Đọc truyện Đạt Ma Kinh – Chương 3: Kinh biến Thiên Sơn, mất mẫu thân – Ngỡ rằng đã chết, gặp kỳ nhân
Chấn động và sợ hãi đến cực độ, Dư Hải Bằng ôm xốc thi hài mẫu thân lên và nhảy thật nhanh vào động khẩu khi gã nghe có tiếng nói âm trầm từ phía sau vọng đến.
Vút!
Như bóng u linh, hay nói đúng hơn là Dư Hải Bằng cho đây là ma quỷ hiện hình khi gã đột nhiên nhận ra có bóng người xuất hiện ngay trước mặt gã. Nhanh đến độ gã không kịp lao người vào động khẩu.
Gã phải cố lắm mới không va người gã vào bóng nhân ảnh kia.
Dừng chân lại được rồi, theo bản năng tự nhiên, Dư Hải Bằng quay đầu nhìn lại phía sau. Nào có bóng người nào ở phía sau đâu. Điều này có nghĩa là người đang đứng trước mặt gã cũng chính là người vừa lên tiếng hỏi gã khi nãy.
Nếu gã chưa từng nghe nói đến võ công là gì, chưa từng mục kích thân pháp phi phàm của mẫu thân gã và của lão Phó giáo chủ họ Mộc thì có lẽ gã đã ù té chạy trước hiện trạng này. Bởi gã sẽ cho đây là hồn ma bóng quế nên mới có thể chỉ trong chớp mắt đã từ phía sau lao vọt ra phía trước, chận ngang đường bỏ chạy của gã như thế.
Gã gương đôi mắt nửa oán hận và nửa kinh sợ nhìn vào bóng người đứng phía trước gã. Là một lão già đầu bù tóc rối, y phục chẳng những phong phanh mà lại còn vá đùm vá đụp, không biết bao nhiêu mảnh mà nói. Đã thế, lão còn đứng không yên, hết nghiêng bên này đến ngã bên kia.
Bình thường ra có lẽ Dư Hải Bằng sẽ cho đây là một lão già ăn xin như bao người ăn xin khác mà gã thường thấy ở trấn Thiên Đầu Sơn. Bọn ăn xin thường là thế cả. Xin của bố thí được đồng nào, thì đổi thành rượu đồng ấy. Hoặc giả, chỉ cần dùng phần cơm thừa canh cặn của khách cũng đủ say lúy túy càn khôn rồi.
Và nếu như những lần trước đó thì Dư Hải Bằng rất dễ dàng có hảo cảm với bọn ăn xin. Còn bây giờ thì không. Gã đã biết lão ăn xin này biết võ công và phải là cao thâm lắm nên mới dám xuất hiện ở đây vào lúc này với bộ y phục phong phanh hở cả da thịt ra như thế. Và một khi đã biết là vậy, Dư Hải Bằng liền phát sanh lòng ác cảm đối với lão ăn xin.
Lão xuất hiện ở đây vào lúc này có khác gì lão đang nhăm nhăm vào Tam Ma tử kiếm lệnh? Đâu có khác gì lão cùng chung một mục đích với bọn U Minh giáo? Đâu có khác gì lão muốn, hoặc giả lão đã có phần vào việc sát hại mẫu thân gã?
– Ngươi làm gì mà nhìn ta kỹ thế? Ngươi thuộc môn phái nào? Còn ai đang ở trong tay ngươi vậy?
Lão ăn xin vẫn lắc lư thân người khi lên tiếng lục vấn Dư Hải Bằng một lúc những ba câu hỏi.
Ánh mắt như tóe lửa, gã rít lên :
– Việc gì lão phải giả ngô chứ? Nói đi, vì nguyên nhân gì lão tìm đến đây? Lão đã sát hại mẫu thân ta mà lão còn hỏi sao?
Thân hình hết lắc lư, lão ăn xin “úy” lên một tiếng lớn :
– Úy! Đừng nói chơi chứ tiểu tử. Ngươi đừng có gán tội sát nhân cho lão khất cái này nha. Thiên địa quỷ thần ơi! Khi khổng khi không Túy Cái này lại bị mang vạ tày trời kia.
Lão ăn xin sửng sốt trông rất là thật, cứ y như là lão đang bị kẻ khác vu oan cho lão về những việc lão không hề làm vậy. Nhưng đối với Dư Hải Bằng, Thiên Sơn vốn là chốn không người lai vãng, thì bây giờ hễ bất kỳ ai xuất hiện ở đây đều có phần dính líu đến cái chết oan uổng của mẫu thân gã cả. Do đó, gã cứ nghiến răng :
– Được rồi! Lão muốn nói gì mặc lão, ta quyết không buông tha lão đâu! Hừ!
Nếu lão sợ thì lão cứ giết ta đi.
– Giết ngươi? Việc gì ta phải giết ngươi chứ?
– Vậy thì tại sao lão lại xuất hiện và ngăn lối ta đi?
Vút!
Gã chưa kịp chớp mắt thì lão ăn xin đã đứng dịch sang một bên có đến nửa trượng. Nhìn lão ăn xin biểu diễn thân thủ bất phàm đó, Dư Hải Bằng thầm ước ao được như lão và đồng thời gã cũng thầm nhủ rằng gã phải nín nhịn một phen nếu gã muốn còn cơ hội báo thù cho song thân.
Gã chậm chạp đi luôn vào bên trong động khẩu, nhẹ nhàng đặt thi hai mẫu thân nằm xuống nền động. Sau đó, gã gỡ tay mẫu thân lấy lại thanh đoản đao. Gã dùng đoản đao để đào một mộ huyệt.
Thanh đoản đao tuy sắc bén nhưng làm sao so bì được thanh Tam Ma tử kiếm lệnh. Nhưng gã biết rằng vào lúc này gã không được để lộ thanh Tam Ma tử kiếm lệnh ra, trừ phi gã muốn chết thì khác. Tuy vậy, do chuyên nghề đào bới xác thú nên gã vẫn không cảm thấy khó khăn khi dùng đoản đao tầm thường đào một huyệt mộ giữa nền động dày đặc những đá và đá chen nhau.
– Ngươi không biết võ công sao, tiểu tử?
Lúc gã khom người đặt thi thể mẫu thân vào lòng huyệt mộ thì lão ăn xin đó vẫn đứng ngay động khẩu quan sát hành vi của gã, đã lên tiếng hỏi như thế.
Gã hừ lạnh :
– Lão thấy hối tiếc vì đã buông tha ta rồi sao? Nếu bây giờ lão giết ta thì cũng không muộn lắm đâu!
Gã nói xong câu này liền ngồi im chờ lão ăn xin vẫy tay tạo ra một luồng kình phong quái quỷ như bất kỳ nhân vật võ lâm nào cũng làm được, để giết gã và xô gã vào lòng huyệt mộ cùng với mẫu thân gã.
– Tiểu tử! Túy Cái này phàm làm việc gì cũng quang minh chính đại. Ta không việc gì phải sợ ngươi nếu quả thật là ta đã sát hại mẫu thân ngươi. Ngươi chớ đổ oan cho ta.
Nhếch mép cười khinh bỉ, Dư Hải Bằng vẫn mặc nhiên không tin lời lão ăn xin thanh minh. Gã bước ra khỏi động khẩu mà không hề nhìn vào lão khi bước ngang chỗ lão đứng. Gã theo dấu khoét cũ trên hai tảng đá lớn và leo xuống bên dưới trước ánh mắt ngỡ ngàng của lão ăn xin.
Gã đến bên miệng vực, gã nhặt lấy cánh tay tả của mẫu thân gã nằm trơ trọi bên cạnh hai thi thể của bọn giáo đồ U Minh giáo. Gã lại leo lên bên trên và bước vào động khẩu.
Lúc gã tìm cách đặt cánh tay tả vào đúng vị trí mẫu thân gã thì gã tình cờ chạm phải một bọc vải được cột chặt bên trong thắt lưng của mẫu thân gã. Gã cũng do hiếu kỳ nên đã lấy bọc vải đó ra cầm trên tay.
Cũng là do tình cờ, bọc vải trên tay gã chợt xổ tung ra và một quyển kinh mỏng rơi khỏi bọc vải nằm hớ hênh trên nền động.
– Úy! Uyên Ương kiếm phổ! Tiểu tử! Mẫu thân ngươi là Tô Phi Yến, là Uyên Ương song kiếm sao?
Ngoảng đầu nhìn lại lão ăn xin, Dư Hải Bằng vừa nhặt lấy Uyên Ương kiếm phổ cho vào bọc áo, vừa châm chọc lão :
– Lão không biết thật hay lão giả vờ? Hừ!
Tròn mắt như lục lạc, lão ăn xin cũng hừ lại một tiếng :
– Hừ! Ngươi vẫn cho Túy Cái ta đã giết mẫu thân ngươi à?
Gã cười lạnh không đáp lấy một lời. Thái độ điềm nhiên của gã khi gã lấp mộ huyệt cho mẫu thân đã làm cho lão ăn xin phải điên tiết lên :
– Tiểu tử kia! Uyên Ương kiếm pháp không đủ để dọa nạt Túy Cái ta đâu. Nếu ngươi vẫn cho ta là thù nhân của ngươi thì tùy ngươi đó. Liệu ngươi làm gì được ta nào!
Hừ!
Vút!
Chỉ một cái chớp động, lão ăn xin đã bay biến đâu mất không còn thấy tăm dạng đâu cả.
Đến lúc đó, lúc chỉ còn mỗi một mình Dư Hải Bằng bên mộ huyệt mẫu thân đã đắp xong, gã mới râm rức khóc lên :
– Mẫu thân ơi! Bọn họ đã giết hại mẫu thân lại còn khinh chê võ học của chúng ta nữa. Như thế này thì hài nhi làm sao chịu nổi. Hài nhi không thể nào tuân nghe lời trăn trối của phụ thân được đâu. Mẫu thân ơi, phụ thân ơi! Hài nhi đành cam chịu tiếng bất hiếu, chứ hài nhi không thể nào chịu để bọn họ khinh chê võ học của chúng ta. Tha thứ cho hài nhi. Song thân hãy tha thứ cho kẻ bất hiếu tử là hài nhi.
Gã vừa khóc vừa bái lạy trước mộ huyệt mẫu thân, đoạn gã khập khễnh bước ra khỏi động khẩu.
Nhìn trời chiều lại kéo xuống Thiên Sơn, gã chắt lưỡi và bước đi nhanh như bỏ chạy.
* * * * *
Gần một trăm ngày sau tấn thảm kịch. Dư Hải Bằng vẫn với bộ y phục cố hữu bằng da thú, vẫn với thanh đoản đao giắt chéo vào thắt lưng như độ nào và vẫn vài bộ da thú còn tươi nằm trên vai đã xuất hiện ở trấn Thiên Đầu Sơn.
Gã không tin vào những gì gã đang nhìn thấy. Trấn Thiên Đầu Sơn bây giờ vắng lặng thê lương như chốn mộ địa hoang vu. Nhà cửa trong trấn thì còn nguyên vẹn, nhưng người sinh sống tại trấn thì không còn ai cả.
Gã đã kinh ngạc một lần vào lúc nãy khi gã tìm đến gia trang của lão Kim, thủ lãnh của phường săn bắn tại đất Thiên Sơn này. Gia trang của lão Kim hầu như đã biến thành nơi hoang phế. Còn bây giờ thì trấn Thiên Đầu Sơn cũng vậy.
“Chuyện gì đã xảy ra? Là thiên tai hay dịch họa?”
– Tiểu tử kia? Ngươi đi đâu vậy?
Khi đi ngang một tửu quán nhỏ nằm ở cuối trấn, nơi trước kia Dư Hải Bằng thường bắt gặp bọn liệp hộ luôn kéo đến đây để ăn uống với nhau mỗi khi săn bắn được thú, thì Dư Hải Bằng liền nghe có tiếng quát hỏi từ bên trong hỏi vọng ra.
Gã thoáng mừng cho rằng tại đây vẫn còn có người, mặc dù thanh âm kêu hỏi đó không phải là thanh âm của lão Cửu, chủ nhân của tửu quán. Cũng không phải là thanh âm của bọn liệp hộ mà gã đã từng nghe quen tai.
Gã xô cửa, vừa bước vào gã vừa hỏi oang oang :
– Lão Cửu ơi! Mọi người ở trấn đã trốn đi đâu cả rồi? Sao lão…
Nguyên Dư Hải Bằng định hỏi tại sao lão Cửu vẫn còn tiếp tục bán trong khi khắp trấn thì tịnh không có một ai. Nhưng gã chợt nín ngang khi nhìn thấy bên trong tửu quán có không dưới mười nhân vật lạ mặt. Bọn người này kẻ nằm người ngồi, kề bên đó là bàn ghế đổ chõng đổ chờ không theo một trật tự nào cả. Chén, bát và những bầu rượu thì văng tung tóe khắp nơi, chứng tỏ ở đây không có sự hiện diện của chủ nhân là lão Cửu.
“Lão Cửu cũng như mọi người đã rời khỏi Thiên Đầu Sơn rồi. Nhưng còn bọn người này là ai? Sao họ lại hiện diện ở đây?”
Khi thấy Dư Hải Bằng chỉ gương mắt nhìn vào bọn chúng, một tên trong bọn có giắt thanh đại đao trên lưng chợt quát lên :
– Lão gia đã hỏi, sao ngươi không đáp? Ngươi có muốn về chầu liệt tông liệt tổ ngươi không?
Hung dữ và thô tục, hạng người này Dư Hải Bằng chưa từng gặp qua. Có chăng chỉ là bọn U Minh giáo đã xuất hiện trước đó và đã sát hại mẫu thân gã mà thôi.
Gã luống cuống tay chân vì không biết phải xử trí ra sao trong trường hợp này.
Tuy gã đã bỏ công khổ luyện xong Uyên Ương kiếm phổ trong thời gian qua, tuy gã đã có thể bằng đoản đao giết hại được vài con thú lớn chứ không cần phải đào bới như trước kia nữa. Nhưng giờ đây, đối diện với gã lại có hơn mười tên mà tên nào tên nấy đề có vẻ là nhân vật giang hồ cả. Do đó, gã vừa khiếp thầm trong lòng vừa lắp bắp lên tiếng đáp lại :
– Là… là tiểu nhân… tiểu nhân…
Sầm!
– Tiểu nhân cái gì? Sao không nói phức ra?
Chỉ một cái vỗ xuống của nhân vật đó thì chiếc bàn to lớn nặng nề liền đổ sụm xuống. Nhìn nhân vật nọ dương oai như vậy, Dư Hải Bằng càng thêm kinh khiếp hơn.
Gã càng lắp bắp nhiều hơn :
– Bán… là bán… là tiểu nhân bán…
– Bán cái gì? Hay ngươi muốn đem mẫu thân ngươi đến bán cho lão gia? Hố… Hố… Hố…
Cả bọn còn lại khi nghe tên đồng bọn nói như thế liền lấy làm thích chí bèn cười ồ lên, không khác nào một lũ cuồng đồ vô lại.
Nhắc đến mẫu thân, lại nghe những lời thô bỉ đó, Dư Hải Bằng chừng như có thêm đởm lược. Tuy vậy, gã cũng không dám trêu vào bọn người thô lậu này vì gã chưa biết sức gã ra sao. Gã chờ cho bọn kia cười xong, bèn nhũn nhặn nói :
– Không có đâu! Là tiểu nhân muốn bán những bộ da thú này. Nhưng hiện giờ ở trấn này không còn ai cả. Tiểu nhân nghe kêu lại tưởng là lão Cửu vẫn còn ở đây, cho nên…
– Lão Cửu là ai? Ngươi từ đâu đi đến đây? Có phải là Thiên Sơn xuống không?
Kinh nghi, Dư Hải Bằng hỏi lại :
– Lão Cửu nguyên là chủ nhân của tửu quán này. Sao lão gia lại hỏi tiểu nhân từ đâu đến? Điều đó có quan hệ lắm sao?
– Hừ! Con bà nó! Ngữ của ngươi mà lại muốn hạch sách lão gia sao? Nói mau! Ngươi có phải là tên tiểu tử ở tận Thiên Sơn không?
Nuốt nước bọt đánh ực, Dư Hải Bằng lấm la lấm lét chối đây đẩy :
– Nào có! Nào có! Tiểu nhân quả là có săn thú ở Thiên Sơn, nhưng vẫn ngụ cư ở gần đây thôi.
– Láo! Ba mươi dặm vuông quanh đây bọn lão gia đã giết không còn một mống, tiểu tử ngươi định qua mặt lão gia sao?
– Giết! Là lão gia đã giết… giết tất cả mọi người ư?
– Ha ha ha… Oắt con! Quả nhiên Phó giáo chủ liệu việc như thần. Chính ngươi đã mưu hại Phó giáo chủ đây mà. Nào, ngoan ngoãn theo bọn lão gia về gặp Phó giáo chủ nào!
“Phó giáo chủ nào? Có phải là lão họ Mộc của U Minh giáo không? Lão còn sống ư? Vậy là chỉ vì Tam Ma tử kiếm lệnh, lão đã cho người diệt sạch Thiên Đầu Sơn trấn và cố tình lưu người lại tìm cách bắt giữ ta sao?”
Cả sợ, Dư Hải Bằng vừa thoái lui vừa cả tiếng kêu lên :
– Tiểu nhân nào có mưu hại ai đâu? Tiểu nhân hoàn toàn không biết lão gia vừa nói gì cả. Tiểu nhân không biết…
Vút!
Chỉ một cái nhún mình, tên nọ vốn đang ngồi đã bật lao ra và chộp vào người Dư Hải Bằng một cái.
Hoảng hồn, theo bản năng tự nhiên với chút bản lãnh cỏn con gã đã khổ luyện theo Uyên Ương kiếm phổ, Dư Hải Bằng lạng người mô? cái tránh được cái chộp của tên kia.
Nhưng thân thủ của tên kia quá đổi nhanh nhạy, vì thế Dư Hải Bằng cũng bị tên kia kịp thời biến chiêu và chộp vào vai gã một cái.
May cho Dư Hải Bằng là trên vai gã lúc này có đến mấy bộ da thú, nên gã chỉ nghe ê ẩm một bên vai mà thôi, khi gã đã thoát được cái chộp của tên kia. Bằng không thì huyệt “Kiên Tĩnh” trên đầu vai gã đã bị vỡ nát dưới cái chộp mạnh bạo của tên kia rồi.
Tên kia sau khi nhận ra hắn chỉ chộp phải bộ da thú mà thôi, hắn bèn quẳng những bộ da thú đó xuống đất. Sau đó, hắn lại lao đến cực nhanh kèm với tiếng quát kinh thiên động địa :
– Chạy đi đâu cho thoát hử?
Vẫn y lần mới rồi, tên kia vừa lao đến chính diện Dư Hải Bằng vừa xòe rộng hữu thủ định chộp xuống đầu vai của Dư Hải Bằng một lần nữa.
Lần này, do đã phần nào tự tin hơn và do sức nặng của những bộ da thú không còn trên người nữa. Dư Hải Bằng bình tâm xem đòn chộp của tên kia cũng giống như bọn dã thú trên Thiên Sơn vậy. Gã bèn trầm người xuống, nghiêng đầu vai tả xuống thấp hẳn về một bên, còn hữu thủ thì nhanh nhẹn rút thanh đoản đao ở thắt lưng ra, cắm ngay một phát vào tâm thất của tên nọ. Đó là chiêu “Uyên Cầm Hí Thủy” trong Uyên Ương kiếm phổ.
Chỉ khác có chút so với kiếm phổ là đáng lý gã phải dịch bộ về phía trước, nhưng đàng này gã vẫn đứng yên vì tên kia đang trên đà lao ào tới vị trí của gã.
Vốn chỉ xem Dư Hải Bằng là một tên liệp hộ tầm thường, không có võ công nên tên nọ cứ sững người lại và đứng yên như bị trời trồng khi thanh đoản đao của Dư Hải Bằng đã ăn sâu vào tâm thất của hắn. Cánh tay hữu của hắn rốt cuộc cũng chộp được vào đầu vai của Dư Hải Bằng, nhưng chỉ là cái chộp vô lực, không có gì nguy hại.
Bọn bên ngoài do không biết được sự tình bọn chúng bèn reo ầm lên :
– Hay! Hay lắm! Chiêu “Hắc Hổ Thâu Tâm” của lão đại quả là xuất thần nhập hóa!
– Được rồi! Chúng ta cứ giải tiểu tử về cho Phó giáo chủ là xong.
– Đi nào, lão đại!
Thế nhưng, hình tượng của lão đại vẫn nguyên vị không nhúc nhích. Còn Dư Hải Bằng thì chẳng khác nào đã bị hóa thạch khi gã không ngờ chỉ một nhát nhẹ nhàng, gã đã trở thành một kẻ sát nhân.
“Liệu lão có chết thật không? Giết người lại dễ dàng như thế nào sao?”
Hai đầu gối của Dư Hải Bằng chợt run lên và từ từ khụy xuống làm cho cả thân người tên kia cũng nghiêng dần theo hướng của gã.
Đến lúc trọng lượng toàn thân của tên kia đã nghiêng quá đà và đổ ụp xuống thật nhanh thì Dư Hải Bằng mới sực tỉnh. Gã tràn người sang một bên, tránh bị tên kia đổ chồng lên thân gã. Động tác đó đã giúp gã thu hồi lại đoản đao.
Ộc! Ộc!
Bấy giờ tiếng suối máu chảy ộc ra theo lỗ thủng đã kêu lên rõ mồn một làm cho bọn kia bàng hoàng và tỉnh ngộ ra. Lão đại của bọn chúng đã chết mà không kịp kêu lên một tiếng nào cả.
Còn tên tiểu tử kia thì đang đứng run cầm cập, tay cầm thanh đoản đao vấy máu của lão đại bọn chúng.
Toàn trường im phăng phắc mất một lúc lâu rồi chợt ào lên như nước lũ, tràn bờ :
– Ngươi đã giết chết lão đại. Tiểu tử thúi đã giết chết lão đại rồi!
– Giết hắn đi! Báo thù cho lão đại đi!
– Sát! Băm vằm hắn ra để báo thù cho lão đại nào!
– Tiến lên đi, huynh đệ! Giết!
Vốn đang sững sờ trước hành động hạ thủ giết người của bản thân, Dư Hải Bằng thập phần kinh hãi khi trông thấy một lúc, những đao, những kiếm, loang loáng loạn cả lên cùng đổ ụp vào gã.
“Không khéo ta sẽ bị bọn này băm vằm thành trăm mảnh vụn”
Nếu không kể lần ra chiêu xuất kỳ bất ý mới rồi, diệt được một tên, thì Dư Hải Bằng nào đã lần nào cùng người xuất chiêu đối chưởng. Đã thế, địch nhân lại có nhân số đông đến áp đảo như thế này là điều mà gã chưa từng nghĩ đến.
Do đó, Dư Hải Bằng luống cuống tay chân không biết phải sử chiêu nào trước chiêu nào sau, không biết đánh vào phương vị nào và phải tránh né phương vị nào. Gã luống cuống đến độ gã không biết rằng gã vừa cử đoản đao bên hữu thủ còn tả thủ cũng được gã vung lên nhằm đón đỡ một ngọn đại đao đang chém sả từ bên trên chém xuống.
Dùng cánh tay nhục thể mà đón đỡ lợi khí sắc bén ư?
Dư Hải Bằng chỉ kịp nhận ra hành vi ngốc nghếch của gã lúc thân hình gã chợt ngã chúi lụi về phía trước một cái, rồi thì…
“Hết rồi! Có Uyên Ương kiếp pháp cũng bằng không…”
Gã nghĩ thầm khi gã nhắm mắt lại và chờ tử thần đến rước gã đi.
Soảng… Choang… Choang…
Bình! Bình!
Hự… Hự…
Trong lúc chờ chết, Dư Hải Bằng nghe có nhiều tiếng vũ khí rơi xuống nền đất kêu lên loảng xoảng. Lại có nhiều tiếng kêu đau đớn vang lên ngay sau những tiếng trầm đục vang lên.
Rồi một vật gì đó rơi xuống nằm đè lên thân hình gã. Một dòng nước ấm rót ngay vào cổ gã, chảy tràn xuống dưới và đọng thành vũng ngay gần đó.
Gã mở vụt mắt ra nhìn và quên rằng gã đã chết! Đến khi gã nhìn thấy vũng nước đó là máu đỏ thật sự, gã bèn lào thào kêu lên :
– Máu! Máu của ta ư? Chết rồi, phen này ta chết thật rồi!
Gã nhắm mắt lại và lần này đúng là gã đang chờ máu huyết gã chảy ra khô kiệt cho đến lúc gã chết.
– Tiểu tử kia! Ngươi chết thật hay chỉ giả vờ vậy?
“Hừ! Bọn chúng đã xuống đao giết hại ta mà còn chưa thỏa mãn sao? Như vậy không là chết thì chúng còn muốn sao nữa?”
Gã vốn định nằm im chờ chết, hay nói đúng hơn là gã đang có ý nghĩ rằng gã sắp chết đến nơi nên không còn sức lực đâu để lên tiếng nữa, thì âm thanh của kẻ đó lại vang lên gợi sự tò mò cho gã :
– Hừ! Là nam nhi đâu có hạng người chưa đánh được một chiêu Uyên Ương kiếm nào nên hồn đã buông xuôi tay chờ chết như ngươi vậy!
“Uyên Ương kiếm? Sao bọn này lại biết ta am tường Uyên Ương kiếm của song thân?”
Gã vội mở mắt ra lần thứ hai, và lần này gã thay vì nhìn thấy vũng máu đọng thì gã lại nhìn thấy đôi giày vải rách bươm, để lộ ra nhiều chỗ chân trần cáu bẩn. Và trên đôi giày vải là hai ống quần một thấp một cao với nhiều mảnh vải vụn vá vào.
“Ai như lão ăn xin độ nào thì phải. Thảo nào lão không biết rõ việc ta luyện Uyên Ương kiếm phổ!”
Trong tâm trí thì nghĩ như thế, còn ngoài miệng thì Dư Hải Bằng cứ đều đều nói như cam chịu số phận :
– Là lão ư? Ta biết trước sau gì lão cũng giết ta thôi. Lão còn chờ gì nữa mà không ra tay? Hay lão muốn nhìn ta khô kiệt máu huyết thì lão mới hả dạ?
Soạt! Phịch!
Người của Dư Hải Bằng chợt nhẹ đi như vật đè nặng trên lưng không còn nữa.
Sau tiếng động nặng nề gần bên gã, thì gã liền nghe lời thóa mạ của lão ăn xin :
– Tên súc sinh, tiểu tử thúi! Ngươi có mắt mà không có tròng! Túy Cái ta mà thèm giết ngươi cho bẩn tay sao? Nếu biết trước như thế ta không thèm ra tay cứu ngươi làm gì! Hừ! Để xem bọn U Minh giáo có phân thây ngươi ra không cho biết. Đúng là phường bội bạc mà!
Bực dọc vì bị thóa mạ thì ít, Dư Hải Bằng căm ghét nhất là câu lão nói ra lão đã ra tay giải cứu gã thì nhiều hơn. Nên Dư Hải Bằng bèn chống tay chỗi dậy ngay.
Nhưng khi gã hả miệng ra định quát mắng lão ăn xin cho bỏ ghét thì gã cứ há hốc mồm ra và đứng yên bất động không sao nói được nên lời.
Nói làm sao nữa mà nói khi trước mắt gã lúc này, bọn người lúc nãy bao vây định giết chết gã đều nằm vật ra chết mỗi tên mỗi kiểu. Vậy là gã đã hiểu tại sao lão ăn xin đã bảo là lão đã ra ta cứu nguy cho gã. Lão ăn xin đã xuất hiện kịp lúc đoạt mạng bọn này một cách êm thấm. Êm đến độ gã hoàn toàn không hay biết gì hết. Và vũng máu kia là do tên té nằm chồng bên trên gã đã thổ ra, chứ không phải máu trong người gã chảy ra.
Gã còn chưa vững tin lắm, bèn đưa tay sờ lên gáy để xem liệu có chỗ nào đau đớn không.
Đến khi gã đã tin rằng lão ăn xin dù có là thù gia hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắn là lão vừa cứu mạng cho gã thì lão ăn xin đã ngật ngưỡng bỏ đi ra khỏi tửu quán.
“Làm người cho ra người thì ân oán phải phân minh.”
Nhớ lại lời giáo huấn của mẫu thân, Dư Hải Bằng vội vàng đánh tiếng kêu lên :
– Ới! Lão gia! Lão gia này! Hãy chờ ta có lời đáp tạ lão đã…
Vừa kêu, Dư Hải Bằng vừa lao người chạy đuổi theo lão ăn xin.
Mặc cho Dư Hải Bằng muốn kêu cách nào thì kêu, muốn đuổi cách nào thì đuổi, lão ăn xin cứ đi xiên bên nọ, ngã bên kia mà đi miết về phía trước. Bộ dạng của lão ăn xin đâu khác gì người uống rượu quá chén.
Tuy vậy, lão ăn xin cứ khập khiểng đi như thế, nhưng Dư Hải Bằng chạy đuổi mãi mà vẫn không đuổi kịp lão.
Thoạt đầu Dư Hải Bằng đâu biết đó là thân pháp danh lừng thiên hạ của lão ăn xin. Nhưng sau một lúc chân đã chồn, gối đã mỏi, lúc Dư Hải Bằng đành chịu thôi không chạy đuổi theo lão nữa, thì lão cũng dừng chân. Cả mừng, Dư Hải Bằng lại tiếp tục chạy đến, vừa chạy vừa kêu như lúc mới rồi. Lão ăn xin không nói không rằng lại tiếp tục bỏ đi như trước. Được vài lượt như thế, Dư Hải Bằng mới vỡ lẽ ra đây là lão ăn xin đang thi triển thân pháp.
Là thân pháp gì thì gã không thể nào biết được, nhưng qua việc lão chỉ ra tay trong chớp mắt lấy mạng những mười tên giáo đồ U Minh giáo thì Dư Hải Bằng tin rằng đấy chính là thân pháp tuyệt lắm lắm. Gã không thể so bì được.
Buông phịch người xuống đất, Dư Hải Bằng dựa người vào thân cây mọc ven đường. Gã vừa thở hào hễn vừa trông theo lão ăn xin đang đi xa dần rồi mất dạng.
Nhìn bóng nắng bây giờ đã tròn, gã mới biết rằng gã đã đuổi theo lão ăn xin một lúc khá lâu, có lẽ đã cách trấn Thiên Đầu Sơn một quãng khá xa.
Phần thì bực dọc khi võ học sút kém người, phần thì lo ngại không biết bây giờ phải đi về đâu và phải làm gì. Dư Hải Bằng nhắm mắt lại không dám nhìn đến thực tại.
Đang mơ mơ màng màng như thế, tiếng của lão ăn xin chợt đập vào tai :
– Làm người không những phải có dũng mà còn phải có trí nữa. Hữu dũng vô mưu chỉ là bọn thất phu mà thôi.
Mở mắt ra, Dư Hải Bằng chiếu theo hướng phát âm mà tìm lão ăn xin. Lão không hiểu đã quay lại từ lúc nào mà bây giờ đang ngất ngưỡng ngồi trên một nhánh cây ngay bên trên gã.
Gã ảo não tán thán :
– Đến tiểu dũng còn chưa có đủ, thì nói gì đến trí chứ?
– Khiêm tốn cũng là điều tốt, nhưng tự hạ thấp mình thì không hay chút nào cả.
Không rõ thâm ý của lão, nên Dư Hải Bằng cười buồn đáp lại :
– Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Tiểu nhân dù không muốn hạ thấp mình cũng không thể nói khác.
– Hừ! Thuốc để chữa những người chưa đến số chết, Phật chỉ độ người hữu duyên. Nói với kẻ thối chí như ngươi, ta chỉ tổ phí lời mà thôi.
Nói xong, lão ăn xin nhảy phóc một cái, đã hạ thân trên mặt đất rồi lại ngất ngưỡng bỏ đi.
Phẫn khích, Dư Hải Bằng kêu lên :
– Ai bảo ta là kẻ thối chí chứ? Hừ! Khổ luyện kiếm phổ đến cả trăm ngày so ra vẫn không làm gì được bọn ác nhân. Khổ luyện một đời như mẫu thân ta cũng phải cam bại. Vậy thử hỏi ta phải làm gì bây giờ?
Quay ngoắc người lại, lão ăn xin khinh khỉnh gương mặt lên nói như tát vào mặt Dư Hải Bằng :
– Thinh danh Uyên Ương song kiếm ta e rằng chính ngươi làm cho tiêu tán mất! Hừ! Thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân. Khổ luyện trăm ngày thì có gì đáng để kể chứ. Ngươi không đáng là hậu nhân kế truyền của Uyên Ương song kiếm.
Gã sững sờ :
– Thinh danh của Uyên Ương song kiếm lớn lắm sao, lão trượng?
– Nhất giáo, nhất bang, tam bảo, thất đại môn phái trên giang hồ số người cầm cự được với Uyên Ương song kiếm chỉ kể được trên đầu ngón tay thôi.
– Lão trượng có ý nói gì khi nêu ra nhất giáo, nhất bang, tam bảo và thất đại môn phái?
Đến lượt lão ăn xin tỏ ra nghi ngờ :
– Ngươi không biết thật hay ngươi hỏi ta đó?
Đỏ mặt, gã lúng túng :
– Do song thân lúc sinh tiền không muốn nói đến việc giang hồ, nên đến võ công tiên mẫu cũng không truyền thụ thì nói gì đến những chuyện liên quan đến nhân vật giang hồ mà hòng nói cho vãn bối nghe.
– Ngươi vừa nói đến hai chữ sinh tiền, vậy không lẽ lệnh tôn đã…
– Hà! Cách đây không lâu, vãn bối mới nghe biết đến Uyên Ương song kiếm, nhân đó tiên mẫu có nói là tiên phụ đã bị thù nhân hãm hại cách đây mười năm rồi.
– Ủa! Có chuyện này sao? Vậy thù nhân đã hãm hại lệnh tôn là những ai?
Lắc đầu, Dư Hải Bằng đáp :
– Theo tiên mẫu thì phần đông là những kẻ trước đó đã là bại tướng dưới Uyên Ương song kiếm. Nhưng bọn chúng cũng đã bị thảm tử trước lúc tiên phụ cưỡi hạc quy tiên.
Ngao ngán, lão ăn xin cũng lắc đầu quầy quậy :
– Cây càng cao càng hứng chịu nhiều gió lớn. Chuyện này nếu không phải do ngươi nghe lệnh đường thuật lại và nói cho ta nghe thì ta không sao tin được. Còn câu hỏi kia thì U Minh giáo, Cái bang, Thanh Vân bảo, Hồng Hạc bảo, Thiên Địa bảo với Thiếu Lâm Võ Đang, Côn Luân, Nga Mi, Thanh Thành, Hoa Sơn và Thái Sơn. Đó là những môn bang phái đang hiện hữu tại võ lâm Trung Nguyên.
Nói xong một hơi dài, lão ăn xin bèn dịu giọng lại, nói tiếp :
– Ngoài những môn bang phái ta vừa nói đến thì còn có không biết bao nhiêu là kỳ nhân dị sĩ. Cũng như lệnh tiền tôn với Uyên Ương song kiếm vậy. Nếu lệnh tiền tôn chịu đứng ra thành lập một môn phái thì không kém gì những môn phái đó đâu.
Càng nghe, Dư Hải Bằng càng thêm phấn chấn. Gã háo hức hẳn lên :
– Uyên Ương song kiếm lợi hại đến thế sao?
Lão ăn xin lập tức chỉnh dung :
– Nếu ngươi muốn phát dương quang đại cho Uyên Ương song kiếm, thì ngươi phải tự nhìn lại bản thân ngươi trước đã. Không tự cao tự đại cho mình hơn người, cũng không thể hạ thấp mình xem còn kém người. Ngoài ra còn có một điều này ngươi nên nhớ cho kỹ, khổ luyện một giờ, lợi một giờ, khổ luyện một ngày, lợi một ngày. Có chuyên tâm trì chí thì đại sự tất thành. Thế nào? Ngươi còn cho ta là thủ phạm giết hại lệnh đường nữa không?
Lão ăn xin không một lần nhắc đến Tam Ma tử kiếm lệnh. Đây chính là điều then chốt mà Dư Hải Bằng đã suy nghĩ kể từ lúc gặp lão ăn xin tại Thiên Sơn cho đến tận lúc này. Qua đó, mười phần đến chín thì Dư Hải Bằng đã biết rằng mình đã nghĩ sai cho lão. Và vào lúc này thì gã càng nhận định rõ hơn. Do đó, gã bẽn lẽn vòng tay thi lễ lão ăn xin :
– Vãn bối nhất thời mê muội, lão tiền bối xin tha cho tội thất ngôn!
Lão ăn xin bật cười lên :
– Ha… ha… ha… Tính vai vế ra thì ta chỉ đồng hàng với lệnh tiên tôn mà thôi. Nếu được, ngươi hãy gọi ta là thúc thúc hay tiền bối gì cũng được, miễn cho ta chữ lão đi!
– Đa tạ thúc thúc! Chẳng hay thúc thúc có thể cho tiểu điệt thỉnh qua cao danh quí tính?
– Ha ha ha… Thằng bé ngươi thật là dễ dạy. Ngoan lắm! Tên họ của ta thì ta đã quên mất từ lâu rồi. Bọn nhiễu sự đã quen gọi ta là Túy Cái, ngươi cứ thế mà gọi là được rồi.
Trong lúc Dư Hải Bằng còn đang ngỡ ngàng khi nghe lão bảo lão đã quên mất tên họ thì Túy Cái đã chệnh choạng bước đi. Lần này Túy Cái không bỏ đi hẳn mà lão chỉ đi lẩn quẩn quanh vị trí gã đang đứng mà thôi. Còn chưa hiểu chuyện gì thì…
Vút!
Lão đã biến đâu mất. Từ xa chỉ văng vẳng lại âm thanh của lão :
– Tiểu tử! Ngươi chớ chê bỏ quà diện kiến của ta nha. Đó là Túy Tiên bộ pháp …
Chỉ đến khi Dư Hải Bằng nhìn thấy những dấu chân còn lưu lại ràng ràng trên mặt đất của lão Túy Cái thì gã mới hiểu lão vừa nói điều gì.