Bạn đang đọc Dạ Khúc – Chương 44: Cười
Gia Tú trở lại Bangkok một ngày mây mù.
Ngồi chờ mưa bên cửa sổ một quán trầm buồn, nàng trầm tư chơi đùa cùng lớp bọt kem xốp bồng trong tách cà phê. Thi thoảng nàng ngước lên, thả hồn vào những con lá đang lăn lóc trên những mái xe hơi đậu trước quán, trên vỉa hè lát gạch, trên mặt đường nhựa của con phố nhỏ.
Tâm dạ Gia Tú sụt sùi và ngượng nghịu như trong cuộc hội ngộ với người bạn thanh mai trúc mã. Nàng cố không chớp mắt để gói ghém trọn vẹn khung cảnh bình lặng đang chầm chậm trôi qua ngoài khung cửa vào tâm trí. Nàng dùng ngón tay chấm mút chút bọt kem, thú vị với phép ví von mình vừa sáng tạo: Bangkok vài ngày mà ních đầy tay những túi giấy mua sắm, thụ hưởng các dịch vụ du lịch xa xỉ, rồi phóng thanh rằng đã tường tận thành phố Nụ Cười này, thì chỉ là khoác lác. Ai cũng thấy được lớp bọt xốp bồng dễ thương, nhận được vẻ diễm lệ sang cả của Bangkok. Nhưng mấy ai cảm được vị ngọt lịm, hương lãng đãng và cốt cách mộng mơ nép kỹ bên dưới.
Mắt Gia Tú mơn man những hạt mưa đang phi thân bắn vào tấm kính cửa sổ. Lòng nàng hồ hởi đợi chờ: nàng chờ một Bangkok láng lẩy, thơm tho và rạng rỡ sau cuộc tẩy trang của trời đất. Nàng khoan thai uống hết tách cà phê trong mưa, mưa và mưa.
Tha thẩn dọc lối đi bộ trên không ngang trung tâm Bangkok, Gia Tú hít hà đầy phổi những đụm chất sống của Bangkok – những đụm chất sống mà nàng luôn âm ỉ, da diết nhớ – vào từng ngõ ngách cơ thể. Mưa và nắng. Xa hoa và mộc mạc. Phơn phớt và sâu lắng. Ổn và lặng. Từ sâu thẳm của Bangkok đỏng đảnh, tỏa ra một quyền năng mềm mại, khiến người ta được dễ chịu vào tận sâu thẳm con người mình.
Bỗng Gia Tú nhìn khoan sâu vào không gian đang dần mờ nhạt trên ranh giới giữa ngày và đêm. Một áng hốt hoảng vắt ngang ánh mắt nàng. Nàng luôn nghĩ bản thân đã hấp thụ toàn vẹn Bangkok nhiều nhiệt, nhiều màu sắc, nhiều đối lập. Luôn đinh ninh rằng tính khí nàng là hiện thân sống động của Bangkok: cuồng và dịu, chua và ngọt, mềm và rắn – dẫu cái khí chất phong phú ấy đã bay hơi dần… Nhưng giờ, nàng mù mịt hồ nghi: phải chăng nàng chỉ hấp thụ được cái bề nổi của Bangkok? Trên thế gian này, có ai từng dễ chịu khi cận kề bên nàng? Trên thế gian này, có ai luôn cười khi cận kề bên nàng? Cha mẹ nàng, anh trai nàng, Bách, Duy Thức…
Gia Tú ép tâm trí thôi vẩn vơ về mối liên hệ giữa nàng và Bangkok. Nàng không dám nghĩ. Nàng sợ sự thật. Nàng đang học cách vui lòng với mập mờ. Nếu cái sáng tỏ có thể cứa nát tâm thần, thì cớ gì lại mở đường cho bản thân tìm ra đen đen trắng trắng?
Đứng mãi trên lối đi bộ trên không, Gia Tú ngắm Bangkok lung linh dần trong nhịp sống đêm đầy nhiệt lượng. Ánh mắt nàng len lỏi vào những dãy xe óng ánh đèn đang xuôi ngược, vào các trung tâm mua sắm hùng vĩ, vào con phố dài chật kín người buôn kẻ bán. Lẫn trong cái dòng chảy tất bật ấy, nàng nhìn thấy một người đàn ông tàn tật đang rúm ró sau chiếc nón nhàu nhĩ. Vài người qua đường thảy vào đấy mấy xu lẻ. Nhiều người qua đường đối xử với ông như không khí. Lòng nàng co lại niềm thương cảm thân quen…
***
Lâu lắm rồi, khi Gia Tú chưa kịp bước vào tuổi dậy thì, có một mùa hè Gia Tĩnh và Duy Thức sang Bangkok nghỉ hè với nàng.
Vào một buổi tối, cả ba bày kế trốn cận vệ ra ngoài chơi, mua sắm ở các chợ lề đường, nếm thử các món hàng rong. Khi ngang qua những người ăn xin trên phố nàng luôn dừng lại cho ít tiền. Cứ thế vài lần, khi nàng lại sắp bỏ vài đồng bạc vào nón một đứa trẻ ăn xin, Gia Tĩnh liền kéo tay nàng ngăn lại:
– Em đâu thể cho hết tất cả ăn xin trên thế giới. Nếu muốn giúp, hãy gửi tiền vào các quỹ tình thương để họ học một nghề tự nuôi thân. Cuộc sống không tiến lên nếu chỉ một người làm mà nuôi cả trăm người.
Gia Tú đã gật gù ra chiều thấu hiểu, nắm chặt những đồng bạc vừa định cho đi trong lòng bàn tay, rồi bước theo Gia Tĩnh. Nhưng chỉ được một đoạn, nàng đột ngột quay đầu chạy lại, bỏ nắm tiền vào nón của đứa trẻ ăn xin.
– Nếu không làm thế, đêm nay em bứt rứt không ngủ được mất!– Gia Tú trả lời cái nhìn không vừa ý của Gia Tĩnh, cùng một nụ cười cầu tài thơ trẻ.
***
Tối hôm sau, Gia Tú lại đến đứng trên lối đi bộ trên không chạy ngang trung tâm Bangkok, ngắm nhịp sống đêm đầy nhiệt lượng và người đàn ông ăn xin. Ba tối liên tiếp, người đàn ông ấy luôn đến và đi vào cùng một khoảng thời gian, ngồi cùng một vị trí. Như một nhịp sống. Và tối nào, nàng cũng sai cận vệ bỏ vào chiếc nón rách bươm ấy ít tiền.
Đến ngày thứ tư, Gia Tú thôi ra lệnh cho tiền người ăn xin. Quyết định ấy cấu xe lòng dạ nàng bằng hổ lốn cảm xúc. Cay đắng vì đã phản bội cái tâm tính lương thiện, ngọc ngà nàng luôn trân quý. Hãnh diện vì cuối cùng trái tim chuyên yêu chiều những thương cảm nhất thời đã biết suy nghĩ thiệt hơn. Xót buốt trong khinh rẻ bản thân: nàng dùng cái ăn của người ăn xin đáng thương hòng phục vụ việc rèn dũa con người mình. Nàng dẫm đạp lên cái ăn của người ăn xin, như dẫm đạp một viên sỏi để tiến bước trên đường đi của mình.
Người ăn xin ngồi yên trên lề đường, thoắt ẩn thoắt hiện giữa dòng người mỗi lúc mỗi dày của tối cuối tuần. Gia Tú nhìn ông ta một cái thật sâu. Nàng mỉm cười, rồi quay lưng đi