Bạn đang đọc Đàn cổ cầm khỏa thân – Chương 6 – Phần 04
Trong ánh sáng mờ ảo của cây đèn lồng, khuôn mặt nàng không hề thể hiện chút xúc cảm. Nàng có vẻ mặt như mới đào mồ bước ra. Thẩm Phong không hề cảm nhận được trong giọng nói của nàng sự xấu hổ, hối tiếc hay lo lắng. Sự bình tĩnh này, sự thiếu vắng cảm xúc này làm chàng run lẩy bẩy.
– Dụng cụ đây hả? – Chu Bảo nín thở thì thào.
Nó lấy từ trong bụi rậm ra hai cái cuốc, hai cái xẻng của phường đòn, một cái túi rỗng và hai cái liềm của thợ làm vườn.
– Nàng muốn ta đào mộ thế nào đây? – Nó nói tiếp. – Cần phải có rìu để đốn tre và búa để phá cánh cửa phía sau chứ!
– Không được phá cửa, nó có gắn vũ khí, – người nữ tu bình tĩnh trả lời.
– Nàng ấy nói đúng đây, – Thẩm Phong nói. – Mộ của những người có chức tước thường có gắn một dụng cụ bắn tên và những túi chất độc.
– Vậy nàng có biết mở không? – Chu Bảo nói. – Nàng có chìa khóa không?
Một ngọn gió làm cây đèn rung rung. Khuôn mặt Bình Ngữ sáng lên, tối đi rồi lại sáng lên. Nàng dùng mũi giày gõ xuống đất.
– Đào đi, – Bình Ngữ nói, giống như nàng đang suy nghĩ về phần thưởng mà Chu Bảo phải mang về cho nàng. – Phải đào một đường hầm luồn dưới cửa dẫn trực tiếp lên phòng mai táng. Như vậy, – nàng nói thêm, – sẽ dễ xóa dấu vết hơn.
Không nói một lời, Chu Bảo xắn tay áo, phủi phủi tay rồi cầm lấy cuốc.
Một đám mây dày che mất mặt trăng. Một tiếng xào xạc vẳng lại từ thung lũng rồi biến thành tiếng rên rỉ. Là gió thổi những ngọn tre. Không có trăng, các lăng mộ dường như lớn hơn. Chúng giấu nghĩa địa trong bóng tối ghê rợn của mình và phát ra những luồng gió lạnh buốt. Ngọn đèn hồng thu hút lũ côn trùng thiêu thân trên ngọn đèn.
Thẩm Phong rất dễ sợ hãi. Chàng cứ ngập ngừng rồi bình tĩnh lại. Bên cạnh chàng, Chu Bảo vốn dĩ nói nhiều cũng không hé răng mà đầu thì cúi gằm. Nó bỏ cái cuốc ra rồi lấy cái xẻng và ném đất ra khỏi lỗ. Thẩm Phong phun nước bọt vào lòng bàn tay để giảm nỗi bồn chồn. Bất thình lình, từ vách đá trên cao có ai đó ho. Chu Bảo nhảy ra khỏi lỗ, huơ huơ cái xẻng.
Cách đó hai bước chân, vách đá nhìn cả bọn khinh bỉ rồi im lặng trở lại. Bị dây thường xuân phủ kín, nó giống hình mặt người nhăn nheo cười ma mãnh cả bọn. Liệu nó đang che giấu một kho báu hay một con quái vật thức giấc sau mỗi cú đào bằng cuốc và xẻng? Thẩm Phong nghe một tiếng thở. Bất ngờ, có ai đó bật cười.
– Ra mặt đi, đồ hèn! – Chu Bảo gầm giọng la lên.
Nụ cười biến thành những tiếng càu nhàu nguyền rủa không rõ.
– Đáng nguyền rủa! Đó là ma hay quỷ vậy? – Chu Bảo nghiến răng lầm bầm.
– Ra khỏi đó đi!
Thẩm Phong nắm một nắm đất rồi ném vào chỗ phát ra tiếng động. Cây cối xào xạc. Hai bóng đen lướt giữa những cành cây rồi biến mất về phía ngọn tre.
– Lũ khỉ! – Chu Bảo vừa nói vừa nhổ nước bọt. – Chúng làm tao sợ hết hồn! Tao thề với mày, sau đêm nay tao chỉ đi lang thang ngoài nghĩa địa sau khi chết.
Đâu đó, trong bóng tối, một con chim hú hú rồi cười khẩy như chọc ghẹo họ. Thẩm Phong lau cái trán vã mồ hôi rồi nhìn xung quanh. Không xa lắm, trước khóm tre, chàng thấy có một cái bóng giống như Bình Ngữ quay lưng lại phía họ. Chắc nàng đang vừa canh chừng vừa ngắm trời đất.
Một tiếng gầm nghiến chặt màn đêm.
– Cái gì vậy?
Chu Bảo rùng mình rồi lại giơ xẻng lên.
– Một con hổ, – Thẩm Phong trả lời.
Chu Bảo nhổ nước bọt.
– Nhanh kết thúc vụ cái mộ này đi! Tao thề với mày, giờ tao đã rất hối hận vì có con với một nữ tu. Nàng giết tao trước khi tao kịp cưới nàng!
Thẩm Phong nhìn sang Bình Ngữ. Nàng không nhúc nhích. Nàng phớt lờ nỗi sợ và những đau đớn của họ. Chắc nàng đã quyết vi phạm mọi điều cấm kỵ của thế giới trần gian này và bỏ ngoài tai mọi quy củ Phật giáo khi đẩy Chu Bảo tới chỗ trộm mộ của một bà hoàng sùng đạo. Phụ nữ là một đường hầm dẫn tới cõi hư vô hay tới châu báu?
Cúi khom người, Thẩm Phong đào bằng xẻng. Chu Bảo chất đất đá vào bao mà Bình Ngữ đưa cho rồi đem đổ ở miệng đường hầm.
– Mày có chắc là mình đi đúng đường không? – Chu Bảo vừa bò vừa hỏi. – Hay mày có chắc là tụi mình đào đúng chỗ không?
– Tao không chắc gì hết, – Thẩm Phong nói.
Hòa với đất, mồ hôi chàng trở nên nhão nhoẹt. Thỉnh thoảng chàng phải dừng lại rồi chùi mắt và miệng.
Giọng Chu Bảo lại vọng tới:
– Nếu đất sụp xuống đầu mình thì làm sao?
– Đó là điều tệ nhất, – chàng thợ đàn trả lời sau khi phun nước bọt. – Đất có thể sụp xuống và tụi mình bị lọt xuống một bao cát… Lấy cục đất này giùm tao. Tao không thở được.
Chu Bảo bò đi rồi quay lại.
– Một cái bóng màu cam đã nhảy qua nhảy lại nhiều lần trước mắt tao. Chắc tao gặp linh hồn người chết.
– Đừng quan tâm. Đừng cố hiểu nó là cái gì. Chỉ cần nghĩ tới nó là nó đã ám vào mày rồi.
Khi Thẩm Phong và sư phụ về làng với những tấm gỗ quan tài cổ, ban ngày họ đặt nó ngoài trời. Ban đêm, họ đem nó vào, đặt nó trên nệm rơm. Họ ngủ trên những phiến gỗ tìm thấy trong vương quốc người chết này và phải làm cho chúng quay lại cuộc sống bằng cách cho chúng hơi người sống. Lúc đầu, Thẩm Phong gặp ác mộng. Trong giấc mơ, chàng gặp những người xa lạ mặc đổ kỳ cục. Chàng không biết đó là người chết trở về gặp chàng hay chính chàng đang phiêu diêu trong cõi ngày xưa. Sư phụ dặn chàng dù trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được trả lời câu hỏi của họ hay nhận lời mời của họ.
Giọng Chu Bảo ù ù:
– Thẩm Phong, mày có vẻ không sợ ma nhỉ?
– Sợ hả? Sư phụ tao càng ngày càng giống ma, tao quen rồi…
Bình Ngữ đưa cho họ những mẩu nến ngắn đã đốt. Có thể nàng đã ăn trộm chúng từ bàn thờ Tam Phật. Để tiết kiệm, Thẩm Phong chỉ dùng từng mẩu một. Bây giờ, ở độ sâu khoảng hai mươi bước chân, lòng đất phát ra mùi mốc meo. Tiến thêm bốn bước, chàng bị ngạt thở vì những hơi khí nóng. Ánh sáng đèn mờ in bóng đầu chàng đang nhảy múa trên vách. Chàng gãi và đào. Từng nắm đất rớt ra rồi rơi xuống. Chàng không còn cảm thấy bàn tay và cánh tay mình đang run. Nhưng đã quá trễ để quay lại. Chu Bảo và chàng đã đào quá xa, quá sâu; họ không thể nào dừng lại. Mùi của đất và tiếng gãi sột soạt đều đều làm Thẩm Phong buồn ngủ. Đôi mắt chàng cứ nhắm lại nên chàng phải cố gắng giữ nó mở ra. Như một trận triều cường, nỗi buồn xâm chiếm chàng. Nếu chàng chết trong ngôi mộ này, ai sẽ lo cho sư phụ chàng? Lấy ai đổ nước đầy chum, ai chụm thêm củi vào cái bếp thơm mùi gạo?
Cách đây hai năm, đôi tay người thợ đàn già bắt đầu run rẩy rồi ông không thể giữ dụng cụ để đục đẽo được nữa. Lúc đầu, tưởng mình bị trúng lời nguyền của ma quỷ theo chiếc quan tài ám vào người sống, ông đã uống các loại thảo dược mà theo ông có tác dụng trừ tà. Rồi sau đó, ngày qua ngày, bệnh càng nặng thêm. Một đêm nọ, cơn đau lên đến ngực ông. Lúc ngủ dậy, sư phụ không thể nào nói rõ tiếng được nữa. Từ ngày đó, ông lúc nào cũng cáu giận, ăn trong im lặng, ngủ trằn trọc trên nệm. Khi Thẩm Phong nói chuyện với ông, ông làm như bị điếc. Nhiều khi ông đi vào rừng nhiều ngày và trở về với gò má hốc hác, quần áo dơ bẩn. Những thợ săn đi ngang qua rừng kể rằng, ông ngủ trong hang động và đã trở thành bạn của khỉ vượn cùng các vì sao.
Từ khi nỗi bất hạnh ám lấy ngôi nhà, Thẩm Phong cũng đi mỗi khi chàng thất vọng. Ngược lại với sư phụ, Thẩm Phong đi vào thành, chơi với băng nhóm của Chu Bảo và lang thang trên những con đường ồn ào trong chợ. Mặt trời, mồ hôi, rượu, tiếng xì xào của các thương nhân, tiếng quân lính thao diễn đã làm lòng chàng tươi trẻ lại như một khúc nhạc ám vào não làm chàng quên đi nỗi buồn phiền.
Chu Bảo quay lại, đá đá vào chàng. Trong ánh nến mờ mờ, nó giống như một con sâu đen dài. Dính đầy bùn và mồ hôi, đôi mắt sáng rực, khi nó nói chuyện, răng nó đánh lập cập trong đường hầm đỏ:
– Nếu tao chết, hãy cưới Bình Ngữ và giấu nàng ở nhà mày, được không?
– Điên! Mày không chết đâu!
Chu Bảo gật đầu.
– Bây giờ tao hối hận vì đã không nghe mày. Tụi mình sẽ không đến được đó.
– Dừng lại chút đi.
– Không! – Chu Bảo lớn tiếng.
Sau một hồi im lặng, nó tiếp tục:
– Mày có chắc đã đào đúng hướng không?
– Tao không biết.
Kéo cái bao, Chu Bảo bò trườn ra phía sau.
– Thẩm Phong, mày là anh em, dù có chết tao cũng không quên ơn mày! Khi tụi mình tới được hầm, mày có thể lấy bất cứ gì mày muốn!
– Để xem sao. Tao cần ít hơn mày.
Chu Bảo nhích ra ngoài.
– Tao có một câu hỏi, – Thẩm Phong hỏi nó. – Và tao muốn được biết câu trả lời trước khi chết.
– Hỏi gì?
Thẩm Phong đỏ mặt. Chu Bảo gầm gừ:
– Nói! Không ai nghe thấy tiếng tụi mình đâu!
Chàng thợ đàn trẻ ngập ngừng rồi liều nói:
– Đàn bà, như thế nào?
Chu Bảo bật cười. Nó cười tới mức hít cả đất vào mũi rồi lăn ra ho sặc sụa.
– Ha ha, đàn bà!… Khi… mày có một phần… châu báu, mày đi mà hỏi Hồng Ngọc ở trong nhà… Sen. Nàng sẽ giải thích hết ày!
– Đó không phải những gì tao muốn nói. Mà đàn bà là gì?
Chu Bảo làm ra vẻ suy ngẫm. Bỗng chốc, nó tìm được câu trả lời:
– Đàn bà ẩm ướt và nóng. Đi vào trong bị ép chặt rồi đào, đào và đào. Rồi bỗng nhiên bị thiêu đốt và… hê hê, và có con!
Rất hài lòng với câu trả lời của mình, Chu Bảo vừa lùi ra vừa hát:
Bông hoa quý nở ra nở ra thật to
Một con sâu đất bò, bò, bò để kiếm chút mật ăn
A, a, a, người anh em, nếu bông hoa bất ngờ chầm chậm khép vào,
A, a, a, người anh em, người anh em sẽ bị kẹt bên trong và sẽ chẳng còn thấy mặt mẹ hiền…
Chu Bảo biến mất trong bóng tối. Thẩm Phong lại cầm xẻng và đào. Một cơn mưa đất đổ xuống đầu chàng. Chàng lau mặt bằng mu bàn tay. Chu Bảo không trả lời câu hỏi của chàng. Có lẽ chàng đã nói không rõ. Phải chăng số phận chàng không được biết đến phụ nữ? Tay chàng, mắt chàng, tai chàng, hơi thở của chàng, bụng dưới của chàng, ngày và đêm chỉ thuộc về đàn thôi ư? Có phải vì vậy mà chàng sinh ra đã mồ côi và người thợ đàn già là người hướng dẫn duy nhất trong cuộc đời chàng?
Thẩm Phong chỉ là một đứa trẻ khi sư phụ quyết định đánh thức khả năng thính giác của chàng.
“Âm nhạc ở khắp mọi nơi và mọi thứ đều có giai điệu riêng của nó”, ông nói. “m thanh của thế gian chia thành ba nhóm. Tiếng rì rầm hỗn độn của thiên nhiên trở nên hài hòa nếu người ta bịt lỗ tai ngoại vật và nghe bằng nội tâm. Người ta sẽ nghe được âm nhạc bằng các giác quan và ký ức. Nhưng nếu người ta bịt lỗ tai nội tâm để nghe bằng da, người ta sẽ nghe được âm nhạc của càn khôn, của mặt trời, mặt đất và các vì sao. Rồi, nếu người ta đóng kín tất cả các lỗ tai và nghe bằng linh hồn mình, người ta sẽ nghe ra âm nhạc của sự thông thái, của các thánh thần đang phiêu diêu trong gió và ánh sáng, thứ âm nhạc đi vào màn đêm và băng qua những bức tường, âm nhạc của tất cả những cuộc đời.”
Sư phụ vừa nói vừa chỉ tay về phía núi: “Có bao nhiêu cây trong rừng?”
Cậu bé Thẩm Phong ngây thơ đếm bằng mười đầu ngón tay rồi nhanh chóng không thể đếm được nữa.
“Có bao nhiêu sỏi bên bờ suối?”
Thẩm Phong hẩy hẩy viên đá bằng mũi giày và không thể trả lời.
Sư phụ lại tiếp: “Có bao nhiêu sóng trên sông?”
Thẩm Phong toan đếm nhưng không đếm hết.
“Thế giới của chúng ta là vô tận. Số âm thanh của cây đàn cổ cầm cũng vô hạn.”
Bên bờ sông, có một đồi đá lớn tròn tròn. Nhìn từ xa giống như một nhóm người đang đứng ngắm sông.
“Những hòn đá đó trước kia ở thượng nguồn”, sư phụ nói. “Bị thác nước mài mòn và bào nhẵn dưới sóng nước triền miên, chúng đã mất dần góc cạnh và mũi nhọn. Cứ mỗi đợt triều cường chúng lại bị đẩy về phía hạ lưu. Suốt thời gian chuyển động chầm chậm này, chúng gần lại nhau, dính vào nhau và chồng lên nhau để cùng nhau chống lại dòng chảy.”
Theo chân sư phụ, Thẩm Phong leo lên những tảng đá. Khi mặt trời đâm thủng màn sương, những con sóng tối tăm bên bờ đối diện rút ra và trở thành những gờ sông dốc đứng. Vô số chim chóc nhảy múa trên những chỗ rạn nứt và trên mép đá. Sư phụ đứng lặng yên, mở rộng vòng tay. Sau lưng ông, Thẩm Phong cũng bắt chước như vậy. Chàng hít thật sâu rồi tưởng tượng đang nhấc một cục lửa mang lên trời. Sư phụ lúc đó nhấc cánh tay trái lên, gập chân phải lại rồi đứng cân bằng trên chân trái, Thẩm Phong cũng làm y như vậy. Hòn lửa lớn lên và chạy qua vai ông, vòng quanh đầu ông. Hòn lửa trở thành một quả cầu đầy khí hài hòa đi xuyên qua da rồi chia thành hai luồng khí nóng chạy vào trong hai chân.
Giọng sư phụ chàng vang lên: “Đàn là núi, sông, trời, đất, mây, thuyền, đá. Đàn là vũ trụ, vũ trụ là đàn. Người chơi đàn là một nốt nhạc của vũ trụ. Hít sâu… thở ra…”
Bỗng sư phụ chuyển động nhanh hơn, đẩy mạnh tay trái và rẽ không khí bằng tay phải. Đứng trên chân phải, ông nâng chân trái lên chạm đầu và tung một loạt cú đá trong không khí. Dù chân lảo đảo nhưng Thẩm Phong vẫn bắt chước ông.
“Đàn không dành riêng cho giới trí thức”, sư phụ nói. “Đàn là nghệ thuật chiến tranh, phá hủy và chết chóc. Thẩm Phong, ta dạy cho con võ thuật để mài giũa ý chí của con.”
Trước mặt chàng, sư phụ quay lại và làm chầm chậm các thao tác. Giọng ông xa xăm: “Lúc đầu, vũ trụ chỉ là một vòng xoáy. Lúc đầu trốn ở trong tâm của nó, thần Bàn Cổ ngủ trong bóng tối hỗn độn suốt mười tám nghìn năm. Một ngày nọ, thần thức dậy, bước ra ngoài rồi dùng tay chân đẩy những đám khí dày. Những vật nhẹ hơn nổi lên thành bầu trời. Những thứ nặng hơn lắng xuống thành đất. Thần Bàn Cổ đứng dậy, gánh bầu trời trên vai. Mỗi ngày thần cao thêm một trượng trong suốt mười tám nghìn năm nữa để rồi cuối cùng bầu trời tách ra khỏi mặt đất và chúng không bao giờ liền lại nữa. Khi mặt đất cứng lại và bầu trời khô đi, Bàn Cổ nằm lăn trên mặt đất và chết vì mệt mỏi. Mắt trái của thần thành mặt trời, mắt phải thành mặt trăng. Da thịt thần và máu thần thành núi đồi, sông suối, rừng và đá.”
Thẩm Phong lúc đó cảm thấy tràn đầy sức mạnh. Quả cầu khí chàng giữ trong tay lớn dần lên và kéo chàng lên trời.
Sư phụ chàng nói tiếp: “Hãy hạ thấp từ từ xuống gót chân. Gan bàn chân là mặt đất. Mặt đất trải rộng ra vô cùng. Con đã thành vô cùng. Bây giờ hãy mở lồng ngực ra, nhắm mắt lại và nghe tiếng nhạc trên từng đầu ngọn tóc của con. Nhạc không thành tiếng nhưng phát sáng. Đó là tiếng nhạc của sự thông tuệ…”
Trước một đường hầm vừa dài vừa vòng lên, Thẩm Phong cảm thấy lạnh băng và khô khốc. Chàng dừng lại, dùng ngọn nến ủ ấm những ngón tay đang co cứng và nhìn lòng bàn tay mình, vừa rộng vừa đỏ và đầy vết chai. Những kẻ đào mộ đào đất để cướp châu báu, còn những thợ đàn khoét gỗ để cho cái trống rỗng một cuộc sống, đó là âm nhạc.
m nhạc! Từ trong đường hầm phát ra âm thanh dìu dặt. Không tin là có ma, Thẩm Phong dừng lại lắng nghe rồi bắt đầu cào mạnh. Từng cục, từng cục đất rơi xuống ngày càng nhiều. Đó không còn là đất tươi nữa mà là một chất cứng vón thành bột. Chàng thận trọng đổi dụng cụ để sử dụng góc của lưỡi cuốc. Giai điệu yếu ớt và ma quái dần trở thành tiếng gào thét theo từng mảng đất giống như tro rơi ra từ phía trên vách hầm.
Thẩm Phong dừng lại.
– Mày có nghe có tiếng nhạc không? – Chàng hỏi Chu Bảo đang mải hót đất
– Cái gì? Nhạc gì?
– Không có gì, – Thẩm Phong trả lời.
m nhạc lại vẳng lại tai chàng như thể ngay trên đầu chàng một nhóm nhạc công đang chơi hòa tấu đàn dây. Khi chàng cào cào theo hướng đó, chàng càng nghe rõ hơn. m nhạc đó khác hẳn với tất cả những thứ âm nhạc mà chàng nghe trước đó. Các nốt va vào nhau rất rõ và trong veo như tiếng ngọc trai. Thỉnh thoảng, các nốt nhạc đó rời rạc tới mức có thể nghĩ đó là điệu hát của một phụ nữ ngoại quốc.
m nhạc lớn lên. Các nốt rơi vãi. Vọng âm trầm và mơ màng của chúng vỗ về tay và chân chàng, làm chàng run rẩy sung sướng. Lưỡi cuốc càng nhanh hơn và càng lúc càng đập mạnh hơn vào đất. Điệu nhạc đã nhập vào chàng, trườn lên trán chàng và gọi:
– Đi với ta, đi!
Bất ngờ, một cơn mưa đất và bột đổ xuống rồi âm nhạc im bặt. Một cái lỗ xuất hiện ngay trên đầu chàng. Thẩm Phong với tay, đưa ngọn nến lại gần hơn, còn tay kia với một vài nhát cuốc nữa, cái lỗ đã rõ ràng. Một mùi rất nặng xộc vào mũi chàng. Một con vật từ địa ngục nhảy lên cắn vào mặt chàng. Một cơn gió lạnh thổi tắt ngọn nến. Bị nghẹt thở, Thẩm Phong xé miếng vải trên ngực áo, chân chàng đào đào đất rồi chàng quay lại để hét lên một tiếng. Nhưng không một âm thanh nào thoát ra. Chàng co rúm rồi ngất đi.