Bạn đang đọc Đàn Ông Không Đọc: Tấm danh thiếp của gái bao
Tấm danh thiếp đầu tiên của tôi được trình bày giống hệt mọi danh thiếp công vụ khác. Tức là lần lượt có tên, chức vụ, cơ quan công tác, địa chỉ cơ quan, số điện thoại và fax công sở, địa chỉ nhà riêng và điện thoại bàn. Gần hai mươi năm trước, danh thiếp gần như chứa trọn mọi thông số về cuộc sống một con người.
Đến một ngày, một người bạn nước ngoài kinh ngạc nói với tôi, cô thật là hớ hênh. Việc ghi rõ địa chỉ nhà và số điện thoại riêng lên danh thiếp giống như việc mời những kẻ trộm, kẻ xấu bụng, kẻ tống tiền áp sát mình gần thêm. Những người chỉ bàn công chuyện, họ chỉ cần số phôn là đủ. Bạn bè đã biết nhà cô rồi, họ đọc chỉ dẫn trên danh thiếp làm chi nữa. Và người bạn nước ngoài nói thêm, thật sự ngạc nhiên vì tính thật thà của người Việt, ai đưa danh thiếp cũng thấy có địa chỉ nhà, như một lời mời, tới mà làm phiền!
Vài năm sau, dân công sở khôn ngoan hơn, chỉ đưa lên danh thiếp những thông tin công khai, vắn tắt về chức vụ. Danh thiếp của tôi có thêm dòng e-mail, một địa chỉ nhỏ nhoi trong thế giới số, và số máy điện thoại di động, một lệnh truy nã bằng sóng vô tuyến điện có hiệu lực cả lúc ăn lẫn lúc ngủ. Và đôi khi, chúng ta bật cười khi được nhận một tấm danh thiếp ghi chi chít hàng chục chức danh giáo sư, nhà văn, nhà phê bình v.v… của một ông lạc thời mà cứ tưởng mình đi cùng thời đại.
Một ngày, cô học trò xinh đẹp của tôi gọi điện tới từ biệt tôi, nói, cảm ơn cô đã dạy em ngoại ngữ. Giờ em không đủ tiền để thuê cô nữa. Giờ em không còn là gái nhảy gái bao đắt khách nữa, có lẽ em sẽ thành gái nhà hàng, sau này đứng đường nữa, chả ai biết. Nhưng em vẫn muốn gọi điện cảm ơn cô và em chào cô!
Tôi ngậm ngùi xui cô học trò in danh thiếp.
Tôi nói, em hãy in danh thiếp tên em và số điện thoại, cùng dòng chữ: “Thanh Thủy – Nữ sinh nghèo cần việc làm thêm bán thời gian, hãy gọi cho em! 09…..” và đêm nay em đi cài những danh thiếp ấy lên những cửa kính xe ô tô đỗ dọc phố. Hy vọng, em sẽ tìm được một khách hàng có điều kiện và xây dựng một mối quan hệ lâu dài. Và hy vọng họ cũng cần em y như em cần người ta.
Không biết học trò của tôi trong cơn bĩ cực có làm tấm danh thiếp đầy “sáng tạo” ấy hay không. Nhưng đến thời đại hot-girl và gái kẹt net, tôi thấy những danh thiếp kiểu ấy gài đầy rẫy trên mạng của đàn ông, một tấm danh thiếp điện tử chỉ đơn sơ vài dòng, vừa khiêu khích vừa đắng ngắt.
Vào một ngày nào đó, chúng ta sẽ thấy, trên danh thiếp ghi gì không còn quan trọng nữa. Công việc đã đổi, sở làm đã thay, thậm chí số điện thoại di động cũng đổi tới mấy lần. Danh thiếp của nhiều người có vòng đời rất ngắn, có khi chỉ vài tháng, bởi họ nhanh chóng nhảy việc khác, tới chỗ làm lương cao hơn, e-mail công sở cũng thay ngay. Có người cùng lúc sở hữu mấy danh thiếp khác nhau, làm việc liên quan lĩnh vực nào, họ đưa danh thiếp của lĩnh vực ấy, như thể thay gương mặt đại diện của mình. Nắm danh thiếp ấy có cái thực, có cái ảo giống như chức vụ ghi trên ấy.
Gần đây, tôi không dùng danh thiếp nữa. Tôi chỉ dùng lời để tự giới thiệu, tên tôi là gì. Mọi người sẽ tự hình dung ra chức nghiệp kèm theo, và những người quan tâm sẽ chủ động ghi số điện thoại liên lạc của tôi. Trong một xã hội thông tin, lên mạng cứ google gì là có hết, thì chỉ cần nói tên là đủ!
Nếu không nhớ nổi tên nhau, nhớ nổi ai là ai, thì có khả năng rất lớn là những tấm giấy nhỏ vừa trăm cái như một ấy, sẽ tự động vào nằm vĩnh viễn trong ngăn kéo của bạn. Chỉ làm bộ sưu tập danh thiếp bốn phương của bạn dầy lên, chứ không mang lại cho chúng ta bất cứ cơ hội nào.
Vậy, ghi chức vụ gì, quyền thế gì trong danh thiếp, liệu còn quan trọng không?
Sao tôi khao khát một ngày nhặt lại được tấm danh thiếp của Thanh Thủy rơi đâu đấy quanh đời này? Sao tôi nặng lòng và rưng rưng nước mắt khi nhớ đến tấm danh thiếp mà tôi chưa bao giờ được nhận?