Đàn cổ cầm khỏa thân

Chương 4 - Phần 02


Bạn đang đọc Đàn cổ cầm khỏa thân – Chương 4 – Phần 02

Thẩm Phong vái chào.
Giọng trầm trầm của Lỗ Tứ vang lên:
– Đứng dậy đi, Thẩm Phong. Đàn của cậu đâu?
Chàng đặt nó ở lối vào phòng rồi lui lại ngồi trên bệ cửa.
– Tên gì?
– “Sóng cuộn”.
Lỗ Tứ cầm lấy nhạc cụ rồi đặt nó lên chiếc bàn thấp. Ông ta lấy nó ra khỏi bọc rồi lên dây. Một thứ âm nhạc chầm chậm và duyên dáng cất lên.
– Âm thanh mềm và âm vang khá tinh tế. Nốt cao chìm trong nốt trầm như bóng con chim mòng trắng lướt đi trên sóng nâu. Đẹp. Rất đẹp… Nhưng…
Giọng Lỗ Tứ xoay vòng trong không khí. Gảy một dây đàn, ông ta thở dài, nói như đang ngâm thơ:
– Bên bờ Bắc dòng Dương Tử, ở nước Chu, con gái Dương Kiên, một tướng quân gốc Hán, phải làm hậu cho các tộc man di. Ông ta đã thay đổi di chúc của hoàng thượng lúc băng hà và tự xưng là nhiếp chính sau khi đã đưa cháu trai mình lên ngôi. Năm hoàng tử, anh em của đức vua băng hà, gây chiến chống Dương Kiên để trục xuất ông ta khỏi triều đình. Nhưng Dương Kiên được sự hỗ trợ của vợ là con gái một tướng lĩnh của tộc người Độc Cô nổi tiếng gốc man di, há chẳng phải ông ta gây ra cuộc chiến một chống năm này để thống trị toàn bộ vương triều nhà Chu đó sao? Nếu năm hoàng tử thắng, họ sẽ tước ngôi của cháu trai Dương Kiên, và một trong năm sẽ được thay thế trở thành hoàng đế. Dương Kiên, một mưu lược gia tài ba và một chiến binh hung tàn đã cao cờ nhìn năm hoàng tử huynh đệ tương tàn. Ông ta vừa đấu với họ vừa để họ tiêu diệt lẫn nhau. Cuối cùng Dương Kiên thắng cuộc, soán ngôi cháu trai và lập ra nhà Tùy. Khi đã là quân vương, ông ta nuôi mộng đánh chiếm miền Nam để thống nhất Trung Hoa. Ta, Lỗ Tứ, tổ tiên của ta đã uống nước dòng Dương Tử này trước khi người Hán đến, ta phải bảo vệ phương Nam độc lập. Ta sẽ không đi về phương Bắc để bán nhạc cụ nữa, ở đó trộm cướp đang hoành hành…
Lỗ Tứ đứng dậy, đi qua phòng tiếp khách, biến mất sau bức tường tranh rồi trở lại.
– Ở phương Nam, nhà Trần đang suy yếu. Hoàng đế của chúng ta chểnh mảng việc nước mà say đắm trong những trò nhục dục thể xác. Ông ta soạn nhạc để chuộc lỗi với đám tỳ thiếp. Ông ta cho họ vào một dàn nhạc mà ông ta điều khiển để họ học tình bằng hữu và sự hòa hợp. Con trăng vừa rồi, dàn nhạc gồm hàng nghìn kiều nữ đã hát một bài ca do ông ta soạn. Họ vừa mới đặt ta thêm hai trăm cây tỳ bà, ba trăm cây sáo, năm trăm trống con và năm trăm trống cái. Cung điện không còn quan tâm đến đàn cổ cầm đơn tấu. Cậu phải đổi nghề thôi. Ta cần nhiều thợ làm tỳ bà. Cầm lấy, Thẩm Phong, cầm lấy khoản tiền này. Ta biết rằng nếu ta từ chối mua đàn của cậu, ông lão sư phụ và cậu sẽ không có gì để ăn, rồi xương cốt của sư phụ cậu sẽ không sống nổi. Nhưng hãy nhớ rằng, ta không có thời gian để tìm người bán cây đàn của cậu đâu.
Lỗ Tứ ngừng lại, một nụ cười cay đắng hiện trên khuôn mặt ông ta.
– Đàn cổ cầm là cội nguồn của âm nhạc, là niềm khoái lạc của đại trượng phu. Những năm trước, ta đi với khách hàng cả chục bận để bán từng cây đàn một, ta ngồi với họ, bàn luận, giải thích, hướng dẫn họ hiểu cái bí mật của loài phượng hoàng bằng cách cho họ những bài học cụ thể. Không có kẻ nào làm khác được tất cả những điều đó. Nếu như có, ta đã không có tiếng tăm như bây giờ. Giờ ta phải lo thuận theo thiên triều, nếu không, ta sẽ bị mất cái đầu đang nằm trên cổ này. Hãy đến gặp ta sau mười hai con trăng nữa. Có thể từ giờ tới lúc đó ta có một lời đặt hàng cho cậu chăng.
Thẩm Phong sững sờ cầm lấy món tiền ông ta đưa ình mà không nói lời nào. Lỗ Tứ là một nhà buôn tử tế. Nhưng vào thời điểm này, Thẩm Phong muốn nghe ông ta nói dối hơn là nói sự thật. Chàng vừa lui ra vừa nhìn cây đàn Sóng cuộn lần cuối cùng. Trên chiếc bàn thấp, hình dáng thanh mảnh của nó lóe sáng. Nó có dáng thanh thoát và vẻ bình thản vững vàng. Chàng đã mất hai năm để xử lý gỗ, rồi thêm sáu tháng để đục đẽo thân đàn. Chàng đã nâng niu nó, vuốt ve nó, đánh sơn cho nó. Chàng đã cho nó một hình hài và mang cho sự im lặng của nó một tiếng nói. Nó cũng có những đòi hỏi của mình, nó bắt chàng phải trau chuốt từng đường nét và bo gọn những đường cong. m thanh của nó thay đổi dần, nó trốn chàng, hờn dỗi chàng, làm chàng bất ngờ. Nhưng thái độ của nó lúc nào cũng đúng mực. Nó đã dẫn chàng ngày này sang ngày khác vào bên trong trái tim nó, nơi nó hé mở cho chàng xem từng thớ từng vân gỗ cùng tất cả những gì hoàn hảo và chưa hoàn hảo trong âm thanh của nó. Mùi thơm của nó thay đổi. Nó lần lượt có mùi gỗ, mùi các dụng cụ, mùi keo, mùi sơn, mùi mồ hôi, mùi từng cơn mưa… cho đến tận khi nó thức dậy trong mùi thơm của cuộc sống. Đó là lúc nó và chàng phải xa nhau.
Thẩm Phong cúi lạy rồi nhấc gối cáo lui. Lỗ Tứ khẽ gật đầu chào chàng. Nhà buôn nhạc cụ không biết rằng cái lạy chào tôn kính đó của chàng là dành cho cây đàn Sóng cuộn mà chàng phải chia tay vĩnh viễn. Thẩm Phong đứng dậy rồi đi xuống cầu thang. Con khỉ nắm lấy bụng chàng làm chàng nhăn mặt vì đau. Chàng hít thật sâu, đi ngang qua sân rồi đi như chạy ra đường.
Chàng nhìn trời. Mặt trời đang đúng Ngọ. Theo thói quen, khi vào thành và bán được cây đàn cho Lỗ Tứ, chàng sẽ gặp Chu Bảo và nhóm bạn ở quán Vượng Phong. Chàng nhảy múa, gọi bò nấu tiêu và uống rượu với họ. Lúc tính tiền, nhóm của Chu Bảo sẽ không bao giờ trả tiền. Thẩm Phong hoan hỉ ném tiền của mình lên bàn. Những đồng tiền bằng đồng nảy lên, chạy vòng vòng, kêu leng keng: chúng chơi bản nhạc của thế giới vật chất.
Thẩm Phong đi ra giữa đường, tay siết túi bạc. Tiền kiếm được không đủ để sư phụ và chàng sống qua mười hai con trăng để quay lại nếu chàng ghé quán Vượng Phong. Chàng đặt túi bạc trong một nếp gấp trong đai quần. Bụng chàng cồn cào nhưng cổ họng nghẹn ngào đến mức chàng không muốn ăn uống gì. Chàng nhớ tới một quầy xe kéo bán một đồng ba chén rượu. Chàng đi tìm chiếc xe đó.
Nếu Lỗ Tứ không có thời gian để tìm khách bán cây đàn cổ cầm, chàng sẽ phải tìm một nhà buôn khác. Ở phía đông, có một dãy những cửa hiệu san sát nhau dựa lưng vào thành. Đó là cửa tiệm của những gia đình làm nhạc cụ, cho thuê và bán, đồng thời cung cấp các nhóm nhạc công cho đám cưới và đám ma. Dù Thẩm Phong đã cố gắng thuyết phục nhưng họ không quan tâm đến đàn cổ cầm. Ai lại muốn mua một nhạc cụ chỉ để chơi và cảm thụ một mình, giai điệu chậm chạp và âm thanh buồn tủi không ăn nhập gì với không khí của lễ tiệc kia chứ? Tìm những thi nhân và gõ cửa nhà họ ư? Thẩm Phong không phải là kẻ lắm mồm. Chàng không thể gần gũi với những người lạ mặt rồi trở thành bạn của họ chỉ sau một chén rượu được. Tìm ra một góc chợ, trải chiếu xuống đất và bán đàn như người ta bán rau, bán thịt ư? Đó sẽ là điều tồi tệ nhất với một người thợ đàn.

Tuy nhiên, danh dự không nuôi sống được cái miệng và chàng phải tìm ra cách để mang tiền về làng.
Chàng thấy sư phụ đang mang một cây đàn trên lưng, tất tả đi phía trước. Vốn là một đứa trẻ gầy gò, chàng phải chạy và nhảy để theo kịp ông. Vào lúc đó, triều nhà Lương vẫn chưa bị lật đổ, chưa bị nhà Trần thay thế. Sư phụ và chàng sống ở kinh đô Kiến Khang. Mặc quần là áo lượt, họ có thể đi băng qua những bức tường bao quanh khu phố của các tổng đốc và thư lại triều đình. Họ đến chầu trước cổng sơn son thếp bạc có lính tráng canh gác. Những nô lệ ra gặp họ, dẫn họ vào trong và mời lên những bậc thang, nơi họ có thể ngồi trước cửa vào và chào những vị đại nhân từ xa. Sư phụ chàng rút cây đàn cổ cầm ra khỏi bao, chơi một bản và đưa cây đàn cho viên quản gia mang vào phòng tiếp khách. Sau một hồi im lặng, tới lượt các đại nhân và phu nhân gảy đàn.
Ở thành Kiến Khang, sau khi bán được đàn, sư phụ chàng đi tới nhà Hoa, lên lầu với một bé gái để dạy nó đàn và chỉ xuống lầu lúc đêm xuống. Để trả công Thẩm Phong chờ ở cửa, ông dẫn chàng tới quán ăn, gọi một đĩa thịnh soạn và giục chàng uống rượu. Thẩm Phong đã quen với rượu từ nhỏ như vậy. Mỗi lần dạy học cho cô bé kia xong, sư phụ hết sức vui vẻ. Những nếp nhăn trên khuôn mặt ông bị xóa đi, còn hai gò má thì đỏ hồng. Ông kể hết chuyện này đến chuyện khác để làm Thẩm Phong vui trong khi chàng thì ngáp lên ngáp xuống:
“Ngày xưa có đức Phục Hy. Vừa sinh ra đã lớn nhanh như thổi rồi một ngày nọ trở thành khổng lồ với đầu người và thân rồng. Ông nhận ra xung quanh mình, người ta toàn ăn vận da thú và uống máu để sống. Ông dạy họ kiếm lửa và không ăn thịt sống nữa. Bắt chước cái mạng nhện, ông làm thành lưới để bắt cá. Quan sát các vì sao và thưởng ngoạn mặt đất, ông vẽ ra bát quái để thiên hạ có thể mô tả công việc hằng ngày và mô tả thời gian trôi. Một ngày nọ, đang đi dạo trong núi, Phục Hy thấy mây ngũ sắc trên trời bay xuống. Nheo mắt lại, ông thấy giữa ánh sáng chói lòa hai con chim khổng lồ đuôi dài lấp lánh bay ra. Ông nhận ra đó là hai con phượng hoàng. Cặp đôi đậu lên cành cây rồi ngay lập tức tất cả các loài chim khác bay từ nhiều vùng khác nhau đến hót vang. Khi cặp phượng hoàng bay đi, Phục Hy đốn gục cái cây mà lúc nãy cặp chim đậu, chọn một khúc gỗ có tiếng không quá trầm, cũng không quá bổng, ngâm khúc gỗ bảy mươi hai ngày dưới sông, sau đó phơi khô và biến nó thành một nhạc cụ phát ra đúng tiếng con chim phượng hoàng. Ông nghe tiếng gió từ tám hướng và tạo ra tám nốt trong nhạc lý. Ông gọi mọi người đến và nói: “Ta đã đục đẽo khúc gỗ này và biến nó thành một cây đàn cổ cầm. Đàn dài ba xích, sáu thốn, năm phân [1], ứng với ba trăm sáu mươi lăm ngày trong năm, rộng sáu thốn [2] tượng trưng cho Trời, Đất, Nam, Bắc, Đông, Tây, sáu góc của thiên hạ. Mặt đàn tròn như vòm trời, còn đáy phẳng như mặt đất. Phần bên trái rộng tượng trưng cho Hồ, phần bên phải hẹp tượng trưng cho Suối. Hồ rộng tám thốn, vì nó chứa tám ngọn gió trong trời đất. Suối dài bốn thốn, vì nó ứng với bốn mùa…” Con thấy không, Thẩm Phong, cây đàn cổ cầm không phải là một nhạc cụ. Nó là vật báu của trời đất…”
[1] 1,28 m.
[2] 21,48 cm.
Dưới mặt trời giữa trưa, những con đường chỉ là những chấm đen và vạch trắng. Thẩm Phong đi lang thang, không biết mình đi đâu mà giọng sư phụ thì ám lấy chàng: “Đàn cổ cầm được Phục Hy tạo ra để phân biệt con người với thú vật. Khi luyện các điệu, quy tắc hít thở và làm chủ cảm xúc, con người vượt lên cao hơn các sinh vật đơn giản khác và đến gần với thánh nhân. Người làm đàn không phải là người thường. Chúng ta mang một nhiệm vụ được trời đất ủy thác.”
Thế rồi Hầu Cảnh, một tướng quân bị đày lên phương Bắc đã phản bội các hoàng đế nhà Lương, những người đã cho hắn lánh nạn. Khi hoàng đế băng hà vì đói trong tù và triều đình sụp đổ, những ngôi nhà thanh nhã bị thiêu rụi và những người biết chơi đàn cổ cầm đều biến mất trong khói lửa nội chiến. Nếu con người không còn biết đến đàn cổ cầm nữa, Thẩm Phong thở dài, điều đó có nghĩa là họ sẽ trở về trạng thái nguyên thủy và sẽ trở lại thành động vật chém giết lẫn nhau sao? Chàng đang ngẫm nghĩ tới đó thì bị thúc mạnh vào lưng một cú. Chàng rùng mình quay lại.
– Tao có tai mắt khắp nơi… Khi mày vừa đặt chân vào thành tao đã biết và chờ mày ở Vượng Phong…
Chu Bảo thở hổn hển chùi trán bực tức:
– Mày làm gì ở đây? Sao không đến chỗ tụi tao?
Thẩm Phong ấp úng không biết bắt đầu giải thích thế nào. Chu Bảo nói tiếp:
– Các món ăn đã được gọi rồi. Tao nói mọi người bắt đầu ăn đi, còn tao đi tìm mày… Đừng có nói với tao là mày ăn rồi đấy!
Thẩm Phong trả lời chàng chưa ăn.
Chu Bảo kéo tay áo chàng đi.
– Được rồi, vậy đi với tao. Mình đi quán Đồng xanh! Hồi sáng tao thấy có bán cá hồi đó!
Thẹn từ mặt tới tai, Thẩm Phong nói chàng thích một bát xúp hơn.
Chu Bảo đoán:
– Hết tiền rồi hả? Tao mời mày! Đi. Tao cũng muốn nói với mày chuyện này nữa.

Hai mươi năm trước, triều nhà Lương gọi tòng quân mỗi gia đình hai thanh niên để mở rộng quân đội chống giặc man di phương Bắc, rất ít người trở về. Chu Bảo lớn lên ngoài đầu đường xó chợ như bao đứa trẻ mồ côi khác. Trộm cắp, tống tiền, chuyên gây gổ, chúng sống thành băng đảng và lui tới những kẻ bần cùng trong xã hội. Quán Đồng xanh là hang ổ của chúng.
Những năm đầu tiên, khi Thẩm Phong và sư phụ ở trong núi Bắc, khi họ vào thành, băng đảng ném đá vào họ ngay khi thấy họ từ xa. Chúng bao vây lấy Thẩm Phong ngay khi người thợ đàn già vào trong nhà Hoa rồi đấm đá chàng túi bụi. Thẩm Phong đánh trả dữ dội và không thèm xin ân huệ của bọn chúng. Sự dũng cảm của chàng làm thằng đầu đảng là Chu Bảo thích thú, rồi khi nó biết Thẩm Phong mồ côi, nó ra sức bảo vệ chàng.
Quán Đồng xanh là một cái lều dựng giữa bốn gốc cây. Vì giờ ăn đã qua nên quán vắng và chủ quán nằm nghỉ trưa trên sàn ở giữa phòng. Chu Bảo đá ông ta một cú vào mạng sườn.
– Dậy đi mày, thằng lưu manh già. Cho tụi tao ăn uống!
Người đàn ông lớn tuổi, tóc lem luốc đầy mỡ, nhảy xuống đất, mắt trợn trừng.
– Thằng cha tội nghiệp bị điếc, – Chu Bảo giải thích.
– Chúng tao muốn ăn cá hồi mập và nướng cho ngon! – Nó hét lên.
Tay nó huơ huơ trong không khí vẽ một con cá rồi làm động tác nướng cá.
Người chủ quán gật đầu rồi đi vào trong bếp sau bức rèm.
Chu Bảo dẫn Thẩm Phong qua một cái bàn thấp. Nó nhìn con đường, người qua kẻ lại rồi vuốt vuốt cái cằm lún phún râu thì thầm:
– Mày có nghĩ tới lúc giàu lên không, Thẩm Phong?
– Không.
– Mày chưa bao giờ nghĩ sẽ làm gì với hai rương đầy bạc sao?
– Chưa bao giờ.
– Mày có tưởng tượng một ngày nọ mày không còn đi chân đất nữa, mà là đi ngựa, không còn ngủ trên rơm thối hoắc nữa mà trên một tấm chiếu thơm tho, lót bông dày êm ái không? Mày có từng mơ có một túi tiền luôn căng hơn sau mỗi bữa ăn thịnh soạn?
– Không.
Chu Bảo liếc nhìn chàng.

– Tại sao?
Chàng thợ đàn trẻ tuổi trả lời:
– Những người sinh ra bần hàn như mày và tao sẽ không bao giờ giàu. Chẳng cần phải mơ mộng làm gì. Nếu người ta ham làm giàu, người ta sẽ phải khổ đau nhiều hơn là nghèo. Nếu người ta không nghĩ tới việc làm giàu, người ta sẽ không nghĩ là người ta nghèo.
 
– Vứt mấy cái triết lý dở hơi khốn kiếp đó đi!
Chu Bảo vặn mình.
– Tao sẽ ày thấy mày gàn dở!
Biết là mình nói quá to, Chu Bảo đặt tay lên miệng rồi vừa nhìn xuống đường nó vừa nói thật nhỏ, tách từng tiếng một:
– Ngày mai, mày sẽ giàu.
Thẩm Phong bật cười.
– Giải thích nghe xem!
Chu Bảo nháy mắt vẻ ranh mãnh.
– Nếu mày không thích tiền, ít nhất mày sẽ thích được sung sướng. Thẩm Phong, mày đã từng bao giờ mơ được nằm ườn bên hiên nhà, vợ mày dệt lụa, còn mày cầm tay con trai mày, dạy nó bước đi chưa?
Thẩm Phong nghe những lời của Chu Bảo như bị đấm từng cú vào giữa lồng ngực. Chàng quay ra đường nhìn khách bộ hành.
– Tao đang có việc lo lắng lúc này… Không ích gì mà mơ tưởng. Tao phải tự xoay xở thôi.
– Tao cũng vậy, tao cũng có lo toan, – Chu Bảo nói tiếp. – Nhưng những lo toan của tao mở mắt cho tao và mang lại cho tao cơ hội.
– Cơ hội? Sao mày có được?
– Hê hê.
Chu Bảo gãi gãi râu, cười cười, không trả lời. Sau một thoáng im lặng, nó cũng tiết lộ:
– Một ngôi mộ, tao đã tìm được một ngôi mộ của triều đình trong núi Bắc. Mình mở ra, lấy châu báu, rồi mình sẽ giàu và sướng… Tất cả sẽ diễn ra trong đêm nay. Mày thấy sao?
Từ thời Hán, đào mộ là một việc phổ biến. Để trả tiền thuê lính tráng, các viên tướng đào những nấm mộ triều đình và mộ các công hầu nổi tiếng để thò tay vào những châu báu chôn theo người chết mong họ sống đầy đủ ở cõi vĩnh hằng. Chính tướng Tào Tháo đã từng trông coi việc đào những ngôi mộ và coi những báu vật như chiến lợi phẩm. Theo gương ông, lính tráng đi trộm cướp ở những địa phương bại trận không bao giờ quên kho tàng dưới lòng đất.
Thẩm Phong cười nhạt.

– Tao nghe nói ở bờ Bắc cũng như bờ Nam dòng Dương Tử, không một ngôi mộ nào chưa bị đào, thậm chí các hoàng đế đã làm ô uế những ngôi mộ của các triều đình thất trận để lấy tiền xây cung điện mới. Đừng có nghe chuyện người ta kể ày.
Chu Bảo ngắt lời:
– Không phải tất cả…
Nó im lặng khi người chủ quán xuất hiện, đặt lên bàn một hũ rượu và hai cái chén mẻ.
– Thẩm Phong, cạn!
Rượu dở xát vào lưỡi chàng thợ đàn trẻ làm cổ họng chàng bị kích thích. Sau hai chén liên tiếp, đầu óc chàng bắt đầu lênh đênh. Kế bên chàng, Chu Bảo không ngừng líu ríu:
– Người nghèo chết vui vẻ vì khi chết, họ đỡ lạnh và đói. Nhưng các ông vua và quý tộc ở trong những ngôi nhà ấm cúng, nằm trên giường lụa, ăn ngày năm bữa thì sợ bị lạc trong cõi Bóng đêm. Còn những người lúc sống là thương nhân sẽ kiếm tiền để đút túi những người canh giữ địa ngục để khỏi bị hành hình, tra tấn. Dường như người ta tìm được mọi thứ trong một ngôi mộ sung túc: ngũ cốc, dầu ăn, chiếu gối, quần áo, đồ trang sức, chén đĩa vàng và những rương đầy bạc.
– Những kẻ đào mộ thường là những người xây mộ, – Thẩm Phong nói. – Họ cha truyền con nối với nhau. Tùy theo vị trí và hình dáng của ngôi mộ, họ có thể lần ra những tính toán thiên văn, luật phong thủy và tái tạo mô hình ban đầu do các kiến trúc sư thiết kế theo luật địa lý. Họ có thể qua được những khúc quanh đường hầm trong lòng đất, qua được cửa đá gắn đầy vũ khí, cung tên và chất độc để tìm ra vị trí chính xác của hành lang dẫn đến phòng mai táng chính, nơi cất vàng bạc. Không có những kiến thức đó, những kẻ đi thử vận may mù quáng sẽ đánh cược cả tính mạng của mình.
Chu Bảo không thèm nghe.
– Mày và tao, nếu tụi mình chết, người ta sẽ chôn mình trong một cái chiếu rách rồi ném mình xuống lỗ. Dưới đất, thân thể của tụi mình sẽ phân rã và hôi thối. Chúng ta sẽ đến vương quốc Bóng đêm, rách rưới, tả tơi. Nhưng những ông hoàng và bà hậu đã tính trước điều đó. Mộ họ còn to hơn cả ngọn đồi kìa. Họ dựng bia cao khắc truyện kể về cuộc đời họ: đến xứ sở người chết, họ muốn được mọi người nhận ra và tôn kính họ. Cơ thể của họ được tắm rửa sạch sẽ, tẩm dầu thơm trước khi đặt vào áo quan. Bụng họ chứa đầy thảo dược và miệng họ ngậm ngọc trai. Họ đội vương miện vàng và mặc áo bào, nằm trong quách bằng vàng và xung quanh họ là những hòm đầy vàng bạc, những thứ đó có thể sẽ là của cải của chúng ta: hồ tắm bằng vàng, đèn thắp hương bằng vàng, giày vàng đính ngọc, kiếm chuôi vàng nạm hồng ngọc và lục bảo, thắt lưng xích vàng… Bất cứ thứ gì trong số này đều sẽ cho chúng ta một cuộc đời sung sướng.
Chủ quán ăn quay lại với đĩa cá nướng.
Chu Bảo im lặng một chút, rồi vừa ăn vừa tiếp tục:
– Trước khi chết, tao muốn biết hương vị cuộc đời tươi đẹp: mọi bữa ăn đều có thịt và có thể mua giày dép cho các con. Mày không muốn vậy sao?
– Thậm chí nếu mày có nói đúng, – chàng thợ đàn trẻ tuổi nói, – mày có tin là người ta có thể đào mộ triều đình bằng hai cái cuốc và bốn cái tay? Tướng Hạng Vũ từng muốn đào mồ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Mười nghìn quân đã đào ngày đêm, họ chỉ tìm được những bức tượng đất nung, không phải là phòng của Hoàng đế. Có vẻ như để tránh bị đào mồ, Hoàng đế Tần Thủy Hoàng đã cho xây dựng một vương quốc dưới lòng đất rộng hàng trăm lý, còn quách của ông ta làm bằng đá pha lê khối chảy trên một dòng sông thủy ngân. Tất cả những ai vào được phòng Hoàng đế đều bị chết vì nhiễm độc. Lúc sống, các vị vua ngự trị ở Tử Cấm Thành, lúc chết, mồ của họ đầy cạm bẫy. Khi đẩy những cánh cổng đá, người ta nhận ngay một cơn mưa mũi tên và những mũi thuốc độc. Người ta bị lọt hố gãy chân hay mất tích trong đường hầm bất chợt sụp đổ. Có những ngôi mộ nằm giữa một túi cát. Khi kẻ trộm mộ trèo xuống mộ, cát trào ra và họ chết ngạt trong cát.
– Mày nghe những chuyện này ở đâu thế? – Chu Bảo hỏi.
Thẩm Phong không trả lời. Chàng cắn một miếng cá hồi rồi lấy một cái xương ra khỏi miệng. Chàng hứa với sư phụ không bao giờ nhắc tới những người bạn lang thang trên sông của ông trước mặt người lạ.
Chàng nhớ khi băng qua một con đường dốc ngược chỉ có sư phụ và chàng biết, họ đi xuống tới bờ sông Dương Tử. Họ có thể phải chờ nhiều ngày mới thấy bóng đen của một chiếc thuyền xuất hiện ở đường chân trời. Lúc đó, họ vẫy tay ba lần từ dưới lên cao. Chiếc thuyền tiến lại gần rất nhanh rồi neo lại. Những ngư dân mời họ leo lên thuyền rồi chia sẻ thức ăn với họ.
Cũng như ông thợ đàn già, những ngư dân này đã sống nhiều cuộc đời. Bị buộc đi lính, họ đã chiến đấu dưới nhiều màu cờ từ Nam chí Bắc. Khi quân họ thất trận, để chạy trốn kẻ thù và những toán quân của chính phe họ, họ phải lánh nạn trên sông Dương Tử. Có kiếm và cung tên của quân lính, họ tấn công các thuyền buôn, đưa qua lại hai bờ Nam Bắc những vật dụng bị cấm, trong đó có chiến lợi phẩm của những tay đào mộ.
Giang tặc trên sông Dương Tử sống bên lề cuộc đời. Với khuôn mặt hốc hác, dáng đứng thẳng, một vài người trên mặt còn mang con dấu đóng bằng sắt nóng để làm dấu tù nhân, những người khác lại phô ra trên vai hình xăm nguyên thủy của những bộ tộc du mục. Bị triều đình hai bên bờ Nam – Bắc truy bắt, họ rất ít khi rời khỏi thuyền và luôn di chuyển theo nhóm. Sư phụ của chàng chữa bệnh cho họ và ngược lại, những giang tặc trả cho ông những tấm gỗ lấy từ các quan tài cổ lên.
 
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.