Cuộc Sống Hàng Ngày Của Một Tên Lười Không Thiết Sống

Chương 73: Chẳng Khác Nào Một Thi Thể Chết Không Nhắm Mắt


Bạn đang đọc Cuộc Sống Hàng Ngày Của Một Tên Lười Không Thiết Sống – Chương 73: Chẳng Khác Nào Một Thi Thể Chết Không Nhắm Mắt


Hương thơm lan trong gió, dần bị mùi mực khuất lấp.
“Tứ điện hạ, Tứ điện hạ”.
Khi ấy là giữa hè, hoa quế vẫn chưa nở, cành lá xanh um mướt mát.

Y nằm trên cành cây quế ngàn tuổi, che mặt bằng một cuốn nghị chương [1], nghe có người nhỏ giọng gọi mình.
[1] Nghị chương: Bài văn nghị luận về các vấn đề chính trị/xã hội để cống hiến cho triều đình.
Y nghe được nhưng không quá muốn để tâm, chỉ muốn giấu mình giữa tán lá dày, biến thành một phần của nó luôn thì càng tốt.
Phía dưới có tiếng xào xạc, một bóng người trèo lên trên.
Cái cây này thực sự rất sum suê, tán lá che rợp cả bầu trời, những cành cây to hơn cả vòng eo người trưởng thành, với trẻ con thì kích thước của chúng lại càng lớn hơn.
Đứa nhóc ấy ngẩng đầu nhìn y, rồi chầm chậm tới gần.
Bị phát hiện ra rồi, không trốn được.
Y nhấc cuốn nghị chương lên, nghiêng đầu nhìn.
Gương mặt đẹp vẫn còn nét trẻ con, nhưng đã lờ mờ thấy được cái vẻ hào hoa phong nhã sau này.
“Xin lỗi”.

Đứa nhóc kia cất lời.

“Thần làm phiền đến người rồi, đúng không ạ?”.
Đúng thế.
Khương Ngộ thầm nghĩ vậy, nhưng vẫn tỏ ra ôn hòa: “Không đâu”.
Đứa nhóc đã yên tâm, bèn nói: “Dạo này điện hạ bận lắm ư? Sao người không tới Quốc Tử Giám học?”.
Giọng hắn đôi lúc vẫn còn khẩu âm, Khương Ngộ ngồi dậy rồi vuốt phẳng vạt áo mình, đáp: “Mẫu phi mời tiên sinh cho ta rồi”.
“Sao phải mời tiên sinh riêng ạ?”.
Ánh mặt trời chiếu xuyên qua kẽ lá, rọi lên gương mặt hắn nhờ làn gió nhẹ.

Khương Ngộ suy nghĩ một chốc rồi nói: “Quốc Tử Giám quá đông nên tổng thể tiến độ hơi chậm, ta học một mình thì sẽ nhanh hơn đôi chút”.
Đứa nhóc thấp thỏm: “Hay, hay là tại thần mãi chưa học xong tiếng phổ thông…”.
“Sao mà thế được”.

Khương Ngộ đáp.

“Giờ ngươi đã giỏi lắm rồi”.
“Ừm…”.

Đứa nhóc cúi đầu, chẳng được bao lâu sau đã không kìm được mà khoe khoang với y: “Hôm nay tiên sinh khen thần tiến bộ rất nhanh, khen thần đã đọc thơ rất sõi từng chữ một, tốt hơn hồi trước nhiều.

Tiên sinh còn hỏi có phải thần lén tìm thầy giáo khác không nữa”.
“Ngươi rất giỏi mà, chỉ cần dám nói thì sẽ có tiến bộ thôi”.
“Nhờ Tứ điện hạ dạy bảo ạ”.
Khương Ngộ cười khẽ.
Góc nhìn của Tang Phê bị chia đôi.

Một ở đó, ngồi bên Ân Vô Chấp thời ấu thơ, một nhìn xuống hai người từ trên cao như Thượng Đế.

Đây là nguyên chủ.
Nhờ mùi hương kia mà y lại mơ về quá khứ của nguyên chủ, lần này, bên cạnh y còn có thêm Ân Vô Chấp ngày bé.
Tiếng phổ thông của Ân Vô Chấp là do nguyên chủ dạy dỗ.

Y lười nên chẳng muốn xem thêm, mùi hương nhanh chóng dẫn y xuyên qua dòng thời gian tới vài ngày sau đó.
Nguyên chủ đi trên hành lang cung điện, bên cạnh là hai người khác đang cười nói, y yên lặng bước từng bước, trông thì có vẻ đang lắng nghe họ nhưng thực ra linh hồn đã bay lên chín tầng mây.
“A Ngộ”.

Nhờ trí nhớ của nguyên chủ, Khương Ngộ nhận ra người đang huých y chính là Tề Vương Khương Minh.

“Đệ nghĩ gì mà ngẩn ra thế, có nghe những gì ta và Thái tử ca ca vừa bàn luận không?”.
Khương Ngộ ngẩng đầu, vô thức giấu cánh tay bị huých ra sau lưng: “Ân Thú đánh Tả Hạo Thanh”.
“Đệ có nghe à”.
“Có chứ”.

Dường như đây là một phản xạ có điều kiện, dù tâm hồn không hiện hữu nhưng thể xác y vẫn vô thức hòa lẫn với thế giới này.

“Sau đó thì sao?”.
Khương Nguyên cười khẽ: “Thấy chưa, ta nói rồi, đệ ấy vẫn nghe mà”.
Khương Minh đi vòng quanh Khương Ngộ, ranh mãnh nói: “Ân Thú đánh Tả Hạo Thanh, mà đệ cũng biết tính khí phu nhân Võ Hầu ra sao rồi đấy.

Cùng lắm là chiều nay thôi, chắc chắn bà ta sẽ không nhịn được mà tới phủ Định Nam Vương lí sự, sao nào, có muốn đi xem kịch vui không?”.
Khương Nguyên nghiêng đầu nhìn mặt Khương Ngộ: “A Ngộ đâu có giống chúng ta, đệ ấy không thích chốn đông người”.
“Mới có bao nhiêu tuổi đầu”.

Khương Minh túm vai Khương Ngộ.

“Hoạt bát lên đi, chừng nào màn kịch kết thúc ca ca dẫn đệ đi ăn mấy món thật ngon”.
Sắc mặt Khương Ngộ tái mét, Khương Nguyên lập tức kéo tay Khương Minh ra: “Được rồi, đừng quấy rầy đệ ấy nữa, đâu phải đệ không biết quý phi quản nghiêm tới mức nào, đừng có hại đệ ấy”.
“Thôi được”.

Khương Minh rụt tay về, bỗng nhéo má Khương Ngộ: “Không đi thật à? Hay lúc về ta mua bánh nướng cho đệ nhé?”.
“Cảm ơn Tam ca”.
“Ngoan”.

Khương Nguyên xoa đầu y.
Họ chia hai đường, Tề Vương đi xa rồi mà vẫn còn hỏi: “Có cần gọi lão Ngũ không?”.
“Đệ lại còn coi như đi xem kịch nữa.

Phụ hoàng bảo chúng ta quan sát để xem có thể phân tích được tính tình và cách xử sự của các quan viên qua những mâu thuẫn giữa họ hay không cơ mà”.
“Mệt chết đi được, đúng là làm út thì sướng nhất”.
“Huynh đệ chúng ta đông, sau này sẽ đồng tâm hiệp lực, không phải sợ”.
Nguyên chủ đứng tại chỗ nhìn theo họ, giơ tay xoa bên mặt bị nhéo.
Y không tự chủ được mà tựa người vào lan can, nhìn ánh mặt trời loang loáng trên mặt nước.


Thi thoảng có cá chép màu xanh màu đỏ bơi qua, cái đuôi quẫy nước.
Chỉ trong chớp mắt ấy, dường như y đã cảm nhận được năm tháng rộng dài.
“Ùm…”.

Một tiếng động lớn vang lên, y ngẩng đầu và thấy một bóng người đang giãy giụa trong làn sóng dập dềnh, cùng giọng kẻ hầu gào lên: “Có ai rơi xuống nước rồi!!!”.
Y chưa biết chắc người đó là ai, cũng chưa biết chắc liệu mình có thể cứu kẻ này hay không – nhưng y đã quăng hết sách vở trong tay, vọt qua lan can mà nhảy xuống.
“Ngũ điện hạ…!Tứ điện hạ kìa! Tứ điện hạ cũng rơi xuống nước rồi!!!”.
Mọi người trên cầu đều hoảng loạn.
Y cảm nhận được rất rõ lực cản của nước mỗi lần mình khua tay, bơi tới bên cạnh người kia như một chú cá, quàng lấy eo hắn ta thật chắc rồi đẩy lên trên.
Người kia đã nổi lên mặt nước, Khương Ngộ lại chỉ lẳng lặng chìm dưới đó, mở to hai mắt.
Mái tóc dài uốn lượn như tảo biển, có vài sợi quẩn quanh trong tầm nhìn.
Những con cá vừa hiện diện ở rất xa giờ lại gần trong gang tấc, chúng quẫy đuôi bơi qua người y.
Khương Ngộ giơ tay, thậm chí có con to gan cắn nhẹ lên đầu ngón tay y.
Trong giấc mơ này Tang Phê quan sát nguyên chủ từ hai góc nhìn khác biệt, cố hiểu nguyên chủ đang nghĩ gì, nhưng y nhanh chóng phát hiện ra rằng…! Người này chẳng nghĩ gì hết.
Rõ ràng y có thể tự ngoi lên mặt nước nhưng lại chỉ yên lặng chìm dưới đó, mãi tới khi hơi thở cuối cùng cũng đã mất đi.
Trong mơ, chẳng rõ ngày tháng là gì.
Tang Phê nhìn thấy Diêu Cơ đang đầm đìa nước mắt: “Lúc cứu người con có nghĩ tới mẹ không? Con có mệnh hệ gì thì mẹ phải sống sao đây? Đứa bé này, sao con cứ mãi không hiểu…”.
“Nhảy”.

Hình ảnh trong mơ dừng lại, rồi tan đi theo gió.
Tang Phê lại nhìn thấy một người đàn ông.
Y cũng từng thấy kẻ này trong mộng, làn da rất trắng, mái tóc rất đen, gương mặt cũng trẻ trung vô cùng.
“Uống thuốc xong thì ăn một miếng mứt nhé Ngộ Nhi, thế là hết đắng, nào, con thử xem”.
Kẻ ấy đưa miếng mứt tới bên miệng Khương Ngộ.
Tang Phê hiểu, đây là khoảng thời gian sau khi Văn Thái hậu vừa vào cung chưa được bao lâu, nguyên chủ thoát khỏi sự kìm kẹp của Diêu Cơ và được nuôi nấng trong cung nàng.
Phụ thân của nguyên chủ có ngoại hình ôn hòa, nụ cười hiền lành và cũng thật ấm áp.
Văn Thái hậu ngồi cạnh đó cũng cất lời: “Ngộ Nhi, phụ hoàng tự tay đút cho con này, ăn một miếng đi.

Ban nãy mẫu hậu cũng đã nếm thử rồi, ngọt lắm, con vừa uống thuốc xong thì giờ ngậm một lúc là vừa”.
Nhưng nguyên chủ không nhận lấy: “Quá ngọt, nhi thần không quen”.
Văn Thái hậu biến sắc, vô thức ngước nhìn gương mặt tối sầm của tiên đế rồi vội vã trách móc: “Ngộ Nhi, con nói gì thế, còn không mau xin lỗi phụ hoàng”.
“Thôi”.

Tiên đế ngăn nàng lại.

“Trẫm có lỗi với Ngộ Nhi.

Con cứ nghỉ ngơi cho thật tốt, ngày mai phụ hoàng sẽ tới thăm con”.
Hắn cất bước ra ngoài, Văn Thái hậu nhanh chóng nối gót: “Bệ hạ, Ngộ Nhi còn nhỏ nên chưa hiểu chuyện, người…”.
“Nó giận dỗi cũng bởi nó coi trẫm là cha, sao trẫm có thể giận nó được”.


Tiên đế quay đầu nhìn, Khương Ngộ đã thả màn giường xuông.
Văn Thái hậu gượng cười, gương mặt hoảng hốt thoáng dịu lại.

Tiên đế nói thêm: “Tình hình của thằng bé này không giống với những đứa khác, nàng nhớ phải kiên nhẫn với nó”.
Văn Thái hậu vội vã gật đầu, một chất giọng quen thuộc lại vang lên cạnh đó: “Bệ hạ, Diêu Quý phi mời người tới điện Tử Vân…”.
Tiếng nói dần đi xa, chẳng còn nghe rõ.
Lúc này Tang Phê mới muộn màng phát hiện – hóa ra Tề Hãn Miểu là tâm phúc mà tiên đế để lại cho nguyên chủ.
Y muốn biết tiên đế tới điện Tử Vân làm gì, dỗ con xong lại dỗ vợ ư? Nhưng y chỉ có thể ở lại trong màn cùng nguyên chủ, nhìn nguyên chủ im lặng nằm đó.
Có sao nói vậy, cái dáng co mình này là vẫn chưa học được gì tinh túy từ Tang Phê đâu.
Nhưng người ta cũng đâu phải Tang Phê.
Tiên đế bắt đầu thường xuyên tới tẩm cung của Văn Thái hậu, ngoài ra, một người khác cũng thường xuyên tới.
Chẳng còn nghi ngờ gì, đó chính là Ân Vô Chấp phiên bản nhí.
Lần đầu tìm tới, hắn hỏi Khương Ngộ bằng đôi mắt đỏ hoe: “Thần nghe nói Tứ điện hạ ngã xuống nước vì cứu người ta, giờ điện hạ thấy thế nào rồi?”.
Nguyên chủ đáp: “Ổn cả rồi”.
Ân Vô Chấp nhí dụi mắt, hắn ngày ấy thấp hơn bây giờ nhiều.

Giờ hắn quỳ xuống là có thể tựa cằm lên giường, còn ngày ấy, nếu muốn bám lên giường thì hai chân hắn chẳng thể chạm đất, nhìn từ đằng sau là thấy cái mông nhỏng lên, tư thế hơi buồn cười.
Tang Phê tò mò nhìn hắn, và dường như Khương Ngộ cũng chú ý tới điều này: “Đừng khóc, ngồi đây đi”.
Ân Vô Chấp đứng thẳng dậy mà hỏi: “Thần được phép ngồi trên giường sao ạ?”.
“Ừm”.
Hắn được chiều mà sợ, bò lên trên rồi ngồi thật ngay ngắn, nhìn y bằng đôi con ngươi đen lấp lánh: “Tứ điện hạ còn tới Quốc Tử Giám học nữa không”.
“Có chứ”.
“Vậy Tứ điện hạ dạy thần chơi cờ được không?”.
“Ngươi không biết chơi cờ sao?”.
“Biết một chút ạ”.

Ân Vô Chấp nhí nhanh miệng đáp, rồi lại nhỏ giọng: “Chẳng được bao nhiêu”.
Nguyên chủ đáp: “Được thôi”.
Y tính vén chăn, Ân Vô Chấp nhí bèn hoạt bát nhảy xuống đất: “Để thần đi lấy bàn cờ!”.
Năm ấy Khương Ngộ mười tuổi, Ân Vô Chấp tám tuổi, y cao hơn Ân Vô Chấp một chút.

Hai người cùng ngồi khoanh chân trên giường, bàn cờ đen trắng đặt ở giữa, Ân Vô Chấp nhí thi thoảng lại lén ngước nhìn.
Tang Phê: “.”.
“Tứ điện hạ”.

Ân Vô Chấp nhí hỏi.

“Người có muốn ăn bánh hoa không?”.
Một bàn tay cầm cái bánh hoa đưa tới bên miệng nguyên chủ.
Trong đầu Tang Phê hiên lên một bàn tay to, chẳng biết đã lớn hơn bàn tay tí hon của quá khứ gấp mấy lần.
Thì ra bàn tay ấy đã từng đút cho nguyên chủ.
Tang Phê chuẩn bị bỏ qua đoạn kí ức này.
Một bóng người bỗng vọt vào, Tương Vương phiên bản nhí cũng được nuôi trong cung Văn Thái hậu hét lên: “Ân Thú, tránh xa Tứ ca ca của ta ra!”.
Bánh hoa rơi xuống bàn cờ, Ân Vô Chấp bé nhỏ cũng bị lôi xuống dưới, hắn và Tương Vương nhanh chóng lao vào nhau.
Tang Phê quyết định, lần sau mà gặp Khương Duệ thì y sẽ thưởng cho hắn ta một…!Ừm, hắn ta thích gì thì thưởng thứ đó.
Lần cuối cùng nguyên chủ gặp mặt Ân Vô Chấp ngày bé đã là hơn một năm sau, hắn xăm xăm bước vào, đôi mắt vẫn còn ửng đỏ.
Nguyên chủ ngồi trước bàn cờ, ngước mắt nhìn hắn: “Nghe nói ngươi sắp theo Định Nam Vương tới Nam Cương”.
“Thưa vâng”.

Ân Vô Chấp ngồi xuống đối diện y.


Nguyên chủ nhìn hắn chốc lát, bèn hỏi: “Không muốn đi à? Nếu không muốn đi thì cứ ở lại kinh thành”.
“Cha đặt tên thần là Ân Thú, ý nghĩa là trấn thủ Nam Cương, thần không thể phụ lòng cha được”.
Nguyên chủ cụp mắt: “Ngươi có thể làm những chuyện ngươi muốn, đừng sống vì người khác”.
“Nhưng thần muốn sau này mình sẽ trở thành người có ích như Tứ điện hạ vậy”.

Ân Vô Chấp bé nhỏ nói bằng giọng buồn buồn.

“Với lại, không phải thần không muốn đi, chỉ là thần lưu luyến điện hạ thôi”.
Nguyên chủ khựng lại.
“Thần nghe nói Tứ điện hạ thường lấy giúp người làm vui, được gọi là tiểu thánh nhân, thần cũng muốn trở thành một thánh nhân như điện hạ”.
Những ngón tay thon trắng hạ quân cờ, nguyên chủ nói: “Ngươi mà học theo ta thì không trở thành thánh nhân được đâu”.
Ân Vô Chấp nhí ngơ ngẩn chẳng hiểu gì, hắn được sinh ra ở Nam Cương, vừa tới kinh thành chưa được bao lâu nên cũng chẳng đọc nhiều sách, bèn vô thức hỏi: “Vậy phải làm sao để trở thành thánh nhân?”.
“Thánh nhân vô vi cố vô bại, vô chấp cố vô thất [2]”.
[2] Nghĩa là thánh nhân không có chí nên không thất bại, không có chấp niệm nên chẳng mất gì.
“Thần không hiểu”.
“Đừng mong muốn gì, cũng đừng sinh chấp niệm vì bất cứ thứ gì và bất cứ ai”.
Ân Vô Chấp nhí chẳng nghe rõ, nhưng hắn nhanh chóng nghĩ xong xuôi: “Tứ điện hạ là thánh nhân, thần cũng là thánh nhân, sau này chúng ta cùng mọc cánh thành tiên, trẻ mãi không già, vậy thì có thể bên nhau mãi mãi rồi”.
Đôi mắt đen láy của hắn như phát sáng, ánh nhìn đầy mong đợi, phải một lúc lâu sau mới nghe được tiếng đáp: “Ừm”.
Trước khi đi, Ân Vô Chấp quay người nhìn Khương Ngộ, vui vẻ hỏi: “Vô chấp cố vô thất.

Vậy từ nay thần đổi tên thành Vô Chấp nhé, nghe có hay không?”.
“Nào có ai tự đặt tên cho chính mình”.
“Vậy thì thần sẽ nói đó là do Tứ điện hạ ban cho”.

Ân Vô Chấp thản nhiên đáp.

“Đến khi lớn, đã thành tài, thần sẽ quay về tìm điện hạ, cả đời phụng sự cho điện hạ”.
“Không cần đổi tên”.
“Thần thích, thích điện hạ…!ban tên cho thần”.
Gió thu thổi, hương quế ngòn ngọt.

Ân Vô Chấp nhỏ bé nhìn nguyên chủ không chớp mắt, mãi đến khi…
“Nhảy”.
“Gì cơ?”.
“Nhảy”.
Ân Vô Chấp đã tỉnh dậy: “…”.
Hắn chần chừ ôm Khương Ngộ lên.
Thiên tử thay đổi rồi, chẳng theo hướng tích cực được là mấy mà lại còn nhiễu sự hơn, mới sáng sớm đã bắt người ta ôm nhảy.
Hắn cau mày, nhảy từ bên này sang bên kia, rồi lại nhảy từ bên kia về bên này.
Khương Ngộ tỉnh vì xóc nảy.
Y liếc cái là thấy nốt ruồi son dưới khóe mắt Ân Vô Chấp.
Khương Ngộ: “.”.
Y thẳng thừng ngửa đầu ra sau, đôi mắt tĩnh lặng, chẳng khác nào một thi thể chết không nhắm mắt.
Giọng nói mừng rỡ của Tề Hãn Miểu từ ngoài kia vọng vào: “Thái hoàng thái hậu có lệnh, Phật Tổ hiển linh, cuối cùng tâm bệnh của bệ hạ cũng đã có chuyển biến tốt, chúng ta cần lập tức chuẩn bị để ngày mai khởi hành về cung”.
Lão bước vào phòng, nụ cười tắt ngấm.
Tề Hãn Miểu chầm chậm đi tới, cẩn thận nâng đầu thiên tử dậy, vì quá nhẹ tay nên cái đầu y lại thõng xuống, thậm chí còn hơi đung đưa.
“…!Sao thế này”.

Lão lại nâng đầu thiên tử dậy thêm lần nữa, xót xa hỏi: “Bệ hạ ơi, người sao thế?”..


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.