi học Nam nói với bé Hạnh:
– Tối nay chỉ có anh em mình ở nhà. Tối anh mượn gấu cho bé Hạnh chơi nhé.
Tưởng rằng con bé sẽ thích lên mà cười tít mắt, nhưng không, bé Hạnh lặng im không nói gì. Từ hôm nọ đến giờ Nam cũng không thấy con bé vòi vĩnh chơi gấu bông nữa. Nghĩ em bị ốm Nam gặng hỏi lại thì con bé túm chặt áo anh nói lí nhí:
– Em không dám đâu. Chơi là bị đánh đó.
Nam không hiểu con bé đang nói gì, nó nghĩ chắc là do mụ Hường quát hôm nọ nên nó sợ không dám đòi hỏi nữa. Nam trấn an em:
– Không sợ đâu, chỉ có hai anh em mình ở nhà thôi. Bố với cô Hường đi hết rồi, cái Thư cũng không ở nhà. Không ai biết đâu em đừng sợ
Tuy vậy con bé vẫn lắc đầu quầy quậy, đúng là trẻ con lúc đòi thì đòi bằng được, lúc có thì lại không thèm. Chở em đến trường xong Nam vội vã mua cho bé Hạnh nắm xôi khúc và hộp sữa. Nó không quên dặn em:
– Sữa trưa nay phải uống hết đấy nhé. Không cần tiết kiệm đâu, em có nhớ chú Đại cho anh em mình rất nhiều tiền không. À hôm trước bà cũng cho anh tiền nữa đấy.
Nghe đến bà ngoại bé Hạnh mắt sáng bừng, từ hôm về ở với bố đến giờ nó chưa được gặp bà. Nhìn anh bé Hạnh ra điều kiện:
– Em uống hết sữa chiều anh cho em đi bà chơi nhé.
Nam gật đầu, nó cũng muốn về nhà bà ngoại. Ngày mai là thứ 7 hai anh em nó được nghỉ học về bà chơi cũng thích. Để bé Hạnh đi vào lớp nó mới cong mông đạp tiếp đến trường. Vẫn như mọi ngày nó không ăn sáng mà chạy thẳng vào trường luôn. Ngày nào cũng vậy lo cho em đi học xong xuôi nó cũng phải vắt giò lên cổ chạy không thì muộn học. Nó thấy bố nó bảo đang làm thủ tục xin cho bé Hạnh về trường gần nhà cũng là trường con mụ Hường là cái Thư đang học. Nhưng thủ tục chưa xong, nếu Hạnh học ở đó thì mỗi ngày mụ Hường sẽ chở Hạnh đi học. Nghĩ đến đây thôi Nam không muốn chút nào, nó biết nếu để mụ Hường chở Hạnh đi học con bé sẽ rất sợ hãi và khổ sở. Làm sao mà mụ Hường mua đồ ăn sáng rồi nhẹ nhàng dỗ dành nó như Nam được. Nhưng năm sau thôi Nam vào cấp 3, nó cũng không thể chở bé Hạnh đi học được nữa, vì trường cấp ba thì cách xa trường tiểu học. Từ nhà bố Nam đi học thì gần, nhưng nếu chở bé Hạnh đi học xong thì nó phải đạp ngược lại quãng đường dài một lần nữa. Một đứa trẻ vừa bước qua cái tuổi 15 mà đã phải lo nghĩ quá nhiều, buổi trưa học xong Nam đạp về nhà bà ngoại ăn cơm. May mà bà lúc nào cũng nấu dư cơm, vì bà cũng đoán thi thoảng Nam sẽ về ăn cơm. Người già hay lo xa, Nam nhìn nồi cơm hỏi bà:
– Sao lúc nào bà cũng nấu thừa cơm thế..?
Bà ngoại nhìn nó mắng:
– Tiên sư bố nhà anh, không nấu nhiều dễ thường anh có cơm ăn đấy. Bà đoán trưa nắng mày mà đạp về ăn cơm, cơm chưa xuôi lại phải đạp đi học thì có mà tức bụng chết. Cơm cá rô phi rán chấm mắm tỏi ngon không..? Ngày trước ông ngoại mày thích ăn lắm đấy….
Nói đến đây bà khẽ nheo đôi mắt với những nếp nhăn lại, giọt nước mắt bị những nếp nhăn đó ép chảy ra ngoài nhưng bà ngoại vội lau đi một cách vội vàng. Nhắc đến món cá rô phi rán giòn, không biết ông ngoại có thích ăn nhưng ngày trước cá rô phi bà rán đều là do Nam vác cần đi câu ở những bờ ao, bờ mương mỗi khi nó được nghỉ học. Và lúc nào ăn ông cũng khen:
– Cá cháu ông câu ăn thơm hơn cá bà mua.
Từ đó hễ cứ rảnh là Nam lại vác cần đi câu, tay xô tay cần nó lần mò những bờ bụi vắng người qua lại, lúc đi về bao giờ cũng lúc nhúc trong xô toàn cá là cá. Ở nhà ông ngoại phải dành riêng ra một cái bể nhỏ để nó nuôi cá. Có những lúc nhiều quá bà nó phải cấm nó không được đi câu nữa. Ông ngoại đi bộ ở sân thì cười phá lên khen nó giỏi zai, chăm chỉ. Ngày nào nó cũng thò đầu vào bể xem hết cá chưa để còn đi câu. Nhưng nào có vơi đi, may mắn sao một lần có mợ sang chơi, mợ nó thấy nhiều cá quá mới bảo bà ngoại để mợ mang lên chợ bán. Nghe đâu hồi đó bán được đâu 5k một cân. Mợ nó mang về cho nó 30k, cầm số tiền đầu tiên trong đời kiếm được nó vui lắm. Nó chạy lại khoe ông để ông khen nó xong rồi nó mang ra đưa cho bà. Những ngày đó giờ chỉ còn lại trong ký ức, nghĩ thế thôi rồi nó cũng khóc. Vừa và bát cơm nó vừa khóc, không ai bảo ai hai bà cháu khóc tu tu dưới căn bếp nóng nực. Đến giờ đi học Nam nhìn bà nói:
– Chiều cháu chở em Hạnh về đây chơi với bà nhé, nó cũng nhớ bà lắm. Bố cháu với bà kia đi đám cưới hai ngày nữa mới về.
Bà ngoại nghe Nam nói thế thì mừng rỡ, bà vội dặn Nam:
– Mai hai anh em cũng nghỉ học phải không, hay tối hai đưa ra đây ăn cơm rồi ngủ với bà bao giờ bố về rồi hãy về. Tối nay bà nấu thịt kho tàu ngọt ngọt cho mà ăn.
Đúng món khoái khẩu, bà ngoại mà nấu thịt kho tàu thì ăn quên quành, Nam gật đầu như cúng rằm vâng dạ. Nó chào bà rồi đạp xe đi học. Chiều đó học xong nó quên mất là vẫn đang trong thời gian bị phạt lao động. Hết giờ học cô giáo bắt nó với thằng kia cầm cuốc xẻng ra vườn sau trường hoàn thành thêm công việc ngày hôm qua. Tầm đó cũng là 4h30, cô giáo phân công việc xong Nam vội chạy lại xin cô:
– Cô ơi, 5h em phải đón em. Nếu em làm xong sớm cô cho em xin về sớm nhé. Em em nó đợi….
Cô giáo cũng biết hoàn cảnh của Nam nên chấp nhận, cô nói:
– Ừ được rồi, hai em làm 30 phút rồi về. Làm cho chăm chỉ không hôm sau không được về sớm đâu nhé.
Hai thằng vâng dạ rồi bắt tay vào làm, từ hôm gặp bố Nam thằng ăn cắp có vẻ bị chột vía nên nó không dám ho he gì với Nam nữa, ngược lại còn khá hợp tác. Nó nói với Nam:
– Hay là mày về trước đi để đấy tao làm cho.
Nam khá bất ngờ khi thằng ăn cắp bỗng nhiên lại tốt đột xuất nhưng nó trả lời:
– Thôi không sao đâu, làm đến 5h rồi tao về cũng được. Từ đây đến trường tiểu học tầm 10’ là đến. Làm đi không cô lại mắng…
Hai thằng tập trung thằng cuốc thằng xúc, cuối cùng cũng đến 5h, Nam rửa tay chân vội vàng rồi chạy đi đón em. Bé Hạnh vẫn như thường lệ đợi anh ở phòng bác bảo vệ. Hai anh em chở nhau về mà cười toe toét khi Nam khoe Hạnh là tối nay bà sẽ nấu thịt kho tàu cho hai anh em. Bé Hạnh giục anh đạp nhanh lên về nhà lấy quần áo rồi còn ra bà. Nam gồng mình lấy sức rồi đạp như bay về nhà. Nó thò tay vào cái rãnh lấy chìa khóa rồi mở cửa cho em gái vào trước, nó dắt xe rồi đóng cổng vào sau. Bé hạnh vội vàng tắm rồi thay quần áo, Nam cũng thế. Hai anh em mặc áo mới chú Đại mua. Hạnh đưa áo lên mũi ngửi rồi cười khoe răng sún:
– Vẫn thơm anh ạ…
Tắm táp xong hai anh em khóa cửa rồi chở nhau ra bà, bà ngoại đã ngồi ngoài đợi các cháu từ bao giờ. Bé Hạnh chạy lại ôm bà tíu tít, bà ngửi tóc nó rồi hỏi:
– Đã tắm rồi à, mất công bà đun nước lá thơm đợi cháu gái ra bà tắm cho. Thôi vào nhà ăn cơm đi, hai đứa ăn nhiều vào nhé.
Bà ngoại đi dọn cơm Nam cũng phụ bà bê lên nhà, bé Hạnh đã ngồi cầm bát chầu trực vì mùi thơm lừng của thịt kho tàu. Vừa gắp được miếng thịt và đâu được miếng cơm thì ngoài cổng có tiếng người gọi bà. Nam nghe cái nhận ra ngay là bác Dung, nhà bác cách nhà bà tầm 2km, chắc giờ này bác sang thăm bà. Nam chạy ra định mở cổng thì bác Dung hỏi:
– Cả hai anh em cháu đều ở đây à..?
Nam chào bác rồi gật đầu, bà ngoại cũng đi ra xem có việc gì. Bác Dung đi vào nhà nói:
– Chết thôi, sao hai anh em về bà lại không để chìa khóa ở nhà. Bố cháu gọi điện về nhà khồng thấy ai nghe đang lo sốt vó lên kìa. Gọi cho cả bác hỏi làm bác phải chạy sang đây xem.
Nam nghe bác Dung nói vậy liền chột dạ sờ tay vào túi quần, quả nhiên ban nãy do vội vàng mà nó đã quên đặt chìa khoá vào cái rãnh cửa bên tay trái cổng. Bà ngoại thấy vậy gắt:
– Thì mày gọi lại bảo bố nó là hai anh em nó ở đây là được rồi. Sao phải ầm như cháy nhà thế. Đi không cầm khóa thì để trộm nó vào khuân đồ à..?
Bác Dung nhìn bà nói:
– Thế thì đã nhàn, đây con gái con kia nó bắt ông bà nó chở về nhà lấy gấu lấy má gì đó. Về đến nhà không mở được cửa, gọi không có ai nên nó mới bảo ông bà gọi cho con mẹ nó. Bố thằng Nam gọi về nhà thì không thấy ai sợ hai đứa này làm sao. Nhưng con kia trong điện thoại nó ré lên là đi đâu không để chìa khóa lại để bố mẹ nó với con nó đứng ngoài cửa đợi.
Bác Dung lấy điện thoại gọi cho bố Nam báo tin, bố Nam cảm ơn bác Dung, nhưng có lẽ con mụ Hường lấy máy nói:
– Chị bảo cháu nó cầm khóa về cho bố mẹ em vào nhà lấy đồ rồi đi đâu thì đi.
Không muốn dây đến loại mồm năm miệng mười bác Dung tắt máy rồi bảo Nam:
– Hay giờ cháu chịu khó đạp về nhà đưa khóa cho nhà nó rồi hãy ra bà.
Nam ngậm ngùi đồng ý, bà ngoại thấy vậy ngửa mặt lên kêu trời:
– Trời cao đất dày ơi, thằng bé còn chưa ăn nổi bát cơm mà bắt nó chạy đi chạy lại. Gấu với má để mai chơi không được à. Lũ khốn nạn chỉ giỏi hành hạ cháu tôi thôi.
Nam chào bà chào bác rồi lấy xe đạp vội đi, trời đã sẩm tối thằng bé với thân hình gầy gộc đang nhoài người đạp cái xe một cách vội vã. Cả buổi chiều hôm nay nó phải lao động rồi đón em đưa đi đưa về. Vừa đưa bát cơm lên miệng chưa kịp ăn lại phải buông đũa vì một con gấu bông. Nó đạp nhanh lắm, có lẽ nó muốn nhanh nhanh đến nhà trả lại chìa khóa cho cái Thư hoặc nó đạp nhanh để không ai kịp nhìn thấy những giọt nước mắt đang bị gió thổi ngược về phía đằng sau.